Hôm nay,  

Đường vào Đại Học và Bình Đẳng Chủng Tộc

14/07/202300:00:00(Xem: 1227)
duong vao dai hoc 1

(Nguồn: chụp lại từ The New York Post)

 
Đã mấy năm nay, một nhóm tên "Sinh viên tranh đấu cho được nhập học công bằng" (Students for Fair Admissions) kiện Đại Học Harvard về tình trạng mà họ cho là bất công lúc xét các ứng viên Á châu nộp đơn vào trường đại học ưu tú này của Mỹ. Nhóm này cho rằng Harvard thực hành “affirmative action” (hành động khẳng định) và "racial balancing" (quân bình chủng tộc) trong quá trình quyết định ai được nhận ai bị từ chối. Nếu không, theo họ, nếu chỉ căn cứ trên thành tích học tập (academics) tỷ lệ sinh viên Á châu được nhận sẽ là 43% tổng số, hay ít lắm 26% nếu xét thêm về hoạt động ngoại khóa, thể thao hay gia đình quen biết với trường ("legacy"); chứ không thấp như mức 18.7% như hiện nay. Harvard thì cho rằng họ có lý do riêng của họ, và phân tích mỗi ứng viên như là một “con người toàn diện”, dùng yếu tố màu da một cách uyển chuyển và như là một yếu tố trong nhiều yếu tố khác.
 
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 29/6/2023 bác bỏ các chương trình tuyển sinh có cân nhắc yếu tố sắc tộc tại Đại học Harvard (trường tư) và Đại học North Carolina Chapel Hill (trường công), cấm dùng chính sách hỗ trợ người thiểu số trong tuyển sinh vốn lâu nay được vận dụng để tăng số lượng sinh viên da đen, gốc Mỹ Latinh và các nhóm thiểu số khác trong các trường đại học Mỹ.
 
Quyết định cột mốc này sẽ buộc nhiều trường cao đẳng và đại học Mỹ phải sửa lại chính sách tuyển sinh. Tòa phán quyết rằng các chương trình tuyển sinh theo chính sách hỗ trợ người thiểu số vốn cân nhắc tới sắc tộc của ứng viên như cách mà Đại học Harvard và Đại học North Carolina ở Chapel Hill đã làm là vi phạm cam kết về sự bảo vệ bình đẳng chiếu theo Hiến pháp Hoa Kỳ.
 
Chánh án John Roberts nói rằng “trong một thời gian dài, các trường đại học đã kết luận một cách sai lầm rằng tiêu chuẩn đánh giá căn cước của một cá nhân (the touchstone of an individual‘s identity) không phải là những thử thách người ấy vượt qua được, những kỹ năng được xây dựng hay bài học từng học được mà là màu da của người ấy. Lịch sử hiến pháp của chúng ta không chấp nhận sự lựa chọn đó.”
 
Có người cho rằng quyết định này của Tòa án Tối cao Hoa kỳ khẳng định chính sách tuyển chọn công bằng hơn, căn cứ trên giá trị, công lao, thành quả từng người mà không dành ưu tiên cho một chủng tộc nào, màu da nào, chấm dứt “hành động khẳng định” (affirmative action) giúp cho người “da màu” vào đại học với những tiêu chuẩn thấp hơn các nhóm khác. Tuy nhiên, cũng có người không đồng ý là sẽ có được công bằng hoàn toàn vì họ cho rằng những thước đo giá trị cá nhân đó của các ứng viên cũng tùy thuộc vào những yếu tố tuy bề ngoài là kinh tế xã hội nhưng trong gốc rễ vẫn là chủng tộc, nhất là các đặc quyền thiên vị người da trắng và những sự kỳ thị làm thiệt thòi nhiều thế hệ của người da đen ở Mỹ.
 
Ngoài ra, những trường đại học ưu tú và kén ứng viên như Harvard thường nằm ngoài tầm ngắm của đa số phụ huynh, vì các trường này học phí quá đắt tiền và ưu tiên hiện nay thì lại dành cho những người thuộc chủng tộc không phải Á Châu; hoàn cảnh chúng ta tại Mỹ khác với một thiểu số nhỏ người Á châu di dân giàu có, từ những nước như Trung Quốc, Ấn Độ giàu phương tiện và muốn bằng mọi cách làm sao con cái họ chen chân vào, giật cho được một mảnh bằng từ các đại học tiếng tăm thế giới này.
 
Sau phán quyết cấm khẳng định chủng tộc giúp người da đen và người Latinh này, những góc khuất về đặc quyền của người da trắng hay người lợi tức cao sẽ được những nhóm này soi mói, điều tra thêm: như “legacy admission” (di sản) dành cho những ứng viên có cha mẹ anh em là cựu sinh viên thường giúp cho các ứng viên phần đông là da trắng tăng xác suất được nhập học lên 7-8 lần so với sinh viên trung bình; các sinh viên nhà giàu, da trắng có phương tiện chơi giỏi những môn thể thao đắt tiền như kiếm đạo (fencing), bơi thuyền buồm (sailing) giúp cho họ đi “tắt” được nhận vào ê kíp thể thao của trường; nhà giàu cho trường đại học số tiền lớn (được trừ thuế) để lấy tiếng và do đó con cháu họ được vào nhập học ưu tiên (thường gọi là “trường hợp phát triển” hay “development cases”; gia đình khá giả trả tiền cho các dịch vụ tham vấn nhập học (college admission consultant) vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn để “gò” con cháu mình đồng thời móc nối với trường, có khi một cách phi pháp như trong vụ án “Operation Varsity Blues” mới đây của FBI vạch trần những “mánh” của giới giàu có chạy chọt cho con vào các trường danh tiếng và khiến nhiều phụ huynh phải vào tù.
 
Giữa các chu kỳ tuyển sinh đại học năm 2014 và 2019, 43% sinh viên da trắng được nhận vào Đại học Harvard là “di sản”, vận động viên được tuyển dụng, trường hợp phát triển (như đã nêu trong “Dean’s Interest List” của Trưởng khoa) và/hoặc con của giảng viên/nhân viên Harvard.
 
duong vao dai hoc 2
Một số tiểu bang đã cấm các chương trình “hành động khẳng định” (affirmative action) trong quá khứ. Điều này xảy ra ở California vào năm 1998, và từ năm 1998 (after ban= sau khi cấm), tỷ lệ người da đen và gốc latinh (black or hispanic) được nhập học vào vào năm đầu (freshmen) trường Berkeley của Đại học California, đã giảm từ 24% (trước khi cấm=before ban) xuống chỉ còn 13%. Giờ đây, hơn một nửa số người dân California ở độ tuổi đại học là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha (đường biểu diễn trên) nhưng chỉ 15% sinh viên năm nhất của Berkeley, một trường ưu tú thuộc hàng đầu của Mỹ, là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha. (Nguồn: The Guardian).
 
Một số đại học đã và vẫn sẽ tìm cách thực hiện sự đa dạng, thu nạp (diversity, inclusivity) trong tập thể sinh viên của mình qua các ngõ ngách khác như nhìn vào giai tầng xã hội (qua trường học ở vùng nào, ứng viên ở khu bưu chính nào, cha mẹ xuất thân từ giai cấp nào, lao động chân tay hay trung lưu, chuyện kể của ứng viên trong luận văn nhập học hé lộ cho biết một cách gián tiếp chủng tộc của ứng viên.
 
Họ cũng đã và sẽ tìm cách “dìm” bớt những người gốc Á có thành tích học vấn cao nhưng sẽ chiếm tỷ lệ quá cao nếu cho những người này nhập học mà chỉ dựa trên kết quả khoa bảng (academics), do đó họ sẽ thêm những tiêu chí chọn lựa khác khá “mù mờ”.
 
Ví dụ, theo báo The New York Times (ngày 15 tháng 6 năm 2018):
 
“Người Mỹ gốc Á đạt điểm cao hơn so với các ứng viên thuộc bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào khác về các tiêu chí tuyển sinh như điểm kiểm tra (test score) điểm số và các hoạt động ngoại khóa, theo phân tích được thực hiện bởi một nhóm phản đối tất cả các tiêu chí tuyển sinh dựa trên chủng tộc. Tuy nhiên, phân tích cho thấy “đánh giá cá nhân” (personal rating) của sinh viên đã làm giảm đáng kể cơ hội được nhận của họ.
 
Cũng theo báo này, “Harvard liên tục đánh giá các ứng viên người Mỹ gốc Á thấp hơn những người khác về các đặc điểm như “tính cách hay nhân cách tích cực” (positive personality), dễ mến (likability), can đảm, tốt bụng và “được tôn trọng rộng rãi” (widely respected) theo một phân tích về hơn 160.000 hồ sơ sinh viên nộp bởi một nhóm đại diện cho sinh viên Mỹ gốc Á trong một vụ kiện chống lại trường đại học.”
 
Nói một cách khác, có vẻ như dưới cái nhìn của một số người Mỹ xét đơn nhập học, tuy các sinh viên gốc Á học giỏi thật, họ vẫn thấy một cái gì chưa hoàn chỉnh lắm đứng về phương diện cá tính và nhất là thích ứng xã hội.
 
Nhân đây, chúng ta thử nhìn lại những yếu tố cá nhân, gia đình, xã hội nào sẽ ảnh hưởng đến “căn cước” của những ứng viên khi họ nộp đơn nhập học vào các trường đại học.
  
Trí thông minh vs địa vị kinh tế gia đình xã hội
 
Một khảo cứu của The Brookings Institution, một viện nghiên cứu gồm trên 300 chuyên gia khảo cứu về các vấn đề chính sách công, kết luận rằng trí thông minh và ý chí giúp cho chúng ta thành công trong cuộc đời nhiều hơn là tiền bạc địa vị xã hội của cha mẹ. Và đây là những trường hợp ở Mỹ, một xã hội ổn định hơn nhiều so với những xã hội như Việt Nam ngày trước, trong đó chỉ trong một ngày con người có thể "lên voi, xuống chó" và một cuộc đổi tiền hay đảo chánh đảo lộn tất cả, từ tài sản gia đình, cho đến bằng cấp đại học cũng có thể trở thành tờ giấy lộn.
 
Chính phủ Mỹ theo dõi một nhóm thiếu niên từ năm 1979 lúc họ thi trắc nghiệm vào quân đội Mỹ (Armed Forces Qualification Test) và xếp hạng họ theo mức thu nhập của gia đình thời bấy giờ, và so sánh với kết quả thành công hiện nay, tất nhiên là theo mức thu nhập, lúc họ trưởng thành.
 
Kết quả cho thấy những thành phần nhà nghèo nhưng trí thông minh cao (chỉ số IQ cao), có nhiều ý chí, có nhiều khả năng thực hiện nếp sống trung lưu hay cao hơn ("Con hơn cha, nhà có phúc"). Ngược lại, các em nhà giàu nhưng trí thông minh kém cỏi dễ bị tụt dốc bậc thang xã hội so với cha mẹ của mình. Trong nhóm một phần ba học sinh nghèo giỏi nhất, 40% trở nên khá giả, thuộc 40% “top” về lợi tức. Trong khi đó, trẻ em tuy nhà giàu nhưng IQ thuộc 30% dưới đáy, đứng “chót” về trí thông minh, hơn 1/2 sẽ thuộc nhóm 40% dưới đáy, thấp nhất về lợi tức. Nói cách khác, những trẻ thông minh và có chí sẽ "ăn nên làm ra", dù xuất thân gia đình nghèo. Ngược lại, nếu nhà giàu mà kém thông minh và ỷ lại, sẽ "không ai giàu ba họ" và mất chỗ đứng dễ dàng. (Tương tự như chuyện “Lưu Bình và Dương Lễ”, tuy Lưu Bình chỉ ham ăn chơi, chứ đủ trí thông minh để kết cuộc thành công lúc về sau anh ta cố gắng học hành).
 
Ảnh hưởng vị thế kinh tế xã hội trên các thước đo khả năng trí thức hay trí thông minh
 
Các nhà khảo cứu cũng nhắc rằng, không phải trí thông minh quyết định tất cả. Nếu chỉ nói về thăng tiến trong xã hội, thì người thông minh, có chí tiến thân và con nhà giàu vẫn hơn con nhà nghèo có ý chí và thông minh. Và tất nhiên, không phải cứ con nhà giàu là “ngu”, lười biếng như trong các chuyện cổ tích của ta. Ở Mỹ hiện nay, cha mẹ càng giàu có thì con cái càng có cơ hội đi học trường tốt, có sức khỏe tốt và do đó có càng nhiều cơ hội để thành công sau này. Ngoài ra, vì chế độ xã hội tưởng thưởng cho những người có khả năng trí thức cao trong một nền văn hoá và kinh tế kiến thức (knowledge economy), bản thân cha mẹ khá giả, giàu có thường cũng là những người có chỉ số thông minh IQ cao, và do di truyền con cái họ sẽ thừa hưởng thêm nét ưu đãi này nữa.
 
Thống kê cũng cho thấy gia đình lợi tức càng cao, cha mẹ trình độ học vấn càng cao, thì điểm SAT của con cái thi để xin vào đại học Mỹ cũng có khuynh hướng cao hơn. Cha mẹ làm 200,000 đô /năm, SAT con trung bình 1714 (trên điểm tối đa cũ 2400), trong lúc nếu cha mẹ làm 20,000/năm, SAT trung bình là 1326. (Theo báo Washington Post).
 
duong vao dai hoc 3
Điểm SAT trung bình (gồm 3 phần: đọc và hiểu, toán và luận văn) trên trục dọc, so với lợi tức của gia đình trên trục ngang (điểm SAT cũ, gồm 3 phần, tối đa 2400 điểm. SAT hiện nay 2 phần=800 Anh văn +800 Toán) (Source: The Washington Post.).
 
Gần đây nhất, một nghiên cứu công bố (9/2017) cho thấy đối với học sinh tốt nghiệp trung học ở Mỹ, ba yếu tố sau đây làm giảm khả năng học đại học (‘college readiness’), qua kết quả của kỳ thi ACT (ACT tương tự như SAT, gồm Anh văn, toán, đọc và hiểu, và học tập khoa học):
 
1) Gia đình lợi tức thấp;
2) Cha mẹ chưa bao giờ học đại học;
3) Thành phần thiểu số da đen, gốc Mỹ Latinh, hay Da đỏ, hay thuộc các đảo Thái Bình Dương. "Underrepresented minorities" mà thôi, không tính người gốc Á như Nam Á (ví dụ Ấn Độ) hay Đông Á, thường gọi là "Asians" như Nhật, Nam Hàn, Trung Hoa, Việt Nam là những nhóm tuy thiểu số trong xã hội, lại được "đại diện quá nhiều" (overrepresented) trong giới sinh viên hay khoa bảng.
 
Trong số các học sinh có cả 3 đặc điểm trên, chỉ 9% có đủ sức để vào đại học, so với 54% những học sinh không bị những thiệt thòi trên. Nếu chỉ bị một trong 3 điểm trên, tỷ lệ cho đại học là 26% (ví dụ học sinh chỉ nghèo, nhưng cha mẹ từng học đại học và không thuộc nhóm thiểu số thuộc nhóm "ít" đi đại học).
 
Ở Mỹ, các trường đại học càng khó vào thì lại càng đông học sinh nhà giàu hay khá giả vì các học sinh này được chuẩn bị, khuyến khích và cố vấn kỹ hơn. Trong số sinh viên của các trường khó vào nhất, có tính cạnh tranh nhất, hết 72% sinh viên xuất phát từ gia đình thuộc 1/4 giàu nhất nước Mỹ. Chỉ có 17% sinh viên các trường "tinh hoa" (elite school) này là cần học bổng Pell Grant của chính phủ dành cho sinh viên túng thiếu. Dù sao, con nhà giàu mà kém cỏi cũng được một cái lưới an toàn nâng đỡ lúc bị tuột giò, không như con nhà nghèo thất bại là... nghèo luôn.
 
Mặc dù xã hội Mỹ thuận tiện cho việc thăng tiến xã hội qua học vấn, chúng ta cũng không thể không nhớ đến câu ca dao của Việt Nam: Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa...
 
Tuy nhiên, người Việt là một ngoại lệ làm nước Mỹ ngạc nhiên. Ở Mỹ, vì tránh các khuynh hướng kỳ thị chủng tộc, người ta thường tránh né bàn về khác biệt trí thông minh do di truyền, do khác yếu tố gene, mà nhấn mạnh nhiều hơn đến các điều kiện xã hội thuận lợi hay bất lợi cho đứa trẻ.
 
“The Bell Curve”: Biểu đồ chỉ số thông minh
 
Mấy chục năm trước đây, hai tác giả, nhà khoa học chính trị Charles Murray và tâm lý gia Richard Herrnstein của cuốn "The Bell Curve" (Biểu đồ hình chuông, 1994) đưa ra luận cứ cho rằng sự thành công của mỗi cá nhân cũng như của nước Mỹ tỷ lệ với mức thông minh bẩm sinh thể hiện một cách khách quan qua chỉ số thông minh (intelligence quotient hay IQ) của con người. Theo hai tác giả, điểm IQ này không thay đổi nhiều qua những giai đoạn khác nhau của đời người, 40-80% do ảnh hưởng của di truyền và không bị hoàn cảnh xã hội, kinh tế, sắc tộc làm lệch lạc (trái với luận cứ "politically correct" cho rằng IQ test ưu đãi các thí sinh thuộc giai cấp trung lưu, dòng chính và làm cho các thiểu số như đen hay Latinh thiệt thòi bị điểm thấp hơn một cách giả tạo). Họ cũng lý luận rằng IQ người Do Thái và người gốc Á Đông ("East Asians" hay "Asians") thuộc loại cao nhất thế giới, hơn người da trắng, trong lúc đó thì IQ người gốc Mỹ Latinh và châu Phi thấp hơn. Họ cũng kết luận là nên ưu tiên di dân cho các nhóm ngoại quốc có IQ cao hơn, vì tương lai nước Mỹ.
 
Vị thế “người Châu Á”
 
Đối với chính trị Mỹ, thì đây là ngòi thuốc súng đe dọa sự sống chung hoà bình của các sắc dân, và quan điểm đúng đường lối nhất, "politically correct", là tiềm năng trí tuệ, là ai cũng như ai, bất kể gốc gác, chỉ có bất công xã hội mới là cội nguồn của các sai biệt trong thành quả xã hội kinh tế của mỗi người. Một số nhân vật tiến bộ gốc Á cũng lo sợ bị kẹt giữa hai lằn đạn của một bên là Mỹ Trắng đa số và bên kia Mỹ Đen và Latinh, nên mau mắn nhảy ra ngoài vòng tranh luận, và từ chối luận điệu rằng người Á châu thông minh hơn, cho rằng đây chỉ là "âm mưu" người da trắng dùng người Á châu cho luận cứ kỳ thị của họ. Mấy mươi năm sau, con số này có giảm bớt đi. Tuy nhiên, trên thực tế là các học sinh Á Châu có điểm thi vào đại học (SAT: trắc nghiệm khả năng thành công học đường) cao hơn hẳn so với các sắc dân khác, và các nhóm thiểu số kia thì SAT vẫn thấp hơn, khiến các đại học "tinh hoa" như Harvard, Yale tìm cách chặn bớt làn sóng sinh viên da vàng lại, bằng cách xét những yếu tố không phải thuần tuý học hành như "cá tính", giai cấp và chủng tộc. Kết quả là để được chấp nhận vào một trường Đại học nổi tiếng như Harvard, một người "da vàng" phải có điểm SAT (tối đa 2400) 140 điểm cao hơn ứng viên người da trắng, 270 điểm cao hơn ứng viên người "Hispanic", và 450 điểm cao hơn ứng viên người gốc châu Phi. Hiện tượng này gọi là "kỳ thị ngược" đối với người da trắng vì họ là dân đa số mà lại bị người khác kỳ thị căn cứ trên màu da, nhưng đối với người da vàng có lẽ gọi là "kỳ thị kép" có lẽ đúng hơn, vì họ bị kỳ thị hai lần, thứ nhất vì màu da, thứ hai vì... học quá giỏi hay quá chăm chỉ. Mấy năm trước, chính quyền Tổng Thống Trump (Cộng Hòa, bảo thủ), từng đảo ngược chính sách "bênh" các sắc dân thiểu số của người tiền nhiệm Dân Chủ, Tổng Thống Obama, lại khơi dậy cuộc tranh luận này; và bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hồi đó điều tra các cáo buộc về "kỳ thị ngược" (reverse discrimination) đối với người da trắng.
 
Tóm lại, phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Hoa kỳ sẽ ảnh hưởng mạnh đến cách các đại học Mỹ, nhất là các đại học ưu tú và “kén chọn” sinh viên mới mỗi năm vì không còn được phép dùng chủng tộc hay màu da như là một tiêu chuẩn để loại bỏ hay chọn một ứng viên. Số sinh viên da đen và Latinh (gốc Trung, Nam Mỹ) sẽ giảm. Tuy nhiên, sự đa dạng  trong tập thể sinh viên vẫn là mục tiêu của hầu hết các trường đại học muốn thực hiện một mức công bằng xã hội nào đó cũng như một trải nghiệm phong phú cho sinh viên của mình. Bằng cách này hay cách khác, người ta cũng sẽ cố gắng nâng đỡ những sắc dân đang gặp khó khăn chen chân vào các trường ưu tú để trong đại học họ được đại diện tương ứng hơn so với thành phần của họ trong dân số nước Mỹ.
 
Trẻ em Việt Nam nhờ cố gắng cá nhân cũng như sự trợ giúp của gia đình và cộng đồng trong mấy chục năm qua thành công rực rỡ trong học đường Mỹ, mặc dù cha mẹ các em lúc mới đến phần lớn lợi tức rất thấp, trình độ học vấn, nhất là tiếng Anh không bằng ai và còn phải xây dựng cuộc sống mới trên một đất nước hoàn toàn xa lạ. Tuy vậy sự thành công đó không ít thì nhiều cũng nhờ vào các biện pháp khẳng định trước đây đối với người tỵ nạn trong những năm đầu tới Mỹ.
 
Những tiểu bang đông người Việt như California, Texas, Florida, Washington, Oklahoma, Arizona vẫn cấm dùng hành động khẳng định trước khi có án lệnh này.
 
Đối với con cháu chúng ta sắp bước vào đại học, hy vọng quyết định này của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ giúp các em có nhiều cơ hội thuận tiện hơn không những lúc xin nhập học mà còn trên nhiều lãnh vực khác như xin học bổng, xin việc làm.
 
– BS Hồ Văn Hiền
(4 tháng 7 năm 2023)
 
Tham khảo:
 
7) Do colleges discriminate against Asian-Americans? Team Trump is on the case.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp để giành lại chủ quyền cho dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam, tiền nhân của chúng ta đã gian khổ cùng một lòng đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi mảnh đất thân yêu mà Tổ tiên ta đã bao đời dầy công gầy dựng. Cho nên nhìn lại dòng lịch sử dân tộc từ Bắc vào Nam ở đâu và lúc nào cũng có những vị anh hùng dân tộc đứng lên liều mình cứu nước chống giặc ngoại xâm...
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng..
Người nhập cư Việt Nam được biết đến với “đạo đức làm việc” mạnh mẽ của họ. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều giờ và hy sinh để đạt được mục tiêu của mình. Tính cần cù này đã giúp họ thành công trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh doanh, giáo dục và các ngành nghề khác...
Sau một vài năm ở Mỹ và đã quen hơn với vùng đất mới của họ, những người nhập cư Việt Nam đã chuyển đến các khu vực đô thị lớn để tạo ra các “biệt khu dân tộc” (ethnic enclaves) với những người Mỹ gốc Á khác...
Từ đợt đầu di tản sau biến cố 30/4/1975, chừng 125,000 người. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán ngay lập tức nhân viên Hoa Kỳ và hàng nghìn quan chức quân sự và ngoại giao của miền Nam Việt Nam. Các kênh truyền hình tin tức Mỹ đã phát đi những hình ảnh đau lòng về cuộc không vận hỗn loạn, trong đó có đám đông công dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng tràn ngập ngoài cổng Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Làn sóng đầu tiên đến vào năm 1975 như một phần của 140.000 người của Đông Dương được sơ tán ban đầu qua lệnh của Tổng thống Gerald Ford. Những người tị nạn đó, hầu hết đều có trình độ học vấn và nói được một ít tiếng Anh, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Mỹ mong muốn được xóa bỏ ít nhiều mặc cảm tội lỗi về việc quân đội Mỹ đột ngột rời khỏi miền Nam Việt Nam. Đến năm 1978, kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái và sự chào đón nồng nhiệt này không còn nữa (1).
Giữa những hình ảnh cánh đồng hoa anh túc và những chiến hào sũng nước trong ký ức chung về Thế Chiến I, ít ai để ý đến sự hiện diện của các trại tù binh chiến tranh ở vùng đảo British Isles. Nhưng trong suốt cuộc chiến, Anh đã giam giữ gần 116,000 người trong các trại tù binh trên khắp đất nước, từ Cung điện Alexandra ở London đến một trang trại cũ trên Đảo Isle of Man. Trong số đó có một võ sĩ đấm bốc và nghệ sĩ biểu diễn xiếc người Đức tên là Joseph Pilates.
Cựu Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã qua đời vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu 18-8-2023 tại Fountain Valley, California, hưởng thọ 98 tuổi. Ông sinh ngày 31-8-1926 tại Hà Đông. Trung tướng Phạm Quốc Thuần giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Bộ Binh (Thủ Đức) ngày 20-8-1969...
Bát Nhã Tâm Kinh của Phật học có câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Từ “sắc” trong câu kinh dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng. Còn “không” là cái không bao giờ xẩy ra. Từ “không” được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chân Không Diệu Hữu”. Như vậy, “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là nói đến “thật tướng” của vạn pháp và đấy chính là “vô tướng”, từ “cái không” do nhân duyên hợp lại thành “cái có”. Và, ngược lại, từ “cái có” tất yếu trở về “cái không”. Chu kỳ ấy là bất diệt, cứ tiếp nối nhau đến vô tận. Đó là cách tiếp cận theo triết học tôn giáo hay siêu hình học. Nhìn từ nhãn quan vật lý học, “cái có” có thể đến từ “cái không” được không? Theo thuyết Big Bang thì có vẻ là như thế. Vật chất tồn tại như ta nhìn thấy – hàng tỉ tỉ dải thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỉ tỉ ngôi sao, mỗi ngôi sao là một hệ thái dương có thể có nhiều hành tinh, mỗi hành tinh là một thế giới như quả đất chúng ta đang sinh sống – đến từ “cái không có gì”,
Nhân Lễ Tưởng Niệm Nhị vị Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông được tổ chức ngày hôm nay 13/08/2023 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tiểu bang Victoria-Úc, Ban Tổ Chức có nhờ tôi chia sẻ đề tài “Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị chân chính”, dưới đây là một số điều tôi được biết về cuộc đời chính trị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
✱ Đs Anh/Đs Lodge: Đề xuất của Hồ Chí Minh về một hiệp định đình chiến - Nhu đã đáp lại rằng đề xuất này "không thực tế" nhưng có thể trở thành thực tế trong ba hoặc bốn tháng tới và đang được nghiên cứu. ✱ Báo Espresso, Italia: Ông Nhu sẵn lòng từ bỏ viện trợ Mỹ nếu đó là cái giá phải trả để loại bỏ sự hiện diện của người Mỹ - Nhu cho biết Việt Nam có thể tồn tại mà không cần người Mỹ - Ông Nhu phản ứng phẫn nộ khi người Mỹ muốn ông rời khỏi đất nước. ✱ Nhà báo M.West,Úc: Ông Nhu nói rằng ông muốn tất cả, lặp lại, tất cả các cố vấn Mỹ đều phải rời đi - Không có người Mỹ, chúng ta có thể thắng chiến tranh trong hai hoặc ba năm - Hiện nay trong ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, không có đạo đức. ✱ Đại sứ Lodge: Chúng ta nên xem xét việc rút quân là một khả năng ngày càng gia tăng. Sự bắt đầu của việc rút quân có thể gây ra một cuộc đảo chính...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.