Hôm nay,  

Thương Nhớ Mười Hai

06/02/202010:28:00(Xem: 2668)

Đây là tựa đề một tác phẩm văn học rất dễ thương của nhà văn Vũ Bằng. Ông bắt đầu viết từ tháng Giêng 1960, tiếp tục viết 1965, và hoàn thành vào khoảng 1970 – 1971. Hơn mười năm cho một quyển sách, có thể là dòng suy tưởng của tác giả bị gián đoạn do công việc mưu sinh, có thể tác giả chưa nắm bắt được sự rung cảm của riêng mình.


“Thương Nhớ Mười Hai”, tức là niềm thương nhớ, xúc cảm của tác giả trong mười hai tháng Âm lịch, xúc cảm của “những người thiên lý tương tư” khi vào miền Nam vẫn nhớ nhung về phương Bắc. Tác giả ghi lại tâm tư mình với những cung bậc tuyệt vời của người Hà nội, người xứ Bắc thanh lịch nỗi tiếng một thời xa xưa liên quan tới cây lành trái ngọt của vùng miền qua từng tháng.

Có một điều, người viết muốn chia xẻ với bạn đọc là chúng ta không có tháng Một, và cũng không có tháng Mười Hai, mà chỉ có tháng Giêng, và tháng Chạp như trong ca dao :


Tháng Chạp là tháng trồng khoai.

Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.


Tháng Chạp, tháng Giêng quá đặc sắc, dễ thương, như : “Ra Giêng anh cưới em”, hay “Tháng Chạp anh về quê ngoại”..v..v..


“Thương Nhớ Mười Hai” của chúng tôi là nỗi niềm trong tháng 12/2019 này đây. Tháng Mười Hai với những kỷ niệm đầy vơi trong cuộc đời lao đao, chìm nổi của một người không còn trẻ nữa. Tháng Mười Hai Dương lịch với ngày Lễ Giáng Sinh rộn ràng, và ngày Tết Dương lịch bắt đầu cho một năm mới. Trẻ nhỏ thêm một tuổi lớn, và người già đăm chiêu thêm một tuổi già.


Đầu tháng Mười Hai, ngày 07/12/2019, chúng tôi mất đi người huynh trưởng của chương mục Viết Về Nước Mỹ : Anh Nguyễn Văn Tân, bút hiệu Bồ Tùng Ma. Ông là người nhiều tuổi nhất trong nhóm Việt Bút chúng tôi, và cũng là người ít lời nhất. Ông ít cười. Một bạn trẻ nói với ông :


-Chú Ma, sao chú lại không cười vui khi chụp ảnh với nhóm. Chú cứ coi cô SL kìa, lúc nào cũng cười tươi như đang còn tuổi thanh xuân !


Ông trả lời :


-Tại chú cười không đẹp như cô SL.


Một câu chuyện nhỏ, nhưng đó là một kỷ niệm lớn trong lòng tôi đối với anh Tân.


Vẫn biết rằng “Sống gửi thác về”, nhưng sự ra đi của ông cũng gieo trong lòng tôi nhiều sự xao xuyến. Rất nhiều tháng ông ở trong bệnh viện trong trạng thái coma, vì ông bị stroke nặng. Chúng tôi vẫn thầm bảo nhau “sợ ông không qua khỏi”. Dù tinh thần đã chuẩn bị, ý thức đã sẵn sàng, nhưng khi được tin ông giã từ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối. Một văn hữu trẻ đã có bài thơ “Tiễn Anh” :


Phũi sạch nợ duyên, kiếp vô thường

Về miền Cực Lạc, cõi Tây Phương

Anh đi, bao kẻ sầu, đau, tiếc

Người ở trăm chiều mộng, nhớ, thương


Thong dong rồi bước trần gian khổ

An lạc dừng chân chốn Niết Bàn

Thân ái chào Anh lìa cõi tạm

Bằng hữu nghiêng mình bên khói hương.

(B.T)


Chúng tôi đã “thân ái chào Anh”, và “nghiêng mình tưởng niệm” Anh. Dù Anh không còn trên trần thế này, nhưng ở thế giới nào khác, chúng tôi ước mong Anh mãi yên vui. Chúng tôi chào Anh, người huynh trưởng đáng yêu, người bạn văn đầm ấm, và trên hết, một người lính Việt nam Cộng hòa suốt đời giữ gìn được bản chất tốt đẹp của người sĩ quan Hải quân trong chiến tranh nghiệt ngã.


Cũng trong ngày hôm sau 08/12, gia đình chúng tôi trân trọng kỷ niệm ngày mất của Mẹ tôi, Người đã rời xa chúng tôi đã sáu năm nay. Kỷ niệm ngày giỗ của Bà năm nay, chúng tôi về chùa Giác Lâm ở thành phố Philadelphia – Pennsylvania, cúng dường Tam bảo, hồi hướng ân phước cho Bà. Chúng tôi không tổ chức nghi thức rườm rà, chỉ có hoa, trái, và cúng cơm chay. Chúng tôi nghĩ rằng Mẹ chúng tôi đã về Trời, vì lúc còn trên cõi tạm này, Bà là người phụ nữ rất đổi hiền dịu, không làm điều gì phật ý một ai. Mẹ tôi sống thọ ở tuổi chín mươi ba, đó là ơn phước từ Trời đã ban cho chúng tôi. Tôi chỉ có một thoáng ân hận vì hoàn cảnh phải bỏ Mẹ mà đi dong ruỗi xứ người thoắt đã gần ba mươi năm, và lúc Bà đi tôi đã thương cảm viết ra hai câu đối để thờ :


Một chuyến đi xa, Má đã yên vui miền Tiên cảnh

Bao lần đứng lại, con còn lận đận với nhân gian.


Cũng trong tháng Mười Hai này, ngày 17/12 là ngày kỷ niệm bốn mươi lăm năm nghĩa chồng tình vợ của chúng tôi. Ngày 17/12/1974 chúng tôi cưới nhau, và chỉ bốn tháng sau, miền Nam mất, và tháng 6/1975 chồng tôi bị tóm vào trại cải tạo. Ngày xưa khi Từ Hải chia tay Thúy Kiều, văn hào Nguyễn Du đã viết hai câu thơ nỗi tiếng :


Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)


Đó là hoàn cảnh của chúng tôi. Cám ơn Trời, Phật, chồng tôi đã trở về Saigon sau gần mười năm biệt xứ. Trong thời gian xa cách đó, thỉnh thoảng mẹ anh ấy cứ nói với tôi :


-Bây giờ đã hơn năm năm rồi, không biết sự thể ra sao, tuổi xuân của con thì có hạn, nếu có ai ý hợp tâm đầu, con có thể bước thêm bước nữa!


Tôi choáng váng với câu nói đó của mẹ chồng. Bà không “đón gió” đâu, tôi biết vậy, vì bà là người miền Nam, rất hiền lành, chất phác, cả đời không ra khỏi nhà gia đình chồng, có thể nói không ra tới chợ của địa phương nữa mà…Tôi không nói gì, chỉ cười nhẹ, không trả lời câu nói của bà. Tôi làm sao làm được điều bà nói, vì bên nách còn có đứa con gái thật dễ thương năm tuổi. 

Khi anh vào trại tập trung, tôi đã mang bầu gần sáu tháng. Phải chăng đứa nhỏ là sợi dây vô hình cột chặt tình cảm của hai vợ chồng tôi!!? Hơn nữa, tôi là cô giáo, được lớn lên trong một gia đình lễ nghi, phép tắc, không thể đi dọc về ngang.

Sinh thời, trong vấn đề hôn nhân của các con, ba tôi thường nói :


-Ba cho chọn chứ không cho đổi.


Tức là ba tôi chủ trương không có việc thay chồng đổi vợ. Điều này quá khó trong thời đại bây giờ ở các nước phương Tây, và ngay cả ở trong nước. Cám ơn cuộc đời! anh em chúng tôi bây giờ cũng đã già, và đã làm đúng với mong muốn của ba tôi, dù trong đời sống vợ chồng làm sao tránh khỏi va chạm, xích mích, chẳng hài lòng về nhau? Có lẽ nhờ ân đức của cha mẹ, chúng tôi chẳng giàu có gì đâu, nhưng vẫn bình an trong đời thường có nhau. Ba tôi mất đã lâu, nhưng dáng hình, lời dạy dỗ của ông vẫn còn hiện hữu trong tâm trí các con. Trong bài thơ ngắn nói về ba, có đoạn tôi đã viết :


…Ba gieo nhân đức cho nhân thế

Để lại bình an cho các con.



Bây giờ đọc giả cho phép tôi nói một chút về “lão gia của tôi”.

Chúng tôi gọi chồng là “lão gia” là vừa có chút châm biếm, giễu cợt, vừa có chút trân trọng theo kiểu phim Tàu ngày xưa. 

Lão gia của tôi đã bảy mươi ba tuổi rồi, nhiều bệnh, đã nghỉ hưu từ ba năm nay. Cả ngày ông chỉ quanh quẫn vườn sau sân trước, chăm bón cây cảnh trong  những ngày Hè. Mùa Đông lạnh dữ dội, ông chỉ tiêu khiển bằng cách đi tập Gym. Vì tôi phàn nàn cái bụng nước lèo nên ông lo tập tành mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Than ôi ! người đi bên cạnh cuộc đời mình ngày xưa đẹp trai, oai phong, bây giờ rệu rã vì bệnh tật, vì tuổi già! Cuộc đời như đại dương mà mỗi người chúng ta chỉ giống là chiếc thuyền nan, biết đâu là bến bờ, biết nông sâu thế nào mà dò trong, lóng đục ? Những cặp vợ chồng già như chúng tôi họa hoằn lắm mới được ở chung với con, cháu, còn đa số ở riêng nương tựa nhau mà sống cho “qua ngày, chờ ngày.. qua đời”


Thưa Quý bạn đọc,

Tôi không bi quan đâu, vì tôi nhận ra rằng chúng tôi đang có bonus từ Thượng Đế nên ngày nào còn yên vui là ngày ấy cảm ơn cuộc đời này. Làm sao chúng ta biết được ngày mai !!?? (No-body knows tomorrow).

Tình yêu không còn hực hỡ như tuổi thanh xuân, nhưng còn là tình nghĩa, là sự trông cậy, nương tựa lẫn nhau. Tôi giống như đang ở trong chiếc thuyền nan giữa biển lớn, mưa gió bất kỳ, tôi làm sao giữ nỗi tay chèo !!??

Đã nói rằng tôi đã buông bỏ hết mọi ước mơ thì chưa đúng lắm. Tôi vẫn còn mơ ước bên kia bờ đại dương quê hương Việt nam có được Độc lập, dân mình có được Tự do, nhưng biết đến bao giờ !!??


Tháng Mười Hai Dương lịch ở miền Đông Bắc này, mùa Đông thật khắc nghiệt. Thời tiết lạnh lẽo. bầu trời u ám, mưa dầm. Nhiệt độ có khi xuống 0oF. Mấy hôm nay sáng sớm 17o. Gió lạnh buốt, nhưng có đôi ngày cũng có chút nắng mong manh.

Với cảm xúc về mùa Đông giá lạnh nơi đất khách quê người này, xen lẫn với tình thương yêu vô bờ bến đối với các em tôi, dâng ngập tự đáy tim, tôi đã cảm tác một bài thơ để ghi lại tình cảm chan chứa này với hai câu kết thật ưu ái :


…Vào Đông lạnh cả đất đất trời

Gửi em chút nắng thay lời cảm ơn.

(Có Em – SL. 2006)

 

 Sự ấm áp đó là những ngày phép của đứa cháu từ Base Huachuca-Arizona trở về nhà sau gần một năm ở quân trường. Cháu trai này tiếp tục bước chân của cha chú thời xa xưa, trở thành người sĩ quan của Quân lực Hoa Kỳ.


Thời gian qua nhanh như giòng thác đỗ. Ngày gia đình chúng tôi rời Saigon, chú nhóc này chỉ vừa tròn tháng tuổi. Mới đó cháu tôi đã gần ba mươi tuổi đời. Trong quân phục ngày về thăm nhà, tôi không kìm được nỗi xúc động khi gặp cháu mình.

Tôi xúc động vì hình ảnh người lính Việt nam Cộng hòa năm mươi năm trước của anh tôi, các anh, các bạn của tôi, của chồng tôi nay lại được tái hiện ở thế hệ thứ hai là đứa cháu ngày nào tôi ẵm ngữa trên tay, lúc bịn rịn giã từ mọi người theo chồng đến xứ người :


Lịch sử bây giờ đang lập lại

Giữa miền Đông Bắc xứ Cờ Hoa.


Đúng vậy, hình ảnh người lính Mỹ gốc Việt luôn là niềm hãnh diện, nỗi xúc động âm thầm trong tâm hồn tôi. Cháu tôi đang nói lời “Thank you America” cho cả gia đình tôi, đang ở Mỹ cũng như những người thân còn ở lại quê nhà.


Tháng Mười Hai với đèn, hoa ngập lối, với hàng triệu trái tim hớn hỡ đón chờ ngày Chúa Giáng Sinh. Đây là ngày Lễ của thế giới, không chỉ là của các tín đồ Thiên Chúa :


Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Thiện tâm.


Lời của Chúa Jesus mãi còn đọng lại trong trái tim già nua, héo hắt của tôi, bây giờ, và mãi mãi : “Ta đi, ta để lại Bình an cho các con”.


Ngày Lễ Giáng Sinh là ngày của Bình An, đầm ấm, sum họp. Đó cũng là ngày Lễ của Tha thứ, Chia sẻ, Cảm thông để người, và người biết thương nhau, dẹp bỏ hết những ganh ghét, tị hiềm. Đây là ngày Lễ của con tim mở rộng chào đón Chúa giáng trần, chào đón tình yêu của nhân loại.


Tháng Mười Hai sẽ qua, năm mới Dương lịch 2020 sẽ đến. Chúng ta chờ mong những điều May mắn, Tốt đẹp cho hòa bình thế giới, trong đó có nền dân chủ, tự do cho nhân dân Việt nam.

Ngày tháng sẽ trôi xuôi. Hiện tại sẽ trở thành quá khứ. Tất cả rồi sẽ trở thành kỷ niệm. Ký ức của mỗi con người cảm nhận về tháng Mười Hai ; tháng cuối cùng của một năm ; với những vui buồn, hồi ức, nhớ nhung, tưởng niệm. Người viết chỉ mong được san sẻ chút lòng bâng khuâng trong mùa Đông lạnh giá đến sững sờ.


Vui buồn trong tháng Mười Hai sẽ khép lại như cánh màn nhung sau buổi diễn, và sân ga cuối cùng của cuộc đời người già như chúng tôi đang thấp thoáng đằng kia. Con tàu đêm sẽ đến sân ga đó, giờ khắc không bao giờ báo trước với một ai !


Với tất cả lòng yêu thương, và quí trọng, người viết xin được phép thân chúc mọi người trên thế giới được Bình An, đầm ấm mùa Giáng Sinh, và năm mới 2020, với những tin vui mới về chính trị, kinh tế trong xã hội loài người tràn trề tình thương yêu.


Cuối bài, xin thêm một lần cảm ơn nhà văn Vũ Bằng với “Thương Nhớ Mười Hai” của ông, đã là nguồn cảm hứng cho người viết trong tháng Mười Hai 2019 với  “..Những buổi mây chiều gió sớm, sầu biệt ly vơi sáng đầy chiều..” (1).


(1) Trích trong “Thương Nhớ Mười Hai” Vũ Bằng.



Song Lam.

Mùa Giáng Sinh.

Cherry Hill-NJ, Tháng 12/2019.         


    

 

Ý kiến bạn đọc
07/02/202017:59:16
Khách
Đọc bài này xong thấy buồn, bâng khuâng. Viết rất hay. Cám ơn bạn, Song Lam.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
Có một Ông Già Noel như thế, mang họ Nguyễn trên đất nước Hoa Kỳ này. Không rõ tôi gọi như thế có bị xem là sai phạm luật đạo gì không, vì tôi không phải tín đồ Công Giáo, nên những so sánh văn chương có thể không thích nghi với luật đạo. Nhưng, nếu gọi Ông Già Noel là người mang những món quà yêu thương tới cho những người tội nghiệp trên trần gian này, thì ông cụ họ Nguyễn đó còn mệt nhọc hơn nữa, vì trong hơn hai thập niên, ngày nào cũng là ngày để ông tặng quà yêu thương, nghĩa là, ngày nào ông cũng thấy là ngày Lễ Giáng Sinh và ông hóa thân ra thành 365 Ông Già Noel để bận rộn trọn năm (Đúng ra, nên trừ các ngày cuối tuần mới chính xác, nhưng như thế là chẳng văn chương gì cả).
Mùa Đông năm 1975 gia đình tôi dự Lễ Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nhớ rất rõ đêm Giáng Sinh đó, hình ảnh đó cho đến ngày hôm nay, gần 50 năm sau vẫn hiện ra rõ rệt...
Năm 1954 và 2024 là hai năm đánh dấu 70 năm ngày đất nước chia đôi, dòng sông Bến Hải đã làm biên giới giữa hai miền. Miền Bắc thuộc về Cộng Sản, miền Nam là vùng Quốc Gia tự do...
Ông già đi vào phòng ngủ. Hai cái gối ở đầu giường ngểnh cổ nhìn ông. Ông nheo mắt nhìn lại chúng nó. Hình như cái gối của ông còn nhoẻn miệng cười. Còn cái gối của vợ ông thì nheo một con mắt, cái kiểu đá lông nheo của cô gái nghịch ngợm. Ông khẽ lắc đầu. Và ông nhắm chặt hai mắt. Loay hoay một hồi, ông ra phòng khách, nhìn trước nhìn sau. Cái ti vi dán vào vách tường nhìn ông dò hỏi. Ban nãy ông đã tắt tiếng, chỉ để hình nên ông không hiểu nó muốn nói gì.
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” để chỉ một khu dân cư gồm toàn những người theo Ki Tô giáo sống chung, sinh hoạt với nhau chung một niềm tin. Xóm Đạo không nằm giữa lòng đô thị, không phố xá nhà cao cửa rộng, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có đường lớn, không chợ búa đồ sộ bán buôn tấp nập…
Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận. Những năm học tiểu học, 1956-61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc...
Không hiểu sao Ông Già Noel lại đọc được tất cả thư của trẻ em trên khắp thế giới! Vậy Ông là ai? Ông có thật hay không? Nhà của Ông ở đâu? Đó là những câu hỏi quá quen thuộc mà các bé vẫn đặt ra, làm cha mẹ của các bé khó trả lời, có chăng là những câu trả lời để tránh làm các bé thất vọng...
Nhà vẫn đơn côi bên bờ sông. Gió về mở hội từng đêm. Đom đóm về thắp đèn. Ánh sáng lập lòe dọi qua cánh màn mỏng ngả màu vàng như quả dưa gang. Mẹ Thời ngồi đó trông ra, chiếc quạt để đầu giường. Bà lấy tay xua xua những con muỗi. Thằng Đắc đã viết gì về chưa con? Chưa mẹ ạ, có gì con sẽ báo. Mà mẹ cũng đừng nghĩ ngợi nữa, tuổi này ta sống thế này có phải vui không? Sau tiếng vui, Thời huýt một đoạn sáo gợi lên những ca từ dí dỏm lắm trong một bài hát, tiếng sáo đi xa tận ngõ, nghe được cả tiếng cá đớp ở con lạch cạnh bờ sân chạy vào. Mẹ Thời thở mạnh một cái, nó buồn hay vui bà đâu biết.
Trên vùng đồng bằng im lặng, những người chăn cừu bước đi một cách nghiêm trang, mang những lễ vật khiêm tốn của mình đến dâng cho Chúa Hài Đồng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.