Hôm nay,  

Hồi Sinh

4/29/202120:48:00(View: 3136)



Người qua sông Mê,
Nhớ nẻo quay về . . (T.Vấn)

1. 

Đêm qua, nhận được mảnh điện thư của người bạn cũ từ dạo còn ngược xuôi những đường phố bụi bậm của Sài Gòn trên chiếc xe đạp cứ đạp một khúc, lại tuột sên, lại ngừng lại hì hục gắn vào, cứ thế suốt ngày ngoài đường. Cũng rất ngạc nhiên, khi bức điện thư vỏn vẹn có vài hàng. ...

... Mùa xuân đến rồi đó anh! em thích nhất những ngày tháng này. Nó làm mình hồi sinh anh ạ!

Bức điện thư ngắn ngủi cứ làm tôi bâng khuâng mãi. Cái bâng khuâng không phải vì người bạn ấy đã một thời khá gần gủi với tôi. Dẫu sao năm tháng cũng làm trọn vai trò của nó trong việc bào mòn những kỷ niệm, vui và buồn, của một đời người. Vả chăng, chúng tôi, ai cũng có một gia đình với những lo toan và hạnh phúc riêng. Chúng tôi tôn trọng ở nhau những điều đó, dù không nói ra. Những lần trao đổi với nhau qua điện thoại, hoặc điện thư, không bao giờ những câu chuyện cũ được nhắc lại. Thế nên, cái bâng khuâng về bức điện thư ngắn ngủi của người bạn cũ đêm qua là ở một khía cạnh khác. Mùa xuân đến rồi đó anh! Như một lời nhắc nhở, phải không V. ? Em thích nhất những ngày tháng này. Nó làm mình hồi sinh anh ạ! Có lẽ cái bâng khuâng nằm ở những dòng chữ đơn sơ này.

Buổi sáng nay, cũng hơi khác với thói quen ngày thường, tôi thức dậy khá sớm. Mùi cà phê mới pha cùng với sự tĩnh mịch của buổi sáng đem lại cho tôi nỗi sảng khoái thật nhẹ nhàng. Tôi mở cửa, bước ra ngắm vườn hoa trước nhà. Khu vườn như đang thức dậy sau một đêm dài mùa đông lạnh lẽo. Những mầm non đã nhú lên và những chiếc lá đang trở mình sang xuân bằng màu xanh mướt mát. Tôi nhớ đến hai chữ "Hồi Sinh" trong bức điện thư của người bạn cũ. Như vườn cây trước sân nhà tôi, dù mùa đông có dài và lạnh lẽo khắc nghiệt đến đâu, rồi thì mùa xuân cũng sẽ lại đến và cây cối lại trổ mầm hồi sinh.

2.

Như những mảnh đời nhỏ nhoi hèn mọn của tôi và bạn bè. Dẫu cho những năm tháng quá khứ có đày đọa trầm luân đến như thế nào, rồi thì cũng qua đi. Và chúng tôi vẫn sống, vẫn làm việc và sáng tạo. Vẫn có những mùa xuân đời người – dù có muộn màng – rực rỡ và xanh mướt như những mùa xuân cây cỏ.

Cái điều tưởng chừng như giản dị ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Phải chăng là vì người già thường có thói quen ngoái cổ lại nhìn đằng sau và người trẻ thường hay kiễng chân lên nhìn về phía trước, nên không ai – cả người già lẫn người trẻ – cảm nhận hết được thực tại sinh động trước mắt.

Do đó mới có những than van u uẩn, do đó mới có những hờn dỗi cuộc đời.

3.

Đã có lúc, tôi như người mù đi trong đêm. Đêm đã đen mà mắt tôi thì không nhìn thấy gì ngoài một khoảng đen hơn đêm đen. Bây giờ, đã là ngày có ánh sáng và mắt tôi không còn mù nữa. Nhưng thói quen sờ soạng trong bóng đêm vẫn còn đó. Thỉnh thoảng, một cách rất vô thức, tôi vung tay lên mà như sờ thấy được khoảng bóng tối đã qua của đời mình. Hoặc, trong những cơn mơ bất chợt, tôi thấy mình hình như vẫn còn bị cái bóng tối đáng nguyền rủa ấy bủa vây. Tệ hại hơn nữa, giữa sự bủa vây triền miên ấy, ý thức phản kháng trong tôi hoàn toàn bị tê liệt. Tôi như bằng lòng và thích thú với cái êm ả của thú đau thương. Anh bạn thân họ Đặng, chủ bút một tờ báo, đã có lần thảo luận với tôi về những bài tôi đã viết. Bằng sự khéo léo vốn có – dù là giữa hai người bạn thân – anh hỏi tôi về những bóng ma quá khứ có cần thiết phải đốt hương tống tiễn đi một lần cho nhẹ lòng hay không? Buổi trao đổi giữa hai người bạn tưởng chừng như chỉ là câu chuyện phiếm bên lề, nhưng nó luôn trở lại tâm trí tôi mỗi khi ngồi xuống bàn cầm lấy cây viết và đối diện mình trước trang giấy trắng.


Quả thật, như bất cứ một người già nào đang đi dần vào hoàng hôn của cuộc đời, tôi đã kinh qua những nắng và mưa của thời gian, những thăng và trầm của lịch sử, những vơi và đầy của lòng người. Ngần ấy thứ đè nặng lên đôi vai ngày một gầy guộc mong manh. Tôi cần được giải bầy hết những nỗi niềm, cho nhẹ vai nhẹ lòng, để sẵn sàng, cả xác và hồn, cho những cuộc hồi sinh theo chu kỳ vòng quay trời đất. Hiển nhiên, cũng có lúc tôi sa đà với những cơn huyễn mộng. Cũng có những lúc tôi xuôi tay phó mặc tất cả. Nhưng cuối cùng, tôi – và các bạn của tôi – vẫn gượng đứng dậy được, để cùng với trời đất cỏ cây, chúng tôi trở mình hồi sinh mỗi khi gió ấm phương Nam thổi về.

. . . Hồi Sinh. Trạng thái từ cõi chết trở về với sự sống. Từ lụi tàn trở mình thành mạch sống sinh sôi. Từ huyễn mộng rũ tan lớp sương mù quá khứ để hòa mình vào dòng thực tại tuy ngổn ngang bời bời nhưng thơm ngát mùi cà phê mới pha buổi sáng và rực rỡ những đóa hoa nhiều mầu sắc trong khu vườn vừa mới thức dậy. Một khoảnh khắc hồi sinh, đôi khi cũng đủ để đem lại ý nghĩa cho mảng đời đầy ắp những truân chuyên.

4.

… Tôi hồi tưởng lại những tháng năm vô vọng trong địa ngục trần gian. Những năm tháng tưởng chừng như không còn gì nữa để khắc khoải trông mong. Tương lai thì không biết có một ngày còn sống sót để trở về hay không, còn thực tại thì chỉ biết có một điều vĩ đại trên hết mọi điều vĩ đại: ĐÓI. Một hôm, không chịu nổi cái nóng đốt cháy hết các lỗ chân lông của miền Trung Du Bắc Việt, tôi lăn ra bất tỉnh giữa mảnh ruộng trơ những gốc rạ. Những người bạn tù khiêng tôi vào để nằm dưới gốc cây. Sau đó, lệnh của quản giáo coi tù chỉ cho một người ở lại chăm sóc tôi. Biết tôi có đạo, họ tìm cách để một tù nhân linh mục ở lại. Vị linh mục kiên nhẫn xoa nắn khắp người tôi cho đến khi tôi tỉnh lại. Thấy tôi mở mắt, ông nhoẻn miệng cười nói: "Này anh bạn trẻ, tôi biết anh chỉ vì đói mà ngất đi thôi. Tôi có cái kẹo nhỏ, anh hãy cầm lấy mà ngậm." Rồi ông đưa tôi viên kẹo bột to bằng ngón tay cái. Sau này, tôi biết nó xuất xứ từ một nhà Chung ở ngoài Bắc. Quả nhiên, viên kẹo bột thô sơ như thần dược. Tôi cảm thấy tỉnh như sáo. Vị linh mục lại hỏi tôi: "Này anh bạn, trông anh còn trẻ lắm, anh bao nhiêu tuổi rồi?" Tôi đáp: "Thưa cha, tôi có cùng một số tuổi với Chúa của cha khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập giá!" Vị linh mục lặng lẽ đáp: "Nhưng sau đó, Ngài đã sống lại. Còn anh, anh không định đứng dậy đi cho hết đoạn đường thánh giá của mình hay sao?" Tôi chợt tỉnh ngộ. Vài tháng sau, chúng tôi được chuyển trại từ Bắc vào Nam. Tôi được đưa về Toán Lâm sản, tức làm công việc đốn gỗ ngoài trại. Lợi dụng công việc lao động hàng ngày không có cán bộ công an đi theo kiểm soát, tôi được vị linh mục giao cho một nhiệm vụ khá nguy hiểm: tìm cách liên lạc với bên ngoài để mang bánh thánh vào trại cho ông cử hành lễ mỗi sáng chủ nhật...

5.

. . . Sông Mê. Bến đò Ô Lâu. Chiều ảm đạm núi rừng Yên Bái. Đoàn tù khổ sai cứ 50 người một bước chân xuống phà. Rồi lại cứ 50 người một bước lên toa xe lửa. Những khoang toa nặng mùi phân súc vật và ngai ngái rơm khô. Chuyến xe lửa biến mất trong bóng đêm và rừng rậm. Mùa xuân tu hú kêu từng chập / Đợi chuyến tù đi Hoàng Liên Sơn (thơ Ngọc Phi). Rất nhiều năm về sau, nhiều người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về và hồi sinh. Hiển nhiên, cũng không ít người ở lại vĩnh viễn.

Đó là bức Thông Điệp của quá khứ gởi đến cho hiện tại và tương lai. Trong tận cùng Nỗi Chết, luôn luôn chứa sẵn mầm mống của Sự Sống. Trong tận cùng của Khổ Đau, luôn có mặt bóng dáng của Hạnh Phúc.

Nhưng để khởi động cho tiến trình hồi sinh, lại tùy thuộc vào khả năng vươn lên của mỗi người.

T.Vấn

(Viết 04-2006; Sửa lần cuối 04-2021)

(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)


Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.