Hôm nay,  

50 Năm, Tiếng Việt Trên Đất Mới

14/03/202500:00:00(Xem: 3745)

IMG_1841
KimLoan và Thiên Ân (áo đen) trong đêm văn nghệ Tết 2023 tại Arlington, Texas
 
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đón vợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại:

- Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.

Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .

Cũng giống như một số gia đình Việt Nam ở hải ngoại, bé Thiên Ân được ông bà “babysit” nên Tiếng Việt là tiếng nói đầu đời. Nhờ có gene từ ba, mẹ có giọng hát hay nên mới mấy tuổi đầu mà bé hát rất hay, nhịp nhàng hết cả bài hát.
 
Rồi cứ như thế, khoảng vài năm tôi lại ghé thăm Chú Thím, lại được nghe bé Thiên Ân hát, rồi  bé lớn dần đến tuổi đi học, vẫn là giọng hát bạo dạn say mê. Tôi được chứng kiến giọng hát ấy, cô bé ấy trưởng thành theo thời gian.

Năm 8 tuổi bé tham gia chương trình Vstar Kids do Trung Tâm Thúy Nga và VietFace TV tổ chức và đã được vào vòng chung kết . Cũng từ cuộc thi đó, cái tên Celine Thiên Ân bắt đầu được biết đến rộng rãi trong cộng đồng Người Việt ở vùng Dallas –Grand PrairieTexas, mỗi lần có dịp đến Nam California Thiên Ân đều có mặt trong “Công Thành Show” và mùa Giáng Sinh nào cũng được mời hát Thánh Ca .

Thiên Ân Cờ Vàng
Thiên Ân trong ngày tốt nghiệp High School Hè 2024
 
Rồi Celine Thiên Ân bước qua tuổi niên thiếu, vào High School, tiếng hát càng bay xa và là giọng ca không thể thiếu trong các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán của cộng động Việt Nam vùng Dallas và lân cận. Em đã từng được mời hát Quốc Ca Mỹ mở màn trong trận bóng rổ NBA tại Dallas giữa hai đội Mavericks và Phoenix Suns với chiếc áo dài Việt Nam rực rõ trước hàng ngàn khán giả.

Mùa hè năm 2024, Celine Thiên Ân tốt nghiệp High School với danh dự là Valedictorian nên được chọn là đại diện học sinh Việt Nam tiến lên lễ đài. Tuyệt vời thay là hình ảnh một cô bé đẹp xinh, học giỏi, bước đi với lá cờ Vàng VNCH trên tay, tiêu biểu cho thế hệ tiếp nối Con Rồng Cháu Tiên trên đất Mỹ. Trong bài phát biểu ngày ra trường, Thiên Ân cũng dành ít phút để nói Tiếng Việt dành cho Ông Bà, người thân ngồi dưới khán đài, một cử chỉ đáng yêu và tự hào xiết bao.

Hiện nay Thiên Ân đang học năm Nhất Đại Học với ước mơ trở thành Nha Sĩ, và vẫn tiếp tục đam mê ca hát phục vụ cộng đồng Việt Nam.
 
Một cô gái trẻ khác tôi muốn nói đến là em Mê Linh Phạm, dù tôi không trực tiếp biết em nhưng tôi có trong nhóm Văn, Thơ Cô Gái Việt, Minh Châu Trời Đông chung với bác ruột của em. Nhờ vậy, chúng tôi được giới thiệu xem những youtubes em hát, những show em biểu diễn.

IMG_2315
KimLoan và con gái, Amanda Hồng Đào trong một dịp thiện nguyện Hội Heritage tại Edmonton, Canada
 
Nếu Celine Thiên Ân có giọng hát khỏe, nội lực phù hợp với những bài hát vui nhộn, thì Mê Linh “chuyên trị” dòng nhạc hơi kén người nghe, đó là nhạc thính phòng. Tôi tìm thêm youtubes để biết nhiều hơn về cô bé này, qua chương trình Ước Mơ Việt nghe em ca Giấc Mơ Hồi Hương với dáng dấp thanh mảnh, khuôn mặt xinh xắn, đúng là  Á Khôi Duyên Dáng Sinh Viên Liên Trường Nam California 2022.

Hãnh diện thay thế hế tiếp nối, đã và đang duy trì “tiếng nước tôi”, mà hai trường hợp Celine Thiên Ân và Mê Linh Phạm là ví dụ điển hình, và chắc chắn còn rất nhiều em trẻ khác, sinh trưởng trên đất Mỹ, nhưng mang dòng máu và tâm hồn Việt Nam đậm đà.

IMG_2317
Amanda Hồng Đào làm MC Tiếng Việt trong Hội Tết Trung Thu tại Edmonton, Canada
 
Giờ thì tôi xin chuyển hướng qua Canada, mà khỏi cần kiếm đâu xa, con gái tôi, Amanda cũng là một trường hợp có năng khiếu Tiếng Việt từ lúc còn bé xíu. Khi chưa đi học, ở nhà nói và nghe Tiếng Việt là chuyện đương nhiên, nhưng “nàng” biết cảm nhận ngôn ngữ nhạy bén. Hồi “nàng” 4-5 tuổi, vì còn biếng ăn nên vẫn bú sữa bình, hôm ấy “nàng” đang nằm vắt chân chữ ngũ trên sàn nhà, bú sữa, tôi có chuyện gì đó bực mình, nên lỡ miệng la mắng “nàng” và gọi là “mày” . Thế là “nàng” giận, quăng bình sữa vào góc nhà, rồi đứng giậm chân khóc lóc:

- Mẹ không được gọi con là “mày”, mẹ phải gọi con là “con”.

Tôi liền hờn mát, cao giọng:

- Ừ, thì “con”!

Nhưng “nàng” khóc to hơn:

- Không! Mẹ phải nói “con” nhẹ nhàng dịu dàng, không được lớn tiếng.
 
Lần này, tôi bật cười và ôm “nàng” xin lỗi.
 
Rồi “nàng” lớn lên, chín mười tuổi nghe nhạc Việt cùng ba cùng mẹ, biết hát ngon lành ngọt xớt nguyên cả bài hát“ hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi/ chim vẫn hót trong vườn nhà tôi.” (tác giả Thanh Tùng), rồi  “mai tôi đi  chắc trời giăng mưa lũ/ mưa thì mưa chắc tôi không bước vội ..” (tác giả Nguyên Sa/Song Ngọc), và vài bài hát khác dù “nàng” đã đi học, tiếp xúc với ngôn ngữ và âm nhạc Phương Tây .
 
Có lần tôi gọi “nàng”:

- Đà ơi, Đà ơi

“Nàng” liền phụng phịu:

- Tên con là Amanda đẹp vậy, mẹ cứ gọi “Đà Đà” nghe xấu hoắc, y như bác Hai gọi chị Elly là “Lì”, gọi chị Tiffany là “Nì”, kỳ cục quá!

- Ủa ủa, mẹ gọi con bao năm nay con có nói gì đâu, sao bây giờ phản đối? Mà nè, trước khi chọn tên Amanda cho con, mẹ tính chọn tên Jennifer đấy, giờ còn muốn “Đà” hay muốn “Phờ”?

- Thì bây giờ con lớn rồi, con không muốn “Đà”, càng không muốn “Phờ”!  Hay mẹ gọi con là Đào, Hồng Đào, giống như cô Hồng Đào diễn hài trên chương trình Thúy Nga, con thích tên đó.
 
Ui chu choa ơi, có lẽ “nàng” là cô bé duy nhất, hoặc là cô bé đầu tiên, ở hải ngoại tự đặt tên Việt cho mình, và từ đó đến nay đi đâu gặp người Việt “nàng” cũng giới thiệu:

- Dạ, tên con là Amanda Hồng Đào.
 
Vào tuổi niên thiếu từ cấp hai đến cấp ba, tôi cho Amanda tham gia sinh hoạt nơi Hội Người Việt, vào nhóm múa, từng làm MC tiếng Việt cho Hội Tết Trung Thu, và hát Quốc Ca Canada-Việt Nam trong một lần Hội Chợ Tết Cộng Đồng .

Đến Nhà Thờ , Amanda vào nhóm tình nguyện dạy Giáo Lý cho các em bé bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh, cũng như ghi danh vào nhóm đọc sách Thánh bằng Tiếng Việt (Lời Chúa Cựu Ước) trong những dịp Lễ lớn.
 
Đến nay, khi tôi viết những dòng chữ này thì nàng đã lớn, bước vào tuổi 28 (nên tôi bỏ ngoặc kép ra khỏi chữ nàng). Nàng đang là Head Nurse trong một Children Hospital. Nhờ biết hai thứ tiếng (Việt và English) nên hễ trong bệnh viện có những trường hợp cần thông dịch là nàng được gọi đến giúp đỡ. (Cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt nhờ khả năng bilingual của nàng, tôi đã viết trong các chuyện “Biết Rồi Khổ Lắm ...” và “Đầu Năm Nhiều Chuyện” đăng trên Việt Báo mục Văn Học Nghệ Thuật).
 
Nàng mới vừa lấy chồng gần một năm nay, chồng nàng mang dòng máu Tàu và Tây, nhưng nàng vẫn cho chồng nghe một số bài nhạc Việt mà nàng yêu thích, rồi giải nghĩa từng câu hát cho chồng hiểu, có gì khó hơn thì nàng hỏi tôi:

- Mẹ ơi, “người từ trăm năm/ về khơi tình động/ người từ trăm năm/ về như dao nhọn/ dao vết ngọt đâm/ ta chết trầm ngâm” ...là sao hả mẹ?

Tôi cố vận dụng hết hiểu biết để giảng cả bài hát cho nàng, dù rằng khi Nguyễn Tất Nhiên làm bài thơ này rồi được Phạm Duy phổ nhạc “Thà Như Giọt Mưa” thì tôi còn là cô bé để tóc muỗm dừa, cởi trần tắm mưa ngoài đường.
 
Nhưng bài đó cũng chưa làm khó tôi như bài này:

- Mẹ ơi, “Lệ rưng rưng trên mắt người hôm qua,/Có bóng em lung linh quanh phím ngà/Em xa ta mà vóc dáng kiêu sa/Ta cúi đầu đi về mộ đời ta...” nói sao cho chồng con hiểu đây, ảnh thích điệu hòa âm nhạc này và giọng Quốc Khanh hay quá .

- Ừa, từ từ để mẹ nghĩ xem ...

Tiếc là nhạc sĩ Anh Bằng không còn chớ nếu còn, tôi cũng dám email tác giả hỏi nhờ giúp, như đã từng email nhạc sĩ Phạm Duy chỉ vì tôi và một anh trong ban Báo Chí Giáo Xứ từng tranh luận. Tôi nói rằng “tóc mai sợi vắn sợi dài/ lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm” là từ ca dao Việt Nam, còn anh ấy là “fan cứng” của Phạm Duy cứ nhất quyết đó là câu thơ của Phạm Duy trong bài hát “Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài”, và kết quả Phạm Duy trả lời là tôi đúng! (thuở đó Google chưa thịnh hành).
 
Nàng vẫn thích hỏi về Tiếng Việt, y như ngày xưa nàng có nhiều điệp khúc, mẹ ơi, tại sao là “chợ búa”, tại sao là “gà qué”, tại sao “buồn cười”, mẹ ơi, mẹ ơi và mẹ ơi ...

Còn tục ngữ, ca dao, dân ca... là cả một kho tàng, nhưng để giảng giải cho sự hay thắc mắc của nàng cũng là một vấn đề, cũng may lúc này đã có bá Google nên mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều.
 
Vậy đó, hai mẹ con tôi "học hỏi lẫn nhau". Tôi dạy nàng hiểu sâu sắc hơn Tiếng Việt, nàng cũng giúp tôi chỉnh sửa trong chuyện nói, viết Tiếng Anh, và cả âm nhạc. Hồi nàng còn học Đại Học, mỗi sáng tôi lái xe đưa nàng ra bến xe điện ngầm để đến trường, lúc bài Hello của Adele đang nổi đình đám, nàng mở cho tôi nghe trên xe, hát theo, giải nghĩa những từ tôi chưa nghe kịp, riết tôi thuộc và yêu bài này hồi nào hổng hay. Hiện nay, mấy bài thịnh hành của Taylor Swift nàng cũng ngân nga, tiếc là nàng đã ở riêng với chồng, chớ không thì tôi cũng có thêm vài bài cho hợp phong trào với đám trẻ.
 
Mới đây trong bữa ăn sum họp cuối năm, tôi phải giải thích từng từ từng chữ cho nàng và thằng rể của tôi, một bài vui trên Facebook, đại khái rằng, tiếng Anh đơn giản nói về chữ “chết” là “die”, hoặc “pass away”, trong khi tiếng Việt mình thì ...bao la, đếm mệt nghỉ! Này nhé: chết- ngỏm củ tỏi- đi bán muối-chầu Diêm Vương- gặp ông bà ông vải- chán sống- thích ngắm gà khỏa thân- muốn ăn chuối cả nải- về cõi Niết Bàn- tiêu diêu miền cực lạc- được Chúa gọi về- ở nơi Suối Vàng –nghỉ ngơi nơi chín suối... Nàng và thằng rể cười thả ga, khen tiếng Việt mình độc đáo, phong phú, tuyệt vời!

IMG_1725
KimLoan,(áo đỏ, hàng dưới), khi còn dạy Tiếng Việt tại trường Việt Ngữ Edmonton
  
Thành quả của Celine Thiên Ân, Mê Linh Phạm, Amanda và nhiều trẻ Việt thế hệ thứ 3 tại hải ngoại, là một quá trình thấm nhuần Tiếng Việt từ khi mới ra đời, trong chiếc nôi ông bà cha mẹ họ hàng cùng dạy dỗ con cháu không quên tiếng nói cội nguồn, là những buổi học tại các trường Việt Ngữ khắp nơi của các Hội Người Việt, Chùa, Nhà Thờ Công Giáo, Hội Thánh Tin Lành .v.v..
 
Tôi cũng từng là cô giáo Việt Ngữ tại Hội Người Việt Edmonton một thời gian. Năm đầu tiên, tôi dạy lớp Một, có một cô gái trẻ dẫn đứa con gái lai chừng 7-8 tuổi đến ghi danh. Xong xuôi, cô ấy giới thiệu người chồng da trắng đứng bên cạnh:

- Chị ơi, cho em ghi danh ông xã em, Joshua vào học lớp Một cùng với con gái em luôn nha!

Tôi cười cười, vì nghĩ cô ấy nói đùa, nhưng cô ấy rất nghiêm túc:

- Em nói thiệt đó chị, vì hàng năm tụi em đều dzìa quê Tiền Giang thăm gia đình em, nên ảnh muốn học Tiếng Việt để còn nghe bên vợ nói chuyện. Vả lại, ảnh là người đưa con đến đây học, rồi ảnh vào học luôn, học xong ảnh lái đưa con về, khỏi mất công đón đưa.
 
Thế là lớp tôi có một “học sinh đặc biệt”. Chàng Canada này dễ thương lắm, giờ ra chơi, chàng thực tập Tiếng Việt với mấy “bạn” cùng lớp, nhiều phen cười bể bụng .

Mùa chuẩn bị Tết đến, lớp nào cũng chỉ học tiết đầu, sau giờ ra chơi là tập Văn Nghệ để trình diễn tại Hội Chợ Tết, vui hết biết. Bên đây tôi mở nhạc Trống Cơm tập cho lớp mình, bên kia là bài múa Nắng Xuân, dưới lầu thì tập kịch, Áo Dài show, còn mấy em không trong nhóm múa thì gom lại ... hợp ca Xuân Đã Về, cả trường chộn rộn, chàng “học trò” Canada ngồi xem chúng tôi tập dượt đầy thích thú, rồi chạy qua tiệm Bakery đầu đường mua bánh bồi dưỡng cho mọi người.
 
Sau gần chục năm (dạy lớp Viêt Ngữ và trong Ban Chấp Hành của Hội), gia đình tôi dọn về phía Bắc, xa trung tâm nên tôi không còn tham gia sinh hoạt với Hội Người Việt. Thỉnh thoảng  đi chợ, hoặc đi đâu đó, gặp lại các em học trò cũ. Thực tình mà nói, ngoài những đứa vẫn nói Tiếng Việt khá rành rẽ, cũng có đứa nói lõm bõm, có đứa quên hẳn Tiếng Việt, trả hết cho Thầy Cô, nhưng vẫn cúi đầu chào Cô rất lễ phép, rồi cười ngượng nghịu khi tôi yêu cầu em phải trả lời cô bằng Tiếng Việt.

Có khi tôi nhận lời làm MC Hội Chợ Tết, lại được nhìn các em học sinh trường Việt Ngữ trong các tiết mục ca múa, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm của một thời đã qua, cùng với Ban Giám Hiệu và các Thầy Cô khác, với một tâm huyết giữ gìn Tiếng Việt cho các thế hệ sau này, để các em sẽ như bài hát của Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời ...”
 
Viết về đề tài dạy Tiếng Việt là rà trúng “đài”... “bệnh nghề nghiệp” ngày xưa, tôi có thể viết nhiều hơn nữa, nhưng xin được tạm dừng nơi đây để viết bài Thơ, dành tặng cho tất cả các Thầy Cô và các học trò Việt Ngữ ở khắp nơi hải ngoại:
 
CÁC EM LÀ NGƯỜI VIỆT NAM
 
Cô dạy các em học tiếng Việt Nam
Để các em nhớ cội nguồn dân tộc
Một đất nước rất xa nơi em sống
Bên bờ Thái Bình có tự ngàn năm
 
Em sẽ hiểu được bao nỗi nhọc nhằn
Những xương máu hy sinh bao thế hệ
Dân tộc Việt Nam mấy lần dâu bể
Khao khát cuộc đời hạnh phúc tự do
 
Học tiếng Việt Nam để biết quê Cha
Để tha thiết muốn hiểu về đất Mẹ
Em sẽ nghe câu ca dao thuở nhỏ
Cha mẹ ông bà đã thấm lời ru
 
Dù em có hiểu ý nghĩa hay chưa
Sự học hỏi vẫn là điều đáng quý
Các em là bầy chim non xa xứ
Nước Việt Nam em chỉ biết bằng lời
 
Các em sẽ có nhiều giấc mộng đời
Ở một nước văn minh và giàu đẹp
Lớp Việt Ngữ là nơi cô đã gặp
Những tâm hồn như giấy trắng thơ ngây
 
Cô và trò cùng tập đọc, vui vầy
Tiếng mẹ đẻ mà sao nghe ngọng nghịu
Có em nói tiếng Việt không ai hiểu
Dẫu vụng về, cố gắng, thương làm sao
 
Cũng có em nói tiếng Việt ngọt ngào
Như tiếng sáo líu lo và rành rẽ
Tự hào thay, những học trò bé nhỏ
Tiếng Việt trên môi thắm đượm tình quê
 
Cô và trò, trong lớp học, mộng mơ
Lũy tre xanh, cánh diều, đồng lúa chín
Kìa dòng sông trôi, con thuyền ghé bến
Đêm trăng thanh nghe gió hát êm đềm
 
Và những câu chuyện cổ tích, thần tiên
Lịch sử, địa lý dải đất hình chữ S
Học đi em, tiếng Việt mình rất đẹp
Để mai này xây dựng lại non sông
 
“Tiếng Việt còn, nước Việt còn”, em biết không?
Dù chúng ta xa quê hương vạn dặm
Cô hạnh phúc vì các em vẫn nhớ
Các em mãi là giòng giống Việt Nam
 
Edmonton, Tháng 3/2025
KIM LOAN
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.