Hôm nay,  

Dở Chứng Thiền Đăng

25/03/202118:32:00(Xem: 2522)


Quán cà phê Chiều Tím vào ngày cuối tuần thật nhộn nhịp đông vui, nhạc Bolero xập xình điệu chachacha, lúc thì rên rỉ ỉ ôi những bài tình lỡ, phận nghèo… nhưng có một điều dường như chẳng có ai lắng nghe, nhạc mở cho có vậy thôi. Mọi người nói chuyện um cả lên, bàn nào cũng rôm rả, kẻ thì chúi mắt chúi mũi vào điện thoại cầm tay, lướt mạng xã hội. Thằng Khang xưa nay tánh bộc trực, việc gì cũng nhanh nhẹn, nói năng cứ huỵch toẹt ra, có đôi khi cũng làm cho Đăng mếch lòng, nhưng lạ một cái là Đăng lại thích cái lối ấy mới chết! Vừa giận vì bị nói đụng tự ái, vừa khoái vì cái tính trung thực của nó. Đăng còn đang vẩn vơ mơ màng chi đó, chợt giật mình

- Mệt mầy quá, cứ đâm đầu vào mấy cái chuyện gì đâu không á! Dẹp mẹ ba cái lý thuyết sanh tử tử sanh gì đó đi! Mầy cứ sống vui vẻ như tụi tao, người gì mà như ông cụ non, suy nghĩ đăm chiêu, quan hoài… những cái không hiểu nổi. Mầy thấy đó, tụi tao có biết mẹ gì ba cái vấn đề sanh tử tử sanh, vậy nên tụi tao thoải mái sống. Còn mầy? Thử xem lại mình đi!

Thằng Cang hùa theo

- Thằng Khang nói đúng đấy! Mấy chuyện đó nó hư vô mờ mịt, người ta nói:” Lý thuyết màu xám, cây đời mãi xanh tươi”. Mầy lo sống đi, chuyện sanh tử luân hồi kệ nó, hơi đâu lo chuyện bao đồng.

Thằng Khải, Kiệt, Tâm… cười ngặt nghẽo. Thằng Phước làm bộ nghiêm

- Tụi bay lịch sự chút đi, coi chừng nó giận bây giờ!

Đăng bị tụi bạn châm chọc nhưng thấy tụi nó vui vẻ và cũng có lý nên vui lây. Đăng nghĩ mình quả thật cần phải xem lại chính mình. Mình dở dở ương ương, xìu xìu ễnh ễnh, dở học dở chơi, dở chợ dở chùa, dở hưởng dở tu...cứ xà quần bấy lâu nay chẳng tiến cũng chẳng lùi! Sự đời thì chẳng có đứng yên, thời gian và mọi việc luôn tiến về trước, đứng yên tức là lùi về sau. Đăng thấy mình đứng yên, cũng có nghĩa là tụt hậu. Đăng lại nhớ chuyện con chó bơi qua sông trong một truyện ngắn của sư Giới Đức. Con chó ở chùa nghe chuông, ăn cơm chay, quanh năm quấn quýt với thầy. Một hôm kia nó nghe mùi thịt nướng bên kia sông nên bơi qua bên ấy, bơi đến giữa giòng thì nghe tiếng sư phụ gọi nên bơi quay về, gần tới bờ thì lại thèm mùi thịt nướng nên lại bơi ngược qua sông, cứ như thế nó bơi qua bơi lại đến khi kiệt sức thì chết đuối giữa giòng. Đăng phì cười vì thoáng ý nghĩ mình sao giống con chó đó quá chừng, cứ buông bỏ rồi lại ôm vào, xả được một tí xong lại chấp chặt thêm. Đăng nói với Khang và tụi bạn

- Tụi bay nói cũng có lý, nhưng đâu phải tao muốn thế! Âu cũng là số phận hay duyên nghiệp.

Thằng Tâm xì một tiếng

- Đừng có ngụy biện nha mậy! Đừng có đổ thừa bậy bạ nhe mậy! Nghiệp gì ở đây? Mầy chọn chứ nghiệp gì!

- Thì ta chọn, nhưng nghiệp nó khiến tao phải vậy.

- Tao không biết nghiệp là cái quái gì, tao chỉ thấy mầy chọn. Mầy cứ vui xả láng như anh em đi, không cần phải đắn đo, suy nghĩ, triết lý như mấy ông thầy chùa! Đời có nhiêu đâu, tuổi trẻ càng ngắn, lo hưởng đi, sanh tử khi nào đến thì là việc của nó. Mầy có lo lắng hay quan tâm thì cũng chẳng làm được gì đâu!

- Đúng là sanh tử nó đến thì không ai ngăn hay tránh được, nhưng chí ít mình cũng có thể chọn một hướng sanh tử tốt hơn, nhẹ hơn.

- Thế mầy có dám chắc đường sanh tử của mầy sẽ tốt hơn, nhẹ hơn?

- Tao cũng như tụi bay thôi, làm sao dám chắc. Tao chỉ tìm hiểu học hỏi chút chút thôi!

Thằng Kiệt xen vào

- Đừng có nhì nhằng, vậy chiều nay có đi nhậu với anh em không?

Đăng ngần ngừ chưa trả lời thì thằng Kiệt vin liền

- Đó, thấy chưa! Mầy chọn rõ ràng kia mà.

-Ừ, thì nhậu

Câu chuyện còn chưa đến đâu thì thằng Khải xìa cái điện thoại cầm tay cho cả đám xem

- Coi nè, Con nhỏ người mẫu Julie Trinh trên thảm đỏ gần như chẳng mặc gì, mà phải công nhận tướng nó xếch xy thật, trông ngon lành quá

Thằng Khang cười cười

- Hạng này nhiều lắm, xứ mình giờ trai làm ca sĩ, gái làm người mẫu cả làng; học hành chi cho cực, làm người mẫu, ca sĩ dễ nổi tiếng và dễ kiếm tiền

Thằng tâm cãi

- Tiền ở đâu mà dễ kiếm mậy?

- Bộ mầy hổng nghe tin tức hả? Con nhỏ người mẫu Julie Trinh làm mẫu có mấy năm mà sắm xe mấy tỉ, mua biệt thự triệu đô. Cô diễn viên Angela Nguyên diễn vài năm mua nhà vài chục tỉ… danh sách dài lắm. Bọn họ lên mạng xã hội khoe của, khoe thân, nói năng linh tinh rần rần

Thằng Khải thêm vào

- Giờ tấu hài thịnh lắm, mấy anh hề Henry L, Owen T… chuyên giả gái nhái giọng, nói xàm, nói nhảm hoặc chửi mắng ào ào… làm cho thiên hạ mê như điếu đổ, tiền vô như nước

Thằng Tâm có vẻ già dặn

- Mấy cái trò nhảm giờ được báo chí truyền thông lăng xê, thổi ống đu đủ phong cho là tài năng nên chuyện showbiz càng ngày càng tệ.

Đăng nãy giờ ngồi nghe, có lẽ thấy câu chuyện gãi đúng chỗ ngứa nên buộc miệng

- Tao chẳng bao giờ xem showbiz Việt, toàn xàm và nhảm, toàn khoe thân,khoe của, ăn chơi đú đởn, làm trò khỉ, nói năng bá láp…

Thằng Kiệt la to

- Đó, thấy chưa, rõ là mầy chọn! Mầy khó tánh như ông cụ non, cứ vui đi, coi như trò giải trí đi, xem để rửa mắt.

Quả thật đã lâu lắm rồi, Đăng chẳng xem ca nhạc tấu hài. Nó thật sự như một mớ hổ lốn, đẫy dẫy những trò nhảm nhí. Đăng cũng tránh né những cuộc vui bù khú  ăn nhậu với bạn bè. Đăng nào phải thánh, những miếng sườn thơm phưng phức, lát cá béo ngậy, tô canh chua làm chảy cả nước miếng...Nhưng khi nghĩ đến con vật bị đập đầu, cắt cổ, lột da… nên Đăng quyết từ bỏ ăn thịt. Nhớ những lần đi nhậu, thấy người ta nhúng những con cá kèo đang sống vào lẫu nước sôi, chúng giãy giụa trong sự đau đớn trông giống như cảnh tượng những tội nhân bị ném vào vạc dầu, vạc nước sôi của thời phong kiến xa xưa. Rồi còn những món như cá lóc nướng trui, những con vật sống nướng trên than hồng… thật chẳng khác gì hành hình bằng cách hỏa thiêu. Đặc biệt món rùa rang muối mới thật là tận cùng của sự tàn nhẫn. Những con rùa bỏ trong nồi muối rồi rang cho đến chết, cái chết chậm đầy kinh hoàng và thống khổ. Đăng liên tưởng đến màn hành hình của người La Mã cổ đại. Họ chế ra con bò bằng đồng, nhốt tội nhân vào bên trong và họ đốt lửa dưới bụng con bò đồng ấy. Tội nhân bên trong la hét kinh hoàng, chịu một cái chết thảm khốc, từ đó Đăng bỏ ăn thịt và bỏ nhậu luôn. Đăng cũng từng tham gia những trận nhậu tơi bời hoa lá, rượu vào lời ra, nói vung xích chó. Rượu vào thì tranh nhau hát, những em út của quán karaoke mới mướt mát mượt mà làm sao, những cái ôm ấp, vuốt ve xúc chạm rất phệ...Nhưng Đăng đã từ bỏ hết, đã ăn chay và học ngồi thiền đã hơn năm nay. Những lý thuyết của nhà Phật Đăng cũng hiểu được căn bản, từ đó Đăng thường suy nghiệm về chuyện sanh tử, chuyện giải thoát… Bạn bè thấy Đăng thay đổi thì ngạc nhiên lắm, tụi thằng Khang, Khải, Kiệt… luôn lôi kéo Đăng vào những cuộc chơi mới nhưng Đăng từ chối. Tụi nó còn đặt cho Đăng một biệt hiệu là:” Dở chứng thiền đăng”. Cả nhóm cười cợt với cái biệt hiệu này, chỉ cần nói lái hai chữ là biết ngay thôi. Đăng cũng chỉ cười chứ biết nói sao, bạn bè trêu chọc thế thôi chứ chẳng phải cố tâm ác ý gì đâu. Thậm chí thằng Tâm còn viết hai câu vừa khen mà cũng vừa trêu Đăng

Thiền đăng tập tành tu miệng nói thiện thân làm lành

Thằng điên chơi tới bến đầu nghĩ quấy tim yêu quá 

Bạn bè lâu nay ít gặp nhau, buổi cà phê sáng cuối tuần gầy độ nhậu buổi chiều, ai cũng hưởng ứng nên Đăng không thể chối từ nhưng giữ quyết tâm không ăn thịt. Bạn bè với nhau giữ cái tình nghĩa, vui với đời nhưng cái nguyện riêng của mình thì mình không thể bỏ. Thỉnh thoảng nhậu vui với bạn bè cũng không sao, dù gì Đăng cũng chẳng phải là thầy tu. Đã có lần Đăng vượt quá giới hạn với cô gái ăn sương cũng vì cái lý luận này! Quả thật kiềm chế cảm xúc nhục dục không dễ chút nào. Cái ý niệm giữ giới và sự thôi thúc hưởng thụ cứ giằng co trong tâm Đăng, cứ nhì nhằng giữa hai thái cực. Đăng cứ như con chó vừa quyến luyến sư phụ cảnh chùa vừa thèm mùi thịt nướng bên kia sông. Đăng đang bơi qua lại giữa hai bờ của dòng sông vô hình, cuộc nội chiến giữa hai xu hướng diễn ra trong tâm Đăng. Đăng thầm nghĩ, mình phải quyết chọn một bên. Bằng không sẽ chết giữa giòng như con chó kia. Đăng cũng chịu đọc sách nên biết chút chút đời là khổ, nhọc nhằn mưu sanh, cái thân khổ, cái tâm ham muốn mong cầu đủ thứ nhưng đời đâu dễ được, vì vậy mà khổ. Dẫu có được rồi cũng hoại diệt nên khổ. Đời có vô số phiền não, nhưng để thoát khỏi sanh tử luân hồi không phải là chuyện dễ, chỉ có những vị chứng đắc A La Hán mà thôi! Thế gian mấy tỷ người nhưng dễ có mấy ai chứng được? Người trần cứ sanh tử tử sanh bất tận. Cứ nghĩ cái cảnh sanh tử liên miên mà oải, tuy nhiên người đời vì những cái vui nhỏ nhiệm mà quên khuấy chuyện này, chẳng mấy ai quan tâm chuyện sanh tử luân hồi. Đời có tí vui nhưng rốt cuộc cũng đi đến khổ mà thôi! Đăng cứ mường tượng cái chết nó dễ sợ lắm, đau khổ khi lìa xa người thân, đau khổ khi thân xác lạnh dần và cứng đi, hơi thở hụt cứ ngút ngút rất kinh khủng, cảnh tượng khi gần tắt thở giống người ngạt nước, ngập trong sình hay vùi trong cát, nói chung cái cảm giác rất kinh hoàng. Đăng quán xét như thế nên mới tập tành buông bỏ bớt, một là để đời sống hiện tại nhẹ nhàng an lạc, hai là lỡ vô thường có đến thì cũng không đến nỗi phải hoảng sợ kinh hoàng, ba là tích chút phước đức cho việc tái sanh, hy vọng kiếp kế tiếp nếu còn được thân người thì cũng có chút phước báo. Đăng cũng thường nghe trong đạo nói:” Kiếp này tu tập thì kiếp thứ hai sẽ có phước báo, khi có phước báo thì con người dễ sanh hưởng thụ và tạo tác nghiệp xấu, thế là kiếp thứ ba lại đọa, gọi là tam thế oan” tuy vậy nhưng vẫn tốt hơn là tái sanh mà không có phước báo, cho dù có rơi vào tam thế oan vẫn còn hơn không. Nếu kiếp này không tu tập thì hậu thế sẽ rất khó lường! Đăng biết rõ ràng việc đắc vô sanh hay đoạn hết sanh tử là chuyện của những bậc vô cùng tinh tấn dõng mãnh, thế gian bảy tỉ người, dễ được mấy ai! Đăng dần dần tách ra và tránh bớt những cuộc chơi bù khú cùng lũ bạn. Nay nhân gặp mặt nhau nên Đăng vui cùng bạn bè nhưng vẫn giữ vững lập trường của mình.



Buổi chiều chạng vạng, ánh nắng dần tắt và đường phồ lên đèn. Quán nhậu Bình Minh chật ních người, những khách đến sau đành phải đi tìm quán khác, trong quán tiếng người huyên náo vô cùng, tiếng chén bát chạm nhau, tiếng cụng ly leng keng, tiếng hò dô dô của khách nhậu nhồm nhoàm ăn, ừng ực uống, tiếng ti vi trên tường ra rả, tiếng tiếp viên kêu gọi í ới… tạo nên một môi trường vô cùng rất đặc trưng. Những người từ phương xa về ắt sẽ không chịu nổi. Những vị khách nhậu trong quán họ ăn như thể chưa từng được ăn, uống cứ như là cuối cùng được uống. Thời đại bình quyền, nhậu không còn là đặc quyền của phái nam. Trong quán cũng có khá nhiều những bóng hồng mặc đầm váy; trẻ có, sồn sồn có, nhiều bóng hồng tửu lượng không kém nam nhi, có vài trường hợp cá biệt còn hơn cả nam nhi. Những cô cá biệt này khi uống thì đàn ông cũng phải nể mặt, tửu lượng quỷ khốc thần kinh, cỡ như Đăng thì mấy cô ấy cười:” Anh uống hổng bằng em uống ráng”. 

Tuy cũng ngồi trong bàn nhậu với bạn bè nhưng Đăng không động đến những món thịt, phần của anh là một dĩa đậu chiên và rau củ quả thế thôi. Thằng Kiệt gắp một miếng tàu hũ giơ lên cà khịa

- Ăn tàu hũ uống bia, thằng Đăng làm trò quái gì đây? Tính theo Đường tăng thỉnh kinh à?

Đăng chống chế

- Tụi bay nhậu, tao cũng vui với tụi bay chứ tao đâu có muốn nhậu!

Thằng Tài đá xéo

- Vậy là bữa nay mầy chịu cộng nghiệp chung với tụi tao?

Cả nhóm cười vang, Đăng nói

- Đúng vậy, không chỉ cộng nghiệp bữa nay mà vốn cộng nghiệp đã lâu, vì cộng nghiệp mà tụi mình mới là bạn bè!

Thằng Khang chốt hạ và ra tửu lệnh

- Dẹp! Nay anh em gặp nhau nói chuyện vui, không bàn ba cái chuyện nghiệp hay sanh tử! Đứa nào vi phạm phạt một ly đầy.

Nói xong nó nâng ly 

- Dô trăm phần trăm, dô tới bến, chơi lún luôn! Riêng thằng Đăng thì tùy tửu lượng và tâm trạng của nó. Chúng ta ưu tiên cho:” Dở chứng thiền đăng”. Nay nó chịu vui chung với anh em là qúy lắm rồi.

Cả bàn hò dô dô đầy khí thế, những bàn bên cạnh hình như bị khích kiểu “ Con gà ghét nhau vì tiếng gáy” nên cũng liên tục hò dô dô mà hò to hơn, cười nói lộ rõ vẻ khoe mẽ. Bia, rượu chảy tràn như suối, những con người ngầy ngật hơi men, mặt mày đỏ gay. Nhiều khách nhậu liên tục đi nhà vào vệ sinh để thải bớt lượng nước và cồn nạp vào người, có không ít kẻ nôn thốc nôn tháo. Cái mùi khai, tanh nồng nặc trong nhà vệ sinh thỉnh thoảng xộc ra ngoài khi có ai đó đẩy cửa ra vào, ai mà không quen ắt dễ buồn nôn như chơi. Ngoài khu vực nhậu thì mùi thức ăn chiên xào, mùi hải sản luộc, mùi bia rượu, mùi thuốc lá cả mùi cần, mùi hơi người và mùi son phấn của mấy nữ bợm nhậu tạo nên một cái mùi đặc trưng khó ngửi của quán nhậu nhưng lại có sức lôi cuốn lạ thường. Có nhiều vị khách nhậu nói rằng, ngày nào không đến quán nhậu thì nhớ cái không khí và mùi vị của quán. Khách nhậu giờ không chỉ là trung niên mà thanh niên thậm chí thiếu niên cũng đua đòi; không chỉ đàn ông mà đàn bà giờ cũng nhậu dàn trời luôn; đâu chỉ thị dân mới nhậu mà thôn quê, bán sơn địa, nửa tỉnh nửa quê cũng nhậu banh nhà lồng. Giờ đâu đâu cũng thấy quán nhậu, quán nhậu tụ lại thành con phố nhậu, con đường nhậu, khu vực nhậu. Báo chí truyền thông thổi phồng lên thành cái gọi “ văn hóa nhậu”, có lẽ không đâu trên thế gian này có cái loại văn hóa này, chỉ có xứ mình thôi! Bạn Đăng có người còn ví:” Trên trời có mây, dưới đây có quán cà phê và quán nhậu”, không biết đúng sai thế nào chứ quả thật cái “Văn hóa nhậu” coi mòi phát triển đến độ chóng mặt. 

Cả nhóm bạn của Đăng nhậu đến quá chín rưỡi tối thì sần sần hết ráo. Thằng Kiệt gầy độ tăng hai, có lẽ không cần ai kêu, tất cả cũng đã sẵn có máu tăng hai. Cả nhóm lại lên xe máy rồ ga chạy thẳng đến quán Karaoke Dạ Hương, quán này có tiếng dàn loa cực kỳ tốt, đào của quán lại đẹp. Thằng kiệt vốn là khách ruột nên khi cả nhóm đến là lập tức được chủ quán đon đả rước vào. Đăng thấy ngán ngẩm tỏ ý muốn về nhưng cả bọn đều cự, thằng Khang nói

- Anh em lâu ngày gặp nhau, vui xả láng một bữa đi Đăng, mầy còn thời gian dài lắm để tu.

Thằng Khải lý luận

- Phật tại tâm, tu ở cái tâm không phải ở cái tướng, tướng bề ngoài không quyết định cái tâm!

Rõ ràng nó ngụy biện vô lý, Đăng biết nó chẳng hiểu gì tướng với tâm đâu, nó nói như vẹt, nghe người ta nói thì lập lại thế thôi. Tuy biết vậy nhưng Đăng không tranh luận với nó, càng tranh luận càng mệt thêm. Thằng Kiệt lên tiếng trấn an Đăng

- Chỉ hát karaoke và uống thôi, không có gì bậy bạ đâu Đăng!

Đăng xiêu lòng, ở lại chơi với bạn, Đăng biết mình bản lãnh kém lắm, cái này là phan duyên chứ chẳng phải tùy duyên. Phòng karaoke đèn led chớp nháy xanh đỏ loang loáng, âm thanh tưởng chừng như thủng cả màn nhĩ, rượu bia lại tiếp tục chảy. Mấy cô tiếp viên rót tràn ly tới tấp cụng ly với cả nhóm, vừa uống vừa dò bài hát hò và vừa ngả ngớn đùa. Đăng uống thêm hai ly nữa là cảm thấy không thể uống thêm bèn đi ra ngoài sảnh tiếp tân, ngồi ở sô pha vừa chợp mắt thì thấy nàng Ma Đăng Già đẹp huyền bí, với điệu múa lắc bụng ảo diệu đủ làm mê hoặc lòng người chứ chưa cần dùng đến chú thuật bùa yêu. Kế đến Đăng lại thấy những ma nữ hồ ly xinh đẹp yêu kiều, xiêm y thướt tha, yểu điệu múa may, ánh mắt đa tình dễ làm cho nam nhân mê lịm cả tâm hồn. Rồi tiếp đến những cô nàng Âu – Mỹ với thân hình vô cùng nóng bỏng sếch xy, quyến rũ người xem với những màn múa lửa, múa cột… Còn đang mơ màng chờn vờn thì giật mình vì thằng Kiệt đến bên vỗ vai

- Yếu vậy bồ? Mới có mấy ly mà xỉn sao? Uống không bằng con ghệ tao uống ráng!

Đăng thanh minh

- Thì cơ địa mình nó vậy.

- Vào trong chơi với anh em, bồ ngồi một mình ngoài này coi sao được?

- Ừ, mầy vô trước đi, tao sẽ vô sau.

Thằng Kiệt quay lại phòng karaoke, Đăng ngồi ngẫm nghĩ thấy thời đại hôm nay những nàng Ma Đăng Già nhiều quá, có điều là mấy nàng Ma Đăng Già thời nay không cần chú thuật, chẳng cần quyến dụ ai cả vì đã có vô số người tự tìm đến, xin được “chết” trong vòng tay em. Có rất nhiều người xem đó là niềm hãnh diện, là thước đo bản lãnh đàn ông, đẳng cấp ăn chơi sành điệu, dân chơi có số má...Những thú vui hưởng thụ ở chốn này quả thật đầy sức dụ hoặc. Những khách chơi cứ như những con thiêu thân, phù du lao vào ánh đèn. Đã vào cuộc chơi này rồi thì còn biết gì sanh tử luân hồi nữa và chẳng còn khái niệm khổ, chỉ thấy hoan lạc, dù chỉ là tạm bợ ngắn ngủi một thời gian. Đăng cũng đã hơn một lần toan sống buông thả như những người bạn của mình, “ Thôi thì đằng nào sanh tử cũng bất tận, không thể nào hết được. Ta cứ chơi, cứ hưởng những thú vui trong phút giây hiện tại này, được lúc nào hay lúc đó, sanh tử khi nào nó đến thì chịu vậy”. Tuy có nghĩ thế nhưng rồi Đăng lại tự biện luận với chính bản thân mình:” Tuy sanh tử không dứt, nhưng mỗi người có sự khác biệt lớn trong sanh tử, có những phiên bản sanh tử an lạc nhẹ nhàng nhưng cũng có những bản sanh tử rất khổ sở. Tuy cùng sanh tử nhưng những kẻ có tu tập buông xả thì kết quả sẽ khác, sẽ còn dư phước được lại làm người, sẽ có phước báo tốt hơn ở đời sau, nếu cử buông thả như mọi người thì ắt sẽ đọa như số đông. Phật từng dạy: được thân người như đất dính ở móng tay, mất thân người như đất ở đại địa… Mình cùng chung cái quả cộng nghiệp hôm nay là do cái nhân cùng cộng nghiệp quá khứ, còn tương lai mai sau lại phụ thuộc vào tạo tác ngay bây giờ” dòng suy tưởng cứ liên miên không dứt. Đăng bèn đứng dậy đi vào phòng karaoke với nhóm bạn, cánh cửa mở ra làm cho dòng âm thanh tuôn tràn ra ngoài và cuốn theo hơi lạnh của máy lạnh, mùi son phấn, mùi rượu bia; ánh đèn màu chớp chớp cũng hắt ra ngoài hành lang. Nhìn vào trong phòng những người bạn Đăng và mấy cô tiếp viên quấn quýt như những hình nhân lấp loáng dưới ánh sáng mờ ảo đầy ma quái. Cảnh tượng này còn mê hoặc và rù quến gấp ngàn lần so với màn múa bụng của nàng Ma Đăng Già thời cổ xưa.

Đăng cũng chọn một bản Bolero dễ để hát, thằng Khang, thằng kiệt lập tức dồn micro phone cho Đăng, cả nhóm hò dô dô và vỗ tay mừng Đăng hát. Một cô tiếp viên cười trêu Đăng

- Anh Đăng đẹp trai, sao trông anh có vẻ như ông cụ non và khô khan quá vậy? Em nghe mấy ảnh gọi anh là “ Dở chứng thiền đăng”

Một trận cười nghiêng ngả át cả tiếng hát của Đăng, à quên của “ Dở chứng thiền đăng.”


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 03/2021



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.