Hôm nay,  

Việt Báo Trong Trí Nhớ Cổ Tích

09/09/202208:16:48(Xem: 2433)
hình trên báo
Từ trái: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Kiều Chinh, Phan Tấn Hải, Hòa Bình, Thảo Trương, Hằng Nguyễn

 

 

Nếu tính theo lịch thế gian, Việt Báo tròn 30 năm tuổi. Nhưng, nếu dò theo trí nhớ mơ hồ của tôi, Việt Báo hẳn là 3000 năm tuổi. Trong một ngôi làng rất mực thần thoại cổ tích như Little Saigon của chúng ta, Việt Báo chỉ là một góc nhỏ của làng, nhưng lại là nơi chất đầy trong tôi những kỷ niệm khó quên. Nơi đây, tôi sẽ kể về những hình ảnh mà tôi đoán là ít người nhớ tới trong lời kể từ các bài viết khác về 30 năm Việt Báo.

 

Nhiều người không biết rằng nữ diễn viên Kiều Chinh là một trong những người chạy đi tìm quảng cáo nuôi sống Việt Báo từ những ngày đầu tiên. Một năm sau khi Việt Báo ra đời, có một sự kiện lớn của làng nghệ thuật Việt Nam: phim The Joy Luck Club trình chiếu khắp Hoa Kỳ năm 1993 trong đó một vai chính do Kiều Chinh đóng. Tức là, Việt Báo xuất hiện năm 1992, thì qua năm sau là có sự kiện lớn là lần đầu một phim lớn lại có một nữ tài tử Việt, và tài tử này là một người đã giúp Việt Báo tích cực. Lúc đó, tôi được Việt Báo giao nhiệm vụ là xem phim rồi phải viết bình luận (tôi nhớ là buổi ra mắt phim ở Quận Cam là ở một rạp hát trên đường Westminster, gần góc đường Beach). Các bạn cũng biết, tôi vào nghề báo rất vụng về, vì trước đó chỉ viết truyện, làm thơ và viết bài nghiên cứu về Phật học. Có một thực tế nữa, lúc đó tôi nghe tiếng Anh không đầy đủ, huống gì trên phim The Joy Luck Club diễn viên nói với nhau đâu có chờ cho mình nghe đâu. Tôi đã chọn cách dễ nhất: nhớ nữ diễn viên Kiều Chinh nói gì thì ghi lại, lược bớt, và rồi tổng hợp, bổ túc thêm bằng cách dịch lại từ nhiều bài bình luận của báo Mỹ về phim này. Kinh nghiệm này là bài học lớn cho tôi về nghề báo: phải đọc nhiều, nghe nhiều, tổng hợp nhiều -- dĩ nhiên, khi trích dẫn phải ghi nguồn để không bị chụp mũ là đạo văn.

 

Kỷ niệm lớn nhất của Việt Báo là bộ sách Viết Về Nước Mỹ, gom bài từ giải thi Viết Về Nước Mỹ. Nghĩ ra giải thi viết là do nhà báo Trần Dạ Từ. Giải thi này gần như lập tức thu hút người viết khắp thế giới. Và đa số người tham dự đã viết rất hay, rất xuất sắc. Về sau, điều hành chủ lực các lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Trương Ngọc Bảo Xuân… trong khi đó, giữ nhiệm vụ MC thường trực là chị Thụy Trinh, LS Nguyễn Hoàng Dũng. Có một người sau khi tham dự một buổi lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ đã về nói với tôi, rằng điều kỳ lạ rằng, tất cả những người nữ -- từ những người tham dự giải thi viết cho tới người trong tòa soạn Việt Báo -- đều rất đẹp. Tôi nói, họ đều là hoa hậu cả đấy, từ già tới trẻ, đều là quốc sắc thiên hương. 

 

Một điểm có vẻ như tình cờ: Việt Báo gắn bó, thân tình với các hoạt động Phật Giáo. Trước khi vào Việt Báo, tôi viết nhiều bài về nghiên cứu Phật học, nhưng chuyện này không dính gì tới Việt Báo. Có một điểm rất ít người biết: nhà văn Nhã Ca, người sáng lập Việt Báo, là một học trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Liên hệ đó là qua cố Đại sư Tây Tạng Tsultrim Gyeltsen (người được nhà văn Nhã Ca gọi thân mật là Geshela) vị thầy khi sinh tiền thỉnh thoảng vẫn tới thăm  tòa soạn Việt Báo. Và một lần, Giáo sư Tenzin Dorjee đã chở ngài Geshela tới tận nhà tôi, nói rằng để làm phép 4 góc nhà và tụng chú quanh nhà để cầu an (tự động Đại sư có ý như thế, chứ tôi không nghĩ ra chuyện như thế). Lúc đó, ngài Tsultrim Gyeltsen tặng tôi 2 cuốn sách tiếng Anh về Trung Luận do Đại sư mới ấn hành. Ngài là Giáo sư về Phật học, dạy cùng trường UCLA với ngài Thích Thiên Ân.

 

Ngài Tsultrim Gyeltsen và GS Tenzin Dorjee (dạy ở CSU Fulleton) thường tới thăm tòa soạn VB. Anh Dorjee là con nuôi của nhà văn Nhã Ca, và trở thành cầu nối Đức Đạt Lai Lạt Ma với cộng đồng Việt tại Quận Cam. Cũng chính tòa soạn Việt Báo là nơi tôi phỏng vấn chị Huyền, mẹ của cậu thiếu niên Don Pham được Thầy Gyeltsen đón sang Dharamsala để cậu Pham vào tu viện Tây Tạng học từ khi 15 tuổi; bây giờ nhà sư trẻ này đã là Tiến sĩ Phật Học Tây Tạng, sau học trình đã nhập mật thất thêm nhiều năm.

 

Việt Báo cũng có cơ duyên thân tình với Công Giáo: đăng nhiều bài và phỏng vấn luật sư Nguyễn Mạnh San, một Phó tế Công Giáo và là người có hạnh tu đức rất mực gian nan: trong hơn 20 năm đã tình nguyện vào các nhà tù Oklahoma để trợ giúp pháp lý cho tù nhân, an ủi, mời gọi cầu nguyện chung. Tôi đã giúp Thầy San (trong cách gọi thân mật) ấn hành sách bản tiếng Việt nhan đề “Luật Pháp Hoa Kỳ Thực Dụng” trong đó Thầy San kể về những nam nữ tù nhân gốc Việt trong nhà tù Oklahoma. Tôi đã làm một số video phóng lên YouTube để ngợi ca hạnh nguyện rất gian nan của Thầy San, vì lẽ ra Thầy San có thể kiếm tiền nhiều hơn thay vì tình nguyện vào giúp pháp lý trong tù. Chức vụ chính thức của Thầy San là đặc trách Tông Đồ Mục Vụ Trại Tù cho Tòa Tổng Giám Mục hơn 21 năm liên tục, để giúp đỡ trực tiếp các anh chị em tù nhân về vấn đề pháp lý, trước khi về hưu vào năm 2012. Bạn sẽ thấy nhiều video và bài viết về Thầy San, khi bạn vào YouTube hay Google, gõ chữ “Phó Tế Nguyễn Mạnh San.”

 

Chuyện này cũng ít người nhớ: Việt Báo cũng có cơ duyên đăng những bài và lời kêu gọi đầu tiên của Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, người khởi động xây giếng, đào giếng, tặng gạo tại các vùng xa xôi ở Miền Tây VN. Thời gian đầu, nhiều báo khác, nhiều đài phát thanh tránh né, không dám đăng bài của Mục sư Bảo vì sợ bị chụp mũ là giúp xây dựng kinh tế cho CSVN. Tôi liều mạng đăng đầu tiên, vì nghĩ rằng không ai nỡ chụp nón cối cho Việt Báo, nơi gần như tất cả những người chủ trương đều đã nằm tù CS nhiều năm, như Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Thảo Trường, Hồ Văn Đồng, Doãn Quốc Sỹ… (mà cộng các năm tù lại, nhiều hơn một thế kỷ). Thế rồi có một lần, nhà thờ của Mục sư Nguyễn Xuân Bảo bị đốt, cháy một góc; nhưng điều đó không ngăn được việc làm từ thiện của Mục sư. Mục sư Nguyễn Xuân Bảo kể rằng sau một chuyến đi từ thiện, khi máy bay ngừng trung chuyển ở Seoul, Nam Hàn, lúc đó là mùa World Cup, Mục sư Bảo nói, “Nơi phi trường, tôi chỉ nhớ duy nhất một người là anh Hải, nên tôi mua một quả bóng đá có huy hiệu World Cup để về tặng anh Hải, cho đứa con anh nó tập chơi bóng đá.” Làm từ thiện nhiệt tâm như Mục sư Bảo quả nhiên là hy hữu.

 

Trong tòa soạn, ai là người về nhà trễ nhất? Tôi vẫn nhớ những ngày xa xưa Việt Báo hình ảnh nhà thơ Lê Giang Trần cặm cụi trên các trang giấy dán. Thời xưa, chưa có máy điện toàn, tới khi có máy điện toán thì dấu tiếng Việt chưa có. Do vậy, phải cắt dán. Về nghệ thuật cắt dán, siêu đắng nhất trong nghề báo ở Quận Cam là Lê Giang Trần (tôi không nghĩ ra có ai giỏi hơn anh này). Tôi có nhiều kỷ niệm với Lê Giang Trần, vì tôi dịch tin xong, hay viết bài xong, là in từ máy điện toán ra cho công đoạn cuối của tòa soạn là cắt dán, rồi mới đưa các khuôn đó sang nhà in; nghĩa là, người về nhà trễ nhất phải là Lê Giang Trần. Tới khi có chi nhánh Việt Báo ở San Jose, Chấn Lê lại là người cực nhọc vì phải đưa các khuôn đã trình bày đó tới phi trường, gửi phi cơ tới San Jose, nơi sẽ có người nhận để đưa tới nhà in. Nghĩa là, khi đó, về nhà trễ nhất lại là Chấn Lê. Nói như thế cũng chưa đúng, vì mọi người đều cho là anh Trần Dạ Từ mới là người về trễ nhất. Trong trí nhớ của tôi, anh bao giờ cũng ở tòa soạn, làm gì có giờ về nhà.

 

Có một chu kỳ nghệ thuật: mỗi năm sẽ có một ngày tòa soạn Việt Báo mệt nhọc vì Giải Điện Ảnh Oscars. Tới khi nước Mỹ có Internet, thì mọi chuyện đơn giản hơn: phải chờ cho Đại Hội Phim Ảnh Oscars có danh sách thắng giải, dịch ra thành bản tin, rồi mới về nhà. May mắn cho Việt Báo: từ khi anh Huỳnh Kim Quang vào làm việc, những chuyện cực nhọc và gian nan nhất đã có anh chung sức gánh vác. Do vậy, những đêm khuya phải thức chờ danh sách thắng Giải Oscars vui hơn, đỡ mệt nhọc hơn.

 

Tương tự, cứ mỗi 2 năm nước Mỹ lại có bầu cử. Ngày bầu cử thường kết thúc lúc 8 giờ tối, sau đó phải chờ thêm vài giờ đồng hồ mới có kết quả bầu cử sơ khởi. Thế là anh Huỳnh Kim Quang gánh vác các bản tin về bầu cử. Tin càng sớm càng tốt, nhưng để trễ thì độc giả rầy.

 

pth nc

Việt Báo mỗi năm có Báo Xuân. Tờ giai phẩm này làm rất cực nhọc. Kể như là tim, là óc – thực sự, chứ không đơn giản là giấy mực. Bỏ ăn, bỏ ngủ làm Báo Xuân cực nhọc nhất là anh Trần Dạ Từ, rồi anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Tôi may mắn, không trách nhiệm nặng về Báo Xuân, vì chỉ viết một truyện ngắn cho mỗi năm là tự thấy là đủ. Tuy nhiên, Báo Xuân Việt Báo năm nào cũng trễ hơn các tòa soạn khác. Biết làm sao bây giờ? Bởi vì anh Trần Dạ Từ lúc nào cũng muốn toàn hảo, nên trễ là tất nhiên. Dù vậy, năm nào Báo Xuân Việt Báo cũng là tuyệt vời nhất thế giới (xin thú thật, tôi có bệnh luôn luôn đánh giá thiên vị).

 

Có một kỷ lục báo khác không thể có: anh Trần Dạ Từ, người sáng lập Việt Báo, cũng là nhạc sĩ sáng tác. Tính tơi bây giờ đã có 2 CD nhạc. Đầu tiên là CD Nụ Cười Trăm Năm (đêm nhạc ra mắt CD là năm 2011), và CD Gội Đầu Bay (đêm nhạc ra mắt CD là năm 2015).

 

Hai Phan
Chủ Bút Phan Tấn Hải trước cửa tòa soạn Việt Báo, Westminster.



Nhớ lại những ngày ngồi trong tòa soạn Việt Báo, kỷ niệm mơ hồ như trí nhớ đã mọc rêu mốc nhiều ngàn năm. Nơi đây tôi đã gặp Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Thảo Trường, Kiều Chinh, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Hồ Văn Đồng, Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy, Nhật Tiến, Nguyễn Khắc Nhân, Hoàng Quốc Bảo, Cung Tiến, Khánh Ly, Trần Duy Đức, Trịnh Thanh Thủy, Trần Chí Phúc, Thu Vàng, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Quốc Thái, Lê Lạc Giao, Cung Tích Biền… Cũng như các họa sĩ:  Ann Phong, Nguyên Khai, Nguyễn Việt Hùng, Phan Chánh Khánh, Rừng, Khánh Trường... Và đặc biệt, là được gặp các bạn đang hộ trì VB hiện nay: Hòa Bình, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thanh Huy, Hằng Nguyễn, Huỳnh Kim Quang…

 

Tôi có cảm giác Việt Báo là cái gì xa lắm, rất mực cổ tích. Nơi đó, là một tờ báo trong ngôi làng Little Saigon, nơi mọi người đều xuất hiện trong trí nhớ lung linh… Việt Báo, nơi mọi người đều tử tế, đều nhiệt tâm… Mọi chuyện về Việt Báo đều huyền ảo trong trí nhớ… Và là một phần lớn, một phần rất lớn trong đời tôi.

 

Phan Tấn Hải

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngoài trời gió nhè nhẹ thổi, những chiếc lá mùa thu đang lãng đãng rơi rơi. Cái lành lạnh của gió heo may bên ngoài như đang hòa nhịp thở với những điệu nhạc “tiền chiến” mà tôi đang thưởng thức trong phòng đọc sách, một căn phòng đầy ấm cúng thương yêu...
Vào tháng Năm vừa qua, một người đàn ông Ấn Độ đã thiệt mạng khi cố gắng chụp ảnh “tự sướng” bên cạnh một con gấu bị thương. Đây là cái chết thứ ba liên quan đến việc chụp ảnh tự sướng ở Ấn Độ kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong hai tai nạn khác, những con voi đã đạp chết hai người trong lúc họ đang cố gắng tự chụp với chúng trong hai lần “tự sướng” riêng biệt. Vào tháng 7 năm nay, Gavin Zimmerman, một người Mỹ du lịch đến Úc, 19 tuổi, đã mất mạng vì rơi xuống vực khi anh đang tự chụp ảnh tự trên một vách đá ở New South Wales.
Chữ có hình có dạng, nhưng ý nghĩa bên trong chữ như chất lỏng. Sáng tác không chỉ đặt chữ xuống trang giấy, lên màn ảnh, trong tâm tình và ý thức nghệ thuật, mà quan trọng hơn, là làm rách chữ để chất lỏng chảy ra, thấm sâu vào giấy, vào điện tử, bốc hương lên tác giả và truyền thơm cho độc giả.Ca từ có thể không chứa chất lỏng đặc sệt như chữ trong thi ca, hoặc đậm đen trong ngôn từ triết học, nhưng chất lỏng trong ca từ rất đặc thù: có thể hát, mỹ vị hóa tứ nhạc, đồng cảm với giai điệu, và có khả năng đặc biệt nhất: đi thẳng vào lòng người. Sự phức tạp này là trở ngại lớn nhất đối với người viết ca khúc, vì nói đến ca khúc là nói đến ca từ. Một bản nhạc không thể hay, không thể đạt được giá trị, nếu có ca từ dở.
Cuộc thi viết văn bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh về ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hàng ngày do Chùa Hương Sen tổ chức đang được tiến hành. Cho đến nay, chúng tôi nhận được 170 bài dự thi của 70 thí sinh tham dự, phần đông từ Việt Nam. Ban tổ chức giải thưởng quyết định sẽ chấm dứt nhận bài vào 12 giờ đêm giờ California ngày 30 tháng 10 năm 2022
Nguyễn Du gọi cuộc đời mình từ năm 20 đến 30 tuổi là “Mười năm gió bụi”. Nhưng gia phả lại chép “mười năm đó ông về quê vợ ở Quỳnh Hải họp cùng anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn khởi nghĩa chống Tây Sơn”. Nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn trong sử sách lại chép ông ra làm quan Hàn Lâm thị thư triều Tây Sơn, làm Phó sứ trong phái đoàn Phan Huy Ích năm 1790 với vua Quang Trung giả
Trong suốt gần 4000 năm lịch sử của nước ta, bên cạnh ngày lễ Tết Nguyên Đán còn có ngày lễ hội Trung Thu dành cho các trẻ em. Lễ hội Trung Thu được cử hành hằng năm vào ngày rằm tháng Tám âm lịch. Vào ngày này, trẻ em thường nhận được quà tặng từ cha mẹ, ông bà để cử hành lễ hội Trung Thu. Phần nhiều quà tặng các em thích nhất là những lồng đèn có hình ngôi sao, cá chép, con gà trống, con thiên nga, con bướm... hay lớn hơn có hình con rồng dài, cái đầu con lân...
Chuyện tình Huyền Trân Công Chúa đã được nhắc tới nhiều trong dân gian Việt Nam, dưới nhiều góc độ khác nhau. Người thì ca ngợi Công Chúa đã thay mặt triều đình nhà Trần, thực hiện công tác chính trị, ngoại giao, tạo hoà bình giữa hai nước, đã thường xuyên tranh chấp lâu đời với nhau...
Ba mươi năm đối với đời người thì mới chỉ ở cái tuổi mà đức Khổng Tử gọi là “tam thập nhi lập,” tức là ở tuổi ba mươi thì người ta có thể tự đứng vững, tự lập cả về quan điểm, lập trường và sự nghiệp. Người ta khó có thể so sánh ba mươi năm của một tờ báo với ba mươi năm của một đời người. Một người trung bình ngày nay có thể sống tới tám chín mươi tuổi. Nhưng ai biết được một tờ báo có tuổi thọ là bao nhiêu. Có nhiều tờ báo sống trên một trăm bảy mươi tuổi, như tờ New York Times xuất bản lần đầu vào năm 1851 tính đến nay năm 2022 là đã 171 năm, cũng có nhiều tờ báo chỉ sống vài tháng hay vài năm.
LTS: Kỷ Niệm Việt Báo 30 tuổi, xin đăng lại bài viết của cố nhà báo kỳ cựu Hồ Văn Đồng, một ngòi bút trong ban chủ biên sáng lập tờ Việt Báo, viết về nhà báo Trần Dạ Từ và các bạn văn nghệ sĩ trong tù.
LTS: Nhân ngày Việt Báo tròn 30 tuổi, xin trích lại bài viết của cố nhà báo kỳ cựu Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Ông là vị chủ biên sáng lập Việt Báo, và là chánh chủ khảo đầu tiên của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.