Hôm nay,  

Sợi Dây Vô Tình

6/8/202009:34:00(View: 3141)

 Rừng núi xanh mướt, không khí trong lành và hơi se se lạnh thấm vào từng chân lông kẽ tóc, len lỏi vào từng tế bào. Cái cảm giác khoan khoái thật dễ chịu, làm cho hai huynh đệ thọ nhận được sự bình an trong phút giây hiện tại. Cây cỏ xung quanh như tỏa ra một năng lượng tươi mát tràn đầy sức sống. Bất chợt sư huynh hỏi khẽ:

 - Dường như có đôi mắt nào đó đang theo dõi chúng ta?

 Cả hai dừng bước, nhìn quanh một tí thì phát hiện ra đằng sau bụi rậm có mẹ con nhà nai đang tròn xoe mắt nhìn, tai vểnh bắt sóng động của âm thanh, chúng có thể nghe được những âm thanh nhỏ nhất mà tai người không nghe được. Mẹ con nhà nai đang cảnh giác cao độ, toàn thân mượt mà vàng sậm điểm xuyết những đốm hoa màu trắng. Chúng sẵn sàng phóng đi. Sư đệ cười:

 - Những con nai đẹp và hiền lành, chúng chẳng haị ai nhưng laị là món ngon của thú ăn thịt và con người. 

 Sư huynh chưa nói gì thì sư đệ tiếp:

 - Không biết nghiệp gì mà chúng phải làm thân nai? Con người săn bắt chúng thì tạo nghiệp sát đã đành, thế những con thú ăn thịt kia có phải là tạo nghiệp chăng? 

 Sư huynh nhỏ nhẹ:

 - Động vật vốn đang thọ nghiệp súc sanh, chúng sống bằng bản năng sinh tồn thì sao có thể bảo là tạo nghiệp được! 

 - Chúng cũng có sắc thân, có cảm thọ đau hay đói khát, bình an hay nguy hiểm cơ mà- sư đệ thắc mắc

 - Nhưng chúng không có tưởng, không có thức như loài người thì không thể bảo chúng tạo nghiệp! sư huynh khẳng định

 - Hai người bước thêm vài bước nữa thì mẹ con nhà vai vụt phóng đi như mũi tên, sư huynh cười:

 - Chúng mình đến đây với cái tâm trong sáng, hiền thiện, yêu thương muôn loài, không hề có ý làm haị chúng, thế sao chúng laị sợ chúng ta? 

 Sư đệ bảo:

 - Huynh vừa nói đó, chúng không có tưởng và thức, chúng vô minh nên không biết chúng ta không có tâm hại chúng! 

 Sư huynh từ tốn:

 - Đúng thế! nhưng sâu xa hơn là những hạt giống ác tiềm ẩn trong tạng thức của chúng ta toả ra những làn sóng xấu mà tánh linh của loài vật cảm nhận được, trong khi chúng ta không thể biết, vì bản năng sinh tồn nên chúng phải bỏ chạy mà không hề phân biệt được an hay nguy như chúng ta. 

 Trảng cỏ giữa rừng xanh biếc, không gian tịch tĩch đến vô cùng. Hai huynh đệ ngồi thảnh thơi chẳng có ý dụng thiền mà hơi thở vào ra vẫn nhận biết rõ ràng. Tâm tựa như những bộ cảm ứng gắn ở cửa siêu thị, người đến đi vào ra đều nhận biết. lát sau sư đệ nằm dài trên thảm cỏ, dang cả hai tay trông như một gã du tử. Sư huynh cười cười:

 - Có phải đệ muốn nói điều chi? 

 Sư đệ quay laị nhìn sư huynh:

 - Có thể sư huynh chưa chứng đắc gì nhưng công phu thật thâm hậu, nhìn thấu được lòng người, biết tâm ý kẻ khác, hay là sư huynh có con mắt thứ ba? thật tình đệ muốn kể cho sư huynh nghe về giấc mơ đêm qua. 

 Sư huynh lặng im khẽ gật đầu, sư đệ khoanh hai tay gối đầu rồi thủng thẳng kể:

 -Đêm qua đệ thấy mình đột tử và tái sanh làm anh chàng Mỹ trắng ở giữa đồng quê này, cuộc sống bình yên, sung túc và ấm êm. Tháng ngày vui với cỏ hoa bốn mùa, người yêu xinh đẹp, hiền thiện và luôn thuận thảo theo ý. Mùa xuân nằm trên đồng cỏ ngắm nhìn cô ấy tết hoa dại đội đầu ca hát giữa thiên nhiên. Mùa hạ rong chơi trên thảo nguyên mênh mông bát ngát. Mùa thu đạp lá vàng, vào rừng hái hạnh nhân, nhặt hạt dẻ. Mùa đông ngồi bên lò sưởi, ôm ấp tình yêu trong vòng tay, mặc ngoài trời tuyết đổ trắng cả sơn hà. Trần gian này tưởng chừng hạnh phúc như thế là tột đỉnh rồi. Thế rồi ngày kia đệ giành được giải quán quân cuộc thi:” Golden voice of the green field”, cuộc đời đệ sang một chương mới. Đệ lên thành được săn đón chào mời như một ngôi sao và rồi thành ngôi sao ca nhạc thực thụ, sống đời một công tử hào hoa, chuỗi ngày hoan lạc như bất tận, muốn gì được nấy, thiên hạ chiều chuộng như ông hoàng, chân dài vây quanh, tiền bạc xài thả giàn, người hâm mộ đẩy đệ lên tận mây xanh. Những thành đô danh tiếng của thế gian này đều đặt lịch cho đệ đến diễn, tất nhiên là họ chấp nhận mọi điều kiện đưa ra. Đệ quên luôn người vợ hiền ở chốn đồng quê, cuộc chơi không giới hạn, tháng ngày truy hoan… Thời gian chẳng mấy chốc, thế rồi khi ánh hào quang phù hoa tan đi, giọng ca tàn, cái già đến mà tiền bạc phung phí hết sạch, tình cũng bay xa. Đệ chợt nhận ra tất cả như ánh chớp, như hoa nắng ban trưa. Một lần đệ tình cờ đọc cuốn sách nói về sự sống và cái chết của người Tạng. Đệ hiểu ra cuộc đời này như một tấn tuồng, những lớp tuồng của vở diễn thay đổi liên miên. Người đóng vai trên sân khấu rạng rỡ là thế, khi lột hết phấn son, tắt hết đèn màu…thì trở laị trần trụi bẽ bàng biết bao. Sau đó đệ tìm đến ngôi chùa Sangkla của thầy Rinpoche kunga để tham vấn và muốn xuất gia để tu giải thoát ngay trong kiếp này. Thầy Rinpoche Kunga bất thần xô đệ ngã và hét to:” Này gã điên, nói năng nhảm nhí, làm ô nhiễm Phật điện của ta!”. Đệ bất ngờ đến đỏ cả mặt nhưng kịp thời nhận ra ông thầy thử thách mình. Đệ ngồi dậy thưa:” Thầy từ bi, ngã ta ta ngã , thầy xô ta ngã ngã bỏ rồi ta biết ta ngã”, đến đây thì đệ sực tỉnh, thấy mình đang trên xe đi về miền đồng quê này.

 - Này sư huynh, trong vô lượng kiếp sanh tử, chắc có kiếp nào đó đệ đã từng sống ở đây, là cư dân của xứ sở này, nay về chơi mà đệ cảm thấy như về laị căn nhà xưa của mình. Đệ không kiềm chế được cảm xúc, quên đi thân phận đang là tu sĩ, ước gì được sống với người mình thương ở đây, quanh năm vui với đồng cỏ thảo nguyên và chim muông thú rừng. Ngày gặt hái hoa màu, đêm đốt nến làm thơ. Đèn điện là thành tựu khoa học kỹ thuât của nền văn minh hiện đaị, cái lợi ích của nó không sao nói hết, nhưng ở một góc độ nào đó ( tâm linh chẳng hạn) thì nó không bằng một ngọn nến. Đấy là lý do đệ luôn giữ ngọn nến cháy suốt ngày đêm trước tôn tượng Thế Tôn. Huynh nghĩ thử xem, trên bàn thờ Phật hay bàn thờ gia tiên, chúng ta thắp nhang điện, nến điện lập loè xanh đỏ trông thật vô duyên, vô hồn, vô cảm quá, những thứ ấy chỉ để vui mắt chứ chẳng gợi được chút gì lay động hồn mình. Đồng quê ở đây yên ả thanh bình và tịch mịch như những chốn thiền môn phải không sư huynh? Tâm đệ đang thất niệm, nó như con ngựa hoang, chạy rông rỡ trên thảo nguyên, giữa đồng cỏ. 

Sư đệ nằm đấy mà kể, dường như đang tự độc thoại chứ chẳng cần biết sư huynh có nghe hay không.

 Sư huynh cười to:

 - Giấc mơ thú vị thật, làm anh chàng nông dân da trắng ở đồng quê của xứ sở này cũng không tệ, vật chất đủ đầy, bình yên, tháng ngày dễ sống, thiên nhiên tươi đẹp và thái hoà. Lần binh đao cuối cùng của xứ này cũng đã ba trăm năm rồi, tính từ khi cuộc nội chiến chấm dứt. Xứ sở này nói chung, đồng quê nói riêng không biết đến nỗi kinh hoàng của chiến tranh, tuy vậy cái đau khổ của chiến tranh cũng ảnh hưởng một số người. Những thanh niên bị gởi đi các chiến trường trên khắp thế gian này, khi đi trẻ trung, mạnh khoẻ, khi về có nhiều người tàn phế, có kẻ nằm trong quan tài, bởi thế đồng quê tuy thanh bình nhưng vẫn có cảnh: mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con cái khóc cha, anh chị em khóc thân nhân…Làm anh chàng hào hoa của thành đô ở xứ này kể cũng phước báo lớn, hưởng cuộc sống mà bao người trên thế gian mơ ước… nhưng rốt cuộc rồi cũng đi đến cái khổ. Trong tâm đệ có hạt giống của chuyện này,  khi đệ ngủ  các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đã nghỉ ngơi nhưng ý thì không nghỉ, nó vẫn hoạt động liên lỉ, kết hợp với chuyến về đi về đồng quê tạo cho cái thức nó sanh ra giấc mơ như thế. 

 Lúc ấy trên không trung xuất hiện con đaị bàng, nó bay vòng vòng và khép dần những vòng lượn, chứng tỏ nó đã thấy con mồi đâu đó trên mặt đất. Sư huynh nói tiếp:

 - Làm súc sanh đã khổ laị còn truy sát ăn nuốt lẫn nhau, làm kiếp người là có phước báo lớn lắm nhưng vẫn khổ, truy sát, bách haị nhau, tranh danh đoạt lợi, tranh sắc dục, tiền của và bao nhiêu thứ trên đời. Con vật chỉ săn mồi vì đói, con người haị nhau không chỉ vì ăn mà vì muôn ngàn lý do khác nữa, thậm chí không giết mà hành hạ làm cho sống không xong chết không được, làm tình làm tội để thoã mãn cái tâm sân hận, thù ghét, tật đố, tàn độc của mình. Chúng ta thật may mắn đã tỉnh ra, đã buông xuống, không còn tranh đoạt những thứ mà người đời tranh. Có điều chúng ta phải tranh đấu với chính mình, mình chính là kẻ thù của mình, những ý nghĩ  và tư tưởng ngủ ngầm trong tạng thức, những thôi thúc của cái ngã, tuy nó chịu yên nhưng khi có hoàn cảnh thuận tiện thì nó trỗi dậy rất mạnh. Có những lúc yếu lòng hoặc vô tình lơi lỏng thì rất dễ thối thất như chơi, mình thăng hay đoạ, mình tiến hay lùi không do ai cả mà là tự mình mà thôi. Mình như con thỏ kia, luôn cảnh giác kẻ thù nhưng chỉ vô tình một chút mà bị đaị bàng quắp lấy ngay. 

 Sư đệ nhỏm dậy:

 - Giá mà đủ duyên, chúng ta lập một ngôi chùa ở chốn đồng quê này! 

 Sư huynh nhìn xa xăm, mắt tận đường chân trời:

 - Kể cũng hay, lập chùa ở xứ này rất dễ nhưng cũng rất khó, dễ là vì tự do, không có ai cấm cản hay làm khó; khó là làm sao đủ tiền chi trả ban đầu và hoá đơn hàng tháng về sau. Lập chùa rồi, tâm tư bận bịu kiếm tiền chi trả thì khổ, còn đâu thời gian tu học? còn nếu nói lập chùa để lợi lạc cho người đến tu học thì cũng cần xem laị, giữa đồng quê này có mấy ai? Chùa ở thị trấn, phố xá thì nhiều rồi…Chúng ta chỉ là những tay bơi xoàng mà đòi vớt người chết đuối thì sẽ chết chìm cả hai, trước khi muốn nhảy xuống nước vớt người thì hãy học thành tay bơi cự phách. 

 Hai huynh đệ đi bách bộ giữa thảo nguyên mênh mông, từ trên ngọn đồi nhìn xa xa thấy những ngôi nhà giữa đồng quê yên ả thanh bình, trông đẹp là vậy nhưng nó đang biến hoại hàng ngày. Gia chủ phải gia công tu bổ liên tục, khi thì sơn phết, khi thì thay mái, đóng vách…Nếu không duy tu thì mưa nắng tháng năm sẽ làm cho nó hư mục và sụp đổ nhanh thôi. Thỉnh thoảng gặp những ngôi nhà bỏ hoang, mái sập, tường bể, cỏ và dây leo rậm rạp. Sư huynh nhìn sư đệ:

 - Cái bóng mắt biếc má đào vẫn lung linh trong tâm đệ, hãy cẩn thận! nó giúp đệ viết được những vần thơ hay, nhưng với người xuất gia thì nó dễ âm thầm lèo lái đệ đi ngược chí hướng người tu. 

 Sư đệ im lặng, trong tâm rõ ràng có sự xao động, điều ấy hiện trên gương mặt. Cả hai đi ngang qua một trang trại, ngoài cổng treo tấm biển nhỏ bằng gỗ thông khắc hai chữ: Golden Garden, nhìn vào thấy bạt ngàn hoa, giữa trang trại là một ngôi nhà gỗ sơn trắng. Lối kiến trúc thời thuộc địa, hàng hiên rộng có mấy chiếc ghế bập bênh và xích đu, hàng cột gỗ và lan can đều bằng gỗ sơn trắng… Nhìn vào dễ liên tưởng một thời lịch sử mở cõi lập quốc. Sư huynh chỉ sư đệ:

 - Đẹp quá phải không, bình yên quá phải không? một điểm dừng giữa dòng đời, ở trong ấy chứa bao nhiêu yêu thương lẫn những cảm xúc tiêu cực, hạnh phúc và khổ đau, đầm ấm với hợp tan… đến một lúc nào đó khi những đứa con đủ lông đủ cánh chúng sẽ bay xa, cha mẹ sẽ về laị đất để nuôi những đóa hoa vàng kia, ngôi nhà sẽ hư hao hoặc sập đi…duy chỉ có sợi dây ràng buộc những thành viên vẫn không hề suy hao. Nó sẽ tiếp tục buộc ràng dù những thành viên ấy đã mang thân phận và danh tự khác. Sợi dây ràng buộc vĩnh viễn không thể hư hoại. Chỉ có những người như huynh đệ ta, cắt ái từ thân, ly gia đoạn dục thì mới có thể thoát được sợi dây vô hình ấy! 

  Đồng chiều man mác, bóng nắng nhạt nhoà đổ dài, những mảng sáng màu vàng xen kẽ những mảng sẫm xanh màu vì ngọn đồi, bóng cây che khuất ánh nắng đã tạo ra một bức tranh khổng lồ trên mặt đất, đẹp đến nao lòng. Huynh đệ ra về, con đường chạy giữa đồng cỏ, trang trại dài miên man cứ ngỡ dẫn đến tận chân trời. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 062020

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.