Hôm nay,  

Xuân Tha Hương

24/01/202010:40:00(Xem: 4734)

xuan tha huong

Không biết từ bao giờ, biệt ly chia lìa gắn liền với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện khá rõ qua văn học nghệ thuật. Văn học truyền khẩu có câu chuyện Hòn Vọng Phu, chuyện Thiếu Phụ Nam Xương về bị kịch người vợ ngóng trông chồng đi chinh chiến trở về. Thơ ca phải kể đến Chinh Phụ Ngâm.  Trong thể loại ca khúc tân nhạc, hai tác giả dù không sáng tác nhiều nhưng cũng trở thành bất tử với hai tác phẩm có chủ đề chia ly: 3 bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương, và Biệt Ly của Dzoãn Mẫn.

Nhạc xuân cũng không phải là một ngoại lệ. Mùa xuân là mùa của sự sống, của hy vọng, của đoàn viên. Ấy vậy mà ước tính có quá nửa số ca khúc xuân của Việt Nam có giai điệu buồn, nội dung buồn. Nhìn lại hoàn cảnh của đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta thấy âm nhạc đã phản ánh đúng vận mệnh của dân tộc. Chinh chiến nối chinh chiến, sinh ly nối tử biệt. Rồi khi cuộc nội chiến Nam- Bắc kết thúc, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục chia lìa với hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do. Những mùa xuân mang nỗi buồn xuân tha hương tiếp tục là nỗi niềm trong tâm thức của nhiều người Việt hải ngoại.

Xuân Tha Hương là tên một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đã viết từ năm 1956. Những tác phẩm lớn dường như không bị lạc hậu theo thời gian. Người Việt hải ngoại nghe Xuân Tha Hương viết từ hơn nửa thế kỷ trước mà vẫn thấy thấm thía. Vào thời điểm ca khúc này được sáng tác, nước Việt Nam đã bị chia đôi tại Bến Hải được hai năm, và không xác định được ngày thống nhất. Có lẽ vì vậy, người nhạc sĩ lìa bỏ quê hương Miền Bắc đã bắt đầu cảm nhận nỗi buồn xa quê:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
Vun xới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm
Tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm…

Giai điệu đẹp, man mác buồn, mang tính kể chuyện, tình tự của ca khúc đã khiến người nghe cảm thấy nhớ nhung cho đến tận cuối cùng của bài hát:

…Xuân tới, muôn cánh hoa đào bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lâng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương…

Rõ ràng là hình ảnh hoài niệm về một mùa xuân đặc trưng của Miền Bắc, với mưa xuân bay phơi phới. Ở Miền Nam, mùa xuân chỉ có trời xanh, nắng vàng…

Nỗi buồn của Xuân Tha Hương trong thời điểm 1956 vẫn chưa có màu sắc của những mùa xuân chinh chiến. Chỉ vài năm sau, người Miền Nam đã nhận thấy chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Chỉ mới hưởng thanh bình được vài năm, những gia đình Việt lại chứng kiến cảnh vợ tiễn chồng, con tiễn cha đi nhập ngũ, ra biên cương bảo vệ lãnh thổ. Vào năm 1958, cũng chính Phạm Đình Chương viết tiếp ca khúc Lá Thư Mùa Xuân, nói lên tâm trạng vợ người chiến sĩ mỗi độ xuân về. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương quả thật là đặc biệt. Ông là tác giả của 2 xuân khúc nổi tiếng vào bậc nhất của Miền Nam: Ly Rượu Mừng và Đón Xuân. Hai ca khúc này tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, là một phần không thể thiếu của không khí vui xuân Miền Nam. Những cũng chính ông sáng tác Xuân Tha Hương và Lá Thư Mùa Xuân, mang nỗi buồn chia xa của người Miền Nam mỗi độ xuân về. Hãy tưởng tượng trong một ngày mùa xuân, người vợ tiễn chân chồng lên đường đi giữ nước:

Anh đi mùa xuân mới năm nào
Khắp lối hoa đua sắc đẹp sao
Đưa anh mà bước chân tần ngần
Vì dẫu sao biệt ly cũng vương niềm sầu đau

Anh đi nhìn mây thoáng ven trời
Nắng quái in sầu gót chia phôi
Bâng khuâng nhìn nhau không đôi lời
Chỉ thấy trong lòng anh câu hẹn ước ngậm ngùi…

Hình ảnh chia ly trong Lá Thư Mùa Xuân là những hình ảnh kinh điển tuyệt đẹp. Vẫn là trời đất đang vào xuân, với hoa đua sắc, với nắng vàng, với trời xanh mây trắng. Ấy vậy mà đôi uyên ương lại sầu vương vấn với tâm trạng kẻ ở người đi. Giai điệu cũng man mác buồn, với một chút le lói hy vọng ở đoạn kết, mơ đến ngày đón người chiến sĩ trở về trong một mùa xuân tự do, thanh bình:

…Quê hương chờ mong bước anh về
Với nét phong sương thắm tình quê
Xuân vui vì khắp nơi yên bề
Vì núi sông tự do vì người nối duyên thề…

Nhưng rồi ước mơ đó của người Miền Nam không trở thành hiện thực. Sau những mùa xuân chinh chiến lại tiếp nối những mùa xuân của tù đầy, bất an khi toàn Việt Nam phủ màu đỏ của phe thắng cuộc. Người dân Miền Nam lại phải bỏ nhà cửa, quê hương ra đi. Cuộc ly hương lần này không còn là “…Dù là xa đó, vẫn là quê nhà, và miền nắng soi vui gia đình ta…” như nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong ca khúc 1954 Cha Bỏ Quê-1975 Con Bỏ Nước. Giờ đây đã là sự rời bỏ tổ quốc thật sự. Nỗi niềm xuân tha hương còn nặng nề thêm. Đã có biết bao nhiêu ca khúc viết ở hải ngoại nhớ về những mùa xuân quá khứ tại quê nhà: Em Có Nhớ Mùa Xuân (Ngô Thụy Miên), Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu (Nhật Ngân)... Thư Xuân Hải Ngoại là một ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lột tả trọn vẹn nỗi niềm của người Việt xa xứ. Nhiều người Việt xa quê hương đã không cầm được nước mắt khi nghe  giai điệu hoài niệm của Trầm Tử Thiêng. Với một giai điệu buồn của những điệu hò Miền Trung, tác giả đã mô tả lại nỗi buồn ly hương của người Việt hải ngoại một cách day dứt, tha thiết:

… Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia
Mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa
Thế mà người tình phải đi, thế mà cuộc tình tan vỡ
Thân phận bềnh bồng để xuân trôi qua âm thầm đợi mong…

Những cặp tình nhân, những đôi vợ chồng vì vận nước mà phải chia lìa, kẻ ở lại quê hương, người xa xứ. Mỗi mùa xuân đến, là nỗi nhớ thương lại dâng trào. Nỗi niềm còn day dứt hơn ở đoạn điệp khúc, khi mà giai điệu được viết trầm bổng, khắc khoải, như nội dung của những lá thư xuân gởi về từ hải ngoại:

…Thư xuân từ ngàn phương
Mang nỗi lòng người tha phương
Ôm ấp tình hoài hương
Thư xuân là rượu cay
Tương tư rót tràn trên giấy
Bên trời đông tuyết say…

Những ai đã từng trải qua những mùa xuân xa xứ trong khoảng thập niên 80s, 90s có lẽ sẽ thấu hiểu  những lời tâm sự này của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Bởi vì ở thời điểm đó, những mùa xuân đoàn tụ chỉ là những giấc mơ làm trào lệ trên khóe mắt:

…Ước gì giờ này nhạc đang du dương trong bài tình xuân
Bên này nằm nghe quê hương bên kia pháo nổ tưng bừng
Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối
Suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa xuân…

Thấm thoát đó mà đã 45 năm lịch sử xa quê hương của người Việt hải ngoại. Niềm vui, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ đến và đi. Nỗi buồn Xuân Tha Hương cũng thế. Nhiều người Việt đã có nhiều mùa xuân ở Mỹ hơn là ở quê nhà. Những mùa xuân ở trên quê hương mới dần dần đã có thêm nhiều hương vị của những ngày tết cổ truyền Việt Nam: thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh… Những ai đã từng đón tết ở khu Bolsa Little Saigon Quận Cam đều có thể nhận thấy không khí đón tết ở đây gần như không thiếu thứ gì. Có đủ pháo nổ, múa lân, lễ chùa giao thùa, nhạc xuân vang lừng, những món ăn Việt cổ truyền, không khí lễ hội nhộn nhịp… Một số người về lại Việt Nam ăn tết có nhận xét rằng không khí tết ở quê nhà nay đã khác xưa nhiều, không phải là hình ảnh những ngày tết mà họ đã ghi nhận trong tâm tưởng. Một ý nghĩa quan trọng nhất của ngày xuân là gia đình đoàn viên. Nhiều gia đình Việt có người thân ruột thịt đã hoàn toàn sang định cư ở Mỹ. Như vậy thì đâu có gì để luyến tiếc những mùa xuân của quá khứ tại quê nhà? Tại sao không tận hưởng những mùa xuân của hiện tại, trong một bầu không khí tự do phơi phới mà ở quê nhà không có được? 

Nếu nhìn theo góc độ này, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng những mùa xuân tha hương nay đã trở thành dĩ  vãng đối với nhiều người Việt hải ngoại. Và hình như, những ca khúc xuân hải ngoại ít thấy mô tả những mùa xuân đoàn tụ, ấm áp tình người trên quê hương mới. Nhạc sĩ ở miền nắng ấm Cali còn nợ khán thính giả những ca khúc viết cho những mùa xuân Bolsa, có đầy đủ mai, đào. Có trời xanh, nắng vàng. Có bánh chưng xanh câu đối đỏ. Có tiếng pháo vang lừng trong một không khí tự do, thanh bình…

Trong khi chờ đợi những ca khúc đó, xin tạm kết thúc bài viết này bằng ca khúc Tâm Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, với cái nhìn lạc quan về những mùa xuân bất tận: xuân trong cõi tâm là những mùa xuân miên viễn:

…Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội !
Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông…

Doãn Hưng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Steven Spielberg, người viết truyện mà bộ phim “The Goonies” dựa vào đó để đóng, nói với Variety rằng Donner là “thiên tài về rất nhiều thể loại.” “Ở trong quỹ đạo của ông ấy giống như đi chơi với người huấn luyện yêu thích của bạn, giáo sư thông minh, nhà động viên quyết liệt, người bạn đáng mến nhất, đồng minh trung thành nhất, và – dĩ nhiên – Goonie vĩ đại nhất,” theo Ông Spielberg cho biết. Sinh tại Quận Bronx, New York, Donner đã bắt đầu vào ngành truyền hình vào đầu thập niên 1960s, với nhiều uy tín gồm loạt phim “The Twilight Zone” và phim kinh dị tình báo “The Man From Uncle.” Nhưng phải đợi đến giữa thập niên 1970s ông mới ghi dấu ấn tại Hollywood. Tác phẩm “Superman” năm 1978 của ông với sự tham gia của ngôi sao Christopher Reeve thường được xem như là phim siêu anh hùng hiện đại đầu tiên.
Spears đã chỉ trích cách mà gia đình của cô, gồm cha cô là ông Jamie Spears, đã hành xử quyền giám quản đối với cô và phản ứng với những quan ngại của cô về việc chăm sóc của cô. “Gia đình tôi đã chẳng làm điều gì cả,” theo cô nói. “Bất cứ điều gì xảy ra đối với tôi cũng phải được chấp thuận bởi cha tôi… ông là người chấp thuận mọi thứ. Cả gia đình tôi đã không làm gì cả.”
SANTA ANA - Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) hiện đang trình chiếu loạt phim ngắn đoạt giải mang chủ đề “Cùng Dưới Mái Nhà” (“Under the Same Roof”) trên mạng online miễn phí tại trang nhà https://vietfilmfest.eventive.org/welcome cho đến hết ngày 30 tháng 6, 2021. Loạt phim ngắn bao gồm các phim Ngày Giỗ (The Anniversary) của Hàm Trần, Hiếu của Richard Văn, Chez Moi (My Home) của Phương Mai Nguyễn, Like Mother, Like Daughter của Kady Lê, Xe Tải Của Bố (My Father’s Truck) của Mauricio Osaki,và Walk Run Cha-Cha của Laura Nix. Các phim này đã từng đoạt giải ở Viet Film Fest hoặc ở các đại hội điện ảnh quốc tế.
Sau màn ra mắt ấn tượng tại 19 rạp vào cuối tuần dịp Lễ Memorial Day, lọt vào “Top 10” phim mới phát hành đạt doanh thu phòng vé cao nhất tại Hoa Kỳ, và xếp thứ nhất xét theo doanh thu trung bình mỗi rạp, Bố Già (Dad, I'm Sorry) đã vượt mốc 1 triệu USD chỉ sau ba kỳ nghỉ cuối tuần, trở thành phim Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đạt mức doanh thu phòng vé này tại Hoa Kỳ.
Lần đầu gặp anh Trường Hải năm 1982 tại Calgary Canada, lúc đó anh qua trình diễn mấy ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Chí Thiện Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Lần thứ nhì tại Quận Cam, cuối tháng 11 năm 2014 để phỏng vấn viết bài về anh. Mời đọc để tưởng nhớ ca nhạc sĩ Trường Hải vừa từ giã nhân thế sáng ngày 11 tháng 6 năm 2021 tại Nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.
Có những tiếng hát và lời ca mà chỉ cần một lần nghe qua cũng đủ cho dư âm của nó đọng lại tận đáy sâu của ký ức và lòng mình. Trong số đó, đối với tôi nó chính là tiếng hát của người nữ ca sĩ Thu Vàng.
Chỉ với 19 rạp, Bố Già (Dad, I'm Sorry) gây chú ý khi lọt top 10 phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất Hoa Kỳ dành cho các bộ phim mới phát hành vào cuối tuần dịp Lễ Memorial Day năm nay, và xếp hạng nhất xét theo doanh thu trung bình mỗi rạp
Cái tên Trung Nghĩa Tây Ban Cầm được giới yêu nhạc biết tới từ cuốn Cassette đầu tiên phát hành ở hải ngoải năm 1976 là cuốn Khi Tôi Về với tiếng hát Khánh Ly và một cây đàn ghi ta Trung Nghĩa.
Nhận được tin buồn, Nhà Nghiên Cứu Gốm Sứ và Nhà Sưu Tập Mỹ Thuật Trống Đồng Phan Quốc Sơn, đã từ trần ngày 18/5/2021 tại tự gia ở Quận Cam. Việt Báo cùng toàn thể thân hữu gần xa xin chia buồn cùng chị Monique Lâm và tang quyến. Đồng Kính Phân Ưu: Kiều Chinh, Trần Dạ Từ-Nhã Ca, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Tấn Hải, Khánh Trường, Trịnh Y Thư, Trần Hạnh, Phạm Việt Cường, Phạm Phú Minh, Phạm Quốc Bảo, Nguyên Khai, Ann Phong, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Việt Hùng, Cao Bá Minh, Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, Hồ Thành Đức, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong, Bích Huyền, Nguyễn Thanh, Adam Hồ, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Tú A, Trần Duy Đức, Lê Quang Hào, Vũ Quí Hạo Nhiên-Y Sa, Hòa Bình
Dựa theo web-drama thành công cùng tên, Bố Già (Dad, I’m Sorry) dẫn dắt chúng ta đi sâu vào cuộc sống trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn thông qua nhân vật Ba Sang (Trấn Thành), một ông già bao đồng, luôn hết lòng vì mọi người. Sống trong một gia đình không hòa thuận êm ấm, ngày qua ngày, Ba Sang hi sinh bản thân để duy trì sự cân bằng mong manh giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ của mình. Là sự pha trộn hoàn hảo giữa yếu tố hài hước và đồng cảm, Bố Già (Dad, I’m Sorry) mang lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, theo phong cách Little Miss Sunshine, với góc nhìn độc đáo và ý nghĩa về những kiểu gia đình phức tạp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.