Hôm nay,  

Thầy tôi

15/05/202220:20:00(Xem: 2002)

Tùy bút

dai-hoc-van-khoa

 

Lạng Sơn, Yên Bái

Sông Đà, Sông Lô

Nơi ghi danh mười ba liệt sĩ

Việt Nam Muôn Năm, hồn cũ còn đây.

 

*

 

Khi chúng tôi được vô lớp học của thầy thì thầy chúng tôi đã cao tuổi rồi, lúc đó, khoảng năm 1965-1970 thầy đã trong, ngoài 60 tuổi. Với cái tuổi gọi là nhi nhĩ thuận đó, thầy tôi còn rất vui vẻ, phong độ uy nghi, đĩnh đạc và sức khỏe tốt. Tứ thời thầy mặc bộ complet đen tươm tất và tay sách cặp da đi dậy học, phía trong áo gilet, thầy cài đủ thứ bút viết, viết bic xanh, đỏ, bút máy, viết chì… để tùy nghi sử dụng và có ngay.

 

Đúng là ở tuổi nhi nhĩ thuận, có nhiều điều chúng tôi nói ra, thầy đều chấp nhận mau mắn rồi sau đó, hạ hồi phân giải, uốn nắn sửa đổi lần lần những sai trái mà không làm chúng tôi khó chịu. Đúng vậy, ở thời điểm đó, thầy tôi còn sức khoẻ tốt, biểu hiện là dáng dấp phúc hậu, phong độ trang nghiêm và lời nói vang vang đầy thân ái.

 

Mỗi buổi chiều, trời bắt đầu chạng vạng nhá nhem tối, thầy bắt gặp mấy đứa con gái chúng tôi tụm năm tụm ba ở cổng trường Đại học Sư phạm, thầy đang đi về nhà, nhưng cũng nán lại mươi phút nói: « Này, các tiểu thư, đi về nhà đi, tối rồi đó! » Vài lần thấy sinh viên la cà trễ nãi, thầy đã kể cho chúng tôi nghe là hồi mấy năm trước, ở cái đại lộ này, Bình Xuyên đánh nhau, bắn nhau dữ dội lắm.

 

Thầy bảo cũng ở cái góc đường Cộng Hòa này, cái đoạn từ trường Đại học Khoa học, giáp với trường Pétrus Ký, rồi trường Đại học Sư phạm có cái lề đường đi bộ khoảng 500m, có một anh sinh viên bên Khoa học, đó là anh Liêm, anh nổi tiếng chăm học, học gạo, rất gạo, lúc nào anh cũng kẹp một cuốn sách học ở hai bàn tay vắt chéo ra sau lưng, thấp xuống một chút. Anh Liêm đi qua đi lại, miệng luôn luôn học bài, không ngừng nghỉ, anh cận thị mang kiếng dầy, quần xanh lam đậm, áo chemise trắng. Từ xa ai cũng biết là anh học gạo đó đang vừa đi vừa gạo bài. Thế rồi, khi Bình Xuyên bắn nhau với quân đội, lạc đạn, anh trúng đạn và quỵ xuống chết ở cái gốc cây đó đó, đúng lối ra của trường Sư phạm đó. Ngày nay, đã hơn 10 năm qua đi, khi trời âm u, anh vẫn về đó, vẫn đi qua đi lại khúc đường đó, vừa đi vừa gạo bài, các con cứ la cà ở đây, có ngày các con sẽ gặp anh Liêm!

 

Thầy nói rồi vội vã bỏ đi làm tụi tôi sợ khiếp vía, vội chia tay nhau đón xe lam Cây Mai, Cây Gõ về trung tâm thành phố và về nhà.

 

Ở đây tôi ưng nói về ít nhiều kỷ niệm với thầy, giữa thầy với sinh viên, với trường lớp, còn tiểu sử và công trình của thầy thì trên mạng đã có rất đầy đủ rồi. Thầy tôi giảng bài rất hay, lời nói, ý và từ diễn đạt rất cuốn hút, rất sâu sắc, tinh tế… nhiều văn từ, hình ảnh, nghe xong còn tiếc ngẩn ngơ, nhất là khi người giảng Kiều hay Chinh Phụ Ngâm Khúc, nói chung là cả cổ văn, văn vần hay cả văn xuôi, thầy giảng rất lôi cuốn và khó quên.

 

Giáo sư Lê Hữu Mục và nhiều bạn sinh viên đồng môn ban Việt-Hán (Đại học Văn khoa và Sư phạm) Sài Gòn đều công nhận rằng thầy đã có công truyền thụ cho học trò sự rung động, lòng tự hào, và tính tự chủ của ngôn ngữ Việt trước ảnh hưởng của ngôn ngữ Trung Hoa, bằng cách sử dụng từ Hán-Việt sao cho thuần Việt hơn thuần Hán để đủ khả năng diễn tả tinh tường các ý niệm, các khái niệm kỹ thuật và triết học khó hiểu. Thầy được đào tạo theo hệ chính quy và suốt đời thầy vẫn vừa đi dạy học vùa tự học thêm. Thầy luôn nhắn nhủ chúng tôi là sự học như thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi, nên chúng ta phải luôn luôn học hỏi, có thì giờ là học, có cơ hội là học thêm, sự học chẳng bao giờ dư thừa, bất cứ học ngành nghề nào cũng vậy.

 

Thầy sinh năm 1907, quê quán Nam Định, lớn lên là thời chiến tranh của quê hương cũng là thời Pháp thuộc, thầy được đào tạo về văn hóa văn học theo hệ chính quy, nhưng với tính tình tự ham tìm học, cầu tiến, thầy am tường sâu rộng Hán văn và Pháp văn. Thầy cũng nghiên cứu, tra tìm về Lão Tử, Đạo Đức Kinh, thầy dịch Thủy Hử sang Pháp văn. Thầy có nhiều bộ sách quý còn lưu giữ trong tủ sách giáo khoa quý báu như: Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Luận Văn Thư Phạm, Việt Luận, Đạo Đức Kinh Lão Tử.

 

Thầy tôi đó, với vóc dáng uy nghi, đĩnh đạc, với sức truyền thụ văn hóa cuốn hút, ngôn từ đẹp và trong sáng, đi thẳng vào lòng người nghe, như cho đi một sức sống, một năng lượng bình an. Có thể đó là lý do phần nào, thầy chỉ giảng ở lớp, ở giảng đường, có nghĩa là chuyên môn về lý thuyết, về nội dung hơn là về hình thức. Cũng có nghĩa là người giảng bài mà không hướng dẫn học trò đi thực tập. Một phần người khá lớn tuổi và không thích cho điểm chúng tôi. Vả lại thầy già cả rồi, bắt thầy chạy theo học trò từ trường nọ qua trường kia e hơi mệt!

 

Vì thầy không chấm điểm nên học trò cũng thích đến gần thầy hơn. Chúng tôi thật đội ơn trời, có may mắn được theo học thầy, người thầy có sung mãn kinh nghiệm và kiến thức trong ngành nghề. Quả vậy, chúng tôi vào hàng học trò cháu nội cháu ngoại của cụ, vì các thầy cô của chúng tôi ở các trường trung học đã là học trò chân truyền của cụ từ một thế hệ trước chúng tôi.

 

Thầy là thầy dậy học mà cũng như là ông nội hay ông ngoại chúng tôi vậy, nên chúng tôi rất trân quý những kỷ niệm với thầy, nhớ như in, vào những ngày đầu tiên của năm học ấy, thầy mở đầu niên khóa giảng nhiều về văn xuôi, có lần vào lớp mở cuốn sách của GS Dương Quảng Hàm, thầy bảo cả lớp mở ra trang 220, hôm nay chúng ta học về văn xuôi của Tự Lực Văn Đoàn, bài điển hình là bài « Bóng người trong sương mù » của tác giả Nhất Linh.

 

Bài đó đại ý kể chuyện một người lái tàu hỏa dưới thời Pháp thuộc ở Hà Nội xa tắp, hôm đấy ông lái xe hỏa, chuyến xe chở quan toàn quyền Đông Dương từ miền xuôi lên mạn ngược, có thể sang biên giới Hoa Việt.

 

Vợ người lái xe bị đau rất nặng nằm ở nhà, ông nhìn vợ và thương, ông e ngại, cũng không muốn đi làm nhưng đó là mệnh lệnh! Vợ ông khuyên ông nên đi làm và khi về « mua quà cho em ». Ông ra đi mà lòng nặng trĩu. Ông lái chuyến xe hỏa đó cho quan toàn quyền mà, quan trọng lắm, cứ yên trí mà đi đi. Lái rầm rầm đi được một đoạn đường dài, bên ngoài trời mưa to gió lớn như bão lụt ầm ập đến, xe vẫn chạy trong giông bão, và người tài xế này nhìn thấy trên đèn xe, ngay trước mặt đối diện với bánh lái xe, có bóng một người đàn bà mờ mờ hiện ra, vẫy vẫy tay ra hiệu cho xe ngừng lại, ngừng lại ngay như có sự gì nguy hiểm chăng? Ông gọi người phụ lái ra nhìn, người phụ lái quan sát kỹ rồi bảo: « Quái lạ, hay đúng là ma ông ạ! Bà ma ấy bảo chúng ta hãm xe, ngừng chạy ».

 

Nhưng ông vẫn cho xe tàu lao đi, vùn vụt trong giông bão, vì vô cớ mà chuyến xe chở quan toàn quyền ngừng lại giữa đường thì không được, rất nguy hiểm và vô lý. Ông không dám phanh xe lại. Nhưng rồi cái bóng ấy lại càng vẫy tay mau hơn, rồi rít lên, ra hiệu ngừng ngay, ngừng ngay lại! Ông không còn định được thần trí, nhả chân ga và kéo thắng tay gấp. Tàu kêu rít lên, các toa như rùng mình  rồi ngừng lại giữa đường.

 

Người chef đoàn tàu cầm đèn bão chạy vội lại hỏi: « Có chuyện gì vậy ? Sao xe ngừng lại? »

« Không biết có chuyện gì, để tôi lên coi! »  Ông trả lời vậy và chạy lẹ lên phía đầu xe, phía trước, để tránh phải trả lời một việc mà ông không hiểu rõ sao mình lại thắng xe lại vô cớ! Vừa chạy tới khoảng 200m thì hỡi ôi, cái cây cầu N.G. bắc ngang con sông lớn, ngay phía trước mặt, đã bị bão và lũ đánh sập! Trời ơi, nếu ông không kịp ngừng xe gấp thì chỉ 2, 3 phút nữa, cả chuyến xe chở quan toàn quyền và hành khách lao xuống vực sông sâu này, e không còn ai sống sót!

 

Quan và cả mọi người đổ xô lại hỏi tài xế tại sao biết nguy hiểm mà ngừng? Ông trả lời vu vơ như đang ở trên mây: « Tôi cũng không hiểu, chỉ nghe gió thổi ào ào và tiếng nước đổ ầm ầm, tôi kéo thắng! » Rồi ông đi lại đầu xe, nhẹ tay gỡ trên đèn xe ra một con bướm trắng to, mắc kẹt, trên đó. Con bướm bị kẹt chết nằm đó tự bao giờ?

 

Chẳng biết có phải là chuyện ma hay không ma, nhưng hôm đó, thầy không giảng, mà chỉ đọc cho chúng tôi nghe, thầy đọc thật diễn cảm và thật truyền cảm, những chi tiết, những mô tả, người đàn bà có hai cái tay trắng thật dài vẫy vẫy trong sương mù mù và những cảm nhận, những ý nghĩ của người chồng, có vợ đau bệnh nặng ở nhà… làm mấy đứa tôi ngồi ngay bàn đầu sợ quá, sợ lạnh cả lưng, tự nhiên ngồi dán sát vô nhau. Thầy đọc xong, đứng yên một phút, thầy quan sát chúng tôi, ông cười, hơi nhạo báng và cũng rất thương hại vì ông biết mấy đứa con gái chúng tôi vẫn còn đang sợ ma co rúm cả người. Nhưng sau cùng người cũng phán rằng:

 

-- Đó, có những bài học mà chúng ta không cần phải giảng, không phải phân tích bố cục, không cần phê bình nội dung, hình thức. Chỉ cần đọc và đọc đúng ý của tác giả, người nghe cảm nhận được là thầy đã thành công, còn hơn là giảng, mà giảng không thành thân.

 

Thầy luôn lưu ý học trò là giáo dục phải đặt trên nền tảng của bản chất và bản thể của đối tượng, chứ giáo dục không căn cứ trên những hiện tượng nông cạn nhất thời. Một khi học trò tới lớp là bản chất muốn được học hỏi, nếu lỡ nó lười hay yếu kém ở một góc cạnh nào đó mà thầy từ chối, đuổi nó xa thầy, rồi thầy dạy ai?

 

Tựu chung, thầy nói là giáo dục phải công bằng và tới nơi tới chốn. Làm sao đó cho chu đáo tới cùng, để sau đó, thầy hay cô, không ân hận, không áy náy và nhứt là  mình khỏi phải có lúc tự coi thường mình. Nói quy luật là vậy nhưng không phải lúc nào thầy cũng dồn chúng tôi vào trong phạm trù nhiều lần thầy bầy tỏ quan điểm riêng rất vui qua tâm ý tác giả của mỗi bài giảng.

 

Chẳng hạn lúc giảng ca dao bình dân: “Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng, tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu, bây giờ cô lấy chồng đâu, mà để cho anh cúng trăm cau ngàn vàng, năm trăm anh đốt cho nàng, còn năm trăm nữa giải oan lời thề”, thầy bảo là cái anh con trai nhà quê xưa của ta cũng lắm điều, lắm lời, chua ngoa không thua đàn bà con gái ở thành thị đâu. Anh đang rủa xả cho người ta chết đi đó, người ta chết đi để anh đốt giấy tiền vàng mã hóa thân, và thầy quay lại căn dặn chúng tôi:

 

-- Các tiên sinh, các tiểu thơ ngày nay đừng tai ác như thế đó nhe.

 

Thầy cũng có lúc kêu học trò là tiên sinh, là tiểu thơ. Ôi, cụ quá lễ phép, rất hồn nhiên.

 

Giáo sư Lê Hữu Mục, khi gặp lại ở hải ngoại, có cho sinh viên hay là ngày 30-04-1975, thầy chúng tôi có đến trường, có dự lễ bàn giao trường với ban giám hiệu mới, và ngay sau lễ bàn giao thầy đưa ngay ra một lá đơn gửi chính quyền mới là thầy xin về hưu trí, với lý do tuổi đã quá già, sức đã quá yếu. Giáo sư Lê Hữu Mục cũng ngỏ ý than phiền với sinh viên ở hải ngoại là vì Việt Cộng tràn vô chiếm miền Nam nên thầy tôi mất sớm (vì ưu phiền?) Có lẽ, chứ với sức khỏe, tốt người, tốt tánh thế, đáng lẽ ra thầy tôi phải có tuổi thọ cao hơn nhiều.

 

Lúc còn sinh thời, còn đang độ tươi trẻ và đầy hào khí cách mạng, thầy tôi đã tham gia cách mạng đảng bí mật Nguyễn Thái Học. Vào những năm 1945-1950 thầy bị chính quyền bảo hộ thực dân Pháp bắt giam, bị cầm tù, ở nhà giam Hỏa Lò (ngay Hà Nội) rồi sau bị đày ra đảo Côn Sơn, bị kết án 20 năm tù. May thay, khi Mặt trận Bình dân ở Pháp lên tạo được nhiều ảnh hưởng chính trị ở các thuộc địa, kể cả ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa tha thầy tôi ra tù.

 

Về lại tự do, thầy gắn bó với trường lớp, với học trò, với phấn trắng, bảng đen cho tới gần hết cả cuộc đời. Điều đau lòng nhứt là thực dân, bảo hộ trả tự do cho thầy tôi, mà sau này tụi cộng sản vô thần tụi độc tài đảng trị Việt Nam dốt nát, chúng nó đã tàn ác, nhẫn tâm, không tha cho cái ý chí yêu nước yêu tự do của thầy tôi, thầy chúng tôi, một người thầy giáo tài, đức vẹn toàn. Thầy tôi đó, thưa quý bạn, đó là cố giáo sư Hạo Nhiên Nghiêm Toản.

 

Trong những người bạn, người thân quen với thầy, trong tâm tưởng mọi sinh viên  học thầy, hình ảnh thầy Nghiêm Toản luôn hiện lên với những tình cảm đẹp đẽ được lưu giữ đến không phai mờ!

 

Kính nhớ.

 

Chúc Thanh
(Paris, 5/2022)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.