Hôm nay,  

Có Con Thỏ Ngọc…

17/09/202100:00:00(Xem: 2578)

Những suy nghĩ vặt vãnh nhân ngày Tết Nhi Đồng.

Ngày cuối tuần tôi theo đám trẻ đi rước đèn tháng Tám. Đàn em bé ca hát rộn ràng những bài hát Trung Thu của Sài Gòn ngày trước. Những cái đèn giấy đủ mọi hình dạng. Có thật nhiều đèn cá chép. Những con cá chép mập ú, tròn quay, có ngọn nến lung linh mờ ảo bên trong. Đám rước chỉ thiếu những chiếc đèn làm bằng giấy bóng kính trong suốt. Những chiếc đèn đủ sắc màu. Lũ trẻ một tay níu tay mẹ, tay bà, tay bố, tay anh, tay chị; một tay cầm khúc que ngắn với chiếc đèn treo ở đầu. Ríu rít theo chân nhau đi dọc theo đoạn đường ngắn ngủn bọc quanh ngôi chùa, dưới ánh đèn đường nhạt nhòa. Những chiếc đèn trung thu, bầy trẻ nhỏ, những câu hát quen, giọng trẻ thơ ê a đưa tôi về những ngày thơ ấu.

Chỉ thiếu một vầng trăng.

Ở Bắc Mỹ ngay cả lễ hội Tết Nguyên Đán cũng không thể tổ chức đúng vào mồng một tháng Giêng Âm Lịch. Tết Nhi Đồng cũng thế. Các em đón Tết Trung Thu vào ngày cuối tuần nên buổi rước đèn tháng Tám diễn ra dưới ánh đèn đường, bên dưới những tàng cây rậm lá. Tôi nhập bọn với bầy trẻ thơ, miệng thì thầm câu hát. Tới ngã tư, nơi những khóm lá không đan nhau, bất chợt tôi bắt gặp một mảnh trăng lưỡi liềm.

Trung Thu thời trước ở quê nhà bao giờ cũng có một khuôn trăng tròn vạnh. Và ánh trăng biếc xanh cái sắc màu huyền hoặc, làm đặm nét những hình ảnh tưởng tượng về cây đa, về chú Cuội, về Hằng Nga. Buổi rước đèn năm nay quanh sân ngôi chùa của thành phố cũng có Hằng Nga. Một cô gái mặc áo trắng thanh thoát như một nàng tiên. Nhưng thiếu chú Cuội. Không năm nào có chú Cuội. Chắc chú Cuội “cuội” quá mức nên ít người muốn mời chú chăng. Hằng Nga là một thiếu nữ xinh đẹp trong thành phố. Dường như vai đóng Hằng Nga luôn luôn lọt vào tay một người, bởi tôi thấy nét quen quen trên khuôn mặt trái soan của Hằng Nga đêm rước đèn tháng Tám với đàn em bé của cộng đồng Việt Nam bé nhỏ trong thành phố.

Có bầy em nhỏ. Có bánh Trung Thu. Có đèn nến lung linh. Có chị Hằng. Chỉ thiếu một vầng trăng.

Và thiếu con thỏ ngọc.

Những câu chuyện về Tết Trung Thu tôi thường được nghe thuở còn trẻ thơ về Hằng Nga luôn có kèm theo con Thỏ Ngọc. Thuở ấy tôi là đứa bé hay thắc mắc. Trung Thu nào tôi cũng hỏi những người lớn quanh tôi rằng tại sao chị Hằng luôn đem theo con Thỏ Ngọc mà không là con vật nào khác. Như chú chó Đốm, chú mèo mướp, chú gà trống có cái mào đỏ rực trong sân nhà; hoặc con chuột bạch, con sóc đuôi xù hay bất kỳ con vật nào khác ngoài con Thỏ Ngọc. Nhưng không người lớn nào cho tôi câu giải thích.

Những câu chuyện từ thời Chiến Quốc của nước Tàu - kể về loài Thỏ Ngọc - bảo rằng Thỏ Ngọc (của Tàu) là bạn đồng hành của Hằng Nga, thường giã thuốc trường sinh bằng chày và có bổn phận trông coi Cung Trăng. Thỏ Ngọc của Nhật và Triều Tiên thì chỉ biết giã gạo làm bánh chứ không giã thuốc trường sinh.

Còn có truyền thuyết rằng một vị “trưởng lão” ở Cung Trăng xuống thăm trần gian, cải trang thành gã ăn mày và nhờ Cáo, Khỉ và Thỏ đi tìm thức ăn cho cụ. Khỉ biết leo cây nên hái được trái cây đem về, Cáo thì biết rình bên bờ suối để bắt cá cho vị “trưởng lão”, chỉ riêng Thỏ - vì là loài ăn cỏ nên chỉ - hái được ít lá cây đem về. Lương tâm cắn rứt khiến Thỏ nhảy vào lửa tự làm món BBQ cho vị “trưởng lão”. Vị “trưởng lão” cảm động, kéo Thỏ ra khỏi đống lửa và thưởng công cho Thỏ về Cung Trăng sống với ông.

Vốn là đứa bé tò mò, hay thắc mắc, hỏi này hỏi nọ, những chuyện kể về “lý lịch” Thỏ Ngọc chỉ làm tôi tạm hài lòng trong lúc ấy. Nhưng cái thắc mắc vẫn dán lên óc như mảnh giấy nợ.

Cho đến khi lớn hơn một chút, trong đầu bớt tin chuyện chú Cuội, Hằng Nga và con Thỏ Ngọc; đêm trăng tròn nhất trong năm, tôi không còn nhìn đăm đăm lên khung trăng tròn vành vạnh để nhận diện hình dáng con Thỏ Ngọc (dầu cây Đa của chú Cuội vẫn còn trên ấy), thì tôi phát hiện ra một điều khiến tôi tin rằng mình đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi vì sao chị Hằng cứ phải đem theo con Thỏ Ngọc.

Vì sao Hằng Nga cứ phải dẫn theo con Thỏ Ngọc? Bạn có câu trả lời không?

Ngày tôi mới lớn (thế kỷ trước lận) thường nghe người lớn thì thầm với nhau hai chữ “thử thỏ”. Và khi nghe nói trong xóm có ai mới “thử thỏ” xong, thì sớm muộn gì trong khu xóm ấy cũng được nghe tiếng khóc oe oe của một em bé sơ sinh.

Lục lại lịch sử y khoa thời kỳ ấy, người ta sẽ đọc được rằng trong nước tiểu của phụ nữ mang thai có nội tiết tố (hormone) hCG mà nguyên tên là Human Chorionic Gonadotropin, đại khái chất này được tiết ra từ lá nhau (placenta) người phụ nữ có thai, có tác dụng tạo nên sự phát triển của buồng trứng. Vì vậy khi nghi ngờ có thai, người ta lấy nước tiểu người phụ nữ ấy chích vào con thỏ cái, khoảng năm ngày sau, nàng thỏ tội nghiệp ấy bị giết để lấy buồng trứng đặt lên kính hiển vi quan sát. Nếu buồng trứng nàng thỏ phát triển mạnh nghĩa là trong nước tiểu người phụ nữ ấy có hCG, nghĩa là nàng ấy có thai.

Với cô gái và những người thân của cô thì đó có thể là tin vui hay tin buồn tùy trường hợp, nhưng với họ hàng nhà thỏ thì đó là tin buồn. Thời kỳ ấy không có biết bao nhiêu nàng thỏ bị hy sinh. Và một trong những mục đích mà người ta nuôi thỏ chắc là như thế.

Từ đó tôi hiểu vì sao Hằng Nga luôn luôn phải mang theo con Thỏ Ngọc.

Bây giờ tôi không còn và cũng không có cơ hội ngắm trăng rằm tháng Tám. Trăng ở Bắc Mỹ bị ánh đèn đô thị xóa nhòa. Và giờ giấc công việc làm ăn cũng không cho phép thảnh thơi chờ trăng lên đúng đêm Trung Thu để nghe từ ký ức vẳng ra câu hát: “Muốn lên cung trăng, cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang.”

Tuy nhiên tôi vẫn vẩn vơ nghĩ ngợi chuyện chị Hằng và những con Thỏ Ngọc.

Và tôi lan man nghĩ về giải đất quê hương bỏ lại sau lưng. Ở đó trăng chắc cũng chẳng còn sáng như trăng mấy mươi năm về trước. Những cô Hằng Nga Việt Nam bây giờ không cần ôm theo con Thỏ Ngọc. Thỏ Ngọc mất việc làm. Thỏ Ngọc không còn phải hy sinh tính mạng cho cái lý tưởng không mấy cao quý của con người. Và những cô Hằng Nga ở đất nước Việt Nam bây giờ trở thành những nạn nhân của lối sống có (gần như) đủ thứ nhưng thiếu đi cái phần đạo đức. Các cô Hằng Nga xứ Việt trở thành nạn nhân trong bản tin tôi đọc được trong Ngày Dân Số Thế Giới (11 tháng Bảy 2018), rằng “Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và là một trong 5 quốc gia có tình trạng phá thai nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Cộng và Nga!”

Và điều nổi bật là phần lớn các thiếu nữ đến các cơ sở hợp pháp giúp phá thai là những người dưới 20 tuổi. Còn biết bao nhiêu vụ phá thai vụng trộm, mà những sinh linh xấu số - ngoài cái bào thai vô tội kia - nhiều khi còn là chính cô gái chẳng may làm mẹ, chứ không còn là những con thỏ (Ngọc) của một thời xa xưa.

Bây giờ khoa học tiến bộ, những que thử thai bán đầy trong các nhà thuốc tây, nên tôi không phải ngậm ngùi tội nghiệp những nàng thỏ (Ngọc) phải đổi mạng mình để con người tìm ra lời giải đáp cho việc làm của họ, tuy nhiên tôi lại thấy tội nghiệp những cô Hằng Nga đất Việt biết chừng nào.

Hôm nay đã gần cuối tháng Chín, nghĩa là Tết Trung Thu đã gần kề. Còn vài đêm nữa, trăng sẽ tròn. Đêm trăng tròn nhất trong năm (từ nhỏ tôi đã được người ta bảo như thế), xin chúc Bạn một cái Tết Trung Thu có con trăng rất tròn, có những chiếc bánh rất ngon (bánh dẻo, bánh thập cẩm), có lồng đèn đủ sắc màu… rộn ràng trong trí nhớ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bữa đó tôi bỗng nổi hứng… xí xọn đi làm móng tay móng chân để ăn Tết. Nhưng vì hoàn cảnh trại tỵ nạn, dụng cụ làm móng cũ kỹ, không đảm bảo vệ sinh, nên vài hôm sau, ngón tay trỏ bên bàn tay phải của tôi bị sưng mủ và hơi bị nhức.
Mùa Xuân con mèo sắp về. Con mèo được thương yêu chiều chuộng, con mèo ở trong nhà, được chủ nhà chăm sóc và được thương yêu. Tiếng kêu của con mèo không được vui lắm, nhưng năm con mèo thì nhiều người làm ăn khá. Không hiểu tại sao người nào tuổi mèo chuẩn bị cho năm mới đều làm ăn khá. Nhiều người thích nuôi mèo trong nhà, có người làm chuồng nuôi mèo để ở nhà để xe, hay làm riêng ở ngoài vườn.
Cũng quán nhỏ, nhạc buồn, réo rắt làm rung động tâm hồn người viễn xứ, tha hương. Bên ly cà phê đen, nhỏ giọt từ cái “phin” Inox cầu kỳ, sang trọng. Bất chợt nhớ những câu thơ Bùi Giáng: “Cà phê vô tận mưa nguồn/ Thành thân vô lượng vui buồn gọi nhau...” và “Cà phê nhớ buổi hôm nay/ Chén trà xin hẹn ngày rày năm sau”. Lòng bỗng nôn nao nhớ... một góc phố Sài Gòn, một quán cà phê quen thuộc, để hú gọi bạn bè, cùng ngồi ôn lại kỷ niệm của thời xa xưa, xa lăng lắc...
Bồ cũ của cô dọa sẽ theo cô miết, cho tới khi cô nối lại tình xưa. Cô rét quá, không dám lui tới những con đường tình ta đi. Thấy anh lòng vòng ở sân trường, cô mặt mày xanh mét, chạy lại anh lớp trưởng, hớt hơ, hớt hải, bệnh nhức đầu kinh niên của cô tái phát, nhờ anh nói giúp, xin thầy chủ nhiệm cho cô nghỉ vài ngày...
Tôi không nhớ lần sau cùng ra bưu điện mua tem gửi thư cho ai, lúc nào và viết gì trong đó trừ một lần cách đây gần 3 năm ở Sài Gòn khi đi gửi chuyển phát nhanh một tập thơ của một người bạn nhờ gửi tặng cho một người bạn khác. Cũng là gửi thư nhưng không chính thức...
Ba đứa chơi thân với nhau tự thuở nào, thiên hạ ai cũng bảo ba đứa ấy như hình với bóng, họ còn kháo nhau là mật thiết hơn cả tam tinh, tam điểm, tam tụ, tam anh…
Tin dược sĩ Cần qua đời vì Covid khiến ai cũng xót xa. Thương tiếc thì rất nhiều, nhưng cũng có người chặc lưỡi "Thôi thì xem như ảnh được giải thoát!". Phải, giải thoát khỏi sự hành hạ của cơn bệnh Parkinson từ gần hai thập niên qua.
Biển chạy dọc, dài theo hết California, vừa huyên náo, rất mơ màng, lại có chút gì đó nhịp nhàng trong cái tĩnh lặng của hoàng hôn...
Tôi muốn giới thiệu đến mọi người về hồ Sammamish ở trước của nhà tôi, mà nhóm bạn văn ở Seattle chúng tôi đặt tên cho là Dòng Sông Thanh Thủy (Một tựa sách của nhà văn Nhất Linh). Cái hồ nhỏ thôi, dài có mười một cây số và rộng hơn hai cây số, ở về phía đông của hồ Washington, thuộc tiểu bang Washington, miền tây bắc nước Mỹ...
Các tòa cao ốc mọc lên như nấm, đường sá, các cao tốc được xây dựng thêm trên cả hai miền Nam Bắc. Rất nhiều triệu phú và tỷ phú đô la Việt Nam được lên danh sách của tạp chí uy tín quốc tế Forbes, thì có lý nào tệ nạn hối lộ, xin tiền này còn sống sót được. Nếu xảy ra, chỉ cần một cái bấm nút trên bàn phím, vài giây sau, mọi người Việt hải ngoại hay trong nước đều có thể đọc được chuyện gì xảy ra ở Việt Nam...
Nhân dịp đi công chuyện nhà, Tín ghé qua huyện Cù Châu để thăm Thiệp, cháu kêu Tín bằng cậu đang làm việc tại huyện này. Thiệp là công an biên phòng đã đóng lon trung úy. Gặp lại người cậu sau gần mười năm xa cách...
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.