Hôm nay,  

Mùi Hương Cũ

20/12/202400:00:00(Xem: 2194)

IMG_1904
 
 “Em có hay chăng anh về?
  Lặng nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê!
  Ai dám mơ chi xuân về?
  Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề!”
-Nhạc Phạm Duy-
 
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
 
Cách đây hai năm, trong một chuyến công tác ở Winnipeg, anh đã tình cờ gặp lại được người yêu đầu đời thuở còn chung trường đại học khi còn ở Việt Nam. Anh chỉ là chàng sinh viên tay trắng chưa có công danh nên người con gái ấy là hoa khôi của trường đã rời bỏ anh sau khi ra trường, để lại trong anh vết thương lòng sâu nặng. Suốt hai tuần lễ ở Winnipeg, tình xưa như bừng sống lại mãnh liệt nhất là khi biết hoàn cảnh người bạn gái bây giờ là một phụ nữ ly dị đang sống một mình . Trở về nhà, anh như người mất hồn, và vợ anh là người nhận ra ngay lập tức những đổi thay từ tâm hồn anh. Như một con chiên ngoan đạo trước tòa giải tội, anh thú thật tất cả. Cô ấy không la lối, trách móc mà chỉ khóc nhiều, và cũng chính cô ấy đã bình tĩnh cho anh một tháng để suy nghĩ và quyết định. Cuối cùng anh cũng dứt áo ra đi theo tiếng gọi của “tình cũ không rủ cũng đến”.

Chọn lựa này đã làm anh bị gia đình, bạn bè xa lánh, họ cho rằng anh bạc tình bạc nghĩa, đổi trắng thay đen, nhưng con tim có sức mạnh của nó, anh chấp nhận điều tiếng thị phi cho cuộc sống mới của mình. Dù sao, anh cũng vẫn làm tròn bổn phận với hai đứa con. Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, anh vẫn gọi phone về thăm hai con, một vài lần trong năm khi có dịp về thăm bố mẹ, anh lại tạt qua nhà đưa các con đi chơi, ăn uống, chuyện trò. Vợ anh tuyệt đối không bao giờ cho anh gặp mặt, ngay cả đôi lúc nói chuyện qua điện thoại với con, anh có ngỏ ý muốn hỏi thăm cô ấy vài lời nhưng lần nào cũng bị từ chối.

Công bằng mà nói, cuộc sống mới của anh không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, thỉnh thoảng cũng đã có những xung đột, vì tình đầu thuở thanh xuân không còn thơ mộng khi hai người đã trưởng thành, trải qua đời sống hôn nhân. Hơn nữa, trong anh còn có bóng đen của mặc cảm tội lỗi luôn đè nặng, ám ảnh, và đã hơn một lần anh thực sự ray rứt ăn năn, muốn quay về tạ tội với vợ con nhưng mãi sao anh vẫn chưa dám, vì anh như người đã phóng lao phải theo lao, không còn đường để quay về.

Anh biết anh là người có lỗi, cô ấy giận anh lắm, chắc sẽ không bao giờ tha thứ cho anh. Lần này nhân dịp về thăm người anh ruột bệnh nặng, anh quyết định dành cho hai con sự bất ngờ khi mang quà Giáng Sinh đến tận tay chúng chứ không phải gửi qua đường bưu điện.
 
Đêm nay anh là vị khách không mời mà đến, cô ấy sẽ lạnh lùng hoặc mời anh ra khỏi nhà, anh cũng chấp nhận. Anh để túi quà xuống bệ cửa, xoa hai bàn tay vào nhau nhiều lần để có hơi ấm, rồi bấm chuông. Cô ấy mở cửa, nhìn anh như một người xa lạ bấm lộn cửa. Cái nhìn này làm anh đau xót, anh vội nói ngay:

- Anh có thể vào nhà ăn cơm tối với em và hai con được không?
 
Cô ấy lùi lại nhường chỗ cho anh bước vào, hai đứa con cũng vừa chạy ra, vui mừng đón quà từ tay bố, rồi kéo anh vào bàn ăn. Cô ấy sai bảo hai con lấy thêm chén dĩa, trong khi cô ấy vào bếp lấy thêm các món ăn. Chỉ mới vài phút vào nhà, anh cũng kịp nhận thấy không có gì thay đổi như cách đây hai năm anh còn ở nhà. Góc phòng khách vẫn là cây giáng sinh ấy, vợ chồng con cái đã mất hơn một tiếng để chọn nó ở khu shopping Sears. Bức tranh phong cảnh thật lớn vẫn treo trên tường mà anh đã mua được trong một dịp đấu giá từ thiện. Phòng ăn vẫn còn nguyên vẹn bộ bàn ăn với bốn chiếc ghế, cái ghế dành cho anh vẫn là cái ngay góc cửa sổ, bên cạnh chiếc tủ buffet để anh có thể dễ dàng với tay lấy những chai rượu đỏ bên trong tủ, và cảm động hơn là những món quà lưu niệm nho nhỏ mà anh và gia đình đã mua về sau những chuyến đi công tác, đi du lịch vẫn còn đầy đủ trong tủ xen kẽ với những tấm hình gia đình thuở còn đầy đủ bốn người. Tất cả vẫn còn như ngày nào, anh cảm thấy như mình mới trở về sau một chuyến công tác xa.

Cô ấy mang ra một thố cháo gà, ngồi xuống hỏi thăm anh mấy câu xã giao, rồi nhanh nhẹn ăn hết phần thức ăn trong dĩa của mình, đứng dậy đi vào bếp. Anh thoáng buồn nhưng vui nhiều hơn vì được ở bên con trong ngày lễ quan trọng nhất trong năm.
 
Khi ba bố con ăn xong, cô ấy đã dọn sẵn mấy ly hot chocolate nóng với mashmallow, và một khay bánh ngọt ngoài phòng khách. Anh gật gù, đây là một “truyền thống” rất dễ thương của gia đình, từ khi các con mới vào học tiểu học, chúng muốn tráng miệng theo kiểu người Canada, sau bữa tối đêm vọng Giáng Sinh, cả nhà sẽ quay quần xung quanh cây thông, ăn bánh uống hot chocolate, vừa nói chuyện, rồi sau đó ai muốn thức khuya một chút tùy ý thích để bắt đầu tận hưởng những ngày nghỉ Lễ thoải mái, không vướng bận âu lo.

Trên đường lái xe đến đây, anh từng có ý nghĩ xin cô ấy cho anh ở lại thật khuya với các con, rồi anh ngủ tạm ngoài ghế sofa để sáng sớm ghé về nhà bố mẹ anh trước khi về Winnipeg, nhưng thấy thái độ lạnh lùng của vợ cũ, anh cảm thấy bất tiện nên khi gần nửa đêm, anh nói lời tạm biệt với hai con. Chúng miễn cưỡng đứng dậy, ôm hôn bố rồi đi lên phòng ngủ trên lầu.

Anh thu dọn mấy chiếc ly, muỗng, dĩa mang ra sink, cô ấy đứng trong góc bếp đang bận rộn cắt rau quả, thấy anh đi vào cô ấy nói nhỏ:

- Anh cứ để đó, sáng mai em sẽ rửa.
Anh nhìn một lô thức ăn chưa chế biến trên mặt bàn, ái ngại nhìn cô:
- Em làm thức ăn nhiều vậy, ngày mai nhà có khách à?
Cô lắc đầu:
- Không! Chỉ là potluck ở nhà bên ngoại thôi.
 
Anh lại chợt nhớ ra một “truyền thống” dễ thương khác của gia đình. Đó là sau thánh lễ buổi sáng ngày Chúa Giáng Sinh, cả gia đình các anh chị em cô ấy sẽ tụ tập ăn uống tại nhà má ruột, tức bà ngoại của các cháu. Đó là một ngày vui bất tận và ấm cúng tình gia đình. Mọi người rộn ràng mở quà, trẻ con vui chơi, người lớn ăn uống, chuyện trò mà không cần biết thời gian bên ngoài. Anh nhớ có một vài lần gia đình anh đã ở lại qua đêm bên nhà ngoại, chờ sáng sớm hôm sau cùng các anh chị em trong đại gia đình đi shopping cho ngày Boxing Day.

Anh không nỡ để cô ở lại một mình với cái bếp bộn bề, nên anh đề nghị:
- Thôi để anh rửa xong đống ly chén này rồi về cũng không muộn.
 
Nói xong, anh xắn tay áo, tìm chai xà bông và bắt đầu rửa chén. Cô ấy vốn là người ít nói, nên không khí im lặng giữa hai người không còn làm anh buồn như khi mới bước vào nhà. Hơn nữa, anh còn phải cám ơn cô vì đã cho anh một đêm ấm áp với hai con. Quả thật, đây là lần đầu tiên kể từ ngày ra đi, anh được hưởng trọn vẹn một bữa tối trong căn nhà của mình, lại là đêm Giáng Sinh mà sự màu nhiệm thiêng liêng của nó đã hâm nóng tình cha con, tình gia đình, cho anh một niềm vui lâng lâng, ngọt ngào.

Anh đang tìm cách mở lời cám ơn thì cô ấy đi lại mấy cái kệ chén ngay bên cạnh anh, mở tủ với tay lấy cái dĩa lớn, anh nhích sang một bên cho cô lấy dĩa, bỗng một mùi hương quen thuộc chợt thoảng qua, khiến anh xao động, tim đập nhanh hơn và hồi hộp như chờ đợi một điều gì. Anh chưa kịp định thần thì cô lại đi về phía anh, lần này là ngồi xuống lục lọi món gì đó ở tủ dưới, và mùi hương ấy trở lại với anh một lần nữa, thật rõ ràng, nhắc nhớ anh biết bao kỷ niệm đã qua.
 
Mùa Valentine đầu tiên thuở mới yêu nhau, anh dẫn cô đi shopping với ngỏ ý muốn tặng cô một lọ nước hoa mà cô yêu thích. Hai người đi mấy vòng trong shopping, thử vài loại nước hoa, cuối cùng cô đã chọn loại Angel bởi mùi thơm dịu dàng, thanh thoát và cao sang của nó. Kể từ ngày đó, mùi Angel đã đi vào đời anh. Những buổi tối cuối tuần sau buổi hẹn hò, anh đưa cô về, trong xe của anh vẫn còn vương vấn mùi thơm nhè nhẹ, cho anh một cảm giác nhớ thương thật dễ chịu. Khi về đến nhà thay quần áo, chiếc áo sơ-mi, chiếc cà vạt của anh cũng phảng phất mùi hương ấy, thậm chí khi anh vào phòng tắm đánh răng rửa mặt, bàn tay anh, mái tóc anh cũng mang một mùi lưu luyến nhớ nhung, đưa anh vào những giấc mộng đẹp.

Đêm tân hôn, bên cạnh mùi thơm của da thịt người con gái, là hương thơm Angel tràn ngập cả căn phòng, hòa quyện vào gối chăn, hơi thở nồng nàn …tất cả hợp lại mê man, chấp cánh dẫn đưa anh bay bổng vào những đam mê tuyệt vời của đời sống hôn nhân.
 
Sau này, cô ấy cũng có thử một hai loại nước hoa khác, nhưng Angel vẫn là lựa chọn ưu tiên của cô trong những dịp đặc biệt như lễ tết, sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới. Anh cũng chẳng ngờ, mùi hương ấy đã trở thành một phần đời sống của anh, nó là một nhân chứng tình yêu, là vật vô tri vô giác, nhưng đêm nay nó có một sức mạnh ghê gớm, khơi dậy cõi lòng anh những cảm xúc thương yêu chân thật, những xuyến xao mà anh cứ ngỡ mình đã lãng quên suốt hai năm qua.
 
Để kìm nén cảm xúc, anh bước ra phía chiếc bàn phòng ăn tháo chiếc đồng hồ đeo tay để khỏi bị nước rửa chén làm ướt, rồi anh ngồi xuống ghế uống ly nước lọc và thầm ngắm nhìn vợ cũ. Mái tóc cô bới cao để lộ chiếc cổ trắng cao ngần, quý phái. Đôi vai gầy hơi nhấp nhô theo cánh tay khi cô đưa con dao nhẹ lên xuống để xắt rau củ. Anh chợt nhận ra nét đẹp của cô vẫn còn, nét đẹp dịu dàng mà gần hai mươi năm trước anh từng mất ăn mất ngủ vì nhớ nhung, và anh đã phải rất khó khăn, vất vả “chiến đấu” với nhiều chàng trai khác mới chiếm được trái tim của nàng, vậy mà…
 
Anh quyết định đứng lên, tiến vào trong bếp, đến phía sau cô, không thấy cô phản ứng gì, anh chầm chậm đưa hai tay ra ôm vòng eo cô, cô ấy vẫn chẳng nói gì, anh run run nói :

- Em vẫn dùng loại nước hoa này ư? Anh thích lắm …

Cô đưa tay chạm vào bàn tay anh như muốn đẩy anh ra, nhưng anh đã vội chụp lấy đôi bàn tay ấy, giờ đã nổi thêm những đường gân xanh, rồi vuốt nhẹ những đường gân gầy guộc, xúc động tuôn trào, anh gọi tên cô như sợ cô sẽ vuột mất khỏi tầm tay:

- Quỳnh ơi! Anh biết có nói ngàn lời xin lỗi cũng không xóa hết được tội lỗi của anh. Mong em cho anh một cơ hội, được trở về, em và các con mới là tổ ấm của anh, là hạnh phúc của anh.
 
Cô vẫn để bàn tay trong tay anh, nồng ấm. Những giọt nước mắt trên khuôn mặt cô rớt xuống tay anh, nóng hổi bao nỗi niềm. Anh cúi đầu hôn lên mái tóc cô, mùi hương Angel rạo rực, anh nghe nhịp tim của cả hai đang dần dần hòa nhịp. Bên ngoài cửa sổ, dưới ánh sáng mờ ảo của bóng đèn đường, những bông tuyết nở tung giữa không gian, bay lượn trên bầu trời, nhịp nhàng như điệu valse trên sàn nhảy của một thời tuổi trẻ.

Chiếc đồng hồ trên tường vừa điểm mười hai tiếng, báo hiệu qua một ngày mới: ngày hai mươi lăm tháng mười hai, ngày Chúa Giáng Sinh.
 
KIM LOAN
(12/2024)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng.
Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh… và cũng là câu nói thường tình với cá nhân, nhóm người trong xã hội. Tác phẩm Thủy Hử ban đầu là Giang Hồ Khách Truyện, sau lấy tên là Thủy Hử vì “căn cứ địa” Lương Sơn là vùng đầm, hồ nên Thủy Hử (bến nước). Truyện nầy qua bản dịch của La Thần và Á Nam Trần Tuấn Khải, gồm 3 cuốn, năm 1973, sau đó với Tử Vi Lang nên rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Trong truyện Thủy Hử của của nhà văn Thi Nại Am (1296-1372) ở Trung Hoa vào triều Nguyên-Mông (1295-1368), kể về câu chuyện của Tống Giang triều nhà Tống, nổi dậy kéo theo “giang hồ hảo hán” gồm 108 người đến núi Lương Sơn. Gọi là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Ở Sơn Tây, tôi là khách lạ nhưng mang tâm trạng sâu đậm như người trở về nguồn cội. Đầu tiên tôi tìm mua tấm bản đồ tỉnh lỵ nhưng không ai bán, họ chỉ dẫn địa điểm Thành Cổ rồi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của hình vuông ấy là sẽ tìm ra mọi nơi. Hướng Nam đối diện với phố Quang Trung còn gọi là Cửa Tiền, Cửa Hậu ở hướng Bắc có phố Lê Lợi và nếu đi thẳng đến cuối đường sẽ gặp sông Hồng, hướng Đông là Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cuối cùng hướng Tây hay Cửa Hữu có phố Ngô Quyền.
Buổi sáng cuối tuần, mùa đông chớm về với những cụm mây xám nhạt, lơ lửng trôi trên bầu trời California, không khí se se lạnh, tôi và Hoàng ngồi ngoài hàng hiên quán Coffee Lovers của Thành phố Hoa vàng nhìn trời hưu quạnh. Bên hai ly cà phê sữa nóng và dĩa bánh Patechaud, Hoàng nói chậm dãi, nhỏ nhẹ, kể cho tôi nghe về quê ngoại của Hoàng thời niên thiếu.
Theo thông lệ trước đây, hằng năm vào đầu tháng 9, CVKer 65 Bok Thân có tổ chức buổi tiệc gây quỹ cho địa phận Kontum. Năm nào Bok Thân cũng thành công mỹ mãn, gởi về quê nhà nhiều số tiền lớn lao dùng cho các hoạt động bác ái của địa phận. Sau dịch cúm Tàu phù, kinh tế trì trệ, dân chúng cũng ngại đám đông nên Bok Thân phải uyển chuyển tổ chức 2 năm một lần; lần này là Đêm Tình Thương lần thứ Sáu.
Memphis là thành phố lớn của tiểu bang Tennessee, nổi tiếng là một trong những cái nôi của dòng nhạc Blues & Jazz của nước Mỹ. Cách đây 4 năm, tôi lái xe đến thăm Memphis chỉ để được nghe nhạc Blues “nguyên chất” tại B.B King’s Blues Club, một trong những “việc đáng làm trong đời” đối với những người mê nhạc Jazz. Nghe nhạc Jazz ở Memphis sẽ thấy được dòng nhạc như chảy trong huyết quản của người da đen ở Miền Nam Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 10 năm nay, tôi trở lại thành phố Memphis, nhưng đó không phải là đích đến của chuyến đi. Memphis có phi trường chỉ cách Tu Viện Mộc Lan khoảng hơn một tiếng lái xe. UH, một cô bạn đồng tu đã từng cùng học với một vị thầy, cùng sinh hoạt trong một nhóm Phật tử ở Quận Cam California được chấp nhận vào ni đoàn, làm lễ xuống tóc xuất gia tại Mộc Lan. Tôi cùng một nhóm bạn nhận lời mời đến dự sự kiện trọng đại của một đời người này.
Đọc xong email của Cathy, Khôi mỉm cười khoan khoái, bước xuống phòng khách pha cho mình ly cà phê nóng của buổi sáng cuối tuần. Trời đã cuối Thu, những chiếc lá khô cuối cùng lao xao đuổi nhau theo những cơn gió nhẹ trên mặt đường, tạo nên một âm thanh vui tai. Hàng cây khô trụi lá khẳng khiu đang rung rinh trước gió, chuẩn bị cho những ngày đông dài sắp tới. Khung cảnh thật bình yên. Bình yên như tâm hồn Khôi sau những tháng ngày băn khoăn, ray rứt đã qua.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.