Hôm nay,  

Áo gấm về làng

09/05/202318:36:00(Xem: 3383)
Truyện

tet-nguyen-dan

 

1.
Phải trở về quê một chuyến xem thử chỗ ngồi bên gốc cây bàng trong khuôn viên chợ Quán Rườn nay có còn không? Chắc còn, và chẳng có gì thay đổi. Bởi vì Hạo đã ngồi ở đó suốt mười hai năm, ngày ngày ngắm ông đi qua bà đi lại, mỗi khi có ai xe đạp bị hư, bể ruột, cong niềng, trật ốc, dắt lại sửa thì anh mừng húm lên, bởi vì anh sẽ có được chút tiền công mang về cho ba đứa con đang đợi ở nhà.
     Từ ngày ra khỏi trại tập trung, Hạo trở về đây, ngồi dưới gốc cây bàng này, sửa xe đạp. Dù ai có nói ra nói vào, "Cha Hạo đã một thời là thiếu tá, từng làm tiểu đoàn trưởng chỉ huy lính đánh địch kinh hoàng, từng một thời có xe díp cần câu, có cận vệ chạy rần trời, thế mà nay thất thế, mười năm ở tù về, chả lại dám ngồi dưới gốc cây bàng sửa xe, thằng cha khùng, làm mất mặt bầu cua sĩ quan", Hạo nghĩ, "Có gì mà mất mặt, đi ở tù, hốt phân tươi tưới rau, dòi bọ bò lổn ngổn, đi đốn gỗ, cuốc đất, tăng gia rau xanh, làm 'tà lọt' cho vệ binh, cho quản giáo, suốt mười năm, mà chả có lấy một xu tiền công, còn ăn đói nhịn khát, mặc rách. Bây giờ về, làm việc để kiếm miếng cơm chứ có gì mà mắc cỡ". Có người cho Hạo đã bị khùng nặng, ngơ ngơ ngác ngác. Họ cho rằng, sau khi đi tù về, vợ đã đi theo người khác, Hạo phải nuôi ba đứa con, nên Hạo bị "mát dây" là chuyện bình thường. Hạo lại nghĩ khác. Mình làm ăn lương thiện thôi, đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, có gì mà mặc cảm.
     Bây giờ thì anh quyết định trở về thăm quê, sau năm năm ở Mỹ. Các con anh đã lớn, đã đi làm, anh yên tâm và thấy mình may mắn. Năm năm anh đã trút bỏ đi một phần cái thân thể gầy còm ốm nhách của ngày ra đi. Anh đã mập lên, nước da hồng hào hơn, phổng phao hơn. Người ta nói vật chất đã làm thay đổi con người, đúng vậy, dinh dưỡng đầy đủ của xứ Mỹ đã biến anh ra một con người khác. Anh đã làm hết bổn phận với các con, nay anh phải tự lo lấy phần đời còn lại, cho nên anh dự định, sẽ tìm về quê, thăm mồ mả cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nhưng cốt lõi trong lòng anh là muốn về quê cưới một người vợ, rồi sẽ bảo lãnh vợ sang đây sống cùng anh, cho đời anh đỡ đi phần hiu hắt.

2.
Hạo đi chuyến bay China Airline, mang theo hai vali quần áo cũ mà các con đã mua ở chợ trời, định sẽ đem về cho bà con ở quê nhà, cùng với bảy ngàn đồng anh gom góp để dành suốt mấy năm ròng. Anh nghĩ mình sẽ chi tiêu dè sẻn, cho anh cho chị, cho bà con mỗi người một ít, còn lại anh sẽ làm mộ cho cha mẹ anh thật tươm tất. Và khi kiếm được người đàn bà nào vừa ý như người chị hứa sẽ dắt cho anh xem mặt mấy mối, anh sẽ đem số tiền còn lại làm quà cưới, tiệc cưới, chắc cũng tạm đủ, vì quê anh là một xóm quê nghèo, cuộc sống lam lũ, dân chúng không ăn xài bao nhiêu.
     Chị Nhường đón anh ở sân bay Tân Sơn Nhất với nước mắt đầm đìa. Tánh của chị anh thật giống mẹ anh ngày xưa, ngày anh đi lính, đi hành quân, lúc nào mẹ cũng cúng vái khấn nguyện, và cuối cùng là khóc. Nước mắt vui, nước mắt buồn đều có cả. Bây giờ mẹ mất rồi mẹ để lại cho chị Nhường hồ nước mắt ấy. Ngày anh cùng các con khăn gói đi Mỹ, chị khóc, bây giờ anh trở về thăm chị, chị cũng khóc.
     Anh loay hoay với mớ hành lý đem về. Ở trên phi cơ, bà con đi về kháo nhau, cửa hải quan này cho 5 đô, cửa công an kia cho 5 đô, cứ thế coi như đấm nắm xôi vào miệng chúng cho qua truông suôn sẻ. Hạo cũng làm theo, nhưng anh không ngờ bọn cò mồi đứng chỗ lấy hàng, bọn nó chỉ lấy tay chỉ chỏ hay lấy tay xách hành lý cho khách mà không ai nhờ, cuối cùng thì bọn chúng xin tiền, anh phải móc hầu bao nhưng lòng cứ ấm ức. Đến khi đẩy xe ra cửa phi trường Hạo mới thấy như thoát nợ. Chị Nhường nhận ra Hạo ngay khi anh vừa mới ra khỏi khu cách ly. Chị vẫy tay lia lịa và kêu: "Hạo, Hạo, cậu Hạo."
     Hạo đến chỗ chị và ôm lấy chị. Năm năm mà chị già đi quá, mái tóc lưa thưa bạc, mắt có những vết nhăn, anh ứa nước mắt, chị khóc. Hai chị em đi ra chỗ chiếc taxi đã được chị thuê đậu phía bên ngoài. Hai chị em về khách sạn nghỉ một đêm, ngày mai mới đáp xe tốc hành thuê bao về quê nhà.

3.
Ngày Hạo đi, quê của anh nghèo khổ, nay anh trở về quê vẫn không thay đổi gì mấy. Hai cây cầu có tên "Cầu Lỡ" vẫn lồi lõm từng nhịp, xe chạy qua gập ghềnh như đi xiếc, Đã hai mươi lăm năm gọi là hòa bình và tái thiết đất nước mà những vết tích của chiến tranh, bom đạn và nghèo khổ vẫn trùm lên mỗi thân phận con người. Dọc đường từ ngã ba Chiên Đàn lên đến chợ Quán Rườn, người dân đi bộ, đội những mớ rau, củ sắn từ miền quê xa xuống chợ bán vẫn còn.
     Đây là hình ảnh mà ngày nhỏ, cách đây cũng ba bốn mươi năm, ngày anh còn là cậu học trò đi học ở trường Chiên Đàn anh đã thấy. Hình ảnh những người dân quê còm cõi đó vẫn ăn sâu vào lòng anh như một tì vết của nghèo khổ. Anh đã từng cạn kiệt sức sống trong những trại tập trung, đã từng lê tấm thân ngồi nơi gốc bàng vá từng lỗ vá ruột xe đạp để kiếm miếng cơm củ khoai về nuôi con, nên anh biết rõ một điều là ai cũng mong có cơm ăn áo mặc, mà đến ngày nay xem ra ước mơ ấy cũng chưa đạt được.
     Xe chạy về đến nhà chị Nhường thì trời cũng quá trưa. Đi một đoạn đường dài mất một ngày một đêm mới tới. Các con cháu của chị Nhường đứng ở sân nhà chờ đợi. Chị Nhường con đông đến bảy đứa, có mấy đứa lớn có vợ, có chồng, có con, tay bồng tay bế đứng nơi sân đợi. Và cả bà con lối xóm nữa. Họ đứng lố nhố chung quanh sân. Chắc là họ muốn nhìn một người đi Mỹ trở về ra sao? Một người mà cách đây năm bảy năm còn ngồi bên gốc bàng sửa xe đạp, ốm o gầy mòn, bây giờ đã thay da đổi thịt, đã phổng phao thấy rõ. Một người mà cách đây mười năm theo lệnh của công an xã, nhân dân đã tụ họp ra ngoài trụ sở uỷ ban để "giải chế" cho. Có nhiều ý kiến nói ra nói vào về "tội ác ngày xưa" của Hạo, khi anh còn làm tiểu đoàn trưởng. Nhưng cuối cùng thì theo "ý dân", anh được giải chế, nghĩa là chính quyền không còn quản chế anh nữa. Nay thì cũng đám dân đó đứng trước sân nhà anh đợi anh về, ngoắc tay, kêu lớn tiếng: "Anh Hạo ở Mỹ về đó hả, anh khỏe ghê he!"

4.
Hạo nói chị Nhượng chia phần cho những người bà con thân sơ, mỗi người một lọ dầu gió xanh, năm chục ngàn bạc Việt Nam, và một số quần áo cũ mà các con anh đã tìm mua ở chợ trời hay các tiệm Goodwill. Với bấy nhiêu thôi, Hạo đã được tiếng đồn lành "ông Hạo mới năm năm đi Mỹ, về mua quà cho cả làng". Ngày trước cách đây mười mấy năm chứ có đâu xa, ngày Hạo được kêu lên xã "giải chế", trong một đêm tối trời trong hội trường tỏa ánh sáng đèn măng sông, cũng những người dân kia đã giơ tay cao, đã phát biểu những lời độc địa: "Ông Hạo thuộc thành phần ngụy dữ dằn, đã từng làm tiểu đoàn trưởng, chỉ huy quân ngụy đi càn biết bao nhiêu trận, có tội rất lớn đối với nhân dân và cách mạng". Câu nói như một vết chém đâm ngập vào tim Hạo, làm tâm hồn anh tê điếng, ám ảnh Hạo suốt mấy năm ròng.
     Cũng những người đó hôm nay đến đây thăm anh, ai nhìn anh cũng khen anh khỏe mạnh, mập ra, da thịt hồng hào. Thì ra cơm gạo tư bản dư dả quá, xứ sở người ta văn minh tiến bộ quá, còn xứ sở mình thì đã hai mươi năm "giải phóng" mà người dân vẫn ăn đói mặc rách. Hạo nghĩ, nếu không có cuộc ra đi thì chắc anh vẫn mãi ngồi bên gốc cây bàng vá từng lỗ ruột xe đạp kiếm ăn, các con anh vẫn phải đi bán cà rem dạo hay bán trà đá dạo, chứ có bao giờ nghĩ chúng sẽ được đi học đàng hoàng.
     Chị Tửu, một phụ nữ từng bỏ làng nhảy núi ngày chiến tranh, đã từng là trung đội trưởng du kích xã, từng bị thương mất đi một mắt, bây giờ phục viên trở về làm ruộng, bị thiếu ăn, đói lên đói xuống, bế đứa con gái ba tuổi đến nhà Hạo thăm.
     Từ đàng xa chị Tửu đã lên tiếng:
     – Nghe nói anh Hạo từ Mỹ về, tôi ghé thăm anh chút, ai cũng đồn về anh.
     – Đồn gì vậy chị Tửu.
     – Thì nói anh khỏe mạnh, lột xác cũ đi.
     – Vậy còn chị thế nào, nay có khá không?
     – Khá gì mà khá, đói rã ra anh ơi. Từ ngày anh đi Mỹ tôi cũng nghỉ việc luôn, anh nghĩ tôi tàn tật như vầy mà còn lao động gì được nữa, thế mà tôi có được cấp dưỡng gì đâu. 
     Anh chạnh nhớ đến chị Tửu ngày anh ra xã "giải chế", Tửu đã đứng lên phát biểu: "Với sự khoan hồng của cách mạng, xin chính quyền xã thôi không quản chế anh Hạo nữa". Điều này Hạo mang ơn chị Tửu. Dù gì thì trong những lúc anh bị mọi phía xô anh xuống dưới bùn đen mà có người kéo anh lên. Hôm nay để đền bù lại tấm lòng ấy, cùng với lòng muốn cứu giúp một người hàng xóm trong cơn ngặt nghèo, anh lấy cho Tửu những món quà anh đem về và anh cho riêng chị Tửu 100 đô la. Chị Tửu không ngờ mình được cho nhiều như vậy, chị quỳ xuống níu lấy tay Hạo:
      – Tôi không biết lấy gì để cảm ơn anh đây, quý hoá quá, quý hoá quá.

5.
Đến ngày thứ năm thì Hạo mệt mỏi quá rồi. Anh định về quê chơi một tháng để nghỉ dưỡng sức rồi qua lại Mỹ tiếp tục "cày". Nhưng cái mục tiếp khách này anh thấy quá mệt, những người ở đâu rất xa nghe anh về cũng ghé thăm để được anh cho một lọ dầu, một ít áo quần cũ. Thì ra, tiếng lành thì đồn xa, cứ cái đà này, mỗi người đến thăm anh, anh tiếp khoảng hai mươi phút thì anh cũng mệt ứ hơi rồi, huống hồ gì có người ngồi hỏi anh đủ thứ chuyện.
     Anh qua Mỹ mới năm sáu năm, mà cả ngày quần quật trong hãng làm việc, có hôm hãng cho làm over–time thì anh đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, chẳng biết trời trăng mây nước gì cả, về đến nhà cũng không buồn mở Tivi. Ở trong hãng anh làm assembly, nghĩa là công việc sai đâu làm đó, sợ từ người chủ đến supervisor, sợ sẽ không được lòng họ, sẽ không được lên lương, không được kêu làm thêm giờ.
     Anh nhiều lúc tự cười với chính mình, tưởng qua Mỹ làm quan làm tướng gì, lại phải chun vào làm công nhân cấp thấp. Sợ mất việc, sợ sếp không vui nên ai cũng phải nói cười hỷ hả trong những lúc, những chuyện không đáng cười chút nào. Sếp đặt đâu làm đó, nhiều khi lại phải nói đệm thêm những câu cho sếp vui lòng. Anh chợt nhớ đến ngày anh còn làm tiểu đoàn trưởng, lúc còn "hét ra lửa", bọn lính thấy anh là sợ xếp vó, đang vui đùa, cười nói đó, thấy anh lại im ngay, họ phải vui theo cái vui của anh, buồn theo cái buồn của anh, quyền lực và đồng tiền vẫn ngự trị mãi trên đời này. Cuộc sống cứ như là một cái bóng, ở đầu này thì thấy đầu kia cao lớn, ở đầu kia thì ngược lại.
     Nhân lễ cúng ông bà ngày Hạo về cũng như cúng hai ngôi mộ cha mẹ anh vừa mới xây, anh đưa 500 đô cho chị Nhường lo liệu một bữa tiệc mời dân cả xã đến dự. Chị Nhường đã thuê hai cây dù lớn, che rợp cả một khoảng sân và cả khu vườn, cùng thuê bàn ghế kê san sát để tiếp đãi khách. Trong lòng Hạo coi đây là một lễ tạ ơn, tạ ơn cha mẹ, ông bà, đã cho gia đình anh được đi Mỹ, con cái có tương lai và đời sống chính anh được sung túc hơn, với lại trong thâm tâm, anh cũng muốn nở mày nở mặt với bà con lối xóm. Từ ngày đứt phim, gia đình anh tan hoang, anh em đều đi tù, đều bị đày đọa. Nhưng bây giờ cả hai đều ở Mỹ, anh muốn cho những người cán bộ xã ấp gọi anh là ngụy, nay phải thấy rằng điều anh chọn lựa ngày trước là đúng đắn.

6.
Khi lễ cúng gần xong thì khách khứa cũng lục tục kéo đến. Toàn là những người bà con trong xóm, trong làng ngày trước. Có người lúc anh gặp nạn thì xót thương giúp đỡ, có người quay lưng, có người hận thù đòi đem anh ra xử trước tòa án nhân dân. Bây giờ đã mười mấy năm trôi qua, mọi điều đã lắng xuống, cũng có một số người làm ra vẻ cố quên.
     Hạo ra đứng trước cổng nhà để đón khách, gặp ai anh cũng vui mừng bắt tay thăm hỏi. Ai cũng dừng lại với anh ít phút để hỏi người nọ người kia ở Mỹ hay ở Sài Gòn. Những chức sắc trong Ủy ban nhân dân và công an xã cũng kéo đến dự dù anh không mời. Có lẽ họ nghe anh về và nghe bà con xôn xao bàn tán, họ muốn tới xem thực hư ra sao. Khi tất cả đã vào bàn, thực khách tràn đầy cả một khoảng sân và khu vườn. Hạo đến từng bàn chúc mừng khách, ai cũng níu anh lại làm một ly, dù chỉ nhấp môi cho có lệ nhưng rượu cũng thấm làm anh choáng váng và bừng bốc. Khi anh đến bàn của đám công an và ủy ban thì họ đồng loạt đứng dậy mời anh cạn ly. Anh thấy mặt mày người nào cũng đỏ ửng vì men rượu.
     Ông Trà, Chủ tịch ủy ban cầm ly rượu lên mời anh:
     – Mừng anh Hạo đã trở về quê thăm bà con, tụi tôi mừng lắm.
     – Thì đi lâu cũng nhớ quê nên muốn trở về thăm.
     Ông Hữu, Trưởng công an xã, người đã từng quản chế anh trong suốt ba năm, cũng cầm ly rượu đứng lên:
     – Anh Hạo, tụi tôi đến đây dự cùng anh hôm nay cũng có ý là, thứ nhất, chia vui cùng anh, thứ hai là nhờ anh cộng tác với xã để xây dựng một vài công trình mà xã đang còn bế tắc. Đáng lẽ chuyện này phải mời anh ra Ủy ban để nói, nhưng sẵn đây, anh em với nhau cả nói anh dễ thông cảm hơn, xã nhờ anh chung góp một ít để làm cây cầu lỡ mà từ lâu ta không làm được, biết anh ở Mỹ làm ăn dễ dàng với trình độ của anh cũng cao nên chắc làm ăn khá. Thôi thì xin anh đóng góp cho mười ngàn đô cho công tác chung của xã chắc anh chẳng từ nan.
     Ông Hữu nói một hơi dài, cái giọng vẫn còn cái giọng kẻ cả và ra lệnh, Hạo thấy như quá đường đột, anh vẫn biết rằng về quê sẽ gặp những cảnh mồi chài tiền bạc nhưng anh không ngờ anh đang ở trong một hoàn cảnh khó xử như thế này. Anh tìm kế hoãn binh:
     – Các anh nói chuyện đó đúng chớ, mình đi xa về phải góp phần xây dựng quê hương chứ anh, nhưng đây là chuyện lớn mình phải có kế hoạch, mai mốt mình sẽ bàn nhiều hơn.
     Hạo nói giã lã thêm mấy câu rồi anh tìm cách qua bàn khác sau khi anh nhận một tràng pháo tay dài của đám chính quyền. "Chu cha! Nó nghĩ như mười ngàn đô la làm ra ở Mỹ dễ dàng lắm vậy, sức như anh làm mười ngàn cả năm chưa chắc đã có mà còn biết bao nhiêu là chi phí, anh ky cốp, chắt bóp cả hơn năm năm mới được bảy ngàn mang về mà nay nó bảo đóng góp cho xã mười ngàn, làm như ở Mỹ đi ra đường là lượm đô la không bằng" Hạo vừa đi vừa chửi thầm trong bụng.

7.
Tối đó, xong công việc mọi chuyện, Hạo mới khều chị Nhường ra ngoài bàn nói nhỏ:
     – Em về đây làm mả cha mẹ, thăm bà con như vậy cũng đủ rồi, hồi hôm bọn ủy ban còn muốn vòi tiền để xây cầu, em kiếm đâu ra, em hứa cho qua chuyện. Thôi thì mai em đi, em vô lại Sài Gòn chơi mấy tuần rồi đi Mỹ luôn, chứ ở đây không yên với họ đâu! 
     Chị Nhường hỏi lại:
     – Còn chuyện vợ con em tính sao, chị đã nhắn con Lan lên rồi, nó là giáo viên, hơn ba mươi tuổi chưa chồng, không đẹp nhưng hiền lành.
     Hạo thấy chán nản nên nói với chị:
     – Em còn khoảng năm trăm, đem về bảy ngàn mà lo công việc và cho bà con cũng gần hết, lại phải vô Sài Gòn ở mấy tuần, thôi chị nói với Lan em qua Mỹ sẽ viết thư về.
     Đó là quyết định của anh, Hạo sáng hôm đó nhờ thằng cháu chở xuống bến xe rồi ra thẳng Đà Nẵng mua vé máy bay về Sài Gòn. Chị Nhường vẫn khóc nhưng anh thì đi như một cuộc chạy trốn, anh không có thì giờ để nhìn lại gốc cây bàng ở ngoài chợ, nơi anh ngồi đó suốt bảy năm để vá xe đạp lề đường kiếm ăn. Thôi cái gì cũng nên gói cất trong ký ức.

 

– Trần Yên Hòa

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.