Hôm nay,  

Hồi Sinh

29/04/202120:48:00(Xem: 2048)



Người qua sông Mê,
Nhớ nẻo quay về . . (T.Vấn)

1. 

Đêm qua, nhận được mảnh điện thư của người bạn cũ từ dạo còn ngược xuôi những đường phố bụi bậm của Sài Gòn trên chiếc xe đạp cứ đạp một khúc, lại tuột sên, lại ngừng lại hì hục gắn vào, cứ thế suốt ngày ngoài đường. Cũng rất ngạc nhiên, khi bức điện thư vỏn vẹn có vài hàng. ...

... Mùa xuân đến rồi đó anh! em thích nhất những ngày tháng này. Nó làm mình hồi sinh anh ạ!

Bức điện thư ngắn ngủi cứ làm tôi bâng khuâng mãi. Cái bâng khuâng không phải vì người bạn ấy đã một thời khá gần gủi với tôi. Dẫu sao năm tháng cũng làm trọn vai trò của nó trong việc bào mòn những kỷ niệm, vui và buồn, của một đời người. Vả chăng, chúng tôi, ai cũng có một gia đình với những lo toan và hạnh phúc riêng. Chúng tôi tôn trọng ở nhau những điều đó, dù không nói ra. Những lần trao đổi với nhau qua điện thoại, hoặc điện thư, không bao giờ những câu chuyện cũ được nhắc lại. Thế nên, cái bâng khuâng về bức điện thư ngắn ngủi của người bạn cũ đêm qua là ở một khía cạnh khác. Mùa xuân đến rồi đó anh! Như một lời nhắc nhở, phải không V. ? Em thích nhất những ngày tháng này. Nó làm mình hồi sinh anh ạ! Có lẽ cái bâng khuâng nằm ở những dòng chữ đơn sơ này.

Buổi sáng nay, cũng hơi khác với thói quen ngày thường, tôi thức dậy khá sớm. Mùi cà phê mới pha cùng với sự tĩnh mịch của buổi sáng đem lại cho tôi nỗi sảng khoái thật nhẹ nhàng. Tôi mở cửa, bước ra ngắm vườn hoa trước nhà. Khu vườn như đang thức dậy sau một đêm dài mùa đông lạnh lẽo. Những mầm non đã nhú lên và những chiếc lá đang trở mình sang xuân bằng màu xanh mướt mát. Tôi nhớ đến hai chữ "Hồi Sinh" trong bức điện thư của người bạn cũ. Như vườn cây trước sân nhà tôi, dù mùa đông có dài và lạnh lẽo khắc nghiệt đến đâu, rồi thì mùa xuân cũng sẽ lại đến và cây cối lại trổ mầm hồi sinh.

2.

Như những mảnh đời nhỏ nhoi hèn mọn của tôi và bạn bè. Dẫu cho những năm tháng quá khứ có đày đọa trầm luân đến như thế nào, rồi thì cũng qua đi. Và chúng tôi vẫn sống, vẫn làm việc và sáng tạo. Vẫn có những mùa xuân đời người – dù có muộn màng – rực rỡ và xanh mướt như những mùa xuân cây cỏ.

Cái điều tưởng chừng như giản dị ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Phải chăng là vì người già thường có thói quen ngoái cổ lại nhìn đằng sau và người trẻ thường hay kiễng chân lên nhìn về phía trước, nên không ai – cả người già lẫn người trẻ – cảm nhận hết được thực tại sinh động trước mắt.

Do đó mới có những than van u uẩn, do đó mới có những hờn dỗi cuộc đời.

3.

Đã có lúc, tôi như người mù đi trong đêm. Đêm đã đen mà mắt tôi thì không nhìn thấy gì ngoài một khoảng đen hơn đêm đen. Bây giờ, đã là ngày có ánh sáng và mắt tôi không còn mù nữa. Nhưng thói quen sờ soạng trong bóng đêm vẫn còn đó. Thỉnh thoảng, một cách rất vô thức, tôi vung tay lên mà như sờ thấy được khoảng bóng tối đã qua của đời mình. Hoặc, trong những cơn mơ bất chợt, tôi thấy mình hình như vẫn còn bị cái bóng tối đáng nguyền rủa ấy bủa vây. Tệ hại hơn nữa, giữa sự bủa vây triền miên ấy, ý thức phản kháng trong tôi hoàn toàn bị tê liệt. Tôi như bằng lòng và thích thú với cái êm ả của thú đau thương. Anh bạn thân họ Đặng, chủ bút một tờ báo, đã có lần thảo luận với tôi về những bài tôi đã viết. Bằng sự khéo léo vốn có – dù là giữa hai người bạn thân – anh hỏi tôi về những bóng ma quá khứ có cần thiết phải đốt hương tống tiễn đi một lần cho nhẹ lòng hay không? Buổi trao đổi giữa hai người bạn tưởng chừng như chỉ là câu chuyện phiếm bên lề, nhưng nó luôn trở lại tâm trí tôi mỗi khi ngồi xuống bàn cầm lấy cây viết và đối diện mình trước trang giấy trắng.


Quả thật, như bất cứ một người già nào đang đi dần vào hoàng hôn của cuộc đời, tôi đã kinh qua những nắng và mưa của thời gian, những thăng và trầm của lịch sử, những vơi và đầy của lòng người. Ngần ấy thứ đè nặng lên đôi vai ngày một gầy guộc mong manh. Tôi cần được giải bầy hết những nỗi niềm, cho nhẹ vai nhẹ lòng, để sẵn sàng, cả xác và hồn, cho những cuộc hồi sinh theo chu kỳ vòng quay trời đất. Hiển nhiên, cũng có lúc tôi sa đà với những cơn huyễn mộng. Cũng có những lúc tôi xuôi tay phó mặc tất cả. Nhưng cuối cùng, tôi – và các bạn của tôi – vẫn gượng đứng dậy được, để cùng với trời đất cỏ cây, chúng tôi trở mình hồi sinh mỗi khi gió ấm phương Nam thổi về.

. . . Hồi Sinh. Trạng thái từ cõi chết trở về với sự sống. Từ lụi tàn trở mình thành mạch sống sinh sôi. Từ huyễn mộng rũ tan lớp sương mù quá khứ để hòa mình vào dòng thực tại tuy ngổn ngang bời bời nhưng thơm ngát mùi cà phê mới pha buổi sáng và rực rỡ những đóa hoa nhiều mầu sắc trong khu vườn vừa mới thức dậy. Một khoảnh khắc hồi sinh, đôi khi cũng đủ để đem lại ý nghĩa cho mảng đời đầy ắp những truân chuyên.

4.

… Tôi hồi tưởng lại những tháng năm vô vọng trong địa ngục trần gian. Những năm tháng tưởng chừng như không còn gì nữa để khắc khoải trông mong. Tương lai thì không biết có một ngày còn sống sót để trở về hay không, còn thực tại thì chỉ biết có một điều vĩ đại trên hết mọi điều vĩ đại: ĐÓI. Một hôm, không chịu nổi cái nóng đốt cháy hết các lỗ chân lông của miền Trung Du Bắc Việt, tôi lăn ra bất tỉnh giữa mảnh ruộng trơ những gốc rạ. Những người bạn tù khiêng tôi vào để nằm dưới gốc cây. Sau đó, lệnh của quản giáo coi tù chỉ cho một người ở lại chăm sóc tôi. Biết tôi có đạo, họ tìm cách để một tù nhân linh mục ở lại. Vị linh mục kiên nhẫn xoa nắn khắp người tôi cho đến khi tôi tỉnh lại. Thấy tôi mở mắt, ông nhoẻn miệng cười nói: "Này anh bạn trẻ, tôi biết anh chỉ vì đói mà ngất đi thôi. Tôi có cái kẹo nhỏ, anh hãy cầm lấy mà ngậm." Rồi ông đưa tôi viên kẹo bột to bằng ngón tay cái. Sau này, tôi biết nó xuất xứ từ một nhà Chung ở ngoài Bắc. Quả nhiên, viên kẹo bột thô sơ như thần dược. Tôi cảm thấy tỉnh như sáo. Vị linh mục lại hỏi tôi: "Này anh bạn, trông anh còn trẻ lắm, anh bao nhiêu tuổi rồi?" Tôi đáp: "Thưa cha, tôi có cùng một số tuổi với Chúa của cha khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập giá!" Vị linh mục lặng lẽ đáp: "Nhưng sau đó, Ngài đã sống lại. Còn anh, anh không định đứng dậy đi cho hết đoạn đường thánh giá của mình hay sao?" Tôi chợt tỉnh ngộ. Vài tháng sau, chúng tôi được chuyển trại từ Bắc vào Nam. Tôi được đưa về Toán Lâm sản, tức làm công việc đốn gỗ ngoài trại. Lợi dụng công việc lao động hàng ngày không có cán bộ công an đi theo kiểm soát, tôi được vị linh mục giao cho một nhiệm vụ khá nguy hiểm: tìm cách liên lạc với bên ngoài để mang bánh thánh vào trại cho ông cử hành lễ mỗi sáng chủ nhật...

5.

. . . Sông Mê. Bến đò Ô Lâu. Chiều ảm đạm núi rừng Yên Bái. Đoàn tù khổ sai cứ 50 người một bước chân xuống phà. Rồi lại cứ 50 người một bước lên toa xe lửa. Những khoang toa nặng mùi phân súc vật và ngai ngái rơm khô. Chuyến xe lửa biến mất trong bóng đêm và rừng rậm. Mùa xuân tu hú kêu từng chập / Đợi chuyến tù đi Hoàng Liên Sơn (thơ Ngọc Phi). Rất nhiều năm về sau, nhiều người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về và hồi sinh. Hiển nhiên, cũng không ít người ở lại vĩnh viễn.

Đó là bức Thông Điệp của quá khứ gởi đến cho hiện tại và tương lai. Trong tận cùng Nỗi Chết, luôn luôn chứa sẵn mầm mống của Sự Sống. Trong tận cùng của Khổ Đau, luôn có mặt bóng dáng của Hạnh Phúc.

Nhưng để khởi động cho tiến trình hồi sinh, lại tùy thuộc vào khả năng vươn lên của mỗi người.

T.Vấn

(Viết 04-2006; Sửa lần cuối 04-2021)

(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.