Hôm nay,  

Cuối Cơn Mưa Là Sự Mất Mát

20/06/202011:03:00(Xem: 4167)
Trinh Thanh Thủy
Hình của Trịnh Thanh Thủy chụp.



Sau mấy ngày bận rộn vì lo hậu sự cho bố, tôi mệt nhoài. Công việc làm tôi tạm quên. Tôi cố tìm mọi cách để óc không nghĩ ngợi về cái chết của ông và tạm giữ được tâm bình an. Tuy nhiên, khi mọi việc lắng xuống, óc bắt đầu thảnh thơi là lúc tôi bắt đầu nhớ. Bỗng dưng tôi thấy được sự trống vắng ùa tới. Hình như tôi có cảm giác mình vừa mất một cái gì đó mà không biết mình mất cái gì. Tri giác bảo tôi rằng, tôi rất mừng khi bố tôi được ra đi như ông ước nguyện, nhưng tàng thức lại báo rằng tôi đang thiếu đi một cái gì đó. Tôi loay hoay tìm kiếm. 

Sự mất ngủ bắt đầu bằng những liên tưởng của ký ức với từng lời nói, hành động và hình ảnh của bố được quay ngược. Thơ ấu và những yêu thương nâng niu của ông trở về tràn ngập khoang tim. Con gái thường gần gụi bố, ngày còn bé tôi được ông cưng nhất nhà. Cô con gái rượu thường được bố đèo đi sau yên xe đạp có mặt ở khắp phố phường với sự cưng chiều rất mực. Áo đầm của tôi, bố thường đặt may cả tá đến nỗi chưa mặc hết vòng đã không còn vừa vì tôi lớn hơn rồi. Mỗi khi tôi xin xỏ điều gì bố cũng cho không tiếc, trong mắt bố lúc nào tôi cũng là niềm hãnh diện của riêng ông. Bố hay kể cho tôi nghe về quê hương miền Bắc xa tít mù khi tôi còn ở Sài Gòn. Hưng Yên là nơi bố mẹ tôi lớn lên, gặp, lấy nhau và cũng là nơi trồng và sản xuất những quả nhãn ngọt, cơm dầy, hạt nhỏ, thơm lừng được gọi là "Nhãn Tiến". Đó là loại nhãn ngon nhất được đem tiến dâng cho vua, chỉ có ở Hưng Yên, hệt như loại "Vải Lệ Chi" đem tiến vua mà Dương Quý Phi rất yêu thích. 

Sau này khi nhãn được nhập vào Mỹ, người Việt dưới quận Cam hay trồng và bán theo cân, đến mùa, tôi vào vườn mua về cho bố mẹ thưởng thức. Ông ăn nhãn rồi nhớ, lại kể nhiều địa danh của Hưng Yên trong đó có Nễ Châu và Phố Hiến. Nhà bố có trồng nhãn nhiều lắm, cả chục cây, còn ven đê thì người ta trồng vô số kể. Tôi hay hình dung ra một vùng xanh thắm, mây nước mờ xa, mà ba phía đều được bao bọc bởi những nhánh sông của vùng đồng bằng Sông Hồng. Cuộc sống khó khăn khiến ông bôn ba khắp nơi để nuôi bố mẹ khi còn rất trẻ. Ông tự hào, có lúc bôn ba lên cả mạn ngược buôn gỗ, vùng ma thiêng nước độc, bạn bè ai cũng nghiện hút mà ông không bao giờ dính vào. Nạn đói Ất Dậu là lúc ông mất đi người mẹ thân yêu. Bố rưng rưng kể. Ngày đó miền Bắc đói và chết nhiều lắm, khắp nơi ai cũng đói, người ta còn bỏ cả thịt người trong bánh mà bán. Ông phải đi làm phu lục lộ để có chút gạo đem về nấu cháo nuôi bố mẹ và các em cho qua cơn đói. Ông khóc và bảo ông ân hận suốt đời mỗi khi nhớ đến bà nội thuở ấy vì không đủ ăn nên bà mất. Bà đã nhịn đói cho cả nhà ăn bằng cách giả vờ đau bụng, nhịn ăn cho chồng con sống, để rồi qua đời. Tấm gương người đàn bà Việt Nam hy sinh cho chồng con ngày xưa, tôi cũng thấy được qua mẹ của tôi mỗi lần cả nhà ăn cơm. Mẹ tôi gỡ xương cá và gắp cho bố tôi những miếng cá ngon nhất, sau đó bà gắp cho chúng tôi. Cuối cùng bà ngồi gặm cái đầu, cái đuôi, và bộ xương cá mà bà bảo là rất thích ăn xương. Tôi cũng nghe những tấm gương hy sinh tương tự như vậy của các bà mẹ Việt Nam ngày trước. Không biết bây giờ, thời đại chúng tôi còn có những việc như thế này xảy ra không?

Trong khốn khó và đói khổ con người trở nên tháo vát và trưởng thành. Bố học một nghề để làm vốn sống. Dựa theo thời thế, ông làm đủ thứ để sinh nhai. Di cư vào Nam năm 1955, ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Ông xây dựng cuộc sống mới ở vựa lúa miền Nam mầu mỡ phì nhiêu, tràn đầy tôm cá. Từ một căn phòng thuê chật hẹp của một xóm nghèo lao động, qua những năm cực nhọc của bố, gia đình chúng tôi dọn đến một căn nhà mua mới và khang trang hơn. Bố mở trường dạy nghề, nhờ trời mọi điều tốt đẹp, chúng tôi lần nữa dọn nhà ra con đường lớn của đô thị với một cao ốc 7 tầng do ông tự thiết kế và mướn thợ về xây. Ông quay qua ngành xây dựng nhà đất, mua bán rồi đấu thầu trong quân đội . Bố học được sự gan dạ, liều lĩnh, biết đánh hơi những biến chuyển sắp xảy ra trong những lãnh vực ông bỏ tiền đầu tư. Sự thành công của ông phần lớn nhờ vào đức tính hiền hậu, khiêm cung, dễ mến và biết nắm bắt thời cơ. Tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp, chở che và cưng chiều của người, cho đến cuộc di tản năm 1975, đã làm thay đổi số phận bao nhiêu người Việt. 

Qua đến Hoa Kỳ, bố vẫn phải làm việc cực nhọc để nuôi chúng tôi ăn học. Khi đủ lông cánh, lũ chim con bay xa. Ông về hưu, lúc đó bệnh tật bắt đầu nhen nhúm và tìm tới. Ông bị ung thư đại tràng nhưng nhờ phát giác sớm, cắt bỏ nên không có di căn. Tuy nhiên, có một nỗi khổ đeo đẳng ông suốt những năm tháng dài của cuộc sống là lúc nào người cũng phải quanh quẩn bên cái cầu tiêu. Mỗi 15 hay 20 phút ông phải vào nhà cầu một lần vì khúc ruột già còn lại của ông không còn đủ sức để giữ những cặn bã thừa của cơ thể. Bố cứ nói hoài một câu “Sống lâu, khổ quá".

Thêm vào cơn áp suất mắt Cườm Uớt(Glaucoma) tăng cao, ông mất đi toàn thể ánh sáng cuộc đời. Như chiếc xe cũ, đề hoài không nổ, thính giác dần dà mất đi để người phải bơi lội trong một thế giới mù tăm không ánh sáng, phẳng lì tiếng động. Trí nhớ chỉ còn là những quá khứ được nhai lại trong những thước phim câm. Lâu lâu những cơn hành hạ của bệnh Alzheimer nổi lên, khiến bố trở nên bất thường, quậy phá, hoài nghi và hoang tưởng. 

Trong một buổi sáng ngồi tắm làn nắng ấm dịu nhẹ của mùa đông Ca li trước hiên nhà, ông bỗng dưng bất tỉnh và gục xuống, lay mãi không dậy. Sức nặng của tuổi tác, bề dày của thời gian, áp lực của bệnh tật, đè sâu xuống bờ vai gầy người đàn ông 89 tuổi như một thách đố của thượng đế dành cho ông. Được đưa vào bệnh viện, ông tỉnh lại và rất khổ sở khi xem những thử nghiệm để truy tìm căn nguyên cơn hôn mê như một hình phạt gớm ghiếc của y học. Ông nói với bác sĩ rằng, nếu không được cho về nhà, ông sẽ cắn lưỡi tự tử. Cuối cùng, ông được về sau một tuần. Câu ông dặn người nhà lúc bước ra khỏi bệnh viện là, từ rày về sau cứ để ông chết ở nhà, dù ông có việc gì.

Bố tôi là một người chịu đau kém, có lẽ da thịt ông nhạy cảm và lúc nào ông cũng đòi chết. Giữa ranh giới của ước vọng muốn chết vì bệnh tật và ý chí sinh tồn, người vẫn phải sống một cuộc sống không mong ước. Tôi nghĩ điều mang lại can đảm cho người còn tiếp tục chống đỡ được là sự tồn tại của mẹ tôi. Ngày nào bố cũng hỏi và cầm tay mẹ tôi để biết bà vẫn còn bên cạnh. Chúng tôi có thuê người chăm sóc tại gia cho ông bà. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông lại nắm tay con cháu để nhận diện từng người qua bàn tay và hỏi han thân mật, dịu dàng, thương yêu. Riêng tôi, ông hay bảo sao tay tôi bé và gầy thế, rồi nhắc nhở tôi ráng ăn nhiều cho mập. Niềm thương con của ông lúc nào cũng chan chứa trong lòng. 

Ngọn đèn dầu cháy lâu rồi cũng cạn. Bố yếu dần và trút hơi thở cuối sau khi không ăn uống được nữa vào tuổi 97. Ai cũng bảo ông thọ quá, nhưng họ có biết đâu những năm dài của tuổi thọ ấy là những năm người kéo dài một cuộc sống điếc đặc, đui mù, chỉ nằm dài trên giường cho đúng cái câu "sinh, lão, bệnh, tử" hành hạ. Tôi mừng cho bố cuối cùng đã ra đi thanh thản, thoát được cái nghiệp mà người phải trả quá lâu mà không biết người đã vay tự kiếp nào. Mừng thì mừng, nhưng nhớ thì vẫn nhớ. Hôm nay tiễn người đi trời rắc mưa xuân tưới nhựa nguyên cho mầm non nẩy lộc. Những đóa hồng trắng được chúng tôi ném vào huyệt mộ sẽ mang hương yêu của chúng tôi ủ mãi bên người. Mưa vẫn rơi hạt nhẹ và xóa dấu chân người. 

Trịnh Thanh Thủy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nói như thế là hơi cường điệu, nhằm nêu lên điểm bi hài. Không phải chạy ra khỏi xứ Phật, nhưng là chạy trốn khỏi bạo lực của chính phủ quân phiệt Miến Điện, khi sắc dân thiểu số Rohingya năm 2017 bị tấn công, đốt làng, xua ra khỏi biên giới vì chính phủ Miến Điện gọi họ là người Hồi giáo Bangladesh. Cũng không xa tới ngàn dặm, chỉ 600 dặm là Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc dựng lều trại cho tạm cư hàng trăm ngàn người Rohingya chạy vào Bangladesh. Câu chuyện tỵ nạn này vẫn còn kéo dài cho tới năm nay, 2024. Mới mấy tuần trước, trong tháng 10/2024, hàng trăm người Rohingya đã đi thuyền vượt biển tới phía Bắc Indonesia, hy vọng tới Malaysia. Trong đó, nhiều người đã thoát nạn diệt chủng ở Miến Điện và thoát điều kiện sống gian nan trong các trại tỵ nạn ở Bangladesh. Nhiều người lên ghe còn có ý muốn đoàn tụ với gia đình đã định cư ở Malaysia, Trong những người Rohingya chạy thoát hồi năm 2017, có một chàng trai sau này trở thành một nhà thơ nổi tiếng: Mayyu Ali.
Lần này không có hy vọng nào cho ông nữa, đó là cú đột quỵ lần thứ ba. Đêm này qua đêm khác, tôi đi ngang qua ngôi nhà (lúc đó là ngày nghỉ) nhìn vào ô cửa sổ sáng đèn, và đêm này qua đêm khác, tôi thấy nó sáng cùng một cách, mờ nhạt, rầu rầu...
Tôi bước lên chuyến xe buýt, đúng với tuyến đường Han Kang đã chỉ cho In-hye, chị Yeong-hye đi. Núi Chuk-sung hôm nay không ẩm ướt. Những gốc cây to không mang vẻ “run rẩy trong mưa.” Ngược lại, nó trầm mặc, bất động, vì hôm nay trời không mưa gió. Bệnh viện nơi Yeong-hye trú ngụ hiện ra giữa những con núi. Ngôi nhà trắng toát, nhỏ bé lọt thỏm giữa thiên nhiên. Thần núi, thần rừng bao quanh, sẵn sàng che chở những linh hồn đi lạc. Nơi này, Yeong-hye và nhiều người khác nữa, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Họ sống đúng với bản năng cây cỏ, hào phóng cho mầm sống vươn ra từ bất cứ nơi nào trên cơ thể mình. Nơi này, không ai cần hiểu vì sao “đứa trẻ bé như thế… lúc mới sinh ra ai cũng thế này à?”
“Quê người trên đỉnh Trường sơn Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu.” Lần đầu tiên tôi cảm nhận Tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn ở một góc nhìn mới. Lòng tôi như đứa trẻ thơ được trở về trong vòng tay mẹ hiền sau bao năm lưu lạc. Trường Sơn trước mắt tôi thật thơ mộng, u trầm và hùng vĩ. Núi tiếp núi. Từng đàn cò trắng lượn bay giữa những cánh đồng lúa xanh trải dài bất tận, ngút ngàn. Dường như mây trời và khói núi quyện vào nhau để xoá nhoà đi ranh giới giữa mộng và thực. Theo dấu chân Người, tôi tìm về Trường Sơn. Để nhìn thẳng vào chân diện mục của Trường Sơn và cũng để “gởi một nỗi hờn thiên thu”.
Không biết vì sao tôi có cái máu thích tư tưởng triết lý từ hồi còn trẻ. Do vậy, tôi rất mê đọc sách triết, sách tư tưởng, và dĩ nhiên sách Phật. Cũng vì cái “nghiệp dĩ” ấy mà khi lần đầu tiên được theo Ôn Từ Quang (tức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phúc Hộ) vào tùng chúng an cư tại Viện Hải Đức, Nha Trang, vào mùa hè năm 1976, tôi thường vào thư viện để kiếm sách đọc.
Câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” của thi hào Nguyễn Du, nhiều người từng nghe qua, nhưng có thể không rõ xuất xứ ở đâu. Đó là hai câu kết trong bài thơ thất ngôn bát cú “Độc Tiểu Thanh Ký” (Đọc Bút Ký Tiểu Thanh), trong “Thanh Hiên Thi Tập”...
Lần đầu tiên xảy ra vào mùa đông sau khi cô tròn mười sáu tuổi. Ngôn ngữ đã châm chích và giam cầm cô như quần áo làm từ hàng ngàn cây kim đột nhiên biến mất. Những từ ngữ vẫn đến được tai, nhưng giờ đây một lớp không khí dày đặc đệm khoảng không giữa ốc tai và não. Bị bao bọc trong im lặng mù sương, những ký ức về chiếc lưỡi và đôi môi đã từng sử dụng phát âm, về bàn tay đã nắm chặt cây bút chì, trở nên xa vời. Cô không còn suy nghĩ bằng ngôn ngữ nữa. Di chuyển, không cần ngôn ngữ và hiểu, không cần ngôn ngữ, như cô đã từng làm trước khi học nói - không, trước khi có được sự sống. Im lặng, hấp thụ dòng chảy thời gian như những quả bóng bông, bao bọc cơ thể cả bên ngoài lẫn bên trong.
Băng hình này thực hiện để cúng dường Tam Bảo. Nội dung dựa trên nhiều bản dịch khác nhau của Thầy Thích Minh Châu, Daw Mya Tin, Weragoda Sarada Thero, và nhiều Thầy trên Sutta Central và Access to Insight.
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người". Han Kang sinh ra tại Gwangju, Nam Hàn, cô chuyển đến Seoul khi mới mười tuổi. Cô học văn học tại Đại học Yonsei. Các tác phẩm của cô đã giành được Giải thưởng Văn học Yi Sang, Giải thưởng Nghệ sĩ trẻ ngày nay và Giải thưởng Tiểu thuyết Văn học Nam Hàn. The Vegetarian (Người Ăn Chay), tiểu thuyết đầu tiên của cô được dịch sang tiếng Anh, Portobello Books xuất bản năm 2015 và giành Giải thưởng Man Booker Quốc tế năm 2016. Cô sống tại Seoul. “Trái Cây Của Vợ Tôi”, Han Kang viết câu chuyện này vào năm 1997, cũng là tiền thân trực tiếp cho cuốn tiểu thuyết The Vegetarian năm 2007 – trong cả hai tác phẩm, một cặp vợ chồng ở độ tuổi đầu ba mươi thấy cuộc sống vốn bình lặng bị xáo trộn khi người vợ biến dạng thân thể.
Nhà văn nữ Han Kang người Nam Hàn đã đoạt giải Nobel Văn học 2024 nhờ “phong cách văn chương không chỉ đậm chất thơ mà còn sâu sắc, ý nghĩa, phản ánh những chấn thương lịch sử và thân phận mong manh của cuộc sống con người.” Ở tuổi 53, bà trở thành nữ nhà văn Nam Hàn đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, đồng thời là nữ nhà văn thứ 18 trong tổng số 121 nhà văn đoạt giải thưởng danh giá này cho đến nay. Bên cạnh sự nghiệp văn chương, Han Kang còn là một nhạc sĩ và có niềm đam mê với nghệ thuật thị giác (visual art).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.