Hôm nay,  

Xuân Tha Hương

24/01/202010:40:00(Xem: 4717)

xuan tha huong

Không biết từ bao giờ, biệt ly chia lìa gắn liền với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện khá rõ qua văn học nghệ thuật. Văn học truyền khẩu có câu chuyện Hòn Vọng Phu, chuyện Thiếu Phụ Nam Xương về bị kịch người vợ ngóng trông chồng đi chinh chiến trở về. Thơ ca phải kể đến Chinh Phụ Ngâm.  Trong thể loại ca khúc tân nhạc, hai tác giả dù không sáng tác nhiều nhưng cũng trở thành bất tử với hai tác phẩm có chủ đề chia ly: 3 bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương, và Biệt Ly của Dzoãn Mẫn.

Nhạc xuân cũng không phải là một ngoại lệ. Mùa xuân là mùa của sự sống, của hy vọng, của đoàn viên. Ấy vậy mà ước tính có quá nửa số ca khúc xuân của Việt Nam có giai điệu buồn, nội dung buồn. Nhìn lại hoàn cảnh của đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta thấy âm nhạc đã phản ánh đúng vận mệnh của dân tộc. Chinh chiến nối chinh chiến, sinh ly nối tử biệt. Rồi khi cuộc nội chiến Nam- Bắc kết thúc, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục chia lìa với hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do. Những mùa xuân mang nỗi buồn xuân tha hương tiếp tục là nỗi niềm trong tâm thức của nhiều người Việt hải ngoại.

Xuân Tha Hương là tên một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đã viết từ năm 1956. Những tác phẩm lớn dường như không bị lạc hậu theo thời gian. Người Việt hải ngoại nghe Xuân Tha Hương viết từ hơn nửa thế kỷ trước mà vẫn thấy thấm thía. Vào thời điểm ca khúc này được sáng tác, nước Việt Nam đã bị chia đôi tại Bến Hải được hai năm, và không xác định được ngày thống nhất. Có lẽ vì vậy, người nhạc sĩ lìa bỏ quê hương Miền Bắc đã bắt đầu cảm nhận nỗi buồn xa quê:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành
Vun xới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm
Tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm…

Giai điệu đẹp, man mác buồn, mang tính kể chuyện, tình tự của ca khúc đã khiến người nghe cảm thấy nhớ nhung cho đến tận cuối cùng của bài hát:

…Xuân tới, muôn cánh hoa đào bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lâng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương…

Rõ ràng là hình ảnh hoài niệm về một mùa xuân đặc trưng của Miền Bắc, với mưa xuân bay phơi phới. Ở Miền Nam, mùa xuân chỉ có trời xanh, nắng vàng…

Nỗi buồn của Xuân Tha Hương trong thời điểm 1956 vẫn chưa có màu sắc của những mùa xuân chinh chiến. Chỉ vài năm sau, người Miền Nam đã nhận thấy chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Chỉ mới hưởng thanh bình được vài năm, những gia đình Việt lại chứng kiến cảnh vợ tiễn chồng, con tiễn cha đi nhập ngũ, ra biên cương bảo vệ lãnh thổ. Vào năm 1958, cũng chính Phạm Đình Chương viết tiếp ca khúc Lá Thư Mùa Xuân, nói lên tâm trạng vợ người chiến sĩ mỗi độ xuân về. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương quả thật là đặc biệt. Ông là tác giả của 2 xuân khúc nổi tiếng vào bậc nhất của Miền Nam: Ly Rượu Mừng và Đón Xuân. Hai ca khúc này tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, là một phần không thể thiếu của không khí vui xuân Miền Nam. Những cũng chính ông sáng tác Xuân Tha Hương và Lá Thư Mùa Xuân, mang nỗi buồn chia xa của người Miền Nam mỗi độ xuân về. Hãy tưởng tượng trong một ngày mùa xuân, người vợ tiễn chân chồng lên đường đi giữ nước:

Anh đi mùa xuân mới năm nào
Khắp lối hoa đua sắc đẹp sao
Đưa anh mà bước chân tần ngần
Vì dẫu sao biệt ly cũng vương niềm sầu đau

Anh đi nhìn mây thoáng ven trời
Nắng quái in sầu gót chia phôi
Bâng khuâng nhìn nhau không đôi lời
Chỉ thấy trong lòng anh câu hẹn ước ngậm ngùi…

Hình ảnh chia ly trong Lá Thư Mùa Xuân là những hình ảnh kinh điển tuyệt đẹp. Vẫn là trời đất đang vào xuân, với hoa đua sắc, với nắng vàng, với trời xanh mây trắng. Ấy vậy mà đôi uyên ương lại sầu vương vấn với tâm trạng kẻ ở người đi. Giai điệu cũng man mác buồn, với một chút le lói hy vọng ở đoạn kết, mơ đến ngày đón người chiến sĩ trở về trong một mùa xuân tự do, thanh bình:

…Quê hương chờ mong bước anh về
Với nét phong sương thắm tình quê
Xuân vui vì khắp nơi yên bề
Vì núi sông tự do vì người nối duyên thề…

Nhưng rồi ước mơ đó của người Miền Nam không trở thành hiện thực. Sau những mùa xuân chinh chiến lại tiếp nối những mùa xuân của tù đầy, bất an khi toàn Việt Nam phủ màu đỏ của phe thắng cuộc. Người dân Miền Nam lại phải bỏ nhà cửa, quê hương ra đi. Cuộc ly hương lần này không còn là “…Dù là xa đó, vẫn là quê nhà, và miền nắng soi vui gia đình ta…” như nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong ca khúc 1954 Cha Bỏ Quê-1975 Con Bỏ Nước. Giờ đây đã là sự rời bỏ tổ quốc thật sự. Nỗi niềm xuân tha hương còn nặng nề thêm. Đã có biết bao nhiêu ca khúc viết ở hải ngoại nhớ về những mùa xuân quá khứ tại quê nhà: Em Có Nhớ Mùa Xuân (Ngô Thụy Miên), Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu (Nhật Ngân)... Thư Xuân Hải Ngoại là một ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lột tả trọn vẹn nỗi niềm của người Việt xa xứ. Nhiều người Việt xa quê hương đã không cầm được nước mắt khi nghe  giai điệu hoài niệm của Trầm Tử Thiêng. Với một giai điệu buồn của những điệu hò Miền Trung, tác giả đã mô tả lại nỗi buồn ly hương của người Việt hải ngoại một cách day dứt, tha thiết:

… Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia
Mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa
Thế mà người tình phải đi, thế mà cuộc tình tan vỡ
Thân phận bềnh bồng để xuân trôi qua âm thầm đợi mong…

Những cặp tình nhân, những đôi vợ chồng vì vận nước mà phải chia lìa, kẻ ở lại quê hương, người xa xứ. Mỗi mùa xuân đến, là nỗi nhớ thương lại dâng trào. Nỗi niềm còn day dứt hơn ở đoạn điệp khúc, khi mà giai điệu được viết trầm bổng, khắc khoải, như nội dung của những lá thư xuân gởi về từ hải ngoại:

…Thư xuân từ ngàn phương
Mang nỗi lòng người tha phương
Ôm ấp tình hoài hương
Thư xuân là rượu cay
Tương tư rót tràn trên giấy
Bên trời đông tuyết say…

Những ai đã từng trải qua những mùa xuân xa xứ trong khoảng thập niên 80s, 90s có lẽ sẽ thấu hiểu  những lời tâm sự này của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Bởi vì ở thời điểm đó, những mùa xuân đoàn tụ chỉ là những giấc mơ làm trào lệ trên khóe mắt:

…Ước gì giờ này nhạc đang du dương trong bài tình xuân
Bên này nằm nghe quê hương bên kia pháo nổ tưng bừng
Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối
Suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa xuân…

Thấm thoát đó mà đã 45 năm lịch sử xa quê hương của người Việt hải ngoại. Niềm vui, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ đến và đi. Nỗi buồn Xuân Tha Hương cũng thế. Nhiều người Việt đã có nhiều mùa xuân ở Mỹ hơn là ở quê nhà. Những mùa xuân ở trên quê hương mới dần dần đã có thêm nhiều hương vị của những ngày tết cổ truyền Việt Nam: thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh… Những ai đã từng đón tết ở khu Bolsa Little Saigon Quận Cam đều có thể nhận thấy không khí đón tết ở đây gần như không thiếu thứ gì. Có đủ pháo nổ, múa lân, lễ chùa giao thùa, nhạc xuân vang lừng, những món ăn Việt cổ truyền, không khí lễ hội nhộn nhịp… Một số người về lại Việt Nam ăn tết có nhận xét rằng không khí tết ở quê nhà nay đã khác xưa nhiều, không phải là hình ảnh những ngày tết mà họ đã ghi nhận trong tâm tưởng. Một ý nghĩa quan trọng nhất của ngày xuân là gia đình đoàn viên. Nhiều gia đình Việt có người thân ruột thịt đã hoàn toàn sang định cư ở Mỹ. Như vậy thì đâu có gì để luyến tiếc những mùa xuân của quá khứ tại quê nhà? Tại sao không tận hưởng những mùa xuân của hiện tại, trong một bầu không khí tự do phơi phới mà ở quê nhà không có được? 

Nếu nhìn theo góc độ này, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng những mùa xuân tha hương nay đã trở thành dĩ  vãng đối với nhiều người Việt hải ngoại. Và hình như, những ca khúc xuân hải ngoại ít thấy mô tả những mùa xuân đoàn tụ, ấm áp tình người trên quê hương mới. Nhạc sĩ ở miền nắng ấm Cali còn nợ khán thính giả những ca khúc viết cho những mùa xuân Bolsa, có đầy đủ mai, đào. Có trời xanh, nắng vàng. Có bánh chưng xanh câu đối đỏ. Có tiếng pháo vang lừng trong một không khí tự do, thanh bình…

Trong khi chờ đợi những ca khúc đó, xin tạm kết thúc bài viết này bằng ca khúc Tâm Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, với cái nhìn lạc quan về những mùa xuân bất tận: xuân trong cõi tâm là những mùa xuân miên viễn:

…Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội !
Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông…

Doãn Hưng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngôi sao đang lên này đã trình diễn nhạc đồng quê, tại Brazil gọi là sertanejo. Cô nổi tiếng với việc giải quyết các vấn đề nữ quyền trong các ca khúc của cô, như chỉ trích những người đàn ông kiểm soát những người bạn đời của họ, và kêu gọi trao quyền cho phụ nữ. Vào chiều tối Thứ Sáu, tin này đã làm tuông ra sự buồn bã trên truyền thông xã hội ở tất cả ngõ ngách của Brazil, gồm những người hâm mộ, cách chính trị gia, những nhạc sĩ và cầu thủ bóng đá. Instagram của cô có tới 38 triệu người vào đọc. “Tôi không tin, tôi không tin,” theo ngôi sao bóng tròn Brazil Neymar, là bạn của Mendonça, đã viết thế trên Twitter sau khi tin tức về cái chết của cô được loan đi. Chính phủ Brazil cũng gửi lời chia buồn.
Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) sẽ thực hiện lễ trao giải trực tuyến vào lúc 6 giờ chiều thứ Năm, ngày 28 tháng 10. Khán giả muốn theo dõi chương trình phát giải, xin vào thăm trang nhà www.VietFilmFest.com hoặc Youtube Viet Film Fest Awards Ceremony 2021. Đây là lần đầu tiên lễ trao giải của Viet Film Fest được thực hiện trực tuyến.
Mùa đại dịch. Làm gì cho đầu óc thư giãn, bớt căng thẳng, tìm được niềm vui? Ai cũng có những cách riêng, nhưng có một cách chung là… nghe nhạc! Nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là linh dược vô hình. Ai cũng biết, âm nhạc làm cho người ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh, và thông minh hơn. Nhiều phụ nữ ngay từ khi cấn thai đã mở nhạc Mozart cho con nghe. Trẻ em học nhạc trong nhiều năm sẽ có chỉ số thông minh cao. Đại học Harvard đã có nhiều cuộc nghiên cứu (https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/music-and-health) cho thấy những lợi ích thiết thực của âm nhạc đối với sức khỏe. Những dòng nhạc nhẹ nhàng và truyền cảm hứng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Một giai điệu quen thuộc có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp và làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc. Nghe nhạc thu âm đã tốt, nhưng nghe nhạc được trình diễn tại chỗ lại càng tốt hơn, nhất là khi người xem được trực tiếp tham gia vào phần trình diễn. Lấy Nhạc trị Dịch ư? Đêm nhạc “Beethoven's Eroica" do dàn
Phim điện ảnh cổ trang “KIỀU”, lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, do Tincom Media sản xuất nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của tác giả, sẽ có buổi công chiếu chính thức tại Mỹ với tư cách là bộ phim Việt Nam tiêu điểm (Vietnamese Spotlight Film) được lựa chọn tham dự Liên hoan phim Newport Beach (Newport Beach Film Festival) năm nay. Huntington Beach, California (ngày 18 tháng 10, năm 2021) – Newport Beach Film Festival là liên hoan phim phát triển nhanh nhất tại Bờ Tây nước Mỹ, có sự tham gia của hơn 50 quốc gia với nhiều thể loại phim được chọn lọc. Phim điện ảnh cổ trang “KIỀU” là bộ phim thứ 2 của Việt Nam góp mặt trong khuôn khổ bộ phim Việt Nam tiêu điểm của Liên hoan phim Newport Beach kể từ 22 năm qua. Lấy cảm hứng từ một trích đoạn được chọn lọc trong “Truyện Kiều” gồm 3.254 câu thơ lục bát, phim điện ảnh cổ trang “KIỀU” đưa khán giả vào một hành trình đầy cảm xúc với nhiều năm lưu lạc của nàng Kiều
Cuối thập niên 80, vào một đêm cuối tuần, tác giả gọi điện thoại mời người con gái mình thích đi nghe nhạc ở một vũ trường ở San Jose; bị từ chối. Ngồi buồn, tác giả ôm đàn nghêu ngao hát và ca khúc Mời Em Khiêu Vũ điệu Tango ra đời.
Ngày xưa ở Việt Nam, môn cải lương và hát bội được nhiều người yêu chuộng, nhưng khi ra ngoại quốc, những môn này vẫn còn tồn tại nhưng không được tổ chức thường xuyên vì quá tốn kém, không nhiều người thưởng thức những môn nghệ thuật này. Lâu lâu chúng tôi mới nghe nói tới có tổ chức hát cải lương, hát bội nhưng không nhiều.
Nói gì thì nói, “Nụ hôn đầu” là một kỷ niệm đánh dấu giai đoạn biết yêu đầu đời với trăm giấu ngàn che chỉ có mình biết, họ biết, ai biết. Dù xảy ra trong tình huống nào, đáng yêu hay đáng ghét vẫn để lại trong lòng ta một chút gì để thương, để nhớ. Để rồi, một ngày đẹp trời kỷ niệm lùa về...
Không quá phức tạp nhưng đủ để người đọc suy gẫm. Bài Headfirst chỉ là một ví dụ ngắn, dọc theo những trang sách trong tập thơ Night Sky with Exit Wounds, người đọc sẽ tìm thấy rất nhiều những ý nghĩ thâm trầm, những tứ thơ tự sáng nổi bật, không chỉ gây thích thú mà còn tạo ra những suy tư và nghi vấn về bản thân trong đời sống lưu vong.
Nhạc của Phạm Duy vừa mang nét dân tộc vừa phảng phất nét Tây Phương. Ông có những ca khúc giá trị nghệ thuật, giá trị nhạc lý để giới chuyên môn chiêm ngưỡng và học hỏi. Chính đầu óc sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy với cảm xúc dồi dào và kiến thức âm nhạc để tạo nên những ca khúc tuyệt diệu. Tôi vẫn ngưỡng mộ những đoạn Chuyển Cung (Modulation) trong các ca khúc của Phạm Duy.
Hồi ký KIỀU CHINH NGHỆ Sĩ LƯU VONG đã được hội Văn Hoá Khoa Học giới thiệu với đồng hương Houston vào chiều ngày 3/10/2021 tại nhà hàng Ocean Palace trên đường Bellaire thuộc khu Hồng Kông 4. Trên 200 thân hữu và khán giả đã tham dự để chúc mừng và mua sách của ngôi sao điện ảnh số 1 của VNCH đã đạt được những thành công vang dội tại điện ảnh Hollywood trên 40 năm qua với trên 100 phim màn ảnh lớn, nhỏ và trở thành Huyền thoại của điện ảnh VN và của Hoa Kỳ.