Hôm nay,  

Dáng liễu và Xuân gầy

28/10/202307:29:00(Xem: 2950)
Tạp bút

Cheo 


Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá.
    Mà dáng này lại là điều cấm kỵ với giới làm thơ, soạn nhạc với, có lẽ, duy nhất một ngoại lệ.
    Tìm lại những bài ca, bài thơ chúng ta sẽ tìm ra bao nhiêu là dáng gầy. Như Trịnh Công Sơn, hết “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc bay về chốn xa xăm” thì “gọi nắng trên vai em gầy”, rồi “mưa thì thầm gót chân ngà”: để có gót chân ngà thì thân thể không thể nào… tròn.
    Hay Vũ Đức Nghiêm, chỉ trong một khổ nhạc 6 câu của bài “Gọi người yêu dấu” thôi, đã hết ba câu trực tiếp nói đến sự gầy:
 
    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
    Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
    Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
    Thương em mong manh như một cành lan
 
“Dáng vai gầy” thì đã rõ, đến dáng “buồn bơ vơ” và dáng “mong manh” là gì nếu không phải dáng gầy?
    Thơ cũng vậy, như Nguyên Sa, nào là “Em gầy như liễu trong thơ cổ / Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ”)’, nào là “Thơ trong tà áo, em trong gió / Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay” ("Hư ảo trăng"): em có thể lẫn vào trong gió thì em cũng phải gầy như là liễu.
    Hay, trong bài “Tám phố Sài Gòn”:
 
    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
    […]   
    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
 
Vân vân, kể sao hết những hình ảnh gầy guộc trong nhạc, trong thơ, trừ ông Xuân Diệu, qua người đẹp cuối cùng trong bài “Nhị hồ”:
 
    Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
    Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
    Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
    Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi
 
Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh đầy đặn của Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng và khoa nhân chủng học cũng bàn về cái đẹp này, cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống.
    Âu châu cũng một thời tôn sùng phụ nữ tròn nhưng rồi xu hướng thẩm mỹ này thay đổi với sự ra đời của điện ảnh: cái đẹp lúc này không còn bất động trên hình ảnh mà phải gắn liền với một dáng đi thanh thoát, do đó họ phải gầy. Cái đẹp này lại trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam.
    Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, cuối thập niên 1970, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, chỉ là cơm trắng thôi, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ… “múp”.
    “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi nói trên, là cái đẹp với những đường cong đầy đặn sự no đủ. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của máy truyền hình, của smartphone, của iPad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên cho kỹ nghệ quảng cáo và tiếng Việt cũng bùng nổ theo với nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, “hot girl”…
    Cũng cần kể thêm, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất trong quan niệm về cái đẹp, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, lại diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người này đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía sau với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve với những khao khát ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!
    Trở lại với Xuân Diệu, tại sao, tại sao trong câu cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ này đã bộc lộ rằng ông mê một phụ nữ rất tròn?
    Chúng ta không nên nhảy từ trang thơ ra ngoài đời với giới tính đặc biệt của ông mà nhiều người đã nói. Chỉ căn cứ vào thơ thôi, thơ Xuân Diệu tràn ngập thiên nhiên bừng bừng sức sống, một thiên nhiên đầy đặn, kiểu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Phải chăng, vì thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nẩy nở thế nên cái đẹp sâu kín trong lòng nhà thơ này -- bất kể mỹ học về sự gầy đang thống trị của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là một thành viên -- hẳn phải là cái đẹp phồn thực của một phụ nữ rất… tròn như là Dương Quý Phi!
    Nhìn lại, với giới chuyên trị dáng gầy thì thiên nhiên của họ chẳng hề là một thiên nhiên sinh sôi nẩy nở, chủ yếu là mùa thu tả tơi lá rụng. Như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vạn nhất có nhắc đến mùa Xuân, mùa để thiên nhiên bùng nở đầy sức sống thì nghe cũng “trớt quớt” thế nào, như bài “Gọi tên bốn mùa”:
 
    Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
    Nụ xuân xanh cành thênh thang
    Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
    Rồi mùa Xuân không về…
 
Không chỉ Trịnh Công Sơn. Xuân của Nguyên Sa cũng vậy, không hề tươi tắn thiên nhiên, như cái cảnh:
 
    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng..
    (“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
 
Để rồi, trong “Thơ xuân áo vàng”, cũng lại là dáng “vai gầy”:
 
    Mùa xuân em mặc áo vàng,
    Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
    Em vừa xoay nhẹ vai gầy…
 
Mà cả tôi, hình như, cũng vậy, vào cái tuổi mười bảy, mười tám nhưng gầy gò vì thiếu dinh dưỡng: giữa sự lên ngôi của cái đẹp no tròn mang tên là “múp” mà, nhìn lại, những dấu in hằn đậm trong ký ức vẫn là dấu chân từ những dáng gầy.
    Đó, phải chăng, là do Xuân?
    Bởi, với tôi, những mùa Xuân của tuổi ấy, vào cuối thập niên 1970, lại là những Xuân buồn, những mùa Xuân gầy gò, tả tơi, không tươi tắn chút nào, những cái Xuân không hể sinh sôi, nẩy nở…
 

-- Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm...
Cầu Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay bị cắt ngang hoặc che lấp...
Tim, mối tình đầu của Lily vừa chia tay, anh ta đã có người yêu khác. Lily đang thất tình đang đau khổ. Tim làm việc ngành tài chính ngân hàng, chàng trai có công việc tốt, đẹp trai, lịch sự đỏm dáng, luôn khéo ăn nói làm vừa lòng mọi người...
Như Ý đã trên bốn mươi, nhan sắc trung bình hay hơn trung bình một tí. Khuôn mặt trái soan, mái tóc dài, cao trên thước sáu đã níu lại được cái dáng đi hấp tấp, nhanh lẹ của cô.
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.