Hôm nay,  

Cuối Cơn Mưa Là Sự Mất Mát

20/06/202011:03:00(Xem: 3727)
Trinh Thanh Thủy
Hình của Trịnh Thanh Thủy chụp.



Sau mấy ngày bận rộn vì lo hậu sự cho bố, tôi mệt nhoài. Công việc làm tôi tạm quên. Tôi cố tìm mọi cách để óc không nghĩ ngợi về cái chết của ông và tạm giữ được tâm bình an. Tuy nhiên, khi mọi việc lắng xuống, óc bắt đầu thảnh thơi là lúc tôi bắt đầu nhớ. Bỗng dưng tôi thấy được sự trống vắng ùa tới. Hình như tôi có cảm giác mình vừa mất một cái gì đó mà không biết mình mất cái gì. Tri giác bảo tôi rằng, tôi rất mừng khi bố tôi được ra đi như ông ước nguyện, nhưng tàng thức lại báo rằng tôi đang thiếu đi một cái gì đó. Tôi loay hoay tìm kiếm. 

Sự mất ngủ bắt đầu bằng những liên tưởng của ký ức với từng lời nói, hành động và hình ảnh của bố được quay ngược. Thơ ấu và những yêu thương nâng niu của ông trở về tràn ngập khoang tim. Con gái thường gần gụi bố, ngày còn bé tôi được ông cưng nhất nhà. Cô con gái rượu thường được bố đèo đi sau yên xe đạp có mặt ở khắp phố phường với sự cưng chiều rất mực. Áo đầm của tôi, bố thường đặt may cả tá đến nỗi chưa mặc hết vòng đã không còn vừa vì tôi lớn hơn rồi. Mỗi khi tôi xin xỏ điều gì bố cũng cho không tiếc, trong mắt bố lúc nào tôi cũng là niềm hãnh diện của riêng ông. Bố hay kể cho tôi nghe về quê hương miền Bắc xa tít mù khi tôi còn ở Sài Gòn. Hưng Yên là nơi bố mẹ tôi lớn lên, gặp, lấy nhau và cũng là nơi trồng và sản xuất những quả nhãn ngọt, cơm dầy, hạt nhỏ, thơm lừng được gọi là "Nhãn Tiến". Đó là loại nhãn ngon nhất được đem tiến dâng cho vua, chỉ có ở Hưng Yên, hệt như loại "Vải Lệ Chi" đem tiến vua mà Dương Quý Phi rất yêu thích. 

Sau này khi nhãn được nhập vào Mỹ, người Việt dưới quận Cam hay trồng và bán theo cân, đến mùa, tôi vào vườn mua về cho bố mẹ thưởng thức. Ông ăn nhãn rồi nhớ, lại kể nhiều địa danh của Hưng Yên trong đó có Nễ Châu và Phố Hiến. Nhà bố có trồng nhãn nhiều lắm, cả chục cây, còn ven đê thì người ta trồng vô số kể. Tôi hay hình dung ra một vùng xanh thắm, mây nước mờ xa, mà ba phía đều được bao bọc bởi những nhánh sông của vùng đồng bằng Sông Hồng. Cuộc sống khó khăn khiến ông bôn ba khắp nơi để nuôi bố mẹ khi còn rất trẻ. Ông tự hào, có lúc bôn ba lên cả mạn ngược buôn gỗ, vùng ma thiêng nước độc, bạn bè ai cũng nghiện hút mà ông không bao giờ dính vào. Nạn đói Ất Dậu là lúc ông mất đi người mẹ thân yêu. Bố rưng rưng kể. Ngày đó miền Bắc đói và chết nhiều lắm, khắp nơi ai cũng đói, người ta còn bỏ cả thịt người trong bánh mà bán. Ông phải đi làm phu lục lộ để có chút gạo đem về nấu cháo nuôi bố mẹ và các em cho qua cơn đói. Ông khóc và bảo ông ân hận suốt đời mỗi khi nhớ đến bà nội thuở ấy vì không đủ ăn nên bà mất. Bà đã nhịn đói cho cả nhà ăn bằng cách giả vờ đau bụng, nhịn ăn cho chồng con sống, để rồi qua đời. Tấm gương người đàn bà Việt Nam hy sinh cho chồng con ngày xưa, tôi cũng thấy được qua mẹ của tôi mỗi lần cả nhà ăn cơm. Mẹ tôi gỡ xương cá và gắp cho bố tôi những miếng cá ngon nhất, sau đó bà gắp cho chúng tôi. Cuối cùng bà ngồi gặm cái đầu, cái đuôi, và bộ xương cá mà bà bảo là rất thích ăn xương. Tôi cũng nghe những tấm gương hy sinh tương tự như vậy của các bà mẹ Việt Nam ngày trước. Không biết bây giờ, thời đại chúng tôi còn có những việc như thế này xảy ra không?

Trong khốn khó và đói khổ con người trở nên tháo vát và trưởng thành. Bố học một nghề để làm vốn sống. Dựa theo thời thế, ông làm đủ thứ để sinh nhai. Di cư vào Nam năm 1955, ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Ông xây dựng cuộc sống mới ở vựa lúa miền Nam mầu mỡ phì nhiêu, tràn đầy tôm cá. Từ một căn phòng thuê chật hẹp của một xóm nghèo lao động, qua những năm cực nhọc của bố, gia đình chúng tôi dọn đến một căn nhà mua mới và khang trang hơn. Bố mở trường dạy nghề, nhờ trời mọi điều tốt đẹp, chúng tôi lần nữa dọn nhà ra con đường lớn của đô thị với một cao ốc 7 tầng do ông tự thiết kế và mướn thợ về xây. Ông quay qua ngành xây dựng nhà đất, mua bán rồi đấu thầu trong quân đội . Bố học được sự gan dạ, liều lĩnh, biết đánh hơi những biến chuyển sắp xảy ra trong những lãnh vực ông bỏ tiền đầu tư. Sự thành công của ông phần lớn nhờ vào đức tính hiền hậu, khiêm cung, dễ mến và biết nắm bắt thời cơ. Tôi lớn lên trong vòng tay ấm áp, chở che và cưng chiều của người, cho đến cuộc di tản năm 1975, đã làm thay đổi số phận bao nhiêu người Việt. 

Qua đến Hoa Kỳ, bố vẫn phải làm việc cực nhọc để nuôi chúng tôi ăn học. Khi đủ lông cánh, lũ chim con bay xa. Ông về hưu, lúc đó bệnh tật bắt đầu nhen nhúm và tìm tới. Ông bị ung thư đại tràng nhưng nhờ phát giác sớm, cắt bỏ nên không có di căn. Tuy nhiên, có một nỗi khổ đeo đẳng ông suốt những năm tháng dài của cuộc sống là lúc nào người cũng phải quanh quẩn bên cái cầu tiêu. Mỗi 15 hay 20 phút ông phải vào nhà cầu một lần vì khúc ruột già còn lại của ông không còn đủ sức để giữ những cặn bã thừa của cơ thể. Bố cứ nói hoài một câu “Sống lâu, khổ quá".

Thêm vào cơn áp suất mắt Cườm Uớt(Glaucoma) tăng cao, ông mất đi toàn thể ánh sáng cuộc đời. Như chiếc xe cũ, đề hoài không nổ, thính giác dần dà mất đi để người phải bơi lội trong một thế giới mù tăm không ánh sáng, phẳng lì tiếng động. Trí nhớ chỉ còn là những quá khứ được nhai lại trong những thước phim câm. Lâu lâu những cơn hành hạ của bệnh Alzheimer nổi lên, khiến bố trở nên bất thường, quậy phá, hoài nghi và hoang tưởng. 

Trong một buổi sáng ngồi tắm làn nắng ấm dịu nhẹ của mùa đông Ca li trước hiên nhà, ông bỗng dưng bất tỉnh và gục xuống, lay mãi không dậy. Sức nặng của tuổi tác, bề dày của thời gian, áp lực của bệnh tật, đè sâu xuống bờ vai gầy người đàn ông 89 tuổi như một thách đố của thượng đế dành cho ông. Được đưa vào bệnh viện, ông tỉnh lại và rất khổ sở khi xem những thử nghiệm để truy tìm căn nguyên cơn hôn mê như một hình phạt gớm ghiếc của y học. Ông nói với bác sĩ rằng, nếu không được cho về nhà, ông sẽ cắn lưỡi tự tử. Cuối cùng, ông được về sau một tuần. Câu ông dặn người nhà lúc bước ra khỏi bệnh viện là, từ rày về sau cứ để ông chết ở nhà, dù ông có việc gì.

Bố tôi là một người chịu đau kém, có lẽ da thịt ông nhạy cảm và lúc nào ông cũng đòi chết. Giữa ranh giới của ước vọng muốn chết vì bệnh tật và ý chí sinh tồn, người vẫn phải sống một cuộc sống không mong ước. Tôi nghĩ điều mang lại can đảm cho người còn tiếp tục chống đỡ được là sự tồn tại của mẹ tôi. Ngày nào bố cũng hỏi và cầm tay mẹ tôi để biết bà vẫn còn bên cạnh. Chúng tôi có thuê người chăm sóc tại gia cho ông bà. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, ông lại nắm tay con cháu để nhận diện từng người qua bàn tay và hỏi han thân mật, dịu dàng, thương yêu. Riêng tôi, ông hay bảo sao tay tôi bé và gầy thế, rồi nhắc nhở tôi ráng ăn nhiều cho mập. Niềm thương con của ông lúc nào cũng chan chứa trong lòng. 

Ngọn đèn dầu cháy lâu rồi cũng cạn. Bố yếu dần và trút hơi thở cuối sau khi không ăn uống được nữa vào tuổi 97. Ai cũng bảo ông thọ quá, nhưng họ có biết đâu những năm dài của tuổi thọ ấy là những năm người kéo dài một cuộc sống điếc đặc, đui mù, chỉ nằm dài trên giường cho đúng cái câu "sinh, lão, bệnh, tử" hành hạ. Tôi mừng cho bố cuối cùng đã ra đi thanh thản, thoát được cái nghiệp mà người phải trả quá lâu mà không biết người đã vay tự kiếp nào. Mừng thì mừng, nhưng nhớ thì vẫn nhớ. Hôm nay tiễn người đi trời rắc mưa xuân tưới nhựa nguyên cho mầm non nẩy lộc. Những đóa hồng trắng được chúng tôi ném vào huyệt mộ sẽ mang hương yêu của chúng tôi ủ mãi bên người. Mưa vẫn rơi hạt nhẹ và xóa dấu chân người. 

Trịnh Thanh Thủy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu phân biệt về giới tính, số lượng và tác phẩm của những người viết “Nam” ngoài vòng đai trong Văn chương miền Nam thời chiến (1954-1975) có khá nhiều: Y Uyên, Lê Bá Lăng, Doãn Dân, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Luân Hoán, Vũ Hữu Định, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương... Hầu như không có một người “Nữ” nào viết ngoài vòng đai cả. Có thật vậy không? Phải đợi đến tháng 10/2011, nghĩa là sau 40 năm từ khi sách được phát hành vào tháng 9/1971, khi trang blog Phay Van với cô chủ thật “đặc biệt” và nhóm bạn yêu thích văn chương mà tôi đã ghi lại trong “Hành trình của Cõi Đá Vàng” [1], thì tôi mới biết đến tên nhà văn Nguyễn Thị Thanh Sâm. Trước năm 1975, trong chúng ta hầu như không mấy ai nghe nói tới tác phẩm “Cõi Đá Vàng” của bà, dù cho cuốn sách ấy được nhà An Tiêm, một trong những tên tuổi của miền Nam thời bấy giờ, xuất bản.
Ngày 11 tháng 9 năm nay 2021 đánh dấu 20 năm sau ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử gần hai trăm rưởi năm lập quốc khi tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda dùng máy bay dân sự chở đầy xăng và hành khách làm vũ khí lao vào các mục tiêu tấn công, gồm World Trade Center tại New York, Ngũ Giác Đài tại Thủ Đô Washington và một nơi nào đó nhưng đã bị những hành khách Mỹ yêu nước phản kháng một cách bi hùng trên chuyến bay United Flight 93 bị khủng bố cướp đã cất cánh từ Phi Trường Newark của New Jersey trên đường đến San Francisco đã lao xuống một nơi hoang dã tại Shanksville, Pennsylvania làm gần 3,000 người thiệt mạng. Cảnh tượng tòa tháp đôi World Trade Center tại Thành Phố New York, biểu tượng của trung tâm tài chánh phồn thịnh nhất thế giới, bị hai chiếc máy bay dân dự đâm thẳng vào với ngọn lửa đỏ rực bùng lên giữa nền trời xanh của một ngày cuối hạ, 11 tháng 9, và sau đó sụp đổ hoàn toàn thành bình địa đã trở thành hình ảnh kinh hoàng của thời đại khủng bố.
Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật có di giáo tối hậu cho các chúng đệ tử: “Pháp và Luật mà Ta đã thuyết và qui định, là Đạo Sư của các ngươi sau khi Ta diệt độ.” Phụng hành di giáo của đức Thế Tôn, các vị Trưởng lão A-la-hán đã thực hiện cuộc kiết tập lần thứ nhất tại thành Vương Xá, cùng hòa hiệp phúng tụng tất cả những điều đã được Phật giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm giáo hóa; nền tảng của văn hiến Phật giáo mà về sau được gọi là Tam tạng được thành lập từ đó.
Hiểu được một người, tất yếu phải chí thành với người đó. Một bản dịch hay, người ta nói, vì dịch giả say mê nó, “ăn ngủ với nó.” Người thế gian với nhau, cao thấp có giới hạn, dù cao cho bằng Hy mã lạp sơn, vẫn có người leo lên đỉnh được. Vậy mà trong sự phiên dịch còn đòi hỏi tâm tình chí thành nơi người dịch. Huống hồ, dịch giả kinh Phật, tự đứng trung gian giữa Thánh và phàm, nếu không chí thành với lý tưởng, là sao hiểu được bằng tất cả tâm trí của mình những lời mình muốn dịch?
Giữa năm thứ hai tại Princeton, Fitzgerald về nhà tại St. Paul trong kỳ nghỉ Giáng Sinh. Tại bữa tiệc trượt tuyết mùa đông ở Summit Avenue, cậu Fitzgerald 19 tuổi đã gặp người đẹp 16 tuổi Chicago là Ginevra King và chàng đã yêu nàng say đắm. Đôi trai gái này đã bắt đầu mối quan hệ lãng mạn qua nhiều năm. Tình cảm sâu đậm với Ginevra đã khiến cho Fitzgerald viết vô số lá thư tình say đắm và nói rằng chàng sẽ trao cho cô cuộc đời còn lại của chàng. Cô đã trở thành mô hình văn học cho các nhân vật Isabelle Borgé trong cuốn tiểu thuyết “This Side of Paradise” và Daisy Buchanan trong cuốn “The Great Gatsby” cũng như nhiều nhân vật khác trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông. Vì cách biệt giai cấp giàu nghèo, cuối cùng cuộc tình của hai người đã chấm dứt vào năm 1917, nhưng chàng vẫn giữ đống thư tình mà không chịu đốt. Sau khi ông qua đời vào năm 1940, những lá thư tình này đã được gửi lại cho Ginevra giữ cho đến khi cô mất, theo Renata Stepanov trong bài viết “Family of Fitzgerald's
Tháng Tám chưa qua, hạ chưa hết. Thu còn xa lắc, lá chưa kịp chín vàng, mà ông đã rụng rơi. Nguyễn Mạnh Trinh, nhà thơ, nhà biên khảo và truyền thông đã lên đường, đã thong thả rong chơi về miền phương ngoại. (1949-2021). Xuất thân là một quân nhân thuộc binh chủng Không Quân, văn thơ của ông phản ảnh nhiều suy tư, thao thức về cuộc chiến. Ông yêu thi ca, làm thơ và viết rất nhiều bài nhận định trong những lãnh vực văn học nghệ thuật khác nhau. Ông cộng tác và viết thường xuyên cho các báo nhất là ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.
Kịch của Lữ Kiều là những dấu hỏi lớn, những phân định một cách công bằng về công và tội, về Thiện và Ác, về ánh sáng và bóng tối. Không một sân khấu nào giữa thời buổi này dám dựng. Hãy dựng nên trong đầu ta, mệt thật đấy, đau thật đấy, nhưng chỉ một mình ta cùng sống và cùng chết với kịch, nói như Thánh Thán, không sướng sao? – Khuất Đẩu
Alex Haley sinh tại thành phố Ithaca, New York, vào ngày 11 tháng 8 năm 1921. Ông là con trai trưởng trong gia đình 4 anh em, gồm 3 trai và một gái, cùng cha khác mẹ. Haley sống với gia đình tại Henning, Tennessee, trước khi trở lại Ithaca lúc ông lên 5 tuổi. Cha của ông là Simon Haley, một giáo sư về canh nông tại Đại Học Alabama A&M, và mẹ của ông là Bertha George Haley, người đã lớn lên tại Henning. Gia đình ông có nhiều nguồn gốc Mandinka (bao gồm Senegal, Gambia, và Sierra Leone), gốc Phi Châu khác, bộ tộc Cherokee, Tô Cách Lan, và Tô Cách Lan-Ái Nhĩ Lan.