Hôm nay,  

Đứng Ngẩn Trông Vời

02/05/202214:10:00(Xem: 2472)

Truyện ngắn

mother-n-son


Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ,

Một hôm trận gió tình yêu lại

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ

(Huy Cận)

 
*


Buổi sáng, ngày nào cũng một tuồng tương tự, tôi vừa sửa soạn đi làm, vừa hò hét kêu Bê dậy đi học. Lâu lâu tôi phải lên giọng doạ dẫm:

 

– Nếu Bê cứ ngủ nướng như vậy, mẹ giao công tác buổi sáng cho Ba. Ba sẽ áp dụng kỷ luật sắt.

 

Bê nhừa nhựa, ngái ngủ:

 

– Thôi, con thích Mẹ kêu con dậy thôi.

 

Khi Bê đánh răng, tôi đã xong áo xống lượt là, dọn cho Bê bữa điểm tâm gọn trước khi đi học. Rót sữa vào chén để ăn với cốm, Bê hỏi:

 

– Hôm nay Mẹ không đi làm sao?

 

– Có chứ. –  Tôi ngạc nhiên.

 

– Sao Mẹ không thay áo quần cho rồi?

 

Buổi sáng không phải là lúc Bê thích chọc ghẹo tôi.

 

– Mẹ chuẩn bị xong xuôi rồi. Mẹ đi sau con một chút như thường lệ.

 

Giọng Bê hấp tấp:

 

– Mẹ, Mẹ mặc áo đầm này đi làm hả?

 

– Ừ, mùa hè mà.–  Tôi nhìn áo đầm trên người mình, với những hoa hướng dương màu sắc như tranh của Van Gogh. Tôi không nghĩ áo đầm này có một nét nào giống áo ngủ. Hoa hướng dương đang là thời trang năm nay. Cái áo đầm rất xinh trong mắt tôi.

 

– Nhưng Mẹ đâu mặc áo này được!

 

Tôi nhìn Bê, dò hỏi:

 

– Ở hãng mẹ, người ta vẫn mặc đầm như vầy đi làm.

 

– Nhưng mà cái áo này là cho, là cho... Mädchen1.

 

Tôi thở phào, trêu Bê:

 

– Thì mẹ cũng là Mädchen chứ sao.

 

Bê nghiêm giọng:

 

– Không phải. Mẹ là người không trẻ, mà cái áo như vầy rất “in”2 cho mấy đứa con gái trong trường con.

 

Hai mẹ con ngừng đối thoại về cái áo đầm có hoa hướng dương. Bê mang cặp trên vai, ngập ngừng ở cửa như muốn nói điều gì. Tôi đoán ngay:

 

– Bây giờ mẹ không đủ thì giờ thay áo khác. Nhưng ít bữa, mẹ sẽ không mặc áo này đi làm nữa.

 

Suốt đoạn đường đến hãng, Tôi nghĩ hoài về nhận xét của Bê. Tự đó đến giờ, Bê có hề để ý đến áo quần của Bê đâu. Áo quần của người khác lại càng chẳng quan tâm. Vậy mà, tự lúc nào Bê biến trong phòng tắm lâu hơn để chải đầu, xịt keo lên tóc trước khi đi học. Bê bớt mặc cả với tôi từng phút, xin ngủ nướng mỗi sáng. Có ngày, Bê còn xăng xái tự thức dậy sớm để đủ thời giờ “trang điểm”. Bê cứ băn khoăn, sao tóc mình hay bị chĩa. Ở nhà, Bê đội suốt cái nón len, để những sợi tóc mất trật tự được ép đi vào khuôn khổ.

 

Tôi tập dần quen với suy nghĩ bước vào tuổi chớm già của mình. Nhưng vẫn chưa muốn nhận thấy con mình không còn là đứa trẻ nhỏ, chạy lúc thúc theo mình, vòi vĩnh, đòi bồng ẵm. Vài năm trước, Bê bể giọng, ồ ề. Tôi cứ tự nhủ, kiểu tự kỷ ám thị, thằng nhóc chắc mặc áo quần không đủ ấm, nên bị cảm lạnh. Tôi cố tránh ý nghĩ, con mình đang bước vào tuổi dậy thì. Tôi nhớ, mới năm nào đây, Bê vào lớp một trường tiểu học. Bê thành “người lớn” một sớm một chiều. Ba năm ở mẫu giáo Bê là Bê. Một hôm, một bà mẹ trẻ vui vẻ kể cho tôi nghe rằng, bé Sandra con bà, đã “chỉnh” bà. Khi bà hỏi Sandra về Bê, Sandra lên giọng:

 

– Mama ơi, Bê bây giờ là người lớn rồi. Tụi con không phải trẻ nít ở Kindergarten nữa. Tụi con đã đi Schule. Bây giờ nó là Quân. Mama không được gọi nó là Bê nữa nhe.

 

Lên trường, Bê là Quân, phân biệt rạch ròi. Nhiều thầy cô đọc tên Bê là Kwan. Khi Bê xong lớp bốn, chuẩn bị lên trung học, tôi chợt có ý nghĩ, ra sở hộ tịch đặt thêm cho Bê cái tên thời thượng, Kevin, Philipp gì đó cho người Đức dễ gọi. Vợ chồng tôi vừa đặt vấn đề, Bê tỏ vẻ giận dữ:

 

– Con là Quân, chớ không phải tên gì khác.

 

– Tại ba mẹ chỉ sợ có người gặp vấn đề với tên của con.

 

– Hồi giờ đâu có ai gặp vấn đề gì đâu! Nếu ai không phát âm được tên của con, ráng chịu.

 

Coi như hồ sơ đổi tên của Bê xếp lại nhanh chóng.

 

Tôi nhớ mới năm nào đây, Bê học nói. Chữ Mẹ của Bê dần dà thành chữ Mẹ-ẵm. Bởi Bê ghiền được Mẹ ẵm lắm. Bê không gọi tôi là Mẹ ơi, mà gọi là Mẹ-ẵm. Có lần trái gió trở trời Bê khóc ử ử suốt, tôi vác Bê hoài cũng đuối. Thấy Bê nhắm mắt thiu thiu ngủ, tôi định chuyền Bê qua tay chị tôi để nghỉ ngơi, kiếm chút chi bỏ bụng. Vậy là Bê khóc ré lên, mắt vẫn nhắm tít. Chị tôi lắc đầu:

 

– Thôi, tao trả lại. Nó làm như ai ngắt véo nó không bằng.

 

Thiệt ra, Bê đâu cần phải mở mắt mới nhận ra Mẹ. Bê đang thích nhõng nhẽo, mà biểu Bê xa mùi Mẹ, là Bê la làng ngay. Thuở cậu Thạch mới “o” cô Lư, cùng với nhiều cậu bạn khác ghé Bad-Nauheim chơi. Rồi sau đó đi xem triển lãm xe hơi ở Frankfurt. Cậu Thạch rủ dại:

 

– Bê đi coi xe hơi không?

 

Nghe tới xe hơi, Bê thích mê tơi:

 

– Dạ, con đi liền.                                                                         

                                          

Bê lật đật lấy giày, lấy áo. Cậu Thạch nhắc:

 

– Mà đi không có mẹ Bê đâu nhe.

 

– Con thích đi với cậu thôi à. – Bê nói tướng.

 

Đi chơi với mấy cô cậu vui quá trời. Tới Frankfurt, xe cộ nhiều ơi là nhiều. Lúc đến cổng trình thẻ vô cửa, Bê thấy chỉ còn vui chút xíu, Bê bắt đầu thấy vắng Mẹ. Người ta đông quá, mà toàn là người lạ, không có ai dễ thương như Mẹ của Bê. Bê không thấy vui nữa. Bê muốn có Mẹ ở đây. Bê níu tay cậu, mếu máo:

 

– Cậu Thạch ơi, con muốn về, con nhớ mùi Mẹ.

 

Mấy cậu xúm lại dỗ Bê:

 

– Mình lại gian hàng coi xe Mercedes nhe.

 

Bê dùng dằng không chịu đi. Cậu Thạch ngồi xổm, nói Bê leo lên lưng cậu. Ở hãng Mercedes, cậu xin cho Bê một hộp đựng viết màu hình cây bút chì bằng gỗ thật to. Bê hơi hơi tươi lên một tị, như vậy Bê tha hồ vẽ. Cậu Thạch thả Bê xuống. Bê ôm chặt hộp đựng viết, Bê nhớ Mẹ quá, Bê đi không nổi. Không lẽ cứ đứng hoài ở quày hàng xe có ngôi sao này à. Mấy cậu còn muốn đi coi mấy chiếc xe BMW đời mới nữa. Đến đâu Bê cũng được cho quà, Bê chỉ vui lên một chút, rồi Bê lại ra rả điệp khúc: “Bao giờ mình về Mẹ?” Mấy cậu vừa phải dỗ ngọt, vừa phải nghiêm giọng cho Bê biết, là bao giờ coi đã đời mới về.

                                   

Chiều tối, cả nhóm cùng về. Vừa thấy mẹ, Bê chạy lại, khóc mếu máo. Hai mẹ con ôm nhau như thể không gặp nhau cả vài năm. Bê thút thít:

 

– Con không bao giờ đi đâu mà không có Mẹ.

 

Cậu Thạch kêu trời, vì phải cõng Bê sụm cả lưng. Có cậu còn gọi Bê là d’Artagnan, không phải tại Bê giống mấy chàng ngự lâm pháo thủ, mà tại Bê thiếu mẹ, Bê nhăn nhó khó thương. Bạn cậu Thạch than:

 

– Cái thằng Bê này không biết điều gì hết. Cậu nó mới cua được đào. Tưởng đâu có dịp nắm tay đào đi ngắm xe hơi. Rốt cuộc, chỉ nghe ông Đặc-Ta-Nhăn Bê lèo nhèo khóc đòi mẹ.

 

*

 

Bé Kim thấy trong phòng chú Kem có hình cô tóc dài. Bé Kim hỏi tôi:

 

– Ai vậy cô?

 

– Đó là cô Hồng, bạn chú Kem.

 

Mặt bé Kim nghiêm lại:

 

– Không có được. Con gái không có được làm bạn với con trai. –  Mặt bé Kim ta đây như bà cụ non.

 

Tôi kể cho mẹ Kim nghe mà không nín cười được. Mẹ Kim nói:

 

– Đối với Bé Kim, chỉ có anh nó mới được phép làm bạn với nó thôi. Còn trong vườn trẻ, Kim chỉ chơi với con gái. À, như vậy cũng giống Bê hồi nhỏ. Những năm Bê ở tiểu học và thời gian mới vào trung học, đám bạn của Bê toàn là con trai. Bê chỉ chơi với các em gái bà con họ hàng mà thôi. Ngoài ra, Bê chê con gái chung chung là komisch3.  Bê kể về bữa tiệc sinh nhật chỉ có Alex, Michael, Daniel. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Đôi khi Bê cũng nhắc những tên Alexa, Michaela, Daniela, tức là với những mẫu tự “a” cuối tên giúp tôi nhận ra, “A! Cậu ấm nhà tôi bây giờ cũng có “giao thiệp“ với con gái nữa.”

 

Thiệt ra, Bê cũng tập đối đáp với phái nữ, mà đại diện là tôi. Bê biết viết tiếng Việt đã nhiều năm. Vậy mà, mỗi lần sinh nhật tôi, Bê cứ chúc một câu căn bản: “Chúc Mẹ vui vẻ, trẻ đẹp”. Thật ra, Bê có thể sử dụng nhiều từ ngữ rắc rối hơn. Nhưng Bê lựa những chữ đơn giản để viết… cho chắc ăn. Lâu lâu Bê khen:

 

– Mẹ đẹp.

 

Tôi cười tươi:

 

– Chắc không?

 

Bê ôm lấy tôi cười rúc rích:

 

– Con cũng không biết nữa, mà cứ khen cho chắc ăn.

 

Bê rất thích xài cụm chữ: “Cho chắc ăn”. Thỉnh thoảng, Bê nói cho tôi lên tinh thần:

 

– Mẹ trẻ.

 

– Trẻ như ai?

 

– À, à, Mẹ trẻ hơn mấy người già.

 

Bê chỉ tôi chơi cờ Pokemon. Ai dè, tôi cũng cao tay cờ, làm Bê thỉnh thoảng phải xuống nước năn nỉ. Bạn của tôi dự báo rằng: Nếu Bê tìm bạn gái dựa theo tiêu chuẩn như mẹ Bê, coi chừng Bê ế chổng chơ. 

 

*

 

Em gái tôi lo lắng kể:

 

– Tụi em mất ngủ mấy hôm nay.

 

– Có chuyện gì vậy?

 

– Hôm sinh nhật bé Cốm, tiệm hoa mang đến 14 hoa hồng, thật đẹp. Em hỏi người gởi là ai, tiệm hoa nói họ không được phép trả lời.

 

Nghe đâu, em gái tôi trằn trọc mấy canh, duyệt qua danh sách những “thủ phạm tình nghi”. Biết, mấy chục năm trước, tuổi mười ba đã được gọi là nàng, đã làm cho chàng về yêu hoa cúc hoặc mến lá sân trường. Nhưng bây giờ, bé Cốm vẫn bé tí teo trong mắt em tôi. May quá, em tôi sớm tìm được ra manh mối. Cũng là con cái chỗ quen biết. Hơn bé Cốm được… một tuổi. Tự nhiên tôi đâm ra cảm mến thằng bé có vẻ lãng mạn này. Mấy đứa con nít khác chỉ hít hà tiếc rẻ. Phải chi thằng nhóc mua chips sô-cô-la đem tặng, cả đám nhào vào, tha hồ chung vui. Hỏi ra, biết đó là Du, nhỏ hơn Bê vài tháng. Hồi xưa khi còn ở Bad-Nauheim, có lần vợ chồng tôi dẫn Bê đến nhà Du chơi. Hai đứa có chụp hình chung. Vậy là Cốm đưa cho Bê một mission possible: “Tìm tấm hình đó cho Cốm”. Xui, mấy hôm đó tôi đi làm xa. Tôi vừa gọi về, Bê chưa kịp hỏi thăm mẹ khoẻ không, mà chỉ vội hỏi, tôi còn nhớ cất tấm hình ở đâu. Theo như hướng dẫn của tôi, Bê đã lật mấy cuốn Album to tướng, cuối cùng tìm ra tấm hình như tôi diễn tả. Trong hình có hai đứa bé thật, có điều chụp từ xa, hai đứa như hai con kiến. Bê đoán mình là đứa bé mặc áo thun sọc ngang. Nhưng Bê đâu có thấy mặt mũi Du ra sao. Thôi đành chờ hôm nào về Bad-Nauheim, Bê sẽ coi Du ra sao, mà Mẹ cứ xuýt xoa khen thằng bé dễ mến.

 

Mỗi lần Bê báo tin sẽ về nhà ông bà Ngoại là Cốm, Ô Mai trông đứng, trông ngồi. Khi Bê đến, đứa thì nhảy lên ôm cổ, đứa chạy lại chập bàn tay chào nhau. Tôi nói với Ô Mai:

 

– Bây giờ vui như vậy, chứ ít bữa anh Bê có bồ, đâu được như vậy nữa.

 

Ô Mai lắc đầu:

 

– Tụi con cứ như vậy hoài.

 

– Ô Mai có chắc không? Có bồ là anh Bê quên mất tiêu mấy đứa à.

 

– Không, con biết chắc mà. –  Ô Mai nhỏ giọng –  Bây giờ anh Bê có Freundin4 rồi, mà tụi con vẫn vui đó.

 

Tôi giật mình, hỏi dồn Ô Mai:

 

– Thiệt không, thiệt không?

 

– Dạ, thiệt mà. Nhưng chuyện này chỉ có tụi con biết thôi.

 

Chỗ quen biết, Ô Mai bật mí cho tôi nghe:

 

– Nhưng con không kể thêm gì nữa đâu. Mà thôi, con kể nhỏ cho dì nghe. Ô Mai dí sát vào tai tôi, thì thầm, bồ của anh Bê là con gái đó.

 

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thời buổi bây giờ, chi tiết này kể ra cũng rất giá trị. Tôi bắt đầu nghe ngóng các trao đổi của những bậc phụ huynh có con trai lớn. Tôi nghe kể, con trai lớn của bà chị họ đưa bạn gái về nhà chơi, cậu dắt cô đến chào bác trai, bác gái rồi cùng nhau “lặn” về phòng cậu. Chị hối chồng chạy ra tiệm thuốc tây mua “hệ thống phòng thủ”. Anh giãy như đỉa phải vôi, “Bà còn vẽ đường cho hươu chạy nữa”. Anh nhất định không rời bỏ “hiện trường”. Anh nóng ruột đi lui đi tới ngoài hành lang, giống như lính của hoàng gia Anh canh giữ lâu đài. Chị không còn cách nào khác, vội lấy xe, chạy ù ra phố. Về nhà, chị gõ nhẹ cửa phòng, bảo cậu ra cho chị nói chuyện. Rồi chị kín đáo dúi vào tay anh con trai món hàng vừa mua. Tôi tấm tắc ngưỡng mộ, “Trời trời, chị ngầu quá. Rồi khi đưa cho nó, chị nói sao?” Nhiều người cười tôi, khéo lo bò trắng răng. Bê đang trung học. Thong thả mà, đến khi cần, tự nhiên nghĩ ra à.

 

Bây giờ, Bê còn một năm nữa là tròn 18 tuổi. Tôi cứ lo lắng miết. Lỡ có khi tôi ở vào tình huống như bà chị họ, liệu tôi có đủ bình tĩnh chạy ra tiệm thuốc tây chăng. Tôi cũng chưa tưởng tượng được rồi mình sẽ nói ra sao với Bê.

 

*

 

Giỡn sóng lâu thấm mệt, tôi về phòng trước. Tính mở tủ lạnh lấy nước uống, mắt tôi chợt dừng lại. Một vỏ sò điệp xinh xắn trên bàn. Có lẽ của con bé, con của cô bạn đi chung. Con bé chắc vào nhầm phòng, nên để trên bàn của phòng gia đình tôi. Tôi mân mê vỏ sò trong tay. Gần 30 năm trước, có người đem tặng tôi cái vỏ sò, trong có nắn nót mấy chữ “Ra biển nhớ người anh thương”. Tôi đã quýnh quíu, hốt hoảng giấu vội vỏ sò, tưởng như cả nhân gian đang chằm chằm nhìn thấy tôi… phải lòng người dưng. Tôi không dám ngó người ta. Tôi phân vân không biết làm sao giữ bí mật to lớn này. Cất vỏ sò vào cặp, sợ chúng bạn bắt gặp. Tôi đổi ý, lấy ra. Để trong tủ áo quần, sợ chị em biết “tội” của mình, tôi không yên lòng. Cuối cùng, tôi đã giấu vỏ sò sau những chậu cây trong vườn um tùm của Ba tôi. Đi học về, ngó quanh quất không thấy ai, tôi len lén đem vỏ sò ra ngắm, bâng khuâng. Nhiều biến động, tai ương đến với gia đình tôi. Tôi không còn dịp nâng niu vỏ sò. Tôi không biết đã đánh mất vỏ sò ở đâu, lúc nào. Người ta cũng biệt tăm. Tôi không còn hình dung người ta ra sao. Bởi, có hồi nào tôi đã ngước nhìn thẳng mặt đâu. Nhưng vỏ sò, vẫn cứ đậm nét trong trí nhớ của tôi. Phút giây này, tôi tưởng mình đang bồi hồi, bối rối như cô bé học lớp Chín xưa lắc, xưa lơ. Tôi nghĩ thầm, lát nữa tôi sẽ xin con bé vỏ sò này. Rồi tôi lúc lắc đầu một mình. Thôi khỏi, trong ký ức tôi vẫn nguyên vẹn vỏ sò năm xưa. Tôi mở cánh cửa thông qua phòng cô bạn, đặt chiếc vỏ sò lên bàn cạnh giường. Trở về phòng mình, tôi nằm nhoài ra.

 

Nửa tỉnh, nửa ngủ, tôi như đang trong giấc mơ thật nhẹ nhàng. Bê vào phòng lúc nào tôi không hay, đang nóng nảy tìm kiếm gì đó.

 

– Mẹ, Mẹ, nãy giờ mấy đứa nhỏ có vào phá phòng mình không?

 

– Không, chỉ có mẹ về trước, chứ mọi người đang ngoài bãi biển mà.

 

Bê ngập ngừng:

 

– Mẹ có thấy vỏ sò để trên bàn không?

 

Tôi nhỏm dậy:

 

– Có, mà sao?

 

– Mẹ cất ở đâu?

 

– Mẹ đem qua để bên phòng kia.

 

– Tại sao? Của con mà.

 

– Con định tặng cho mẹ phải không?

 

Bê ngần ngừ:

 

– Dạ… không. Con qua phòng kia lấy lại nghe.

 

Bê vội vàng chạy qua phòng bên. Đột nhiên, tôi tỉnh hẳn. Trong trí tôi bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là giả thuyết. Cu Bê đã nhặt vỏ sò, không phải để tặng mẹ như từ trước đến giờ. Bê vẫn hay tặng tôi những thứ lỉnh kỉnh dễ thương. Ô, vậy là, vậy là, Bê có dự định tặng cho “con bé” nào đó sao! Ý nghĩ đó làm tôi như giật bắn cả người. Con bé chắc học ngang lớp Bê, cũng mười bảy như Bê? Hay học dưới lớp Bê, cỡ tuổi tôi hồi đó? Bê sẽ viết gì trong vỏ sò không? Ui chao, con bé đó có cuống quít không. Có như tôi, có vội vàng cúi đầu, giấu mặt vì sợ người ta biết nó xao xuyến. Ồ, có lẽ không. Tụi trẻ bây giờ dường như là vật chất lắm. Tụi nó tặng nhau những dĩa nhạc thời thượng. Thâu cho nhau cả trăm bản nhạc vào iPod. Đứng cạnh nhau mà vẫn gởi thư sms qua điện thoại di động ào ào. Biết đâu, khi Bê đưa cho “nó” món quà, con bé nhún vai, nhíu mày một cách dễ ghét, hỏi vặn Bê: “Was kann ich damit anfangen5?

 

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn, không biết Bê có khái niệm áo tiểu thơ là gì chưa, đã có trận gió tình yêu nào đó thổi qua chưa. Riêng tôi, tôi thấy mình buồn buồn, đang đứng ngẩn trông vời đứa con mình khôn lớn, đủ lông cánh, xa dần khỏi tầm tay.

 

– –  Hoàng Quân

 

Nghĩa tiếng Việt của những chữ, câu tiếng Đức:

 

1 Mädchen: con gái

2 in: hợp thời

3 komisch: kỳ cục

4 Freundin: bạn gái

5 Was kann ich damit anfangen: Tôi/Em làm gì với cái quái này?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xa … xa lắm, mãi tận bên xứ Nhật Bản, xưa có một chàng họa sĩ nghèo. Hôm đó họa sĩ đương ngồi buồn thiu trong căn nhà nhỏ của chàng, chờ bữa ăn trưa. Người vú già đi chợ chưa về, chàng lim dim ngồi đó, thở dài nghĩ đến những thức ăn mà người vú có thể mua về. Chàng ngóng đợi từng phút từng giây bước chân hấp tấp của vú, tưởng tượng vẻ khúm núm khi vú kính cẩn trình lên chủ những thứ mua về đựng trong chiếc lẳng nhỏ, phải đảm đang lắm mới có thể với mấy xu tiền chợ mà mua về ngần bao nhiêu thứ. Họa sĩ quả đã nghe thấy tiếng chân trở về. Chàng nhỏm vội dậy. Chàng đói lắm rồi.
Sân trường nhà thờ Thánh Tâm vang lên những tiếng nói cười, la hét rộn rã của các em nhỏ vừa học xong các lớp Việt ngữ cuối tuần. Tôi loay hoay thu xếp sách vở và bước ra ngoài cùng với các em. Vừa ra đến cửa lớp thì tôi cũng thấy cô Thư Hương, hiệu trưởng của trung tâm Việt ngữ Thánh Tâm bước đến. Chúng tôi cười nhẹ và chào nhau bằng ánh mắt. Không ai bảo ai, cô Thư Hương và tôi cùng bước đi song song, mắt nhìn chừng các em học sinh đang vừa nô giỡn, vừa xem chừng cha mẹ mình đến chưa.
Police Officer Brezik không viết giấy phạt cô Kambia về tội lái xe bất cẩn. Khi nhìn thấy hai đứa trẻ ngây thơ, con của vợ chồng cô Kambia, ông chợt nghĩ đến các con của mình. Và quyết định quyên góp từ bạn bè của mình ở Garland Police Department để giúp gia đình bốn người này. Nhờ tấm lòng của Brezik và đồng nghiệp của ông, hai ngày sau, vợ chồng cô Kambia Hart nhận được một gift card $450.00 để đi chợ Walmart, một khoảng tiền mặt đủ để vợ chồng Cô trả tiền thuê nhà tháng 7, và mấy món đồ chơi cho hai đứa con còn nhỏ của Cô từ Sở Cảnh sát Garland.
Trên thế gian này trong đời sống hàng ngày, ai cũng có những lúc thăng trầm trong đời sống riêng tư của mỗi người, lúc gian nan khốn khó, lúc thành công hay thất bại, lúc hạnh phúc hay đau khổ, nhưng nhờ vào những vị ân nhân có lòng bác ái, giúp đỡ lẫn nhau một cách trực tiếp hay gián tiếp, để cùng nhau vượt qua được những sự gian nan thử thách trên trần gian này, rồi cùng nhau tiến tới sự thành công trong tương lai mà không một ai có thể biết trước được. Do đó, không ai trong chúng ta là không có những vị ân nhân giúp đỡ chúng ta, nếu không về vật chất thì cũng về tinh thần, ít nhất cũng phải là một lần trong đời chúng ta nhận được sự giúp đỡ này.
Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ con đường Alexandre De Rhodes đượm mùi hoa sứ, có bóng mát và tiếng sóng rì rào của biển, con đường đưa tôi đến trường Kim Yến hàng ngày. Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ Doãn, người bạn cùng lớp, một gã thư sinh đam mê văn chương, triết học và âm nhạc. Doãn mang đôi kính cận dày cộm, một thoáng Doãn trông giống Jean Paul Satre. Doãn rất đam mê đàn dương cầm và một chút tham lam tình yêu...
Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là bay trực thăng với Cảnh Sát tư pháp bắt đầu từ city ở miền Nam bay lên miền Bắc của Orange County rồi bay xuống hướng Nam với những cánh rừng mênh mong bát ngát, bay lên miền Bắc với Disneyland với rừng người như đi trải hội, người về từ khắp nơi trên thế giới.
Từ cửa sổ trên lầu, nhìn chuyến xe lửa chạy chầm chậm trong màn mưa xám đục, không thể nào bà Loan không nhớ lại hình ảnh của Khiết – người yêu đầu đời của bà khi bà còn là một nữ sinh trung học – đang chồm người, một tay vịn vào thành cửa sổ của toa xe, một tay vẫy vẫy về phía Loan trong khi con tàu đang từ từ lăn bánh, rời ga xe lửa Dalat. Vừa nhìn theo Khiết, Loan vừa đưa ngón tay quẹt nước mắt, cố nén vào lòng nhiều nỗi nhớ thương.
Từ tháng 7 năm ngoái, khi bệnh Alzheimer của ông Steve Daniel trở nặng ở tuổi 66, bà Mary Daniel không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chồng vào sống ở Memory Care Center Rosecastle at Deerwood (Assisted Living and Alzheimer) thuộc thành phố Jacksonville, Florida. Mỗi ngày bà vào thăm ông vào buổi chiều tối. Hai vợ chồng cùng coi TV như những ngày ông còn ở nhà. Rồi bà cho ông uống thuốc an thần, sửa soạn giường ngủ cho ông, giúp ông đi vào giấc ngủ của một người tâm trí đã bị hao mòn nhanh hơn độ tuổi; trước khi trở về nhà.
Út Cọt tợp ly đế quốc lủi nghe kêu cái ót, mắt lim dim, thóp bụng, phồng ngực lấy hơi ca:” …Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”. Thằng Dĩ nhà kế bên lập tức đấu liền:”…lá rơi đắp mộ cuộc tình…”. Thằng Thuận nhà đối diện cũng “Đắp mộ cuộc tình” theo. Hai đứa hăng máu, thằng Dĩ tăng âm một nấc nữa thì thằng Thuận tăng hết cỡ luôn. Hai đứa thi nhau “đắp mộ cuộc tình”, đắp hoài mà vẫn không xong. Bên này rên rỉ róng riết thì bên kia năm nỉ ỉ ôi, khi thì âm tress chói lói, lúc thì âm bass thì thụp muốn bể cả tim. Hai đứa chơi cái giàn loa karaoke kẹo kéo, suốt ngày tra tấn lỗ nhĩ bà con trong con hẻm này. Thằng nào cũng gầm ghè nhau, người ta nói “ Con gà tức nhau vì tiếng gáy” là vậy.
Pháo bông rực rỡ trên bầu trời, phản chiếu đẹp lung linh trên dòng sông Hudson River chạy dọc theo “thành phố trái táo”, xứng đáng là trung tâm thương mại, văn hóa của thế giới. Thị trưởng Bill de Blasio và ban tham mưu của ông khéo léo ngăn chận tụ tập đông người ở nơi "phồn hoa đô hội", có mật độ dân số rất cao bằng cách chỉ cho đốt pháo mỗi 5 phút ở một địa điểm khác nhau trải dài theo thành phố lớn nhất nước Mỹ. Địa điểm đốt pháo cũng không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như thường lệ . Quyết định rất thông minh này đã giữ cho New Yorkers an toàn, không có số bệnh nhân tăng vọt như các thành phố khác ở Mỹ sau lễ Độc lập .
Hai mươi ba tháng Chạp. Hình như năm nay Tết sắp về mà không ai đợi chờ. Sài Gòn bây giờ đang sống trong những ngày mới mẻ. Một cái mới lạ lùng, khó chịu, vì thành phố và cả miền Nam đang ngột ngạt trong một nếp sống lạ lẫm sau ngày phần còn lại của đất nước đã lọt vào tay chính quyền miền Bắc. Người lớn nhìn nhau bằng cặp mắt lo âu, thì thầm trao đổi với nhau những lời lẽ bi quan trước viễn cảnh đen tối của dân tộc. Nhưng tuổi trẻ dường như không bị chi phối bởi thế giới rắc rối của người lớn. Giọng nói, tiếng cười của chúng vẫn ròn rã, trong vắt, không gợn chút ưu tư. Gần như hầu hết bầy trẻ trong cả cư xá đang rộn ràng chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ cuối năm. Thuý và Bảo cũng bị cuốn hút vào không khí tưng bừng đó.
Câu chuyện nhỏ, do cơ duyên, xảy ra đã lâu, dường như lâu tới hơn hai thế kỷ! Lâu vậy, mà như không lâu, câu chuyện, ngỡ bình thường mà lại không bình thường nếu người trong cuộc không có tên là Thomas Jefferson. Đó là một buổi chiều mùa đông lạnh giá tại miền Bắc Virginia. Con đường hun hút không một bóng người, dẫn tới bờ sông dòng nước hung hãn chảy xiết là nỗi tuyệt vọng của một lão ông đơn độc, đang nhìn thấy thần chết mỗi lúc mỗi đến gần. Không có phương tiện nào để qua sông trong mùa này. Lão ông biết vậy, nhưng không thể biết hết những bất ngờ mà ông lại phải trở về nhà ngay, đành cố lết tới bờ sông, hy vọng ai đó có phương tiện qua bên kia, sẽ giúp đỡ. Lão ông đã ngồi đó, từ khi mặt trời đứng bóng và bây giờ, mặt trời đang lặn ở phương tây.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.