Hôm nay,  

(mắng) yêu

16/03/202009:49:00(Xem: 3238)

 

* thời Cồ Vít, Vít Cồ Cồ *

 

ĐÍNH CHÍNH

 

CON nít. CON mắt lớn. LỚN hơn cái bụng. LỚN hơn rất nhiều.

 

Mỗi lần thấy Con lấy nhiều thức ăn, thì Mẹ hồ hởi, phấn khởi, luôn miệng khen Con ăn giỏi. Con nở mũi, khoái chí được Mẹ khen và cũng muốn ăn nhiều cho mau lớn.

 

Nhưng muốn thì muốn vậy, mà bao tử nó chẳng chìu! Ăn nửa chừng là ứ hò hen. Phải ngưng. Làm sao giờ? Ăn không xong là… mất mặt, vì mình đã oai phong lẫm liệt múc nhiều mà! Mẹ không cần ngó cũng biết. Mẹ nguýt một cái ngọt sớt, hỏi:

 

-       No rồi hả? Ăn hông nổi chứ gì!

-       Dạ!

-       Để đó đi. Mẹ ăn phụ cho. Lần sau lấy vừa đủ. Con ăn xong, rồi muốn ăn nữa thì lấy thêm nghe.

 

Con nịnh, chạy qua ôm hun Mẹ cái chét thiệt dài:

 

-       Con cám ơn Mẹ ăn phụ con!

 

Mẹ giả bộ hất Con ra, lầu bầu:

 

-       Phụ gì! Ăn cặn thì có!

 

Bữa nào mà Con làm biếng ăn, ham chơi, hoặc bỏ đi đọc sách, Mẹ sẽ dẫn chứng thống kê. Ngay như ở Tiểu Bang Vàng the Golden State California này, mà trẻ em vẫn bữa đói bữa no. Cứ tám đứa trẻ thì một đứa không biết khi nào sẽ được ăn bữa kế (http://www.cafoodbanks.org/hunger-factsheet). Mà cay đắng ở chỗ, Califorina lại sản xuất gần nửa số rau quả của Hoa Kỳ, và còn xuất khẩu đi nhiều nơi khác trên thế giới. Qua tuốt Việt Nam nữa. “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.” Đừng tưởng chỉ có ở Việt Nam thời Bà Tú. Cảnh đó vẫn có ở Thiên Đường Mỹ Quốc. Ở đâu cũng có người khổ. Có khoảng 4.6 triệu người, tức 11.7% dân California, sống trong tình trạng thiếu ăn (food insecurity). Tại Tiểu Bang Vàng, có 1.7 triệu trẻ em, tức 19%, hay 1 trong 5 trẻ em, phải ôm bụng đói đi ngủ. Có 7.9 triệu người dân California sống trong nghèo đói. Theo thống kê của U.S. Census Bureau’s Supplemental Poverty Measure, California có tỷ lệ nghèo đói cao nhất nước, ở mức 20.6%. Nạn thất nghiệp ở mức 5.4%. Bây giờ, con Cồ Vít nó quậy, thì con nhà nghèo càng khổ hơn. Trường học công sở đóng cửa. Con cái không đến trường. Cha mẹ không có việc làm. Lấy gì nuôi con?

 

Bởi vậy mà Mẹ hay than vãn khi các Con ham chơi:

-       Con người ta không có cơm để ăn. Tụi con được ăn cơm nhà mỗi ngày mà còn õng ẹo.

 

Ít bữa sau, Con lại mắt lớn bụng nhỏ. Hay là tại đầu óc đang chập chờn quyển truyện tranh mới mua nên ăn không xong cũng không chừng. Con lần qua chỗ Mẹ, làm ngoại giao:

 

-       Mẹ ơi, Mẹ ăn cặn dùm con nghe!

 

Mẹ nghe Con nói thì giật mình cái phặt, vội vàng đính chính:

 

-       Không phải! Mẹ ăn phụ con. Không phải ăn cặn.

-       Sao bữa trước Mẹ nói ăn cặn mà?

-       Ờ, Mẹ mắng yêu cho vui thôi! Chứ Con nói Mẹ ăn cặn dùm con là hỗn, con hiểu hôn? Ăn phụ. Ăn phụ. Ừ, ăn phụ.

 

Đó! Mắng yêu chi cho khổ! Con mà nói theo là Mẹ sính vính! Mẹ ơi, liệu mà chừa cái tật nghe Mẹ! Cái này không có chuyển ngữ mà vẫn bị ‘lost in translation.’ Nhất sao đã thất bổn. Cần gì đến ba lần?

 

MẮNG MÀ YÊU

 

Trong thập niên vừa qua, ngày càng có nhiều thầy cô giáo đưa ra đề nghị xin ủy lạo cho học sinh nghèo liên quan đến nhu yếu phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn mặc, “warmth, care, and hunger” như áo ấm, đồ vệ sinh, và thức ăn trong số 1.8 triệu yêu cầu trên DonorsChoose

(http://blogs.edweek.org/teachers/teaching_now/2020/02/an_analysis_of_almost_2_million_donorschoose_requests_shows_funding_inequities.html). Đó là bởi vì thống kê của chính phủ liên bang cho thấy càng ngày càng có nhiều học sinh vô gia cư tại Hoa Kỳ (https://nche.ed.gov/data-and-stats/).

 

Theo Tuần Báo Giáo Dục, thì số học sinh vô gia cư lên cao nhất tại Mỹ từ trước tới nay, tăng 11%, và có nhiều em không có bất cứ người lớn nào để chăm lo cho mình, khiến cho các trường học trên toàn quốc phải đối diện nhiều thử thách (Education Week, February 11, 2020: 

https://www.edweek.org/ew/articles/2020/02/12/number-of-homeless-students-hits-all-time-high.html).

 

Mẹ thấy con người ta khổ, Mẹ thương. Mẹ thấy các Con không phải khổ, Mẹ cũng thương. Mẹ mừng là các Con không phải sống trong cảnh tù đày độc đảng như lúc Mẹ còn nhỏ. Nhưng thương là vì, Mẹ xót xa khi không được đưa các Con về thăm quê ở bên kia biển Thái. Biển thì nhiễm độc, rừng thì bị khai thác vô ý thức, văn hóa thì còi cọt, ngôn ngữ thì đã biến thái. Thăm gì? Bây giờ thì con Cồ Vít nó lại tung hoành và đã tràn đi từ Châu Á tới Châu Âu, Châu Phi, đi khắp nơi. Không dám bước.

 

Nên mỗi lần nhớ nhà nhớ quê, Mẹ lại mủi lòng. Có một buổi trưa, Mẹ chở các Con đi ngang một con đường vắng ở Quận Cam, chợt nghe tiếng vọng cổ phát ra từ một căn nhà nào đó. Gió trong, nắng thanh, người vắng. Mẹ tự hỏi, đây có phải là quê nhà? Không có đồng xa nước lợ như ở miền Tây quê Mẹ, không có nước lớn nước ròng như con sông Cái sau nhà, không có rừng dừa nước ngày nào làm ‘đám lá tối trời' che chở cho đoàn quân kiên trung của anh hùng dân tộc Trương Công Định. Mà sao chỉ một âm thanh đơn sơ giữa đất khác mà lòng vẫn xuyến xao.

 

Mẹ tức bụng không có người san sẻ. Mẹ nói một mình:

 

-       Sao giống ở Việt Nam quá! Mà tụi con có hiểu đâu mà nói.

 

Con Cả nghe lóm được, lập tức phản đối:

 

-       Mẹ nói cho con nghe đi. Con hiểu mà!

 

Nghe Con nói, Mẹ càng mủi lòng. Nhưng Mẹ vẫn nghĩ bụng: ở đó hai chục năm mới hiểu. Con chưa về, làm sao mà thấu cho đặng?

 

MẮNG KHÔNG YÊU

 

Mỗi lần các Con nghịch ngợm, Mẹ giơ cao đánh khẽ, bảo ban đủ điều. Bữa nào mệt quá, Mẹ sẽ gọi cho Bà Ngoại để méc:

 

-       Mẹ coi, ba thằng khỉ...

 

Mẹ chưa kịp nói xong thì ba ‘thằng khỉ' đồng thanh nhao nhao:

 

-       Ứ! Tụi con không phải là khỉ!

 

Con Út ngọng nghịu:

 

-       Con không phải là ‘hỉ.' Con là ‘nhười.’

 

Chẳng những là ‘khỉ' mà còn là khỉ ngọng nữa! ‘Nhười' gì? “Nhười ươi” thì có! Phá như giặc!

 

-       Ứ! Con hông phải là giặc! Con ‘nhoan’ mà!

 

Ngoan gì? Từ nhỏ tới lớn, không anh nào thua anh nào. Chưa ba tuổi đã suốt ngày ‘tiền phá hậu báo:’

 

-       Mẹ, đổ, đổ. Mẹ, phá phá.

 

Bằng chứng hả? Mở video lên thì biết liền! Mẹ mắng yêu các Con chán, thì quay sang mắng yêu Bà Ngoại:

 

-       Mẹ coi! Cháu ngoại của Mẹ đó! Chịu nổi hông?

 

Bà Ngoại cũng mắng lại, mà không biết có yêu không:

 

-       Thì con hư tại Mẹ. Còn nói gì nữa!

 

Hứ. Mắng yêu thôi mà. Việc gì phải lớn tiếng tự bào chữa vậy!

 

Bởi vậy, những người được yêu thường thích được mắng. Nhưng những người hay mắng

chưa chắc đã hay yêu. Có khi thương đứt ruột mà không yêu. Cũng lạ.

 

Cho nên, phân biệt được mắng có yêu và mắng không yêu là cốt lõi của đời người vậy.

 

Quận Cam, đầu tháng Ba, 2020

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngoài trời gió nhè nhẹ thổi, những chiếc lá mùa thu đang lãng đãng rơi rơi. Cái lành lạnh của gió heo may bên ngoài như đang hòa nhịp thở với những điệu nhạc “tiền chiến” mà tôi đang thưởng thức trong phòng đọc sách, một căn phòng đầy ấm cúng thương yêu...
Vào tháng Năm vừa qua, một người đàn ông Ấn Độ đã thiệt mạng khi cố gắng chụp ảnh “tự sướng” bên cạnh một con gấu bị thương. Đây là cái chết thứ ba liên quan đến việc chụp ảnh tự sướng ở Ấn Độ kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong hai tai nạn khác, những con voi đã đạp chết hai người trong lúc họ đang cố gắng tự chụp với chúng trong hai lần “tự sướng” riêng biệt. Vào tháng 7 năm nay, Gavin Zimmerman, một người Mỹ du lịch đến Úc, 19 tuổi, đã mất mạng vì rơi xuống vực khi anh đang tự chụp ảnh tự trên một vách đá ở New South Wales.
Chữ có hình có dạng, nhưng ý nghĩa bên trong chữ như chất lỏng. Sáng tác không chỉ đặt chữ xuống trang giấy, lên màn ảnh, trong tâm tình và ý thức nghệ thuật, mà quan trọng hơn, là làm rách chữ để chất lỏng chảy ra, thấm sâu vào giấy, vào điện tử, bốc hương lên tác giả và truyền thơm cho độc giả.Ca từ có thể không chứa chất lỏng đặc sệt như chữ trong thi ca, hoặc đậm đen trong ngôn từ triết học, nhưng chất lỏng trong ca từ rất đặc thù: có thể hát, mỹ vị hóa tứ nhạc, đồng cảm với giai điệu, và có khả năng đặc biệt nhất: đi thẳng vào lòng người. Sự phức tạp này là trở ngại lớn nhất đối với người viết ca khúc, vì nói đến ca khúc là nói đến ca từ. Một bản nhạc không thể hay, không thể đạt được giá trị, nếu có ca từ dở.
Cuộc thi viết văn bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh về ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hàng ngày do Chùa Hương Sen tổ chức đang được tiến hành. Cho đến nay, chúng tôi nhận được 170 bài dự thi của 70 thí sinh tham dự, phần đông từ Việt Nam. Ban tổ chức giải thưởng quyết định sẽ chấm dứt nhận bài vào 12 giờ đêm giờ California ngày 30 tháng 10 năm 2022
Nguyễn Du gọi cuộc đời mình từ năm 20 đến 30 tuổi là “Mười năm gió bụi”. Nhưng gia phả lại chép “mười năm đó ông về quê vợ ở Quỳnh Hải họp cùng anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn khởi nghĩa chống Tây Sơn”. Nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn trong sử sách lại chép ông ra làm quan Hàn Lâm thị thư triều Tây Sơn, làm Phó sứ trong phái đoàn Phan Huy Ích năm 1790 với vua Quang Trung giả
Trong suốt gần 4000 năm lịch sử của nước ta, bên cạnh ngày lễ Tết Nguyên Đán còn có ngày lễ hội Trung Thu dành cho các trẻ em. Lễ hội Trung Thu được cử hành hằng năm vào ngày rằm tháng Tám âm lịch. Vào ngày này, trẻ em thường nhận được quà tặng từ cha mẹ, ông bà để cử hành lễ hội Trung Thu. Phần nhiều quà tặng các em thích nhất là những lồng đèn có hình ngôi sao, cá chép, con gà trống, con thiên nga, con bướm... hay lớn hơn có hình con rồng dài, cái đầu con lân...
Chuyện tình Huyền Trân Công Chúa đã được nhắc tới nhiều trong dân gian Việt Nam, dưới nhiều góc độ khác nhau. Người thì ca ngợi Công Chúa đã thay mặt triều đình nhà Trần, thực hiện công tác chính trị, ngoại giao, tạo hoà bình giữa hai nước, đã thường xuyên tranh chấp lâu đời với nhau...
Nếu tính theo lịch thế gian, Việt Báo tròn 30 năm tuổi. Nhưng, nếu dò theo trí nhớ mơ hồ của tôi, Việt Báo hẳn là 3000 năm tuổi. Trong một ngôi làng rất mực thần thoại cổ tích như Little Saigon của chúng ta, Việt Báo chỉ là một góc nhỏ của làng, nhưng lại là nơi chất đầy trong tôi những kỷ niệm khó quên.
Ba mươi năm đối với đời người thì mới chỉ ở cái tuổi mà đức Khổng Tử gọi là “tam thập nhi lập,” tức là ở tuổi ba mươi thì người ta có thể tự đứng vững, tự lập cả về quan điểm, lập trường và sự nghiệp. Người ta khó có thể so sánh ba mươi năm của một tờ báo với ba mươi năm của một đời người. Một người trung bình ngày nay có thể sống tới tám chín mươi tuổi. Nhưng ai biết được một tờ báo có tuổi thọ là bao nhiêu. Có nhiều tờ báo sống trên một trăm bảy mươi tuổi, như tờ New York Times xuất bản lần đầu vào năm 1851 tính đến nay năm 2022 là đã 171 năm, cũng có nhiều tờ báo chỉ sống vài tháng hay vài năm.
LTS: Kỷ Niệm Việt Báo 30 tuổi, xin đăng lại bài viết của cố nhà báo kỳ cựu Hồ Văn Đồng, một ngòi bút trong ban chủ biên sáng lập tờ Việt Báo, viết về nhà báo Trần Dạ Từ và các bạn văn nghệ sĩ trong tù.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.