Hôm nay,  

Xuân Khúc, Những Cột Mốc Trong Dòng Đời

2/12/202100:02:00(View: 3748)
HINH CHO BAI XUAN CUA DOAN HUNG

Có ai đó đã ví đời người như một dòng sông, mỗi giai đoạn cuộc đời như một khúc quành. Mỗi người thường có những dấu ấn riêng để hồi tưởng lại những cột mốc trong dòng đời. Có khi là một nơi chốn, có khi là một kỷ vật, hay một nhân vật.

Riêng tôi, những cột mốc trong dòng đời gắn liền với những bản nhạc xuân. Ngay từ bé khi chưa học nhạc, chưa biết đàn, tôi đã thích nghe và nhớ khá lâu những ca khúc. Tôi cũng đặc biệt say mê không khí những ngày Tết. Có lẽ vì vậy, tôi vẫn nhớ như in những ca khúc xuân mà mình có kỷ niệm trong từng chặng tuổi đời.

Tôi học tiểu học ở trường Sư Phạm Thực Hành, ngôi trường ở Sài Gòn áp dụng lối dạy học mới, năng động kiểu Mỹ dành cho học sinh. Tôi được thầy cô dạy hát trong những dịp lễ đặc biệt, trong đó có ngày Tết. Ở tuổi thơ ấu, những ngày chuẩn bị đón Tết là thần tiên nhất. Ở nhà thì bận bịu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm cho ba ngày Tết. Lên trường thì bài vở nhẹ nhàng, các lớp lo tập văn nghệ mừng xuân. Tôi nhớ cô giáo dạy hát bài Nắng Tươi của Hoàng Quí, ca khúc như vẽ ra được một bức tranh sáng ngời của mùa xuân:

Nắng trong khóm cây xuân sáng ngời
Kìa chim bay xa xa ca hót trong mây
Gió trong khóm cây xuân sáng ngời
Kìa bao em tay nắm reo vang tiếng cười
Ngàn hoa hé tưng bừng hương hoa nồng ngát
Ngàn chim hót vang lừng cất cánh ngang trời…

Nắng. Gió. Chim muông. Hoa lá. Thiên nhiên trong ngày xuân như hiện ra trong mắt. Và tôi thấy mình chính là em bé trong bài hát, reo vang tiếng cười và hát mừng xuân mới…

Ca khúc Nắng Tươi ngày nay ít nghe hát lại. Tìm trên mạng, chỉ thấy một video dạy hát dành cho các em tiểu học ở VIệt Nam:
Lớn lên một chút, ở tuổi thanh xuân mới bắt đầu yêu đương, trong những đêm xuân má ấp môi kề với người tình, tâm hồn tràn ngập hạnh phúc, bản nhạc Khúc Hát Thanh Xuân như cứ vang mãi trong tâm tưởng. Với giai điệu cổ điển của Johann Strauss, lời Việt của Phạm Duy, Khúc Hát Thanh Xuân là bản luân vũ mùa xuân, giai điệu trầm bổng, thanh thoát như lời tình tự lứa đôi:

Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi
Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi…

Những mùa xuân tràn đầy tình yêu như vậy là bất tử. Để mỗi độ xuân về, những người tình dù đã bạc mái đầu vẫn nhớ mãi bái hát của một thuở xuân nồng:

…Từ đó khi xuân tái hồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi…

Hầu hết những người ở lại Sài Gòn sau 1975 như tôi đã chứng kiến những mùa xuân khốn khó. Xuân về mà nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn không dứt. Thay cho xuân đoàn tụ là những cái tết chia xa, người đi kẻ ở. Nhưng chúng tôi không muốn mất đi niềm hy vọng của mùa xuân. Chúng tôi vẫn hát, vẫn cười, vẫn nâng ly rượu mừng xuân mới. Trong những cái tết thăng trầm đó, giọng ca lãng tử của cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc trong bái hát Có Phải Xuân Về Không Em do chính anh sáng tác đã trở thành một xuân khúc không bao giờ quên. Xuân nghèo nhưng vẫn hào sảng. Bôn ba giữa chợ đời, nhưng vẫn còn có cành mai nở, có ly rượu để chào xuân và uống say đời:

Em ơi mai nở, có tiếng nói cười, mùa xuân đã về rồi sao
Đi qua phố chợ, mua dăm ly rượu, mừng xuân uống cho say đời
Lô nhô bóng người thấp thoáng giữa đời chào nhau chén rượu đầu môi
Quen thân lưu lạc hát giữa phố người bài ca ấm êm cho đời…

Trong những mùa xuân thiếu thốn cả vật chất lẫn niềm vui tinh thần đó, chúng tôi nhớ lại những mùa xuân tươi đẹp đã qua, và hy vọng có những đổi thay tốt đẹp hơn cho một năm mới:

…Vui xuân năm này thương xuân năm nào gặp nhau nói chuyện ngày qua
Hương xuân tan vội bao năm đứng đợi tình xuân dấy men trong lòng
Em ơi xuân về có tiếng nói cười dường như có huông đổi thay
Nghe viên đá nhỏ lăn theo chân người lòng nghe bỗng dưng bồi hồi…

 Rồi tôi cũng như hàng triệu người Việt khác đã rời bỏ quê hương Việt Nam để định cư tại Mỹ, đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái, cho chính mình. Trong những cái Tết đầu tiên nơi vùng đất mới, tôi đi tìm những bản xuân ca hải ngoại chia sẻ nỗi lòng hoài hương của mình. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tránh khỏi nghẹn ngào khi hát thầm ca khúc Thư Xuân Hải Ngoại của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Tôi tin rằng đây là ca khúc hải ngoại về chủ đề xuân tha hương cảm động nhất. Hình như Trầm Tử Thiêng viết ca khúc này với tâm tình của cả kẻ ở lẫn người đi. Tôi thấy hình ảnh của mình lúc còn ở quê nhà mong chờ những lá thư người thân kể chuyện đón tết ra sao ở Úc, Mỹ; và nay là ở hải ngoại nhớ lại những mùa xuân êm đềm ở cố hương:

…Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia
Mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa
Thế mà người tình phải đi, thế mà cuộc tình tan vỡ
Thân phận bềnh bồng để xuân trôi qua âm thầm đợi mong…
…Thư xuân từ ngàn phương Mang nỗi lòng người tha phương Ôm ấp tình hoài hương
Thư xuân là rượu cay Tương tư rót tràn trên giấy Bên trời đông tuyết say…
Ước gì giờ này nhạc đang du dương trong bài tình xuân
Bên này nằm nghe quê hương bên kia pháo nổ tưng bừng
Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối
Suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa xuân…

Hoài niệm… Day dứt với nỗi nhớ những mùa xuân xưa…Mơ về mùa xuân đoàn tụ trong tương lai… Chỉ trong vài câu nhạc, Trầm Tử Thiêng đã phác họa được tâm tình của cả dân tộc Việt trong một giai đoạn lịch sử thương tâm nhất…

Rồi dần dần tôi cũng đi vào giai đoạn tuổi vàng, độ tuổi mà nhiều người bắt đầu tìm lại những gì đã xảy ra trong đời mình. Cuộc đời phù du, ngắn ngủi thật. Nhìn lại nó giống như xem một cuốn phim chỉ dài vài tiếng, trong đó mình là nhân vật chính với đủ mọi tình tiết vui buồn. Và chẳng có ca khúc nào phác họa lại một kiếp người xúc tích, sống động như Xuân Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát chỉ có bốn câu thật đơn giản, được lập lại trong năm phiên khúc. Mỗi phiên khúc là một giai đoạn cuộc đời. Mà đời người theo Phạm Duy thì bắt đầu ngay từ đêm cha mẹ động phòng để hình thành mầm sống thai nhi. Rồi ta chào đời, lớn lên để bắt đầu yêu đương, trải qua biết bao vui sầu. Dù sao đi nữa, người nhạc sĩ tha thiết yêu người, yêu đời vẫn muốn được tái sinh trở lại, để được làm tình nhân thêm nhiều kiếp nữa:

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về.
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ…
…Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng
Tình Xuân là Xuân có khi mừng vơi có khi sầu đầy
Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống ngon
Tìm em gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng
… Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm có ta Xuân còn hỡi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.

Câu điệp khúc của Phạm Duy chỉ lập lại có hai chữ “xuân ơi” mà nghe tha thiết làm sao! Tình yêu mùa xuân của người nhạc sĩ thiên tài thật là mãnh liệt:
Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi…

Và rồi trong giai đoạn cuối đời, nếu có ai đó hỏi tôi ước gì trong mùa xuân, tôi xin mượn lời ca của bài Tâm Xuân (Đạo Ca 10) cũng của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư để nói lên lời ước nguyện:

Xuân về trong gió, hoa lay lững lờ
Xuân về đám mây, bướm vàng nhụy bay
Xuân về lòng đất, mầm tươi nhựa trào
Xuân về non cao, chim mừng suối reo…
…Em về siêu nhiên, hành hương chùa chiền
Dâng hoa cúng Phật, ưu phiền sẽ tan
Em mở lòng ra, vui cùng cỏ hoa
Xuân về vũ trụ ! Ta về lòng Ta !...
…Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi không ?
Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội !
Để rồi vươn tới, với lòng mênh mông…

Mùa xuân đất trời đến rồi đi, cũng như tuổi xuân của một đời người. Chỉ có xuân trong cõi tâm là những mùa xuân miên viễn. Hãy trở về nguồn cội của tâm để được sống trong những mùa xuân bất tận…

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Năm 1816, khi nhà phát minh người Pháp, Joseph Nicephore Niepce thành công chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính, cũng là lúc nghề vẽ tranh truyền thần của những họa sĩ thời đó bắt đầu gặp nguy hiểm. Đến khi công nghệ chụp ảnh hoàn hảo hơn ra đời vào khoảng 1839, thì những người vẽ tranh chân dung dần dần… thất nghiệp.
Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.
Vào chiều ngày 3 tháng 9, 2024, tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) chính thức khởi động Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2024 (Viet Film Fest-VFF), sự kiện phim ảnh quốc tế thường niên lớn và lâu dài nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đội Los Angeles Lakers vừa công bố kết quả cuộc thi tuyển nghệ thuật “Lakers In The Paint - 2023-2024”, nhằm vinh danh mười nghệ sĩ da màu từ khắp khu vực Los Angeles như một phần của chương trình nghệ thuật thường niên của đội nhằm ghi nhận, hỗ trợ và nâng cao tinh thần cho các nghệ sĩ đến từ các cộng đồng thiểu số. Trong mười họa sĩ trúng tuyển, có hai họa sĩ gốc Việt, gồm họa sĩ Ann Phong và Michael Trần Thế Khôi, và 8 họa sĩ từ các cộng đồng đa dạng Abby Aceves, Estefania Ajcip, Jessica Taylor Bellamy, Daryll Cumbie, Derick Edwards, Megan Gabrielle Harris, Marlon Ivory, Larry Li
Khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
Vào tối ngày Thứ Bảy 31 tháng 8 tới đây, tại sân khấu ngoài trời Garden Grove Amphitheater (12762 Main Street, Garden Grove CA 92843), Đài Truyền Hình SBTN, hội thiện nguyện Bên Em Đang Có Ta sẽ có một sự kiện đặc biệt dành cho những người yêu nhạc: Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024 (SBTN Music Festival). Nhiều ca sĩ hải ngoại nổi tiếng sẽ có mặt để cống hiến một chương trình ca nhạc đặc sắc cho khán giả. Hai ca nhạc sĩ Sỹ Đan, Việt Khang đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Việt Báo, chia sẻ tâm tình của mình về Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Vương Trùng Dương, tên khai sinh là Trần Ngọc Dưỡng, sinh đầu tháng 2 năm 1945 (âm lịch tuổi Giáp Thân) tại Quảng Nam. Gia đình của Dương, từ lâu, định cư tại Chợ Được, một ngôi chợ khang trang nằm bên bờ sông Trường. Chợ cũng là bến ghe thuyền. Đò dọc theo sông dài, đò ngang qua bên kia sông là vùng ven biển Đông. Gần biển, những đêm mùa đông, trong chiếu chăn hãy còn nghe tiếng sóng biển ầm vang.
Nhà xuất bản nổi tiếng của Hoa Kỳ Barnes and Noble vừa phát hành cuốn hồi ký 500 trang của Kiều Chinh. Giới văn chương Mỹ gọi cô là nghệ sĩ lưu vong. Tra cứu trên Internet chúng ta thấy bản văn Anh ngữ nhà Barnes khen ngợi tác giả. Bản văn Việt Ngữ khen ngợi cô Kiều Chinh do nữ đại úy Phan của quân lực Mỹ viết. Cuốn hồi ký đặc biệt này đã ghi bán 30 đồng giấy thường và sách bìa cứng giá 40 đồng. Đại úy Phan là nữ quân nhân trẻ hiếm có đọc được cuốn hồi ký tiếng Việt đã ước mong rằng sẽ có phiên bản Anh Ngữ sớm phát hành.
Khi nói đến âm nhạc, người ta thường liên tưởng đến khái niệm về “tâm hồn” hay “cảm xúc”. Khi nói đến giáo dục lại thường liên kết với “trí tuệ”. Một bên là nghệ thuật, một bên là tri thức. Một bên là những chàng nghệ sĩ, một bên là những nhà mô phạm. Thực ra hai lĩnh vực này có nhiều khi đan lẫn, kết hợp với nhau. Âm nhạc là một ngành học với học vị lên tới tiến sĩ, không thua kém gì học bác sĩ, kỹ sư. Và khoa học đã chứng minh từ lâu rằng học âm nhạc góp phần phát triển khả năng trí tuệ toàn diện cho trẻ em.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.