Hôm nay,  

Chạm vào giấc mơ

10/30/202222:10:00(View: 2926)
Bút ký

Voi đá Đồ Bàn
Voi đá Đồ Bàn.

Thế là tôi cũng chạm được vào giấc mơ, một giấc mơ huyền hoặc lạ lùng kéo dài bao nhiêu năm kể từ khi biết đọc sách, biết mộng mơ… Giấc mơ hình thành từ những dòng chữ trong sử sách, giấc mơ lung linh trong tâm tưởng suốt một quãng đường đời.

 

Một buổi chiều tà tháng mười, tôi được nhà văn Ban Mai dẫn về thăm Đồ Bàn-Hoàng Đế. Một địa danh, một mảnh đất đã từng huy hoàng trong quá khứ. Thành Đồ Bàn của vương quốc Champa nổi danh trong lịch sử, thành có niên đại từ 999-1471. Đồ Bàn là niềm kiêu hãnh của người Champa, ngày xưa quân nhà Lý đã từng tấn công Đồ Bàn chém ba vạn thủ cấp. Quân nhà Trần cũng tiếp tục đem quân tấn công. Vua Duệ Tông nhà Trần vì hữu dõng vô mưu mà bỏ mạng tại Đồ Bàn. Khi Tây Sơn nổi lên và phát triển vững mạnh. Nguyễn Nhạc đã chọn Đồ Bàn để làm nơi đóng đô, cho tu bổ sửa sang lại và đổi tên là thành Hoàng Đế. Kế đến Nguyễn Ánh giành lại vương quyền và cho phá hủy thành cũng như tất cả những di sản văn vật có liên quan đến nhà Tây Sơn. Lịch sử tương tàn cứ tiếp diễn mãi không thôi.

 

Tôi đến thăm viếng thành vào một buổi hoàng hôn, ánh nắng vàng nhạt pha sắc đỏ đã xa xa tận chân trời. Chân bước đi mà lòng nổi những cơn sóng không sao kìm lại được. Thành ngày xưa đồ sộ, kiên cố và huy hoàng thế nào không biết, giờ chỉ thấy cỏ dại và lau lách đìu hiu. Những dấu vết nền móng bằng đá ong được khai quật ẩn hiện trên mặt đất, chìm lẫn vởi cỏ xanh ngút ngàn. Tường thành, cung điện, đền đài xưa giờ chỉ còn là những viên đá ong rải rác đó đây. Bàn tay con người dựng nên và rồi cũng chính bàn tay con người phá hủy, cộng với sự tàn phá của thời gian… Đồ Bàn-Hoàng Đế của một thời lẫy lừng giờ nằm yên trong tiếng côn trùng nỉ non dưới ráng hoàng hôn. Tôi lang thang trong vùng đất mà các nhà khảo cổ khẳng định là tử cấm thành xa xưa, chỉ thấy cỏ và cỏ. Vật duy nhất còn sót lại chính là hai con voi đá do người Chăm tạc từ đá sa thạch. Thời gian mấy thế kỷ qua nhưng chất liệu đá sa thạch vẫn còn sắc đỏ ẩn dưới lớp phong hóa rong rêu. Đá sa thạch này cùng chất liệu với những tượng Chăm khác. Hai con voi đá nằm chơ vơ cô đơn và lạc lõng bên vệ đường của một xóm thôn người Việt. Tôi sờ, tôi ôm hai con voi đá mà lòng cảm thán không sao tả xiết, bất chợt có tiếng bò rống làm cho chị Ban Mai thảng thốt hỏi vì ngỡ tiếng voi rống. Cả nhóm đi cùng cười vang vì cái sự mẫn cảm quá mức của những kẻ du tử mê chữ nghĩa. Văn hóa, tín ngưỡng, tập tục văn hóa của người Chăm quá xa lạ với người Việt, khi người Việt chiếm được đất của người Chăm thì tất cả bị phá hủy hết, cộng với sự xung đột của các triều đại phong kiến Việt cũng tàn phá không thương tiếc. Không hiểu vì cơ duyên nào mà hai con voi đá của thành Đồ Bàn xa xưa còn sót lại đến ngày nay.

 

Ngoài hai con voi đá Champa của Đồ Bàn ấy còn có hai con sư tử đá của Hoàng Đế cũng là di vật còn nguyên vẹn. Hai con sư tử nằm trong khu vực tử cấm thành, rêu phủ mờ xanh, thật cũng không biết vì sao cả tòa thành bị phá hủy mà hai con sư tử đá lại thoát khỏi bàn tay hủy hoại của con người?  Đồ Bàn-Hoàng Đế một dĩ vãng vàng son, huy hoàng xa xưa giờ còn lại hai con voi đá và hai con sư tử đá của người Chăm. Vô số xương máu của cả hai quân Chiêm-Việt cùng đổ xuống, phải chăng vì thế mà những vỉa đá ong còn đỏ đến bây giờ?

 

Đồ Bàn đã bị vua Lê Thánh Tông cho phá hủy, Hoàng Đế đã bị Nguyễn Ánh cho san bằng, ngày nay chỉ còn những vết chân thành bằng đá ong, một quãng đường ngắn lát đá hoa cương xưa là lối đi trong hoàng cung. Ngoài cặp voi đá, sư tử đá trong tử cấm thành ra, xa xa hơn chút là tháp cánh tiên thuộc ngoại thành. Đồ Bàn-Hoàng Đế giờ chỉ là dư ảnh trong tâm tưởng hoặc chỉ là chữ nghĩa trong sử sách.

Tôi lần bước dưới hoàng hôn đến viếng lăng mộ Võ Tánh, ngôi mộ đơn sơ, đắp nổi hình mu rùa, một kiểu mộ theo tập quán văn hóa của cư dân địa phương thời xưa, ngày nay không còn thấy nữa. Tôi áp bàn tay lên mộ tướng quân và cảm nhận như có một luồng điện xuyên suốt thân thể, lòng bồi hồi xúc động. Những dòng chữ viết về ông tự nhiên xuất hiện trong đầu, những hình ảnh tưởng tượng cũng dồn dập tuôn ra từ trong tạng thức. Một bản anh hùng ca thống thiết và bi thảm của một giai đoạn lịch sử vô cùng nghiệt ngã. Thành mất tướng chết, cái chết can trường, trung dũng, nghĩa khí. Trước khi tự thiêu, ông đã viết di thư yêu cầu tướng Trần Quang Diệu đối xử tử tế với quân binh trong thành. Anh hùng gặp nhau, khí hùng tương ứng, đại độ và tâm lượng giao cảm. Đô đốc Trần Quang Diệu chẳng những làm đúng như di thư Võ Tánh để lại mà còn cho tẩm liệm và chôn cất tử tế đàng hoàng cho Võ Tánh và Ngô Tòng Châu. Hậu quân và đô đốc thờ hai vua vốn không đội trời chung, ấy vậy mà họ đã gặp nhau ở cái đức độ và khí tiết. Ngọn lửa tự thiêu của Võ Tánh mãi mãi cháy sáng trong tâm tưởng chúng ta, khí độ Trần Quang Diệu mãi mãi hằn in trong tạng thức của những người yêu nước Việt, sử Việt. Lịch sử qua đi, bài học còn đó nhưng hậu thế dường như vẫn chẳng thuộc bài. Những cuộc tương tàn vẫn tái diễn không ngừng, duy có điều là không còn thấy những tấm gương trung nghĩa, tiết tháo và khí độ như hậu quân Võ Tánh và đô đốc Quang Diệu.

 

Tôi đi nhiễu ba vòng quanh lăng Võ Tánh như thể những Phật tử đi nhiễu Phật, trong lòng tôi cồn cào bao nhiêu là chuyện xưa sử cũ. Tôi dường như nghe hơi thở âm u tiết ra của những phiến đá ong, lời thì thầm của lau lách đìu hiu bao phủ cả một vùng. Hoàng hôn xuống nhanh, ánh nắng dần tắt, nơi chân trời dần tím thẫm. Nhà văn Ban Mai bảo tôi: “Thôi về em ơi, chị dường như cảm nhận âm khí rờn rờn quanh đây”. Tôi không nghĩ là âm khí, có còn gì nữa đâu mà âm khí? mấy thế kỷ đã trôi qua, xương máu Chiêm-Việt giờ đã hóa đất đai và lau lách, hồn người xưa giờ như những áng mây bay khuất nẻo chân trời. Tôi nấn ná thêm tí nữa chưa muốn về nhưng rồi cũng phải chia tay. Quay lưng đi mà lòng ngổn ngang không biết dùng lời lẽ gì để tỏ bày. Tôi chắp hai tay, tôi xòe tay chào tạm biệt lăng mộ Võ Tánh. Tôi ngậm ngùi quay lưng bỏ lại hai con voi đá Đồ Bàn, hai con sư tử Hoàng Đế giữa một vùng lau lách quạnh quẽ hoang vu. Tôi lên xe nhưng vẫn ngoái đầu lại cố căng mắt tìm Đồ Bàn thành, Hoàng Đế thành. Xe chạy xa rồi mà trong tôi còn vọng tiếng voi rống, ngựa hí, quân reo.

 

Tiểu Lục Thần Phong

(Đồ Bàn thành, 10/22)

 

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tuyết rơi như lông ngỗng, như hoa rụng tùng chùm, bám trên nóc xe, trắng xóa mặt đường và tan dưới lằn bánh xe cán ngang. Hơi lạnh len cả vào chân tóc. Mùa Đông thật sự đã đến.
Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970. Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu ".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.
Bài viết của nhà thơ Ngu Yên ở Texas “Cảm Xúc Trong Tiếng Hát” có nhiều điều lý thú trong lãnh vực âm nhạc. Ngu Yên đã dấn thân trong hai lãnh vực Thơ, Nhạc… Ngoài các tập thơ đã được ấn hành, khoảng cuối năm 1995 ở Houston, Ngu Yên tổ chức những buổi ra mắt sách, băng nhạc, CD và tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc. Năm 1998, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions để thỏa mãn sự ham vui theo sở thích cùng nhau vui chơi, tổ chức trên 50 buổi trình diễn như đại hội chợ, trong những dịp lễ, sinh hoạt cộng đồng… ngoài Texas còn có nhiều nơi khác. Vì vậy trong lãnh vực âm nhạc, Ngu Yên có kinh nghiệm và khả năng viết về đề tài nầy… Qua bài viết của tác giả Ngu Yên tạo cho tôi cảm hứng góp phần chia sẻ với “lời bàn Mao Tôn Cương” tế nhị vì cũng ngại làm phật ý với “ca sĩ” trình diễn và góp ý thêm cho sinh động trong chuyện vãn.
Thứ Tư, ngày 15 tháng 1, 2025, gia đình và đông đảo bạn hữu đã đưa tiễn họa sĩ/nhà văn Khánh Trường về nơi an nghỉ ở Peek Family, Westminster. Chương trình tang lễ ngắn gọn nhưng ấm cúng, thân tình, và thật cảm động với nhiều lời phát biểu chia sẻ của gia đình và nghệ sĩ thân hữu. Việt Báo đã đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết từ bạn bè, văn hữu trong số báo đặc biệt về Khánh Trường ngày 3 tháng 1, 2025, sau đây là bài điếu văn của con gái út của Khánh Trường, Annie Nguyễn Trường An, đọc bởi chồng Cô trong buổi tang lễ bằng tiếng Anh, Lê Anh Dũng biên dịch sang tiếng Việt.
Khi con đọc những dòng này, ta không còn nữa. Nhiều người quanh đây có lẽ cũng không còn nữa. Lịch sử thay đổi nhanh đến chóng mặt. Ta nhớ năm 1982, một người bạn bảo rằng trong tương lai khi nói chuyện điện thoại, người ta có thể nhìn thấy mặt nhau. Điều ấy là không thể tưởng tượng được. Nhưng vào lúc này, bốn mươi năm sau, mọi thứ diễn ra đúng như vậy. Bốn mươi năm sau nữa, con sẽ ở đâu, làm gì, kỹ thuật tiến bộ đến đâu, ta không biết. Không ai biết. Nếu con đọc lại những dòng này, hãy nghĩ đến ngày hôm nay.
Trước thềm năm mới 2025 DL, thay mặt toàn thể ban biên tập và trị sự Việt Báo Daily News, chúng tôi xin kính chúc quý độc giả, các thân hữu, văn thi nhạc sĩ, cộng tác viên, quý thân chủ quảng cáo, mạnh thường quân… một năm mới an khang, thịnh vượng.
Trong vở hài kịch “As You Like It,” thi hào và kịch tác gia người Anh William Shakespeare (1564-1616) có một câu thoại nổi tiếng: “Cuộc đời này là một sân khấu, Và tất cả nam nữ đều là diễn viên; Họ xuất hiện và ra đi; Và một đời người đóng nhiều vai, Và tuổi thọ của hắn kéo dài trong một vở kịch bảy màn.” Trong câu thoại ở trên, chúng ta thấy Shakespeare nói đến hai điều liên quan đến thân phận con người: Tất cả mọi người đều là diễn viên trên sâu khấu cuộc đời, và đời người thật ngắn ngủi được ẩn dụ trong một vở kịch kéo dài bảy màn. Là diễn viên trên sân khấu cuộc đời, con người có thể là chủ nhân của những hành vi mà họ thao tác, nhưng cũng có thể con người chỉ diễn xuất theo kịch bản của ai đó soạn ra. Trường hợp đầu thì chính con người là tác nhân của những gì họ diễn xuất. Nói cách khác con người thể hiện vai trò của mình trên sân khấu cuộc đời qua chính những gì họ suy nghĩ, nói và hành động, hay nói theo Đạo Phật là các hành nghiệp.
Bằng tất cả tình yêu dành cho chữ nghĩa, hai tác giả trẻ của tập truyện này đang tự trưởng thành qua từng con chữ. Đó không phải chỉ là hành động viết, mà còn là hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Họ viết để “náu thân” trong một góc nhỏ của cuộc đời, để tìm lại niềm tin và ước mơ, nhưng trên hết là để gìn giữ hình bóng Việt Nam trong lòng mình.
Tại Matter Studio Gallery, bắt đầu ngày 8 tháng 12, 2024 và kéo dài đến hết ngày 5 tháng 1, 2025, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng sẽ trình làng bộ sưu tập tranh mới nhất mang tên Chances Matter. Đây là dịp hiếm hoi để giới mộ điệu nghệ thuật thâm nhập vào một thế giới sáng tạo riêng biệt, nơi nghệ thuật không chỉ là cái đẹp mà còn là câu chuyện của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Dịch thơ, nói theo Bùi Giáng, là “điều khảm kha nhất” và đó phải là thơ hay bởi, trừ những ngoại lệ đặc biệt, chẳng dịch giả nào phí thì giờ với thơ dở. [1] Sự “khảm kha”, như thế, phải thuộc về cái nghệ thuật chuyển đạt, sao cho giữ được hồn cốt làm nên cái hay của bài thơ trong một ngôn ngữ khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.