Hôm nay,  

Áo Gấm Về Làng

02/02/202017:35:00(Xem: 3846)


 Ngoài sảnh cả một biển người loi nhoi dáo dác tìm người thân của mình, Dean D mũ lệch, kiếng đen bước đi khệnh khạng ra vẻ lắm, nhiều ánh mắt nhìn theo tỏ vẻ thèm thuồng pha lẫn ngưỡng mộ. Dean D thấy khoái chí nhưng giả vờ làm lơ, ra vẻ ngóng tìm người nhà nhưng thực ra đang cố khoe mẽ với đám đông đang bị mê hoặc bởi cái gió hải ngoại. Dean D tận hưởng cái sự xênh xang áo gấm về làng, cái giây phút thấy mình trở nên có giá cao hơn hẳn đồng loại của mình một bậc, phút giây hãnh diện này đánh đổi bằng cả một thời gian dài đằng đẵng cày như trâu ở xứ người. Y còn đang dương dương tự đắc thì người nhà trông thấy kêu gọi ầm ĩ, chưa kịp tay bắt mặt mừng thì y đã kêu toáng lên:

 - Nóng quá, ồn quá sao chịu nổi?

 Những người xung quanh cũng chẳng ai quan tâm y nói gì, vả laị ai cũng chăm nhìn ở cữa ra xem người nhà mình xuất hiện chưa, ấy thế mà sau lưng y laị có một khứa nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sàn. Dean D laị kêu lên:

 - Trời đất, sao mà mất vệ sinh thế! 

 Người nhà bèn keó y đi thẳng ra xe, sau khi chạy khoảng bốn tiếng thì tấp vào một quán nước ven đường để nghỉ ngơi và đi vệ sinh. Mọi người kêu bia ra uống, Dean D tợp một ngụm rồi nhận xét:

 - Bia ở đây lạt quá, không biết đá lạnh có hợp vệ sinh không nữa? 

 Mấy người anh em của y thoáng nhíu trán nhưng nhanh chóng lấy laị vẻ bình thản và bâng quơ đùa:

 - Anh Dean về đây chơi nhớ cẩn thận, nếu không mấy em chân dài sẽ móc sạch bóp.

 - Dễ gì, anh đây đâu phải tay mơ, Dean trả lời 

 Mà quả thật vậy, ăn được tiền của y quả là không dễ đâu! Dean đi chợ cò kè so giá từng xu, chín đồng rưỡi ráng góp thành mười, làm gì có chuyện cho ai khơi khơi bao giờ! 

 Về đến nhà, Dean cho thằng cháu đi mua chục két bia về ăn nhậu tưng bừng, tiếng khui bia lốp bóp, tiếng cụng ly leng keng, tiếng cười hô hố, tiếng tranh nhau nói…ầm ĩ cả xóm. Dàn karaoke được mở hết cỡ, những giọng ca giật giải miệt vườn thi nhau tra tấn lỗ nhĩ bà con lối xóm. Men vào thì lời ra, ai ai cũng tranh nhau hát, tranh nhau nói… nhưng hễ Dean tỏ ý muốn hát là lập tức mọi người nhường micro cho Dean liền. Dean cũng là người nói nhiều nhất: Chuyện chính trị, chuyện bóng đá, chuyện tôn giáo, chuyện trên trời dưới đất, chuyện giàu sang xứ mẽo, chuyện lạ có thật… nhưng thật bao nhiêu phần trăm thì chỉ có y mới biết, quả thật người ta nói đâu có sai:” Mạnh vì gạo bạo vì tiền”! Ở cái xóm naỳ thì Dean là mạnh nhất rồi nên nói thao thao bất tuyệt. Thằng Tí trong xóm, vốn là bạn thân từ thuở còn cởi truồng tắm mưa bất chợt hỏi:(hồi ấy Dean còn là cu Đực, sau này sang mẽo mới đổi thành Dean)

 - Cu Đực, ở bển mầy làm gì dzậy? 

 Dean thoáng vẻ không hài lòng vì kiểu thân mật gọi cái tên ngày xưa nhưng vẫn trả lời:

 - Tao làm kỹ sư hoá chất.

 - Thế bà xã mầy làm gì?

 - Vợ tao làm chuyên viên săn sóc sức khoẻ

 Nhiều tiếng xuýt xoa thán phục

 - Hồi ấy cu Đực cũng như bọn mình, vậy mà giờ thành công quá, giỏi giang quá! thảo nào tiền bạc rủng roẻn, xài mát trời ông địa luôn. 

 Lần này Dean tỏ vẻ khó chịu khi nghe gọi tên cu Đực, mặt sa sầm xuống, bọn bạn có kẻ lanh trí liền tâng y lên:

 - Nó giờ là Dean D nghe tuị bay! 

 Lập tức y cười khoái chí nhưng giả đò:

 - Gọi sao cũng được mà, không quan trọng! 

 Suốt buổi nhậu Dean cứ chêm vào: Oh my God, Bullshit, oh yeah, perfect… có người hiểu, có người không hiểu nhưng ai ai cũng chăm chăm nâng ly, dô dô trăm phần trăm chứ chẳng hơi đâu mà tìm hiểu tiếng Tây, tiếng u.

 Cuộc vui tưng bừng đến tận giấc xế luôn, men đã ngà ngà, Dean lè nhè:

 - Honey biết hông? tức chết đi được, tuần rồi anh đắp bộ móng cho con Barbara, móng gì mà khó đắp quá trời, đã vậy làm xong nó chê xấu, không trả tiền. Anh phải tháo bỏ, vừa tốn công vừa mất thời giờ, thế mà nó còn cà chớn hỏi:” Tụi bay làm nails bao lâu rồi? có bằng không?”. Anh phải nhịn nó, vì lúc ấy trong tiệm còn nhiều người khách khác. 

 Jenny L, vợ Dean cất giọng oang oang:

 - Honey, vậy là còn đỡ đấy! em chà chân cho con đen cả tiếng luôn, chân gì mà dơ và thúi hoắc, da thì dày như da trâu… chà xong hết muốn ăn cơm! Ấy vậy mà nó tính quỵt, la lối ầm ĩ, chê bai đủ thứ…kiếm được đồng tiền quả chua cay quá! 

 Đám bạn có người cười mỉn, có kẻ cười khúc khích. Riêng thằng cu Đẹn thì cười hô hố:

 - Không ngờ tụi mẽo cũng cà chớn, cứ tưởng xứ mình mới có ăn quịt! 

 Cu Đẹn là bạn học từ phổ thông, nó là người nhiều chữ, học cao nhất trong đám bạn. Nó lấy được bằng cử nhân văn chương, mọi cuộc gặp mặt ai cũng khoái nghe nó kể chuyện. Nó kể rất duyên, hóm hỉnh và hài hước, chuyện gì nó cũng biết cả: Đông- tây-kim-cổ…Dĩ nhiên cuộc vui hôm nay cũng không ngoại lệ, mọi người yêu cầu nó kể chuyện nghe chơi. Cu Đẹn uống cạn ly bia rồi thủng thẳng:

 “ Năm ấy Tề vương ngồi đọc sách ở bên đình thủy tạ, anh xà ích dắt ngựa đi qua thấy bèn hỏi: “Đaị vương đọc sách gì?” Tề vương đang vui nên muốn hí lộng:” Ta đọc sách ngu tử”. Tay xà ích tán:” Người ngu biết mình ngu là trí, người trí không biết chỗ mình ngu ấy là ngu vậy! trí – ngu tuy giống mà khác, tuy khác mà giống!”. Tề vương cười hứng chí bảo:” Ngươi nói tiếp “. Anh xà ích tám:” Người trí không có tiền cũng thành ngu, người ngu có tiền cũng thành trí. Thời thế mà không có tiền thì thời thế bỏ đi, có tiền cũng có thể tạo ra thời thế. Anh hùng mà không có tiền thì khác gì tiểu nhân, có tiền mà không có đức thì chẳng sao, có đức mà không có tiền thì lấy cức gì ăn…” Tề vương cau mày bảo:” Thôi! đừng nói những gì vượt quá cái bánh xe ngựa của ngươi!”

 Cả bọn cười bò lăn bò càng, có người bảo:” May cho anh xà ích, Tề vương chưa nổi giận.”. Bạn bè cũng ngầm thấy cu Đẹn có ý chỉnh cu Đực, Dean gỡ thẹn:

 - Cái móng tuy nhỏ nhưng laị lớn, nhờ nó mà người ta mới mua nổi nhà, xe, nuôi con ăn học, gởi tiền về quê mua đất, rồi những chuyến “y cẩm hồi hương”… 

 Có vài người bất chợt nhìn cái móng của mình, có kẻ còn lấy tay sờ mà tặc lưỡi. Dean nói đúng, nếu không có nghề nails thì sẽ vất vả lắm đấy! 

 Buổi tối, cả đám kéo vào vũ trường trong thị xã chơi. Dean giày bốt áo thun, cu Đẹn giày đen, thằng Tí và mấy khứa khác chơi đôi giày thể thao. Vừa lọt qua cữa cách âm là cả một không gian khác, đèn led chớp quét loang loáng, âm thanh dập muốn bể tim. Dean làm ra vẻ sành điệu, bảo anh bồi:

 -  Em trai, cho anh chai sương mù. 

 Anh bồi nói: 

 - Ở đây giá chót phải là Chivas anh ơi, không ai uống sương mù cả! 

 Dean bóp bụng:

 - Vậy thì Chivas.

 Rượu mang ra, mấy em cave vây quanh ưỡn ẹo ngọt xớt, tự khui rượu rồi mời cả bọn. Phải công nhận mấy em uống như rồng lấy nước, nâng ly liên tục, nghề của mấy em mà, làm không lương, chỉ hưởng tiền boa của khách và ăn chia trên số chai. Để làm giá cho cả bọn, thằng Tí giới thiệu với mấy em:

 - Đây là anh Dean, Việt kiều Mẽo mới về chơi. 

 Mấy em cave lập tức nâng ly mừng anh Dean, mấy em rành sáu câu ba cái vụ này quá mà, bởi thế càng ra sức tâng bốc Dean để kiếm tiền boa, một em tên Kim chả chớt:

 - Mấy ảnh ở bển về toàn là dân kỹ sư, bác sĩ không hà. Mấy ảnh chơi sộp lắm, năm rồi có anh ga lăng cho em một chiếc xe future đời mới luôn! 

 Kim trang điểm giống hệt mấy em hàn Quốc, Dean thấy khoái, kéo laị định hôn. Kim õng ẹo:

 - Anh ở bển về chắc hổng biết luật chơi ở vũ trường? 

 Dean bèn lấy tờ hai mươi đô nhét vào khe ngực để trễ tràng của Kim, cô ta hôn cái chụt lên má Dean. Cả bọn nhảy tưng tưng, quất hết hai chai Chivas, một giờ sáng gọi taxi về. Hôm sau tỉnh rượu, Dean tiếc đứt ruột, bụng bảo dạ:” Mất toi một tuần lương cho một đêm”. Đã thế vợ còn tru tréo:

 - Ông đi bia ôm chơi bời, coi chừng dính sida. 

 Thế rồi cô ta bỏ cơm nhà, ra chợ ăn quà. Dean theo năn nỉ gãy lưỡi, tụi thằng Tí, cu Đẹn, con Mén… cười:

 - Tưởng sao, té ra hổng phải hàng xịn.

 Cu Đẹn còn văn vẻ, bệnh nghề nghiệp mà:

 - Nhác trông ngỡ tượng tô vàng

    Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa 

 Thế là mấy ngày kế nghỉ nhậu, ngày thứ ba mới gầy độ laị, lần này thằng Mùi tham gia. Nó mới về từ cao nguyên, mang theo hũ rượu cần chính gốc của người Ba Na. Ban đầu Dean ngaị, thấy mọi người hút chung mấy cái vòi nên chê dơ. Tụi bạn khích tướng:

 - Mầy hút thử đi, ngon lắm! vi trùng nào sống nổi với lượng cồn này! 

 Dean hút thử một hơi, chép chép miệng khen:

 - Tuy không sang trọng và mắc tiền như rượu Tây nhưng thơm và ngon, cái quý nữa là không có hóa chất. 

 Thằng Mùi góp vui:

 - Nghe nói ở bển tân tiến và hiện đaị lắm phải không mậy? phi thuyền của nó bay là là sát mặt đất sao hoả.

 Cả bọn ừ à, Dean cũng chưa nói gì thì nó tiếp:

 - Nói thì nói vậy chứ cũng cách mặt đất một gang tay. Tụi Nga cũng giỏi lắm, tàu ngầm nó lặn sát đáy biển, cũng chỉ cách một gang tay. Các nhà khoa học giỏi thật nhưng không nhằm nhò gì so với các bà mẹ của họ.

 Nhiều người nhao nhao:

 - Bộ các bà mẹ của họ cũng chế được phi thuyền, tàu ngầm sao? 

 Thằng Mùi đủng đỉnh một tí rồi mới bảo:

 - Các bà mẹ của họ tạo ra họ cũng chỉ cách rốn một gang tay! 

 Bàn nhậu cười ngả nghiêng, cứ thế những cuộc nhậu kéo dài suốt hai tuần liền. 

  Những ngày gần tết, hội ruột rà yêu nước tổ chức hội nghị trên thành, địa phương cử người đến nhà Dean D.

 - Anh hãy ủng hộ địa phương một ít tài chánh để xây dựng quê hương, địa phương sẽ cử anh lên thành dự hội nghị yêu nước. 

  Dean  đồng ý đóng một số tiền và lên thành phó hội, sau khi nhiều tay có máu mặt đăng đàn phát biểu. Những tay cơ hội làm ăn cũng lên ba hoa kế hoạch này nọ, khi gần kết thúc, ban tổ chức cho mời Dean đaị diện tỉnh nhà phát biểu:

 - Chúng tôi xin tri ân triều đình, các ban ngành đoàn thể đã tạo điều kiện cho anh em chúng tôi về xây dựng tương lai. Chúng tôi vô vàn cảm kích sự lãnh đạo sáng suốt tài của triều đình. Suốt bao năm dài tha hương chúng tôi luôn được các cấp theo dõi, quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thật không sao nói hết lòng biết ơn của chúng tôi…

 Báo chí đưa tin, ti vi phát sóng ồn ào. Dean thấy mình trên ti vi thì hãnh diện lắm, vẻ mặt nhơn nhơn, cuộc nhậu nào cũng khoe:

 -  Mấy anh em có xem ti vi tối hôm hăm ba tháng chạp hông? 

 Bạn nhậu có kẻ cười khì, người cười mím chi, riêng thằng Mùi thì huỵch toẹt

 - Mầy được lên ti vi chứ gì? mầy là thành viên hội ruột rà yêu nước gì đó, ai mà hổng biết! mầy phát biểu như pháo chuột nổ lẹt đẹt hôm đưa ông táo dzià trời.

 Dean giận xám mặt nhưng không biết ăn nói làm sao nên nín thinh

Dean ở chơi đến tháng thứ tư mới bay về laị. Xóm giềng thắc mắc:

 - Bộ thất nghiệp hay sao ở lâu vậy? người khác về có hai tuần là vội vàng đi rồi cơ mà! 

 Trong xóm có kẻ ra vẻ thông thái:

 - Thằng Đực làm nghề tự do, thích thì làm không thích thì thôi, có ràng buộc gì đâu mà sợ. 

 Dean bay về laị Mẽo, mọi người thở phào:

 - Thằng Đực về laị mẽo, thế là bớt một giọng ca karaoke, nghe đâu sang năm nó laị về! ý quên, giờ nó là thằng Dean. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG 

Ất Lăng thành, 1/2020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.