Hôm nay,  

Cuối Cơn Mưa Là Sự Mất Mát

20/06/202011:03:00(Xem: 3739)
Trinh Thanh Thủy
Hình của Trịnh Thanh Thủy chụp.



Sau mấy ngày bận rộn vì lo hậu sự cho bố, tôi mệt nhoài. Công việc làm tôi tạm quên. Tôi cố tìm mọi cách để óc không nghĩ ngợi về cái chết của ông và tạm giữ được tâm bình an. Tuy nhiên, khi mọi việc lắng xuống, óc bắt đầu thảnh thơi là lúc tôi bắt đầu nhớ. Bỗng dưng tôi thấy được sự trống vắng ùa tới. Hình như tôi có cảm giác mình vừa mất một cái gì đó mà không biết mình mất cái gì. Tri giác bảo tôi rằng, tôi rất mừng khi bố tôi được ra đi như ông ước nguyện, nhưng tàng thức lại báo rằng tôi đang thiếu đi một cái gì đó. Tôi loay hoay tìm kiếm. 

Sự mất ngủ bắt đầu bằng những liên tưởng của ký ức với từng lời nói, hành động và hình ảnh của bố được quay ngược. Thơ ấu và những yêu thương nâng niu của ông trở về tràn ngập khoang tim. Con gái thường gần gụi bố, ngày còn bé tôi được ông cưng nhất nhà. Cô con gái rượu thường được bố đèo đi sau yên xe đạp có mặt ở khắp phố phường với sự cưng chiều rất mực. Áo đầm của tôi, bố thường đặt may cả tá đến nỗi chưa mặc hết vòng đã không còn vừa vì tôi lớn hơn rồi. Mỗi khi tôi xin xỏ điều gì bố cũng cho không tiếc, trong mắt bố lúc nào tôi cũng là niềm hãnh diện của riêng ông. Bố hay kể cho tôi nghe về quê hương miền Bắc xa tít mù khi tôi còn ở Sài Gòn. Hưng Yên là nơi bố mẹ tôi lớn lên, gặp, lấy nhau và cũng là nơi trồng và sản xuất những quả nhãn ngọt, cơm dầy, hạt nhỏ, thơm lừng được gọi là "Nhãn Tiến". Đó là loại nhãn ngon nhất được đem tiến dâng cho vua, chỉ có ở Hưng Yên, hệt như loại "Vải Lệ Chi" đem tiến vua mà Dương Quý Phi rất yêu thích. 

Sau này khi nhãn được nhập vào Mỹ, người Việt dưới quận Cam hay trồng và bán theo cân, đến mùa, tôi vào vườn mua về cho bố mẹ thưởng thức. Ông ăn nhãn rồi nhớ, lại kể nhiều địa danh của Hưng Yên trong đó có Nễ Châu và Phố Hiến. Nhà bố có trồng nhãn nhiều lắm, cả chục cây, còn ven đê thì người ta trồng vô số kể. Tôi hay hình dung ra một vùng xanh thắm, mây nước mờ xa, mà ba phía đều được bao bọc bởi những nhánh sông của vùng đồng bằng Sông Hồng. Cuộc sống khó khăn khiến ông bôn ba khắp nơi để nuôi bố mẹ khi còn rất trẻ. Ông tự hào, có lúc bôn ba lên cả mạn ngược buôn gỗ, vùng ma thiêng nước độc, bạn bè ai cũng nghiện hút mà ông không bao giờ dính vào. Nạn đói Ất Dậu là lúc ông mất đi người mẹ thân yêu. Bố rưng rưng kể. Ngày đó miền Bắc đói và chết nhiều lắm, khắp nơi ai cũng đói, người ta còn bỏ cả thịt người trong bánh mà bán. Ông phải đi làm phu lục lộ để có chút gạo đem về nấu cháo nuôi bố mẹ và các em cho qua cơn đói. Ông khóc và bảo ông ân hận suốt đời mỗi khi nhớ đến bà nội thuở ấy vì không đủ ăn nên bà mất. Bà đã nhịn đói cho cả nhà ăn bằng cách giả vờ đau bụng, nhịn ăn cho chồng con sống, để rồi qua đời. Tấm gương người đàn bà Việt Nam hy sinh cho chồng con ngày xưa, tôi cũng thấy được qua mẹ của tôi mỗi lần cả nhà ăn cơm. Mẹ tôi gỡ xương cá và gắp cho bố tôi những miếng cá ngon nhất, sau đó bà gắp cho chúng tôi. Cuối cùng bà ngồi gặm cái đầu, cái đuôi, và bộ xương cá mà bà bảo là rất thích ăn xương. Tôi cũng nghe những tấm gương hy sinh tương tự như vậy của các bà mẹ Việt Nam ngày trước. Không biết bây giờ, thời đại chúng tôi còn có những việc như thế này xảy ra không?

Trong khốn khó và đói khổ con người trở nên tháo vát và trưởng thành. Bố học một nghề để làm vốn sống. Dựa theo thời thế, ông làm đủ thứ để sinh nhai. Di cư vào Nam năm 1955, ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Ông xây dựng cuộc sống mới ở vựa lúa miền Nam mầu mỡ phì nhiêu, tràn đầy tôm cá. Từ một căn phòng thuê chật hẹp của một xóm nghèo lao động, qua những năm cực nhọc của bố, gia đình chúng tôi dọn đến một căn nhà mua mới và khang trang hơn. Bố mở trường dạy nghề, nhờ trời mọi điều tốt đẹp, chúng tôi lần nữa dọn nhà ra con đường lớn của đô thị với một cao ốc 7 tầng do ông tự thiết kế và mướn thợ về xây. Ông quay qua ngành xây dựng nhà đất, mua bán rồi đấu thầu trong quân đội . Bố học được sự gan dạ, liều lĩnh, biết đánh hơi những biến chuyển sắp xảy ra trong những lãnh vực ông bỏ tiền đầu tư. Sự thành công của ông phần lớn nhờ vào đức tính hiền hậu, khiêm cung, dễ mến và biết nắm bắt thời cơ. Tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp, chở che và cưng chiều của người, cho đến cuộc di tản năm 1975, đã làm thay đổi số phận bao nhiêu người Việt. 

Qua đến Hoa Kỳ, bố vẫn phải làm việc cực nhọc để nuôi chúng tôi ăn học. Khi đủ lông cánh, lũ chim con bay xa. Ông về hưu, lúc đó bệnh tật bắt đầu nhen nhúm và tìm tới. Ông bị ung thư đại tràng nhưng nhờ phát giác sớm, cắt bỏ nên không có di căn. Tuy nhiên, có một nỗi khổ đeo đẳng ông suốt những năm tháng dài của cuộc sống là lúc nào người cũng phải quanh quẩn bên cái cầu tiêu. Mỗi 15 hay 20 phút ông phải vào nhà cầu một lần vì khúc ruột già còn lại của ông không còn đủ sức để giữ những cặn bã thừa của cơ thể. Bố cứ nói hoài một câu “Sống lâu, khổ quá".

Thêm vào cơn áp suất mắt Cườm Uớt(Glaucoma) tăng cao, ông mất đi toàn thể ánh sáng cuộc đời. Như chiếc xe cũ, đề hoài không nổ, thính giác dần dà mất đi để người phải bơi lội trong một thế giới mù tăm không ánh sáng, phẳng lì tiếng động. Trí nhớ chỉ còn là những quá khứ được nhai lại trong những thước phim câm. Lâu lâu những cơn hành hạ của bệnh Alzheimer nổi lên, khiến bố trở nên bất thường, quậy phá, hoài nghi và hoang tưởng. 

Trong một buổi sáng ngồi tắm làn nắng ấm dịu nhẹ của mùa đông Ca li trước hiên nhà, ông bỗng dưng bất tỉnh và gục xuống, lay mãi không dậy. Sức nặng của tuổi tác, bề dày của thời gian, áp lực của bệnh tật, đè sâu xuống bờ vai gầy người đàn ông 89 tuổi như một thách đố của thượng đế dành cho ông. Được đưa vào bệnh viện, ông tỉnh lại và rất khổ sở khi xem những thử nghiệm để truy tìm căn nguyên cơn hôn mê như một hình phạt gớm ghiếc của y học. Ông nói với bác sĩ rằng, nếu không được cho về nhà, ông sẽ cắn lưỡi tự tử. Cuối cùng, ông được về sau một tuần. Câu ông dặn người nhà lúc bước ra khỏi bệnh viện là, từ rày về sau cứ để ông chết ở nhà, dù ông có việc gì.

Bố tôi là một người chịu đau kém, có lẽ da thịt ông nhạy cảm và lúc nào ông cũng đòi chết. Giữa ranh giới của ước vọng muốn chết vì bệnh tật và ý chí sinh tồn, người vẫn phải sống một cuộc sống không mong ước. Tôi nghĩ điều mang lại can đảm cho người còn tiếp tục chống đỡ được là sự tồn tại của mẹ tôi. Ngày nào bố cũng hỏi và cầm tay mẹ tôi để biết bà vẫn còn bên cạnh. Chúng tôi có thuê người chăm sóc tại gia cho ông bà. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông lại nắm tay con cháu để nhận diện từng người qua bàn tay và hỏi han thân mật, dịu dàng, thương yêu. Riêng tôi, ông hay bảo sao tay tôi bé và gầy thế, rồi nhắc nhở tôi ráng ăn nhiều cho mập. Niềm thương con của ông lúc nào cũng chan chứa trong lòng. 

Ngọn đèn dầu cháy lâu rồi cũng cạn. Bố yếu dần và trút hơi thở cuối sau khi không ăn uống được nữa vào tuổi 97. Ai cũng bảo ông thọ quá, nhưng họ có biết đâu những năm dài của tuổi thọ ấy là những năm người kéo dài một cuộc sống điếc đặc, đui mù, chỉ nằm dài trên giường cho đúng cái câu "sinh, lão, bệnh, tử" hành hạ. Tôi mừng cho bố cuối cùng đã ra đi thanh thản, thoát được cái nghiệp mà người phải trả quá lâu mà không biết người đã vay tự kiếp nào. Mừng thì mừng, nhưng nhớ thì vẫn nhớ. Hôm nay tiễn người đi trời rắc mưa xuân tưới nhựa nguyên cho mầm non nẩy lộc. Những đóa hồng trắng được chúng tôi ném vào huyệt mộ sẽ mang hương yêu của chúng tôi ủ mãi bên người. Mưa vẫn rơi hạt nhẹ và xóa dấu chân người. 

Trịnh Thanh Thủy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà thơ Chase Twichell, sinh ngày 20/8/1950 tại New Haven, Connecticut, hoàn tất Thạc sĩ tại Iowa Writers' Workshop. Cũng là một giáo sư, bà từng dạy tại các đại học Princeton University, Warren Wilson College, Goddard College, University of Alabama, và Hampshire College. Bà xuất bản nhiều thi tập, trong đó tập thơ Horses Where the Answers Should Have Been (nxb Copper Canyon Press, 2010) giúp bà thắng giải thưởng thi ca Kingsley Tufts Poetry Award với 100,000 đôla từ đại học Claremont Graduate University. Bà cũng được nhiều giải thưởng văn học khác từ các cơ qaun và tổ chức như New Jersey State Council on the Arts, the American Academy of Arts and Letters và The Artists Foundation. Nhiều bài thơ của Twichell mang chất Thiền do ảnh hưởng từ nhiều năm học Thiền từ nhà sư John Daido Loori tại thiền viện Zen Mountain Monastery. Nhà thơ Twichell đã trả lời tạp chí Tricycle trên số báo mùa thu 2003 rằng: “Thiền tọa và thơ, cả hai đều là học về tâm. Tôi nhận ra áp lực nội tâm khởi lên từ cả
CÓ NHỮNG ĐÊM TRĂNG VỠ không phải là tập truyện đầu tay của Vũ Đình Kh. Tuy nhiên, tập truyện này đã chứng nghiệm cái “tình” mà Vũ Đình Kh đã dành cho một vùng đất mang tên Diên Khánh. Mà Diên Khánh là một vựa trái cây của Khánh Hòa. Phải chăng, vì yêu từng hòn sỏi quê hương, yêu từng ngọn cỏ, luống rau nơi mình khôn lớn, yêu từng con dế của những buổi thiếu thời, v.v., mà ông đã viết tắt hai chữ Khánh Hòa, làm bút hiệu cho mình?
Con trâu già nằm nghỉ bên sông, miệng vẫn còn nhai nhóp nhép. Nắng chiều lấp loáng trên mặt nước. Con cò trắng vỗ cánh bay về non tây. Mục tử nghêu ngao bài đồng dao, phóc lên lưng trâu, cỡi về. Lều tranh lưng núi un khói trắng. Lối về trùng điệp cỏ lau, phất phơ múa nhảy theo gió.
Ngày cuối năm của Tết Tây nầy không có cái thiêng liêng của đêm ba mươi, bùi ngùi tiễn đưa năm cũ đang dần qua mà rộn ràng mong đợi một năm mới sắp tới. Ngồi yên để nhớ nhà, nhớ những người đã mất, nhớ tuổi thơ…Xuân nầy em có về không, nhành mai cố quận nở bông dịu dàng. (BG).
Như chúng ta biết, lịch cổ truyền của Việt Nam gồm mười hai con giáp và Trâu là con giáp đứng thứ nhì sau Chuột dùng để tính thời gian: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và cuối cùng là Hợi. Năm Tý vừa đi qua và Năm Mới 2021 là năm Trâu, Năm TÂN SỬU.
Ngày nay, vấn đề kỳ thị chủng tộc, giai cấp, giới tính được con người quan tâm và tranh đấu quyết liệt hơn bao giờ hết. Có lẽ một phần là do sự văn minh tiến bộ của xã hội đã giúp mở rộng nhận thức và tâm thức con người đối với những vấn đề xã hội như thế. Trong đó không thể không nói đến nhiều đóng góp của các phong trào dân quyền, nhân quyền, bình quyền, nữ quyền, v.v… trên thế giới từ vài thế kỷ qua đã xây dựng những nền tảng về lý thuyết và thực hành cho công cuộc đấu tranh đòi quyền sống và bình đẳng cho từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.Tuy nhiên, ở đời hễ có đấu tranh cho quyền bình đẳng thì tất nhiên cũng đã có thực trạng bất công và kỳ thị xảy ra. Các hiện tượng tiêu cực này không phải chỉ mới xuất hiện vài trăm năm mà đã có từ hàng ngàn năm trước.
Tôi rất xúc cảm về những hiểu biết, tầm nhìn xa và mối từ tâm mà Ngô Thế Vinh đã dàn trải trong Vòng Đai Xanh, cuốn sách được viết từ hơn 30 năm trước. Mặc dầu là một tiểu thuyết nhưng nhiều biến cố mang dấu ấn lịch sử và một số nhân vật thì như là rất thật.
Xin cầu cho mọi cái xấu của năm cũ qua đi, thay vào đó những lời chúc tốt lành như hoa trái đầu mùa, mang tới cho những người dân sống trên mảnh đất Hiệp Chủng Quốc này, dù chủng tộc nào, tôn giáo nào, màu da nào cũng được Thượng Đế ban phát bình an tràn đầy trong hai bàn tay họ như hoa trái đầu mùa để họ lại mang chia cho người đang ở bên cạnh mình và cả những người ở rất xa mình.
Năm 2020 trôi qua với nhiều biến động lớn lao mà đại dịch Covid-19 là sự kiện nổi bật nhất sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đối với đời sống hàng ngày của toàn nhân loại. Ngoài những khủng hoảng trầm trọng mà đại dịch đã tạo ra cho kinh tế và sức khỏe của con người trên toàn hành tinh, còn có những thay đổi lớn lao đối với các sinh hoạt văn hóa, giáo dục, tôn giáo, v.v… Ngày nay, đi bất cứ ở đâu chúng ta đều thấy mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hơn một mét rưỡi với người khác. Khẩu trang trở thành hình ảnh thời đại đối với mọi tầng lớp xã hội. Khoảng cách giữa người với người đã thành một thứ bức tường vô hình tạo ra một khoảng trống vắng bao quanh con người. Không còn nơi nào trên thế giới là an ổn. Nỗi bất an không chỉ ở bên ngoài mà còn nằm bên trong tâm thức con người!Và còn một điều kinh dị khác mà trước đây í tai nghĩ tới. Đó là cái chết bất ngờ, rộng khắp và không thể tiên liệu được. Người già chết, giới trung niên chết, thanh niên chết. Con Covid-19 có thể gõ cửa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.