Hôm nay,  

Mặc Đỗ và Sài Gòn Của Tôi

4/24/202000:00:00(View: 4329)

Mặc Đỗ (1915 – 2015)

MĂC ĐỖ
Nhà văn Mặc Đỗ

Mặc Đỗ tên thật Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954. Nơi đây ông sáng lập nhật báo Tự Do và nhóm Quan Điểm. Ông cũng là một trong những nhà văn có ảnh hưởng quan trọng với nền văn chương Miền Nam 1955 - 1975. Ngoài sáng tác, ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm văn học thế giới.

Mặc Đỗ tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1975 và tạ thế vào ngày 20-9-2015 tại Austin, Texas, Hoa kỳ, hưởng đại thọ 100 tuổi.
Các tác phẩm đã xuất bản:

* Sáng tác: Bốn Mươi, Siu Cô Nương, Tân Truyện, Trưa Trên Đảo San Hô, Truyện Ngắn

* Biên khảo: Thần Nhân và Thần Thoại Tây Phương

* Dịch thuật: Lão Ngư Ông và Biển Cả (E. Hemingway), Con Người Hào Hoa (F.S. Fitzgerald), Một Giấc Mơ (Vicky Baum), Người Vợ Cô Đơn (F. Mauriac), Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers (B. Pasternak), Tâm Cảnh (A. Maurois), Anh Môn (A. Fournier), Vùng Đất Hoang Vu (L. Tolstoi), Giờ Thứ 25 (C. V. Georghiu).

Kính mời quý độc giả đọc lại một bài viết ngắn của Mặc Đỗ đã đăng trên Giai phẩm Xuân Canh Tuất của tạp chí Vấn Đề, số tháng 1 & 2/1970.

***

Sài Gòn Của Tôi 

 

“… Sau này, ở Sàigòn, một dịp nói chuyện với anh Nhất Linh tôi có kể lại kỷ niệm đó và hỏi anh có đọc truyện đó không, khi anh còn nhỏ ở Cẩm Giàng. Hai mắt anh sáng lên cùng với trí nhớ bất đồ nhỏm dậy….” (M.Đ)
 
Thành phố của tôi đích thực là Hà Nội: tôi sinh ra ở đó, tôi đã sống trọn vẹn thời tuổi trẻ ở đó. Nhưng tôi có một ông bác ưa phiêu lưu, sớm rời bỏ thành phố sinh trưởng, đi bén rễ ở một nơi mà ngày nhỏ tôi tưởng như xa xôi lắm. Đảo Phú Quốc ở mãi tận cùng đất nước. Những giấc mơ tuổi trẻ của tôi thường hướng về chân trời thật xa đó. Những giấc mơ cũng có khi hiện thành sự thật với những gánh hát tự miền xa tới trình diễn. Bao nhiêu đêm rực rỡ ánh sáng tiền trường, vang vang tiếng ca giọng nói của miền xa đã gây nhộn nhịp, nao nức trong chuỗi ngày tuổi trẻ. Lần lượt những Năm Phỉ, Phùng Há, Sáu Nết, Tư Sang (làm sao nhớ hết những tên, những khuôn mặt ứ tràn sức chiêu dụ của miền xa?) là thứ tình nhân vô vọng làm đẹp những ngày tháng khát khao của tuổi trẻ. Nếu có thể vô cớ khóc lên được chỉ có những lúc buông tay cho tiếng ca vọng cổ thấm vào cơ thể, biến phút giây hiện tại thành những trang sách cổ tích đọc say mê một buổi chiều ngày nghỉ học. Đến bao giờ giọng nói miền xa vẫn lưu luyến như bài ca vọng cổ, đó là một chấp nhận in khắc mãi mãi, không phai.

Phần lớn những giao tình tuổi trẻ của tôi đều dành cho những người tự cái miền hai mùa mưa nắng đem tới những âm hưởng suy đồi day dứt trong tiếng ca vọng cổ. Giọng nói còn chuyên chở những cung cách sống, những món ăn ngon (mắm nêm, mắm thái… hương vị đất nước nhưng cảm giác gợi bao nhiêu mới lạ, bao nhiêu xa xôi!). Tôi từ bỏ những nề nếp cho rằng chật hẹp để mơ tưởng tới cái xa rộng của vùng đất nước mà ruộng đồng chạy dài tới chân trời, không một bóng núi che khuất. Liên tiếp năm sáu năm trời, mỗi tuần lễ một lần, hai lần, những khoảnh khắc rạo rực tuổi trẻ là những lúc đọc thư, viết thư. Bến đợi ở đầu bên kia đất nước là cô em gái một người bạn lớn. Mỗi giòng chữ là một lời hẹn họ, mời gọi. Sàigòn của tôi từ hồi đó.
Tuổi trẻ đã để lại sau lưng, tôi mới bắt đầu xích gần tới miền xa bao lâu mong ước. Ngày xưa xê dịch không dễ dàng như ngày nay, phương tiện duy nhất là những chuyến xe lửa lần lần bò rất chậm dọc theo vùng duyên hải ngời sáng, lượn vừa đúng trên vòng cung bao lơn ngó ra đại dương. Những thuận tiện riêng không cho phép một mạch lao tới nơi mong đợi. Từ Tháp Chàm tôi phải rẽ lên Cao Nguyên chịu thêm một thời mong đợi thử thách nữa. Nhưng Đà Lạt đã gần như Sàigòn rồi, giọng nói chiêu dụ rất thường nghe thấy chung quanh, những hàng chữ mời gọi bữa trước bữa sau đã tới tay. Vậy mà cũng phải ba năm chờ đợi.

Sàigòn rõ ràng là nơi tận cùng của chuyến đi. Ga xe lửa nằm gọn trong thành phố. Đó là nơi đến, nhất định đến. Không phải là chỗ ghé qua như hầu hết những nhà ga khác. Muốn từ đây đi người ta phải lùi lại trên con đường đã đến, chờ một khúc rẽ mới tiếp tục cuộc đi. Nhưng có tiếp tục đi nữa cũng chẳng đi được bao xa. Sàigòn – Mỹ Tho không đầy một trăm cây số. Mà không phải vẫn con tàu đó. Sàigòn nhất định là nơi đến, không cách nào khác.

Nhưng, với người bấy lâu khao khát, ga Sàigòn có làm thất vọng. Một dẫy nhà thấp, rất ít ồn ào của những chuyến tới chuyến đi, chỉ là một ga nhỏ, như nhiều ga nhỏ khác dọc đường lại thua kém cái hun hút của hai nẻo đường dài. Thất vọng, nếu trên sân ga không có những người đón đợi. Biển tiếng nói chiêu dụ vây lấy người mới đến, xô đẩy người mới đến vào những khám phá rất nhiều đang chờ bắt đầu từ hè phố trước ga. Đà Lạt - Sàigòn hành trình vừa đúng một đêm nằm ngủ trên xe. Người đến tỉnh dậy cùng thành phố trở dậy, khám phá càng ham hố vì có cả ngày dài trước mặt, đầy đủ, quá nhiều…


Cây, những cây, Sàigòn buổi sáng tươi mát trong ánh nắng. Người mới đến được thành phố chấp nhận ngay từ những bước chân đầu, không bỡ ngỡ ngơ ngác. Làm sao còn thấy mình là khách khi ngồi giữa một tiệm mì, giữa đông đảo người Sàigòn ăn sáng. Những món điểm tâm tự nhiên đưa tới trước bàn, không cần gọi. Lựa chọn bằng mắt dễ dàng, cứ ăn như mọi người chung quanh đang ăn. Chỉ một chút nhận xét là ngay bữa đầu đã có thể thông thạo hết thảy mọi người. Người Sàigòn nghĩ tới mình nhiều hơn là bận tâm tới mọi người khác ở chung quanh, cho nên người mới đến rất mau hòa mình được vào đám đông người không cùng ngôn ngữ – người Tàu, người Chà – họ tới, họ phát triển và không ai nghĩ rằng họ quá đông, thao túng một phần lớn đời sống trong thành phố, của cả một miền.

Buổi trưa Sàigòn. Hai mươi lăm năm sau, hôm nay, làm sao tìm lại được những buổi trưa Sàigòn thời đó. Du khách Tây phương đã từng viết về Sàigòn, ví Sàigòn như một thành phố miền Nam nước Pháp. Nhận xét thật đúng những lúc ban trưa mọi hoạt động hầu ngưng trệ hẳn để mọi người nghỉ ngơi. Bóng cây buổi trưa Sàigòn quả là những bóng cây với tất cả sự êm tịnh, vắng lặng, những lá me lay động in bóng trên mặt hè vắng Sàigòn thật khác, so với những thành phố miền Trung, miền Bắc. Nhưng đặc biệt nhất là đêm Sàigòn. Buổi sáng, buổi chiều, Sàigòn làm việc, đêm đến Sàigòn mới thật sự sống. Ra quán uống cà-phê, ăn sáng, đó là một cần thiết ngắn. Tối đến ra đường, đó mới là thời gian của mình của mỗi người Sàigòn. Ăn và chơi mọi thứ đều có đủ. Bỏ ra một năm trời khám phá chưa chắc đã biết hết mọi thứ ăn và mọi thứ chơi của Sàigòn. Rất nhiều người đến Sàigòn rồi không thể bỏ đi. Chưa hẳn bởi họ ham ăn ham chơi. Đêm Sàigòn là của hết thảy mọi người, ai cũng có thể tìm thấy cái phần của mình ở một nơi nào đó trong thành phố nô nức về đêm. Bởi có đêm Sàigòn đời sống thấy dễ chịu hơn. Ban ngày làm việc, đêm đến có cơ hội tức khắc đền bù những nhọc mệt trong ngày. Cần cù, cố gắng được chia thành nhiều đoạn ngắn. Hãy sống cho ngày hôm nay, sáng mai lại tiếp tục. Đời sống Sàigòn đáng yêu bởi lẽ không đòi hỏi nhiều cố gắng tích lũy.

Hai mươi lăm năm sau, những gốc cây của Sàigòn ngày xưa lần lần bị đánh ngã. Chẳng cần tới những lưỡi cưa tàn nhẫn, riêng bụi và khói độc của đường phố cũng đủ làm nghẹt thở từng cành lá. Sàigòn đâu còn là Sàigòn nữa. Đâu còn thứ Sàigòn hoan hỉ mời gọi và tức thời biến người lạ thành quen. Bóng mát không tìm thấy. Bây giờ chỉ còn đám đông những người lạ, từ bốn phương kéo tới và ồ ạt tranh sống. Sàigòn của ai, của những người mạnh tay, lanh mắt. Hãy đổ lỗi hết cho chiến tranh, để lương tâm mỗi người tạm yên. Cho cái gốc thực sự Sàigòn đừng mất.

Cuộc sống bây giờ ai thấy cũng tạm. Cho nên đừng đánh giá gắt gao. Chiến tranh như cơn lốc xô đẩy những đám người quy tụ thành từng tập thể bát nháo. Hoàn cảnh nhất thời đâu giữ mãi được gót chân người nếu không khí tình cảm chung quanh không là bóng mát níu kéo. Như những bóng cây buổi trưa Sàigòn hồi nào. Như những đêm Sàigòn ngày xưa đem thoải mái đến, sau những ngày làm việc. Nghĩ cho cùng, bóng mát cũng không do ý muốn của con người. Đừng ai nghĩ là muốn hay không muốn tạo bóng mát. Bóng mát của Sàigòn ngày xưa là hợp thành của chính bao nhiêu cái vô tâm của người Sàigòn. Người mới đến cũng mang cái vô tâm của mình hòa trộn vào mớ vô tâm chung. Sàigòn ngày xưa quyến rũ không phải vì ai, do ai. Có một quy luật cởi mở mặc nhiên ai nấy cùng theo và hết sức tôn trọng. Cái chén nhỏ tư lợi hẹp hòi của mỗi người làm sao so sánh được với lượng vô biên của một miền phù sa chỉ thèm tranh đua với riêng biển cả. Sàigòn, miền Nam, tương lai là ở trước mặt. Điều đáng sợ là sợ mất cái gốc tươi mát ngày xưa.

Hànội, Huế, Sàigòn. Ba mối tình, một bản hòa tấu. Làm sao thiếu được một khúc. Thiếu thốn chính là những người dễ dàng cam chịu ẩn núp trong một ngõ ngách địa phương, cam tâm đứng lại trong khi dòng đời đang chảy. Cái nhịp diễn tiến hiển hiện trong ngôn ngữ hòa trộn. Thử lắng nghe những sân khấu bình dân nhất. Những người đứng lại có thấy chăng ngôn ngữ – phương tiện cảm thông số một – đã đi tiên phong bồi đắp phù sa san bằng những ranh giới tư lợi trước mũi. Đào Duy Từ đã sống lại trong một số người hôm nay. Nhưng Đào Duy Từ hôm nay đã không cưỡng lại nổi sức giao hòa của ngôn ngữ…

Mặc Đỗ

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Không biết vì sao tôi có cái máu thích tư tưởng triết lý từ hồi còn trẻ. Do vậy, tôi rất mê đọc sách triết, sách tư tưởng, và dĩ nhiên sách Phật. Cũng vì cái “nghiệp dĩ” ấy mà khi lần đầu tiên được theo Ôn Từ Quang (tức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phúc Hộ) vào tùng chúng an cư tại Viện Hải Đức, Nha Trang, vào mùa hè năm 1976, tôi thường vào thư viện để kiếm sách đọc.
Câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” của thi hào Nguyễn Du, nhiều người từng nghe qua, nhưng có thể không rõ xuất xứ ở đâu. Đó là hai câu kết trong bài thơ thất ngôn bát cú “Độc Tiểu Thanh Ký” (Đọc Bút Ký Tiểu Thanh), trong “Thanh Hiên Thi Tập”...
Lần đầu tiên xảy ra vào mùa đông sau khi cô tròn mười sáu tuổi. Ngôn ngữ đã châm chích và giam cầm cô như quần áo làm từ hàng ngàn cây kim đột nhiên biến mất. Những từ ngữ vẫn đến được tai, nhưng giờ đây một lớp không khí dày đặc đệm khoảng không giữa ốc tai và não. Bị bao bọc trong im lặng mù sương, những ký ức về chiếc lưỡi và đôi môi đã từng sử dụng phát âm, về bàn tay đã nắm chặt cây bút chì, trở nên xa vời. Cô không còn suy nghĩ bằng ngôn ngữ nữa. Di chuyển, không cần ngôn ngữ và hiểu, không cần ngôn ngữ, như cô đã từng làm trước khi học nói - không, trước khi có được sự sống. Im lặng, hấp thụ dòng chảy thời gian như những quả bóng bông, bao bọc cơ thể cả bên ngoài lẫn bên trong.
Băng hình này thực hiện để cúng dường Tam Bảo. Nội dung dựa trên nhiều bản dịch khác nhau của Thầy Thích Minh Châu, Daw Mya Tin, Weragoda Sarada Thero, và nhiều Thầy trên Sutta Central và Access to Insight.
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người". Han Kang sinh ra tại Gwangju, Nam Hàn, cô chuyển đến Seoul khi mới mười tuổi. Cô học văn học tại Đại học Yonsei. Các tác phẩm của cô đã giành được Giải thưởng Văn học Yi Sang, Giải thưởng Nghệ sĩ trẻ ngày nay và Giải thưởng Tiểu thuyết Văn học Nam Hàn. The Vegetarian (Người Ăn Chay), tiểu thuyết đầu tiên của cô được dịch sang tiếng Anh, Portobello Books xuất bản năm 2015 và giành Giải thưởng Man Booker Quốc tế năm 2016. Cô sống tại Seoul. “Trái Cây Của Vợ Tôi”, Han Kang viết câu chuyện này vào năm 1997, cũng là tiền thân trực tiếp cho cuốn tiểu thuyết The Vegetarian năm 2007 – trong cả hai tác phẩm, một cặp vợ chồng ở độ tuổi đầu ba mươi thấy cuộc sống vốn bình lặng bị xáo trộn khi người vợ biến dạng thân thể.
Nhà văn nữ Han Kang người Nam Hàn đã đoạt giải Nobel Văn học 2024 nhờ “phong cách văn chương không chỉ đậm chất thơ mà còn sâu sắc, ý nghĩa, phản ánh những chấn thương lịch sử và thân phận mong manh của cuộc sống con người.” Ở tuổi 53, bà trở thành nữ nhà văn Nam Hàn đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, đồng thời là nữ nhà văn thứ 18 trong tổng số 121 nhà văn đoạt giải thưởng danh giá này cho đến nay. Bên cạnh sự nghiệp văn chương, Han Kang còn là một nhạc sĩ và có niềm đam mê với nghệ thuật thị giác (visual art).
Ba cuốn sách: Tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”; Tập truyện “Người Đàn Bà Khác”, và Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt Trịnh Y Thư, đã được ra mắt lần đầu tiên tại Coffee Factory, Westminster, Nam California vào lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024, với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ, các bằng hữu xa gần, các cơ quan truyền thông báo chí, và thân hữu của nhà văn Trịnh Y Thư. Mặc dù một buổi chiều Thứ Bảy với nhiều tổ chức sinh hoạt của các hội đoàn đoàn thể, các nhạc hội vận động tranh cử của các ứng cử viện gốc Việt đã tổ chức cùng một lúc, thế mà số người đến tham dự hơn 150 thân hữu và quan khách đã ngồi chật bên trong quán café, có lẽ vì Trịnh Y Thư là người đã sống và lăn lộn với nền văn học hải ngoại hơn mấy chục năm nay, cũng có lẽ vì Ông là một người bạn chân tình luôn hết lòng với bạn văn nghệ và được mọi người hết mực yêu mến.
Thế kỷ 19 có một sự cộng tác đặc biệt của một số người Minh Hương ở Chợ Lớn và các nhà khắc ván ở vùng Phật Trấn (Quảng Đông, Trung Quốc) để thực hiện khắc ván, in và phát hành sâu rộng những tác phẩm Việt Nam viết bằng chữ Nôm.
Lily, cô gái con người quản gia, thực sự không giây phút nào được nghỉ chân. Cô vừa mới đưa một quý ông vào gian phòng nhỏ phía sau văn phòng ở tầng trệt và giúp ông cởi áo khoác ngoài thì tiếng chuông cửa rè rè lại vang lên và cô lại phải tất tả bước dọc theo hành lang trống trải để đón một vị khách khác vào.
Nhân câu hỏi ông Đặng Minh Phương nêu ra, xin được đóng góp chút ý kiến khiêm nhượng vào chuyện này. Để giúp các bạn trẻ từ trước chưa có hoàn cảnh biết nhiều về mấy câu thơ trên, tôi xin được tóm lược câu chuyện từ đầu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.