Hôm nay,  

Con Gà Trong Võ Thuật

21/03/201700:05:00(Xem: 12611)

Ga Choi 1


MỘT CHÚT TÂM TÌNH VỚI BẠN ĐỌC:


Cho tới Tết Nguyên Đán năm ĐINH DẬU này, đã qua hơn hai mươi mùa xuân, người viết vẫn chung thủy cùng bạn đọc, cùng Việt Báo để mỗi năm cống hiến một bài viết về Võ đạo, Võ học và Võ thuật. Hầu hết các bài viết đặt trọng tâm vào phân tích, khảo luận võ học trên lãnh vực lịch sử, triết lý và kỹ năng võ công của nhiều môn võ khác nhau như võ Truyền thống Việt Nam, võ Thiếu Lâm, Thái Cực quyền, Phật Gia quyền, Kiến An quyền, Vịnh Xuân, Đường Lang quyền, võ Nam Dương, võ Thái Lan .v.v.. Bạn đọc đã tán thưởng, đón nhận nhiệt tình, nhưng có lẽ cũng còn có độc giả cho rằng: "Rằng hay thì thật là hay..." nhưng quá nặng về triết lý, chuyên môn kỹ thuật nên hơi "khô" chưa đem lại nhiều tính giải trí, thư giãn cho người đọc.

Trong dịp xuân về, có lần một nhà thơ nổi tiếng đương đại yêu võ thuật (người đã khơi nguồn cảm hứng cho người viết) có gợi ý: "giá mà mỗi bài võ của mỗi năm mới mang tên hay có biểu tượng một loài vật trong 12 con giáp của năm ấy thì... tuyệt!). Hảo ý cực kỳ ấn tượng này cứ canh cánh bên lòng, mãi đến nay mới thể hiện được.

1. Thập Nhị Địa Chi trong Âm lịch và Ngũ hình trong võ thuật:

Thập nhị địa chi có 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) mà trong võ học hầu như chỉ có võ của chùa Thiếu Lâm mới chiêm nghiệm, mô phỏng các động tác của một số loài vật, linh cầm, mãnh thú để chế tác ra các chiêu thức võ thuật. Trong số các con vật được mô phỏng, người ta chỉ đặc biệt chú trọng và đề cập đến 5 mô hình đặc thù (the five distinct styles) là Rồng, Cọp, Beo, Rắn và chim Hạc (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc). Vậy thì làm sao mà viết "Võ Chuột" cho năm Tý, "Võ Dê" cho năm Mùi, "Võ Lợn" cho năm Hợi, "Võ Chó" cho năm Tuất. Võ thuật Trung Hoa có Võ Khỉ (Hầu Quyền) nhưng không được các học giả võ học xếp vào 5 mô hình linh cầm mãnh thú nói trên. Con gà hầu như không được chú trọng trong võ thuật Thiếu Lâm chính thống, tài liệu võ thuật về con Khỉ và loại gia cầm này rất hiếm lại mơ hồ, không nhất quán. Tuy nhiên cũng rải rác có một vài chiêu thức có liên quan đến con gà (hiếm) như tư thế "Kim Kê Độc Lập" (Gà Vàng đứng một chân, golden rooster stands on one leg) trong Thiếu Lâm Mai Hoa quyền, Võ Đang Thái Cực quyền, Kim Kê quyền, Kiến An Nhật Nguyệt quyền. Thế Kim Kê Độc Lập trong các bài quyền nói trên đều có hình tượng Tấn pháp giống nhau: Hạc tấn (cũng được gọi là Kim Kê tấn), nhưng nhân dáng và bộ vị hai tay hoàn toàn khác nhau.

Vo Kim ke 3
Kim Kê tấn.



2. Con gà với “Võ Tàu” và “Võ Ta”

Xưa người ta gọi võ dân tộc, võ dân gian là VÕ TA, tức võ cổ truyền Việt Nam ngày nay để phân biệt với "VÕ TÀU" có xuất xứ hoặc du nhập từ Trung Hoa. Như trên đã nói, VÕ TÀU không coi trọng, không mặn mòi với loài gà, thế nhưng ở một số quốc gia Đông Nam Á kỹ chiến thuật gà chọi lại được trọng dụng và khai thác đưa vào dòng võ chiến đấu đối kháng và tự vệ như Miến Điện (THAING hay Bando), Nam Dương (Pencat Silat) Thái Lan (Muay Thai) hay Việt Nam (VÕ TA, võ cổ truyền Việt Nam). Từ trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam cũng đã có một vài hệ phái võ cổ truyền áp dụng kỹ năng chiến đấu của gà chọi hình thành một võ phái nổi tiếng và khá đông môn sinh là Kim Kê môn hay Kim Kê quyền Tây Sơn Nhạn, vị Chưởng Môn là võ sư Đặng Vân Anh. Các đệ tử võ phái thường mang họ Kim (nữ) và Kê (nam).

Những giai thoại, chi tiết về loài gà có liên quan đến võ thuật chưa hết, nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp, ở đây chúng ta sẽ chỉ chú tâm vào một thể loại Võ Gà Việt Nam ấn tượng nhất, ý nghĩa nhất, không chỉ là niềm tự hào cho dòng võ dân tộc Việt Nam mà còn là vì người sáng tạo ra môn võ này đã góp công lớn vào công cuộc cứu quốc an dân, giữ vững giang sơn, trợ lực hai người anh hào kiệt thống lĩnh quân dân Việt Nam đánh tan 30 vạn tinh binh nhà Thanh xâm lăng tổ quốc ta cách đây hơn 200 năm. Đó là một trong Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Lữ.

Nhìn chung, có lẽ môn võ Gà mới lạ này không có nhiều tuyệt kỹ công phu, chiêu thức không "điệu nghệ" hoa mỹ bằng võ thuật Thiếu Lâm nhưng lại nổi trội ở tính chiến đấu thực dụng, đơn giản, học mau đạt kết quả, thích hợp cho việc huấn luyện nhanh đáp ứng nhu cầu chiến đấu khẩn cấp và trận mạc.

Vo Kim ke 4
Các đệ tử võ phái Kim Kê thường mang họ Kim (nữ) và Kê (nam).



3. Đông Định Vương Nguyễn Lữ, “Võ Gà Chọi” Hùng Kê Quyền


Tây Sơn tam kiệt có 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Đó là một gia đình gồm những thiên tài võ thuật và quân sự. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ có thể hình cao to uy vũ, riêng Nguyễn Lữ thì lại có dáng dấp nho sinh mảnh khảnh, lúc nhỏ có khuynh hướng giỏi văn hơn võ, sở thích là thuật chọi gà. Cùng chí hướng và hoài bão trừ tàn khử bạo, kiến quốc an dân, Nguyễn Lữ cũng cố gắng cùng hai anh khổ luyện võ công để trở thành một võ lâm cao thủ. Nguyễn Nhạc giỏi kiếm thuật, Nguyễn Huệ có tài sử dụng côn và thương xuất chúng, Nguyễn Lữ thiên về nhu hơn cương, giỏi về Miên quyền và khoái kiếm (cách đánh kiếm rất nhanh). Từ thuở hàn vi, Nguyễn Huệ đã có sức mạnh và võ công siêu phàm, nổi tiếng với bài Nghiêm thương dũng mãnh, giới võ lâm giang hồ thuở ấy nể phục Thương pháp tuyệt vời của Nguyễn Huệ, cho rằng thương thuật của Nguyễn Huệ có thể sánh với La nguyên soái (La Thành) đời Đường và Tổng giáo đầu Lâm Xung trong Thủy Hử. Giống như Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ có biệt tài quan sát, phân tích, nghiền ngẫm sự vật để lãnh hội và sáng tạo thành kỹ thuật võ công. Khi xem các cuộc chọi gà, Nguyễn Lữ chăm chú các động tác vươn, vờn, ngoắc đầu, vỗ cánh, mổ và đá liên hồi của các chú gà đá thiện chiến. Nguyễn Lữ thích thú nhất là kế nghi binh của một chú gà giả thua quay đầu bỏ chạy, bất thình lình quay ngoắt lại mổ và đá tới tấp vào con gà địch thủ đang hăm hở đuổi theo mất cảnh giác, hoặc phóng vọt lên cao và xà xuống đá liên hoàn vào đầu địch thủ, khác nào chiêu Hồi mã thương lợi hại. Lần khác, Nguyễn Lữ chứng kiến một con gà trống không cao to bằng đối thủ là một con gà chọi "mặt đỏ mào dầy", nhưng sau một hồi đấm (mổ) đá ác liệt, gà chọi "mặt đỏ mào dầy" bỏ chạy như... vịt. Nguyễn Lữ chiêm nghiệm ra rằng thể tạng cao lớn chưa hẳn là yếu tố tối ưu để chiến thắng mà cần có kỹ thuật (cách đánh cho khéo), tốc độ (phải thật nhanh) và "chiến lược" (mưu mẹo). Từ đó ông rút ra bài học: Thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể thắng lớn, yếu có thể đánh mạnh. Dựa trên công trình nghiên cứu tỉ mỉ, công phu và nguyên lý đó, Nguyễn Lữ tức Đông Định Vương sau này, thái dụng, cải biến, sáng tạo thêm thành chiêu thức võ thuật, hệ thống hóa đòn đánh, đá của gà chọi thành một môn võ mới lạ: VÕ GÀ CHỌI, rất hiệu quả trong cận chiến, trong khi đó Nguyễn Huệ (Bắc Bình Vương, rồi Quang Trung hoàng đế sau này) cũng sáng tác một bài quyền chiến đấu đầy tốc độ và uy lực: Bài Yến Phi quyền. Dân gian thuở ấy rất thích nét đẹp dũng mãnh của Yến Phi quyền, gọi và VÕ ÉN BAY, lại kháo nhau rằng con gà là loại gia cầm... có võ cho nên mới có bài Võ Gà Chọi. Vốn là một người văn võ song toàn, nghe dân chúng gọi võ của mình là VÕ GÀ CHỌI, không êm tai chút nào, Đông Định Vương bèn đặt tên cho sáng tác võ thuật của mình là HÙNG KÊ QUYỀN còn được truyền thụ phổ biến đến ngày nay.

HÙNG KÊ QUYỀN
Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ
Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long
Xuyên hầu độc tiễn tăng ư trác
Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung
Khiêu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.

Dịch nghĩa:

Hai con gà chọi nhau để tranh hùng
Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên
Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng
Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh.
Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)
Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch
Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho
Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.


Vo Kim ke 5
Các đệ tử võ phái Kim Kê thường mang họ Kim (nữ) và Kê (nam).



Xuân Đinh Dậu sảng khoái với Hùng Kê Quyền để nhớ lại Xuân Kỷ Dậu với chiến thắng Đống Đa Ngọc Hồi bất diệt.

Mong rằng bạn đọc sảng khoái với môn Võ Gà dân dã trong những ngày Xuân tươi đẹp Đinh Dậu này, tinh thần dân tộc và hào khí dâng lên để chúng ta cùng nhớ về một mùa Xuân đại thắng của dân tộc trước quân xâm lược hung hăng, tàn ác dày xéo non sông, tàn sát đồng bào ta: Đó là chiến thắng Đống Đa Ngọc Hồi năm Kỷ Dậu 1789 Quang Trung Nguyễn Huệ đã thống lĩnh quân dân Việt, ngự giá thân chinh đánh tan 30 vạn (có tài liệu nói 50 vạn, Tàu nói 20 vạn) quân giặc ngoại xâm phương Bắc ào ạt như thác lũ xâm phạm tổ quốc ta, các danh tướng Tàu Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh đều thảm bại và đền tội. Với chiến lược thần tốc và chiến thắng oanh liệt Đống Đa Ngọc Hồi đúng ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ trong Tây Sơn tam kiệt đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi toàn vẹn, bảo vệ dân lành được dân Việt nhớ ơn và ngưỡng mộ, giới quân sự thế giới tôn vinh là một thiên tài quân sự, một Napoleon Bonaparte phương Đông...

... Đến đây chắc chúng ta có thể tạm ngưng tản mạn được rồi, miên man mãi, không khéo lại tránh được cái "khô" mà vướng phải cái "nhạt" thì khổ quá! Vậy thì xin mượn ý Tố Như tiên sinh để... "lưu luyến tạm chia tay", hẹn bạn đọc mùa Xuân sau nhé...

"Võ (Gà) nhà quê tản mạn dông dài
Mua vui cũng được một vài... "quát tơ" (1 quarter = 15 phút)

Võ sư Nguyễn Lâm

Thiếu Lâm Kiến An Công Phu VN, Võ Cổ Truyền Việt Nam

Ý kiến bạn đọc
28/01/202019:32:25
Khách
Xin cam on Võ sư về bai viết thật hay, thật y nghia. Bai viết nay giup toi hieu biết hon về võ thuật VN.
Kinh cam ta!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 2016 là năm đầy 100 tuổi của cơ quan National Park Service (NPS), được Quốc Hội Mỹ lập ra để điều hành hệ thống công viên nay gồm 413 đơn vị, trong đó 59 đơn vị là công viên quốc gia.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, có một ứng viên nhẩy ra biểu diễn thế “vô chiêu” này và đại thắng thật.
Gần đây, cái tên Vanessa Vân Ánh Võ đã trở thành một khuôn mặt nghệ sĩ quen thuộc với cộng đồng người Việt California.
Từ ngày được vô can trong vụ cướp nhà ông Thượng Nguyễn nhờ có những lời làm chứng công bằng của Nhung, con gái khổ chủ, thì Sinh bỗng đổi hẳn tính nết.
Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập từ 1932, với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo.
Năm 1997, nhà xuất bản Robert Laffont tại Pháp đã xuất bản cuốn biên khảo dày 840 trang với tựa đề “Hắc Thư về Chủ Nghĩa Cộng Sản – Tội ác, Khủng bố và Trấn áp”.
Đây là “thơ làm trong đầu” tại trại tù Gia Trung từ 1979. Ghi thành chữ lần đầu tại Thụy Điển, tháng 11, 1988. Bài thơ dài gồm 12 phân đoạn, 849 dòng.
Từ 1947, Hồ Văn Đồng là nhà báo tài ba của Việt Nam: Giám Đốc sáng lập Việt Nam Thông Tấn Xã ở Hà Nội năm 1951; Tổng Thư Ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt 1960-1966,
Xe chạy quá nửa ngày mới qua khỏi ranh giới Bình Tuy - Phan Thiết. Lại có câu chuyện vui của hai ông già ngồi cạnh nhau ở hàng ghế giữa xe.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.