Ngôi nhà của Tổng Thống George Washington ở Mount Vernon
Sau khi thăm thú và chiêm ngưỡng những tượng đài kỷ niệm trong quần thể kiến trúc lịch sử, những bảo tàng viện, những vườn cây (Botanic garden) và chim muông ở trung tâm Thủ đô, chúng tôi lên xe tiến thẳng về Mount Vernon, trang trại của Tổng thống George Washington, nơi ông đã sống ở đây trong lúc sinh thời. Trang trại được tọa lạc trên một ngọn đồi thơ mộng bên dòng sông Potomac.
Căn nhà chính được xây gần như ngay trên đỉnh đồi, khá khang trang và rộng lớn. Nhà có kiến trúc cổ, hai tầng, có nhiều phòng ngủ cho gia chủ và phòng ngủ dành cho khách, rồi nào phòng tiếp khách, phòng đọc sách, bếp, phòng tắm ... Mọi phòng đều được tân trang đẹp đẽ, tuy nhiên chúng vẫn giữ được những nét cổ kính nguyên thủy lúc ban đầu. Hàng hiên phía sau nhà nhìn thẳng xuống dòng sông Potomac chảy phía dưới chân đồi. Từ hàng hiên này, ta có thể nhận ra, hẳn là cảnh trí phải đẹp lắm khi ngắm nhìn dòng sông Potomac chảy lững lờ phía dưới vào những buổi chiều tà, hay khi ngồi nhìn mặt trời lặn, hay những đêm trăng sáng.
Phía sân sau là một dẫy nhà bên hông, gồm những gian nhà dành cho gia nhân, nhà chứa cỗ xe ngựa kéo Washington thường dùng khi đi xa, rồi nhà ướp thịt cho mùa đông...
Mộ cũ và mới của Washington
Nếu ta lần theo con đường nhỏ nằm ở phía sau nhà một quãng không xa, ta sẽ gặp ngôi mộ cũ của Washington, ngôi mộ thật đơn giản, nếu không có bảng hướng dẫn thì không ai biết đó đã từng là ngôi mộ của vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Tiếp tục theo bảng hướng dẫn, ta sẽ đi từ ngôi mộ cũ để đến ngôi mộ mới của Washington. Ngôi mộ mới trông khang trang hơn nhưng vẫn giữ những nét bên ngoài thật đơn giản, khiêm tốn nhưng trang nghiêm. Người gác ngôi mộ luôn nhắc nhở du khách nên giữ yên lặng tuyệt đối để không làm kinh động người nằm trong mộ đang an giấc. Đứng trước ngôi mộ của người “cha đẻ” ra đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới này, tôi liên tưởng tới ngôi mộ của những vị vua chúa dưới triều đại phong kiến ngày xưa và những lãnh tụ ngày nay trên đất nước mình. Thế mới biết, nền tự do dân chủ của một cường quốc như Hoa Kỳ được xây dựng nên để làm nền tảng cho hậu thế, đã bắt đầu bằng những việc nho nhỏ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa như thế này.Thật đáng ngưỡng mộ thay. Tôi nghiêng mình chiêm ngưỡng trước linh cữu Tổng thống Washington với tư cách của một công dân Hoa Kỳ.
Thật ra, cái thích thú khi đến thăm trang trại Mount Vernon chính là được xem những hình ảnh, những đoạn phim (movies, video clips) trưng bày rải rác trong ngôi nhà, mô tả những sự kiện liên quan tới cuộc đời chiến binh và sự nghiệp của Washington. Ta có thể coi đây như là một “bảo tàng viện” thu nhỏ ghi lại một số lớn những biến cố thăng trầm quan trọng trong thời kỳ người dân thuộc địa chiến đấu chống lại sự cai trị của người Anh để giành độc lập và để xây dựng nên một quốc gia tự chủ, mà vị tướng Tổng tư lệnh chỉ huy “Quân đội Giải phóng” lúc đó không ai khác hơn là tướng Washington tài ba. Tài liệu lịch sử của thời lập quốc tại đây thì nhiều lắm. Nhưng có một đoạn phim làm tôi xúc động nhất, đó là đoạn phim diễn tả lại trận đánh ở thành phố Trenton, bên bờ sông Delaware River thuộc phía New Jersey. Đây là trận đánh phản công vùng lên từ tình thế tuyệt vọng của Washington xẩy ra vào mùa đông cuối năm 1776, với một lực lượng dưới ba nghìn (3.000) người đói rét, ô hợp phải chiến đấu với ba mươi lăm nghìn (35.000) quân đánh thuê tinh nhuệ người Đức do nước Anh thuê mướn. Sự chiến thắng của trận đánh này có thể được coi là một trong những trận đánh quan trọng và quyết định trong công cuộc đưa cuộc chiến đấu “Giải Phóng” của Hoa Kỳ đến thành công.
Bức danh họa trận chiến Trenton
Phía dưới chân đồi Mount Vernon có một khu đất rộng diễn lại sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của một ngôi làng cổ xưa rất sinh động, có lẽ vào thời kỳ của thời lập quốc. Từ đây chúng tôi dùng phà chạy dọc theo sông Potomac đến một thành phố nhỏ rất dễ thương bên bờ sông. Nhân dịp này chúng tôi được ngắm cảnh hai bên bờ sông đầy thơ mộng và đầy thú vị.
Nghĩa Trang Quốc Gia và ngôi nhà của tướng Robert E. Lee
Chúng tôi có dịp đi thăm nghĩa trang Arlington National Cemetery (Nghĩa Trang Quốc Gia) vào một ngày nắng đẹp. Nghĩa trang Arlington nguyên thủy là trang trại của tướng Robert E. Lee, rộng 2,5 km2, bị chính quyền thời đó tịch thu làm “Nghĩa Trang Quốc Gia” vì tướng Lee được coi là người có tội với đất nước và là kẻ phản bội trong hàng ngũ quân đội vì lý do tướng Lee đã từng phục vụ cùng họ trong nhiều năm trước đó, sau lại bỏ hàng ngũ để trở thành Tổng tư lệnh quân đội “miền Nam” (Confederate) trong chiến tranh Nội Chiến (1861-1864). Nghĩa Trang Quốc Gia này dành cho tất cả những người có công với tổ quốc Hoa Kỳ, kể từ tổng thống, tướng lãnh tới binh sĩ vô danh trong các cuộc chiến liên quan tới Hoa Kỳ như cuộc chiến tranh Thế Giới Lần Thứ Hai, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam ... và những nhân vật nổi tiếng khác trong nhiều lãnh vực.
Mục đích ban đầu của chúng tôi tới đây là tìm ngôi mộ của kiến trúc sư Pierre Charles L’Enfant, một nhân vật như đã nói ở trên. Thật vất vả mới tìm được nó vì ngôi mộ nằm riêng rẽ một mình trên đỉnh đồi cao nhất tại trung tâm nghĩa trang. Ngôi mộ trông rất đơn giản, nhưng ở vị trí trang trọng nhất, từ đấy ta có thể nhìn thấy tổng quát toàn thể Thủ đô Washington phía xa xa. Đặc biệt nữa là ngôi mộ nằm ngay trước cửa của một ngôi nhà lớn, đó là nơi sinh sống của gia đình tướng Robert E. Lee trước khi cuộc Nội Chiến xảy ra. Chúng tôi được thêm cơ hội vào thăm ngôi nhà của một nhân vật nổi danh trong lịch sử Hoa Kỳ đã từng sinh sống ở đây.
Ngôi nhà ở của gia đình tướng Lee khá lớn, hai tầng, gồm nhiều phòng ốc sang trọng, xinh xắn và cũng là nơi tiếp khách thượng lưu, danh tiếng thời bấy giờ. Tướng Lee thuộc một gia đình quý tộc ở Virginia, có liên hệ thân cận với Tổng thống Washington, và tướng Lee là “chắt” rể (?) (theo sơ đồ gia phả tướng Lee) của Tổng thống George Washington được trưng trong ngôi nhà. Qua việc thăm ngôi nhà này, tôi biết được một chi tiết nhỏ khá lý thú mà tôi chưa được biết trước đó. Sau cuộc đầu hàng của “Miền Nam” (Confederate) trước sức mạnh của “Miền Bắc” (Union), tướng Lee bị tước quyền “công dân Hoa Kỳ” và mãi cho tới năm 1975, Tổng thống Gerald Ford mới ký quyết định trả lại quyền công dân lại cho ông ngay tại trên bàn giấy trong phòng làm việc của tướng Lee xưa kia. Nói chung, những di tích còn lại trong ngôi nhà này có rất ít dấu vết lịch sử mà chủ yếu là sinh hoạt gia đình. Khác với ngôi nhà của Tổng thống George Washington ở Mount Vernon, tuy cũng là nơi sinh hoạt gia đình của tướng Washington nhưng ở đó chủ yếu ghi lại những hình ảnh cuộc chiến đấu oai hùng trong những trận chiến lừng danh của thời kỳ “Chiến Tranh Giải Phóng” vào thời kỳ đầu lập quốc mà ông từng là Tổng tư lệnh quân đội “Giải Phóng Quân”.
Đài tưởng niệm Ngũ Giác Đài
Nơi cuối cùng chúng tôi đến thăm là một di tích lịch sử mang tên The National 9/11 Pentagon Memorial (Đài Tưởng Niệm Quốc Gia 11/9 của Lầu Năm Góc), tọa lạc ngay bên ngoài Ngũ Giác Đài (Pentagon - Bộ Quốc Phòng Mỹ). Đây là đài tưởng niệm dành riêng cho sự kiện bi thảm xảy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tất cả 184 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bởi cuộc cướp máy bay dân sự American Airlines Flight 77 của bọn khủng bố rồi đâm nhào xuống một “cánh” của Ngũ Giác Đài. Mỗi nạn nhân được ghi tên trên những “bảng ghi nhớ” để tưởng niệm ở đây. Trong số 184 người thiệt mạng có 125 người thuộc nhân viên Ngũ Giác Đài và 59 người là hành khách và phi hành đoàn trong máy bay.
Những sự kiện lịch sử Hoa Kỳ xảy ra tại Thủ đô Washington quả thật không ít, phải nói là nhiều lắm, nhưng chúng tôi chỉ xin được nhắc thêm đến tên một nhân vật có liên quan đến bài Quốc ca Hoa Kỳ, đó là con đường mang tên Francis Scott Key, gần Ngũ Giác Đài,để vinh danh người đã làm bài thơ bất hủ, được viết lên trong sự kiện lịch sử khi xảy ra trận chiến quân Anh tiến đánh Washington D.C đã được kể ở trên. Và sau này bài thơ ấy đã trở thành lời ca của bài Quốc ca Hoa Kỳ. (Xin đọc bài “Baltimore với hải cảng Inner Harbor” của cùng người viết).
Sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam
Như mọi cộng đồng người Việt khác sinh sống rải rác trên nước Mỹ, cộng đồng người Việt ở Thủ đô Washington cũng có những sinh hoạt không kém nhộn nhịp về mọi mặt so với những thành phố đông đảo người Việt khác như ở miền Nam California, miền Bắc California hay ở Houston và Dallas của Texas.
Hoạt động kinh tế và thương mại. Những sinh hoạt kinh tế, thương mại đa dạng của cộng đồng người Việt Nam tại Washington nói riêng và trên toàn thể nước Mỹ nói chung đã đóng góp, tuy còn khiêm tốn nhưng tích cực cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Một số sinh hoạt thương mại chính ở đây tập trung vào khu thương mại Eden Center. Nơi đây có nhiều văn phòng dịch vụ, cửa hàng ăn uống lẫn siêu thị. Có lẽ vì ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 nên một số bàn ăn được bày ra ngoài trời. Nói chung không khí sinh hoạt ở khu này rất sinh động. Phần lớn những người đến đây vẫn mang khẩu trang.
Sinh hoạt văn hóa
Chúng tôi cũng đã có cơ hội gặp hai chị Lê Thị Ý và chị Lê Thị Nhị, cả hai đều là nhà thơ và nhà văn, cùng là hiền muội của nhà thơ nổi tiếng Vương Đức Lệ (tên thật là Lê Đức Vượng, người được giải thưởng hạng nhất toàn quốc về thơ thời Đệ Nhất Cộng Hòa).
Nhà thơ Lê Thị Ý nổi tiếng vì thơ chị hay, đặc biệt được nhiều người yêu thích qua những bài thơ của chị được phổ nhạc, trong đó có bài “Ngày mai đi nhận xác chồng” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Chị tặng tôi vài tập thơ đã được in như “Quê hương và người tình”, “Vùng trời yêu dấu” và tuyển tập thơ văn “Quê hương và kỷ niệm” chị viết chung với các nhà văn và nhà thơ khác như Phượng Kiều, Vương Đức Lệ và Lê Thị Nhị.
Nhà văn kiêm nhà thơ Lê Thị Nhị chắc không xa lạ với cộng đồng người Việt ở Washington D.C bởi những hoạt động đóng góp văn hóa của chị ở vùng này từ nhiều năm qua. Người chị nhỏ nhắn nhưng những hoạt động của chị thì không nhỏ chút nào, một người làm việc xông xáo, nhiệt tình và không biết mệt mỏi. Chị đã và đang cố gắng giữ gìn, phát triển ngôi nhà “Nhà Việt Nam” do chị sáng lập. Nơi đây nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng được diễn ra cũng từ nhiều năm nay, đặc biệt cho giới trẻ. Tôi đã được chị tặng cho vài tác phẩm của chị đã được in như “Đôi mắt hoàng hôn”, “Sóng thời gian”. Và chị cũng không quên tặng tôi ba cuốn thơ của nhà thơ Vương Đức Lệ dù tôi đã có ba cuốn thơ ấy trong tủ sách do chính anh Vượng gửi tặng gồm “Thơ tình Vương Đức Lệ”, “Thơ giữa đời thường”, “Thơ Vương Đức Lệ” và cộng thêm tập thơ “Thơ Mai Trung Tĩnh” của nhà thơ Mai Trung Tĩnh. Chúng tôi có cơ hội được đến thăm viếng và đốt nén nhang trên mộ anh Vượng ở một nghĩa trang tại Washington.
Chị Nhị nay vẫn còn tiếp tục là chủ nhiệm của tờ nguyệt san Thế Kỷ Mới kế thừa từ anh Lê Đức Vượng trong nhiều năm nay, chị Hồng Thủy là chủ bút cùng với ban biên tập hùng hậu gồm những cây viết nổi tiếng ở vùng Washington nói riêng và hải ngoại nói chung. Tờ nguyệt san Thế Kỷ Mới bị tạm đình bản trong hai năm qua do dịch Covid-19, nay mới tục bản trở lại được vài ba số. Nhắc đến chị Hồng Thủy tôi không thể quên được buổi ra mắt tác phẩm “Những cánh hoa dại mầu vàng” của chị ở Washington D.C cách đây hơn mười năm (2010) mà tôi đã có cơ hội tham dự.
Hoạt động xã hội,hoạt độngchính trị của cộng đồng Việt Nam ở nơi đây cũng rất khởi sắc. Một đài phát thanh và truyền hình của cộng đồng dành cho vùng Thủ đô Washington. Tôi có dịp được vào thăm buổi phát hình tin tức bằng tiếng Việt của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), tiếng nói chính thức của quốc gia Hoa Kỳ.
Thế mới biết sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ta ở Washington D.C thật nhộn nhịp và đủ mầu sắc.
Tình nghĩa
Chúng tôi đến Washington D.C, không phải chỉ để được hưởng những cảnh đẹp, những di tích lịch sử, món ăn Việt Nam ngon miệng, mà còn có nhiều điều mà chúng tôi sẽ luôn lưu lại trong lòng và nhớ mãi không quên, ấy là tình cảm nồng ấm mà chúng tôi đã nhận được từ sự tiếp đón ân cần của những người bạn thân quen đã lâu năm nay mới gặp lại như một số các bạn đồng khóa, đồng môn hay một số các bạn đồng nghiệp cùng làm việc tại Việt Nam ngày xửa ngày xưa, và từ những người chúng tôi vừa được quen biết lần đầu đang sinh sống ở đây.
Đặc biệt trong chuyến đi chơi kỳ này, một cơ duyên hy hữu, tôi đã được gặp nhà văn Nguyễn Văn Tới, người đã từng đoạt giải thưởng hạng nhất viết về đề tài “Viết Về Nước Mỹ” do tờ báo Việt Báo (Nam California-Orange County) đề xướng hàng năm, và nhà thơ Nợ Ơn Lê Văn Tư.
Chúng tôi trở về San Jose, mang theo trong lòng biết bao nhiêu cảnh đẹp, biết bao nhiêu hiểu biết, biết bao nhiêu tình nghĩa, và biết bao nhiêu ân tình. Xin cám ơn tất cả mọi người.
Thương nhớ Hoa Thịnh Đốn.
– Nguyễn Giụ Hùng
(4/2022)
Ghi chú: Tài liệu lịch sử được sưu tầm và gạn lọc từ những sử liệu Hoa Kỳ.
Chị đi bằng xe hàng. Là dân Đà Lạt gốc Huế nên chị gọi xe đò là “xe hàng”. Đi xe hàng, tức là xe đò, là xe chở người và cả hàng chứ không chở riêng hàng. Tiếng Việt hay như vậy đó! Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn. Không phải đây là lần đầu tiên chị được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền nam hầu như đâu đâu cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế không? Hay chính là cảm giác của chị mỗi lần một khác?
Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
Tôi đã có bốn cái Tết trong trại Panatnikhom và Sikiew, Thailand. Tết đầu tiên thật nhiều kỷ niệm và bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa nhập trại trong khi còn hơn một tuần nữa là Tết. Tôi và ba cô bạn đi chung chưa kịp gửi thư cho thân nhân ở nước ngoài để ca bài ca “xin tiền”. Ai lo bận bịu đón Tết thì lo, còn chúng tôi thì lo đi mượn tiền để mua vài vật dụng cần thiết như tấm trải nhựa, tre nứa, dây nilon để làm “nhà” (phải “an cư” mới “lập nghiệp” tỵ nạn được chớ).Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên muốn nhận “đồng hương đồng khói”. Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày tết", mà là những ngày cận tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày xuân trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với má, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể. Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
We use cookies to help us understand ease of use and relevance of content. This ensures that we can give you the best experience on our website. If you continue, we'll assume that you are happy to receive cookies for this purpose.