Hôm nay,  

Vải Bao Cát

31/01/202000:00:00(Xem: 4781)
Cao Xuan Huy
Nhà văn Cao Xuân Huy 

 

 

Lời tòa soạn: Nhà văn Cao Xuân Huy sinh 1947, nguyên quán Bắc Ninh, đi lính 02/1968, bị bắt làm tù binh 03/1975, vượt biển đến Mỹ 10/1983, nguyên Tổng thư ký tạp chí Văn Học, mất 11/2010. Ông viết ít, xuất bản chỉ hai tác phẩm: Tháng Ba Gãy Súng, thể dạng bút ký chiến tranh, và tập truyện Vài Mẩu Chuyện. Đề tài ông viết thường xoay quanh cuộc chiến Việt Nam vì suốt thời thanh xuân ông cầm súng chiến đấu không ngừng, thân thể hơn một lần hằn vết thương chiến tranh và khi cuộc chiến kết thúc thì cả tâm hồn lẫn thể xác bị đày ải trong các lao tù cải tạo Cộng sản. Cuốn Tháng Ba Gãy Súng ông viết sau khi đã vượt thoát ra hải ngoại, cuốn sách ghi chép lại cuộc tháo chạy kinh hoàng của quân dân miền Nam sau khi thua trận, đầu hàng, tái bản ít nhất 14 lần, được xem là một trong những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam trung thực nhất. Cuốn sách gắn liền với tên tuổi tác giả, nhắc đến Cao Xuân Huy người ta nghĩ ngay đến nhan đề Tháng Ba Gãy Súng. Ông cũng là một trong những thành viên trụ cột của tờ tạp chí Văn Học cùng với nhiều nhà văn khác như Nguyễn Mộng Giác, Trịnh Y Thư… Việt Báo hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả bốn phương truyện ngắn Vải Bao Cát dưới đây, một truyện ngắn tiêu biểu cho đề tài và phong cách văn học của nhà văn Cao Xuân Huy. (Được biết NXB Văn Học Press trong năm 2020 sẽ cho xuất bản Cao Xuân Huy Toàn Tập, nhân dịp giỗ năm thứ 10 của nhà văn.)

 

*

 

Hùng mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Hùng cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai... Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em...

   Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Hùng bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi “con”, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.

   “Hùng, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”

   Lại cái thằng Phương lý tài, Hùng giấm giẳn:

   “Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”

   “Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”

   “Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời...”

   “Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn... còn than gì nữa?”

   “Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, “nhìn ” còn không có, có chi “chi”. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”

   “Ly tán? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”

   “Ừ thì “ngộ cố tri.’”

   Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Hùng quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.

   Đã bao năm rồi không thấy nó,

   Mà ta vẫn sống, có lạ không?

   Hùng lắc đầu, vậy mà cũng đòi làm thơ, lạ mẹ gì, thi sĩ mà không có óc tưởng tượng, hoặc kiếm được gì gợi hứng cho sự tưởng tượng, anh mới than thân như vậy. Chứ còn như ta đây:

   Ta “sờ râu” ta cho đỡ nhớ

   Không thanh tâm tuyền,

   Không Thanh Tâm Tuyền!

   Hùng bật cười, vừa ngâm nga một cách thú vị, vừa đưa tay xoa xoa, sờ sờ cái cằm lởm chởm râu. Bộ râu chẳng phải vật “tư hữu” của Hùng là gì. Vậy mà, có mỗi bộ râu để “sờ”, anh chàng cũng phải để một cách lén lút. Mà râu thì ở ngay trên mặt, ở ngay trên cằm chứ có kín đáo gì cho cam, để lén thế quái nào được, làm sao mà để “chui” cho được, hơi lởm chởm thế này cũng đã là một kỳ công rồi. Thành thử ra...

   Ta sờ râu ta cho đỡ nhớ...

   Râu thì cũng lại đành là, có đủ đâu để mà sờ, nhưng chút nữa đây, một chút nữa thôi, cái “cố tri”, cái mà Hùng phải sờ râu “cho đỡ nhớ” sẽ hiện ra, ngay trước mặt, bằng “xương”, bằng thịt.

Mắt Hùng sáng lên khi thây toán tải thương thâp thoáng ngoài cổng trạm xá. Ta đợi em từ ba mươi năm. Cuối cùng thì Hùng cũng sẽ được nhìn, có thể còn được cả chạm tay vào cái “em”, cái mà lâu nay anh chàng chỉ được nhìn ngắm, chiêm nghiệm qua trí nhớ, mà mấy năm nay anh chàng chỉ được sờ, được mân mó qua chính cái... cằm của mình. Cái “em” ấy đang đến gần, đang tình cờ đến gần và lọt thỏm vào tầm tay Hùng.

   Hùng đã phải năn nỉ, ỉ ôi, đã phải nộp nguyên phần ăn sáng ngày hôm sau cho cái thằng Phương nhất định giành “công tác” cầm đèn với mình. Đói thì đã đói rồi, nhịn thêm một bữa ăn sáng cũng vẫn chỉ là đói, chứ có thằng Tây nào chết đâu. Nhịn phần ăn sáng để đổi lấy việc cầm đèn.

   Cầm đèn!

   Ừ, cầm đèn. Chỉ cần nghĩ đến cảnh một chút nữa đây, tay trái cầm đèn soi thật rõ để tay phải lần cởi cái cúc áo, nhẹ nhàng cởi cái giải rút... Trời ơi, Phương ơi, dù có phải nộp mười phần ăn sáng cho mày tao cũng ừ, chứ đừng nói là có mỗi một phần. Thiên hạ cứ hay nói “ăn cái giải gì” một cách ngon lành, mà chắc gì đã hiểu được cái giá trị “kinh tế vĩ đại” này. Thế hóa ra cái “giải rút”, trong một vài trường hợp cũng “ăn” được đấy chứ, Phương nhỉ.

   Toán tải thương dùng võng cáng vào phòng mổ một người con gái bị trúng mảnh đạn M-79 khi cô nàng đang cuốc đất. Nhìn con mồi mơn mởn nằm trên võng, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh, Hùng mỉm cười. Qua kinh nghiệm, rõ ràng là cô nàng thiếp đi vì sợ, chứ vết thương tuy nhiều, máu ra cũng khá, nhưng, ối giào, một loại kiến cắn, cao lắm cũng chỉ ngang với gà mổ là cùng, đâu nguy hiểm đến nỗi mà phải ngất đi như thế kia.

   Bác sĩ Thông, buông dao đang băm dây lang nấu cháo heo xuống, rửa vội tay trong thau nước, quẹt quẹt hai tay vào hai bên hông, rồi chạy thẳng vào phòng mổ. Thiên chức thầy thuốc khiến bác sĩ Thông nhà ta đành phải buông dao nuôi heo chuyển sang cầm dao cứu người.

   Phòng mổ, một gian nhà tranh, vách trét đất, bên trong kê một cái bàn bằng gỗ tạp để dao kéo.

Giường mổ, một cái chõng tre, có giăng mùng để che ruồi.

   Hùng mặt mũi hớn hở đứng sẵn trong mùng, tay cầm đèn quơ qua quơ lại trên thân thể cô gái lúc đó vẫn chưa tỉnh, miệng không ngớt réo Phương đang ngồi hì hục quay máy phát điện bên ngoài:

   “Mạnh tay lên chút coi. Đèn mờ quá.”

   “Mờ cái gì? Có câm mồm đi không?”

   “Mẹ kiếp, một bữa ăn sáng, nhớ nghe con.”

   Bác sĩ Thông cười cười:

   “Cũng mua bán được à?”

   “Mua chứ! Ba bốn năm nay mới có một thuở mà, ông ơi. Vợ con thì đã chẳng...”

   “Còn thằng Phương?”

   “Nó dân địa phương ông ơi, vợ nó ở ngay đây, lâu lâu vẫn “mang” vào cho nó. Ít nhất thì dù lén lút, ‘xuân thu’ nó cũng còn được ‘nhị kỳ.’”

   “Thôi đủ rồi cha nội, làm việc đi. Mà cởi từ từ thôi nghe. Chỗ mấy vết thương, nhẹ tay nghe cha.”

   “Yên tâm đi bác sĩ. Chỗ nào cũng nhẹ tay hết. Mọi chỗ, mọi chỗ đều nhẹ tay, nhẹ tay...”

   Dù hai hàm răng đang trong thời kỳ giống như miền Nam vào những ngày cuối tháng Tư, Hùng vẫn dùng răng ngậm đèn để rảnh tay cởi quần áo cô gái. Cố gắng dùng thật ít ngón tay để cởi cúc áo, mấy ngón còn lại Hùng cố tình vi phạm hiệp định, lấn đất giành... da!

   Người con gái vẫn nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền.

   Bác sĩ Thông nhìn Hùng, khó chịu, hơi gắt:

   “Nhanh tay lên! Cái ngữ anh, chỉ cần làm y tá một buổi là tôi tống cổ ra tác chiến rồi.”

   Hai hàm răng Hùng vẫn cắn lấy cái đèn:

   “Thế ông mới là bác sĩ. Chứ tôi có phải là bác sĩ đâu mà ông không cho tôi động lòng... lương y như từ mẫu.”

   Hùng vừa banh áo cô gái ra, vừa lẩm bẩm một mình:

   “Cha mẹ ơi, gái quê, suốt ngày ngoài nắng mà sao da thịt trắng đến thế này!”

   “Ông đang ‘khấn tiên sư’ gì đấy?”

   “Con khô mực này đâu có banh ra được, phải cởi ra chứ?”

   “Làm lẹ đi cha nội!”

   “Ông cầm hộ tôi cái đèn.”

   Hùng vòng hai tay ra sau lưng cô gái, mũi dí sát vào một bên cổ cô nàng hít hít. Mùi khét nắng từ tóc, mùi hơi thở từ miệng, mùi da thịt giống cái từ dưới vành tai thốc thẳng vào mũi Hùng. Mê mẩn, lúc này, mùi gì từ trong thân thể cô gái toát ra mà chẳng làm anh chàng mê mẩn. Không biết vì lâu ngày không “nhớ chỗ” hay vì cố tình lính quýnh, mà anh chàng cứ như thằng hậu đậu, loay hoay mãi mới tháo được cái móc.

   “Ôi chao” trắng quá nhìn không “da.”

   Hùng liếm môi, Bộ ngực bi thương “co... ó... ” rợn tình. Hai cái núm như hai “nốt ruồi son” đỏ hồng, con gái nguyên si? “Vú em chum chủm chũm cau, Cho anh bóp tí, nhỡ đau anh đền.” Trời ơi! Thế này thì có chết người ta không cơ chứ. Chết chứ, chết thật chứ chẳng chơi. Đền, nhất định là anh đền, dù đền bằng gì anh cũng vẫn cứ đền. Vẫn là cứ đền...

   Những vết thương loang máu trên bụng, trên ngực làm cho nước da càng như trắng thêm. Da trắng thế này mà bì bạch thì phải biết! Anh chàng ngẩn ra, bị hai “nốt ruồi son” thôi miên mất rồi.

   “Cởi nốt cái quần, rồi xê ra cho tôi làm việc!”

   Tiếng bác sĩ Thông khiến Hùng chợt tỉnh. Bây giờ mới bắt đầu vào cao điểm của “chiến dịch tiến chiếm mục tiêu.”

   “Cố tri” ơi, ta sắp “ngộ” nhau rồi!

   Hai mắt Hùng hau háu.

   Hai tay Hùng lính quýnh.

   Hùng từ từ kéo quần cô gái xuống.

   Hồi hộp.

   Đợi chờ.

   Trời ơi, bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày. Hôm nay tao mới gặp mày, “cố tri” ơi. Không còn phải tưởng tượng nữa, không còn phải sờ râu nữa. Tao sẽ nhìn mày tận mắt, tao sẽ bắt mày tận tay, tao sẽ day mày tận...

   Hùng háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng...

   Bất chợt, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại.

   Lúng túng.

   Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.

   Ngập ngừng.

   “Làm gì mà đứng nghệt ra vậy?”

   Hùng như không nghe tiếng bác sĩ Thông, vẫn đứng trơ ra, mắt như dán vào mảnh vải che phần dưới thân thể cô gái.

   Đờ đẫn.

   Thẫn thờ.

   Mắt Hùng như dại đi.

   Trong đầu, chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng   bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao cát... Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì ấy đã in đậm trong tâm trí Hùng, trở thành nỗi ám ảnh triền miên.

   Và, bao cát, phương tiện thô sơ tận cùng, có mặt khắp mọi ngõ ngách của chiến tranh, bảo vệ người sống, chôn vùi người chết, đẫm máu người banh thây, mà lại còn có mặt như thế này sao? Phải thôi chứ, phải hết rồi chứ. Bao cát, sao lại bao cát, chiến tranh đã hết rồi mà, đã hết lâu rồi mà.

   Chém giết đâu còn nữa mà trong đầu Hùng chập chùng những hình ảnh cố quên. Đạn bom đâu còn nữa, mà trong tai Hùng vang dội những âm thanh đã cũ. Chỉ vì miếng vải thô nhám này sao?

Hùng dụi mắt, quẹt mồ hôi trán, cố trấn tĩnh nhìn lại thêm một lần nữa miếng vải duy nhất còn lại trên thân thể cô gái. Và bỗng dưng, thấy tràn ngập trong lòng một niềm cảm động, xót thương.

   Bằng tất cả gượng nhẹ, với tất cả ân cần, Hùng cúi xuống gỡ nốt phần vải thô nhám loang những vết máu khô. Chàng lẩm bẩm nói với cô, như thầm nói với người thiếu nữ thịt da bầy nhầy dính vào những bao cát trên nóc hầm trú ẩn ngày nào:

   “Khốn khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho đất nước tang thương này. Nhưng chiến tranh đã qua rồi, chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi. Yên tâm đi cô bé, vết thương cô sẽ lành. Mọi vết thương đều sẽ phải lành. Ngủ yên đi cô. Thôi nhé, hãy ngủ yên và đừng sợ hãi. Sẽ không có ai làm gì cô đâu. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm gì nữa. Không dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Và, như những phụ nữ may mắn được sống trong những nước không bị tan nát bởi chiến tranh như đất nước chúng ta, cô sẽ có lụa là mềm mại để mặc lên thân mình con gái, chứ không còn phải dùng bao cát để làm vải che thân nữa! Chiến tranh đã hết rồi mà...”

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.