Các Nhà Thơ Hoa Kỳ: Về Một Thời Việt Nam

20/05/202200:00:00(Xem: 1902)
z-01-x-Gerald-McCarthy-POET

Gerald McCarthy và bìa thi tập War Story


Tên anh trên tường đá
theo nắng mưa đã mờ
mỗi năm rừng thay lá
phả gió lạnh dòng thơ. (PTH)

Chúng ta đang bước qua những ngày tháng tư của năm 2022, như thế là tròn 47 năm, tính kể từ tháng 4/1975 -- một dấu mốc lịch sử lớn, đối với cả dân tộc Việt Nam. Đối với các chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, cuộc chiến đó chỉ còn ký ức. Nơi đây, chúng ta đọc lại một số bài thơ về cuộc chiến Việt Nam của cựu chiến binh Hoa Kỳ và các nhà thơ cùng thế hệ của họ. Các bản dịch trong bài là của Phan Tấn Hải.

.

GERALD MCCARTHY

 

Gerald McCarthy vào Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ năm 17 tuổi, phục vụ tại Việt Nam trong hai năm 1966-1967, trong Tiểu Đoàn 1 Công Binh Chiến Đấu Hoa Kỳ (1st Combat Engineer Battalion) tại Chu Lai và rồi tại Đà Nẵng. Sau một nhiệm kỳ trong quân ngũ, McCarthy đào ngũ, bị bắt vào một nhà tù dân sự rồi chuyển vào quân lao. Những bài thơ đầu tiên của ông gom lại ấn hành trong thi tập War Story, ghi lại các suy nghĩ với kinh nghiệm tại Việt Nam. Sau đó, ông tham gia các hoạt động phản chiến và in nhiều thi tập khác. Sau đây là trích đoạn từ bài thơ nhan đề “The Sound of Guns” (Tiếng Súng) trong thi tập War Story, ghi hình ảnh nhà thơ về đời thường nhưng dòng thơ vẫn bị ám ảnh về cuộc chiến:

.

Nơi trường đại học trong thị trấn
những người đàn ông mím môi bảo tôi rằng cuộc chiến ở Việt Nam qua rồi
rằng các bài thơ của tôi nên viết đề tài khác
.
Năm 19 tuổi, tôi đứng trong đêm và nhìn
một sân bay bị pháo kích. Một phi cơ để chở tôi
về quê nhà, bốc cháy; nhiều người chạy băng qua lửa
.
Bảy mùa đông đã trôi qua rồi
chiến tranh vẫn còn theo tôi.
Sẽ không bao giờ tìm được cách nào
để tôi ném những người chết đi.

----- Gerald McCarthy

.

D.F. BROWN

 

z-02-y-D-F-Brown_war-poet
Nhà thơ D.F. Brown trong quân phục

 

Nhà thơ D.F. Brown sinh năm 1948 tại Springfield, Missouri. Ông phục vụ trong Lục quân Hoa Kỳ từ 1968 tới 1977, trong đó từng  giữ nhiệm vụ lính cứu thương trong tiểu đoàn Bravo, 1/14th Infantry tại chiến trường Việt Nam các năm 1969–70. Năm 1984, Brown in tập thơ đầu tay, nhan đề Returning Fire, trong đó, bài thơ ngắn nhất có nhan đề ghi bằng tiếng Pháp “L’Eclatante Victoire de Khe Sanh” (Chiến Thắng Huy Hoàng tại Khe Sanh). Bài thơ hai đoạn, có dòng chỉ 2 chữ. Kể về chiến trường Khe Sanh ở Miền Trung Việt Nam, nơi cây rừng tương lai rồi sẽ mọc phủ lấp các chiến hào hai bên, nơi các chiến hào như các vếr sẹo được liền da lại. Bài thơ như sau.
.

Chiến Thắng Huy Hoàng tại Khe Sanh

Điều chính
để nhớ
là rừng già
đang tái chiếm các chiến hào ----
.
hãy nghĩ nó được tha thứ
hãy nhìn nó hàn gắn
như một vết sẹo.

----- D.F. Brown

 

.

HERBERT KROHN

 

z 03 y Winning hearts and minds book of poems
Bìa tuyển tập Winning Hearts and Minds (NXB First Casualty Press), 1972

.

Tuyển tập Winning Hearts and Minds (NXB First Casualty Press) xuất bản năm 1972 gồm 109 bài thơ của 33 cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Chúng ta có thể hình dung ra bối cảnh: năm 1972 là năm của Việt Nam hóa chiến tranh, và là năm của nhiều trận đánh dữ dội được gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, và các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ từ Hoa Kỳ nhìn về Việt Nam để ấn hành thi tập này. Trong tuyển tập có tham dự của nhà thơ Herbert Krohn, một bác sĩ Quân Y Hoa Kỳ, với bài thơ nhan đề “Farmer’s Song at Can Tho” (Ca khúc của nông dân tại Cần Thơ), với những dòng rất hòa bình như sau:

.

Ca khúc của nông dân tại Cần Thơ

Chỉ là một nông dân
ruột và tim cất tiếng hát
trồng lúa vào vụ mùa
rồi quỳ lạy dòng sông.
Tôi là một nông dân và tôi biết những gì tôi biết
Mùa gặt tháng này là lúa xanh cao
Mùa gặt tháng tới là những đàn bọ rất đói
Làm sao có hòa bình được nơi đất nước xanh tươi này?

----- Herbert Krohn.

.

 

WARREN WOESSNER

 

z-04-y-Warren-Woessner-Poets
Warren Woessner nhiều năm sau cuộc chiến

 

Warren Woessner là một nhà thơ và là một luật sư ở Minneapolis, Minnesota. Sinh năm 1944, ông thuộc thế hệ có rất nhiều bạn hữu tham dự cuộc chiến tại Việt Nam. Ông có bằng Tiến sĩ Luật và bằng Tiến sĩ Hóa Học từ University of Wisconsin-Madison. Là tác giả nhiều tập thơ. Bài thơ sau ông viết vào tháng 4/1971, khi nghe tin chiến cuộc tại VN lan sang Lào.

.

Trên Bầu Trời Xứ Lào

Mặt trận thứ nhì đang quét
tới chúng tôi. Một trận bão hè khác
chúng tôi nghe thấy. Không khí dầy đặc.
Trên mặt đất, ánh đèn bật sáng
như các đôi mắt kinh hoảng. Ngọn gió
trườn bụng xuyên qua lá cỏ.
Từ phía tây, còi báo động cháy tới gần
Những người vợ cầm radio xuống hầm nhà.

----- Warren Woessner

JIM OLSON

 

z 05 Nui Ba Din_Jim Olson
Hình ảnh kèm bài thơ Jim Olson: Núi Bà Đen nhìn từ chiến hào.

 

Nhà thơ Jim Olson có mặt ở Việt Nam các năm 1969 – 1970, chức vụ Phó Tuyên Úy trong Tiểu Đoàn Công Binh 588, Trung Đoàn Công Binh 65, Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Nơi đóng quân chính của Jim Olson là Củ Chi, nhưng bài thơ sau là viết về Núi Bà Đen, Tây Ninh. Nhan đề bài thơ là “Nui Ba Din” thực ra là cách đọc sai của tên gọi “Núi Bà Đen.” Nhưng thi sĩ hiểu đúng nghĩa Núi Bà Đen, vì Olson dịch qua tiếng Anh chính xác như thế. Bản dịch sẽ giữ nguyên cách viết sai chính tả.

 

NUI BA DIN

Ngọn núi Đức Mẹ Đồng Trinh Da Đen
nơi phía đông Tây Ninh
Trạm viễn thông Mỹ nằm nơi đỉnh núi
các căn cứ yểm trợ hỏa lực nằm quanh chân núi
Việt Cộng kiểm soát phần giữa núi
Vào đêm, họ rời núi để bắn phá
.
Hôm sau, chúng ta sẽ dội bom Nui Ba Din
Bao trùm một đám mây khói
Việt Cộng dùng đường hầm
chui vào nơi an toàn của núi
Đêm đó họ tái xuất hiện để gây hỗn loạn.
.
Nui Ba Din hiển lộ được cuộc chiến
Chúng ta có viễn thông điện tử tốt hơn
Chúng ta có hỏa lực mạnh hơn
Họ ở nơi cánh đồng nhà.
.
Họ có quyết tâm và kiên nhẫn hơn
Chúng ta có ngọn và chân núi
nhưng họ có giữa núi
Và chúng ta không cách gì bứng họ ra.

----- Jim Olson

Riêng với những người Việt Nam, một thời trải qua cuộc chiến, làm thế nào có thể quên những trận mưa bom trong ký ức? Đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến. Nơi các chiến hào đã mọc lên những rừng cây lá mới. Núi Bà Đen, nơi một bài thơ trong bài từng ghi về một thời chiến tranh khói lửa, bây giờ là nơi có Tượng  Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á được tạc trên đỉnh núi, cao 72m và được đúc từ 170 tấn đồng đỏ. Nơi người ta một thời cầm súng, bây giờ là cầm kinh điển, hương đèn. Các trang sách cũ đang khép lại. Và những trang sách mới đang mở ra. Thế hệ những người tham dự Cuộc Chiến Việt Nam đang từ từ ra đi.

Các trận mưa bom thế kỷ trước, bây giờ là những dòng chữ lặng lẽ nằm trên trang sử, nơi đó nhân loại sẽ học để biết cách yêu thương nhau, tôn trọng nhau cho một kỷ nguyên mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.