Hôm nay,  

Đúng Đẹp Hay Sai Xấu Dở?

27/12/201900:00:00(Xem: 4991)
BTM
Chú Bồ Tùng Ma


Quý vị nào thích môn thể thao bóng bầu dục của Mỹ chắc hẳn có nghe "tiếng" của Redskins.  Redskins là đội nhà của vùng Virginia, Washington DC và Maryland. Từ lúc ra đời từ đầu thập niên ba mươi đến mãi những năm chín mươi, Redskins là một trong mười đội dẫn đầu trong đường bóng bầu dục của Mỹ.  Nhiều ông bố đã dùng một phần lớn tiền hưu để mua vé thành viên trọn đời.  Và cứ thế nhiều gia đình đã trở thành hội viên của Redskins từ đời cha tiếp nối đời con.  

Mùa Super Bowl sắp tới, bảng quảng cáo và cờ Redskins phấp phới trên đường phố làm tôi nhớ lại một chuyện vui.

Bố của ông sếp tôi từ trần và chúng tôi đi đám (Hừm, đi đám tang mà lại có chuyện vui?!)  Đó là lần đầu tiên tôi đi đám tang của người Mỹ. Nhiều thứ lạ và mới nên tôi quan sát và lắng nghe là chính. Tôi đi theo các bạn đồng nghiệp Mỹ và ai làm sao thì tôi làm vậy. Ngày "nhìn mặt lần cuối" trước khi chôn cất, nhiều người thân và bạn bè tụ họp. Đến nhà quàn, trong phòng có một màn hình Tivi to. Có tiếng nhạc đệm rất dễ chịu ở phía sau. Màn hình hiện lên các hình ảnh kỷ niệm của nhân vật quá cố. Từng tấm hình chậm rãi lướt qua: từ lúc còn bé, với cha mẹ anh chị em, rồi lớn lên, đi học, đi lính, lập gia đình, lần đầu tiên được làm bố, nghỉ hè với vợ con, dạy con tập đi, dạy con câu cá, giúp con dọn đồ đạc đến ở gần trường đại học, dự lễ ra trường của con, mừng các con trong ngày cưới, đón chào đứa cháu nội đầu tiên, lên chức ông ngoại, chia tay đồng nghiệp và về hưu, đi những chuyến đi xa…

Biến chuyển cả cuộc đời dài gần tám mươi năm như được thu ngắn và kể lại bằng một tập hình kéo dài khoảng mười lăm phút. Tập hình chạy đến cuối thì tự động bắt đầu trở lại để khách đến sau có thể xem từ đầu nếu muốn. Tôi bắt gặp nhiều nụ cười trên mặt khách viếng sau khi xem hình. Họ có thể có một phần trong các kỷ niệm. Họ có thể đang hình dung lại cảnh vật và âm thanh lúc bấy giờ. Họ lục lại trong trí nhớ…

Tôi quên là mình đang đi đám tang. Cách tổ chức, không khí, và tinh thần của từng diễn tiến rất ư nhẹ nhàng, có lúc còn có vẻ như một ngày lễ mừng ngày đoàn tụ, mừng một sự hoàn tất gì đó...

Giờ lễ "nhìn mặt lần cuối" được chính thức bắt đầu. Người anh trai lớn của sếp lên bục làm lễ và nói lời cảm ơn. Ông ta đọc lại sơ lược cuộc đời và thành quả của người cha. Kế đến là một ông lão cỡ tuổi bố của sếp chậm rãi đi lên. Tôi đoán có thể ông là một người anh hay em của bố sếp. Nhưng không, ông giới thiệu mình là bạn thân của người quá cố từ thời niên thiếu. Ông mặc bộ vest đen và quàng khăn có hình đội bóng Redskins. Và chuyện vui mà tôi nhắc ở trên bắt đầu từ đây.

­­­­­Ông bắt đầu nói về người bạn của mình: "Tôi và ông này biết nhau từ thời hai đứa còn bắn bi. Chúng tôi ở chung xóm, đi học chung trường, và cũng cùng đi lính.  Chúng tôi làm bạn với nhau hơn bảy chục năm qua. Giải trí của chúng tôi là môn bóng bầu dục. Đã có lúc hắn muốn trở thành cầu thủ cho Redskins; chỉ ngặt cái hắn không thể chạy nhanh nên đành chấp nhận chỉ là người hâm mộ." 

Mọi người chăm chú lắng nghe và bắt đầu thấy sự liên hệ giữa chiếc khăn quàng cổ của ông và câu chuyện ông sắp kể. Ai cũng có vẻ nôn nao muốn nghe phần kế tiếp. Ông lão tiếp tục nói, "Khi Redskins còn dưới sự quản lý của Jack Kent Cooke, Redskins chơi rất hay và tôi cũng đã rất mê đội Redskins. Nhưng từ khi Redskins bị đổi quản lý, mọi thứ từ từ đi xuống. Nhiều người hâm mộ đã bỏ đi, trong đó có tôi. Riêng ông bạn tôi thì vẫn luôn trung thành và thích Redskins cho đến tận phút cuối. Mới tuần trước, khi tôi đến thăm, ông ta vẫn rủ tôi ở lại xem với ông một trận của Redskins. Tôi thì ngủ gà ngủ gật, trong khi mắt hắn thì cứ dán vào màn hình Tivi và theo dõi say sưa. Tôi đã thắc mắc suốt bao nhiêu năm và nhiều lần tự hỏi tại làm sao Redskins chơi càng ngày càng tệ, càng ngày càng xuống cuối bảng mà ông bạn mình vẫn cứ thích thú xem.  Hắn có một niềm tin nơi Redskins đến lạ thường!  Và một ngày kia tôi đã tìm được trả lời cho thắc mắc của mình."

Ông ngừng lại. Mọi người bắt đầu tò mò và nóng lòng muốn nghe ông cụ giải thích.  "Tôi rất rành ông bạn già của tôi nên để tôi kể cho quý vị nghe. Ông bạn tôi là một tên giờ giấc rất dây thun." Nghe đến đây, nguyên cả gian phòng cười ồ lên. Có lẽ mọi người hơi bất ngờ khi thấy một ông cụ 80 tuổi đang phê bình chế giễu ông bạn thân đang nằm trong hòm của mình. Ông cụ chờ mọi người cười xong lại chậm rãi, "Khi người ta xong hết chuyện và sắp ra về thì cha con nhà hắn mới lò mò tới. Lần nào cũng thế! Hắn hẹn với ai cũng luôn tới trễ gần cả tiếng đồng hồ… Redskins cũng chính xác như thế!  Người xem chờ mãi vẫn không thấy chúng ghi điểm. Tới cuối gần xong mới vô được một trái, và đứng cuối bảng!"

Ông lão ngừng lại cho mọi người cười hả hê.  Ông lại nói tiếp, "Có được trả lời này rồi thì tôi lại có thêm một thắc mắc khác. Không biết có phải vì hắn thích Redskins nên dần trở thành tên dùng giờ dây thun, luôn chậm trễ, và chỉ xuất hiện ở giờ cuối để chứng kiến phần kết thúc; hay là vì bản chất hắn là tên luôn sai hẹn nên hắn có thể thông cảm và chấp nhận Redskins đứng ở cuối bảng?" Mọi người thích thú với câu chuyện của ông lão, lại cười rần rần.

Ngồi giữa gian phòng lớn với bao tiếng cười xung quanh, tôi đã nghĩ thầm.  Quả thật phong tục của người Mỹ có nhiều cái khác so với phong tục của người Việt Nam. Nói về người quá cố, nhất là trong đám tang trước mặt bao nhiêu khách viếng, mà dám cả gan chế giễu! Ở Việt Nam mà làm kiểu này thì có nước bị uýnh về ba má nhận không ra (đùa tí!)

Ông lão tiếp tục, "Tôi lại thấy lạ một điều, với bản chất luôn trễ nãi như ông bạn già của tôi, đáng lẽ hắn phải ra đi sau tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến hắn làm một việc sớm hơn dự kiến. Thôi thì tôi và quý vị cùng nhau tiễn đưa ông bạn già của tôi về nhà Chúa."  

Vẫn chưa xong, ông lại làm mọi người cười thêm lần nữa: "Hy vọng Redskins sẽ từ từ bò lên trên hạng bét một chút để vài bữa khi tôi ra đi và gặp lại ông bạn già trên đó, tôi sẽ cập nhật cho hắn biết 'bọn Redskins quả thật luôn chậm trễ y chang mày, mãi tới khi mày đi mất đất, chúng mới thắng giùm cho vài trận…'"

Mọi người lại cười. Không biết từ nãy giờ mọi người đã cười bao nhiêu lần. Tôi chưa bao giờ dự một đám tang nào vui đến như vậy. Ra về, lòng vẫn còn đọng lại nhiều cảm giác thích thú của những khám phá mới trong phong tục của người Mỹ. Đám tang này đã diễn ra hơn mười năm trước, khi tôi vẫn còn mới mẻ đối với nước Mỹ. Hôm nay tôi đã "lớn" lên thêm được tí và đã có thêm dịp chứng nghiệm những khác biệt trong suy nghĩ và lối sống của những gì diễn ra xung quanh mình hằng ngày.

Cùng một sự việc, người này có thể cho như vậy là phạm thượng và họ phẫn nộ. Người khác lại nhận thấy chẳng sao hết, mà ngược lại như vậy là rất thân thiện, gần gũi và họ vui vẻ cười hề hề. Cứ như thế hằng ngày xung quanh ta, bao nhiêu lần chúng ta đã chứng kiến cùng một sự việc, với cách nhìn, quan điểm sống và hiểu biết khác nhau, kẻ thấy đúng, người thấy sai; kẻ thấy hay, người thấy dở; kẻ thấy xấu, người thấy đẹp… Tranh luận nhau về những thứ chính mình cũng chưa biết hết đủ. Tôi đã thường tự nhắc mình mọi thứ chỉ tương đối thôi. Kể cả sống và chết cũng chỉ là những định nghĩa giới hạn so với bao nhiêu hiểu biết vô biên mình còn chưa với tới. Mình càng nhìn và đối xử với mọi thứ một cách nhẹ nhàng thì mọi thứ càng đẹp, càng dài, càng hay, càng vui… Mỗi ngày, tôi cũng vẫn còn phải cố gắng làm như vậy dù nhiều lúc gặp những chuyện muốn tu mà tu không nổi nên cứ phải xin phép Trời Phật cho mình xin nghỉ tu năm phút...

*

Viết đến đây thì tôi nhận tin chú Bồ Tùng Ma vừa ra đi… Da gà tự nhiên nổi rần rần. Cứ như chú Bồ Tùng Ma nói chuyện với tôi từ nãy giờ. Chú Bồ là một ngòi bút xuất sắc của Việt Báo Việt Bút gần 20 năm qua. Kể về chú Bồ Tùng Ma thì vô vàn những chuyện đặc biệt, vui nhộn và lý thú; gặp một lần, nhớ hoài.  Chú Bồ là một ví dụ điển hình cho cách cư xử nhẹ nhàng và mọi thứ vô thường, có có không không.

Lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ thường được Việt Báo tổ chức vào tháng Tám hằng năm. Công việc của tôi ngày càng bận và tháng Tám cũng là tháng tôi khó sắp xếp nghỉ nhất. Vắng mặt dự lễ mấy năm qua, tôi không được thăm gặp nhiều cô chú bác anh chị trong gia đình Việt Báo Việt Bút. Hơi hụt hẫng không kịp thăm trước khi chú Bồ Tùng Ma ra đi, tôi quyết định lấy vé giờ chót bay về tiễn chú lần cuối; cũng là dịp tốt để thăm đại gia đình Việt Báo Việt Bút.

Mấy ngày qua, ai trong gia đình Việt Báo Việt Bút cũng thương tiếc chú Bồ Tùng Ma, nhưng dường như thâm sâu trong cái buồn cái mà chúng ta gọi là "mất mát chia ly", mọi người như cảm nhận được sự thân thương và vị trí quan trọng từng người nơi nhau ra sao. Một cái gì đó vô hình và mạnh mẽ, cùng hướng về nhau. Nghĩ đến nó, cảm được nó, hạnh phúc vô biên. Chắc chắn là chú Bồ Tùng Ma đang vui khi nhìn xung quanh, nhận thấy tình thương mến tràn ngập, và mọi người sẽ xum vầy, đến thăm viếng chú đúng trong ý nghĩa mà chú đã viết trong bài "Bạn Tôi và Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ": Chết là bắt đầu một sự sống khác.

*

Nhớ lúc còn bé, tôi rất "không thích" màu trắng.  Mỗi lần đi nhà thờ và má mặc cho áo quần màu trắng thì tôi luôn càu nhàu, không thấy vui. Có lần, tôi đã nói với má, "Con ghét mặc đồ màu trắng lắm!" Má tôi cũng ngạc nhiên và hỏi tại sao. Tôi đã trả lời, "Vì màu trắng là màu tang, là màu buồn; con thấy ai có tang cũng toàn mặc đồ trắng." Thế là má nói với tôi, "Tại sao con không nghĩ màu trắng là màu tinh khiết, trong sáng như thiên thần thay vì nghĩ nó là màu buồn, màu của đám tang?" Từ ngày đó, mỗi khi mặc đồ trắng, tôi đã tập nghĩ mình mặc trang phục của thiên thần và dần thôi "bớt ghét" màu trắng.

Ông ngoại cũng là người đã dạy cho Khánh Vân gốc cọp của tôi tập suy nghĩ và dùng chữ nhẹ nhàng. Khi sinh thời, ông hay hát mấy câu "Nẻo đời muôn vạn lối, yêu nhau vì lời nói, mến nhau qua nụ cười…"

Khi lớn lên một chút, tôi dần thấm vào thói quen cách nói giảm, khi suy nghĩ, khi nói, khi viết… Có nghĩa là, thay vì dùng chữ "ghét" thì sẽ là "không được thích lắm", "sai" thì sẽ là "không đúng", "dở" thì "không hay", "xấu" thì "không đẹp", v.v… Cùng một sự việc, cách suy nghĩ sẽ đưa mình đến kết luận của vấn đề, tốt hay "không tốt". Mọi thứ tự nhiên tích cực và nhẹ nhàng hẳn.

*

Năm nay có nhiều tin không vui. Nhiều người thân ra đi.  Khi nhớ ông ngoại, tôi thường nghĩ ông ngoại vẫn còn ở Việt Nam, ông vẫn sống, và hai ông cháu chỉ cách nhau một đại dương bởi ông vẫn sống trong tôi dù tôi không thể gặp bằng xương bằng thịt.  Cũng giống như ông bố của sếp, dù đã ra đi, ông vẫn sống và sống một cách đặc biệt trong lòng con cháu và bạn bè của ông, những người còn ở bên này.  Có thể, ông ngoại tôi, bố của sếp, họ đi lên cung trăng cũng không chừng.  Suy nghĩ đó có thể không đúng mà cũng có thể đúng. Chỉ là chúng ta nào có thể biết, chưa biết!

Tôi chỉ biết gần đây nhất, sự ra đi của chú Bồ Tùng Ma đã nhắc nhớ tôi hãy biết sống chậm lại, hãy vui nhất, hãy tìm thấy ý nghĩa sống mỗi ngày và trân quý những gì hiện đang có trong đời sống này. Khi mình sống mà không có expectation, không đòi hỏi gì cả thì mọi thứ sẽ luôn là những bonus, những món quà và mình luôn hạnh phúc khi được quà dù rất nhỏ. Còn khi mình sống mà luôn có nhiều expectation, luôn đòi hỏi cao, thì mình sẽ không bao giờ hài lòng, sẽ luôn muốn hơn và luôn luyến tiếc.

Chú Bồ Tùng Ma biết chú được yêu thương và quý trọng ra sao.  Chú biết chú sẽ được nhớ đến và nhắc tới ra sao. Chúc mừng chú Ma mãn khóa, lên lớp.

Và trên đó, cháu biết chú Ma sẽ vẫn tiếp tục viết, vẫn làm giám khảo và sẽ chia sẻ lại những chuyện vui khi chúng ta lại gặp lại nhau… Cầu mong chú Bồ Tùng Ma yên nghỉ

Anne Khánh Vân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lễ hội sách Viet Book Fest của hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) sẽ bắt đầu vào ngày Thứ Bảy, 3 tháng 10 năm 2020, từ 3pm đến 4pm (giờ California). Toàn bộ lễ hội sách gồm một loạt bốn buổi đọc sách dành cho trẻ em được thu âm trước, sau đó là phần hỏi đáp trực tiếp với các tác giả và họa sĩ minh họa, được điều hợp bởi cô Maya Lê Espiritu của MaiStoryBook.
Vì tình hình và ảnh hưởng của Covid 19 về khả năng họp mặt cũng như khả năng tài chánh, bảo trợ, tham dự… Viết Về Nước Mỹ chính thức thông báo hủy bỏ giải thưởng năm 2020. Tháng Tám năm 2021, Viết Về Nước Mỹ sẽ trao giải năm 2020-2021 gộp chung. Ban tổ chức Viết Về Nước Mỹ xin trân trọng cảm ơn quý độc giả và quý tác giả, mong tiếp tục nhận bài tham dự và xin chúc sức khỏe, an lành.
Nha Trang có nhà thơ Hồ Ngạc Ngữ, có nhạc sỹ Minh Kỳ, có biển xanh, bãi cát trắng, có nắng ấm đủ hâm nóng ký ức mỗi khi ta xa và nhớ về Nha Trang. Nha Trang có những hải đảo, có đảo Hòn Yến án ngữ từ ngoài khơi vịnh Nha Trang.
Đối với những người viết thuộc thế hệ tôi, gần như ai cũng ít nhiều đọc văn Nhật Tiến ở tuổi đang trưởng thành. Những trang viết trong sáng và nhân ái của ông đã là hành trang cho tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ.
- Thầy Thích Phước An trong bài Cụ Quách Tấn, Cụ Đào Duy Anh và Thầy Tuệ Sỹ tại Nha Trang, tháng 6 năm 1976, đã viết: “Khi tiễn Đào Duy Anh xuống núi, ông cứ đi một đoạn là dừng lại bắt tay anh Tuệ Sỹ, những cái bắt tay rất chặt. Cứ như vậy ông bắt tay cho đến khi xuống cuối dốc chùa mới thôi. Điều ấy chứng tỏ rằng Đào Duy Anh rất trân trọng về cuộc gặp gỡ này. “Có một bài thơ của Quách Tấn, mà tôi nghĩ có thể tạm giải thích được. Ít nhất là trong trường hợp Quách Tấn và Tuệ Sỹ. Bài thơ ấy như thế này: Bao phen bến hẹn đổi dời, Làng phong tao vẫn con người thủy chung. Gió lau thổi lạnh sóng tùng, Hương xưa thắm lại cụm hồng ngày xưa.
Tất cả cơn thịnh nộ của địa chấn, cường triều, cuồng phong, hỏa tai... rồi sẽ lắng xuống. Không có gì tự sinh ra, và cũng không có gì sinh mãi không diệt. Lửa không thể cháy mãi. Sóng không thể dâng mãi. Niệm thiện hay niệm ác cũng chỉ là những ba động trên bề mặt bản tâm. Sau cơn thịnh nộ, là im lặng.
Qua tùy bút và tạp bút, Phạm Xuân Đài làm một cuộc hành trình khác, hành trình đi tìm tương quan giữa anh với hiện thực đời sống chung quanh, từ tô mì Quảng mộc mạc cho đến tiếng sáo diều hư tưởng, từ những thiếu nhi thi vẽ tranh ở quận Cam cho đến cái đầu gối bị vỡ trong một tai nạn ở trại tù cải tạo.- Trần Doãn Nho
IRVINE, Calif. (VB) ---Nhà văn Nhật Tiến vừa từ trần tại thành phố Irvine, Nam California, hưởng thọ 84 tuổi, sau trọn một đời không ngừng làm việc trong các cương vị khác nhau: một nhà văn lớn, một nhà giáo dục luôn quan tâm tới các thế hệ trẻ và là một Tráng sinh Lên đường hy hữu của Hướng Đạo VN.
Không hiểu tại sao, ngay từ thời niên thiếu mới tìm hiểu Đạo Phật, Thập Mục Ngưu Đồ ( 10 Bức Tranh Chăn Trâu) đã in sâu vào tâm trí của tôi. Khi tìm đọc sách về Thiền, các bức ảnh của chú mục đồng chăn dắt con trâu qua từng giai đoạn có sức hút mạnh mẽ với tôi, cho dù không hiểu nhiều về ý nghĩa.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.