Hôm nay,  

Cô Phón

27/02/202118:00:00(Xem: 2887)


A Lượng mặt mày bí xị, miệng lầu bầu

- Đừng có nhạo ngộ, ngộ tả lị xị à nha, ai lấy ái quạt của ngộ trả laị cho ngộ!

Mấy người thợ đứng máy xung quanh cười ngặt nghẽo. Cô Phón nhìn A Lượng vừa thấy mắc cười vừa như thương haị bảo với A Lượng

- Nị có dám tả lị xị nó không? thằng Dĩnh lấy đó!

A Lượng lạch bạch chạy laị chỗ máy thằng Dĩnh giật lấy cái máy quạt tí hon của mình. Trời nóng như đổ lửa, cộng với nhiệt độ cao của dàn máy sản xuất túi nylon toả ra làm cho không khí càng ngột ngạt hơn, cái nóng như nung nấu laị như rang mấy mươi con người trong xưởng. Mặc dù nóng kinh khủng nhưng không thể dùng quạt được, mở quạt máy lên là túi nylon từ các máy cắt sẽ bay tung toé, chỉ có thể dùng cái quạt tí hon để ở dưới chân, luồng gió nhỏ  và yếu ớt cũng tạm bớt chút nóng của phần hạ thân. Cái nóng đã thế, cái ồn còn kinh khủng hơn, tiếng máy dập ầm ầm suốt cả ngày đêm, xưởng chia hai ca, mỗi ca mười hai tiếng một ngày, công nhân cứ như những tên tù khổ sai, quần quật làm suốt, chỉ được nghỉ ăn giữa bữa một tiếng và một ngày chủ nhật cho mỗi tuần. Xưởng vừa là nhà ở vừa là nơi sản xuất luôn. Gia chủ ở tầng giữa, tầng dưới mười giàn máy, tầng thứ ba mười giàn máy, tầng thứ tư cơi nới lợp tôn cho công nhân dân tỉnh có chỗ ở. Hai căn phòng của tầng trên cùng tuy không có sức nóng của máy móc nhưng là tầng áp mái nên cái nóng cũng không hề thua gì , cứ ngỡ như phòng xông hơi khô của mấy cơ sở tẩm quất vậy. Hai phòng này nó chỉ dịu được chút ít kể từ mười giờ tối cho đến chín giờ sáng hôm sau. Công nhân của xưởng ngoài một số người Hoa ở quanh đây, còn laị đa số là dân miền tây lên và dân miền trung vào. Thằng Dĩnh là một trong số đó, nó đẹp trai nhất đám laị hay đùa nghịch, nó thường đầu têu mấy trò trêu chọc người này, người kia. A Lượng và cô Phón là hai người mà nó thường ghẹo nhất, đôi khi người bị ghẹo cũng bực mình to tiếng nhưng đâu rồi cũng vào đó, hôm sau laị cười xòa, bởi vì nó tốt tánh, dễ mến và gương mặt thanh tú quá, ít ai có thể giận dai. Hôm nay nó giấu cái quạt của A Lượng, nó cứ ghép đôi A Lượng với cô Phón, nó nhại giọng Tàu

- Ây da, A Lượng chăm chỉ, cô Phón xinh đẹp, hai người lấy nhau là xứng lắm!

A Lượng khoái chí cười híp mắt, vì A Lượng thích cô Phón ra mặt, ngặt nỗi cô Phón không để ý đến A Lượng, cô Phón chỉ xem A Lượng như người anh thôi. Cô Phón cười bảo với Dĩnh

- Ngộ hổng có yêu A Lượng, nị lấy A Lượng đi.

Cả nhóm thợ cười ngạt nghẽo làm cho A Lượng cũng quê độ. Cô Phón đẹp nhất xưởng này, thằng Dĩnh cũng có ý tăm tia cô Phón nhưng nó biết chắc là không thể được, con gái người Tiều quanh đây có ai lấy trai Việt đâu. Người Tiều ở đây đã bao đời nhưng họ vẫn nói tiếng Tiều, ăn thức ăn Tiều, vẫn lấy chồng lấy vợ người Hoa… Họ chỉ nói tiếng Việt khi giao tiếp với người Việt thôi, cái gốc gác của họ vững như bàn thạch, cái tư tưởng họ không thể thay đổi, dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa thì họ vẫn thế! Nhà cô Phón bên hông chợ Thiếc, ngày ngày cô đến xưởng làm, cô Phón người nhỏ nhắn, mặt tươi như hoa, má lúc nào cũng ửng hồng, ở trong xưởng nóng như lò nung nên mặt cô Phón còn hồng rực rỡ luôn. Cô Phón để ý thích A Ca, con trai của A Tỷ. A Tỷ là chủ đaị lý bỏ hạt nhựa PP, PE cho xưởng này. A Ca thường đến giao hàng và nhận tiền cho A Tỷ. A Ca cao ráo, trắng trẻo và đẹp trai như Quánh Phú Thành. A Ca đến xưởng là ai cũng trầm trồ khen, nhiều người còn cảm thán:” Người đâu mà tốt số thế, đã đẹp trai laị là con nhà giàu có tiếng ở đây, dân chơi quanh Chợ Lớn, Chợ Thiếc, chợ Tân Thành ai cũng biết”. A Ca lái chiếc Attila mới cáu, tóc bay bay trong gió cứ như diễn viên điện ảnh. Cô Phón chỉ là công nhân thôi, cái điểm chung duy nhất là cả hai đều là người Tiều. Mỗi khi A Ca tới xưởng là cô Phón như rạng rỡ hẳn lên, có lần cô Phón tán A Ca

- Xính xáng nị cành lồi hủ mé, A Ca đẹp trai quá, nị mà yêu ai chắc người ấy may mắn lắm!

A Ca cười, nụ cười như tỏa nắng, gương mặt vốn thanh tú với nụ cười rộng xếch cả hai mép lên càng làm cho gương thêm rạng rỡ

 - Ây da, hổng dám, hổng dám đâu! Phón đừng có nói vậy được hôn? Tui cũng như mọi người thôi! 

Chất giọng Việt lơ lớ cứ như âm thanh của những người lồng tiếng trong mấy bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông. Nhóm thợ ở tầng dưới quan sát cô Phón và A Ca mà như coi phim bộ, đôi lúc quên cả xếp túi nylon làm cho nó dồn cục thành một nùi lớn. Bà chủ đi chợ về nhìn thấy bèn la lối inh ỏi:

 - Tuị bay không lo làm, cứ túm tụm nói chuyện, hư hết hàng của tao! 

Cả nhóm thợ len lét lặng lẽ cúi gằm mặt vào máy lo xếp thật lẹ cái mớ túi nylon rối bời kia.

Bà chủ vừa lên lầu là thằng Dĩnh lập tức ghẹo cô Phón

- Chời ơi, A Ca nó đâu có thương Phón, trong khi ngộ thì ái nị quá chừng, nị mà hổng ái ngộ thì ngộ hộc máu bây giờ.

Cô Phón cười nắc nẻ

- Nị ái ngộ nhưng ngộ đâu có ái nị, nị tìm con gái khác mà yêu, nị hộc máu chi cho uổng, nị xực phàn ba tô mới có được một giọt máu đó! 

A Muối, bạn đứng máy gần cô Phón vui vẻ góp lời

- Hây da, con gái Diệt Nam đẹp lắm mà, sao Dĩnh yêu con gái Tiều làm gì cho mệt, cô Phón hổng có yêu nị đâu, cô Phón thích A Ca thôi, nị mà hộc máu là nị hui nhị tỳ đó!

Cả đám thợ cười rần rật, tiếng Tiều pha tiếng Việt, giọng Tàu nói tiếng Việt lơ lớ cứ như đang coi phim bộ Hồng kông, Đài Loan. Tâm nhóc bạn thân của thằng Dĩnh, hai đứa cùng miệt hậu Giang. Thằng Dĩnh lên Sài Gòn và làm ở xưởng này trước, sau đó mới giới thiệu xin cho thằng Tâm nhóc vào làm.

Tâm nhóc biết thằng Dĩnh chỉ thích cô Phón cho vui chứ nó thừa hiểu không thể có chuyện yêu đương gì. Nó ghẹo 

- Cô Phón là người Tiều sống ở Sài Gòn nên tui kêu là Hoa kiều, mai mốt cô Phón qua Mỹ thì người ta kêu là Tiều kiều, chừng nào về Việt Nam chơi thì người ta laị kêu là Việt kiều. 

 Tâm nhóc nghe mấy người thợ Tiều kháo nhau là cô Phón sắp xuất cảnh nên nói thế. Nhà cô Phón bên hông chợ Thiếc, cách hãng bao nylon vài trăm mét, mỗi sáng cô Phón mặc cái quần tư xả láng hoa cà rộng rinh với cái áo ôm đi đến hãng làm. Dòng họ cô Phón ở đây đã bao đời rồi, sau này họ lần lượt vượt biên, giờ thì họ bảo lãnh cô Phón đi. Tuy đã gần đi Mỹ nhưng cô Phón vẫn chăm chỉ làm, hổng có kiểu nghỉ ngang hay bày đặc se sua đua đòi như những người khác, khi họ sắp được đi Mỹ. Chừng hai tháng sau cô Phón gặp ông bà chủ bảo:

- Tuần tới là ngộ chẩu Mỹ cọt, nị xuất lượng cho ngộ, ngộ  tó chè lắm! Ngộ đi dồi, chúc nị ở làm mạnh khoẻ, làm ăn phát tài. 

Hôm sau cô Phón mang vào xưởng một túi to tướng nào là táo Tàu, câu kỷ tử, nhãn nhục, me ngâm, xoài lát… đãi nhóm thợ và chia tay. Thằng Tâm nhóc chọc thằng Dĩnh

- Zậy là cô Phón đi rồi, mai mốt nó dìa bảo lãnh mầy! 

Thằng Dĩnh cười cười mà hổng nói chi, cô Phón đi bỏ laị A Ca đẹp như tài tử cho mấy em gái Tiều khác, bỏ laị những quầy vịt quay, heo quay nổi tiếng xưa nay của khu vực Tôn Thọ Tường, bỏ cả những đống giỏ cần xé cao như núi và nhất là bỏ laị cái xưởng sản xuất túi nylon nóng như cái lò bát quái kia!
 

Cả khu vực này trước ngày thống nhất không có mống người Việt nào cả, sau khi thống nhất và đánh tư sản, nên người Tiều nói riêng người Hoa nói chung đi vượt biên ào ạt. Họ bỏ laị nhà cửa, phố xá, sạp hàng trong các chợ…từ đó người Việt miền ngoài mới tràn vô lấp những chỗ trống đó. Cha mẹ ông bà chủ cũng nằm trong số này, ngày trước họ lên sài Gòn làm thuê làm mướn, tích cọp được mấy cây vàng mua được căn nhà này, lúc đó những ngôi nhà như thế rẻ như cho không. Rồi họ sang laị một sạp hàng chỉ có mấy chỉ vàng. Họ cần mẫn làm ăn, bản tánh chắt chiu và chịu khó nên dần dần khấm khá lên. Cha mẹ họ laị tiếp tục mua thêm những căn nhà khác để chia cho mấy đứa con. Đến lúc ông bà chủ lập xưởng xản xuất túi nylon này thì họ đã trở nên giàu có lắm rồi. Tuy đã giàu nhưng ông bà chủ vẫn sống khá vất vả, làm ngày làm đêm, trong nhà thì nóng như nung, tiếng máy ầm ầm đinh tai nhức óc, dường như cái bản chất người trung quen chịu thương chịu khó lâu đời nên với họ cũng chẳng thấy có gì là khổ cả. Nhóm thợ nhiều khi cũng xì xầm sau lưng ông bà chủ về cái gốc miền trung, trong nhóm thợ cũng có cả người miền trung lẫn miền tây, thỉnh thoảng cũng có chuyện cọ quẹt nhau. Thằng Khanh, một thợ máy lâu năm ở xưởng, quê nó tận miền trung xa xôi kia, nó với thằng Dĩnh hổng ưa nhau nên xực nhau. Thằng Khanh nói thằng Dĩnh láu cá, thằng Dĩnh bảo thằng khanh cù lần, trùm sò…Một hôm thằng Dĩnh cà khịa



- Mấy thằng miền trung hóng chuyện người khác, hổng chịu lo làm, gịong thì trọ trẹ khó nghe.

Thằng Khanh đốp laị:

 - Mấy thằng miền tây chả chớt như cải lương, lười biếng mà còn bày đặt tài lanh. 

 Hai đứa lời qua tiếng laị khiến bà chủ nghe được, bà chủ bảo hai đứa  im miệng bằng không tống cổ cả hai, từ đó nhóm thợ chia hai phe. Thằng Tâm nhóc, thằng Hảo, thằng Tài…dân miền tây, tụi thằng Tâm nhí, thằng Khanh, thằng Bình dân miền trung, tuy chia hai phe nhưng vẫn phải ăn chung bàn, làm chung xưởng và cùng ngủ trọ chung trên tầng cơi nới lầu tư. Công việc khá nặng, vất vả và xưởng nóng như lò nung nhưng chẳng có ai bỏ việc cả. Một tháng lương ở đây bằng cả mùa luá dưới quê. Ông bà chủ bao ăn, bao ở luôn, tiền làm ra chẳng mất xu nào. Ông bà chủ giữ giùm luôn, khi nào cần chi tiêu thì mới lấy. Ông bà chủ cũng gốc người trung, rất đàng hoàng, sòng phẳng nhưng khó tánh và cũng có phần cay nghiệt. Mỗi tháng ông bà chủ cúng thổ địa thần tài hai lần, đó là những ngày công nhân ăn uống khá dồi dào, nào là gà xé phay, heo quay…Chỉ có thằng Hảo là thiệt nhất, nhà nó theo đạo Hoà Hảo, tuyệt đối không ăn đồ đã cúng kiến. Có lần bà chủ đãi ăn và bảo

- Cô hồn chết mỗi tháng cúng hai lần, cô hồn sống thì cúng vô chừng, hổng cúng thì chúng kiểm tra nhân hộ khẩu, mà tụi bay ở đây nên phải cúng; rồi còn tụi trật tự lòng lề đường, thuế vụ, thị trường, điện lực… cúng nhiều lắm, hổng cúng là hổng làm ăn gì được. Cô hồn chết thì cúng tuỳ tâm, cô hồn sống chúng ra định mức phải cúng, cúng hổng đủ là biết tay tụi nó! 

Ai cũng vậy thôi chứ hổng riêng gì ông bà chủ, cả con đường này, khu phố này đều thế, thậm chí cả thành phố này là thế. A Sìn, chủ vựa đan giỏ cần xé ở kế bên, nhà chật nên nhân công ngồi làm tràn ra lề đường, tre và vật liệu lẫn sản phẩm bày kín cả vỉa hè. A Sìn cũng phải cúng cô hồn, hổng cúng là chúng cho xe đến hốt hết, lâu lâu trên quận xuống thì A Sìn được báo trước nên lo dọn dẹp gọn gàng. A Sìn rất giàu, bao thầu một phần việc cung cấp giỏ cần xé cho Saì Gòn và các tỉnh miền tây. Hàng đêm, xe bò chở tre từ Bình Chánh, Củ Chi về, hổng biết người ta đi từ lúc mấy giờ nhưng đến vựa A sìn thì bốn giờ sáng. Những xe bò chở cả năm mươi cây tre, chủ nằm trên đống tre đó, dưới gầm xe treo cây đèn bão, con bò cứ túc tắc  đi trong đêm , ấy vậy mà chẳng bao giờ lạc đường. Chợ Phó Cơ Điều, chợ Thiếc là những cái vựa giỏ cần xé, túi nylon, đồ gia dụng... Những ngôi nhà ở quanh đây vừa là nơi ở vừa là xưởng sản xuất luôn. Những ngôi nhà ấy cả ba thế hệ ở chung và đã bao đời rồi. Ông bà chủ xưởng túi nylon Tân Hồng Phát là người Việt ở giữa xóm Tiều, tuy khác chủng tộc nhưng ông bà chủ và những người xung quanh sống hoà thuận và thân thiện với nhau. Hàng xóm thân và gần nhất là gia đình A Sìn,  A Sìn thường rủ ông bà chủ đi vía bà ở núi Sam Châu Đốc, đi dinh Thầy thím Bình Dương, ấy là thường sau tết nguyên Đán, còn ngaỳ rằm hay mồng một thì A Sìn đi cúng miễu Nhị Phủ. A Sìn nói với ông bà chủ

- A Phò ở miễu Nhị Phủ linh lắm, nị cúng A Phò thì A Phò phù hộ nị làm ăn phát tài. Ngộ giàu lên là nhờ A Phò, hổng có A Phò thì ngộ thành cái bang dồi! 

Bà chủ tin lời A Sìn, mỗi ngày rằm hay mùng một đều đi miễu Nhị Phủ. Bà chủ mua ba cây nhang to chà bá lửa, cây nào cây nấy như cánh tay người lớn, ngoài nhang đèn là bao nhiêu bánh trái, heo quay, vịt quay, vàng mã và cả áo choàng cho A Phò. Có khi bà chủ đem cây nhang cháy dở ở miễu về nhà để lấy lộc bà, người ta tin những cây nhang cháy dở ở miễu Nhị Phủ  đem về nhà mà phát hoả thì sẽ làm ăn phát tài. Hổng biết A Phò phù hộ hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà từ ngày bà chủ nghe lời A Sìn đi miễu Nhị Phủ, công việc làm ăn trúng mánh lớn, bao nhiêu đơn hàng suôn sẻ, hạt keo PP, PE mua trữ đầy kho xong thì giá lên cao ngất, tiền vào như nước. Ông bà chủ càng tin A Phò, càng cúng thần tài thổ địa  nhiều hơn. Nghe đồn ông bà chủ cúng miễu bà núi Sam, miễu Nhị Phủ lên cả tỷ bạc, công nhân cũng xì xầm với nhau về chuyện cúng miễu, chuyện bà chúa linh thiêng,  chuyện A Phò phù hộ… thằng Dĩnh nói nhỏ với A Luối

- Giá mà ông bà chủ trích một chút tiền cúng miễu để cho tụi mình thì tụi mình có thêm chút cháo. 

A Luối gật đầu

- Nị nói nghe cũng phải, nhưng A Phò linh lắm à nha, cúng cho A Phò thì A Phò phù hộ. Nị hổng thấy bà chủ cúng áo cho A Phò mà giờ giàu có hả?

Thằng Dĩnh im lặng, một lát nó chuyển đề tài

- A Luối, nị ở Chợ Lớn cả đời rồi, tui mới lên Sài Gòn chừng mười năm thôi, tui đố nị, nị biết cầu nào thấp nhứt ở Sài Gòn?

A Luối lắc đầu

- Ngộ ở Chợ Lớn cả đời nhưng ngộ chỉ quanh quẩn ở đây thôi, có đi đâu mà biết cầu nào thấp nhất! 

Thằng Dĩnh cười

- Tui cũng chỉ đố ở quanh đây thôi.

A Luối chau mày suy nghĩ một lát nhưng đành chịu thua

- Ngộ hổng biết, nị nói đi, nếu đúng ngày mai ngộ cho nị một gói táo Tàu

Thằng Dĩnh ngoắc ngón tay với A Luối rồi mới nói

- Cầu Ba Li Kao 

A Luối vỗ trán cái bốp

- Hây da, ngộ đi qua laị cái cầu này hổng biết bao nhiêu lần, dậy mà ngộ hổng nhớ, ngộ thiệt xúi quẩy, hây da, xúi quẩy quá! Cái tên cầu cũng ngộ quá, ngộ nói được tiếng Việt nhưng ngộ đâu có đọc được cái bảng tên! 

Thằng Khanh, thằng Hảo, Tâm nhóc, Tâm nhí… quây lấy A Luối đồng thanh căn vặn

- A Luối, nhớ đó nha! ngaỳ mai phải có táo Tàu.

A Luối xua xua tay

- Ngộ đã nói dồi, ngộ nghéo ngón tay dồi là ngộ hổng có xạo đâu, nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy! mấy nị an tâm đi, ngày mai ngộ sẽ đem táo Tàu cho mấy nị ăn.

Ca một hết giờ lúc chín giờ tối, nhóm thằng Dĩnh, Tâm nhí, Hảo… tắm rửa xong kéo lên trên mái tôn fibroximang nằm ngắm sao trời, cái mái tôn này cũng là chỗ ngủ mát mẻ lý tưởng cho bọn thợ, vừa mát vừa thoáng laị được ngắm trời trăng mây gió. Từ mái tôn này nhìn xa xa về hướng nam thì thấy ba cái tháp cao nghễu nghện của toà nhà Thuận Kiều, ba cái tháp cứ như ba ống khói của con tàu Titanic, có người thì bảo giống ba cây nhang. Hổng biết có phải vì điềm gở này mà khu chung cư này bán chẳng ai mua, cho mướn chẳng ai thuê. Tâm nhóc tài lanh

- Xây chung cư mà như ba cây nhang cắm trong lư hương thì ai dám ở.

Thằng Hảo tán thêm

- Người ta nói chung cư có ma, nhiều người thấy bóng một cô gái mặc aó trắng xoá đi lang thang trong ba cái tháp đó.

Tâm nhí xì một tiếng

- Ma cỏ gì, người ta đồn đaị bậy bạ, dân ở quanh đây hổng quen ở chung cư cao tầng, với laị giá mắc quá nên người ta không mua, giá mà rẻ rẻ tao cũng mua một căn để ở, từ đó qua đây làm chỉ chừng năm phút lái xe máy thôi! 

Thằng Dĩnh gạt phắt đi

- Giá có bèo mấy đi nữa mua cũng hổng nổi đâu! lương công nhân mà muốn chung cư cao cấp, hổng có đâu diễm, đừng mơ! 

Nói qua nói laị cả đám ngủ lúc nào không hay biết, gần sáng thằng Dĩnh mơ nói sảng

- Phón ơi, phón à! Phón đi Mỹ thiệt hả? ngộ hộc máu bây giờ cho Phón coi!

Tâm nhí nằm kế bên cựa quậy rồi đạp nó một phát

- Ngủ đi mày, ngủ thêm chút nữa rồi dậy ăn sáng để vô ca 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 01/2021


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.