Hôm nay,  

Bụi đời trong mắt tôi

04/05/202211:07:00(Xem: 3703)


Bụi đời trong mắt tôi
 

HT Thích Thái Hòa
 
blank

Mỗi khi ngồi vào bàn vi tính (computer) để làm việc, tôi ngồi thật yên lắng, chắp tay lại, sau đây:
 

“Làm việc bằng vi tính
xin nguyện cho mọi loài
biết sử dụng khoa học
làm sạch cõi trần ai”.
 

Cõi trần ai là cõi của bụi nên ở đâu ta cũng thấy không khí bị ô nhiễm, hơi thở bị ngột. Ngột từ gia đình đến xã hội và tôn giáo.
 

Bụi không đơn thuần chỉ thuộc về vật chất mà còn là thuộc về tinh thần nữa.
 

Những âm thanh không lành mạnh, không trong sáng, ta nghe làm cho ta vẩn đục tâm hồn. Chính âm thanh ấy là bụi. Những hương vị và mùi vị không trong sáng, không lành mạnh, ta tiếp xúc, làm cho ta vẩn đục tâm hồn. Chính hương vị và mùi vị ấy là bụi.
 

Những sự nhớ nghĩ nào làm cho ta u ám và vẩn đục tâm hồn, thì sự nhớ nghĩ ấy là bụi.
 

Bởi vậy, bất cứ sự tiếp xúc nào mà làm cho ta bị vẩn đục tâm hồn, thì sự tiếp xúc của ta đều là sự tiếp xúc với bụi.
 

Nên, bụi rất thô mà cũng rất tinh tế. Bụi thô ta dễ nhận ra để khắc phục, nhưng bụi bặm tinh tế và thẳm sâu, ta rất khó nhận ra, khó phòng hộ và rất khó tẩy trừ, nếu ta không thiết lập bản nguyện bằng những quyết tâm và định tâm.
 

Bụi đời được tạo nên không đơn thuần là những hạt bụi vật chất mà còn là những hạt bụi của tâm.
 

Ở nơi nào có đất, ở nơi đó có bụi của đất; ở nơi nào có nước, ở nơi đó có bụi của nước; ở nơi nào có lửa, ở nơi đó có bụi của lửa; ở nơi nào có gió, ở nơi đó có bụi của gió; ở nơi nào có không khí, ở nơi đó có bụi của không khí; ở nơi nào có nhận thức, ở nơi đó có bụi của nhận thức; ở nơi nào có hiểu biết, ở nơi đó có bụi của hiểu biết; ở nơi nào có ngôn ngữ, ở nơi đó có bụi của ngôn ngữ; ở nơi nào có tâm thức vận hành, ở nơi đó có bụi của tâm thức vận hành; ở nơi nào có tình cảm ở nơi đó có bụi của tình cảm.
 

Vì bụi bặm có mặt cùng khắp như vậy, nên người xưa đã gọi cõi nầy là cõi trần ai hay là cõi bụi đời.
 

Ta sống trong cõi bụi đời như vậy, mở mắt ra thì mắt ta bị xốn, nhưng nhắm mắt lại mà bước đi, thì bị sa ngã hố hầm, rơi vào cạm bẫy.
 

Nên, sống giữa trần ai, nhắm mắt hay mở mắt, ta không thể thoát ra khỏi tình trạng của bụi bặm và những hiểm nghèo do bụi bặm đem lại. Chính đó là một trong những nỗi khổ căn để và thường tạo ra những bi đát cho thân phận con người.
 

Vậy, có hướng nào giúp ta thoát khỏi tình trạng ấy không? – Có chứ. Ta sống với niềm tin cao thượng và ta phải biết biến niềm tin cao thượng ấy trở thành hiện thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta, là ta có khả năng lọc bụi từ bên ngoài, khiến chúng không thể đi vào trong đời sống của ta một cách tự do.
 

Bụi đời đi vào trong đời sống của ta một cách tự do, là do ta sống không có niềm tin và hạnh nguyện nào cả. Hay chỉ là niềm tin và hạnh nguyện suông mà không biết biến niềm tin và hạnh nguyện trở thành những hành động thiết thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
 

Ta không biến niềm tin và bản nguyện trở thành hiện thực trong đời sống của chúng ta, thì đời sống của chúng ta chẳng khác nào một cái ghè chứa bụi và bất cứ loại bụi gì trong cõi đời nầy đều có thể rớt vào trong cái ghè chứa bụi của ta, khiến cho đời sống của ta chỉ là bụi với bụi.
 

Nên, ta muốn phòng hộ và chuyển hóa bụi bặm trong đời sống của ta, là ta phải sống có niềm tin hay bản nguyện, và phải biết biến niềm tin cao thượng hay bản nguyện ấy trở thành hiện thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
 

Ta phải biết thực tập niềm tin cao thượng hay bản nguyện luôn luôn đi kèm với chánh niệm hay chánh kiến.
 

Niềm tin cao thượng hay bản nguyện đi kèm với chánh niệm, là niềm tin hay bản nguyện ấy luôn luôn có mặt hiện tiền trong mỗi động tác sinh hoạt bình thường của ta. Ta ăn cơm hay uống nước, thì niềm tin hay bản nguyện ấy đều có mặt một cách rõ ràng trong hành động ăn, hay trong hành động uống của ta. Ta mặc áo quần, tắm rửa, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc cũng đều như vậy. Nghĩa là ta phải thực tập làm như thế nào đó, để niềm tin và bản nguyện của ta luôn luôn có mặt trong mọi động tác hằng ngày của ta, đó gọi là thực tập niềm tin cao thượng và bản nguyện đi kèm với chánh niệm.

Ta thực tập miên mật như vậy, thì mọi loại bụi đời không thể đi vào trong đời sống của ta và không thể khuất lấp niềm tin cũng như bản nguyện của ta. Ta có tự do đối với các loại bụi đời.
 

Ta cũng có thể thực tập niềm tin cao thượng và bản nguyện đi kèm với chánh kiến. Nghĩa là ta làm bất cứ cái gì là ta nhìn thật sâu sắc vào cái đó, để thấy được sự thật của việc ta làm ở nơi cái đó, khiến cho niềm tin và bản nguyện của ta không bị lầm lẫn mà sáng lên từ nơi việc làm ấy. Và không những chỉ sáng lên, mà còn thấy một cách tường tận những tập khởi nhân duyên và hiệu quả khởi sinh của niềm tin và bản nguyện, khiến ta không bị lầm lẫn giữa bản chất niềm tin và bản nguyện của nhân duyên nầy với nhân duyên kia; không lầm lẫn giữa những tác dụng niềm tin và bản nguyện của nhân duyên nầy với nhân duyên kia; không bị lầm lẫn giữa những hậu quả của niềm tin và bản nguyện nầy với niềm tin và bản nguyện kia; không lầm lẫn giữa căn bản niềm tin nầy với căn bản của niềm tin kia và không lầm lẫn giữa căn bản của bản nguyện nầy với căn bản của bản nguyện kia.
 

Thực tập theo phương pháp nầy, ta không những chỉ làm cho niềm tin cao thượng và bản nguyện của ta không bị rơi mất, trong từng niệm hiện tiền qua các sinh hoạt bình thường của cuộc sống, mà còn làm cho niềm tin cao thượng và bản nguyện của ta tươi nhuận và sáng lên từ những sinh hoạt bình thường ấy của ta, khiến cho những bụi bặm tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định không thể sinh khởi trong đời sống hằng ngày của ta.
 

Và trong đời sống của ta, các loại bụi bặm nầy không có điều kiện để bám vào, thì các loại bụi bặm của hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm cũng như những ngoại cảnh bên ngoài và những ảnh tượng hay ấn tượng bên trong, không còn chỗ để bám víu nơi đời sống của ta, nên khiến cho thân tâm ta có sự nhẹ nhàng, trong sáng và tự do một cách tự nhiên.
 

Do đó, ta phải biết thực tập niềm tin cao thượng hay bản nguyện đi kèm với chánh niệm hay chánh kiến, là ta có khả năng phòng hộ và chuyển hóa bụi bặm cho thân tâm ta, khiến thân tâm ta luôn luôn hòa điệu với nhau trong sự nhẹ nhàng, tươi vui và trong sáng giữa những bụi bặm của cuộc đời.

Ta sống không trong sáng và không tươi vui là do thân tâm ta bị bám đầy bụi đời.
 

Cũng vậy, chiếc máy vi tính của ta không hoạt động được là do chiếc máy vi tính đã bị bụi của vi tính bám vào quá nhiều, khiến cho máy mất hiệu năng và phương hướng hoạt động, hoặc máy có khởi động, nhưng không biểu hiện được những gì mà chức năng của máy vi tính vốn có.
 

Bởi vậy, trong máy vi tính có một bộ phận lọc và quét bụi, gọi là refresh.
 

Ta sử dụng refresh cho máy vi tính là ta giữ gìn sự trong sáng của máy, trước khi ta vào các chương trình và sau khi ta kết thúc các chương trình.
 

Cũng vậy, ta muốn giữ gìn sự trong sáng, nhẹ nhàng và đầy sức sống cho thân và tâm ta, là ta phải thắp sáng niềm tin, chánh niệm và chánh kiến cho thân tâm ta, trước khi ta hành động, trong khi ta đang hành động và lại tiếp tục sau khi ta đã hành động.
 

Ta thực tập miên mật như vậy thì tuy bụi đời có đó và ngàn đời vẫn có đó, nhưng chúng không hề gây được ảnh hưởng đến thân và tâm ta.
 

Dù ta đang có mặt giữa cuộc đời, ta vẫn ăn uống, nói cười, làm việc tiếp xúc với tất cả, nhưng ta vẫn có được những phong thái tự do, bởi vì trong ta đã có niềm tin, chánh niệm và chánh kiến hiện tiền hay đã có refresh bảo chứng cho ta trong từng khoảnh khắc của sự sống. Chúng ta không cần phải lý luận nhiều, chỉ cần nỗ lực thực tập đúng pháp, hiệu quả tốt đẹp tự nó sẽ dẫn sinh, mà không cần phải mong đợi.
 

Bấy giờ cuộc sống là hạnh phúc và ta là hạnh phúc trong cuộc sống ấy.
.
Nguồn: https://hoangphap.org/ht-thich-thai-hoa-bui-doi-trong-mat-toi/ 
.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Anh Trần Đình Đài là con trai thứ trong một gia đình trung lưu ở quận 3, Saigon xưa. Mẹ anh cũng là hậu duệ của hoàng gia triều Nguyễn. Cha anh là một trí thức vì vậy cả đàn con, bảy đứa ba mẹ đều cho ăn học đến nơi đến chốn...
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ. Tháng năm là tháng năm nào? Năm nào cũng có tháng năm, nếu bảo mọi tháng đều là tháng năm thì cũng chẳng sai. Năm, tháng, ngày, giờ… là cái khái niệm con người chế ra, tạm gọi là thế, tạm dùng để đo, đếm cái gọi là thời gian. Bản thân thời gian cũng là một khái niệm như những khái niệm dùng để đo lường nó...
Quán cà phê nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, hướng về phía Đa Kao...
Sáng chúa nhật, vừa làm điểm tâm sáng, pha café, nàng nói với chồng...
Mẹ đã về cõi vĩnh hằng. Tưởng nhớ mẹ, nhà thơ Trần Thanh Quang gửi tiếng lòng vào một trong những bài thơ dành cho mẹ đầy xúc động. Bài thơ có tựa chỉ một tiếng Mẹ nhưng gói gắm cả bầu trời tâm sự của người con. Anh đã chọn thể thơ lục bát truyền thống để chuyển tải thi ý, nghe giai điệu vọng về như tiếng ru của mẹ thuở nào!...
Một ơn phước lớn lắm, mẹ lẩm bẩm. Mỗi sáng, cứ coi như là “thức dậy” sau một đêm không hề chợp mắt, mẹ tự hỏi tối hôm nay mình sẽ ngủ được không, hay vẫn cứ chong mắt để không làm gì...
Căn nhà cũ. Chắc cũng gần năm chục tuổi. Sát bìa một khu rừng, trong một thị trấn lưa thưa bóng người. Chủ nhà đăng bảng bán biết bao lâu nhưng chẳng ai mua. Lúc ấy tôi đang có việc làm, lại thích cái tĩnh lặng huyền bí của khu rừng phía sau nhà nên đồng ý mua ngay. Thị trấn ấy vô cùng nhỏ bé. Một con đường chính viền hàng cây phong với vài ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Từ đó mọc lan ra những con đường nhỏ, quanh co vào những khu xóm thưa người. Vì vậy khu rừng sau nhà là nơi tôi lui tới thường xuyên. Một tấm bảng với hai chữ “Dead End” gắn trên cây cột gỗ chôn ở bìa rừng. Một lối mòn vắt trên cỏ dại, bò quanh co giữa những tàng cây cao và bụi rậm với dây leo chằng chịt. Tôi thường mò mẫm một mình trên lối mòn ấy cho đến khi đám dây leo vắt ngang, chặn mất lối đi và cỏ dại xóa hết lối mòn. Dọc lối mòn quanh co ấy, thỉnh thoảng có một tảng đá nằm trơ trọi giữa cỏ cây rậm rạp, như thể ai đó đặt sẵn chỗ nghỉ chân cho những kẻ rong chơi. Và rải rác đó đây một loài hoa lạ. Loài hoa có bốn cán
Đời người không bình lặng mà luôn dậy sóng, lắm khi mưa lũ bão bùng, một khi nó đi qua thì ta mới thấy, mới thưởng thức được nét đẹp của hồ thu, của lá vàng bay lượn khắp nơi.
Trần Trọng Tâm sinh trưởng tại thành phố Quy Nhơn. Anh tốt nghiệp Đại Học sư phạm lý năm 1980 (anh là bạn học của anh rể tôi). Anh được bổ nhiệm vào dạy học ở Bình Chánh. Anh dạy tốt, kiến thức vững, nghệ thuật truyền đạt dễ hiểu. Phụ huynh học sinh rất quý anh! Ngoài giờ dạy anh thường ra uống cà phê ở quán bác Xuyến gần trường...
Sáu chị em chúng tôi vẫn chưa tưởng tượng được mình đã xa Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem, xa thật xa. Quê hương xa lắc, xa lơ bên kia bờ đại dương. Chừ mới thấm, thế nào là cây xa cội, nước xa nguồn. Anh chị Hải Điền và cu Nam đón chúng tôi ở phi trường Düsseldorf. Mừng mừng, tủi tủi...
Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói...
Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an; đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.