Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (19). Lý Chiêu Hoàng Truyền Ngôi Cho Trần Cảnh, Nhà Trần Lên Ngôi

18/09/200600:00:00(Xem: 14699)
Trần Việt Bắc

Nơi nội cung, qua sự dàn xếp của Trần Thủ Độ và sự trợ giúp của Trần thái hậu, mọi sự đã xảy ra đúng như ý muốn của họ Trần. Tuy nhiên nhà Lý đã làm vua Đại Việt trên 2 thế kỷ, đột ngột thay đổi một triều đại đã được toàn dân trong nước chấp nhận là một chính biến cực kỳ lớn lao, Trần Thủ Độ cũng phải nói: "lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ"(120)(ĐVSKTT). Để cho dân chúng thuận theo triều đại mới, việc đầu tiên là Họ Trần phải tìm cách "thuyết phục" (121)đám quan lại nhà Lý, họ sẽ là cái gạch nối giữa triều đình mới lập và người dân. Mặc dù Thái thượng hoàng Huệ Tông đã bằng lòng để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh (bàn với Phùng Tá Chu!) , nhưng việc này phải được triều đình nhà Lý công khai chấp thuận. Nếu toàn bộ triều đình nhà Lý chấp thuận tân triều, may ra lòng người mới thuận.

Một buổi họp triều đình với tất cả bá quan văn võ của nhà Lý phải được tổ chức để công khai hoá vấn đề. Sự hiện diện của chức quan cao cấp nhất trong triều là …Trần Thừa (!) với chức Phụ quốc thái úy là một sự bắt buộc, nên "nhà vua (Nv: Chiêu Hoàng) sai quan Nội thị Phán thủ là Phùng Tá Chu, quan Nội hành khiển Tả ty Lang trung là Trần Chí Hoành, các tướng văn võ trong ngoài và các viên quan lại hãy quản lãnh thuyền rồng (122), chuẩn bị pháp giá đến phủ Cương Tinh mà đón Thái Tổ ta (Trần Thừa)"(ĐVSL). Quan Phụ quốc thái úy Trần Thừa được thông báo về quyết định của Thượng hoàng Huệ Tông, nhưng "Thái Tổ (Trần Thừa) cũng chưa tin điều ấy (123). Quan Tả phụ là Nguyễn Chánh Lại bảo rằng: "Họ Nguyễn (tức họ Lý-ND) có nước đấy. Vua hiền thì có đến sáu, bảy người gầy dựng nên cơ nghiệp, mà cái đức của họ lại có thừa, để lại cái ơn trạch thấm nhuần vào lòng người đã lâu dài rồi. Một sớm, nhà vua sợ có người khác họ làm việc kế tự nên mới có ý thăm dò thử, để xem cái ý của ta như thế nào đấy. Nếu ta nhân đó mà nhận lời, thiên hạ tất sẽ bảo Thái úy thực đã có ý soán nghịch" (ĐVSL). Ngoại trừ trường hợp quan Tả Phụ Nguyễn Chánh Lại được họ Trần nhờ đóng kịch ("), còn nếu không thì sinh mạng ông này có lẽ sắp bị nguy đến nơi! Trần Thừa biết rõ việc ông ta đang làm: giống như Tào Tháo thời Tam Quốc, nhiếp chính với quyền uy thật sự của một ông vua, con mình là Tào Phi sẽ lên ngôi dựng nên nhà Tấn sau này, Tào Tháo muốn tránh tiếng cướp ngôi nhà Hán, Trần Thừa cũng sẽ làm như vậy.

" Thái úy (Trần Thừa) muốn nghe theo lời của Nguyễn Chánh Lại thì quan Thượng Phẩm Phụng Ngự là Trần Thủ Độ nói rằng: "Lời Tả Phụ sai rồi! Nếu mà vương thượng có con trai mà lại nhường ngôi cho nhị lang thì việc trái nghĩa ấy ta không thể vâng chiếu được. Nay, Vương thượng không người kế tự, ý muốn chọn người hiền để phó thác ngôi cao. Đó là vương bắt chước việc nhường ngôi của nghiêu Thuấn thuở xa xưa. Vậy mà lo ngại nữa sao" Huống chi, ngôi chí tôn không thể để khuyết lâu, mà ý thoái lui của vương thượng thì đã quyết, vương thượng đã dứt khoát chọn người khác họ để cho nối ngôi, liệu ta không muốn nghe theo mà được chăng" Nhị lang được vương thượng chọn cũng là ý trời, trời đã ban cho mà không nhận là có tội ấy. Xin quan Thái úy hãy xét kỹ" (124)(ĐVSL). Trần Thừa làm ra vẻ muốn nghe theo lời của Nguyễn Chánh Lại, nhưng Thủ Độ gạt đi cho là không phải. Màn kịch "vùa tung vừa hứng" được anh em họ Trần diễn xuất một cách tài tình và có thứ tự nhịp nhàng, để bịt miệng quan lại nhà Lý bằng "ý trời" và để qua mắt thiên hạ.

Sau đó Trần Thủ Độ và Trần Thái hậu nhờ người viết sẵn bài chiếu để Lý Chiêu Hoàng hạ chiếu trước mặt bá quan văn võ: “Xuống chiếu rằng: "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy(125). Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề" Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm (126), mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết" (ĐVSKTT).

Sau khi đã hạ chiếu trước triều đình nhà Lý để “nhường” ngôi cho chồng là Trần Cảnh, việc đăng quang phải được chính thức hóa cho vị hoàng đế mới: “Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế” (ĐVSKTT). “Rồi tôn Vương hậu Thuận Trinh (127)làm Thái Hậu và giáng Chiêu Vương (128)xuống làm Vương Hậu Chiêu Thánh. Đổi niên hiệu là Kiến Trung”(ĐVSL). Thái Tông Trần Cảnh (129)lên ngôi, một nước không thể hai vua, Thái Tông giáng Chiêu Hoàng xuống làm Chiêu Thánh hoàng hậu.

Cậu bé 8 tuổi của họ Trần làm vua , với tuổi này Trần Thái Tông chưa có thể điều hành việc nước. Màn cuối vở kịch được diễn: “Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước. Thủ Độ nói: "Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thượng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiêng nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng không gánh vác nổi, mới uỷ thác cho nhị lang [Chàng Hai]. Nhưng Nhị lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chổ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang". Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính” (ĐVSKTT).


Trần Thừa lên và nhiếp chính một cách "danh chính ngôn thuận" và làm Thượng hoàng . Có Thượng hoàng mới rồi, Thượng hoàng cũ phải ra đi, " Thái Thượng Vương cùng với mẹ của ngài là bà Thái Hậu Đàm thị (130)đi ra ở nơi chùa Phù Liệt, lấy hiệu là Huệ Quang Thiền Sư" (ĐVSL). Hai mẹ con cựu Thượng hoàng Huệ Tông phải rời nội cung để ra chùa ở. ĐVSL viết tên chùa này là Phù Liệt, tuy nhiên ĐVSKTT và các bộ sử khác đều viết đây là chùa Chân Giáo(131).

“Phong Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư. Phế thượng hoàng nhà Lý ra ở chùa Chân Giáo, gọi là Huệ Quang đại sư”(132)(ĐVSKTT). Quan Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ lên làm Thái sư. Nhà Trần chính thức lên làm vua của Đại Việt. Việc chuyển giao giữa hai triều đại xảy ra một cách êm thắm, không xảy ra bất cứ biến loạn nào, do Trần Thừa chủ trương, Trần Thủ Độ làm đạo diễn và Trần Thị Dung làm phụ tá đạo diễn.

"Các quan trong triều đều công phẫn nhưng vì thế lực họ Trần qúa mạnh nên đành thúc thủ.Quần chúng lưu luyến tiền triều trong dịp này có lời khẩu-chiếm dưới đây:
Trống kia ai đánh thùng thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng"

(Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, quyển 1, trang 412, nhà xuất bản Đại Nam).

"Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta nên được một nước cường-thịnh: ngoài thì đánh nước Tàu, bình nước Chiêm, trong thì chỉnh-đốn việc võ-bị, sửa-sang pháp-luật, xây vững cái nền tự-chủ. Vì vua Cao-tông hoang chơi, làm mất lòng người, cho nên giặc-giã nổi lên, loạn thần nhiễu sự. Vua Huệ-tông lại nhu-nhược bỏ việc chính-trị, đem giang-sơn phó-thác cho người con gái còn đang thơ-dại, khiến cho kẻ gian-hùng được nhân dịp mà lấy giang-sơn nhà Lý và lập ra cơ-nghiệp nhà Trần vậy" (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 122, nhà xuất bản Thông Tin, 1999).

Nhà Lý tới lúc này thật sự chấm dứt sau 216 (1010-1225) năm làm vua Đại Việt, truyền ngôi được 9 đời:

1- Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn, làm vua 18 năm [1010-1028], thọ 55 tuổi [974-1028])
2- Lý Thái Tông (Lý Phật Mã, làm vua 27 năm [1028 - 1054], thọ 55 tuổi [1000 - 1054])
3- Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn, làm vua 17 năm [1054- 1072], thọ 50 tuổi [1023-1072])
4- Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức, làm vua 56 năm [1072 - 1127], thọ 63 tuổi [1066 - 1127])
5- Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán, làm vua 11 năm [1128 - 1138], thọ 23 tuổi [1116 - 1138]
6- Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ, làm vua 37 năm [1138-1175], thọ 40 tuổi [1136-1175])
7- Lý Cao Tông(Lý Long Trát, làm vua 35 năm [1176- 1210], thọ 38 tuổi [1173-1210])
8- Lý Huệ Tông(Lý Sảm, làm vua 14 năm [1211-1224], thọ 33 tuổi [1194-1226])
9- Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim, làm vua 2 năm [1224-1225], thọ 61 tuổi [1218- 1278]

Kết luận

(Còn tiếp)


120) "Mối họa thật không phải nhỏ", đúng thế! Nguyễn Nộn ở Bắc Giang đang tăng cường binh lực, Đoàn Thượng và Đoàn văn Lôi đang là bá chủ vùng Hồng. Nếu toàn dân theo hai ông này thì họ Trần dù làm vua cũng không yên.

121) Đe doạ và khủng bố thì đúng hơn.

122)Thuyền rồng và pháp giá chỉ dùng cho nhà vua. Muốn gặp một ông quan dù cao cấp mấy đi nữa thì vua chỉ sai người vời vào. Lấy thuyền rồng đi đón thì đúng là bố vua! Bố vua là thượng hoàng. Sao lại lộ liễu thế này! Đạo diễn Thủ Độ hơi bị sơ xuất trong vở kịch.

123)Theo ý người viết thì nên sửa là “Thái Tổ (Trần Thừa) “giả bộ” chưa tin điều ấy”. Tuy nhiên cũng có thể kẻ chủ mưu "chưa tin" vì không ngờ là sự việc lại xảy ra thuận lợi quá thế này !

124) NV: “Ý trời”" Quan Phụ quốc Thái uý đã chuẩn bị theo “ý trời” từ lúc đưa con mình là Trần Cảnh vào nội cung!

125) Có lẽ người viết bài chiếu này không đọc sử Việt nên không biết là Hai Bà Trưng đã từng làm vua.

126) Lý Chiêu Hoàng mới có 8 tuổi mà lại phải “suy đi tính lại một mình…nghĩ chín từ lâu”! Thái hậu, Thái úy và Điện tiền chỉ huy sứ đã “suy đi tính lại” dùm cho nhà vua và cả họ Lý rồi! Không biết ai làm bài chiếu này, lố bịch quá sức !

127) Vương hậu Thuận Trinh là Trần Thái hậu, cô ruột của Thái Tông Trần Cảnh, bà này tạm thời vẫn được làm Thái hậu.

128) Ghi chú của dịch giả : “Nhiều bộ sử khác chép là "Chiêu Hoàng". Bản chữ Hán sách này không thấy chép: Thái Thượng Hoàng, Hoàng Đế, Hoàng Hậu, Hoàng Tử v.v... Cả đến chữ "vua chết" không viết "đế băng" mà viết "vương hoăng". Có phải khi ở trong "Tứ khổ toàn thư", bộ sử này đã bị người Trung Hoa với cái thủ đoạn chính trị lúc bấy giờ mà sửa khác đi chăng"”.

129) Miếu hiệu là Thái Tông, vì đã lên ngôi vua nên danh xưng được các sử gia gọi là Trần Thái Tông

130) Người viết chưa thấy sử liệu nào nói về số phận bà Thái hậu họ Đàm. Có lẽ khó mà yên với Trần thái hậu, người đã bị Đàm thái hậu ép tự tử rồi sau đó còn định lén đánh thuốc độc cho chết, may mà thoát vì được vua Huệ Tông giúp.

131) Đoạn sau của ĐVSKTT viết : "Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, mhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt". Vậy có thể trư ớc khi vua Huệ Tông tới chùa Chân Giáo đã ra ở chùa Phù Liệt.

132) Tháng 8, năm 1226 (8 tháng sau khi nhà Trần lên làm vua), Trần Thủ Độ ép vua Huệ Tông tự tử chết và sau đó "Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ"(ĐVSKTT). Đây là vụ đồng tộc kết hôn (loạn luân) thứ hai của họ Trần khi nhà Trần mới vừa lên ngôi. Trần Cảnh lấy Chiêu Hoàng là con của cô ruột (em Trần Thừa), nay Thủ Độ lại chính thức lấy bà chị họ, con chú bác. Thủ Độ chủ trương đồng tộc kết hôn để thế lực không lọt vào tay ngoại thích như họ Trần đã làm với nhà Lý. Sau này họ Trần sẽ còn xảy ra rất nhiều vụ đồng tộc kết hôn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phần lược sử "Nhà Trần Khởi Nghiệp" được trích từ diễn đàn phố rùm Việt Báo phòng "Việt Nam - Đất Nước - Con Người" chủ đề "Nhà Trần Khởi Nghiệp" do anh Trần Việt Bắc ký danh TVB viết và biên soạn.
Thấy họ Trần mở rộng địa bàn hoạt động, Họ Đoàn cũng không chịu thua, bèn mang “người ở vùng Hồng đánh Nam Sách, Phạm Võ đầu hàng” (ĐVSL), sau đó Đoàn Thượng sai Đoàn Trì Lỗi (56) giữ Nam Sách.
Trần Tự Khánh biết điều này và ông ta muốn giả thần phục nhà Lý, dùng nhà Lý như một triều đình bù nhìn để mặc tình thao túng. Vì thế ông ta bèn đi một nước cờ mới:
Âm mưu của Trần Tự Khánh là mang quân về kinh thành để thao túng triều đình nhà Lý. Niềm mong muốn của Tự Khánh đã đạt được như ước nguyện sau hai lần không thành công.
Trong các “sứ quân” cuối thời Lý thì Trần Tự Khánh có lợi thế và hùng mạnh hơn cả. Sau khi Trần Lý chết, toàn bộ binh lực của ông này trao cho người con thứ hai là Trần Tự Khánh, em của Trần Thừa,
Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1210), “Tô Trung Từ từ lúc kín đáo nhận lãnh cái tước do Vương tử Sảm phong cho thì sợ tội trạng sẽ đến với mình mới bắt ép binh lính đánh Khoái châu (20) .
Muốn tránh bị Trần Tự Khánh kềm chế, nhà vua tìm cách rời khỏi kinh thành. Kiếm lý do để Tự Khánh không nghi ngờ, "Nhà vua cùng Thái hậu đi thăm chơi nhà viên quan trong hàng Đại Liêu ban ở Đông Ngạn là Đỗ Thưởng"
Như đã được trình bày trong phần trước, Nguyễn Tự vốn là một bộ tướng của Tô Trung Từ, vì có hiềm khích giữa ông này với con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà La, Nguyễn Tự muốn giết La rồi làm phản,
Thế là những dự tính dùng binh lực để chống lại Tô Trung Từ đều bị dập tắt và ông này càng ngày càng lộng hành hơn nữa. Tình trạng lúc này không khác gì cảnh Đổng Trác uy hiếp nhà Đông Hán.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.