Trang Thơ -- Ngày Lễ Cha

17/06/202321:05:00(Xem: 1847)
Fog 48x48 2006
Tranh Nguyên Khai.



Từ “Cha” chỉ là một tên gọi khác của lòng yêu thương. (Fanny Fern)


Vâng, Yêu Thương. Hai chiều ưu ái của tình phụ tử, lời cha dạy dỗ con, lời con kính ái thương nhớ đến cha, qua thơ của các tác giả Louise Glück, Phạm Thiên Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Thành Tôn, Nguyễn Hồi Thủ, Ngu Yên, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Thị Khánh Minh, Ko Un, như một quà tặng gửi đến tất cả những người Cha trên quả đất này nhân dịp Father’s Day. (NTKM)

 

***

 

LOUISE GLÜCK

 

Hóa Thân

 

1. Đêm

 

Thiên thần cõi chết bay

la đà trên giường của cha tôi.

Chỉ mẹ tôi nhìn thấy. Mẹ và cha

đang ở riêng cùng nhau trong phòng.

 

Bà cúi xuống để chạm vào

tay ông, trán ông. Bà đã

quá quen với việc làm mẹ

đến nỗi giờ đây bà vuốt ve xác thân ông

như bà vuốt ve những đứa con khác,

đầu tiên thật nhẹ nhàng, rồi

dần quen với đớn đau.

 

Chẳng có chi khác biệt.

Ngay cả cái đốm đen trên phổi

đã luôn luôn ở đó.

 

2. Hoá thân

 

Cha đã quên tôi

trong cơn phấn khích về nỗi chết.

Giống như một đứa trẻ bỏ ăn,

ông không còn nhận biết bất cứ điều gì nữa.

 

Tôi ngồi bên mép giường của ông

trong lúc sự sống xoay vòng quanh chúng tôi

như vô vàn gốc cây bị đốn hạ.

 

Một lần, trong một sát-na

nhỏ nhất, tôi ngỡ

ông đã hồi sinh;

rồi ông nhìn tôi

như một người mù nhìn chòng chọc

vào vầng dương kia, bởi

bất cứ điều gì nó có thể làm cho ông

đã an bài tất thảy.

Rồi khuôn mặt bừng đỏ của ông

quay lưng lại với giao ước.

 

3. Cho cha

 

Con sẽ sống mà không có cha

như con đã một lần

sống mà không có mẹ.

Cha nghĩ con không nhớ điều đó ư?

Con dành cả đời này để khắc cốt ghi tâm.

 

Giờ đây, sau quá nhiều đơn độc,

cái chết không còn làm con sợ hãi,

chẳng phải cái chết của cha, cũng chẳng phải của con.

Và mấy từ đó, lần cuối cùng,

chẳng còn sức nặng gì với con. Con biết

yêu thương mãnh liệt luôn dẫn về đớn thống.

 

Xin hãy một lần, xác thân cha đừng làm con khiếp sợ.

Thảng hoặc, tay con khẽ lướt trên mặt cha,

như một chiếc khăn lau bụi.

Giờ đây điều gì còn có thể khiến con bàng hoàng? Con cảm thấy

không lạnh lẽo nào là không thể cắt nghĩa.

Áp vào má cha, bàn tay con ấm áp

và tràn nỗi dịu dàng.

 

Linh Văn dịch.“Metamorphosis” – Từ tập thơ “The Triumph of Achilles” (1985)

(Vanviet.info)

 

*

 

NGU YÊN

 

Trên cành mộc lan

 

Cây Mộc Lan hoa trắng trước nhà nở ra tổ chim, một bầy nhụy kêu ríu rít.

Cha bay mây sớm, mẹ bay nắng trưa, thay nhau mang mồi về xây dựng phiền hà hạnh phúc.

Tất cả thực tế đều giống huyền thoại khi không thể đến gần.

Dù những chiều mưa không như nhau, nhưng nỗi buồn sẽ ướt cánh chim nhỏ.

Sao hoa Mộc Lan không đỏ?

Lớn gấp chục lần hoa ổi mẹ trồng

nhưng không có trái ăn.

Mẹ rỉa lông mỗi ngày mỗi rụng, dành dụm thành giường êm cho con nằm.

Cha nhìn trứng chưa nở có bao giờ tự hỏi mai này mưa hay nắng?

Hương Mộc Lan thơm nồng nàn.

Mẹ đẹp nhăn dần theo hoa rụng.

Ai chẳng muốn con mau lớn khôn?

Rồi thương xót khi con khôn lớn.

 

Đó là một buổi xế chiều:

Mặt trời thường xuyên cô độc cảm thấy cô đơn.

Chim già trở về tổ

mồi dở dang

không còn nhụy nào mừng rỡ.

Nắng tàn vốn đã buồn

sao trời lại thêm mưa?

 

Cây Mộc Lan lại nở hoa trắng.

Thời gian đục tổ chim những lỗ hổng tả tơi.

Những lỗ trống nhìn thấy trời xanh

mà bên trong chồng chất nhiều thương khó.

 

*

 

THÀNH TÔN

 

Nói Với Con Gái

 

1.

Con thức dậy cùng con chim sẻ non hé mồm trên mái hiên
Con nhện rề rà chăng lưới dưới chiếc nôi đung đưa
Bóng tối thẹn thùng giấu mặt
Nước đái con tinh khiết chan hòa
Con thức dậy cùng lúc con mèo thì thầm cùng con chuột nhắt
Con chó con đùa bỡn với chiếc đũa bếp
Bà nội đang vo nước gạo trong xanh vào lòng thau trắng
Mẹ nhóm đốm lửa hồng cho một ngày rực rỡ.

         

2.

Con thức dậy với đôi mắt dịu dàng của tuổi thơ cha không có
Đôi má mũm mĩm của ấu thời mẹ đánh rơi
đôi môi hồng hào ngọt dịu của thiên thần bỏ quên đêm hợp cẩn
đôi tay hào hoa vẽ vào chân không vùng trời ảo tưởng
đôi chân son thì thào gió sớm
Con thức dậy và nằm đó cùng mặt trời
Con hãy khóc lên cùng với ngày rạng rỡ
Con hãy cười cùng ánh sáng ngụy hình
hãy khóc, hãy cười cùng bà, cùng mẹ đi con.

           

3.

Cha cũng thức dậy trên chiếc giường đung đưa của bệnh xá
Trong khi những người bạn chuyền tay cây súng lạnh vọng canh ngoài
Đúng lúc tiếng súng ì ầm cùng với đất
Cha thức dậy cùng quê hương ta chan hòa máu đỏ.

         

4.

Con thức dậy cùng cha
Thức dậy cùng cha
Thức dậy để quê hương ta cùng thức.

 

*

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

Những bài thơ về La Ngà

 

La Ngà 1

 

Ba không mê tín dị đoan
Không tin đồng tin bóng
Con hãy hiện hồn về
trong vi tính
Để trò chuyện cùng ba
Giữa đêm thanh vắng…

 

La Ngà 2

Ba viết trăm lần lý lịch
Cứ mỗi lần viết đến tên con
Ba lại ngẩn ngơ
Như một kẻ mất hồn
Biết trả lời sao
Câu hỏi
Hiện con đang làm gì?
Ở đâu?

 

La Ngà 3

 

Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi…

 

La Ngà 4

 

Ba vun gốc trường sanh
Mẹ đặt chùm vạn thọ
Lên mộ con
Giữa ngày Mùng Một Tết

 

La Ngà 5

 

Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút

 

Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con:

Nỗi mất!

 

(La Ngà, cô con gái yểu mệnh của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc).

 

*

 

NGUYỄN HỒI THỦ

 

Thơ viết bên hồ

(Trích đoạn 11)

 

Đi trên đê La Thành

Dưới hàng cây xanh

Tôi nhớ đứa con vừa tròn mười bốn tháng

Ở bên kia trái đất

Con tôi đang tập nói:

Con chó con mèo

Cái bánh cái kẹo

Và những thứ ngôn ngữ riêng của nó

Tôi bế nó lên ngực

Nó hay lấy tay chỉ vào chỗ quả tim tôi

Gọi “bố”

Tôi ước ao được bế con tôi

Đi trên đê La Thành

Đi mãi mãi dưới hàng cây xanh

Như một cái gì còn sót lại

Của cuộc đời vừa đánh mất

*

 

PHẠM CAO HOÀNG

 

Cha Tôi

 

và bài thơ tôi viết đêm nay

là bài thơ sau bốn mươi năm

kể từ hôm vượt đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha

chạy ra Tuy Hòa

trở vô Sài Gòn

và nhận tin cha tôi đã chết

ông qua đời khi chiến tranh kết thúc

để lại trần gian nỗi nhớ khôn nguôi  

để lại đàn con trên quê hương tan tác   

để lại trong tôi vết thương mang theo suốt cuộc đời

 

bốn mươi năm rồi con vẫn nhớ, cha ơi!

ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng

ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa

những sớm tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương

rồi mùa thu cha đưa con đến trường

con thương ngọn gió nồm

mát rượi tuổi thơ những ngày đầu đi học

đi ngang qua Duồng Buồng (*) bọn nhỏ trong thôn vẫn thường trêu chọc:

chiều chiều ngọn gió thổi lên

học trò Thầy Bốn chẳng nên đứa nào

thương cha một đời lận đận lao đao

cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách

thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất

thương đất quê mình thơm mãi mùi hương

rồi mùa thu cha đưa con đến trường

con thương những con đường

cha đã dẫn con đi về phía trước

con vẫn còn đi sao cha đành dừng bước

bốn mươi năm trời con thương nhớ, cha ơi!

 

(*) Duồng Buồng: tên một lối đi trong thôn Phú Thứ (Tuy Hòa, Phú Yên).

 

*

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Nhớ Cha

 

Một mình. Đọc kinh đêm nay

Tiếng chân cha ở cuối ngày âm vang

Ngồi đây lắng hết đêm tàn

Con nghe cả nỗi dặm ngàn. Cha đi…

 

*

 

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG

 

Cha

 

Khi những làn sương muối,

Pha màu trên tóc Cha,

Như ngàn cơn sóng bạc,

Trườn lên miền biển cả.

Khi thời gian đọng lại,

Nếp chùng gương mặt Cha,

Như nẻo đường thơ ấu,

Một thời con đi qua.

Là khi con lớn lên,

trong niềm tin nguyên vẹn,

lòng bâng khuâng hò hẹn,

cùng mơ mộng không tên.

Nhưng đời như lưới nhện,

giăng từ buổi ban sơ,

Nhưng đời như mũi tên,

chờ con tự bao giờ…

 

Làm sao đau đòn roi,

Cha cho con tuổi nhỏ.

Làm sao buồn cơn giận,

Cha cho con ngày thơ.

Khi lưng con đã hằn,

ngọn roi đời khôn nguôi.

Và khi con mất hẳn,

lòng bao dung của người.

 

Ôi! Lời Cha sớm trưa,

vang lừng trong trí nhớ.

Xưa ghi vào trang vở,

nay ghi vào nắng mưa…

Khi bao điều nghĩa nhân,

chỉ là ngôn ngữ lạ.

Khi bao người biển lận,

hóa thân là thiên thần!

 

Dù thời gian qua mau,

con mãi là trẻ nhỏ,

con mãi là ngọn cỏ,

làm sao choàng núi cao.

Con mãi là chim non,

làm sao qua hết biển.

Con muôn đời bé mọn,

làm sao vào Vô biên …

 

(Tuyển Thơ Chân Dung)

 

*

 

PHẠM THIÊN THƯ

 

Động Hoa Vàng

(Trích đoạn 95)

 

Nhớ cha giọt lệ khôn cầm
Dưới trăng lấp lánh như trâm vân quỳnh
Nghiêng ly mình cạn bóng mình
Tay ôm vò nguyệt một bình mây bay

 

*

 

KO UN

 

Đêm Thu

 

Cha ơi

Cha ơi

 

Một con dế đang hát…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày buồn: Đ P Q 1 | GS Triết Đặng Phùng Quân (ĐPQ) | vừa mới từ trần (1942 - 15.7.2023). Năm tôi xong học trình cử nhân Văn Khoa SG ban triết (1969) thì anh ĐPQ đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Cao học Triết, được mời làm giáo sư thỉnh giảng môn Triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nghe tiếng anh nhiều nhưng tôi chỉ gặp anh lần đầu trong cuộc triển lãm nêu trên: Một lần trong một bữa ăn văn nghệ nói chung do anh chị Trương Đình Luận khoản đãi. Và lần thứ nhì tại tư gia nữ sĩ Hàn Song Tường, một tri kỷ, người đã viết chung với ĐPQ tuyển tập Một Dặm Tương Thân. Anh Quân người điềm đạm, nhiều phong cách mô phạm nhưng rất nhiệt tình trong giao tiếp. Tôi chỉ mới đọc anh sau này, phần nhiều trên trang mạng Gió-O của chị Lê Thị Huệ.
Khi không dám nhìn dung nhan | Tôi nhìn đắm đuối đôi bàn chân thương | cong cong yểu điệu xương xương | Đôi chân nho nhỏ dặm trường khổ qua
bao giờ tượng tạc như in | thì xin chất ngọc | nhắn tin về đời | một lần | [có] | một lần thôi | ngoại vi men dã chấm cười tinh khôi
Victoria Amelina là một nhà thơ, tiểu thuyết gia người Ukraine. Khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước của cô vào năm 2022, cô đã dành phần lớn thời gian viết lách để ghi chép và nghiên cứu về các tội ác chiến tranh. Amelina hiểu rõ những rủi ro, nguy hiểm mình sẽ gặp phải với công việc này, với tư cách là một công dân chọn ở lại đất nước của mình trong chiến tranh, và với tư cách là một nhà văn phải đối mặt với một đội quân xâm lược đang muốn tiêu diệt bản sắc dân tộc mình. Cô đưa con trai đến nơi an toàn ở Ba Lan, nhưng bản thân trở về tiếp tục sống và làm việc tại quê hương. Khi Kyiv bị ném bom vào đầu mùa hè, cô đã quan sát các vụ nổ từ căn hộ của mình và viết: “Chiến tranh là khi bạn không còn có thể theo dõi nỗi mọi tin tức và khóc về những người hàng xóm đã chết thay cho bạn cách bạn vài dặm. Tuy nhiên, tôi muốn chúng ta sẽ bằng mọi cách không quên tên của họ.”
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung...
thăng trầm lên xuống / như những bậc đá trên đồi xanh / tóc bay theo gió / mùa hạ êm đềm thắp lửa mặt trời / trong từng đôi mắt mong đợi / dõi cánh chim bay xa...
Chân trời không ánh sáng | không tối đen | có màu sắc điên trong màn mắt kẻ loạn trí. | Mọi người chí tử nâng cao đời sống rộn rịp. | Chụm mũi lại hít thở một nắm không gian.
Xa hơn sự đau yếu của ông | Những con sói vẫn chạy qua những cánh rừng xanh, | Dòng sông quê không bị lôi cuốn bởi những bến cảng tân thời...
Thơ của Trần Yên Hòa & Lê Minh Hiền
Quả dâu trăng trắng | nước da hồng hồng | nào ai biết được | rượu còn hay không
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.