Myanmar, hương bay ngược gió
Trịnh Thanh Thủy
Đã từ lâu tôi được nghe, đọc về Myanmar tức xứ Miến Điện, là miền đất hiền hoà mà con người sống trên đất ấy rất an nhiên và đôn hậu. Những tấm hình, những dòng chữ chứa chan cảm xúc của khách lữ hành vai mang ba lô, tay cầm máy ảnh được gọi là dân "phượt" đã miêu tả về đất Miến trên một trang mạng, khiến tôi nôn nao và có ước muốn được đặt chân lên đó một lần. Sau khi làm một cuộc hành trình 7 ngày đến xứ này, đến và về xong, tôi lại cũng có cái cảm giác nôn nao hệt thế. Tôi những muốn kể lại cho các bạn nghe không thì quên, không thì hình như chưa trả được nón nợ đối với đất nước này. Ơi cái đất nước của bà Aung San Suu Kyi có gì mà để lại cho khách ghé thăm những ấn tượng đẹp, những khoảnh khắc an bình đáng nhớ làm vậy?.
Ký ức là một kho tàng quý giá vô ngần, giờ ký ức tôi đã mở ra một ngăn để ôm ấp những gì tầm thường cũng như cao quý nhất về Myanmar, một góc nhỏ Á Châu. Tôi đã thấy những gì? Những bờ tường loang lổ, những viên gạch nung đỏ in đậm dấu thời gian của các ngôi đền, chùa cổ, nằm phơi cùng tuế nguyệt. Đó, đây, là những bước chân trần của khách hành hương, của từng tăng đoàn khất thực trong chùa, ngoài phố, coi lê lết mà dường như thanh thản tự tâm.
Pic1. Đoàn tăng sĩ đi khất thực
Hiện diện mọi nơi những khuôn mặt và đôi mắt trẻ thơ sáng lên trong những vệt bôi mặt Tanaka lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Pic 2. Em bé Myanmar với những vệt Tanaka trên mặt
Trước cửa chùa, những nụ cười thân thiện nở ra, trên đôi tay chắp lại tựa hình sen búp.
Trong chợ, đôi môi người đàn bà bán nón đỏ, lúc mở, phô hàm răng ngà đục, cạnh khoé sin sỉn đen, thắm thía hai màu, vì tục ăn trầu.
Pic 3. Nụ cười bà bán nón răng đen sỉn vì ăn trầu
Ven đường những nhịp chân thiếu nữ líu ríu trong chiếc longyi bó sát bờ mông, làm bước đi thanh xuân vừa khép nép dịu dàng vừa gợi cảm đầy nữ tính.
Pic 4. Longyi và phụ nữ Miến
Những phút bình minh miền núi Bago vầng dương chầm chậm lên cao soi sáng không gian tĩnh mịch của nơi lưu dấu vết tích Đức Phật xa xưa. Còn thoảng đâu đây tiếng vó ngựa lóc cóc, đưa khách du băng ngang con đường đất khô bụi mù, để bắt kịp phút ngắm mặt trời đổ bóng trên đỉnh ngọn tháp cao nhất của ngôi đền cổ Shwesandaw. Hoàng hôn ở cố đô Bagan thật là tuyệt vời với vòm cung mặt trời tròn, đỏ rực như trái cam vẫn còn nóng chảy. Nó phả xuống đền đài, vạn vật thứ ánh sáng Chân, Thiện, Mỹ cuối ngày trong khi bóng tối của tham sân si khổ ải đang dần dần lấn chiếm.
Yangon, chốn ánh đạo vàng luôn tỏa sáng
Người hướng dẫn viên địa phương người Miến đón đoàn chúng tôi ở phi trường Yangon. Anh còn khá trẻ, áo sơ mi trắng, mình quấn longyi, vai quàng túi vải, chân mang dép lê. Chiếc longyi và dép lê gây cho tôi thoáng bỡ ngỡ ban đầu, nhưng sau, đi tới đâu trên đất nước này tôi cũng thấy, ngay chính tôi vì tiện lợi cũng phải lê dép trong suốt cuộc hành trình trên đất Miến.
Chúng tôi được đi xem phố xá Yangon bằng xe Van nhỏ và thành phố này chính là cái trục đi, về, trong suốt thời gian chúng tôi ở Myanmar. Yangon là thành phố lớn, đông dân nhất Miến Điện, có tới trên 5 triệu dân ngụ cư. Khác với nét cô tịch và hoang sơ của Bagan, Yangon nhộn nhịp, đa văn hoá, đa sắc tộc và đông đúc cư dân. Nhà cửa ở đây được sắp xếp trong một kiến trúc hài hoà giữa cái cũ và cái không quá mới, gồm những cao ốc, cơ sở kinh doanh, nhà băng, cơ quan chính quyền, chợ búa và nhà dân. Lẫn lộn trong ấy, lâu lâu lại xuất hiện vài căn nhà cổ đen đúa, rêu mốc và vôi tróc lam nham tạo nên một bức tranh phố thị nhiều màu sắc.
Pic 5. Một trong những ngôi nhà cổ ở Yangon
Điều đặc biệt du khách có thể nhận ra là Yangon vẫn như một cô gái quê thơ ngây, hồn hậu, như không hề có một làn sóng hiện đại hoá đô thị nào tràn qua.
Những giờ cao điểm, tựa mọi thành phố khác, Yangon cũng kẹt xe kinh khủng dù phương tiện giao thông công cộng sẵn có. Đặc biệt riêng thành phố này cấm xe gắn máy lưu hành, cho khách bộ hành đỡ nguy hiểm. Tuy nhiên như Anh Quốc và các thuộc địa, ở Miến các loại xe 4 bánh, có tay lái bên phải, mà xe lại lưu thông bên trái nên gây ra rất nhiều vấn đề khó giải quyết. Nhịp sống dân địa phương dù vội vã tới đâu, họ cũng gắng hãm phanh cho áp lực giảm xuống, để nhịp quay chậm và đều đặn hơn, như vòng quay chiếc xích lô đạp(trisaw) của bác phu xe đang cong lưng đạp ngoài phố.
Pic 6. Xích lô đạp ở Yangon
Chúng tôi được đưa đi xem các ngôi chùa nơi đây trong đó có Chùa Vàng Shwedagon(Yangon). Là một ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất ở Myanmar, nơi đây lưu giữ 4 báu vật được xem là rất linh thiêng, bao gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Chùa cao tới 98m và được dát vàng, chùa nằm trên đồi Singuttara, đứng từ đây bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh của thành phố Yangon.
Pic 7. Một góc chùa vàng Shwedagon
Chúng tôi viếng chùa vào ngày thường, chùa vẫn đông như ngày hội. Chùa rộng lớn thênh thang mà nơi nào bước chân người mộ đạo cũng đặc kín chùa. Các thiện nam tín nữ, đủ mọi thành phần, trẻ nhỏ rất đông, chúng tung tăng đùa giỡn. Khách du lịch Âu, Á, những Sa Di tăng bào hở vai, những Sa Di Ni khăn áo màu hồng đi lại, túm tụm từng nơi tế lạy, khiến cảnh chùa như một bức tranh Tết ngày xuân.
Rời Chùa Vàng, khi xe chạy ngang hồ nhân tạo Inya Lake có quang cảnh rất đẹp, chúng tôi thấy lồ lộ phía bên kia hồ một cao ốc rất lớn và có vẻ đẹp tân kỳ mang tên Myanmar Centre Tower, tọa lạc gần một khu khách sạn 5 sao cao cấp. Biết chúng tôi là người Việt, người hướng dẫn viên nói đó là trung tâm thương mại lớn do người Việt bỏ vốn đầu tư.
May mắn cho chúng tôi, hôm ấy tình cờ có một chị người Việt làm trong một tổ chức có văn phòng đặt tại Yangon, đi theo tháp tùng. Chị ở Miến trong một thời gian dài và rành rẽ con người, phong tục cũng như văn hóa dân tộc này. Thế là tôi làm một cuộc phỏng vấn tốc hành ngay tại chỗ, chị đã chia sẻ cùng chúng tôi mẩu chuyện quí báu sau đây:
- Những cao ốc đó là dự án $ 440 triệu của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai bỏ vốn xây dựng. Nó có khoảng 22 tầng, bao gồm nhiều văn phòng và cửa hàng buôn bán dành cho các doanh gia. Nó hội đủ tiêu chuẩn quốc tế, gần hồ và khách sạn. Từ trên cao có thể nhìn ra phong cảnh hồ Inya tuyệt đep. Tôi không biết kiến trúc này đã hoàn thành chưa nhưng nói đến khu đất này phải gọi là đắc địa. Tuy nhiên theo ý riêng của tôi, các nước ngoài vào đây làm thương mại trông thế mà không phải dễ vì dân trí và tư duy người xứ này không giống các nước khác. Nhất là trong việc thuê mướn nhân công lao động. Do ảnh hưởng đạo Phật, người dân được dạy, học và làm theo tinh thần "Biết đủ thời đủ, không tham lam". Một thí dụ điển hình trong một xưởng may ở Trung Quốc hay Việt Nam, nếu trung bình một người may 10 cái áo một ngày. Vì cần gấp, chủ đề nghị làm thêm giờ phụ trội hay cho thêm tiền thưởng nếu may thêm vài cái nữa. Công nhân sẽ từ chối dù trả bao nhiêu tiền thêm họ cũng không chịu làm, vì sợ mệt, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần bị áp lực(stress) đè nặng. Họ quan niệm sống an lạc và thảnh thơi dù nghèo. Giới chủ nhân nước ngoài đầu tư vào đây, đã đánh giá sai lầm dân Miến vì muốn được lợi trên vấn đề nhân công rẻ, sẽ bị thất bại. Người ngoại quốc cần họ vì họ nói tiếng địa phương, nhưng khi họ không muốn làm sẽ nghỉ mà không báo trước. Họ cũng không sợ đói vì không có cái ăn họ đi vào chùa, có chùa hay tu viện nuôi. Ở Miến trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, kẻ không nhà, người nghèo đói, được các tu viện, chùa bảo trợ và nuôi ăn. Người ta hiến tặng thực phẩm và gạo cho các nơi này rất nhiều, mỗi lần cả tấn gạo. Tinh thần "cho đi hơn là nhận" đã thấm vào hồn họ. Họ bố thí để tích đức cho kiếp này và cho đời sau khá hơn. Cái Thiện tại đây thực sự hiện hữu. Họ cố gắng giảm đi cái Tham, Sân, Si. Đi đến đâu cũng có chùa, đền và những câu chuyện kể về Đức Phật cũng như sự tích Mục Liên Thanh Đề "Ở hiền gặp lành, chết xuống hoả ngục cưa hai nấu dầu". Kể cả người nghèo, có gì cho nấy, hôm nay không có, mai có thì cho". Khi thấy các sư đi khuất thực, người nghèo chỉ có cơm thì cho cơm. Các sư được cho gì lấy nấy, không ăn thịt thì không lấy". Ở Miến các sư ăn thịt. Đi làm họ tặng dữ 1/3 tiền lương cho chùa. Theo quan niệm đời thường, chúng ta nhìn vào thấy đời sống họ lam lũ, nghèo khó, nhưng hạnh phúc và an lạc hiện lên khuôn mặt họ. Rất khó đoán tuổi họ, vì họ trẻ lâu và vì con người thuần khiết. Đất này là đất Phật nên nhiều người muốn đi tu, họ qua đây. Người Việt qua đây tu nhiều lắm. Miến là một trong những nước thuần tuý theo truyền thống Phật giáo Nam Tông (Theravāda) và được xem như là chiếc nôi của Phật giáo Nam Tông. Tại đây có trường Đại học Quốc tế Truyền giáo Phật giáo Nam Tông(International Theravāda Buddhist Misionary University - ITBMU). Ngoài sinh viên đủ mọi quốc tịch con số sinh viên VN chiếm 60 % sĩ số. Trường cấp học bổng ăn ở, học, cho các sinh viên muốn theo học. Nhiều người lấy cả bằng Thạc sĩ(Master) hay Tiến sĩ(PhD) nữa.
Câu chuyện kể của chị người Việt đã làm lòng chúng tôi vui như nở hoa. Với kiến thức, học vị và quá trình trải nghiệm của chị sống lâu trên đất Miến tôi tin những gì chị kể là có thật. Đến một nơi phong cảnh đẹp và thanh nhã, đi đường không thấy trộm cắp, cướp giật, tình người an nhiên, hồn hậu như thế du khách ai mà không thích, không muốn quay lại lần nữa? Nói đến đạo đức của con người, Đức Phật dạy rằng đó là điều cao quý nhất. Ngài ví dụ hương của các loài hoa bay thuận theo chiều gió, chỉ có hương đức hạnh chẳng những bay theo chiều gió, mà còn có thể bay ngược chiều gió. Như vậy, theo tôi, hương đức hạnh của dân Miến nói chung đã tỏa khắp bốn phương, phải không bạn?
Trịnh Thanh Thủy