Hôm nay,  

Hình như mùa hè vừa đi qua

01/02/202315:24:00(Xem: 2213)
Truyện

dai-hoc-van-khoa

Chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối mùa Hè năm 1956, trước cổng trường Võ Tánh Nha Trang, Trọng nhìn theo mái tóc dài thả sau hai bờ vai và tà áo dài trắng, và gọi lớn tên nàng nhưng Thu Nguyệt vẫn lặng lẽ tiếp tục đạp xe đạp, không đáp lại lời kêu gọi của Trọng, ngay cả ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối.

 

Cách đó chưa đầy ba hôm, khi đang thu mình ngồi ở cuối phòng thi vấn đáp để ôn lại bộ môn Việt văn, Trọng vừa thoáng nghe tiếng guốc ai xem chừng quen thuộc mặc dầu tiếng chân người đi rất nhẹ bên ngoài hành lang. Trọng ngước mắt nhìn qua bệ cửa sổ, thoáng gặp ánh mắt của Thu Nguyệt hình như nàng đang cố tìm anh. Trọng rất mừng khi biết Thu Nguyệt cũng được vào thi vấn đáp như mình. Đây là kỳ thi deuxième session của bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1956 tại Nha Trang. Hình như cả trường Trung Học Tư Thục Kim Yến lúc ấy chỉ có Thu Nguyệt và Trọng qua được kỳ thi Écrit và vào thi Oral hôm ấy. Thu Nguyệt cố đi thật nhẹ vào phòng và nàng tự động kéo ghế ngồi sát vào anh. Trọng nghe hơi thở nồng ấm của Thu Nguyệt khi nàng nói rõ vào tai anh:

 

– Anh lập được bản tóm tắt bộ môn Việt văn hay quá, vậy hai đứa mình ôn chung với nhau đi anh.

 

Nghe vậy, Trọng liền đưa cho Thu Nguyệt bản tóm tắt thứ nhất, và nói:

 

– Khi nào Thu Nguyệt ôn xong quyển 1 thì mình sẽ đổi cho Thu Nguyệt bản 2.

 

Thu Nguyệt nhất định không chịu, nàng bảo:

 

– Hai đứa ôn chung một quyển cho nhanh. Và nàng chủ động lấy quyển tóm tắt một, và hai đứa chụm đầu vào nhau đọc thật nhanh những trang tóm tắt. Thu Nguyệt kéo tay áo cao lên để hiện rõ cườm tay nõn nà với những sợi lông măng đen mượt và ngón tay trỏ của nàng chỉ vào hàng chữ cho hai đứa đọc. Bàn tay Thu Nguyệt đẹp như búp hoa sen màu hồng lướt đi thoăn thoắt trên trang giấy.

 

Bây giờ Trọng mới để ý phòng thi vấn đáp trở nên im lặng khác thuờng. Các thí sinh, các cô thầy giáo đang thi vấn đáp đều đổ dồn ánh mắt nhìn về phía Thu Nguyệt và Trọng. Trọng không phải nói ra điều này với Thu Nguyệt và tin rằng Thu Nguyệt cũng cảm nhận như mình.

 

Thu Nguyệt là một trong những nữ sinh xinh đẹp và quí phái một thời của trường Trung Học Kim Yến Nha Trang. Thu Nguyêt còn có tên là “Nguyệt Mắt Quạ” vì Thu Nguyêt có đôi mắt đen lánh hút hồn những ai được cô nhìn đến. Vì đôi mắt quạ và màu da trắng xạm nắng mặn mà của gió biển Nha Trang, Thu Nguyệt trong quá khứ đã làm điêu đứng không biết bao nhiêu chàng trai của thành phố biển này. Năm ấy Thu Nguyệt vừa tròn mười tám còn Trọng vì ảnh hưởng chiến tranh, chuyện học hành của anh có phần chậm trễ, năm ấy anh cũng vừa đúng hai mươi.

 

Trọng và Thu Nguyệt vẫn ngồi thu mình bên cạnh nhau ở cuối phòng tiếp tục ôn bài, mặc dầu cho thiên hạ cứ lao xao nhìn về phía hai người. Chợt nghe thầy giáo gọi tên, Trọng liền đứng dậy, Thu Nguyệt nắm lấy tay anh và nói vói theo bonne chance...

 

Thầy giáo phỏng vấn Trọng, có gương mặt phượng, đôi chân mày rậm, da mặt trắng, nói giọng Bắc, đúng là một thư sinh. Thầy giáo rất lịch sự hỏi anh về những bài “hát nói” của Nguyễn Công Trứ, về nhà thơ Trần Tế Xương. Cuối cùng thầy giáo hỏi anh nghĩ gì về câu thơ sau đây của Nguyễn Gia Thiều “Cầu Thệ Thủy ngồi trơ cổ độ, Quán Thu Phong đứng rũ tà huy”. Hỏi xong câu ấy, ông thầy giáo có vẻ ân hận, có lẽ thầy nghĩ câu hỏi ấy hơi quá sức cho một thí sinh ở bậc Trung học đệ nhất cấp như anh. Thầy giáo không ngờ Trọng trả lời câu hỏi ấy chẳng những thông suốt mà còn rất là lý thú. Thầy giáo hỏi anh học Việt văn với thầy nào trong những năm qua? Trọng trả lời: em học với thầy Cung Giũ Nguyên. Nghe vậy ông giáo chỉ đáp lại bằng cái nhún vai: anh là người có diễm phúc. Thưa thầy thật vậy, Trọng đáp lại. Sau đó thầy giáo bắt tay anh và chúc anh may mắn. Vô tình thầy giáo cho anh thấy anh được 7 điểm trên 10. Có điều lạ khi phỏng vấn Trọng, thầy giáo không quên thỉnh thoảng thầy nhìn về hướng Thu Nguyệt. Việc ấy làm cho Trọng thấy khó chịu. Về đến chỗ ngồi, Trọng nhận được nụ cười khả ái của Thu Nguyệt, nàng nói với anh: Tôi nghĩ anh qua được bộ môn Việt văn rồi với điểm khá tốt. Mặc dầu Trọng ngạc nhiên về câu nói ấy, nhưng anh không hỏi tại sao Thu Nguyêt lại cảm nhận được điều ấy.

 

Câu chuyện của họ chưa kịp chấm dứt thì Thu Nguyệt đã được thầy giáo gọi tên. Nàng bước đến thầy giáo với vẻ e lệ rụt rè như một tiểu thư khuê các. Thầy giáo đưa tay kéo ghế mời Thu Nguyệt ngồi đối diện với ông ta. Liền sau đó thầy giáo có vẻ lính quýnh, ông chỉ biết mân mê cây viết Parker đang cầm với mười đầu ngón tay. Ông ta không dám nhìn thẳng vào mắt Thu Nguyệt. Trọng biết ngay từ lúc đó ông giáo đã bị đôi mắt quạ của Thu Nguyệt hớp hồn. Không phải riêng Trọng, cả lớp đều quay đầu nhìn về phía Thu Nguyệt, ngay cả các thầy cô giáo đang phỏng vấn học sinh các bộ môn khác. Trọng nghe thầy giáo hỏi Thu Nguyệt về ý nghĩa câu thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, dịch giả Chinh Phụ Ngâm Khúc: “Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai/ Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây”. Trước khi nói cảm tưởng của mình về câu văn trên, Thu Nguyệt nói: xin thầy cho em được phép nhắc lại nguyên văn Hán tự hai câu văn trên của Đặng Trần Côn: “Lao dữ nhân hề, thủy dữ ngôn, quân tại thiên nhai thiếp ý môn”. Ông giáo tỏ ra sửng sốt, lần này ông cố lấy hết can đảm nhìn vào đôi mắt quạ của Thu Nguyệt, ông ngợi khen vốn Hán tự mà Thu Nguyệt có. Thu Nguyêt thật thà bảo: Thưa thầy đó chỉ là em học thuộc lòng bản phiên âm, thật sự em chưa hề được dạy bảo về Hán tự. Sau khi trao đổi chừng mười lăm phút, ông giáo cám ơn Thu Nguyệt và ông cũng không quên chúc Thu Nguyệt nhiều may mắn. Thu Nguyệt trở về chỗ ngồi, nàng có vẻ xúc động gần như nàng muốn khóc. Trọng đã phải vỗ về an ủi, dù sao tụi mình cũng chắc chắn qua được môn Việt văn rồi. Nàng cười và nói: Cám ơn anh, mình qua được môn Việt văn hôm nay là nhờ bài tóm tắt của anh thật đầy đủ, ngay cả với những câu cổ văn Hán tự. Rồi nàng ngả đầu vào vai Trọng:

 

– Buổi thi vấn đáp của tụi minh hôm nay đến đây là hết, ngày mai chỉ còn hai môn nữa, anh nhớ đến thật sớm để tụi mình cùng ôn bài. Nhớ đến sớm nghe anh.

 

Trọng lặng thinh, chỉ biết lủi thủi bước theo Thu Nguyêt ra về. Ra đến ngoài, đứng dưới véranda, Trọng vụt miệng nói với Thu Nguyệt:

 

– Tôi nghĩ Thu Nguyêt đâu cần thuộc bài mới đậu?

 

Sau câu nói ấy Trọng thấy mặt Thu Nguyệt biến sắc. Nàng có vẻ vô cùng giận dữ, chân mày nhíu lại, miệng há hốc nhìn anh với đôi môi run run. Nhưng liền sau đó đôi mắt quạ của Thu Nguyệt trở nên hiền dịu lạ thường, nụ cười lại điểm trên gương mặt trái xoan, với giọng nói đằm thắm thân yêu, Thu Nguyệt nói với Trọng:

 

–  Anh Trọng? Anh đánh giá mình như thế nào mà anh nhẫn tâm nói như vậy? Xin anh đừng nói với mình những câu nói như vậy nữa. Nếu anh cứ tiếp tục nói như vậy sau này anh sẽ ân hận khi anh nhớ về mình.

 

Trọng vô cùng bối rối chỉ biết nói:

 

– Xin Thu Nguyệt thứ lỗi cho, tôi đã quá vụng về.

 

Với nụ cười rạng rỡ, Thu Nguyệt nói:

 

– Vậy thì hai đứa mình coi như huề. Mai nhớ đến sớm để hai đứa mình cùng ôn bài nghe anh.

 

Sau khi từ giã Thu Nguyệt, trên đường về nhà, Trọng mới nhận ra một sự thật phũ phàng, đối với Thu Nguyệt trước sau gì anh cũng chỉ là một cậu học trò khờ khạo chưa đủ trưởng thành. Nhớ lại câu Thu Nguyệt nói “Vậy thì hai đứa mình coi như là huề” như một lời an ủi cho một đứa trẻ con.

 

Vào buổi xế chiều ngày thi vấn đáp cuối cùng, Trọng và Thu Nguyệt đã thi xong và tin tưởng cả hai đều đậu. Nhưng không ai muốn ra về. Họ vẫn yên lặng ngồi bên cạnh nhau, bất chợt Thu Nguyêt nói:

 

– Ngoài kia nắng cuối Hạ vàng vọt làm sao ấy! Gió biển vẫn dạt dào thổi nghe mát rượi... phải không anh? 

 

Câu hỏi của Thu Nguyệt kéo Trọng về thực tế. Trọng vẫn lặng yên, ngồi bên canh Thu Nguyệt như tượng đá. Một lần nữa Thu Nguyệt âu yếm nắm lấy cánh tay anh, nhìn thẳng vào mắt anh như để thăm dò, nàng hỏi:

 

– Đậu xong bằng Thành Chung kỳ này, chắc anh tiếp tục học hết tú tài và vào đại học phải không anh?

 

Nghe Thu Nguyệt hỏi, Trọng xem chừng con đường tương lai của mình còn xa ngái, trong lúc Thu Nguyệt là một thiếu nữ rất thực tế nhưng mộng của nàng rất cao. Trọng nhớ cách đây 3 tháng, Thu Nguyệt cho Trọng hay là Thu Nguyệt vừa từ chối lời cầu hôn của một thầy giáo dạy Anh văn đã từng du học bên Anh, với lý do đơn giản, “Thầy giáo không phải là đối tượng tình cảm của mình”. Trọng cúi đầu nhìn mũi giầy, Trọng biết Thu Nguyệt ở quá xa tầm tay mình với tới. Trọng nói với Thu Nguyệt:

 

– Đậu bằng Thành Chung kỳ 2, coi như lỡ thầy lỡ thợ. Thôi thì tiếp tục học lên đệ tam, sau rồi mới tính.

 

Nghe nói thế, Thu Nguyệt liền đỡ lời:

 

– Sao vậy anh? Anh có vẻ bi quan vậy? Mình thấy anh có đủ khả năng tiến xa và rất xa hơn các bạn bè. Còn mình thì tuần sau vào Sài Gòn mình cố thi vào một trường chuyên môn nào đó như Sage Femme D’État, Infirmier D’État... Chỉ cần có bằng Thành Chung là đủ.

 

Trọng liền cướp lời Thu Nguyệt:

 

– Dù cho học trường nào đi nữa, tôi nghĩ Thu Nguyệt vào Sài Gòn sống là hợp lý, ở đó Thu Nguyệt có muôn vàn lựa chọn cho tương lai của mình.

 

Sau một phút yên lặng, trầm ngâm, Thu Nguyệt nói:

 

– Cám ơn anh, nhờ sự giúp đỡ của anh trong mấy ngày qua, nếu không gặp được anh, chưa chắc tụi mình có ngày vui như hôm nay.

 

Đoạn Thu Nguyệt ngả đầu vào vai Trọng, nàng khẽ nói:

 

– Thôi, chiều rồi, mình về nghe anh. Chắc không còn cơ hội gặp lại nhau lần nữa.

 

Nghe Thu Nguyệt nói những lời giã biệt quá bất ngờ, Trọng buồn chi lạ! Trọng rất muốn gặp lại Thu Nguyệt nhưng chàng không đủ can đảm gọi tên Thu Nguyệt cho thật lớn để cho Thu Nguyệt ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối.  

 

Chỉ có hai ngày ngồi bên cạnh Thu Nguyệt vào thi vấn đáp, chỉ có hai ngày ấy thôi, Thu Nguyệt đã dạy cho Trọng bài học vỡ lòng về tình yêu, Trọng cảm thấy mình lớn lên qua nhiều năm tháng. Trọng cám ơn Thu Nguyệt đã đi vào đời tình cảm của mình như một định mệnh, để lai cho mình những kỷ niệm khó nguôi, đẹp và buồn. Nắng vàng ngoài sân trường Võ Tánh chiều hôm ấy bỗng dưng rưng rưng. Trọng đang khóc.

 

– Đào Như

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon...
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu… được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn...
Thơ của hai thi sĩ Huỳnh Liễu Ngạn & Thy An...
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề...
Tôi quen biết Loan thật tình cờ, người đời thường gọi là “duyên”, với tôi, là một định mệnh từ muôn kiếp trước, đã gắn liền hai cuộc đời chúng tôi thành hai chị em, thương yêu và gần gũi, giúp đỡ, an ủi nhau còn hơn chị em ruột thịt...
Bản thân tôi ít khi nào dám ngó về biển cả, dù thấy biển cả rất mênh mông, thoáng mát và êm ả qua nhiều hình ảnh. Cũng có lúc tôi trực diện biển khơi, nhưng chỉ là lúc biển êm sóng dịu rì rào ru hát « Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… » hoặc là lúc mơ mộng, biển nhớ…
Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm...
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.