Hôm nay,  

Chiếc Lá

12/6/201900:44:00(View: 2828)
Duy Thanh-Doan Quoc Sy
Duy Thanh, Doãn Quốc Sỹ

San Francisco, 2010

Saigon 1958,  Duy Thanh  là người cùng bạn hữu khai sinh ra tạp chí Sáng Tạo. Chàng hoạ sĩ bắc kỳ di cư kết hôn với tiểu thư nam kỳ Trúc Liên, người đẹp nổi tiếng của phòng tranh Alliance Francaise thời ấy.

Từ 1973, vợ con ở Saigon, hoạ sĩ ra nước ngoài làm việc. Tháng Tư 1975, ông đang ở Okinawa. Gia đình ly tán. Hơn 10 năm sau mới đoàn tụ ở San Francisco.

Họa Sĩ Duy Thanh qua đời vào lúc 9:30 PM, đêm Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11, năm 2019 tại bệnh viện General Hospital, San Francisco. Ngoài kho tàng tranh ảnh quý giá, Ông còn để lại cho nền văn học nghệ thuật Việt những bài thơ, truyện ngắn bất hủ. Để tưởng nhớ Ông, Việt Báo trân trọng trích đăng Truyện Ngắn ông viết đăng trên tạp chí Sáng Tạo Bộ Mới tháng Bảy, 1960.

****

Mặt biển xẫm một mầu xanh, sóng nhẹ từng đợt xô lên bãi cát những lớp bọt trắng. Tôi ngồi chống tay trên chiếc khăn trải màu đỏ nhìn những đám người nô đùa trong làn nước. Buổi sáng chủ nhật nơi bãi biển thật trong mát, khác với cái nắng oi bức thành phố. Nhất là vào mùa hè, người ta có thể điên đầu với sức nóng bức lắm chứ? Cho nên có dịp là tôi thoát khỏi thành phố, hoặc lên núi hoặc xuống biển. Để đổi không khí. Có lẽ là thế mà tôi nhận lời đi với tụi Long, Vĩnh là những thằng bạn trai của tôi. Tụi nó là con nhà khá giả lại có xe hơi, thêm cái mã ngoài khá bảnh bao. Tại sao tôi lại không có thể bắt bồ với chúng trong một thời gian?

Tôi thích thay đổi, từ vấn đề ái tình, sinh lý, không khí, đồ ăn, phong cảnh. Tất cả. Những cái gì quen thuộc đều làm tôi phát ghét. Tôi chán ngấy những bộ mặt quen thuộc quá. Thế nào người ta cũng bắt gặp sự ngớ ngẩn đần độn, hiện lên trong một thoáng nào đó ở những bộ mặt thường ngày có vẻ trí-thức nhất, nếu không là sự ngu độn thường trực. Có lẽ vì thế mà tôi ưa nhìn thiên-nhiên. Thiên-nhiên ít ngu xuẩn hơn con người. Cứ kể một đứa con gái như tôi mà nghĩ ra những điều đó thì có vẻ khác thường quá. Tôi muốn nói hơi già nua là khác. Vậy mà tôi nghĩ như thế. Tôi còn nghĩ và dám hành động những điều hơn thế nữa. 19 tuổi đầu. Một sự mai mỉa. Tôi nhìn thằng bạn trai ở dưới nước lóp ngóp đi lên. Trông y có một vẻ hoan hỷ đến khó chịu. Y lấy hai tay vuốt lại mái tóc cười bảo:

- Sao Thủy không xuống tắm một hồi nữa với chúng anh mà lại lên trước thế này.

- Thì em không được quyền phơi nắng và không được quyền ngắm thiên-hạ sao?

- Trông Thủy đẹp như một tượng thần.

“Nó không nịnh mình đấy chứ? Nhưng sao lúc nào nó cũng chỉ biết khen mình thôi?”, tôi nghĩ thầm vậy, nhưng chỉ hỏi nghịch:

- Thần nào, thần vệ-nữ ấy à?

Vĩnh ngồi xuống cạnh tôi gật đầu:

- Đúng. Y nhìn tôi nói tiếp:

- Anh thấy Thủy có cái cười “cynique” tệ. Chính anh thích em ở chỗ đó. Y không dám nói đến chữ yêu. Nhưng y đã dùng đúng chỗ động từ thích. Tôi chưa hề yêu Vĩnh, cũng như chưa hề yêu Long, yêu một người nào khác, tôi chỉ tìm ở họ cái chất đàn ông, và đối xử như những người bạn trai tôi đã quen. Có lẽ vì họ trẻ quá chăng? Vĩnh chỉ hơn tôi chừng 4,5 tuổi. Sinh viên, thích văn chương thơ phú. Có những lúc y ngâm một mình những bài thơ tình của ai không biết. Tôi thì không thích những gì thuộc về thơ. Để trêu y và cũng để phát biểu ý-kiến của mình, tôi thường bảo: Ở đời không có gì chán bằng thơ với thẩn. Anh có thấy thế không? Tại sao người ta lại thích làm thơ, viết văn. Những lúc ấy nếu Vĩnh không giảng giải về cái thích riêng tây đó thì y sẽ giận tôi đến mấy ngày liền. Thường khi tôi vẫn tự hỏi: tất cả những chuyện vụn vặt xảy ra quanh đời mình có gì đáng lưu tâm? nên tôi bỏ qua được nhiều chuyện và lắm khi cũng còn lại thấy thích thú về sự độc ác đến lạnh lùng của mình.

Tôi nhìn những giọt nước đọng trên mình Vĩnh long lanh “đại dương ngủ trên mình hắn”. Ý nghĩ đó làm tôi mỉm cười. Vĩnh hỏi:

- Thủy cười gì đấy?

- Hình như em vừa nghĩ ra một tứ thơ. Vĩnh hỏi gặng là tứ thơ gì nhưng nhất định tôi không chịu nói.

Lúc bấy giờ bọn Long, Độ, Dung nô đùa chán ở dưới nước mới lội lên chạy về phía chúng tôi. Những miếng cát tung sau bước chân của họ. Tôi nghĩ đến một cuốn phim chiếu những cảnh vui vẻ như vậy ngoài bãi biển, tuy nhiên không ồ ạt bằng. Nhưng thế đã đủ gây một không khí khác với không khí thành phố và làm tôi thích thú rồi.

Mấy đứa trẻ nhỏ nghịch cát xa xa. Các cậu thanh niên lượn qua lượn lại quanh những tiểu-thư nõn nường. Từ lúc nẫy ngồi ở đây tôi cũng là cái đích cho bao con mắt của cả phái yếu lẫn phái khỏe dòm ngó tới. Tôi có một thân hình đều đặn mà các bạn trai đều chịu rằng nảy lửa, nghĩa là tôi, một đứa con gái xinh đẹp. Tôi không hiểu nếu xấu thì tôi sẽ sống ra làm sao. Ắt không thể là cuộc sống hiện tại. Có lẽ tôi sẽ thuần thục hơn nhiều và biết đâu chẳng là một cô gái kiểu mẫu, chịu khó làm lụng và sẽ trở nên một bà mẹ hiền? Nhưng mà tôi lại đẹp. Điều đó làm tôi vẫn khoái trá mỗi khi tự ngắm mình trong gương. Vậy thì tôi càng nên sử dụng cái nhan sắc đó trong những ngày tôi còn trên cõi đời lắm chứ? Tiếng Dung nói: Thôi chúng ta đi thay quần áo rồi trở về khách sạn thôi. Em thấy đói quá rồi. Long quàng tay qua vai Dung: Ai bảo em nghịch nhiều quá.

- Thì cũng là lỗi của các anh nữa, riêng gì em.

Cả bọn cùng cười. Tôi thấy Dung hôm nay vui vẻ nhất. Chẳng lẽ nó đã tìm ra ý-nghĩa của ái-tình? Tôi quen Dung chưa lâu, cũng chỉ qua sự giới-thiệu của Long tuần trước. Cứ trông lối cư-xử thì họ có vẻ khắng khít với nhau lắm. “Bao nhiêu lâu nữa?”. Câu hỏi ấy nẩy trong đầu tôi như một tiếng trống đánh gọn gàng. Tôi bỗng để ý đến Độ. Y đứng khuất sau Long, đôi mắt nhìn vào người tôi chằm chằm. Với lối nhìn ấy thì Độ có vẻ thèm muốn tôi lắm. Bắt gặp tôi nhìn lại, Độ quay ra phía biển khơi nhưng dáng điệu không đến nỗi lúng túng lắm. Không biết là y cảm thấy ngượng hay là y sợ tôi ngượng mà quay đi. Dẫu thế nào thì tôi cũng thấy bằng lòng. Tôi biết tôi còn đầy quyến rũ, nếu muốn, tôi có thể làm cho bất kỳ một ai mệt. Tại sao tôi không tỏ thái độ với y một tý cho đỡ buồn? Trong ba gã trai trước mắt thì Vĩnh là người tôi quen trước tiên. Tôi gặp y trong một tiệc cưới của người bạn. Ngay tối ấy chúng tôi đã khiêu-vũ với nhau. Về sau tôi gặp Vĩnh nhân một sự tình cờ khác ở ngoài đường. Rồi tôi còn nhận lời đi chơi với y một vài lần nữa. Y giới thiệu cho tôi Long, rồi mới đến Độ. Lần đi chơi bãi biển này là lần đầu tiên tôi gặp Độ. Độ có vẻ ít nói hơn hai bạn và có dáng điệu một quân nhân ở chỗ da dẻ sạm nắng, bước đi vững chắc. Chúng tôi ăn uống ở một tiệm mở gần bãi biển. Giời khá mát mẻ nên ăn được nhiều, nói chuyện cũng nhiều.

Sau bữa ăn Long bảo: bây giờ mỗi người có thể đi chơi riêng biệt rồi tới chốc nữa sẽ trở lại đây, rồi sửa soạn về.  Xem cái điệu nói ấy thì y muốn du dương với Dung ở một chỗ khác mà không sợ chúng tôi quấy rầy. Vĩnh đứng dậy, khẽ mím môi nhìn tôi rồi nói: còn tôi thì cũng đi việc của tôi. Tôi đoán y muốn tôi ngăn lại rồi bảo y đưa tôi đi chơi một lúc chẳng hạn. Nhưng tôi không nói câu gì hết. Dung cười khanh khách: Anh lại định đi theo một cô nào phải không? Long nháy mắt: Chắc anh ấy kiếm một chỗ làm thơ đấy. Độ không nói tay đút túi quần lẩm rẩm một khúc hát Mỹ. Trông mắt Vĩnh tôi biết y giận dỗi vì thấy tôi để ý đến Độ trong câu chuyện nói lúc ăn quá. Thì tôi cũng chỉ cần có vậy. Tôi tính làm cho Vĩnh giận để tôi có thì giờ tấn công Độ một cách hiệu quả hơn. Từ trước đối với tôi Vĩnh vẫn ở vị trí một người bạn. Y chưa thể thích hợp với tôi, cái lối đối xử của y với đàn bà có vẻ lý tưởng quá. Tôi ưa những hành động tầm thường hơn. Tôi chỉ là một con đàn bà. Chẳng lẽ tôi lại nói điều ấy ra. Đáng lý y phải hiểu tôi hơn mới phải.

Dung nhìn tôi và Độ bằng một con mắt đầy ý-nghĩa. Nó liếc sang Long giơ tay véo vào cằm gã đàn ông đang phác một nụ cười. Rồi hai đứa dìu nhau đi. Chiếc quần chẽn sọc xanh đỏ của Dung uốn éo trong nhịp bước làm tôi nghĩ đến một con rắn cạp nong. Một con rắn. “Thì chính mày cũng là một con rắn độc rồi còn gì”. Âm hưởng ý-nghĩ loảng xoảng trong óc. Tiếng Độ bảo tự nhiên vô cùng, như tôi đã thân thiện với y từ bao giờ: Còn nhiều thì giờ chúng mình đi dọc bãi biển nói chuyện chứ gì. Tôi để Độ cầm lấy tay tôi. “Nó tiến bộ hơn Vĩnh nhiều”. Tôi tự bảo và lẳng lặng xem y sẽ làm những gì. Chúng tôi đi một quãng dài đến một chỗ vắng vẻ toàn những mô đá. Tôi chạy trước nhảy qua những tảng đá nhỏ trốn sau một tảng đá lớn, rồi ngả mình vào đấy mà thở. Độ chạy theo nói vọng: Thủy, cẩn thận không lại ngã trẹo xương đấy, không ai cõng về đâu. Tôi nín thở không cười.

Nhưng Độ khám phá ra tôi ngay. Y tiến sát vào người tôi rồi hôn tôi rất lâu trên môi tôi. Hơi thở lẫn mùi thuốc lá làm tôi dễ chịu. Hai tay của y nắm lấy vai tôi. Ngực y đè vào ngực tôi đến tức thở. Mô đá đằng sau hằn vào lưng đau nhói. Nhưng tôi không kêu đau. Tôi thấy lần hôn này có một khung cảnh là lạ khác với những lần trước trong tay những gã tình nhân khác. Bỗng nhiên Độ buông tôi ra. Y đứng sang bên cạnh tôi, cũng tựa mình vào tảng đá, hai tay đút túi quần, đầu ngửa nhìn trời. Y hút thuốc lá một lúc khá lâu. Câu hỏi đột ngột bỗng rớt xuống như một vết chém: Em đã ngủ với bao nhiêu người rồi, Thủy?

Kể thì câu hỏi đó cũng không làm tôi giận dữ nhưng làm tôi ngạc nhiên. Vì tôi không tưởng rằng y sẽ hỏi một câu trắng trợn và thản nhiên như y đã biết hết quá khứ của tôi, rồi hỏi như vậy xem tôi phản ứng ra làm sao. Đáng lý tôi cũng trả lời trắng trợn một cách gọn gàng: Thì đã sao? Nhưng tôi cảm thấy ghét đến thù hắn. – Sự thù hằn mọc từ mặt cát, leo lên những mạch máu tụ vào giữa tim tôi. – Sao nó lại biết thản nhiên như thế. Nhất là từ trước qua những câu nói chuyện tôi vẫn coi nó không có gì đáng để ý cho lắm. Vậy mà bây giờ trông điệu nó bình thản đến phát điên lên được. Nó lại có thể giống tôi được sao? Tôi quay sang nó chẳng nói chẳng rằng bất thình lình tát một cái thật mạnh. Tôi lại giận hơn nữa là nó như đã sửa soạn nhận cái tát ấy. Nó không thèm đỡ. Tôi định tát cái nữa, nhưng nó bắt lấy tay tôi kéo mạnh mà hôn tàn nhẫn. Tôi chỉ kịp nghĩ “Ta sẽ cắn nó”. Nhưng không. Nhưng không. Nó đẩy tôi ngã ngồi trên một tảng đá rồi quay đi chậm rãi theo dọc bờ nước. Tại sao nó lại hành động như thế. Tôi không biết. Và thái độ của tôi nữa. Tôi cũng không biết. Tôi nhìn những vết chân của nó in trên bãi cát cảm thấy nước mắt đang chảy ra. Từ lâu lắm rồi tôi không có khóc. Ngay cả những trường  hợp đáng khóc lắm cũng không khiến tôi chảy nước mắt. Mà lần này lại có. Thật là một sự lạ lùng. Tôi nhắc thầm: rõ phi lý, rồi đứng lặng im nghe mấy giọt nước mặn từ gò má lăn xuống áo. Tôi không hiểu những tảng đá lớn chúng sẽ nghĩ gì khi trông thấy tôi như thế này. Cũng may là chúng vô tri vô giác. Nếu vạn vật đều có một linh hồn để nghĩ thì tôi không còn biết đứng chỗ nào. Chắc chắn tôi sẽ tìm cách chết. Tôi muốn đứng cô đơn để thấy mình cô đơn hoàn toàn như một tinh cầu trong không gian. Tôi thù nó. Thù nó vì bắt đầu thấy sự hiện hữu của nó bắt rễ trong tôi. Không thể được. Tôi có hàng tá nhân tình nhưng chưa ai được tôi thật tình yêu mến. Tất cả chỉ cốt để qua thì giờ ngày tháng. Tôi muốn nhận rõ sự vô nghĩa của những người đàn ông trong đời tôi. Từ hành động đến dáng điệu, lời nói, chúng đều có một điểm giống nhau: sự tầm thường. Hay cuộc đời chỉ là những tầm thường nhỏ mọn gom góp lại? Tay ôm lấy đầu, tôi úp mặt trên tảng đá cho những hàng nước mắt mặc tình rơi xuống. Cho sự vô lý tràn trụa trôi đi.

Và bỗng nhiên tôi nghĩ lại quá khứ như thấy mình thú tội với nó, với cái gã đàn ông mà tôi thù ghét ấy. Gia đình tôi có ba chị em gái. Hai chị tôi đã lấy chồng cả rồi, còn tôi dĩ nhiên là chưa. Cha mẹ tôi chết vào năm tôi 12, 13 tuổi. Thành thử tôi ở với bà chị hai từ bấy đến nay. Chị hai tôi lấy chồng trước khi cha mẹ tôi mất ít lâu. Chị là một nội trợ tháo vát, buôn bán đảm đang. Ông chồng là thư ký một hãng buôn lớn. Tôi nhớ gia đình tôi thuộc vào loại nề nếp. Thuở nhỏ tôi vẫn bị câu thúc vào mọi thứ khuôn phép luân lý. Hai chị tôi lúc nào cũng ngoan ngoãn vâng lời. Tôi thì không. Tôi không chịu những bài luân lý mà người ta cho tôi, nhồi vào sọ tôi, hoặc bắt thế này thế khác bằng roi bằng vọt. Nên tôi vẫn bị coi là đứa trẻ bướng bỉnh nhất nhà. Cũng may mà chị tôi lại thương tôi. Đến khi lớn, tôi cũng biết thương chị tuy thường thường tôi vẫn làm theo ý muốn của mình. Có lần chị tôi bảo: Thủy ạ, em chịu thương chịu khó mai sau kiếm một tấm chồng cho xứng đáng để hương hồn thầy mẹ cũng được hả. Tôi gạt đi: Em lớn  rồi, chị mặc em lo liệu cho thân em. Nếu chị còn lôi thôi em sẽ đi ở chỗ khác. Chị tôi thấy tôi sừng sộ thì im ngay. Còn chị ba tôi thì như ghét tôi hơn. Trong một cơn giận dữ chị đã mắng tôi: “Cái thứ mày thì hỏng, cứ nuông để mày không học hành ngoan ngoãn gì cả, ngày sau chỉ có làm đĩ”. Lần ấy tôi cãi nhau với chị ba kịch liệt và nghĩ có dịp sẽ trả thù. Tôi cũng chẳng hiểu có thật tôi đã trả thù chị hay không hay đó chỉ là một cái cớ tôi bày ra. Vì chị ấy đâu có biết việc tôi đã làm, mà chỉ có hắn biết.

Cho đến giờ phút này hắn còn đang đau khổ đầy lên vì tôi mà phải chịu vậy. Có bao giờ tôi yêu hắn đâu. Tôi chỉ để hắn sử dụng tôi một lần một cách lạnh lẽo. Năm ấy tôi 15 tuổi. Chính tôi đã nuôi sẵn cảm giác ấy để xem hắn ra sao. Tôi muốn đo cái độ dục của hắn những khi hắn ngủ với chị ấy như thế nào. Cũng lạ, cái cảm xúc ấy lúc đề phòng trước thì thấy tầm thường hết sức. Tôi thấy cái hình thù sát cạnh mình đến là vô nghĩa. Hắn đã phải ngạc nhiên khi những lần sau gạ gẫm tôi mà không được. Tôi đã cười mũi và quay đi. Một lần hắn định làm dữ nhưng tôi đã tát hắn đến hằn 5 đầu ngón tay trên má. Lần ấy gia-đình hắn lục đục vì hắn tức lây sang vợ con khi chị ấy hỏi về dấu vết đó. Có lẽ tôi đã báo thù chị tôi quá nhiều. Từ ba năm nay tôi toàn sống theo bản năng, chị tôi cũng đành mặc vậy. Tôi thích thứ này cũng như không thích thứ nọ một cách nhanh chóng. Lắm khi đi với lũ bạn trai tôi thường tỏ sự độc ác của tôi bằng cách đổi ý luôn luôn, những ý muốn quái gở luôn luôn biến hình. Tôi nghiệm thấy càng làm thế chúng càng chạy theo tôi. Không biết tại vì tôi đẹp hay chúng thích được hành hạ đau khổ. Tôi nhìn  rõ bộ mặt của nhiều loại người, có những kẻ bần tiện ngoài cuộc đời, những kẻ yếu hèn, những kẻ hay làm bộ dương dương tự đắc, những kẻ nuôi một mối tình lý-tưởng. Kỳ lạ. Khi ôm lấy tôi chúng giống y như nhau. Mà tôi thì chỉ cốt xem một cái cảm giác của tôi lúc gần chúng như thế nào. Chưa bao giờ tôi được thỏa mãn hoàn toàn. Chưa bao giờ.

Tiếng sóng rạt rào, lớp bọt bể rập rình ven bờ cát trắng, và những vết chân của nó còn hằn trên mặt cát làm tôi bực bội điên lên được. Tôi thù ghét đến độ muốn cào xé thân thể nó ra. Rồi mùi thuốc lá trên miệng nó. Rồi câu hỏi ngỗ ngược, tất cả hiện ngay trên mũi tôi đến ngứa đỏ. Có một cảm giác dị kỳ đến với tôi khiến rùng mình. Tôi muốn đâm chết nó để rồi ôm nó trong tay mà khóc nức nở. Có thể nào như thế được không nhỉ? Không. Nhưng hiện thời tôi thấy nó đến trong tôi nhiều bội phần. Tôi muốn đi tìm nó. Hai bàn tay tôi bấu vào tảng đá. Một giống cây gì không biết mọc cạnh đây mấy bước với những cành lá xòe ra. Những chiếc lá xanh. Ngứa tay tôi bứt từng chiếc lá vò nát vứt xuống đất. Sự hủy hoại đó làm tôi bớt giận dữ. Những ý nghĩ như được xoa dịu xuống và trở nên đơn thuần hơn. Có lẽ tôi sẽ yêu nó. Có lẽ em sẽ yêu anh. Phi lý. Một sự phi lý hoàn toàn. Tôi cười sằng sặc chỉ trong óc thôi nhưng tôi biết rằng lúc đó miệng tôi cũng mỉm cười. Rồi cứ như thế tôi len qua các mô đán đi theo những bước chân của nó mà trở về. Lúc Vĩnh trông thấy tôi, y gọi lớn: Thủy, sao đi một mình vậy. Độ nó đâu rồi? Tôi nhún vai phác một dáng điệu khinh bỉ. Vĩnh bảo: Cô cậu lại giận nhau cái gì hả? Tôi hất tay y đặt vào cằm tôi ra: Lại cả anh nữa. Có mặc em không nào. Vĩnh làm lành: Thôi chúng mình lại đằng quán uống nước chờ tụi nó về vậy. Tôi đi theo hắn. Lúc bấy giờ tôi mới chợt nhìn thấy chiếc lá vò nát trong tay. Tôi ép nó vào hai lòng bàn tay cho phẳng. Nhưng chiếc lá đã nhàu rồi. – Mày nghĩ gì hở Thủy. Nghĩ gì? – Tao không nghĩ gì hết. – Mais c’est ton sexe! Tu sais? Ton sexe de’chire’.

Độ đã ngồi ở quán nước từ bao giờ. Thấy tôi bước vào với Vĩnh y lại nhếch miệng cười vẫy chúng tôi lại bàn, làm như không có chuyện gì xẩy ra. Vĩnh ngạc nhiên: Tưởng hai bên giận nhau? Tôi nhìn vào mặt Độ đáp: Đâu có. Và tự cảm thấy thú vị vì câu nói dối trâng tráo đó. Độ nói như cho tôi nghe: Mà thỉnh thoảng người ta cần phải thù ghét nhau một chút cho đỡ buồn cuộc đời. Vĩnh quay sang tôi:

- Có đúng thế không, Thủy?

- Nên lắm chứ anh.

- Hình như có lần anh nói không hiểu em, đến bây giờ anh vẫn thấy thế. Em hơi khó hiểu đối với những cô cùng một lứa tuổi như em. Độ nhắp một ngụm bia bảo tôi:

- Tối nay về Saigon anh sẽ đi nhảy với em. Vĩnh nhìn vào cốc nước như lắng nghe câu trả lời. Nhưng tôi làm bộ lơ đãng không nghe thấy. “Đáng lý mày phải từ chối thật tàn nhẫn với nó chứ?” Nhưng không. Tôi chỉ nhìn ra phía ngoài đánh trống lảng:

- Ai như anh Long và Dung. Có phải không anh? Vĩnh che tay nheo mắt nhìn ra ngoài nắng.

- Đúng, họ đang đi lại đây. Chúng tôi im lặng ngồi chờ trong khi mỗi tiếng động nhỏ xung quanh như bao phủ lấy chúng tôi.

“Mình có thể nào yêu nó được không nhỉ?” Tôi tự hỏi. Nó vẫn ngồi đấy, vẫn chỉ là một sự tầm thường. Nhưng có cái gì khiến tôi phải bắt đầu chú ý đến nó. Tôi rình từng cử động, nhất là cặp mắt nhìn của nó, phảng phất một ánh ngạo mạn. Nó vẫn không thèm nhìn đến tôi, tôi có cảm giác nếu nó có nhìn thì tôi chỉ có giá trị như một đồ vật. Như cái bàn, cái ghế. Có thể thế được sao? Tôi tưởng tượng có một lưỡi dao nào phát ngang cổ nó cho cái đầu đáng ghét nó rụng xuống thì khoái cảm biết mấy. Có lẽ tôi sẽ cười lên rất to là khác. Hay tôi sẽ khóc.

Chiếc lá nhàu nát vẫn nằm trong tay, tôi vo viên nó lại, ném xuống đất. Tự hỏi đấy nếu là một kiếp người? Úa héo. Ngu xuẩn. Tôi ngẩng đầu nhìn lên rồi cúi xuống nhìn thấy đầu ngón tay nhớp nhớp nhựa lá. Vĩnh như chờ đợi một câu hỏi. Độ vẫn nhìn vào quãng không. Tôi nghĩ “có lẽ tôi sẽ bằng lòng chiều theo ý muốn của nó bắt đầu từ tối hôm nay” trong khi tiếng Dung và Long vừa hiện trên  ngưỡng cửa.                                                                  

Duy Thanh

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh… và cũng là câu nói thường tình với cá nhân, nhóm người trong xã hội. Tác phẩm Thủy Hử ban đầu là Giang Hồ Khách Truyện, sau lấy tên là Thủy Hử vì “căn cứ địa” Lương Sơn là vùng đầm, hồ nên Thủy Hử (bến nước). Truyện nầy qua bản dịch của La Thần và Á Nam Trần Tuấn Khải, gồm 3 cuốn, năm 1973, sau đó với Tử Vi Lang nên rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Trong truyện Thủy Hử của của nhà văn Thi Nại Am (1296-1372) ở Trung Hoa vào triều Nguyên-Mông (1295-1368), kể về câu chuyện của Tống Giang triều nhà Tống, nổi dậy kéo theo “giang hồ hảo hán” gồm 108 người đến núi Lương Sơn. Gọi là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Ở Sơn Tây, tôi là khách lạ nhưng mang tâm trạng sâu đậm như người trở về nguồn cội. Đầu tiên tôi tìm mua tấm bản đồ tỉnh lỵ nhưng không ai bán, họ chỉ dẫn địa điểm Thành Cổ rồi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của hình vuông ấy là sẽ tìm ra mọi nơi. Hướng Nam đối diện với phố Quang Trung còn gọi là Cửa Tiền, Cửa Hậu ở hướng Bắc có phố Lê Lợi và nếu đi thẳng đến cuối đường sẽ gặp sông Hồng, hướng Đông là Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cuối cùng hướng Tây hay Cửa Hữu có phố Ngô Quyền.
Buổi sáng cuối tuần, mùa đông chớm về với những cụm mây xám nhạt, lơ lửng trôi trên bầu trời California, không khí se se lạnh, tôi và Hoàng ngồi ngoài hàng hiên quán Coffee Lovers của Thành phố Hoa vàng nhìn trời hưu quạnh. Bên hai ly cà phê sữa nóng và dĩa bánh Patechaud, Hoàng nói chậm dãi, nhỏ nhẹ, kể cho tôi nghe về quê ngoại của Hoàng thời niên thiếu.
Theo thông lệ trước đây, hằng năm vào đầu tháng 9, CVKer 65 Bok Thân có tổ chức buổi tiệc gây quỹ cho địa phận Kontum. Năm nào Bok Thân cũng thành công mỹ mãn, gởi về quê nhà nhiều số tiền lớn lao dùng cho các hoạt động bác ái của địa phận. Sau dịch cúm Tàu phù, kinh tế trì trệ, dân chúng cũng ngại đám đông nên Bok Thân phải uyển chuyển tổ chức 2 năm một lần; lần này là Đêm Tình Thương lần thứ Sáu.
Memphis là thành phố lớn của tiểu bang Tennessee, nổi tiếng là một trong những cái nôi của dòng nhạc Blues & Jazz của nước Mỹ. Cách đây 4 năm, tôi lái xe đến thăm Memphis chỉ để được nghe nhạc Blues “nguyên chất” tại B.B King’s Blues Club, một trong những “việc đáng làm trong đời” đối với những người mê nhạc Jazz. Nghe nhạc Jazz ở Memphis sẽ thấy được dòng nhạc như chảy trong huyết quản của người da đen ở Miền Nam Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 10 năm nay, tôi trở lại thành phố Memphis, nhưng đó không phải là đích đến của chuyến đi. Memphis có phi trường chỉ cách Tu Viện Mộc Lan khoảng hơn một tiếng lái xe. UH, một cô bạn đồng tu đã từng cùng học với một vị thầy, cùng sinh hoạt trong một nhóm Phật tử ở Quận Cam California được chấp nhận vào ni đoàn, làm lễ xuống tóc xuất gia tại Mộc Lan. Tôi cùng một nhóm bạn nhận lời mời đến dự sự kiện trọng đại của một đời người này.
Đọc xong email của Cathy, Khôi mỉm cười khoan khoái, bước xuống phòng khách pha cho mình ly cà phê nóng của buổi sáng cuối tuần. Trời đã cuối Thu, những chiếc lá khô cuối cùng lao xao đuổi nhau theo những cơn gió nhẹ trên mặt đường, tạo nên một âm thanh vui tai. Hàng cây khô trụi lá khẳng khiu đang rung rinh trước gió, chuẩn bị cho những ngày đông dài sắp tới. Khung cảnh thật bình yên. Bình yên như tâm hồn Khôi sau những tháng ngày băn khoăn, ray rứt đã qua.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, tôi lại có dịp quay trở về lại mái trường xưa, để tham dự buổi lễ ra trường của một cháu gái Cynthia Ngô, được lãnh nhận bằng Tiến Sĩ Luật Khoa, tại Đại Học Oklahoma City University (OCU), mà tôi là người đỡ đầu (God Father) khuyến khích cho cháu này theo học ngành luật khoa, cũng tại ngôi trường trước kia tôi học.
Dù bạn chưa từng đến Huế, nhưng đã từng nghe tiếng địa danh này qua hai câu hò quen thuộc: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương... ..
Đây là chuyện tình yêu xưa, xa xưa lắm rồi, nhưng dư âm vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ chúng ta hôm nay… hình như con người sống nương tựa rất nhiều vào tình yêu… tình yêu cho con người nhiều ý nghĩa thiêng liêng, nhiều gia vị đậm đà đáng sống. Nếu hỏi tại sao là vậy, thì thưa rằng bên cạnh tình yêu và cuộc mưu sinh, ta còn có những gì? Bầu cử ư, bầu cử đã qua rồi, ngã ngũ rồi, không còn gì để bàn nữa. Nhưng nếu bạn muốn theo dõi hậu bầu cử, đó cũng là ưu điểm, coi thế sự cuộc đời sẽ diễn tiến ra sao những ngày sắp tới. Trước mắt, bên cạnh, xung quanh còn vây phủ đe dọa đầy chiến tranh tàn khốc hủy diệt đe dọa sự sống còn của nhân loại bằng những vũ khí của khoa học hiện đại tân tiến, cộng với lòng ác độc của tham vọng, của chính trị không phương giải quyết.
Một người bạn nói với tôi rằng có những bài thơ hoặc những đoạn văn nằm hoài trong đầu của mình từ hồi còn nhỏ, nên khi được nhắc tới thì tự động tuôn ra. Tôi thấy có lý. Mỗi khi có dịp nói chuyện với ai về lòng biết ơn, tôi cứ như theo quán tính, chia sẻ một bài thơ ngày xưa tôi học ở bậc Tiểu Học. Không hiểu vì sao! Vì mình có tính hoài cổ? Hay vì đầu óc tuổi nhỏ dễ khắc ghi? Hay vì đây là bài học bắt buộc trong sách giáo khoa? Hay chỉ đơn giản là vì bài thơ có lời lẽ giản dị mà sâu sắc?
Nắng đã tắt từ lâu. Trời đen thẫm bên ngoài. Mùa đã về qua những chiếc lá vàng rơi rải rác theo những câu thơ trong những tạp chí văn chương của thành phố. Mùa thu nằm co trên trang giấy. Heo may lẩn quẩn đầu môi những kẻ gạ tình. Không có mùa thu ngoài đời sống ở nơi này. Hơi nóng vẫn râm ran không khí. Bên ngoài vắng gió. Trong này, chiếc quạt trần lờ lững quay. Và cuộc đối thoại nhì nhằng mãi chẳng đi đến đâu.
Đi dạo trong công viên Vigelandsanlegget, trời rét căm căm. Bỗng dưng, tôi nghe tiếng nhạc réo rắt. Một nhạc công phong cầm ngồi giữa băng tuyết, đang chơi bài Sóng Nước Biếc. Thật là tình cờ kỳ diệu. Mới hôm qua, hôm kia, ở Đức, khi chậm chân nghe nhạc công chơi phong cầm ở nhà ga, trí tôi lao xao nhạc điệu bài Sóng Nước Biếc. Bươn bả chạy nhanh cho kịp giờ xe, tôi tiếc, định bụng hôm nào thuận tiện sẽ đến yêu cầu. Hôm nay, ở Oslo, tôi được nghe Waves of the Danube của nhà soạn nhạc người Lỗ-Ma-Ni, Iosif Ivanovici. Lời Việt Sóng Nước Biếc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thật tuyệt vời. Trong cái lạnh cắt da, giữa công viên rộn ràng du khách, tôi mơ màng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.