Hôm nay,  

Ông Bà Ly

16/03/202318:09:00(Xem: 2899)
Truyện

old couple 1 


Ông Bà Ly là tên mà gia đình chúng tôi nhắc đến người bảo trợ ở thành phố Perth khi nói chuyện với nhau, gọi bằng tiếng Việt cho dễ và thân mật. Tên thật của ông bà là Colin Russell và Meg Leith. Gia đình chúng tôi được chấp nhận cho đi định cư ở Úc và đến Perth, thủ phủ của tiểu bang Tây Úc vào mùa đông năm 1980. Từ Bangkok, thủ đô Thái lan là xứ nóng, phi cơ Ansett đáp xuống phi trường Perth vào 9 giờ rưỡi đêm, trời không mưa nhưng buốt giá khiến đoàn tị nạn 16 người lạnh co ro và run rẩy. Sau này chúng tôi mới biết vào thời điểm đó có một số dân Úc kỳ thị tổ chức biểu tình chống đối dân tị nạn cộng sản từ Việt Nam nên các chuyến bay phải hạ cánh ban đêm để phần nào tránh bị chú ý. Khi ông Malcolm Frazer, thuộc đảng Tự do, đắc cử thủ tướng Úc  thứ 22 từ năm 1975 đến 1983 đã mở rộng vòng tay chào đón người tị nạn nên số người định cư ở Úc càng ngày càng tăng. Ông Frazer đã trở thành ân nhân lớn của dân tị nạn. Từ năm 1980 chính phủ liên bang Úc bắt đầu áp dụng chương trình để cho một gia đình người Úc bảo trợ và giúp đỡ cho một gia đình người tị nạn Việt Nam trong thời gian đầu định cư ở Úc và chúng tôi thuộc nhóm đầu tiên và mọi người phải đi về miền quê sinh sống bất kể có nghề nghiệp hay trình độ học vấn. Chương trình này không mấy thành công, và chẳng may gia đình tôi là nạn nhân đầu tiên của một người bảo trợ không hề có lòng nhân đạo, chỉ nhằm bóc lột sức lao động của những người vì hoàn cảnh phải bỏ xứ ra đi. Mấy tháng ở Albany, một thị trấn nhỏ ở bờ biển Tây Nam, cách Perth 420 km, là khoảng thời gian quá gian khổ, phí phạm rất đáng tiếc do sự dàn xếp tùy tiện, lạm quyền và vô trách nhiệm của một thông dịch viên, nên bộ di trú tiểu bang Tây Úc đã đền bù bằng cách nhanh chóng thu xếp và đài thọ cho gia đình chúng tôi trở về Perth bằng xe buýt và tìm cho chúng tôi người bảo trợ tốt hơn. (Có kể chi tiết trong một truyện khác cũng trong tập “QUÊ NHÀ, QUÊ NGƯỜI” này). Có lẽ Bộ Di trú tiểu bang đã điều tra rõ về người bảo trợ mới và thông báo cho họ biết chi tiết của cá nhân tôi, về nghề nghiệp ở Việt Nam (trong hồ sơ khai báo xin đi Úc) cũng như sinh hoạt của gia đình tôi trong thời gian ở Albany nên chúng tôi gặp được bảo trợ tốt hơn.

 

Chúng tôi trở về Perth vào mùa xuân 1980, được đưa vào tạm trú ở chung cư Grayland dành cho người tị nạn mới tới Perth. Ngay hôm sau, nhân viên xã hội của chung cư mời tôi lên văn phòng giới thiệu với người bảo trợ mới. Khách có mặt ở văn phòng lúc bấy giờ có hai người, bà Meg Leith, khoảng 55 tuổi, trông rất lịch sự và quí phái, nói năng nhỏ nhẹ và thân tình. Bà rất vui vì tôi có thể hiểu bà đang nói gì mà không cần thông dịch. Bà tự giới thiệu là giáo sư trung học, chồng bà là cựu sĩ quan phi công trong thế chiến thứ hai, hiện đã giải ngũ và đang làm kế toán viên. Ông bà có hai người con, con trai cả là David, là giám đốc công ty khai thác dầu hỏa của Anh, con gái tên Magaret, là giáo sư dạy Anh văn của một trường cao đẳng ở Perth. Đi theo bà Leith là một người đàn ông cao lớn râu quai nón rất rậm, nghiêm trang, tươi cười ít nói, mặc trang phục tu sĩ. Tên ông là Ivan, mục sư quản nhiệm giáo xứ Mosman Park của nhà thờ Anh Giáo. Bà Leith cho biết là bộ di trú tiểu bang đã kể rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng tôi ở Albany. Bà cũng biểu lộ sự đáng tiếc về sự nhầm lẫn khi đưa một người có nghề nghiệp đi về một thị trấn nhỏ và hứa sẽ giúp đỡ gia đình tôi tích cực hơn để bắt đầu cuộc sống mới ở thành phố Perth. Bà Leith và Cha Ivan muốn ghé thăm bà xã tôi và hai đứa con đang ở chung cư. Gặp vợ con tôi bà nói ít nhưng thái độ của bà rất gần gũi, thân mật một cách tự nhiên. Cuộc tiếp xúc này đã cho chúng tôi ấn tượng tốt về người bảo trợ mới. Khi trở lại văn phòng để từ biệt nhân viên xã hội bà Leith báo cho biết là đã thuê giùm một căn nhà ở Mosman Park và nhà sẽ sẵn sàng đón gia đình chúng tôi trong vài ngày tới. Cha Ivan đưa cho tôi và nhân viên xã hội chung cư Grayland địa chỉ căn nhà và hẹn sẽ điện thoại cho văn phòng này biết khi Ông đến đón chúng tôi về nhà mới.

 

Kể từ đó cho đến nhiều năm về sau Ông Bà Ly đối với gia đình tị nạn chúng tôi thật quá tốt, không chỉ là sự giúp đỡ tận tình và thiết thực về mọi mặt của đời sống mà còn ở thái độ ứng xử đầy tình người và hiểu biết của người trí thức và biết tôn trọng người khác. Kể về Ông Bà Ly tôi muốn ghi lại cho con cháu và bạn bè những mẫu chuyện tử tế và nhiệt tình để tưởng nhớ và ghi ơn Ông Bà đã giúp đỡ chúng tôi, những người bơ vơ lạc lõng nơi xứ người trong những ngày đầu. Ổn định mau chóng đời sống nơi quê hương mới và thế hệ thứ hai của gia đình, hai con của chúng tôi đã ăn học thành tài, có sự nghiệp riêng cũng là nhờ sự khuyến khích ban đầu của Ông Bà Ly.

 

Đúng hai ngày sau Cha Ivan lái chiếc xe Kingswoods kiểu gia đình thật to đến chung cư. Khi nhìn thấy hành lý nghèo nàn của chúng tôi, bốn người mà chỉ vỏn vẹn một túi xách tay mang từ Bangkokvà chiếc va li nhỏ rất cũ xin được ở Albany, ông cười nói nhỏ với tôi  “Đồ đạc ít quá nhỉ. Không sao, đi chiếc xe tăng này càng an toàn hơn.”  Anh nhân viên xã hội cám ơn Linh mục Ivan và tiễn chúng tôi lên xe với lời chúc may mắn. Từ chung cư Grayland chạy về đến nhà ở Mosman Park chỉ mất khoảng mười phút. Xe vừa vào sân vườn trước nhà đã thấy Ông Bà Ly đang đứng chờ để chào đón chúng tôi. Gặp mặt Ông Ly lần đầu nhưng tôi có cảm tình ngay với tướng mạo hiên ngang, vui vẻ, lịch sự và thân thiện của Ông. Một cựu sĩ quan phi công có khác. Ông và Bà chạy đến vồn vã ôm chúng tôi như người thân xa cách lâu ngày. Ông nói lớn “Chào mừng Ông Bà và hai cháu đến xứ Úc. Nhà mới của quí vị đây, xin mời vào.” Cha Ivan đã mở cửa nhà và xách hành lý của chúng tôi vào nhà rồi và đang tươi cười đứng chờ ở cửa. Vợ chồng tôi rất vui và cảm động trước sự chào đón trịnh trọng không ngờ của Ông Bà Ly, người bảo trợ mới, chưa từng quen biết mới gặp lần đầu nơi xứ lạ quê người. Một ngạc nhiên khác gây xúc động muốn rơi nước mắt đã đến khi chúng tôi bước vào nhà. Cả hai ông bà hướng dẫn đi xem mọi nơi trong nhà. Phòng khách khá rộng trải thảm len có bộ sa lông màu nâu đỏ khá đẹp với một bàn thấp. Ở góc phòng là cái TV màu 50 inches, cũ nhưng còn tốt. Trên tường có treo một bức tranh vẽ ngựa bằng mực tàu với phong cách rất đông phương. Sau đó tôi đặt tên cho bức họa này là “Tái ông mất ngựa” vì gia đình tị nạn chúng tôi đã liên tiếp gặp nhiều may mắn. Trong phòng ngủ chính có giường nệm với đầy đủ gối, khăn trải, chăn bông và mền len. Trong tủ đứng chất đầy chăn mền dự phòng và quần áo người lớn đã giặt ủi và sắp xếp ngăn nắp. Ngoài ra còn có bàn trang điểm và lò sưởi điện. Trong hai phòng ngủ nhỏ cho hai đứa con cũng trang bị đầy đủ như phòng lớn. Nhà bếp rộng rãi và thoáng với cửa sổ, bếp điện 4 lò, và bàn ăn 6 ghế ngồi. Trên tường bếp treo sẵn nhiều nồi chảo đủ cỡ. Trong tủ bếp có đầy đủ chén tô dĩa, gia vị khô, và một chai nước mắm, dụng cụ nấu nướng và ăn uống dư dùng cho 4 người. Ở góc nhà bếp có một tủ lạnh cũ rất to. Khi mở cánh cửa tủ lạnh ra chúng tôi cảm động quên cả nói lời cảm ơn vì sự chu đáo ngoài cả mong đợi của Ông Bà bảo trợ. Trong tủ lạnh chứa đầy ắp không thiếu món gì cả, từ thịt cá tôm, rau quả, sữa tươi, nước uống và nhiều loại sốt. Chờ cho cơn xúc động của chúng tôi dịu xuống, bà Leith ôn tồn giải thích “Ông Bà thân mến. Đây là tất cả những gì chúng tôi có thể nghĩ tới về nhu cầu của gia đình ông bà. Tôi nghĩ số thực phẩm này có thể dùng trong 10 ngày, nếu không đủ hoặc cần thứ gì khác xin cho biết. Ở đây, chúng tôi đi chợ mua thức ăn mỗi tuần một lần và chợ có mở cửa buổi tối thứ năm cho đến 9 giờ đêm. Chúng tôi sẽ trả tiền thực phẩm cho đến khi gia đình nhận được trợ cấp. Ngày mai Cha Ivan sẽ giúp khai báo về an sinh xã hội. Về phần nhà ở, căn nhà này được thuê với giá 50 đô mỗi tuần. Chúng tôi đã trả trước 4 tuần, nếu Ông chưa tìm được việc làm trong vòng một tháng thì chúng tôi sẽ tiếp tục trả tiền thuê nhà. Với trình độ Anh ngữ và nghề chuyên môn, tôi tin là Ông sẽ sớm tìm được việc làm. Cầu chúc gia đình khoẻ mạnh và may mắn trong những ngày tháng sắp tới.” Trước khi ra về, Ông Bà Ly không quên ghi lại cho chúng tôi địa chỉ và số điện thoại đề liên lạc khi cần. Hôm đó là một ngày hạnh phúc không thể nào quên sau mấy tháng gian khổ và đầy lo lắng ở thị trấn Albany. Với đầy đủ các thứ bà xã tôi đã trổ tài nấu nướng cho cả nhà có được hai bữa cơm thịnh soạn đầu tiên trong cuộc sống ly hương. Đêm hôm đó chúng tôi đã có được giấc ngủ ngon với nhiều mộng đẹp trong ngôi nhà ấm cúng và thấy mình “sau cơn bỉ cực tới hồi thới lai”, may mắn gặp được bảo trợ tốt là người trí thức, thượng lưu nhưng biết thương người hoạn nạn, nhất là có lòng tôn trọng người khác ngay cả trong ngôn từ giao tiếp, cách xưng hô, lúc nào lịch sự và nhã nhặn.

 

Sáng hôm sau Cha Ivan đến chở cả nhà đi trình diện sở an sinh xã hội để làm thủ tục lãnh trợ cấp, sẽ gởi về địa chỉ mới ở Mosman Park. Đây là loại trợ cấp thất nghiệp giúp cho những người đang kiếm việc làm. Khi tìm được việc phải thông báo trong vòng một tuần để ngưng cấp. Sau đó Ông chở chúng tôi đến trường tiểu học để xin cho con gái tôi, Tuyết Vân, nhập học. Việc này tôi có thể tự làm được nhưng Ông muốn giới thiệu phụ huynh học sinh và tình cảnh gia đình cho nhà trường biết để dễ dàng sau này. Đây là ý tốt của Cha Ivan. Con gái tôi gần 8 tuổi nên được sắp vào học lớp 3. Anh ngữ chưa rành nên thời gian đầu có khó khăn nhưng không lâu sau đó cháu cũng theo kịp bạn bè nhờ thông minh và chịu khó. Trường học gần nhà nên rất tiện lợi, cháu có thể cùng bạn học lối xóm đi bộ tới trường và về nhà. Ở Úc các trường tiểu học và trung học đều có nhân viên chỉ đường, làm việc những ngày trường mở cửa vào giờ nhập và tan học, mặc đồng phục với cờ phất và còi thổi, có nhiệm vụ chận xe cộ ở những giao lộ nhất định cho học sinh và phụ huynh băng qua đường từng nhóm một cách an toàn. Tuy vậy, bà xã tôi vẫn bồng con trai (Đăng Khoa 1 tuổi rưỡi) theo để đưa đón Tuyết Vân đi học trong mấy tuần đầu cho yên tâm.

Trên đường từ văn phòng an sinh xã hội đến trường tiểu học cha Ivan chạy ngang tư gia của Ông Bà Leith và chỉ cho chúng tôi xem. Ông Bà cư ngụ ở một biệt thự hai tầng sang trọng trong khu vườn êm đềm với bãi cỏ xanh mướt với nhiều hoa và cây kiểng rất đẹp ở khu Cottesloe kế bên Mosman Park. Cha Ivan nói Cottesloe là khu nhà đắt giá nhất của thành phố Perth, kế đó là Mosman Park, Shenton Park, Dalkeith, Claremont … là những khu dân cư gần Đại học tiểu bang, trường danh tiếng nhất của Tây Úc. Điều này được chứng tỏ là đúng khi tôi tìm được việc làm, khai hồ sơ cá nhân cư ngụ ở Mosman Park nhân viên hành chánh tỏ vẻ ngạc nhiên vì nghĩ là người tị nạn tay trắng không thuê hoặc mua nổi nhà ở khu giàu có này.

 

Ở thành phố Perth thời đó có hai tờ báo hàng đầu là nhật báo “Người Tây Úc” (The Wesrt Australians) và báo cuối tuần “Thời báo Chúa nhật” (The Sunday Times). Vào ngày thứ tư hàng tuần ở nhật báo và Chúa nhật ở báo cuối tuần có mục đặc biệt “Tuyển dụng nhân công” rất dồi dào về nhu cầu nhân lực cho tất cả ngành nghể. Vì thế, Ông Bà Leith đã mua và đọc hết mục này của hai tờ báo này rồi đánh dấu và mang qua nhà cho tôi đọc. Gia đình tị nạn chúng tôi được trở về Perth ngày thứ sáu, ở chung cư ba ngày rồi được đưa về nhà Mosman Park ngày thứ năm tuần kế đó. Chỉ 4 ngày sau, thứ hai, Ông Bà Leith đến nhà với tờ báo “Thời báo Chủ Nhật” chỉ cho tôi xem mục tuyển nhân viên của công ty Nhật Bản Komatsu, chuyên sản xuất cơ giới khai thác quặng mỏ, đang cần tuyển một Kỹ sư cơ khí làm việc ở Perth. Mừng quá, tôi chụp ngay cơ hội này. Trước khi gọi điện thoại xin việc Ông Leith đã tận tình hướng dẫn tôi những gì cần nói khi liên lạc và Ông khuyên cần tự tin và mạnh dạn trả lời các câu hỏi liên quan đến học vấn và quá trình làm việc ở Việt Nam. Tôi điện thoại cho văn phòng Komatsu ở Welshpool và được nói chuyện với ông John Bayliss, kỹ sư trưởng của công ty, một người vui vẻ và dễ thông cảm. Ông muốn gặp tôi vào ngày kế đó lúc 9 giờ 30 sáng để phỏng vấn chi tiết hơn. Cả hai Ông Bà mừng rỡ, siết chặt tay tôi nhiệt liệt chúc mừng. Ông cho biết sẽ đến nhà đón tôi lúc 9 giờ sáng thứ hai để đích thân đưa tôi. Bà ân cần dặn dò tôi nên mặc bộ quần áo nào lịch sự nhất để đi phỏng vấn.

 

Đúng hẹn, sáng hôm sau Ông Leith lái xe đến nhà đưa tôi đi Welshpool. Trên đường đi Ông ân cần nhắc nhở tôi thật tỉ mỉ là phải tỏ ra rất tự tin và nên nói nhiều về hiệu năng sử dụng cũng như kinh nghiệm về tu bổ cho những cơ giới khai thác đá vôi đã từng xài ở nhà máy xi măng Việt Nam, nó có thể giúp ích nhiều lắm. Đây là những lời cố vấn thật thiết thực và hữu ích đã giúp cho tôi thành công trong buổi phỏng vấn xin việc làm sáng hôm đó. Ông Leith còn chu đáo hơn khi nói cho tôi biết với hiện trạng của thị trường nhân dụng ở Perth kỹ sư mới tốt nghiệp, tùy ngành nghề, các công ty có thể trả lương từ 13 dến 15 ngàn đô mỗi năm. Ông nghĩ tôi sẽ nhận được việc làm ở công ty này và họ sẽ cho biết trả lương bao nhiêu. Biết được mức lương chung chung như thế sẽ giúp tôi cân nhắc để quyết định. Chưa biết cuộc phỏng vấn sắp tới có xuông xẻ hay không, tôi vẫn thấy lòng xúc động dạt dào với chân tình của Ông Leith. Chúng tôi đến văn phòng công ty Komatsu đúng giờ. Ông Leith bắt tay tôi với lời chúc may mắn rồi ngồi chờ ở ngoài. Tôi được cô thư ký đưa vào gặp kỹ sư trưởng. Ông John Bayliss đứng dậy chào mừng và bắt tay tôi rất lịch sự. Tôi trình cho ông xem tờ đơn xin việc, tờ khai chi tiết về 4 năm học ở trường kỹ sư với đầy đủ các môn học và tên của giáo sư phụ trách cùng với học vị và địa chỉ nếu tôi biết được. Tờ khai báo quan trọng nhất là công việc và chức vụ tôi đảm nhận khi làm cho nhà máy ở Việt Nam thật chi tiết. Tôi giải thích thêm đây là hồ sơ tôi đã soạn thay cho bằng cấp tốt nghiệp kỹ sư cùng những giấy tờ cấn thiết tôi đã bị hải tặc Thái Lan cướp mất hết trên đường vượt biên. Chuyện thiếu hồ sơ chứng minh học vấn và công việc làm ở Việt Nam tôi đã báo với Ông khi nói chuyện điện thoại để xin việc. Ông Bayliss xem qua hồ sơ, riêng bản khai báo công việc làm ở Việt Nam ông đọc rất kỹ và đúng như Ông Leith dự đoán, kỹ sư Bayliss hỏi rất nhiều về tính năng, công suất, việc sử dụng và sửa chữa cơ giới của hầm đá nhà máy xi măng. Tôi đã trả lời các câu hỏi một cách đầy đủ và rành rẽ. Ông Bayliss chăm chú lắng nghe và gật gù với vẻ hài lòng. Ông hỏi tôi có sẵn sàng dự cuộc trắc nghiệm hay làm thử để chứng minh khả năng không vì hồ sơ xin việc thiếu giấy tờ cũng khó cho ông, kỹ sư trưởng, đề nghị Giám đốc tuyển dụng. Chỉ chờ có thế, tôi mừng rỡ gật đầu ngay. Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa, một nhân viên mang vào tập hồ sơ nói cần xem gấp. Ông Bayliss mở ra rồi cười thích thú, lấy ra một tờ đẩy qua cho tôi xem. Đó là bản vẽ một trục máy dài 1140 mm có đường kính thay đồi với đầy đủ lực áp dụng trên trục. Ông nói “Thật là đúng lúc quá. Nếu anh tính đúng kích thước các đường kính của trục máy này tôi sẽ đề nghị Giám đốc nhận anh vào làm kỹ sư tu bổ cơ khí cho công ty”. Không do dự, tôi cười vui nói ngay “Tôi tính được vì nhận ra đây là trục của trống cuốn dây cáp xe cần xúc. Ở nhà máy chúng tôi có hai xe xúc cỡ lớn. Xe hiệu Marion có gàu xúc 1 m3, còn xe Koehring to hơn với gàu cỡ 1.5 m3. Cái trục này chắc là cỡ của xe xúc lớn. Tôi xin thêm một đặc ân là có thể nào cho tôi mượn đọc lại sách “Sức chịu vật liệu” vì đã khá lâu không có dịp tính toán tôi quên công thức rồi.” Ông kỹ sư trưởng đứng lên cười vui “Tôi nghĩ đã tìm đúng người rồi. Bây giờ anh đi theo tôi xuống thư viện mượn tài liệu mang về nhà tính toán. Sáng mai anh trở lại với kết quả mình sẽ nói chuyện tiếp.” Mượn sách xong, tôi trở lại văn phòng lòng vui rộn rã. Thấy tôi cười rạng rỡ Ông Leith không nói gì chỉ nắm hai vai tôi lắc mạnh và cười thật vui. Trên đường về nhà tôi kể diễn tiến về cuộc phỏng vấn. Nghe xong, Ông cười vui “Tôi biết anh sẽ làm được. Tôi chờ thêm tin vui ngày mai. Một lần nữa chúc anh thành công, sẽ bắt được việc làm này.” Về đến nhà bà xã tôi rất vui khi nghe tin, chú bé Đăng Khoa thấy Bố Mẹ vui cũng phụ họa theo, cười nói bi bô thật đáng yêu. Cơm trưa xong, tôi pha ly cà phê đậm đà, châm điếu thuốc ngon, mở đọc phần tính toán moment uốn trong cuốn sách “Resistant of materials” của hai kỹ sư Timoshenko và Young, từng là sách “gối đầu” một thời của kỹ sư cơ khí. Tuy đã nhiều năm ít khi đụng đến sách vở nhưng đọc xong tôi có thể tính toán dễ dàng và nhanh chóng.

 

Sáng hôm sau, Ông Leith lại đến đón tôi đi Welshpool gặp Ông Bayliss, kỹ sư trưởng của công ty Komatsu để nộp kết quả tính kích thước trục máy xe cần xúc. Lần này phải để Ông Leith chờ hơi lâu. Ông Bayliss xem kết quả tôi đã tính, cười thật tươi, bắt tay tôi thật chặt nói “Chúc mừng anh. Bài tính rất đúng. Hôm qua, tôi đã trình Giám đốc, Ông đồng ý tuyển dụng nếu anh trở lại với kết quả đúng. Anh sẽ làm việc cho Komatsu với công việc kỹ sư tu bổ. Mức lương khởi điểm là 18,600 Úc kim một năm. Nếu anh đồng ý thì công ty bắt đầu trả lương cho anh từ ngày hôm nay.” Tôi mừng rỡ gật đầu ngay không do dự vì mức lương khởi đầu như thế còn ước gì hơn. Ông Bayliss đưa tôi vào phòng hành chánh nhân viên kế bên để làm thủ tục tuyển dụng. Có lẽ kỹ sư trưởng chắc là tôi sẽ tính toán đúng nên hồ sơ đã chuẩn bị trước từ hôm qua. Tôi ký liền rồi cùng Ông Bayliss đi một vòng thăm cơ xưởng và phòng kỹ thuật nơi tôi sẽ làm việc. Cuối cùng là xuống kho vật liệu lãnh 2 bộ đồng phục kỹ sư, có cả nón nhựa an toàn màu trắng và giày bảo hộ. Điều trùng hợp làm cho tôi vui là đồng phục cho công nhân kỹ thuật ở công ty này giống các nhà máy ở xứ tôi, thợ thuyền mặc đồ kaki xanh đậm, nón bảo hộ nhiều màu tùy nhiệm sở, còn đồng phục kỹ sư may bằng vải dacron màu xám tro và nón màu trắng. Dù được phát lương ngay từ hôm đó nhưng kỹ sư trưởng cho phép tôi bắt đầu làm việc từ sáng hôm sau. Thật là may mắn không ngờ trong lần đầu xin việc làm ở thủ phủ tiểu bang Tây Úc. Ông Leith đang thấp thỏm chờ, thấy tôi bước ra đầu đội mũ kỹ sư với tay xách nách mang Ông đứng lên nhìn tôi chăm chú, chỉ cười hà hà không nói gì cả. Cử chỉ của Ông đã nói đủ cho tấm lòng của Ông dành cho một người xa lạ mới quen nhưng Ông Bà rất quan tâm và thương mến.

 

Trên đường về nhà tôi cám ơn Ông Bà đã tận tình giúp  tôi được tuyển dụng vào làm kỹ sư cho công ty cơ giới Komatsu. Ông rất mừng với mức lương khởi điểm của tôi. Tôi xin Ông Bà để cho tôi trả tiền thuê nhà và tự túc ăn uống từ tuần tới vì tôi đã có việc làm lương khá, nhưng Ông vui vẻ bảo “Chúng tôi rất vui khi anh tìm được việc làm sau khi về Perth mới có mấy ngày, xin chúc mừng. Chuyện giúp đỡ, đó là việc chúng tôi nên làm. Có thể mau chóng ổn định đời sống là do năng lực của chính anh thôi. Còn việc tự lực thì không cần gấp thế đâu. Thứ năm tuần sau gia đình ông bà sẽ tự mua sắm khi đi chợ còn tiền thuê nhà sẽ bắt đầu trả vào tháng sau vì cần phải dành dụm tiền mua xe riêng. Chúng tôi đã bàn bạc và Cha Ivan sắp xếp rồi vì thấy chắc anh sẽ có được việc làm này. Để cho đỡ vất vả phải đi nhiều chuyến xe buýt để đến chỗ làm, từ ngày mai sẽ có một thanh niên tên Brian đến nhà rước anh đi làm và đưa anh về, vì cậu ấy cũng đang làm việc ở khu Welshpool. Tôi nghĩ, trong vòng hai tuần anh có thể học và thi bằng lái rồi mua trả góp một chiếc xe để tiện dụng cho việc đi lại. Nếu anh muốn, việc này Cha Ivan sẵn sàng giúp.” Lại thêm một may mắn bất ngờ do sự xốt xắng của Cha Ivan và Ông Bà Leith tôi thấy khó lòng từ chối, dù tôi biết họ cũng hiểu là tìm được việc làm chưa có xe phải đi xe buýt cũng phải. Còn việc học để lấy bằng lái xe ở Úc và mua xe tôi có thể từ từ thu xếp được, nhưng làm như thế chẳng phải là khách sáo và phụ lòng người bảo trợ hay sao.

 

Brian đến nhà đón tôi đi làm ngày đầu tiên. Anh là một thanh niên trẻ hiền lành, vui tính và thân thiện. Chúng tôi hàn huyên rất vui vẻ và cởi mở. Chiều hôm đó, trên đường về nhà Brian báo cho biết là Cha Ivan muốn gặp tôi sau giờ làm việc của ngày kế đó. Y hẹn, hôm sau Brian đưa tôi từ chỗ làm thẳng đến nhà thờ ở khu Cottesloe. Cha tiếp tôi trong văn phòng sau nhà thờ với cà phê pha sẵn và bánh ngọt. Mục đích buổi hẹn là Cha muốn giải thích rõ việc học lái và mua xe cho tôi hiểu. Bằng một giọng nói từ tốn Cha kể là “Muốn thi bằng lái xe phải có một công dân Úc có bằng lái hay trường dạy lái xe giới thiệu thi ở cơ quan cảnh sát công lộ. Tốt nhất là ghi tên học trường dạy lái xe. Bình thường, phải học ít nhất là 10 tiếng cho người chưa biết lái xe, anh đã từng lái xe nhiều năm ở Việt Nam chắc chỉ cần học chừng 4 tiếng cho quen với cách chạy xe bên lề trái và đường xá khu thi lái là đủ. Chi phí học lái xe hiện nay khoảng 20 đô môt giờ. Tôi có quen chủ một trường dạy lái xe và có thể nhờ họ lo cho anh. Việc mua xe anh có hai chọn lựa, xe mới hoặc cũ đều có thể mua bằng cách trả góp. Một chiếc xe mới hiệu Toyota của Nhật hay Gemini của Úc giá hiện giờ chừng 6 ngàn đô, còn xe cũ với khoảng hơn một ngàn là có thể mua được xe còn khá tốt. Mua xe trả góp anh chỉ cần giấy chứng nhận đang có việc làm với lương bổng là đủ. Ngày mai anh nên xin công ty Komatsu cấp để sẵn sàng khi cần. Với công việc kỹ sư và mức lương hiện tại anh có thể dễ dàng mua xe trả góp, bất kỳ cũ hay mới. Mua xe gì thì sẽ tính sau, bây giờ cần học và thi lấy bằng lái sớm. Nếu anh muốn, ngày mai sau giờ tan sở, khoảng 5 giờ chiều sẽ có người đến nhà để dạy lái xe.” Tôi lặng người vì xúc động, chỉ biết nhìn Ông và gật đầu.

 

Hôm sau, thứ bảy cuối tuần, xe của trường dạy lái xe đến. Tôi đi ra vừa lúc một cô mở cửa xe bước xuống. Cô gái khá xinh, trạc ba mươi tuổi, bắt tay tôi tự giới thiệu tên Leony dạy láixe. Nhìn tôi cô cười nói “Cha Ivan giao cho tôi nhiệm vụ giúp anh lấy bằng lái xe nhanh và ít tốn kém nhất có thể.” Khi tôi đã ngồi yên ở ghế tài xế, Leony hướng dẫn thật kỹ thủ tục kiểm soát mọi thứ như thắng, kiếng chiếu hậu, thắng tay … trước khi mở máy, quan sát rồi mới báo hiệu cho xe ra. Cô nhắc tôi phải luôn nhớ và cẩn thận vì chạy xe bên lề trái ở Úc ngược với lưu thông ở Việt Nam. Trong vòng một giờ tôi phải thực hành những động tác quan trọng như đậu xe song song (lái xe vào lề giữa hai chiếc xe đang đậu), quay đầu xe theo hình chữ U, ngừng xe ở đèn đỏ trên đường dốc phải kéo thắng tay … Sang giờ thứ hai, Leony chỉ đường tôi chạy quanh gần hết khu Subiaco cho quen đường xá vì cô sẽ ghi danh cho tôi thi lái ở đồn cảnh sát công lộ thuộc khu này. Hết hai giờ học lái xe, cô chỉ đường tôi lái về nhà và phải làm động tác cuối là de xe vào trong sân. Leony nói “Anh lái xe quá vững vàng, không cần học thêm giờ nữa. Tôi sẽ ghi tên cho anh thi, cũng sau giờ làm việc ở sở như hôm nay. Theo thủ tục anh phải trả tiền một giờ cho thời gian thi lái xe. Cha Ivan sẽ báo anh biết ngày giờ thi trong vài ngày tới.”

 

Chiều ngày thứ ba tuần kế đó Leony đến nhà đón tôi đi Subiaco để thi bằng lái xe lúc 5 giờ chiều. Người cảnh sát mặc sắc phục phụ trách thi khá lớn tuổi, bệ vệ, dáng vẻ nghiêm nghị, tự xưng tên là Peter gọi tôi là “chàng trai trẻ” nghe thân mật và vui vẻ. Nhớ lời dặn của Leony, tôi chào hỏi và mở cửa mời người cảnh sát lên xe. Tôi chậm rãi và cẩn thận làm đúng thủ tục rồi lái xe ra đường. Peter bảo tôi lái một vòng quanh trạm cảnh sát rồi chỉ tôi vào bãi đậu xe của khu thương xá gần đó kiếm chỗ đậu và tắt máy. Tưởng đâu sẽ bị sát hạch thêm vì tôi đã có sai sót gì đó trong khi lái xe, nhưng không phải. Đậu xe khoảng nửa tiếng Peter chỉ nói chuyện chơi. Ông hỏi tôi đủ thứ về nghề nghiệp, gia đình và hoàn cảnh sống ở Việt Nam, vượt biên bằng cách nào … Ông chăm chú nghe tôi một cách thích thú. Sau đó ông bảo chạy xe về trạm cảnh sát. Thấy tôi ngạc nhiên, Peter cười bảo “Anh lái xe rất tốt. Đậu rồi, trở về trạm tôi sẽ cấp bằng lái cho anh.” Tôi mừng quá, nổ máy chạy ngay sợ ông cảnh sát đổi ý. Kể chuyện thi bằng lái của tôi ở Perth nghe giống chuyện hư cấu nhưng thực sự như vậy. Thêm một chuyện tử tế không thể nào quên được của cô giáo dạy lái xe và ông cảnh sát chưa hề quen biết.

 

Tôi gọi điện thoại báo tin cho Ông Bà Ly và Cha Ivan tôi đã lấy được bằng lái xe. Mọi người vui vẻ chúc mừng. Cha Ivan nói Ông đã được Leony báo cho biết rồi và hỏi tôi đã quyết định mua xe nào chưa. Tôi nói là tôi sẽ mua xe cũ, Ông cho biết là có quen người chủ một chỗ bán xe cũ ở Fremantle gần Mosman Park, nếu muốn Ông sẽ chở tôi đi và giúp tôi làm thủ tục mua trả góp vào chiều ngày thứ tư trong tuần vì những chỗ bán xe đều có mở cửa trễ vào tối ngày đó. Ông cũng nhắc tôi xin giấy chứng nhận việc làm và báo cho bà xã tôi biết là chiều thứ tư Brian sẽ chở tôi về thẳng nhà thờ để Cha Ivan đưa đi mua xe. Chỗ bán xe là một bãi xe cũ rất lớn gồm đủ hiệu xe và đa số còn trong tình trạng tốt. Cha Ivan đã đứng ra bảo lãnh cho tôi vay nguyên vẹn hai ngàn đô không cần bỏ tiền cọc, cộng thêm cả tiền đăng bộ lưu hành và bảo hiểm một năm. Tôi chỉ làm một việc là ký tên giấy tờ và sẽ nhận sổ nợ trả cho ngân hàng trong 24 tháng, mỗi tháng hơn 100 đô thôi. Gia đình tôi trở về thành phố Perth chưa tới hai tuần mà chúng tôi đã ổn định trong ngôi nhà đẹp và ấm cúng, con gái đã đi học, tôi tìm được việc làm tốt, mua được xe để đi làm, đi mua sắm và đưa vợ con đi đây đó. Được như vậy đâu phải đơn thuần nhờ may mắn mà đã nhờ có sự giúp đỡ tận tình của Ông Bà Ly và nhà thờ Anh giáo Mosman Park. Ân nghĩa này chúng tôi không thể quên được. Chủ bãi xe tặng không một thùng xăng đầy. Tối hôm đó, tôi lái chiếc xe hiệu Ford Cortina màu trắng, đời 1972 trông khá đẹp về nhà chứng kiến sự vui mừng của vợ và hai con. Ăn tối xong, tôi chở cả nhà đi chơi một vòng với xe mới mua. Gần nhà có hai thắng cảnh nổi tiếng là hải cảng Fremantle và bến du thuyền sông Thiên Nga ở khu Dalkeith. Khu hải cảng về đêm rực sáng ánh đèn hết sức đẹp và bến du thuyền cũng hấp dẫn không kém, gió sông mát mẻ dễ chịu. Nhìn nỗi vui mừng biểu lộ trên gương mặt hai đứa con chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

 

Ông Bà Ly từng ngỏ ý mời gia đình chúng tôi đi xem lễ nhà thờ Anh giáo. Bây giờ có xe riêng tôi nghĩ mình cũng nên đáp lễ, đến nhà thờ xem nghi thức thờ phượng của Anh giáo có gì đặc biệt không so với Thiên Chúa giáo. Chúng tôi đến nhà thờ Anh giáo ở Cottesloe vào sáng Chủ nhật tuần đó và nhiều tuần sau nữa. Cha Ivan rất vui khi thấy chúng tôi. Sau đó Ông Bà Ly lên tiếng mời chúng tôi gia nhập Hội Thánh, có nghĩa là cải đạo. Việc này tôi biết là sẽ tới nên đã suy nghĩ kỹ có nên hay không. Tôi thưa với Ông Bà là tôi có nghĩ đến nhưng rất tiếc không thể làm được, không phải chỉ vì bảo vệ tín ngưỡng riêng mà còn vì hoàn cảnh. Tôi là con trai trưởng trong gia đình có bổn phận và nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên. Cha Mẹ của tôi vẫn còn sống ở Việt Nam có lẽ không ủng hộ việc tôi cải đạo. Từ đó Ông Bà Ly không nhắc nhở lại chuyện này. Tôi đã lo việc từ chối có thể làm cho người bảo trợ và giáo hội không hài lòng nhưng họ vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng tôi tận tình và hào sảng như không có chuyện gì xảy ra. Tôi đã may mắn gặp được người tốt, có thể nói là hiếm có, để mau chóng ổn định cuộc sống nơi quê hương mới bao dung và đầy tình người như xứ Úc này.

 

Ở công ty Komatsu công việc của tôi là nghiên cứu cải thiện hiệu năng và tư vấn tu bổ cơ giới cho các hầm mỏ. Việc làm này tương đối dễ và thuận lợi với kinh nghiệm tôi có được qua thời gian phục vụ ở Việt Nam. Gần hai tháng sau, một cơ hội may mắn khác lại đến với tôi. Vào một buổi chiều cuối tuần Ông Bà Leith ghé thăm cầm theo tờ “Thời báo Chủ Nhật” chỉ cho tôi xem ở mục tìm người làm có đăng “Nhà máy Xi măng Swan (Thiên nga) cần tuyển một kỹ sư dự án tu bổ”. Ông bảo “Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt. Trước kia anh đã làm cho công ty xi măng ở Việt Nam, qua Úc làm việc cho xi măng Swan thì quá thích hợp. Hay là anh cứ thử đi, chỉ có được chứ không mất gì.” Bà thì hết sức cổ vũ tôi để xin việc làm này. Tôi thành thực bày tỏ về sự lo ngại đang làm cho Komatsu được đối đãi nồng hậu mà bỏ đi làm chỗ khác có tốt không. Ông Bà vui vẻ bảo “Đây là chuyện bình thường thôi. Anh có suy nghĩ rất đôn hậu như vậy rất tốt, chỉ nên báo cho kỹ sư Bayliss anh xin việc ở Xi măng Swan, được hay không đều sẽ không có thiệt hại gì cho Komatsu, ông Bayliss còn phải mừng cho anh”. Theo lời khuyên chí tình của Ông Bà bảo trợ, tôi viết đơn xin việc cùng với hồ sơ chi tiết về học trình kỹ sư và quá trình làm việc cho xi măng ở Việt Nam rồi gởi bưu điện cho Xi măng Swan. Chỉ mấy ngày sau tôi nhận được thư  hồi đáp, báo cho biết ngày thứ hai tuần kế đó vào lức 10 giờ sáng tôi sẽ gặp kỹ sư trưởng Bob James để phỏng vấn. Ông Bà bảo trợ rất vui khi nghe tin. Ông bảo tôi đem thư này cho kỹ sư Bayliss xem và xin nghỉ ngày thứ hai tuần tới. Bà ân cần dặn tôi phải sẵn sàng lúc 8 giờ sáng, cả hai Ông Bà sẽ đón tôi đi sớm có việc rất cần thiết để chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn sắp tới. Nghe trong giọng nói của Bà có vẻ thật ân cần và trang trọng tôi muốn hỏi thêm nhưng ngại nên thôi. Đúng giờ, Ông Bà đến nhà chở tôi đi khu thương xá thật lớn và sang trọng ở khu Cottesloe, vào một tiệm bán quần áo để mua tặng cho tôi bộ đồ vét. Bà bảo “Hôm nay là buổi phỏng vấn quan trọng, cần ăn mặc thật trang trọng mới xứng với công việc mới”. Thái độ ân cần và chăm sóc quá chu đáo đã làm cho tôi thật xúc động, nhưng nhìn giá bán ghi trên thẻ treo trên bộ quần áo tôi thấy ngại quá vì nó trị giá hơn nửa tuần lương của tôi ở công ty Komatsu. Món quà tặng này quá bất ngờ và lớn quá. Ông Bà Ly và nhà thờ Anh giáo đã giúp gia đình tôi nhiều quá. Từ chối thật khó, nhận thì cũng bất an vì nợ ân tình càng ngày càng cao, khó mà trả được. Vả lại, tôi thấy không thật sự cần thiết đối với dân tị nạn mới đến Úc đi phỏng vấn xin việc làm nên tôi đã bày tỏ suy nghĩ của tôi và chỉ xin mua một áo sơ mi trắng dài tay và chiếc cà vạt thôi. Thấy tôi đã quyết Ông Bà cũng chiều ý.

 

Ông Leith đưa bà về nhà rồi chở tôi đến nhà máy xi măng Swan nằm cạnh sông Thiên Nga thuộc khu Riverval phía Nam của thành phố Perth. Cô thư ký đưa tôi vào văn phòng kỹ sư trưởng Bob James trong khi Ông Ly chờ ở ngoài. Kỹ sư James khá trẻ, lớn hơn tôi chừng vài tuổi, người tầm thước, nói năng lịch lãm và vui vẻ. Anh hỏi rất kỹ về nhiệm vụ của tôi ở nhà máy xi măng trước 1975, vừa nghe vừa cười trông có vẻ thoải mái và đắc ý. Nói chuyện được khoảng nửa tiếng, anh đứng lên cười nói “ Vậy là anh đã từng làm việc cho công ty xi măng ở Việt Nam không khác gì kỹ sư trưởng, ngang cấp với tôi. Tôi không thể quyết định việc tuyển dụng nên cần lập ủy ban để phỏng vấn. Anh chờ một lúc, tôi sẽ quay lại.” Anh đi ra vài phút thì cô thư ký mang vào cho tôi cái khay có ly cà phê cùng với hai hủ nhỏ đựng đường và kem. Tôi hơi yên tâm vì đang lo lắng, nghĩ là sắp có chuyện lớn vì lần đầu nghe nói đến ủy ban phỏng vấn. Tôi tự trấn an vì thấy không có gì phải lo ngại bởi tôi đang có việc làm tốt. Chậm rãi nhấm nháp gần hết ly cà phê thì kỹ sư trưởng James trở lại với gần đầy đủ những vị chỉ huy kỹ thuật của nhà máy. Tôi nhớ rõ hiện diện hôm đó có tổng giám đốc Mac Kay, giám đốc kỹ thuật Harry Martlew, phó GĐ kỹ thuật Jef Trew, kỹ sư trưởng Bob James. Trưởng phòng kỹ thuật kỹ sư Bernard Hume, trưởng xưởng tu bổ cơ khí kỹ sư Don Wall, trưởng phòng thí nghiệm vật liệu kỹ sư Yuli , kỹ sư dự án Jeof Woodard, đốc công trưởng David Scott và cô thư ký Karen Rings phụ trách lập biên bản. Tôi không nhớ rõ buổi phỏng vấn “hội đồng” này kéo dài bao lâu, chỉ biết là lâu lắm vì ai cũng chất vấn tôi với nhiều câu hỏi bao quát và khó như năng suất các máy móc quan trọng, chương trình tu bổ tiên liệu ở xi măng Hà Tiên và tỉ mỉ, hóc búa như cỡ lò nung và máy nghiền, kích thước dây xích, gạch cách nhiệt, nhiệt độ và chiều dài ngọn lửa trong lò nung … Tôi đã cố gắng rất nhiều vì phải giữ bình tĩnh để trả lời rành mạch vừa phải vận dụng trí nhớ để trả lời cho đúng các câu hỏi chi tiết vì trước mặt tôi toàn nhưng tay tổ của kỹ nghệ xi măng. Yêu cầu cuối cùng của ông tổng giám đốc là “Tôi thấy như vậy là tạm đủ. Bây giờ nếu anh vẽ được sơ đồ của dây chuyền sản xuất cùa nhà máy xi măng anh đã từng làm ở Việt Nam thì chúng tôi sẽ nhận anh vào làm việc ở nhà máy này.” Tôi thở phào nhẹ nhõm vì vẽ là “nghề” của tôi. Với phấn màu, trên bảng thật to trong phòng họp, tôi đã vẽ một sơ đồ đầy đủ, rõ ràng và rất đẹp từ hầm đá vôi, hầm đất sét với cơ giới, cối xay đá, máy quậy bùn đất sét, rồi băng tải đá và ống dẫn nguyên liệu vào đến bồn chứa, máy nghiền vữa xi măng, hai lò nung cho đến cầu chạy chuyển đá nung (xi măng bán thành phẩm) từ kho chứa xuống sà lan chở về nhà máy nghiền và đóng bao xi măng ở Thủ Đức. Sơ đồ dây chuyền sản xuất hoàn tất không thiếu văn phòng hành chánh, phòng thí nghiệm, câu lạc bộ, y xá, kho bãi cùng khu bồn chứa nhiên liệu. Khi tôi vẽ xong các xếp đều vỗ tay hoan hô. Ông giám đốc kỹ thuật bắt tay tôi chúc mừng và mời tôi về văn phòng của ông. Đi ngang chỗ Ông Ly đang ngồi ông Martlew cười, gật đầu và chỉ tay vào văn phòng của ông . Ông Ly đứng dậy cười thật tươi bắt tay tôi rồi đi theo chúng tôi. Khi chủ khách đã yên vị  chuông điện thoại reo. Sau khi nói chuyện với ông Tổng giám đốc, ông Martlew nói “Nhà máy đang cần một kỹ sư có kinh nghiệm như anh. Chúng tôi sẽ trả lương 26 ngàn đô một năm. Về vấn đề chức danh, chắc anh cũng biết là luật lao động của tiểu bang Tây Úc không công nhận bằng cấp của các nước ngoài không thuộc khối Thịnh Vượng Chung. Vì thế,chức danh của anh ở Swan Cement sẽ là “Nhân viên nghiên cứu cơ khí lâu năm (senior mechanical designer). Nếu anh đồng ý thì sẽ nhận việc ngay”. Tôi lặng người trong nỗi vui mừng vì  bắt được việc làm đúng nghề cũ với tiền lương hậu hĩnh bất ngờ như thế. Với hoàn cảnh tị nạn như tôi đã có việc làm rồi, chức danh là gì thật không quan trọng. Hơn nữa, “nghiên cứu cơ khí” là việc của kỹ sư, “lâu năm” mới hưởng lương cao, còn đòi hỏi gì hơn. Tôi xúc động không nói nên lời, chỉ biết gật đầu. Không chờ cho tôi bớt bối rối Ông Ly lên tiếng “Nếu có thể xin cho anh ấy nhận việc vào tuần sau vì đang làm cho công ty Komatsu. Việc cần làm bây giờ là nộp đơn xin nghỉ theo luật định”. Ông Martlew nhấc điện thoại lên, bấm số gọi ai đó. Sau đây là nguyên văn một đoạn đối thoại quan trọng mà tôi không thể quên được sau bao năm tháng “ … ông John Bayliss phải không? Chào John, bạn khỏe không? Tôi bắt cóc được một kỹ sư của anh, đang ngồi ở đây. Anh ấy xin việc xi măng Swan và tôi đã nhận rồi. Cảm phiền nghe bạn …” Sau ít phút trò chuyện ông Martlew gác máy nhìn tôi và Ông Ly cười sảng khoái “Xong rồi. ông Bayliss không phiền hà gì cả và không quên chúc mừng. Ông ấy nói ngày mai anh trở lại Komatsu làm thủ tục xin nghỉ và sẽ nhận việc Xi măng Swan vào ngày mốt.” Trên đường về nhà tôi kể Ông Ly nghe diễn tiến buổi làm việc căng thẳng và kéo dài với ủy ban phỏng vấn và xin lỗi đã để ông phải chờ lâu quá. Ông vui vẻ bảo “Tuy có lo nhưng tôi vẫn tin tưởng là anh sẽ thắng vì anh là người có thực tài. Tôi có chờ lâu hơn cũng không sao. Xin ngợi khen và chúc mừng anh đã tìm được việc làm tốt như ý.” Tôi hỏi Ông có quen biết trước với giám đốc kỹ thuật Martlew không, Ông nhìn tôi, cười rất hóm hỉnh, bảo “Tôi quen ông ấy khá thân, nhưng đã không nói gì đến chuyện anh xin việc ở Xi măng Swan.” Tôi cám ơn Ông Bà và cũng thầm tri ân những vị giáo sư của trường kỹ sư đã đào tạo tôi trở thành người hữu dụng và thấy những năm tháng miệt mài làm việc cho nhà máy xi măng ở Việt Nam thật không lãng phí. Công việc của tôi ở xi măng Thiên Nga rất thuận lợi vì rất giống nhà máy xi măng tôi từng làm , từ trang thiết bị, phương pháp sản xuất cho đến điều hành nhân sự, chỉ khác một chút là nhà máy Swan cũ hơn rất nhiều. Ở đây tôi được nhiều người quí mến, nhất là ông phó giám đốc kỹ thuật Jeff Trew, luôn luôn quan tâm và đối xử vối tôi rất cởi mở và thân tình. Khi chuyển về làm việc cho xi măng Sydney với cương vị Giám đốc, ông có ngỏ lời mời tôi sang làm việc nhưng tôi không thể nhận lời vì di chuyển qua tiểu bang khác không dễ dàng gì. Kỹ sư trưởng Bob James và tôi trở thành bạn thân vì tôi đã chia sẻ gánh nặng công việc với anh. Mỗi tháng, cuối ngày thứ sáu tuần đầu Bob thường mời nhân viên phòng kỹ thuật họp mặt ở nhà hàng cạnh bờ sông Thiên Nga có nhiều mục hấp dẫn rất vui vẻ. Ông Bernard Hume, kỹ sư hàng không khá lớn tuổi, xếp trưc tiếp, đối xử tốt và rất tin tưởng tôi, công tác khó ông đều giao cho tôi, Khi xong việc đưa cho ông ký duyệt trước khi trình giám đốc lần nào ông cũng xem qua loa ký ngay rồi đưa trả lại tôi nháy mắt cười. Ông cũng là họa sĩ tài tử vẽ ký họa rất đẹp, mỗi khi hoàn tất một họa phẩm ông đem vào sở khoe với tôi, chúng tôi đã trao đổi ý kiến bàn luận rất tương đắc. Riêng mục hút thuốc cũng có chuyện đáng nói. Phòng kỹ thuật rất rộng. Ông chánh và phó giám đốc kỹ thật, kỹ sư trưởng, đốc công trưởng ngồi trong phòng riêng ở bốn góc, còn lại kỹ sư, kỹ thuật viên, họa viên chia nhau ngồi hai dãy bàn hướng về phòng giám đốc. Thư ký Karen ngồi bàn nhỏ sát cửa phòng giám đốc. Dân kỹ thuật làm việc văn phòng thường hút thuốc nặng, có lẽ vì phải vận dụng trí óc nhiều. Ông Hume hút tẩu và xài thứ ngon hiệu “Half and half” nên mỗi lần ông hút thuốc cả phòng thơm lừng. Giám đốc kỹ thuật cũng hút tẩu. Bob và tôi hút thuốc lá nhiều và có cùng “gu” là thuốc Winfield màu xanh. Khi hết thuốc hút chưa kịp mua anh chàng cứ chạy ra bàn làm việc của tôi nhón một điếu châm lửa hút rất tự nhiên. Lâu lâu cũng mua nguyên gói, đi ngang bỏ trên bàn của tôi và cười hì hì. Những người khác hầu hết cũng là dân “lửa khói”. Năm 1983, khi bước vào phòng chúng tôi thấy dán trên tường hai tờ giấy lớn cỡ A2 in chữ màu rất bắt mắt có nội dung “Tôi là Karen Ring, thư ký phòng kỹ thuật, nhà máy Xi măng Thiên Nga, sẽ thưa những người hút thuốc lá trong phòng này ra tòa vì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác.”. Thời điểm đó không có luật cấm hút thuốc lá ở một số nơi như bây giờ, cô thư ký khó chịu này chắc muốn làm nổi nên làm chuyện tào lao. Xứ tự do mà. Khi Ông Martlew bước vào phòng nhìn thấy hai tờ bích chương hăm dọa ấy cũng chỉ biết giơ hai tay lên trời cười ha ha. Từ đó, cứ vào giờ “uống trà” (morning & afternoon tea) dân khói lửa pha cà phê bưng ra bãi cỏ bên ngoài phòng kỹ thuật ngồi hút thuốc trò chuyện vui vẻ và thiên hạ cứ mãi thái bình thôi. Những lúc khác ai lên cơn ghiền thì cứ ung dung bỏ gói thuốc và bật lửa vào túi, thong dong đi xuống nhà máy tha hồ mà hút. Mất công một tí nhưng sẽ giãn gân cốt vì ngồi lâu.

 

Trong suốt thời gian cư ngụ ở Mosman Park Bà Ly cứ đều đặn lái xe đến nhà mỗi tuần ba lần để thăm viếng và dạy Anh văn cho vợ tôi. Sân vườn trước nhà trồng nhiều hoa hồng rất đẹp, nên Bà dạy cho vợ tôi cách chăm sóc hoa hồng. Mấy chục năm sau, khi đã chuyển nhà tới hai lần, nhà nào cũng được trồng hoa hồng thật đẹp vì bà xã tôi đã trở thành “chuyên gia” về hoa hồng. Nói về chuyện học Anh ngữ, xin kể thêm là cả hai Ông Bà đều khuyên và nhắc nhở nhiều lần là chúng tôi nên nói chuyện với các con ở nhà bằng tiếng mẹ đẻ và dạy tiếng Việt cho lớp trẻ không quên cội nguồn. Đây là điều thật quí giá và đáng khâm phục vì tôi biết ít có người bảo trợ nào có được sự hiểu biết sâu sắc và suy nghĩ đẹp đẽ như Ông Bà Ly của chúng tôi. Tôi thường đưa cả nhà đến thăm ở tư gia Cottesloe vào cuối tuần và những dịp lễ cuối năm, hay mời Ông Bà đi ăn ở nhà hàng Việt Nam nổi tiếng ở Perth. Vào giũa năm 1982, trong một buổi tiệc vui vẻ Ông Ly có đề cập đến việc xin chính thức công nhận bằng cấp kỹ sư và khuyên tôi nên xúc tiến vì sẽ có ích lợi trong tương lai. Ông cho biết chính phủ liên bang Úc có lập cơ quan xét duyệt và công nhận bắng cấp Đại học của các nước không thuôc khối Thịnh Vượng Chung. Cơ quan đó có tên là “Sở nhân dụng chuyên môn”  PES (Professional Employment Service). Ông cho tôi số điện thoại và địa chỉ ở Canberra, thủ đô Úc để liên lạc nếu tôi muốn. Bà Ly nhiệt liệt ủng hộ chuyện này. Bà rất sốt sắng bảo “ Đây là chuyện rất tốt, nên làm. Gọi điện thoại liên tiểu bang khá tốn kém, anh có thể sử dụng máy của nhà tôi.” Sau đó, tôi liên lạc với PES để xin công nhận bằng Kỹ sư Công nghệ. Để khỏi phụ lòng tốt của Ông Bà tôi có gọi nhờ điện thoại lần đầu tiên còn những lần sau tôi gọi từ sở làm hay ở nhà.

 

Tôi đã gởi đơn và tất cả những giấy tờ cần thiết về thủ đô Canberra, dĩ nhiên là hồ sơ tự soạn vì nguyên bản đã bị cướp mất khi vào đất Thái Lan. Việc công nhận bằng cấp thật không dễ dàng chút nào và kéo dài hơn nửa năm với rất nhiều cuộc điện thoại viễn liên. Tôi đã được phỏng vấn bởi nhiều giáo sư có học vị rất cao từ ủy ban xét duyệt, mỗi lần một người khác. Nội dung phỏng vấn chú trọng đến học trình kỹ sư của tôi, chi tiết tôi có được về các vị giáo sư của các môn học ở trường và công việc làm hiện tại ở Perth. Vào buổi phỏng vấn cuối cùng tôi có báo cho họ biết là đầu năm học 1982 tôi đã ghi danh ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Perth học lớp đêm để thi lại bằng cấp kỹ sư. Tôi học ba môn quan trọng và đã thi đậu cả ba với số điểm rất cao. Theo yêu cầu, tôi gởi tiếp theo chứng chỉ đậu ba môn học này. Có lẽ, thành tích này giúp cho tôi rất nhiều. Một tháng sau Canberra gởi cho tôi Bản công nhận bằng Kỹ sư cơ khí. Gia đình tôi rất vui và cảm động vì nó là một phần kết quả của sự phấn đấu không ngừng nghỉ của một kỹ sư nơi xứ lạ quê người. Rất tiếc và thật đau buồn vì Bà bảo trợ thân kính của chúng tôi không thấy được mảnh bằng quí giá này. Khi tôi bắt đầu liên lạc với Canberra thì Bà ngã bệnh và căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi mạng sống của Bà chỉ vài ngày trước khi tôi nhận được bằng cấp qua bưu điện. Ông Ly có kể là trên giường bệnh khi tỉnh táo Bà đều hỏi thăm kết quả về chuyện này. Bà đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Fremantle.

 

Không lâu sau ngày Bà qua đời, Ông Ly nghỉ hưu, bán ngôi biệt thự ở Cottesloe, mua một miếng đất lớn ở Mosman Park, chỉ cách chừng trăm mét ngay sau ngôi nhà chúng tôi đang thuê và xây biệt thư song lập. Ông ở một căn và cho gia đình Margaret căn kế bên để tiện gần gũi chăm sóc. Sau mấy năm làm việc tôi dành dụm đủ tiền mua đất cất nhà mới ở Kewdale ở phía nam sông Thiên Nga. Đây là khu dân cư nghèo hơn nhưng cũng khá tiện lợi vì gần nhà máy xi măng Thiên Nga và trường học. Con gái Tuyết Vân học năm cuối tiểu học, năm sau đó lên trung học và trường chỉ cách nhà một khoảng đi bộ năm phút. Khi con trai Đăng Khoa được 6 tuổi vào học trường tiểu học tư thục Thiên Chúa giáo, rất tiện cho tôi đưa đón trên đường đi làm. Gia đình chúng tôi dọn về nhà mới xây ở Kewdale cùng lúc Ông Ly và gia đình Margaret cũng dời về biệt thự song lập ở Mosman Park. Lúc đó Ông còn khỏe, năm nào cũng đi du lịch ngoại quốc. Tuy ở hơi xa và bận rộn nhưng chúng tôi thường đến thăm. Dịp Giáng Sinh nào cũng mang quà xuống biếu Ông. Năm 2001 Ông Ly bắt đầu dành hết thì giờ để viết hồi ký. Tập “Nhiệm vụ đã xong” dày 260 trang, xuất bản cuối năm 2001, kể lại  chuyện đời của Ông từ lúc ra đời ở đảo quốc Fiji, nơi cha ông có trang trại trồng mía và nhà máy sản xuất đường. Sau đó gia đình về sống ở Úc. Khi trưởng thành Ông gia nhập không quân khi thế chiến thứ hai bùng nổ. Đọc tập hồi ký này tôi thêm kính phục và ngưỡng mộ những chiến công lẫy lừng của Ông qua nhiều trận không chiến ác liệt. Ông đã nhận được rất nhiều huân chương của không quân Hoàng gia Úc và Vua nước Anh. Ngay trang đầu của tập hồi ký có lời đề tặng cho Mẹ (Eileen) cùng vợ của Ông (Meg) và ghi thêm tiền bán hồi ký sẽ tặng hết cho “tổ chức gia cư Anh Giáo” dành để giúp cho người già ở Tây Úc. Chúng tôi không phải là người già nhưng cũng nhận được sự giúp đỡ hết lòng để xây dựng lại cuộc đời nơi quê hương mới, chứng tỏ từ tâm của Ông Bà cao quí tới chừng nào. Ông qua đời thật bình yên vào năm 2008. Tang lễ của Ông được tổ chức thật trang trọng theo nghi lễ quân cách ở nhà thờ Anh giáo Cottesloe. Ngoài thân quyến, bằng hữu còn có nhiều chiến hữu phi công của Ông cùng rất đông sĩ quan hiện dịch của không quân và nhiều quân binh chủng khác nữa giàn chào trước linh cữu. Tôi cũng đã có mặt để vĩnh biệt và tiễn đưa Ông đến nơi an nghỉ, cũng là nghĩa trang Fremantle.

 

Tôi viết bài này khi chúng tôi đã dọn về ngôi nhà mới thứ hai ở Noranda, khu dân cư trung lưu. Hai con của chúng tôi đã ăn học thành tài, có gia đình và cơ ngơi riêng. Với Bà Ly chỉ ngắn ngủi có mấy năm, với Ông 28 năm gia đình chúng tôi luôn kính trọng như Cha Mẹ. Nhờ sự giúp đỡ quí báu của Ông Bà và giáo hội Anh giáo chúng tôi đã có đời sống yên bình và hạnh phúc nơi quê hương mới. Giờ này, Ông Bà và Cha Ivan không còn nữa nhưng hình ảnh của họ vẫn sống mãi trong tâm khảm của chúng tôi với lòng tri ân vô bờ bến.

 

-- Vĩnh Ngộ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.