Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (8). “Sứ Quân” Trần Tự Khánh.

18/09/200600:00:00(Xem: 12674)
Trần Việt Bắc

Trong các “sứ quân” cuối thời Lý thì Trần Tự Khánh có lợi thế và hùng mạnh hơn cả. Sau khi Trần Lý chết, toàn bộ binh lực của ông này trao cho người con thứ hai là Trần Tự Khánh, em của Trần Thừa, anh của Trần Thị Dung ( là Nguyên phi của vua Lý Huệ Tông).

Trần Tự Khánh là người có nhiều tham vọng. Ông này đã có lần kéo quân về kinh thành, cướp bóc tài sản của hoàng cung, nhưng lần này đã bị dân chúng kinh thành đánh đuổi. Lần thứ hai lại kéo quân về kinh sư với lý do là viếng tang vua Cao Tông để mưu đồ riêng tư, tuy nhiên bị cậu ruột là Tô Trung Từ nghi ngờ, Trần Tự Khánh bèn kéo binh về lại Thuận Lưu và im lặng đợi thời cơ.Tô Trung Từ chết, cục diện tại kinh thành bắt đầu thay đổi.

Người con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Ma La (cũng gọi là Nguyễn Đà La), có lẽ cũng muốn ngồi vào vị trí của ông bố vợ, nhưng thấy mình khó mà làm chủ được toàn bộ binh lực của họ Tô (vốn đã có sự chia rẽ giữa các bộ tướng của Tô Trung Từ), hơn nữa ông này cũng thấy là họ Đoàn ở vùng Hồng đâu có bỏ qua cơ hội để mang quân về kinh thành. Nếu Đoàn Thượng dẫn quân về kinh thành thì Nguyễn Ma La sẽ bị nguy khốn. Ông này bèn: “sang nói với Thái Tổ (35)ta (Trần Thừa) xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái. Nguyễn Ma La cùng với vợ của y là Tô thị lên thuyền sang đạo Thuận Lưu để gặp tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh thì bị Nguyễn Trinh giết rồi cướp lấy Tô thị đem về. Tô Thị sai người tố cáo với Thái Tổ. Thái Tổ giận Trinh phi nghĩa bèn âm mưu giết Trinh….Thái Tổ đóng ở Hải Ấp sai người đi triệu Nguyễn Trinh, Nguyễn Trinh không đến. Thái Tổ bèn sai Tô thị dụ Trinh để giết đi” (ĐVSL).

Trong khi Trần Thừa bận đối phó với Nguyễn Trinh, Trần Tự Khánh không để lỡ “dịp may” và lập tức kéo quân về kinh sư ("). Mặc dù ĐVSL đã không nói rõ ràng, nhưng đã viết: “Trần Tự Khánh an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch… . Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi nói vu Trần Tự Khánh với vua rằng: “ Trần Tự Khánh đem binh về kinh sư là muốn mưu đồ việc phế lập”. Vậy là “sứ quân” nào cũng muốn mang quân về kinh sư, tìm cách khống chế và lợi dụng triều đình để có được chữ “chính nghĩa”. Trần Tự Khánh thì lấy lý do là lo an táng cậu của mình. Họ Đoàn ở vùng Hồng vì chưa kịp mang quân về, bèn dùng kế “vu oan giá họa (36)” để tìm cơ hội. Mà quả thật như vậy : “ Nhà vua giận. Mùa thu, tháng 7, vua hạ chiếu cho các đạo binh đánh Trần Tự Khánh, và giáng Nguyên phi Trần thị xuống làm Ngự nữ. Người vùng Hồng là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh về kinh sư. Nhà vua hạ chiếu tấn phong tước hầu cho Đoàn Thượng ”.(ĐVSL).

Người viết không biết là Trần Tự Khánh có kéo binh được tới kinh đô hay không" Hoặc nếu tới được kinh đô thì ông này đóng quân tại đây được bao lâu" Hay là trên đường kéo quân tới kinh đô đã bị ngăn chận, vì nhà vua hạ chiếu cho các đạo binh chận đánh . Tuy nhiên Trần Tự Khánh cũng đã lấy được xác Tô Trung Từ về để chôn cất (37) .

Để mở rộng ảnh hưởng, “Trần Tự Khánh đem binh đánh người ở vùng Ma La là Đinh Cảm, nhưng thua rồi rút quân về”(ĐVSL). Dù bị thua nhưng không từ bỏ ý định, hai tháng sau: “Mùa đông, tháng 10, Trần Tự Khánh lại đánh lấy ấp ấy. Đầu tiên đánh núi Đội (38), giết và bắt được rất nhiều người. Đinh Cảm phải chạy sang Sơn Lão” (ĐVSL). Người vùng Hồng đánh Nam Sách. “Dân Nam Sách sai người đi cầu cứu Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh sai tướng là Đinh Khôi đánh vùng Hồng. Quân vùng Hồng thua chạy. Trần Tự Khánh lại đi kinh lược Lạng châu đến núi Tam Trĩ. Lúc bấy giờ hết cả đất đai ở đấy Trần Tự Khánh lấy được hết cả ”(ĐVSL). Trần Tự Khánh liên minh với “sứ quân” Nguyễn Tự. “Hẹn nhau đến tháng 3 (năm sau , 1212) họp binh đánh người vùng Hồng”( ĐVSL).

“Tháng chạp, Trần Tự Khánh rầm rộ kéo binh đến đóng ở Tế Giang. Thái hậu nghe quân đến, ngờ Trần Tự Khánh có ý mưu việc phế lập” (ĐVSL). Tuy nhiên ông này cũng đã được nhà vua phong là Chương Thành hầu, có lẽ vì nhà vua bị Tự Khánh ép buộc, vì vua Huệ Tông đã phong tước hầu cho địch thủ của Tự Khánh là Đoàn Thượng, thế nên ông này muốn có danh chính ngôn thuận để cùng với Nguyễn Tự đánh người ở vùng Hồng chăng"

Trần Tự Khánh vùng vẫy dọc ngang tại châu thổ sông Hồng trong suốt 14 năm, từ lúc mới nổi lên làm giặc, đánh phá cướp bóc kinh thành cho tới lúc làm tới chức Phụ quốc Thái Úy thì qua đời (1223) (39), và được“truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương”(ĐVSKTT).

Nói về Trần Tự Khánh, sử gia Ngô Sĩ Liên viết về ông này như sau :
ĐVSKTT, tập 1, trang 338: “Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Năm đầu niên hiệu Kiến Gia, giặc cướp đua nhau nổi dậy, Huệ Tông nhu nhược không đánh dẹp được. Trần Tự Khánh vì cớ Huệ hậu bị thái hậu làm khổ mà đem quân phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Đương lúc bấy giờ, lòng người không thể không ngờ vực, cho nên Huệ [31b] Tông có lệnh bắt Tự Khánh mà không bắt được. Tự Khánh muốn làm cho kỳ được mới nhiều lần làm kinh động đến vua, xa giá phải dời chổ mấy lần, tội rõ ràng rồi. Nhưng mà Huệ Tông và Huệ hậu rốt cuộc phải nhờ Tự Khánh mới được yên, thì tội ấy không kể đến. Thế là việc tuy là trái nhưng tình thì thuận, sử chép không nêu lên nhưng thực cũng có nêu đấy. Nếu không thế thì chỉ là kẻ đầu sỏ giặc cướp mà thôi.”

Ông Ngô Sĩ Liên cho là Trần Tự Khánh đã có công về việc giúp vua Huệ Tông nhà Lý, nên đã xoá được cái tội làm kinh động đến nhà vua nhiều lần.

Trong khi đó, ông Ngô Thời Sĩ trong Việt Sử Tiêu Án đã luận tội Trần Tự Khánh một cách rất gay gắt như sau:
Sử thần (Ngô Thời Sĩ) bàn rằng: “Vua Huệ Tôn tìm sắc đẹp ở trong làng chài lưới, cha chết chưa chôn mà ở trước cữu sai người đi đón con gái, trong cung được lúc lo buồn, bỏ mẹ mà cùng chạy trốn với gái, ân ái như thế, cớ gì Tự Khánh lại đem quân đến kinh đô, cớ gì nó lại rước vua, là vì nó muốn đem Huệ Tôn làm của hiếm có, giữ lấy ở tay nó, để sai khiến thiên hạ, cho nên nó thác ra là nhớ em gái, làm cho Huệ Tôn tin chắc mà giao phó thân cho nó, nếu Tự Khánh không chết, thì nó sẽ chẹt cổ Huệ Tôn mà cướp lấy ngôi báu, còn đợi đâu đến truyền ngôi vua cho con gái nữa" Đại để là trời muốn cho nhà Trần lên, cho nên đem Ngự nữ làm mê hoặc tâm chí Huệ Tôn; lại muốn đem ngôi vua cho con trai Trần Thừa, cho nên lại bắt Tự Khánh chết đi, để cho Trần Cảnh nhận ngôi vua ở Phật Kim. Đấy là tâm tích Tự Khánh và định án nhà Lý, nhà Trần hưng vong như thế đó”.

Đấy là quan niệm của các Nho gia trong chế độ phong kiến, tuy nhiên người viết thì nghĩ hơi khác. Với thiển ý cá nhân (theo quan điểm thời nay, đặt trên quan niệm quốc gia dân tộc) ông này đã là một kẻ làm giặc. Để đạt mộng bá vương, ông ta đã gây nên biết bao chinh chiến điêu linh cho đất nước, sinh mạng những người dân vô tội bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều lần tàn phá huỷ hoại tài sản quốc gia.

Sau đây là những hành động của Trần Tự Khánh đã làm:

Lần thứ nhất, năm 1209, Trần Tự Khánh đã kéo quân về kinh thành đốt phá và cướp bóc (đã trình bày ở phần trên).

Lần thứ hai, tháng 9, năm 1214, “Trần Tự Khánh thả quân sĩ đi cướp lấy các tài vật trong phủ của nhà vua. Rồi lại đốt phá gần hết cung thất và nhà dân ở trong kinh thành” (ĐVSL).

Lần thứ 3, tháng tư năm 1215,“Ngày nọ Trần Tự Khánh phát binh đi cướp vàng bạc và tài vật ở trong phủ đường của các quan. Nhân đó mới đón Nguyễn (NV: Lý) Vương đi đến hành cung Lị Nhân. Rồi sai Lại Linh đốt cung thất ở kinh đô, gồm có 19 sở” (ĐVSL)

Lần thứ 4, Năm 1215, “Tháng 3, Trần Tự Khánh đánh làng Khoái và san bằng làng này” (ĐVSL).

Lần thứ 5, năm 1217, “Thái úy Trần Tự Khánh dẫn binh đánh Chân Na thuộc Phong Châu. Xứ ấy đều bị đánh tan hoang cả”
(ĐVSL).

Chỉ có một lần người dân không bị càn quét được nhắc tới là: “Thái Uý lại dẫn quân đánh Hiển Tín Vương Nguyễn Bát (40)và hương ấp ấy được bình yên”.

Những hành động của Trần Tự Khánh nêu trên bị coi như là những hành động của một tướng cướp.

Tháng 5 năm 1216 (Bính Tý), “Ngày Giáp Thìn, nhà vua cùng với phu nhân là Trần thị, ban đêm sang trại quân Thuận Lưu để theo về với Trần Khánh….. Trần Tự Khánh thấy nhà vua thì mừng rỡ lắm. Các tướng sĩ đều đánh trống nhảy múa hoan hô nhà vua. Từ đó nhà vua cùng với Trần Tự Khánh có ý quyết đánh Vương tước ở Bắc Giang là Nguyễn Nộn, Hiển Tín Vương là Nguyễn (Lý) Bát cùng người ở vùng Hồng là Đoàn văn Lôi, và người Qui Hoá lá Hà Cao v.v…”(ĐVSL). Lúc này, Trần Tự Khánh có nhà vua bên cạnh nên có vẻ “đàng hoàng” hơn, bởi thế; người viết tự hỏi: vì Trần Tự Khánh cảm thấy có được “chính nghĩa” , nên ông này đành bớt những hành động giặc cướp của mình, hay là Trần Tự Khánh thấy mình sắp làm vua đến nơi ("), nên phải có những hành động xứng đáng của một bậc đế vương trong tương lai! Xin để độc giả nhận xét.

Trần Tự Khánh có mưu đồ vương bá hay không" ĐVSL viết: “ Năm Mậu Dần (1218)….Ngày đó Thái Úy (Trần Tự Khánh-ND) dẫn binh đến trạm Nỗ (Nõ) ngồi nghỉ. Thái úy giỡn chơi, chỉ cái cành nhỏ trên cây mà bảo kẻ tả hữu rằng: “Như ta làm vua, bọn các ông xem ta bắn cái cành cây nhỏ kia một phát thì trúng”. Thấy vậy quân tướng đều vừa sợ vừa phục. Nhưng một lát sau cái trạm ấy sụp đổ, đè lên người Thái úy. Quân sĩ sợ lắm, vội lo tìm bới mãi mới thấy Thái úy. Vậy mà Thái Úy vẫn không hề gì”.

Dù ĐVSL viết là “Thái úy giỡn chơi”, nhưng ý của ông này cũng đã khá rõ rệt. Nếu triều Lý còn đang thịnh, một viên tướng cầm quân mà nói “giỡn chơi” thế này thì cái hoạ diệt tộc không xa, may cho Trần Tự Khánh, nhà Lý đã suy vong cực độ; nên ông này mới không biết sợ và dám nói như trên. Tuy nhiên Trần Tự Khánh chắc là cũng bị một phen sợ bở vía, vì vừa thốt ra câu nói “giỡn chơi” thì Thái úy bị cái nhà trạm sập đè gần chết ! Có lẽ vì cái điềm này mà Trần Tự Khánh sợ chăng! Năm năm sau binh lực của Trần Tự Khánh ngày càng mạnh, quyền lực càng cao, chức vụ đã lên đến tuyệt đỉnh -chức Phụ quốc Thái úy- nhưng cho tới khi chết (1223), người viết chưa tìm thấy sử liệu nào nói là Trần Tự Khánh đã có ý định tiếm ngôi nhà Lý.

Theo thiển ý của người viết thì Trần Tự Khánh cũng có những điểm hay, như sự tổ chức quân đội, đặc biệt là thủy quân. Tổ tiên của ông này đã mấy đời làm nghề chài lưới và đã trở nên giầu có vì nghề này. Một đội ngư thuyền để xử dụng cho việc đánh cá là điều ắt phải có. Nhiều kinh nghiệm về thuyền bè là chuyện tất nhiên. Khi đất nước nhiễu loạn, để tự bảo vệ mình, đoàn ngư thuyền này được cải tiến thành một đội thủy quân với những thủy binh điêu luyện là chuyện không đến nỗi khó khăn. Trần Tự Khánh đã làm điều này, và đã chiếm ưu thế trong những cuộc chiến thời loạn lạc. Căn cứ của họ Trần ở huyện Mỹ Lộc phủ Thiên Trường, nằm ngay trên bờ nam sông Hồng, nên việc tiến lui đều nhanh chóng và hiệu quả. Trần Tự Khánh đã nhiều lần đưa thủy quân về uy hiếp kinh thành. Từ những ưu thế về thủy quân, nhà Trần đã dựng được một đội thủy quân kiêu hùng vào bậc nhất vùng Đông Nam Á, để sau này đã ba lần đánh bại được đội quân Nguyên Mông hùng mạnh, thủy quân Đại Việt đã góp công rất lớn, đặc biệt là trận Vân Đồn và trận sông Bạch Đằng . Việc làm này của Trần Tự Khánh đối với quốc gia; dù gián tiếp cũng nên được nhắc đến.

Một điểm nữa là sau khi vua Huệ Tông về với Trần Tự Khánh, thì ông này đã liên tục ra công giúp nhà Lý đánh dẹp các “sứ quân” khác, để cho đất nước bớt cảnh chia năm xẻ bẩy. Những năm cuối đời của Trần Tự Khánh cho tới đầu đời Trần, đất nước đã bớt cảnh ly loạn ly. Chỉ còn lại hai “sứ quân” là Nguyễn Nộn hùng cứ ở Bắc Giang và Đoàn Thượng ở vùng Hồng là chưa dẹp xong.

Những việc Trần Tự Khánh đã làm, xin để cho lịch sử phán xét, người viết chỉ mạo muội trình bày cũng như sắp xếp lại những dòng sử liệu trong thời điểm này, đồng thời cũng xin góp thêm vài thiển ý cá nhân để mong rằng sự việc sẽ sáng tỏ thêm được phần nào.

(còn tiếp)

35) Thái Tổ đây là Trần Thừa, anh của Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung (nguyên phi của vua Lý Huệ Tông). Được gọi là Thái Tổ, dù ông này chưa từng làm vua vì ông ta là thân phụ của Trần Cảnh- Trần Thái Tông- vua đầu của nhà Trần.

36) Có lẽ cũng chẳng oan !

37) Kể ra cậu cháu cũng còn giữ được chút tình nghĩa!

38) Ghi chú trong ĐVSKTT, tập 1, cuối trang 334: “Đội Sơn: còn gọi là núi Long Đội tức núi Đọi, ở huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà ngày nay”. Nay cũng là huyện Duy Tiên, phía bắc tỉnh Hà Nam.

39) Không biết rõ Trần Tự Khánh thọ bao nhiêu tuổi .. Theo ĐVSKTT:“Giáp Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 3 [1234], (Tống Đoan Bình năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, thượng hoàng (NV: Trần Thừa) băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi”. Vậy Trần Thừa sinh năm 1184, Tự Khánh là em Trần Thừa, thì Tự Khánh phải sinh sau năm 1184. Tự Khánh chết lúc chưa tới 39 tuổi.
Tuy nhiên như đã trình bày trong phần mở đầu, trong mục –Gia phả họ Trần –theo như http://vietnamgiapha.com/XemGiaPha/367/giapha.htmlthì Trần Tự Khánh (1175-1223) là anh cả, Trần Thừa là em kế (1184-1234).

40) Hiển Tín Vương tên là Lý Bát, vì họ Lý đã bị đổi sang họ Nguyễn đời Trần, nên tác giả (cuối đời Trần) đã viết là họ Nguyễn thay vì họ Lý cho Hiển Tín Vương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1208, Phạm Du là tri phủ Nghệ An làm phản, “cho người đi cướp bóc khắp nơi” (ĐVSKTT) , vua Cao Tông sai hoạn quan Phạm Bỉnh Di đi đánh. Phạm Du thua, “Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết” . Phạm Du thù Phạm Bỉnh Di.
Phần lược sử "Nhà Trần Khởi Nghiệp" được trích từ diễn đàn phố rùm Việt Báo phòng "Việt Nam - Đất Nước - Con Người" chủ đề "Nhà Trần Khởi Nghiệp" do anh Trần Việt Bắc ký danh TVB viết và biên soạn.
Thấy họ Trần mở rộng địa bàn hoạt động, Họ Đoàn cũng không chịu thua, bèn mang “người ở vùng Hồng đánh Nam Sách, Phạm Võ đầu hàng” (ĐVSL), sau đó Đoàn Thượng sai Đoàn Trì Lỗi (56) giữ Nam Sách.
Trần Tự Khánh biết điều này và ông ta muốn giả thần phục nhà Lý, dùng nhà Lý như một triều đình bù nhìn để mặc tình thao túng. Vì thế ông ta bèn đi một nước cờ mới:
Âm mưu của Trần Tự Khánh là mang quân về kinh thành để thao túng triều đình nhà Lý. Niềm mong muốn của Tự Khánh đã đạt được như ước nguyện sau hai lần không thành công.
Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1210), “Tô Trung Từ từ lúc kín đáo nhận lãnh cái tước do Vương tử Sảm phong cho thì sợ tội trạng sẽ đến với mình mới bắt ép binh lính đánh Khoái châu (20) .
Muốn tránh bị Trần Tự Khánh kềm chế, nhà vua tìm cách rời khỏi kinh thành. Kiếm lý do để Tự Khánh không nghi ngờ, "Nhà vua cùng Thái hậu đi thăm chơi nhà viên quan trong hàng Đại Liêu ban ở Đông Ngạn là Đỗ Thưởng"
Như đã được trình bày trong phần trước, Nguyễn Tự vốn là một bộ tướng của Tô Trung Từ, vì có hiềm khích giữa ông này với con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà La, Nguyễn Tự muốn giết La rồi làm phản,
Thế là những dự tính dùng binh lực để chống lại Tô Trung Từ đều bị dập tắt và ông này càng ngày càng lộng hành hơn nữa. Tình trạng lúc này không khác gì cảnh Đổng Trác uy hiếp nhà Đông Hán.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.