Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc

7/21/202300:00:00(View: 2317)

tranh-Ann-phong
Tranh của họa sĩ Ann Phong.

 

Tháng 7. Mùa hè đang gửi đến đây một sứ giả vô cùng dễ thương. Phượng tím. Đi đâu chợt cũng bị màu tím thơ mộng ấy níu mắt nhìn, làm dịu đi cái nóng chói chan. Bạn đang ở đâu, buổi sáng rực nắng đi chơi hay chiều mệt nhoài sau giờ làm việc, hay tối, hay khuya, hàn huyên bạn thiết, hoặc giả nói chuyện một mình, tất cả những tâm trạng thời gian đó, bạn sẽ tìm thấy được trong Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc, nơi các nhà thơ Hoàng Trúc Ly, Duy Thanh, Nguyễn Thùy Song Thanh, Tomas Transtromer, Âu Thị Phục An, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trương Đình Phượng, Inrasara, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, đọc cho bạn nghe những vần thơ mang âm hưởng chói chan của mặt trời mùa hạ, hoang mạc gai xương rồng, mật ngọt của thiên nhiên… Và ai biết đâu, trong màu tím đầy dẫn dụ kia, dư âm nồng nàn của một tình yêu, đã xa, bỗng nhẹ về trên gió, trên hạt mưa đi lạc mùa, trên tiếng cười gã làm thơ bên góc phố và trong âm thanh vỡ của tiếng đàn gã nhạc sĩ lang thang… Những khoảnh khắc ấy, đủ gọi trăm năm…(NTKM)

 

***

 

ÂU THỊ PHỤC AN

 

Gõ Cửa

tình nhân bỏ đi

nắng quay quắt nóng

cơn hừng hực vàng quái con đường 

38 độ

 

cánh cửa đóng lại

những gian dối đóng lại

mùa hè bay theo gót chân vội vàng

bụi bặm bay lên thành phố nắng 

 

kẹt giữa những cuồng ngông

rền vang âm thanh 

ta cô đơn trước cánh cửa lòng 

không còn rộng mở

 

tiếng rúc rích của gió

cũng không còn êm êm vuốt ve 

những trưa hè quấn quít

 

gõ mãi cánh cửa quá khứ

chỉ rơi xuống chân nổi buồn

người bỏ lại.

 

***

 

TOMAS TRANSTROMER

  

Những Bí Mật Trên Đường

 

Ánh sáng chiếu vào khuôn mặt của một người đang ngủ.

Giấc mơ của anh ta càng trở nên sống động

nhưng anh ta không thức giấc.

 

Bóng tối dội vào khuôn mặt của một người đang bước đi

giữa những người khác dưới những tia nắng nôn nóng và chói chan.

 

Trời bỗng nhiên tối sầm, như một trận mưa rào.

Tôi đứng trong một căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc –

một viện bảo tàng bướm.

 

Và mặt trời vẫn còn chói chan như lúc trước.

Những chiếc cọ nóng nảy của nó đang vẽ thế giới.

 

(Cao Thu Cúc dịch)

 

***

 

INRASARA

 

Ngụ Ngôn Loài Xương Rồng

 

Khi những trận gió cuồng nộ của mùa hạ đã xa

và cơn mưa ngọt lịm của mùa thu chưa tới

Đêm tối tràn qua bãi trống cánh đồng đến nằm vạ trên ngọn đồi chỏng chơ

Vuốt nốt mi mắt nhợt nhạt của chiều ngủ muộn trong khoảng rừng thưa

Còn tiếng cánh dơi vỗ vào thành đêm, tiếng rì rầm của đất

Còn dáng khẳng khiu của bụi xương rồng kiên trì góp nhặt

Những giọt nắng tàn ban ngày để thắp sáng về đêm.

 

Vệt sáng mỏng manh chỉ sáng lên khi thế giới đã thẫm đen

Côi cút dưới chân đồi quê hương sống đời ẩn ngữ.

 

Ngày tháng làm tha phương bao lần đối mặt với cô đơn bùng vỡ

Bị đè dưới sức nặng ngôn từ hay chìm nghỉm vũng lầy áo cơm

Ánh sáng nâng đỡ tôi trên bàn chân – bóng tối – con đường

Cả lúc chân trời dường vắng mặt.

 

Dáng khẳng khiu luôn treo phía trước tôi như thách thức

Vẫy gọi tôi về phía con đường.

 

Khi những cụm mây trắng mùa thu bị đánh bạt bởi trận giá buốt đầu đông

Trên vừng trán cha mới thấp thoáng niềm vui vụ gặt thịnh mùa mà trong mắt mẹ đã xám sẫm nỗi lo hư mất

Những lãng đãng bóng chiều tuổi thơ, cờ ngô kiêu hãnh hay mang mang nỗi buồn câu hát

Những đứa con quê hương đi lìa cuống rốn quê hương.

 

Còn dáng khẳng khiu của cây xương rồng ở lại trên triền đồi mãi phát sáng về đêm.

 

***

 

CHIÊU ANH NGUYỄN

 

Tháng Bảy Mồ Côi

 

Tháng bảy

Chập chờn mưa

Sài gòn buồn ngạo nghễ

Bông hồng trắng cho ngày tang lễ

Tiễn tình yêu mồ côi

Giọt long lanh trên ngón thon dài

Mong manh nỗi nhớ

Chạng vạng nấm mồ

Phủ dây leo…

những chùm hoa li ti màu lửa

Bốc cháy lân tinh

Đường quanh co nuớc xoáy ngược dòng

Cuốn trôi một vòng tái sinh

Chấp cánh

Sài gòn đào mồ chôn nỗi buồn lóng lánh

…tháng bảy mồ côi…

 

***

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Tháng Bảy Và Hoa Larkspur

 

Không biết mùa hoa tím có về trên mỏm đá xưa

nơi bờ biển một lần. Anh và em

cùng đàn phi yến xôn xao mật hạ

larkspur nồng nàn

hư huyễn một mầu hoa

biển dập dồn những ước mơ bé dại

say theo mép sóng

những dấu chân cát ngẩn ngơ. Anh và em

muốn giữ lại

giây phút trẻ thơ của nụ hôn tím

của vòng tay ôm mùa hè ngút biển

và tháng bảy sẽ không trôi qua

màu tím ấy sẽ không tàn 

phải không anh?

 

Khi đàn phi yến đã bay đi

Larkspur chỉ còn là những hạt lệ. Bên ghềnh đá

chờ anh và em

tháng bảy như cây cọ buồn

Vẽ ngùi theo mắt gió…

 

Khi tháng bảy rụng xuống. Biển chìm vào đêm

Những cánh hoa bay xa

bỏ lại thánh đường cô đơn mùa hè âm vang tiễn biệt…

 

***

 

TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG

 

Những Âm Thanh Tan Vỡ (Trích đoạn 1)


từng cánh mây rụng. hoảng hốt
ai nghe thấy tôi không?
im lặng.
tiếng đập cánh buồn bã của bầy mối non
làm run rẩy bức tường đêm. 
những nốt nhạc soi mình vào câu từ dang dở
bài hát về cuộc hành hương của đàn rắn đuôi chuông
lạc đường trên sa mạc.
ai nghe thấy tôi không?
im lặng.
gã nhạc sỹ lang thang tựa đầu vào chiếc đàn 
lắng nhịp thở mưa 
những nhánh hoa khuya giật mình
làn hương nhợt nhạt đơm trên những bàn tay gió
lẻn vào giấc mơ những kẻ không nhà
dưới gầm cầu 
bầy chuột nằm nhớ về những đóa sao xanh.

 

***

 

NGUYỄN XUÂN THIỆP

 

Buổi Chiều. Tiếng Cười Trên Góc Phố

 

buổi chiều. và tiếng cười

rơi. trên góc phố quen

 

dường như

những giọt nắng đã rực rỡ

trong mùa hè qua

và những giọt nắng tàn phai

màu tím. chiều nay

 

giấc mơ nào đã chết

 

có gã làm thơ

đi tìm

vầng trăng. trong cỏ rối

thơm mùi hoa cúc dại

 

phải rồi

từ lúc xa phương đông

là biết đời đã trễ. những chuyến tàu

cánh cổng sân ga. đóng lại

 

trời dallas. chiều nay

mặt trời thắt cổ

những con chim đen

đeo đầy những đường dây điện

cùng cất tiếng. gọi mùa về

mùa đã gẫy cánh. phương xa

 

ôi. dallas

nơi tôi đã đến. đã ở mười năm. đã viết văn làm báo

và sẽ ra đi

vầng trăng sau cơn bão

còn lại bao lâu. những bài thơ. lúc chia tay

không ai vẫy chào. không giọt lệ

 

và buổi chiều. tiếng cười trên góc phố

tiếng cười

như thủy tinh. vỡ

dường như. dường như. rất quen

 

***

 

PHẠM THIÊN THƯ

 

Bài 96 (Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng)

 

Gối tay nệm cỏ nằm say

Gõ vào đá tụng một vài biến kinh

Mai sau trời đất thái bình

Về lưng núi phượng một mình cuồng ca

 

***

 

HOÀNG TRÚC LY (1933-1983)

                                                 

Mưa Chiều Nay

 

Mùa mưa nghe trời ướt mắt xanh

Gió thổi mưa xưa hờn kinh thành

Hôm nay lưu luyến về bên ấy

Em lạnh lùng không khi nhớ anh

 

Ngày quen em phượng nở môi son

Chiều tiễn đưa lá rụng dép mòn

Từ mang ly biệt vào năm tháng

Thao thức cho bằng mấy núi non    

 

***

 

DUY THANH (1931-2019)

 

KHÚC 2 (Trích từ bài Sầu Tám Khúc)

 

Thời tiết nào có đổi thay hay chỉ đổi thay ở mình. Có điệu nhạc nào bay từ không gian những hành tinh nào thế nhỉ. Mà em hát điệp khúc gì, anh vẫn nghe mà vẫn không thấy gì, hay âm nhạc chính là em. Bây giờ anh mới muốn hôn em, từ đầu ngón chân bé bỏng. Những búp chân hồng, những búp ngón tay. Cái khoảng cách diệu kỳ lạ lùng như tiếng nấc. Anh uống màu hơi thở hoàng hôn. Cả với em. Cùng tiếng hát nhiệm màu.

 

Trên những mái nhà thành phố là màu tím trời đêm.

Trên những linh hồn lang thang là nụ cười sa mạc.

 

***

 

NGUYỄN THÙY SONG THANH (1939-2022)

 

Như Vậy Cũng Đủ

 

Thiên nhiên ngọt rót vào tai lời mật

Cười lên nghe đời vỡ giọt bi ai

Bình yên như núi đá giấu ngậm ngùi

Quên khoảnh khắc thác trào cơn nức nở

 

Bàn tay đã hôn cõi lòng đã nhớ

Nỗi buồn cũng lộng lẫy đủ trăm năm

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chúng ta đều biết rằng Belarus là một nhà nước toàn trị, tuy mức độ cai trị không khắc nghiệt như ở Nga nhưng vẫn là độc tài hơn hầu hết các nước ở Châu Âu. Tuy nhiên văn học Belarus lại là một lĩnh vực không liên hệ bao nhiêu tới những cam kết chính trị của nhà nước Belarus trong nỗ lực hỗ trợ cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Những bài thơ được dịch từ tiếng Belarus sang tiếng Anh đang phổ biến trên nhiều mạng trong học giới Hoa Kỳ cho thấy một khuôn mặt văn học Belarus rất mực thơ mộng của một dân tộc đang tìm tới chân, thiện, mỹ. Belarus có khoảng 9 triệu dân, thủ đô là Minsk, từng là một phần của Liên Xô cho tới năm 1991 tới tách ra, được cai trị bởi Tổng Thống Alexander Lukashenko từ năm 1994 (quá lâu, tới 28 năm nắm quyền tối cao). Biên giới Belarus vây quanh bởi Nga, Ukraine, Ba Lan, Lithuania và Latvia. Hơn 40% trong 207,600 cây số vuông (80,200 dặm vuông) là rừng. Belarus bị Thế Chiến 2 tàn phá, mất 1/3 dân số và hơn ½ tài nguyên kinh tế.
Di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Cung Tiến không nằm ở số lượng, mà đầy ở phẩm chất. Ngoài những ca khúc, tấu khúc thuần tuý giá trị về âm nhạc, ông còn để lại những bài viết, tiểu luận dưới nhiều đề tài văn học, kinh tế, và truyện dịch. Chúng ta đã đọc, đã nghe khá nhiều về tài hoa và khả năng sáng tác của Cung Tiến từ tuổi 15 cho đến những năm tháng sau cùng. Trong những quà tặng ông để lại tôi đặc biệt yêu thích nghệ thuật phổ thơ thành nhạc của ông, chẳng những cho chúng ta thưởng thức giai điệu bán cổ điển tây phương, ngủ âm đông phương, mà còn mang thơ Thanh Tâm Tuyền, một trong vài thi sĩ hàng đầu trong thời đại của ông đến giới thưởng ngoạn nhạc nghệ thuật và lưu trữ vào kho tàng âm nhạc Việt. Thơ Thanh Tâm Tuyền không dễ phổ thành nhạc.
Như những tiếng cầu xin cứu vớt linh hồn chúng tôi / ngoài khơi bí mật đến tự một con tàu biển; / qua những mảnh danh từ dệt nên hồn mầu nhiệm / em vẫn chỉ là tóc mây cổ nõn và môi./ Sau áo len danh từ là thế giới xa vời, / là đêm không trăng sao là trùng dương thăm thẳm; / qua những chuỗi ngọc cười, em vui nước mất đẫm / vai anh, em buồn. Đêm hồn anh dài không nguôi.
Một cõi mênh mông các cảnh giới. Cũng là một chiếc kén bé nhỏ gói bí ẩn về giấc mơ một ngày kia sẽ tung ra muôn trùng tơ quấn quít hiện thực. Một khung cửa khép với chờ đợi, với cô lẻ số phận. Một bầu trời cao rộng với những đường bay mạnh mẽ hoan lạc của cánh chim tự do. Một mặt biển bị xao động bởi những con sóng ngầm làm ngạc nhiên thinh lặng của vực sâu. Là cánh cửa được mở tung bởi ngôn ngữ như những tiếng gõ dồn dập. Là bức tường bức phá bởi sức mạnh của ý tưởng. Là con đường hiểm hóc hay mượt cỏ, những bước chân vẫn đi tới đi tới. Ở đó bạn nghe được khát vọng tìm hạnh phúc chân thực như trở về cội nguồn tâm sâu thẳm. Ở đó bạn sẽ thấy cảm xúc mình bung ra như sắc mầu của chiếc kính vạn hoa. Ở đó, những con chữ như nam châm hút cảm xúc người đọc. Ở đó, từ trường say đắm thơ mộng của Đinh Thị Như Thúy, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thùy Song Thanh, Vũ Quỳnh Hương.
Gerald McCarthy vào Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ năm 17 tuổi, phục vụ tại Việt Nam trong hai năm 1966-1967, trong Tiểu Đoàn 1 Công Binh Chiến Đấu Hoa Kỳ (1st Combat Engineer Battalion) tại Chu Lai và rồi tại Đà Nẵng. Sau một nhiệm kỳ trong quân ngũ, McCarthy đào ngũ, bị bắt vào một nhà tù dân sự rồi chuyển vào quân lao. Những bài thơ đầu tiên của ông gom lại ấn hành trong thi tập War Story, ghi lại các suy nghĩ với kinh nghiệm tại Việt Nam. Sau đó, ông tham gia các hoạt động phản chiến và in nhiều thi tập khác. Nhà thơ D.F. Brown sinh năm 1948 tại Springfield, Missouri. Ông phục vụ trong Lục quân Hoa Kỳ từ 1968 tới 1977, trong đó từng giữ nhiệm vụ lính cứu thương trong tiểu đoàn Bravo, 1/14th Infantry tại chiến trường Việt Nam các năm 1969–70. Năm 1984, Brown in tập thơ đầu tay, nhan đề Returning Fire, trong đó, bài thơ ngắn nhất có nhan đề ghi bằng tiếng Pháp “L’Eclatante Victoire de Khe Sanh” (Chiến Thắng Huy Hoàng tại Khe Sanh).
Nhã Ca với tập thơ đầu tay Nhã Ca Mới, đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1965. Giải Khăn Sô Cho Huế (1969) đoạt Giải Văn Chương Toàn Quốc về văn năm 1970, và Tuệ Mai đã đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1966 với thi phẩm Không Bờ Bến. Thơ. Họ là cột mốc đánh dấu cho sự chuyển mình khai phá bứt ra khỏi phong cách thi ca tiền chiến. Thi ngữ, thi ảnh nơi họ khơi gợi ở người đọc cảm xúc mới mẻ, thi pháp tuy còn giữ nhiều về thể luật của các loại thơ vần điệu, nhưng được chở dưới nhạc điệu cấu tứ mới – kể cả lục bát – nên cũng có thể nói họ đã cách tân những thể loại thơ này vào thời đó, đặc biệt, ở thể loại tự do, với Nhã Ca, một luồng gió mạnh thổi bật gốc rễ của trói buộc ngôn từ, định kiến.
Tôi đã đọc thơ Nguyễn Quốc Thái từ hơn một thập niên. Và nhiều người đã đọc thơ anh hơn một nửa thế kỷ. Hình như, tôi chưa thấy dòng thơ nào vui của anh. Và ngay cả những dòng thơ có thể được suy đoán là vui, cũng vẫn có một nỗi buồn thần bí trong đó – nơi đây, đành nói là thần bí, vì không giải thích minh bạch được. Cũng có thể vì tôi thấy nét mặt anh lúc nào cũng buồn. Đó là những lần tôi được gặp anh, khi anh có dịp thăm Quận Cam. Cũng có thể vì Nguyễn Quốc Thái là một nhà thơ ra đời trước tôi khoảng một thập niên, thuộc một thế hệ có nhiều chia ly hơn là gặp gỡ, nhiều tan vỡ hơn là hàn gắn. Cũng có thể vì một vài câu thơ của Nguyễn Quốc Thái, tôi đã đọc qua, và chợt nhớ một vài ý trong đó. Như bài thơ có nhan đề Todo Passa. Anh làm bài thơ này từ Sài Gòn, vào tháng 12 năm 2017. Trích năm dòng đầu như sau. / Một mình tôi với những câu thơ đau đớn mới/ Lời vỗ về an ủi như tiếng gió lùa qua bến bờ lau sậy / Tôi ngã xuống như một hẹn ước dở dang ...
thở lên cầu lộng chân mây/ loa xa nhánh nữa cởi vai sông triền / từng say đắm rượu bách niên / cây nhân gian sẽ nhện phiền muộn giăng / bím thư sinh bới lọn mầm / lưới yêu mị chải lệch tâm lược ngà / nhá nhem đóm lội tịch tà / cái hôn ám cũ tách ra giữa vời
Một nhà phê bình văn học ngoại quốc đã nói đại ý: Nếu các nhà thơ hiện đại không có độc giả, họ có thể tạo ra độc giả. Đây thuộc vào phần lớn thi tài của nhà thơ. Để có được một bài thơ ra thơ, nghĩa là, được sinh ra từ cảm xúc thực, có sự mới lạ của chữ và nghĩa, và ít nhất là có nhạc thơ. Thơ hiện đại có khi nghiêng về lý sự mà coi nhẹ cảm xúc. Làm thế nào để một bài thơ triết lý, suy tư, gây được rung động Thơ nơi người đọc? Thơ Nguyên Yên có một gợi mở như thế. Thơ của cô trầm tĩnh, đầy những suy tư triết lý, và táo bạo một cách sáng suốt để không phá đi thẩm mỹ từ của thi ngữ. Cô tôn trọng thi ngữ, cô triết lý bằng cảm xúc thơ (là khi trái tim phỉnh cái đầu… ), và vì vậy dòng thơ hiện đại của cô bật lên được nhạc chữ rất riêng của thơ tự do, đọc lên, có được cảm xúc đọc một bài thơ, cảm được cái mới lạ của chữ, nghĩa, hình ảnh. Suy tư mà vẫn ánh lên nét thơ mộng, lãng mạn, đặc biệt là những bất ngờ ở cuối bài thơ. Đó là những yếu tố mà thơ Nguyên Yên đã chinh phục được người đọ
Em đi để lại mây ngàn quyện vào chuông mõ, phím đàn nửa đêm Thương anh không ngủ giấc thiền nụ cười em gửi ngoài hiên cúng dường Em đi phả lại mùi hương ướp làn gió sớm, thơm đường mây trưa Thương anh trăm nắng ngàn mưa lái đò cổ độ giúp đưa qua bờ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.