Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Việt Báo Trong Trí Nhớ Cổ Tích

09/09/202208:16:48(Xem: 2772)
hình trên báo
Từ trái: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Kiều Chinh, Phan Tấn Hải, Hòa Bình, Thảo Trương, Hằng Nguyễn

 

 

Nếu tính theo lịch thế gian, Việt Báo tròn 30 năm tuổi. Nhưng, nếu dò theo trí nhớ mơ hồ của tôi, Việt Báo hẳn là 3000 năm tuổi. Trong một ngôi làng rất mực thần thoại cổ tích như Little Saigon của chúng ta, Việt Báo chỉ là một góc nhỏ của làng, nhưng lại là nơi chất đầy trong tôi những kỷ niệm khó quên. Nơi đây, tôi sẽ kể về những hình ảnh mà tôi đoán là ít người nhớ tới trong lời kể từ các bài viết khác về 30 năm Việt Báo.

 

Nhiều người không biết rằng nữ diễn viên Kiều Chinh là một trong những người chạy đi tìm quảng cáo nuôi sống Việt Báo từ những ngày đầu tiên. Một năm sau khi Việt Báo ra đời, có một sự kiện lớn của làng nghệ thuật Việt Nam: phim The Joy Luck Club trình chiếu khắp Hoa Kỳ năm 1993 trong đó một vai chính do Kiều Chinh đóng. Tức là, Việt Báo xuất hiện năm 1992, thì qua năm sau là có sự kiện lớn là lần đầu một phim lớn lại có một nữ tài tử Việt, và tài tử này là một người đã giúp Việt Báo tích cực. Lúc đó, tôi được Việt Báo giao nhiệm vụ là xem phim rồi phải viết bình luận (tôi nhớ là buổi ra mắt phim ở Quận Cam là ở một rạp hát trên đường Westminster, gần góc đường Beach). Các bạn cũng biết, tôi vào nghề báo rất vụng về, vì trước đó chỉ viết truyện, làm thơ và viết bài nghiên cứu về Phật học. Có một thực tế nữa, lúc đó tôi nghe tiếng Anh không đầy đủ, huống gì trên phim The Joy Luck Club diễn viên nói với nhau đâu có chờ cho mình nghe đâu. Tôi đã chọn cách dễ nhất: nhớ nữ diễn viên Kiều Chinh nói gì thì ghi lại, lược bớt, và rồi tổng hợp, bổ túc thêm bằng cách dịch lại từ nhiều bài bình luận của báo Mỹ về phim này. Kinh nghiệm này là bài học lớn cho tôi về nghề báo: phải đọc nhiều, nghe nhiều, tổng hợp nhiều -- dĩ nhiên, khi trích dẫn phải ghi nguồn để không bị chụp mũ là đạo văn.

 

Kỷ niệm lớn nhất của Việt Báo là bộ sách Viết Về Nước Mỹ, gom bài từ giải thi Viết Về Nước Mỹ. Nghĩ ra giải thi viết là do nhà báo Trần Dạ Từ. Giải thi này gần như lập tức thu hút người viết khắp thế giới. Và đa số người tham dự đã viết rất hay, rất xuất sắc. Về sau, điều hành chủ lực các lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Trương Ngọc Bảo Xuân… trong khi đó, giữ nhiệm vụ MC thường trực là chị Thụy Trinh, LS Nguyễn Hoàng Dũng. Có một người sau khi tham dự một buổi lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ đã về nói với tôi, rằng điều kỳ lạ rằng, tất cả những người nữ -- từ những người tham dự giải thi viết cho tới người trong tòa soạn Việt Báo -- đều rất đẹp. Tôi nói, họ đều là hoa hậu cả đấy, từ già tới trẻ, đều là quốc sắc thiên hương. 

 

Một điểm có vẻ như tình cờ: Việt Báo gắn bó, thân tình với các hoạt động Phật Giáo. Trước khi vào Việt Báo, tôi viết nhiều bài về nghiên cứu Phật học, nhưng chuyện này không dính gì tới Việt Báo. Có một điểm rất ít người biết: nhà văn Nhã Ca, người sáng lập Việt Báo, là một học trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Liên hệ đó là qua cố Đại sư Tây Tạng Tsultrim Gyeltsen (người được nhà văn Nhã Ca gọi thân mật là Geshela) vị thầy khi sinh tiền thỉnh thoảng vẫn tới thăm  tòa soạn Việt Báo. Và một lần, Giáo sư Tenzin Dorjee đã chở ngài Geshela tới tận nhà tôi, nói rằng để làm phép 4 góc nhà và tụng chú quanh nhà để cầu an (tự động Đại sư có ý như thế, chứ tôi không nghĩ ra chuyện như thế). Lúc đó, ngài Tsultrim Gyeltsen tặng tôi 2 cuốn sách tiếng Anh về Trung Luận do Đại sư mới ấn hành. Ngài là Giáo sư về Phật học, dạy cùng trường UCLA với ngài Thích Thiên Ân.

 

Ngài Tsultrim Gyeltsen và GS Tenzin Dorjee (dạy ở CSU Fulleton) thường tới thăm tòa soạn VB. Anh Dorjee là con nuôi của nhà văn Nhã Ca, và trở thành cầu nối Đức Đạt Lai Lạt Ma với cộng đồng Việt tại Quận Cam. Cũng chính tòa soạn Việt Báo là nơi tôi phỏng vấn chị Huyền, mẹ của cậu thiếu niên Don Pham được Thầy Gyeltsen đón sang Dharamsala để cậu Pham vào tu viện Tây Tạng học từ khi 15 tuổi; bây giờ nhà sư trẻ này đã là Tiến sĩ Phật Học Tây Tạng, sau học trình đã nhập mật thất thêm nhiều năm.

 

Việt Báo cũng có cơ duyên thân tình với Công Giáo: đăng nhiều bài và phỏng vấn luật sư Nguyễn Mạnh San, một Phó tế Công Giáo và là người có hạnh tu đức rất mực gian nan: trong hơn 20 năm đã tình nguyện vào các nhà tù Oklahoma để trợ giúp pháp lý cho tù nhân, an ủi, mời gọi cầu nguyện chung. Tôi đã giúp Thầy San (trong cách gọi thân mật) ấn hành sách bản tiếng Việt nhan đề “Luật Pháp Hoa Kỳ Thực Dụng” trong đó Thầy San kể về những nam nữ tù nhân gốc Việt trong nhà tù Oklahoma. Tôi đã làm một số video phóng lên YouTube để ngợi ca hạnh nguyện rất gian nan của Thầy San, vì lẽ ra Thầy San có thể kiếm tiền nhiều hơn thay vì tình nguyện vào giúp pháp lý trong tù. Chức vụ chính thức của Thầy San là đặc trách Tông Đồ Mục Vụ Trại Tù cho Tòa Tổng Giám Mục hơn 21 năm liên tục, để giúp đỡ trực tiếp các anh chị em tù nhân về vấn đề pháp lý, trước khi về hưu vào năm 2012. Bạn sẽ thấy nhiều video và bài viết về Thầy San, khi bạn vào YouTube hay Google, gõ chữ “Phó Tế Nguyễn Mạnh San.”

 

Chuyện này cũng ít người nhớ: Việt Báo cũng có cơ duyên đăng những bài và lời kêu gọi đầu tiên của Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, người khởi động xây giếng, đào giếng, tặng gạo tại các vùng xa xôi ở Miền Tây VN. Thời gian đầu, nhiều báo khác, nhiều đài phát thanh tránh né, không dám đăng bài của Mục sư Bảo vì sợ bị chụp mũ là giúp xây dựng kinh tế cho CSVN. Tôi liều mạng đăng đầu tiên, vì nghĩ rằng không ai nỡ chụp nón cối cho Việt Báo, nơi gần như tất cả những người chủ trương đều đã nằm tù CS nhiều năm, như Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Thảo Trường, Hồ Văn Đồng, Doãn Quốc Sỹ… (mà cộng các năm tù lại, nhiều hơn một thế kỷ). Thế rồi có một lần, nhà thờ của Mục sư Nguyễn Xuân Bảo bị đốt, cháy một góc; nhưng điều đó không ngăn được việc làm từ thiện của Mục sư. Mục sư Nguyễn Xuân Bảo kể rằng sau một chuyến đi từ thiện, khi máy bay ngừng trung chuyển ở Seoul, Nam Hàn, lúc đó là mùa World Cup, Mục sư Bảo nói, “Nơi phi trường, tôi chỉ nhớ duy nhất một người là anh Hải, nên tôi mua một quả bóng đá có huy hiệu World Cup để về tặng anh Hải, cho đứa con anh nó tập chơi bóng đá.” Làm từ thiện nhiệt tâm như Mục sư Bảo quả nhiên là hy hữu.

 

Trong tòa soạn, ai là người về nhà trễ nhất? Tôi vẫn nhớ những ngày xa xưa Việt Báo hình ảnh nhà thơ Lê Giang Trần cặm cụi trên các trang giấy dán. Thời xưa, chưa có máy điện toàn, tới khi có máy điện toán thì dấu tiếng Việt chưa có. Do vậy, phải cắt dán. Về nghệ thuật cắt dán, siêu đắng nhất trong nghề báo ở Quận Cam là Lê Giang Trần (tôi không nghĩ ra có ai giỏi hơn anh này). Tôi có nhiều kỷ niệm với Lê Giang Trần, vì tôi dịch tin xong, hay viết bài xong, là in từ máy điện toán ra cho công đoạn cuối của tòa soạn là cắt dán, rồi mới đưa các khuôn đó sang nhà in; nghĩa là, người về nhà trễ nhất phải là Lê Giang Trần. Tới khi có chi nhánh Việt Báo ở San Jose, Chấn Lê lại là người cực nhọc vì phải đưa các khuôn đã trình bày đó tới phi trường, gửi phi cơ tới San Jose, nơi sẽ có người nhận để đưa tới nhà in. Nghĩa là, khi đó, về nhà trễ nhất lại là Chấn Lê. Nói như thế cũng chưa đúng, vì mọi người đều cho là anh Trần Dạ Từ mới là người về trễ nhất. Trong trí nhớ của tôi, anh bao giờ cũng ở tòa soạn, làm gì có giờ về nhà.

 

Có một chu kỳ nghệ thuật: mỗi năm sẽ có một ngày tòa soạn Việt Báo mệt nhọc vì Giải Điện Ảnh Oscars. Tới khi nước Mỹ có Internet, thì mọi chuyện đơn giản hơn: phải chờ cho Đại Hội Phim Ảnh Oscars có danh sách thắng giải, dịch ra thành bản tin, rồi mới về nhà. May mắn cho Việt Báo: từ khi anh Huỳnh Kim Quang vào làm việc, những chuyện cực nhọc và gian nan nhất đã có anh chung sức gánh vác. Do vậy, những đêm khuya phải thức chờ danh sách thắng Giải Oscars vui hơn, đỡ mệt nhọc hơn.

 

Tương tự, cứ mỗi 2 năm nước Mỹ lại có bầu cử. Ngày bầu cử thường kết thúc lúc 8 giờ tối, sau đó phải chờ thêm vài giờ đồng hồ mới có kết quả bầu cử sơ khởi. Thế là anh Huỳnh Kim Quang gánh vác các bản tin về bầu cử. Tin càng sớm càng tốt, nhưng để trễ thì độc giả rầy.

 

pth nc

Việt Báo mỗi năm có Báo Xuân. Tờ giai phẩm này làm rất cực nhọc. Kể như là tim, là óc – thực sự, chứ không đơn giản là giấy mực. Bỏ ăn, bỏ ngủ làm Báo Xuân cực nhọc nhất là anh Trần Dạ Từ, rồi anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Tôi may mắn, không trách nhiệm nặng về Báo Xuân, vì chỉ viết một truyện ngắn cho mỗi năm là tự thấy là đủ. Tuy nhiên, Báo Xuân Việt Báo năm nào cũng trễ hơn các tòa soạn khác. Biết làm sao bây giờ? Bởi vì anh Trần Dạ Từ lúc nào cũng muốn toàn hảo, nên trễ là tất nhiên. Dù vậy, năm nào Báo Xuân Việt Báo cũng là tuyệt vời nhất thế giới (xin thú thật, tôi có bệnh luôn luôn đánh giá thiên vị).

 

Có một kỷ lục báo khác không thể có: anh Trần Dạ Từ, người sáng lập Việt Báo, cũng là nhạc sĩ sáng tác. Tính tơi bây giờ đã có 2 CD nhạc. Đầu tiên là CD Nụ Cười Trăm Năm (đêm nhạc ra mắt CD là năm 2011), và CD Gội Đầu Bay (đêm nhạc ra mắt CD là năm 2015).

 

Hai Phan
Chủ Bút Phan Tấn Hải trước cửa tòa soạn Việt Báo, Westminster.



Nhớ lại những ngày ngồi trong tòa soạn Việt Báo, kỷ niệm mơ hồ như trí nhớ đã mọc rêu mốc nhiều ngàn năm. Nơi đây tôi đã gặp Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Thảo Trường, Kiều Chinh, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Hồ Văn Đồng, Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy, Nhật Tiến, Nguyễn Khắc Nhân, Hoàng Quốc Bảo, Cung Tiến, Khánh Ly, Trần Duy Đức, Trịnh Thanh Thủy, Trần Chí Phúc, Thu Vàng, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Quốc Thái, Lê Lạc Giao, Cung Tích Biền… Cũng như các họa sĩ:  Ann Phong, Nguyên Khai, Nguyễn Việt Hùng, Phan Chánh Khánh, Rừng, Khánh Trường... Và đặc biệt, là được gặp các bạn đang hộ trì VB hiện nay: Hòa Bình, Trịnh Y Thư, Nguyễn Thanh Huy, Hằng Nguyễn, Huỳnh Kim Quang…

 

Tôi có cảm giác Việt Báo là cái gì xa lắm, rất mực cổ tích. Nơi đó, là một tờ báo trong ngôi làng Little Saigon, nơi mọi người đều xuất hiện trong trí nhớ lung linh… Việt Báo, nơi mọi người đều tử tế, đều nhiệt tâm… Mọi chuyện về Việt Báo đều huyền ảo trong trí nhớ… Và là một phần lớn, một phần rất lớn trong đời tôi.

 

Phan Tấn Hải

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thế kỷ 19 có một sự cộng tác đặc biệt của một số người Minh Hương ở Chợ Lớn và các nhà khắc ván ở vùng Phật Trấn (Quảng Đông, Trung Quốc) để thực hiện khắc ván, in và phát hành sâu rộng những tác phẩm Việt Nam viết bằng chữ Nôm.
Lily, cô gái con người quản gia, thực sự không giây phút nào được nghỉ chân. Cô vừa mới đưa một quý ông vào gian phòng nhỏ phía sau văn phòng ở tầng trệt và giúp ông cởi áo khoác ngoài thì tiếng chuông cửa rè rè lại vang lên và cô lại phải tất tả bước dọc theo hành lang trống trải để đón một vị khách khác vào.
Nhân câu hỏi ông Đặng Minh Phương nêu ra, xin được đóng góp chút ý kiến khiêm nhượng vào chuyện này. Để giúp các bạn trẻ từ trước chưa có hoàn cảnh biết nhiều về mấy câu thơ trên, tôi xin được tóm lược câu chuyện từ đầu.
Chủ đề chính kết nối các truyện ngắn trong tuyển tập Beyond Borders (Vượt Qua Những Biên Giới) (nxb Da Màu Press) là khái niệm phức tạp và đa diện về biên giới. Như tựa của tuyển tập, mỗi câu chuyện hứa hẹn một khám phá đặc thù về khái niệm này. Biên giới là gì? Liệu đó có phải là một ranh giới hữu hình, như một hàng rào hay trạm kiểm soát phân chia các không gian địa lý và chủng tộc? Hay thuật ngữ này cũng đã khai triển/mở rộng để bao hàm những ranh giới hầu như vô hình và vô thức, như các cấu trúc ngôn ngữ, xã hội và văn hóa đã định hình bản sắc và mọi liên hệ cá nhân và tập thể? Có lẽ trong thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ của chúng ta, biên giới hiện diện khắp nơi, cả hiển nhiên lẫn tiềm ẩn.
Từ khi du học ở Pháp vào đầu thập niên 1950’, trở về Việt Nam làm việc cho hãng Shell rồi sang Pháp làm việc cho đến khi về hưu và định cư cho đến nay… cả cuộc đời nhà văn Tiểu Tử gắn bó với tiếng Pháp nhưng khi cầm bút nơi xứ người với văn phong đặc biệt “miền Nam”, giản dị, ngắn gọn, chân chất, dí dỏm từ giọng văn và các mẩu đối thoại. Về tiểu sử cũng ngắn gọn: Tiểu Tử tên thật là Võ Hoài Nam, sinh năm 1930 tại Gò Dầu Tây Ninh. Ông là con trai duy nhứt của nhà giáo Võ Thành Cứ, giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Tốt nghiệp Kỹ sư, Marseille năm 1955. Dạy lý hoá trung học ở ngôi trường nầy niên khóa 1955-1956. Tháng 10/1956 làm việc cho hãng dầu Shell Việt Nam từ năm tháng 10 1956 đến 30/4/1975. Trong 3 năm (1975-1978) được trưng dụng làm việc cho hãng nầy. Trong thời gian đó, vượt biên 3 lần nhưng thất bại. Vượt biên cuối năm 1978. Định cư ở Pháp từ đầu năm 1979. Làm việc cho hãng đường mía của Côte d’ Ivoire (Phi Châu) 1979-1982. Làm việc cho hãn
Hôm nay là ngày lễ Manman Aloumandia, ngày giỗ tổ tiên của người Haiti vào cuối tháng Chín. Nhà nào cũng chuẩn bị thức ăn truyền thống và hành lễ cảm tạ ông bà đã giữ gìn an toàn cho con cháu, nhất là sau vụ bị hàm oan, họ càng thấm thía sự bình yên hơn. Di dân, hầu hết là tha phương bất đắc dĩ, như phận gái đi lấy chồng, mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu.
Những tia nắng hồng cuối cùng đã tắt trong ánh hoàng hôn chiều tà nhưng bầu trời vẫn trong sáng từ một thứ ánh sáng huyền bí; vẫn chưa có vì tinh tú nào xuất hiện, tuy nhiên màn đêm hôm nay hẳn là một trong những buổi chiều tối đẹp nhất mà cả thế gian này chưa từng bao giờ chứng kiến. Bên phía đại dương, nhìn như có vẻ tối tăm sẫm màu hơn dưới bầu trời rực sáng; bóng tối hoặc ánh màu phản chiếu không còn in trên nền đất liền màu nâu đậm nữa; toàn bộ phần vách đã gần đó giờ chỉ còn là một khối khổng lồ, là một khối đá hoa cương khô khan chênh vênh, nguy hiểm. Con đường mòn gồ ghề trắc trở chạy men theo bờ biển dọc theo những tảng đá, nơi đó những con sóng rì rầm đập vào không ngớt, nơi đây những người dân làng có việc cần hoặc những người chăn cừu đưa bọn cừu hoang dã chưa được thuần thục đã dẫm đạp lên ngàn vạn lần.
Cuốn sách này không ở đâu có, kể cả thư viện quốc hội Hoa Kỳ. Chỉ bạn có và người Việt có. Nhưng bạn không thể đọc hết hơn ngàn trang trong một lần. Chỉ đọc bài nào vừa ý. Những bài khác cứ hẹn tái ngộ, vì, có khi, một hôm bạn sẽ thích một bài mà bạn không thích trước đây. Có thích mới muốn đọc nhưng thích là động lực tâm tình giới hạn trí tuệ.
Trong số khách đến viếng chùa, có người con gái chừng độ tuổi trăng tròn, không son phấn điểm trang, nhưng nàng trông thật diễm lệ. Nàng nâng niu từng cành hoa mẫu đơn. Trong lúc sơ ý nàng vướn gẫy một cành hoa. Người coi vườn bắt trói nàng đòi tiền chuộc tội.
Lần cuối, nghĩa là lần mới nhất, không phải là lần cuối cùng, tôi gặp Trương Vũ tại nhà của Trần Vũ, khi Trương Vũ ghé Quận Cam, trước khi anh bay lên Bắc California để thăm chị ruột của anh, họa sĩ Trương Thị Thịnh. Lúc đó là, có lẽ năm ngoái. Lúc đó, mối giao tình của Trương Vũ và tôi đã trải rộng từ hơn ba thập niên, từ những ngày tôi còn ở Miền Đông Hoa Kỳ. Thời xa xưa, tôi gọi anh bằng tên là anh Sơn, anh Trương Hồng Sơn, khi nhìn anh như một nhà khoa học. Và nhiều năm sau, khi đọc nhiều bài viết của anh trên Văn Học và Hợp Lưu, tôi gọi anh qua bút hiệu là Trương Vũ. Rồi vài năm gần đây là nhìn anh như họa sĩ. Thời gian đã cho anh hiển lộ qua nhiều tài năng, và với rất nhiều tóc bạc. Nhưng nụ cười của Trương Vũ vẫn hiền lành, đôi mắt vẫn tinh anh, cử chỉ và thái độ vẫn luôn là từ tốn, cẩn trọng, dịu dàng.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.