Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc

21/07/202300:00:00(Xem: 2318)

tranh-Ann-phong
Tranh của họa sĩ Ann Phong.

 

Tháng 7. Mùa hè đang gửi đến đây một sứ giả vô cùng dễ thương. Phượng tím. Đi đâu chợt cũng bị màu tím thơ mộng ấy níu mắt nhìn, làm dịu đi cái nóng chói chan. Bạn đang ở đâu, buổi sáng rực nắng đi chơi hay chiều mệt nhoài sau giờ làm việc, hay tối, hay khuya, hàn huyên bạn thiết, hoặc giả nói chuyện một mình, tất cả những tâm trạng thời gian đó, bạn sẽ tìm thấy được trong Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc, nơi các nhà thơ Hoàng Trúc Ly, Duy Thanh, Nguyễn Thùy Song Thanh, Tomas Transtromer, Âu Thị Phục An, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trương Đình Phượng, Inrasara, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, đọc cho bạn nghe những vần thơ mang âm hưởng chói chan của mặt trời mùa hạ, hoang mạc gai xương rồng, mật ngọt của thiên nhiên… Và ai biết đâu, trong màu tím đầy dẫn dụ kia, dư âm nồng nàn của một tình yêu, đã xa, bỗng nhẹ về trên gió, trên hạt mưa đi lạc mùa, trên tiếng cười gã làm thơ bên góc phố và trong âm thanh vỡ của tiếng đàn gã nhạc sĩ lang thang… Những khoảnh khắc ấy, đủ gọi trăm năm…(NTKM)

 

***

 

ÂU THỊ PHỤC AN

 

Gõ Cửa

tình nhân bỏ đi

nắng quay quắt nóng

cơn hừng hực vàng quái con đường 

38 độ

 

cánh cửa đóng lại

những gian dối đóng lại

mùa hè bay theo gót chân vội vàng

bụi bặm bay lên thành phố nắng 

 

kẹt giữa những cuồng ngông

rền vang âm thanh 

ta cô đơn trước cánh cửa lòng 

không còn rộng mở

 

tiếng rúc rích của gió

cũng không còn êm êm vuốt ve 

những trưa hè quấn quít

 

gõ mãi cánh cửa quá khứ

chỉ rơi xuống chân nổi buồn

người bỏ lại.

 

***

 

TOMAS TRANSTROMER

  

Những Bí Mật Trên Đường

 

Ánh sáng chiếu vào khuôn mặt của một người đang ngủ.

Giấc mơ của anh ta càng trở nên sống động

nhưng anh ta không thức giấc.

 

Bóng tối dội vào khuôn mặt của một người đang bước đi

giữa những người khác dưới những tia nắng nôn nóng và chói chan.

 

Trời bỗng nhiên tối sầm, như một trận mưa rào.

Tôi đứng trong một căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc –

một viện bảo tàng bướm.

 

Và mặt trời vẫn còn chói chan như lúc trước.

Những chiếc cọ nóng nảy của nó đang vẽ thế giới.

 

(Cao Thu Cúc dịch)

 

***

 

INRASARA

 

Ngụ Ngôn Loài Xương Rồng

 

Khi những trận gió cuồng nộ của mùa hạ đã xa

và cơn mưa ngọt lịm của mùa thu chưa tới

Đêm tối tràn qua bãi trống cánh đồng đến nằm vạ trên ngọn đồi chỏng chơ

Vuốt nốt mi mắt nhợt nhạt của chiều ngủ muộn trong khoảng rừng thưa

Còn tiếng cánh dơi vỗ vào thành đêm, tiếng rì rầm của đất

Còn dáng khẳng khiu của bụi xương rồng kiên trì góp nhặt

Những giọt nắng tàn ban ngày để thắp sáng về đêm.

 

Vệt sáng mỏng manh chỉ sáng lên khi thế giới đã thẫm đen

Côi cút dưới chân đồi quê hương sống đời ẩn ngữ.

 

Ngày tháng làm tha phương bao lần đối mặt với cô đơn bùng vỡ

Bị đè dưới sức nặng ngôn từ hay chìm nghỉm vũng lầy áo cơm

Ánh sáng nâng đỡ tôi trên bàn chân – bóng tối – con đường

Cả lúc chân trời dường vắng mặt.

 

Dáng khẳng khiu luôn treo phía trước tôi như thách thức

Vẫy gọi tôi về phía con đường.

 

Khi những cụm mây trắng mùa thu bị đánh bạt bởi trận giá buốt đầu đông

Trên vừng trán cha mới thấp thoáng niềm vui vụ gặt thịnh mùa mà trong mắt mẹ đã xám sẫm nỗi lo hư mất

Những lãng đãng bóng chiều tuổi thơ, cờ ngô kiêu hãnh hay mang mang nỗi buồn câu hát

Những đứa con quê hương đi lìa cuống rốn quê hương.

 

Còn dáng khẳng khiu của cây xương rồng ở lại trên triền đồi mãi phát sáng về đêm.

 

***

 

CHIÊU ANH NGUYỄN

 

Tháng Bảy Mồ Côi

 

Tháng bảy

Chập chờn mưa

Sài gòn buồn ngạo nghễ

Bông hồng trắng cho ngày tang lễ

Tiễn tình yêu mồ côi

Giọt long lanh trên ngón thon dài

Mong manh nỗi nhớ

Chạng vạng nấm mồ

Phủ dây leo…

những chùm hoa li ti màu lửa

Bốc cháy lân tinh

Đường quanh co nuớc xoáy ngược dòng

Cuốn trôi một vòng tái sinh

Chấp cánh

Sài gòn đào mồ chôn nỗi buồn lóng lánh

…tháng bảy mồ côi…

 

***

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

 

Tháng Bảy Và Hoa Larkspur

 

Không biết mùa hoa tím có về trên mỏm đá xưa

nơi bờ biển một lần. Anh và em

cùng đàn phi yến xôn xao mật hạ

larkspur nồng nàn

hư huyễn một mầu hoa

biển dập dồn những ước mơ bé dại

say theo mép sóng

những dấu chân cát ngẩn ngơ. Anh và em

muốn giữ lại

giây phút trẻ thơ của nụ hôn tím

của vòng tay ôm mùa hè ngút biển

và tháng bảy sẽ không trôi qua

màu tím ấy sẽ không tàn 

phải không anh?

 

Khi đàn phi yến đã bay đi

Larkspur chỉ còn là những hạt lệ. Bên ghềnh đá

chờ anh và em

tháng bảy như cây cọ buồn

Vẽ ngùi theo mắt gió…

 

Khi tháng bảy rụng xuống. Biển chìm vào đêm

Những cánh hoa bay xa

bỏ lại thánh đường cô đơn mùa hè âm vang tiễn biệt…

 

***

 

TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG

 

Những Âm Thanh Tan Vỡ (Trích đoạn 1)


từng cánh mây rụng. hoảng hốt
ai nghe thấy tôi không?
im lặng.
tiếng đập cánh buồn bã của bầy mối non
làm run rẩy bức tường đêm. 
những nốt nhạc soi mình vào câu từ dang dở
bài hát về cuộc hành hương của đàn rắn đuôi chuông
lạc đường trên sa mạc.
ai nghe thấy tôi không?
im lặng.
gã nhạc sỹ lang thang tựa đầu vào chiếc đàn 
lắng nhịp thở mưa 
những nhánh hoa khuya giật mình
làn hương nhợt nhạt đơm trên những bàn tay gió
lẻn vào giấc mơ những kẻ không nhà
dưới gầm cầu 
bầy chuột nằm nhớ về những đóa sao xanh.

 

***

 

NGUYỄN XUÂN THIỆP

 

Buổi Chiều. Tiếng Cười Trên Góc Phố

 

buổi chiều. và tiếng cười

rơi. trên góc phố quen

 

dường như

những giọt nắng đã rực rỡ

trong mùa hè qua

và những giọt nắng tàn phai

màu tím. chiều nay

 

giấc mơ nào đã chết

 

có gã làm thơ

đi tìm

vầng trăng. trong cỏ rối

thơm mùi hoa cúc dại

 

phải rồi

từ lúc xa phương đông

là biết đời đã trễ. những chuyến tàu

cánh cổng sân ga. đóng lại

 

trời dallas. chiều nay

mặt trời thắt cổ

những con chim đen

đeo đầy những đường dây điện

cùng cất tiếng. gọi mùa về

mùa đã gẫy cánh. phương xa

 

ôi. dallas

nơi tôi đã đến. đã ở mười năm. đã viết văn làm báo

và sẽ ra đi

vầng trăng sau cơn bão

còn lại bao lâu. những bài thơ. lúc chia tay

không ai vẫy chào. không giọt lệ

 

và buổi chiều. tiếng cười trên góc phố

tiếng cười

như thủy tinh. vỡ

dường như. dường như. rất quen

 

***

 

PHẠM THIÊN THƯ

 

Bài 96 (Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng)

 

Gối tay nệm cỏ nằm say

Gõ vào đá tụng một vài biến kinh

Mai sau trời đất thái bình

Về lưng núi phượng một mình cuồng ca

 

***

 

HOÀNG TRÚC LY (1933-1983)

                                                 

Mưa Chiều Nay

 

Mùa mưa nghe trời ướt mắt xanh

Gió thổi mưa xưa hờn kinh thành

Hôm nay lưu luyến về bên ấy

Em lạnh lùng không khi nhớ anh

 

Ngày quen em phượng nở môi son

Chiều tiễn đưa lá rụng dép mòn

Từ mang ly biệt vào năm tháng

Thao thức cho bằng mấy núi non    

 

***

 

DUY THANH (1931-2019)

 

KHÚC 2 (Trích từ bài Sầu Tám Khúc)

 

Thời tiết nào có đổi thay hay chỉ đổi thay ở mình. Có điệu nhạc nào bay từ không gian những hành tinh nào thế nhỉ. Mà em hát điệp khúc gì, anh vẫn nghe mà vẫn không thấy gì, hay âm nhạc chính là em. Bây giờ anh mới muốn hôn em, từ đầu ngón chân bé bỏng. Những búp chân hồng, những búp ngón tay. Cái khoảng cách diệu kỳ lạ lùng như tiếng nấc. Anh uống màu hơi thở hoàng hôn. Cả với em. Cùng tiếng hát nhiệm màu.

 

Trên những mái nhà thành phố là màu tím trời đêm.

Trên những linh hồn lang thang là nụ cười sa mạc.

 

***

 

NGUYỄN THÙY SONG THANH (1939-2022)

 

Như Vậy Cũng Đủ

 

Thiên nhiên ngọt rót vào tai lời mật

Cười lên nghe đời vỡ giọt bi ai

Bình yên như núi đá giấu ngậm ngùi

Quên khoảnh khắc thác trào cơn nức nở

 

Bàn tay đã hôn cõi lòng đã nhớ

Nỗi buồn cũng lộng lẫy đủ trăm năm

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thưa người nước mắt bình minh/ Cái trong veo để phục sinh lại đời / Thưa người những bước rong chơi / Đưa nhau ngàn dặm nụ cười tung tăng / Sóng cao vực thẳm thưa rằng / Chân con kiến bé cứ lằng lặng đi / Mùa nào hút cánh thiên di /Qua sông núi biếc. Sợ gì nắng mưa
Trong vũ điệu day dứt của hoang mạc gió, lữ khách dừng lại, gõ cửa. Căn nhà trống mùa đông. Bàn tay lạnh quẹt một que diêm, nhen lên nỗi buồn, thảng thốt những ước mơ ngày cũ theo tro bụi bay lên, buồn bã như những lời em sắp nói, như ánh lửa lụi tàn, như tuổi thơ đi qua… Có tiếng chuông xa đâu vọng về, đơm hoa trong bóng tối lời nguyện cầu, lữ khách cảm thấy móng vuốt của băng giá tan ra bởi niềm khát khao cháy bỏng… Tuyết rơi trên ô cửa sổ, lấp lánh một nỗi chờ.
Khi mặt trời bỏ đi / tuyết đầu mùa tìm đến / những cánh tay màu trắng / cầm trái tim trẻ em
Một chút gì gợn lên nơi mùi cà phê sáng, nơi tách trà nhâm nhi buổi xế chiều, nơi ly vang đỏ nồng đêm tối, làm cồn cào nhớ đến câu thơ đã đọc từ lâu lắm, thơ xưa chăng, nhưng sao cái rung động hôm nay về nó vẫn làm ta xao xuyến đến vậy.
Mùa thu dẫu vừa khảy đôi ba nhịp vàng trên tàn cây. Mùa thu dẫu đang đốt hết mình trên hàng cây maple đỏ lá suốt dặm dài. Và mùa thu cho dù cũng vừa khép cánh cửa để ra đi, khép rất nhẹ nhàng như sợ làm thức giấc ai đó đang say ngủ. Tất cả. Những bổng trầm của mùa thu đều rúng động mấy tầng cung bậc cảm xúc của ta. Phiến lá vàng óng kia ẩn mật điều gì. Dấu chân vàng ố chiếc lá cuối thu như thể là những dấu chân cuối cùng để – nhẹ hẫng về mai sau – Ngọn gió của mùa thu ly tan nào vẫn thảng thốt trong nỗi chờ đợi. Hạt mưa nào xám tro quán phố. Và người ngồi nghe gió mùa thu về như – tiếng thổn thức của thời gian. Bạn ơi, xin lắng lòng trong buổi đêm tịch mịch để nghe cảm xúc bạn hòa âm thế nào với âm vang thu, để biết tác động mãnh liệt của thu – phù vân thôi cũng nát đời như chơi…
Phần lớn các nhà thơ nữ sinh sau cột mốc đau thương 1975, đã dường như nhẹ nhàng hơn, những ám ảnh của chiến tranh, ít bị day dứt hơn vấn đề ý thức hệ. Họ ít nhiều đã hưởng được quả ngọt của nữ quyền, thoát ra khỏi khung cửa chật hẹp của định kiến, góp phần nở rộ một dòng thơ mạnh mẽ, tự tin, khao khát tự do, và bản lĩnh, nói rất thực nhân sinh quan của mình về những mối tương quan trong một thế giới vật chất như hiện nay. Họ cũng rất phóng khoáng thể hiện những cảm xúc đam mê dạt dào nữ tính. Mang những trạng thái có vẻ như đối nghịch nhau như thế khiến dòng thơ của lớp thơ nữ này tỏa sức quyến rũ lạ lẫm, tạo nên một lớp độc giả với cảm thụ thi ca mới mẻ.
Khi toàn quốc chiến đấu, người phụ nữ cũng xuất hiện trên các chặng đường của đất nước. Chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ trong cuộc chiến ở Ukraine trên truyền hình, trên YouTube. Họ là các y tá, những chị bếp, hay người nữ chiến binh… nghĩa là tất cả những phương tiện phục vụ cho chiến trường chống lại quân Nga. Nơi đó, giữa những tiếng súng chúng ta nghe được từ màn hình TV, giữa những lời kêu gọi tác chiến, vẫn có những lời thơ đầy nữ tính từ đất nước đau khổ Ukraine. Nhà nghiên cứu Julia Friedrich của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công Toàn Cầu (Global Public Policy Institute - GPPi) tại Berlin trong bài nghiên cứu về hình ảnh phụ nữ tại Ukraine, nhan đề “Feminist Activism in Ukraine Usually Means Demanding More Weapons” (Hoạt động nữ tính tại Ukraine thường có nghĩa là xin thêm vũ khí) đăng trên tạp chí Tagesspiegel Online bằng tiếng Đức ngày 6/8/2022 cho thấy ngoài làn sóng di tản ra hải ngoại, còn rất nhiều phụ nữ ở lại Ukraine để trở thành trụ cột cho một giềng mối mới
Bà nổi tiếng với bộ tự truyện 6 cuốn. Quyển thứ nhất nổi tiếng nhất trên thế giới viết về 17 năm đầu đời của bà, I Know Why The Caged Bird Sings (1969), bà nói: “Đầu tiên người đời phải học cách chăm sóc chính mình để rồi có thể chăm sóc người khác. Đó là lý do làm cho “chim trong lồng hót”. Với tự truyện này bà được xem là một trong những phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên dám công khai bạch hóa đời riêng của mình. Maya Angelou được chọn làm “Người Phụ Nữ của Năm 76” (Woman of the Year) về Truyền Thông của tạp chí Ladies’ Home Journal. Giải Thưởng Matrix của Hội Women in Communications, Inc. vào năm 1983, Giải Thưởng Văn Chương North Carolina vào năm 1987, Giải Thưởng Candace 1990 của Cơ Quan Liên Minh Quốc Gia Phụ Nữ Da Đen (The National Coalition of Black Women).
Langston Hughes và Maya Angelou là hai tên tuổi lớn của nền thi ca da đen. Trang thơ xin bắt đầu với Langston Hughes. Ông sinh ở Joplin, Missouri, là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch. Thơ của ông kết hợp nhiều thể loại, mang đậm nét những bài hát dân gian da đen. Ông tôn vinh nền văn hóa người Mỹ gốc Phi châu trong thời kỳ được gọi là Thời kỳ Phục Hưng Harlem.
Là một nhà thơ, một nhà văn, và là một nhà báo. Hẳn là quá nhiều cho một đời người. Và rồi trở thành chiến binh, sau khi quân Nga tiến vào chiếm bán đảo Crimea và tấn công miền Đông Ukraine năm 2014: nhà thơ Borys Humenyuk đã tình nguyện ra trận chống quân Nga. Một số bài thơ của ông được dịch sang tiếng Anh trong tuyển tập Poems From The War, do hai dịch giả Oksana Maksymchuk và Max Rosochinsky thực hiện. Borys Humenyuk ra đời năm 1965 tại ngôi làng Ostriv, thị trấn Ternopil, miền tây Ukraine. Ông là một nhà thơ, nhà văn và nhà báo. Humenyuk đã tham gia tích cực vào những cuộc biểu tình cuối năm 2013 để dẫn tới Cách mạng Nhân phẩm (Revolution of Dignity) của Ukraine trong tháng 2/2014. Những câu chuyện về chiến tranh được kể trong thơ Borys Humenyuk là có thật, không hư cấu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.