Hôm nay,  

Đúng Đẹp Hay Sai Xấu Dở?

27/12/201900:00:00(Xem: 4984)
BTM
Chú Bồ Tùng Ma


Quý vị nào thích môn thể thao bóng bầu dục của Mỹ chắc hẳn có nghe "tiếng" của Redskins.  Redskins là đội nhà của vùng Virginia, Washington DC và Maryland. Từ lúc ra đời từ đầu thập niên ba mươi đến mãi những năm chín mươi, Redskins là một trong mười đội dẫn đầu trong đường bóng bầu dục của Mỹ.  Nhiều ông bố đã dùng một phần lớn tiền hưu để mua vé thành viên trọn đời.  Và cứ thế nhiều gia đình đã trở thành hội viên của Redskins từ đời cha tiếp nối đời con.  

Mùa Super Bowl sắp tới, bảng quảng cáo và cờ Redskins phấp phới trên đường phố làm tôi nhớ lại một chuyện vui.

Bố của ông sếp tôi từ trần và chúng tôi đi đám (Hừm, đi đám tang mà lại có chuyện vui?!)  Đó là lần đầu tiên tôi đi đám tang của người Mỹ. Nhiều thứ lạ và mới nên tôi quan sát và lắng nghe là chính. Tôi đi theo các bạn đồng nghiệp Mỹ và ai làm sao thì tôi làm vậy. Ngày "nhìn mặt lần cuối" trước khi chôn cất, nhiều người thân và bạn bè tụ họp. Đến nhà quàn, trong phòng có một màn hình Tivi to. Có tiếng nhạc đệm rất dễ chịu ở phía sau. Màn hình hiện lên các hình ảnh kỷ niệm của nhân vật quá cố. Từng tấm hình chậm rãi lướt qua: từ lúc còn bé, với cha mẹ anh chị em, rồi lớn lên, đi học, đi lính, lập gia đình, lần đầu tiên được làm bố, nghỉ hè với vợ con, dạy con tập đi, dạy con câu cá, giúp con dọn đồ đạc đến ở gần trường đại học, dự lễ ra trường của con, mừng các con trong ngày cưới, đón chào đứa cháu nội đầu tiên, lên chức ông ngoại, chia tay đồng nghiệp và về hưu, đi những chuyến đi xa…

Biến chuyển cả cuộc đời dài gần tám mươi năm như được thu ngắn và kể lại bằng một tập hình kéo dài khoảng mười lăm phút. Tập hình chạy đến cuối thì tự động bắt đầu trở lại để khách đến sau có thể xem từ đầu nếu muốn. Tôi bắt gặp nhiều nụ cười trên mặt khách viếng sau khi xem hình. Họ có thể có một phần trong các kỷ niệm. Họ có thể đang hình dung lại cảnh vật và âm thanh lúc bấy giờ. Họ lục lại trong trí nhớ…

Tôi quên là mình đang đi đám tang. Cách tổ chức, không khí, và tinh thần của từng diễn tiến rất ư nhẹ nhàng, có lúc còn có vẻ như một ngày lễ mừng ngày đoàn tụ, mừng một sự hoàn tất gì đó...

Giờ lễ "nhìn mặt lần cuối" được chính thức bắt đầu. Người anh trai lớn của sếp lên bục làm lễ và nói lời cảm ơn. Ông ta đọc lại sơ lược cuộc đời và thành quả của người cha. Kế đến là một ông lão cỡ tuổi bố của sếp chậm rãi đi lên. Tôi đoán có thể ông là một người anh hay em của bố sếp. Nhưng không, ông giới thiệu mình là bạn thân của người quá cố từ thời niên thiếu. Ông mặc bộ vest đen và quàng khăn có hình đội bóng Redskins. Và chuyện vui mà tôi nhắc ở trên bắt đầu từ đây.

­­­­­Ông bắt đầu nói về người bạn của mình: "Tôi và ông này biết nhau từ thời hai đứa còn bắn bi. Chúng tôi ở chung xóm, đi học chung trường, và cũng cùng đi lính.  Chúng tôi làm bạn với nhau hơn bảy chục năm qua. Giải trí của chúng tôi là môn bóng bầu dục. Đã có lúc hắn muốn trở thành cầu thủ cho Redskins; chỉ ngặt cái hắn không thể chạy nhanh nên đành chấp nhận chỉ là người hâm mộ." 

Mọi người chăm chú lắng nghe và bắt đầu thấy sự liên hệ giữa chiếc khăn quàng cổ của ông và câu chuyện ông sắp kể. Ai cũng có vẻ nôn nao muốn nghe phần kế tiếp. Ông lão tiếp tục nói, "Khi Redskins còn dưới sự quản lý của Jack Kent Cooke, Redskins chơi rất hay và tôi cũng đã rất mê đội Redskins. Nhưng từ khi Redskins bị đổi quản lý, mọi thứ từ từ đi xuống. Nhiều người hâm mộ đã bỏ đi, trong đó có tôi. Riêng ông bạn tôi thì vẫn luôn trung thành và thích Redskins cho đến tận phút cuối. Mới tuần trước, khi tôi đến thăm, ông ta vẫn rủ tôi ở lại xem với ông một trận của Redskins. Tôi thì ngủ gà ngủ gật, trong khi mắt hắn thì cứ dán vào màn hình Tivi và theo dõi say sưa. Tôi đã thắc mắc suốt bao nhiêu năm và nhiều lần tự hỏi tại làm sao Redskins chơi càng ngày càng tệ, càng ngày càng xuống cuối bảng mà ông bạn mình vẫn cứ thích thú xem.  Hắn có một niềm tin nơi Redskins đến lạ thường!  Và một ngày kia tôi đã tìm được trả lời cho thắc mắc của mình."

Ông ngừng lại. Mọi người bắt đầu tò mò và nóng lòng muốn nghe ông cụ giải thích.  "Tôi rất rành ông bạn già của tôi nên để tôi kể cho quý vị nghe. Ông bạn tôi là một tên giờ giấc rất dây thun." Nghe đến đây, nguyên cả gian phòng cười ồ lên. Có lẽ mọi người hơi bất ngờ khi thấy một ông cụ 80 tuổi đang phê bình chế giễu ông bạn thân đang nằm trong hòm của mình. Ông cụ chờ mọi người cười xong lại chậm rãi, "Khi người ta xong hết chuyện và sắp ra về thì cha con nhà hắn mới lò mò tới. Lần nào cũng thế! Hắn hẹn với ai cũng luôn tới trễ gần cả tiếng đồng hồ… Redskins cũng chính xác như thế!  Người xem chờ mãi vẫn không thấy chúng ghi điểm. Tới cuối gần xong mới vô được một trái, và đứng cuối bảng!"

Ông lão ngừng lại cho mọi người cười hả hê.  Ông lại nói tiếp, "Có được trả lời này rồi thì tôi lại có thêm một thắc mắc khác. Không biết có phải vì hắn thích Redskins nên dần trở thành tên dùng giờ dây thun, luôn chậm trễ, và chỉ xuất hiện ở giờ cuối để chứng kiến phần kết thúc; hay là vì bản chất hắn là tên luôn sai hẹn nên hắn có thể thông cảm và chấp nhận Redskins đứng ở cuối bảng?" Mọi người thích thú với câu chuyện của ông lão, lại cười rần rần.

Ngồi giữa gian phòng lớn với bao tiếng cười xung quanh, tôi đã nghĩ thầm.  Quả thật phong tục của người Mỹ có nhiều cái khác so với phong tục của người Việt Nam. Nói về người quá cố, nhất là trong đám tang trước mặt bao nhiêu khách viếng, mà dám cả gan chế giễu! Ở Việt Nam mà làm kiểu này thì có nước bị uýnh về ba má nhận không ra (đùa tí!)

Ông lão tiếp tục, "Tôi lại thấy lạ một điều, với bản chất luôn trễ nãi như ông bạn già của tôi, đáng lẽ hắn phải ra đi sau tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến hắn làm một việc sớm hơn dự kiến. Thôi thì tôi và quý vị cùng nhau tiễn đưa ông bạn già của tôi về nhà Chúa."  

Vẫn chưa xong, ông lại làm mọi người cười thêm lần nữa: "Hy vọng Redskins sẽ từ từ bò lên trên hạng bét một chút để vài bữa khi tôi ra đi và gặp lại ông bạn già trên đó, tôi sẽ cập nhật cho hắn biết 'bọn Redskins quả thật luôn chậm trễ y chang mày, mãi tới khi mày đi mất đất, chúng mới thắng giùm cho vài trận…'"

Mọi người lại cười. Không biết từ nãy giờ mọi người đã cười bao nhiêu lần. Tôi chưa bao giờ dự một đám tang nào vui đến như vậy. Ra về, lòng vẫn còn đọng lại nhiều cảm giác thích thú của những khám phá mới trong phong tục của người Mỹ. Đám tang này đã diễn ra hơn mười năm trước, khi tôi vẫn còn mới mẻ đối với nước Mỹ. Hôm nay tôi đã "lớn" lên thêm được tí và đã có thêm dịp chứng nghiệm những khác biệt trong suy nghĩ và lối sống của những gì diễn ra xung quanh mình hằng ngày.

Cùng một sự việc, người này có thể cho như vậy là phạm thượng và họ phẫn nộ. Người khác lại nhận thấy chẳng sao hết, mà ngược lại như vậy là rất thân thiện, gần gũi và họ vui vẻ cười hề hề. Cứ như thế hằng ngày xung quanh ta, bao nhiêu lần chúng ta đã chứng kiến cùng một sự việc, với cách nhìn, quan điểm sống và hiểu biết khác nhau, kẻ thấy đúng, người thấy sai; kẻ thấy hay, người thấy dở; kẻ thấy xấu, người thấy đẹp… Tranh luận nhau về những thứ chính mình cũng chưa biết hết đủ. Tôi đã thường tự nhắc mình mọi thứ chỉ tương đối thôi. Kể cả sống và chết cũng chỉ là những định nghĩa giới hạn so với bao nhiêu hiểu biết vô biên mình còn chưa với tới. Mình càng nhìn và đối xử với mọi thứ một cách nhẹ nhàng thì mọi thứ càng đẹp, càng dài, càng hay, càng vui… Mỗi ngày, tôi cũng vẫn còn phải cố gắng làm như vậy dù nhiều lúc gặp những chuyện muốn tu mà tu không nổi nên cứ phải xin phép Trời Phật cho mình xin nghỉ tu năm phút...

*

Viết đến đây thì tôi nhận tin chú Bồ Tùng Ma vừa ra đi… Da gà tự nhiên nổi rần rần. Cứ như chú Bồ Tùng Ma nói chuyện với tôi từ nãy giờ. Chú Bồ là một ngòi bút xuất sắc của Việt Báo Việt Bút gần 20 năm qua. Kể về chú Bồ Tùng Ma thì vô vàn những chuyện đặc biệt, vui nhộn và lý thú; gặp một lần, nhớ hoài.  Chú Bồ là một ví dụ điển hình cho cách cư xử nhẹ nhàng và mọi thứ vô thường, có có không không.

Lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ thường được Việt Báo tổ chức vào tháng Tám hằng năm. Công việc của tôi ngày càng bận và tháng Tám cũng là tháng tôi khó sắp xếp nghỉ nhất. Vắng mặt dự lễ mấy năm qua, tôi không được thăm gặp nhiều cô chú bác anh chị trong gia đình Việt Báo Việt Bút. Hơi hụt hẫng không kịp thăm trước khi chú Bồ Tùng Ma ra đi, tôi quyết định lấy vé giờ chót bay về tiễn chú lần cuối; cũng là dịp tốt để thăm đại gia đình Việt Báo Việt Bút.

Mấy ngày qua, ai trong gia đình Việt Báo Việt Bút cũng thương tiếc chú Bồ Tùng Ma, nhưng dường như thâm sâu trong cái buồn cái mà chúng ta gọi là "mất mát chia ly", mọi người như cảm nhận được sự thân thương và vị trí quan trọng từng người nơi nhau ra sao. Một cái gì đó vô hình và mạnh mẽ, cùng hướng về nhau. Nghĩ đến nó, cảm được nó, hạnh phúc vô biên. Chắc chắn là chú Bồ Tùng Ma đang vui khi nhìn xung quanh, nhận thấy tình thương mến tràn ngập, và mọi người sẽ xum vầy, đến thăm viếng chú đúng trong ý nghĩa mà chú đã viết trong bài "Bạn Tôi và Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ": Chết là bắt đầu một sự sống khác.

*

Nhớ lúc còn bé, tôi rất "không thích" màu trắng.  Mỗi lần đi nhà thờ và má mặc cho áo quần màu trắng thì tôi luôn càu nhàu, không thấy vui. Có lần, tôi đã nói với má, "Con ghét mặc đồ màu trắng lắm!" Má tôi cũng ngạc nhiên và hỏi tại sao. Tôi đã trả lời, "Vì màu trắng là màu tang, là màu buồn; con thấy ai có tang cũng toàn mặc đồ trắng." Thế là má nói với tôi, "Tại sao con không nghĩ màu trắng là màu tinh khiết, trong sáng như thiên thần thay vì nghĩ nó là màu buồn, màu của đám tang?" Từ ngày đó, mỗi khi mặc đồ trắng, tôi đã tập nghĩ mình mặc trang phục của thiên thần và dần thôi "bớt ghét" màu trắng.

Ông ngoại cũng là người đã dạy cho Khánh Vân gốc cọp của tôi tập suy nghĩ và dùng chữ nhẹ nhàng. Khi sinh thời, ông hay hát mấy câu "Nẻo đời muôn vạn lối, yêu nhau vì lời nói, mến nhau qua nụ cười…"

Khi lớn lên một chút, tôi dần thấm vào thói quen cách nói giảm, khi suy nghĩ, khi nói, khi viết… Có nghĩa là, thay vì dùng chữ "ghét" thì sẽ là "không được thích lắm", "sai" thì sẽ là "không đúng", "dở" thì "không hay", "xấu" thì "không đẹp", v.v… Cùng một sự việc, cách suy nghĩ sẽ đưa mình đến kết luận của vấn đề, tốt hay "không tốt". Mọi thứ tự nhiên tích cực và nhẹ nhàng hẳn.

*

Năm nay có nhiều tin không vui. Nhiều người thân ra đi.  Khi nhớ ông ngoại, tôi thường nghĩ ông ngoại vẫn còn ở Việt Nam, ông vẫn sống, và hai ông cháu chỉ cách nhau một đại dương bởi ông vẫn sống trong tôi dù tôi không thể gặp bằng xương bằng thịt.  Cũng giống như ông bố của sếp, dù đã ra đi, ông vẫn sống và sống một cách đặc biệt trong lòng con cháu và bạn bè của ông, những người còn ở bên này.  Có thể, ông ngoại tôi, bố của sếp, họ đi lên cung trăng cũng không chừng.  Suy nghĩ đó có thể không đúng mà cũng có thể đúng. Chỉ là chúng ta nào có thể biết, chưa biết!

Tôi chỉ biết gần đây nhất, sự ra đi của chú Bồ Tùng Ma đã nhắc nhớ tôi hãy biết sống chậm lại, hãy vui nhất, hãy tìm thấy ý nghĩa sống mỗi ngày và trân quý những gì hiện đang có trong đời sống này. Khi mình sống mà không có expectation, không đòi hỏi gì cả thì mọi thứ sẽ luôn là những bonus, những món quà và mình luôn hạnh phúc khi được quà dù rất nhỏ. Còn khi mình sống mà luôn có nhiều expectation, luôn đòi hỏi cao, thì mình sẽ không bao giờ hài lòng, sẽ luôn muốn hơn và luôn luyến tiếc.

Chú Bồ Tùng Ma biết chú được yêu thương và quý trọng ra sao.  Chú biết chú sẽ được nhớ đến và nhắc tới ra sao. Chúc mừng chú Ma mãn khóa, lên lớp.

Và trên đó, cháu biết chú Ma sẽ vẫn tiếp tục viết, vẫn làm giám khảo và sẽ chia sẻ lại những chuyện vui khi chúng ta lại gặp lại nhau… Cầu mong chú Bồ Tùng Ma yên nghỉ

Anne Khánh Vân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Với tôi, nhà thơ Du Tử Lê luôn luôn là một kho tàng bí ẩn của thi ca. Tôi nghiệm ra rằng, mỗi lần đọc anh, tôi lại thấy những cảm xúc mới. Và rất nhiều khi, phải gọi là bất khả tư nghì -- nghĩa là, thấy thơ hay mà nghĩ hoài không minh bạch và tận tường ý tứ.
“nụ cười buồn mùa hè” là một tập truyện gồm 18 truyện ngắn, tuy các truyện hư cấu, nhưng nội dung phản ánh từ bao hoàn cảnh cuộc đời mà người viết đã trải qua. Là những giấc mơ đời dở dang nhưng được trình bày như những kinh nghiệm đã hoàn tất dù ước vọng vẫn cứ tiếp tục
Ngày 11 tháng 11 năm 2020 là sinh nhật thứ 199 năm của nhà văn và triết gia người Nga Fyodor Dostoevsky [sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821]. Các tác phẩm văn học của ông đã khám phá tâm lý con người trong bầu không khí chính trị, xã hội và tâm linh bất an của xã hội Nga vào thế kỷ thứ 19, và liên hệ tới nhiều chủ đề triết học và tôn giáo, theo www.en.wikipedia.org Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm “Crime and Punishment” [Tội Ác và Hình Phạt – xuất bản năm 1866], “The Idiot” [Người Ngốc – xuất bản năm 1869], “Demons” [Ma Quỷ - xuất bản năm 1872], và “The Brothers Karamazov” [Anh Em Karamazov – xuất bản năm 1880]. Các tác phẩm của ông đã được đọc không những tại Nga mà còn khắp nơi trên thế giới và đã ảnh hưởng rất nhiều nhà văn và triết gia về sau như các nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn và Anton Chekhov, các triết gia Friedrich Nietzsche của Đức và Jean-Paul Sartre của Pháp và sự trỗi dậy của Chủ Nghĩa Hiện Sinh và Trường Phái Tâm Phân Học Freud. Các tác phẩm của ông đã được dịch
Ngày 21 tháng 11 năm 1620 hơn 130 di dân từ Anh Quốc đã vượt Đại Tây Dương đến Tân Thế Giới bằng chiếc thuyền Mayflower. Từ ngày đó đến nay, năm 2020, đã 400 năm. Trước đó, vào năm 1607, những người thực dân Anh cũng đã đến Tân Thế Giới và thành lập thuộc địa tại thành phố cổ Jamestown thuộc tiểu bang Virginia ngày nay.Đó là chưa kể đến làn sóng di dân trước đó khoảng 30,000 năm, khi những người ở cực đông bắc Châu Á đi bằng đường bộ qua ngả Alaska -- lúc đó hai đại lục Mỹ Châu và Á Châu vẫn chưa tách rời nhau vì nước biển cạn -- để rồi tràn xuống phía nam hình thành các cộng đồng người bản xứ, mà khi Columbus lần đầu tiên gặp họ ở Tân Thế Giới cứ tưởng là mình đã đến lục địa Nam và Đông Nam Á (Indies) nên gọi họ là người Indian. Vì vậy, nước Mỹ là vùng đất di dân. Không có di dân thì không có nước Mỹ. Chính di dân đã tạo ra nước Mỹ và nền văn hóa Mỹ. Nhưng ngày Lễ Tạ Ơn [Thanksgiving] có liên quan mật thiết đến những người di dân Anh đến Plymouth của Massachusetts bằng chiếc thuyền
Ni giới Việt Nam có một lịch sử truyền thừa lâu dài và đó là sự truyền thừa mang tính chính thống. Phật giáo Đại Thừa và tinh thần Bồ Tát đạo cũng thấm nhuần trong mỗi vị Ni trong bước chân hoằng hóa.
Cuốn sách ngôn từ đẹp và mạnh mẽ này thể hiện niềm tin của Barack Obama rằng, dân chủ không phải là một món quà từ trên cao rơi xuống mà là điều được hình thành dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu và chung tay xây dựng mỗi ngày.
Trong bài trước, khi viết cảm nhận cho thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ,” vì thời gian có hạn, nên tôi chưa kể hết về Cao Mỵ Nhân (CMN) nhà thơ tiền bối mà tôi hằng kính trọng và khâm phục. Sau khi gửi bài đăng, đọc lại tôi cứ cảm thấy còn thiêu thiếu chút gì.
Nhân loại đã biết cách bay lên mặt trăng, tuy nhiên nhiều nơi trên địa cầu vẫn còn bị ràng buộc với những thói quen xưa cổ, trong đó một thành kiến khó rời bỏ là xem nhẹ phụ nữ. Hầu hết các tôn giáo cũng xem nhẹ phụ nữ. Riêng trong Phật Giáo, phụ nữ từ xưa vẫn có một vị trí đáng kính và bình đẳng trên đường học đạo, để tận cùng là thành tựu Niết Bàn. Khi vua Pasenadi nước Kosala không vui vì hoàng hậu Mallikà sinh một bé gái, Đức Phật trong Kinh SN 3.16 dạy vua rằng: "Này Nhân chủ, ở đời / Có một số thiếu nữ / Có thể tốt đẹp hơn / So sánh với con trai / Có trí tuệ, giới đức..." Hơn hai mươi thế kỷ sau, ý thức nữ quyền mới trở thành phong trào. Theo định nghĩa cô đọng và đơn giản, nữ quyền là niềm tin vào sự bình đẳng của nữ giới với nam giới về chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy thường khi, nữ quyền gắn liền với dân quyền, vì bình quyền nam nữ dẫn tới ý thức bình quyền cho từng người dân, đặc biệt là nơi các dân tộc đang bị các nước thực dân thống trị, hay nơi các sắc tộc thiểu số
Daisetsu Teitaro Suzuki sinh ngày 11 tháng 11 năm 1870 và mất ngày 12 tháng 7 năm 1966 tại thành phố Kamakura, Nhật Bản, theo www.en.wikipedia.org. Có nơi nói ông sinh vào tháng 10, nhưng năm sinh của ông thì tất cả tài liệu đều giống nhau. Ông sinh ra tại Honda-machi, Kanazawa, Quận Ishikawa, Nhật Bản. Ông là người con trai thứ tư trong gia đình mà người cha là y sĩ Ryojun Suzuki. Pháp Danh Daisetsu của ông đã được Thầy Bổn Sư của ông là Thiền Sư Soyen Shaku [Thích Tông Diễn] ban cho. Thiền Sư Soyen Shaku cũng là người đầu tiên dạy Thiền ở Mỹ. Giai cấp võ sĩ đạo mà Suzuki được sinh ra đã suy tàn với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, buộc mẹ của ông là nữ Phật tử Jōdo Shinshū đã nuôi dưỡng ông trong hoàn cảnh nghèo đói sau khi cha của ông qua đời. Khi ông đủ lớn khôn để suy nghĩ về số phận của mình được sinh trong bối cảnh này, ông bắt đầu tìm câu trả lời trong nhiều hình thức khác nhau của tôn giáo. Trí tuệ bén nhạy và sâu sắc tự nhiên của ông đã khó chấp nhận một số vũ trụ quan mà ông
Vâng. Tôi đã nhìn thấy chúng qua gương một dòng trong. Những viên cuội lấp lánh nắng mai. Những viên cuội lung linh trăng rằm. Phản chiếu mầu sắc tĩnh và động. Những viên cuội lắng vào thẳm sâu giấc mơ của dòng -dòng chữ long lanh- ánh lên những gửi gắm của thời gian.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.