Hôm nay,  

Sierra

06/08/202211:32:00(Xem: 2184)

Truyện ngắn

sierra 

 

Tên của tôi là Sierra. Mẹ đặt cho tôi như vậy. Tại sao lại là Sierra?

 

Tôi chưa bao giờ gặp mẹ để trả lời câu hỏi của tôi. Bà đã bay xa với ông nha sĩ chữa răng cho bà rồi, lúc tôi mới lên bốn tuổi. Từ lúc đó, cha tôi không bao giờ vui sống, từ mười lăm năm nay, không bao giờ ông hở môi nói điều gì. Trong suốt những năm đó, với một người mẹ là những tấm bưu thiếp và người cha chỉ sử dụng âm thanh để diễn đạt tư tưởng, cuộc sống của tôi không có gì là phấn khởi. Tôi đã mồ côi cha lẫn mẹ khi họ vẫn đang còn hiện diện trên cõi đời này, và tôi cũng không biết gì về thế giới quanh tôi. Tôi cứ kéo lê cuộc sống như thế, ngày qua ngày, cô đơn, xao lãng việc học hành, không bè bạn, không tình yêu. Chỉ có cái tên của tôi cho tôi nhận thức về vũ trụ xung quanh mình.

 

Trí tưởng tượng của tôi hiện ra nào những dãy núi, với đỉnh cao cho vót trên tận mây xanh, những cảnh quan nên thơ trải màu xanh ngọc bích, nào những dòng sông róc rách trong suốt, những hình bóng sặc sỡ sắc màu, tiếng nhạc cuồng nhiệt hay du dương làm đầu óc không còn u tối... Tôi thả hồn mình phiêu lưu đến một nơi chốn xa xăm.

 

Sierra. Bao nhiêu đêm dài không ngủ, tôi tự ru mình bằng cái tên này, khi lắng nghe âm vang như một nguyện ước về một tương lai rực rỡ. Đến năm lên hai mươi tuổi, niềm nguyện ước đã giúp cho tôi còn tồn tại này đã biến thành như một món nợ mà nhân loại phải trả cho tôi , nhưng không ai cáng đáng được. Ta không thể tên là Sierra để ngồi đó nhìn cuộc đời đi qua, không cảm xúc, không rung động. Ta không thể tên Sierra. Thế nhưng đó là cuộc sống của tôi. Không có đỉnh núi cao vời sừng sững, không có sông suối long lanh róc rách, không có điều mỹ quan hay nét đẹp nào dành cho Sierra.

 

Thế rồi tôi từ bỏ tất cả, nào việc học tập không dạy dỗ tôi được điều gì, nào người Cha Thầm Lặng, và tôi ném bỏ hết tất cả những bưu thiếp của bà vợ ông nha sĩ. Tôi đã bay, rồi bay nữa, rồi ngồi trên tàu hỏa, rồi nhiều chuyến tàu hỏa nữa... Tôi thú vị nhắm mắt đưa mình lắc lư theo con tàu, tận hưởng bao nhiêu cảnh quan hùng vĩ, nào màu xanh ngọc bích, xanh mượt mà của những cánh rừng bao la, xanh nhạt của quả hạnh nhân, nào những ngọn núi chót vót như bức tranh vẽ bằng than làm thành móng sắt trên nền trời xanh thẳm. Khi lên đến độ cao vời vợi, tôi ngừng chân bên một ven hồ phủ màu xanh bạc sương giá; nơi đây tôi nghe tâm hồn mình dịu lại. Đêm đó tôi ngủ trong một nhà chứa tàu thuyền, trên mình là tấm chăn được dệt bằng tay tôi mua trên tàu hỏa. Đến sáng, một con thuyền ghé vào, không có ai trên đó ngoài người lái thuyền; ông ta đến giao giỏ cá cho khách sạn duy nhất trong vùng. Sau khi trở về, người đàn ông quàng khăn màu sặc sỡ trên vai đến ngồi xuống cạnh tôi rồi đưa cho tôi một trái bắp nướng; tôi lặng lẽ gặm bắp. Mặt trời chói chang trên đỉnh đầu đang nung đốt vầng trán tôi. Mỗi khi nhìn thấy chú chim nào là là trên mặt hồ, ông ấy lại nêu cho tôi biết tên nó bằng một giọng khàn khàn nhưng êm dịu, và tên mỗi con chim như là một món quà dâng cho tôi. Rồi khi ông ấy đứng lên, lại dang tay mời tôi leo lên thuyền, và chỉ cho tôi xem từ xa kia những hòn đảo nhô lên như những bó hoa xanh mướt khổng lồ.

 

– Pacha Mama, Pacha Mama. Ông ấy vừa lặp đi lặp lại vừa đưa tay cho tôi nắm.

 

Tôi leo lên thuyền, và sau vài tiếng nổ lạch bạch như tiếng hắt hơi ***, thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ như khảm xà cừ. Không lâu sau chúng tôi đến một bãi biển ngập tràn cát trắng bao quanh bởi từng dãy núi đồi, rồi như để tô điểm thêm cho cảnh quang kỳ diệu này, những cành cây bạch đàn khổng lồ nhẹ đong đưa theo làn gió thoảng. Ông ấy đưa tay cho tôi và chúng tôi bước về phía những túp lều vách đất và mái bằng lau sậy. Một đàn trẻ con chạy ùa về phía chúng tôi, trong những chiếc áo ấm đủ màu và đầu đội nón rơm, chúng bao quanh tôi, tay kéo vạt áo tôi, nắm chặt lất tay tôi, vui đùa, miệng thì ríu ra ríu rít.

 

Từ đằng xa, một cô bé đang nhìn chúng tôi nhưng không đến gần. Bọn trẻ con gọi " Soria, Soria", nhưng bé vẫn bất động. Những người phụ nữ chạy đến, và ông ấy vừa nói thật nhanh vừa chỉ trỏ về phía tôi. Họ kéo tôi vào thôn làng thơm mùi lửa đốt bằng củi, mang thức ăn cho tôi và tôi được nếm chén trà có vị chát. Đôi mắt họ ánh lên niềm vui rạng rỡ. Tay họ thì múa may. Tôi trải qua một giấc ngủ thật dài, đến khi thức dậy, thấy bên cạnh mình là một tô đầy bắp ngô, và cô bé Soria không chịu nhập bọn với lũ trẻ lúc chiều đang ngồi nhìn tôi ở chân giường nệm rơm của tôi. Rồi sau đó những người đàn bà mang cho tôi một chiếc váy dài bằng vải bông màu vàng nghệ, một chiếc áo cánh màu sặc sỡ, và đôi dép tết bằng rơm.

 

Cứ thế ngày tháng lặng lẽ trôi qua, cô bé Soria vẫn lẩn quẩn bên tôi. Đám phụ nữ dạy cho tôi làm việc. Đi lấy len thô từ dê cừu, giặt rửa, nhuộm màu, rồi dệt thành cuộn. Họ dạy cho tôi cày cấy, trồng trọt, tưới bón, thu hoạch. Họ còn dạy tôi tự mình nhào bột nướng bánh, nấu rau củ tràn ngập tia nắng mặt trời, được màn đêm thấm đẫm tinh hoa tươi thắm từ lòng đất ."Pacha Mama",  Mẹ Đất . Họ cũng dạy tôi cách câu cá bằng một cây lau bén nhọn. Và họ còn dạy tôi chăm sóc cây cối, dạy thêu may, hát hò. Họ cũng dạy tôi vui cười với những chuyện không đâu, không bao giờ than vãn, khắc phục sự thiếu kiên nhẫn, chế ngự cơn nóng giận, và tất cả những điều có thể xúc phạm đến cuộc sống. Về phần tôi, tôi không hề biếu tặng gì họ ngoài con người của tôi, không phải cái tôi của ngày trước, mà con người của tôi có được ngày hôm nay hoặc đúng hơn là con người đáng lẽ đã được như thế này từ xa xưa lắm rồi. Tôi không còn mồ côi nữa, mà có chị có em, có cha mẹ, và là một người mẹ, và tôi đã tìm được chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Còn Soria thì đã cho tôi sự trìu mến của bé, đi theo từng bước chân của tôi, tết tóc cho tôi , vuốt trán tôi với đôi bàn tay nhỏ bé rám nắng vàng rôm của nó, và thì thầm cho tôi nghe tên của tôi.

 

Về cánh đàn ông thì họ làm cho cuộc sống chúng tôi thăng hoa thêm với nghề câu của họ, họ ra đi từ sáng sớm, thăm dò lòng hồ huyền bí, cho thuyền bè lướt nhẹ trên mặt nước. Họ chỉ mang về những thứ cần thiết cho bữa ăn trong ngày, tận hưởng được phúc lợi từ dòng nước ánh bạc. Sau này tôi mới biết đến Yuma, anh ấy đã quan sát tôi từ nhiều tháng qua. Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, anh ấy đến gần tôi. Và từ đó không bao giờ rời xa tôi nữa. Anh đã cho tôi tình yêu, sự hoà hợp, sự dâng hiến. Anh đã xây một căn nhà cho gia đình chúng tôi bằng đất nung, mái bằng lau sậy, căn nhà rộng vừa đủ cho anh ấy, tôi, và Soria. Anh ấy đã chạm khắc trên một thân cây gỗ xẻ sáu chữ, rồi đem treo lên trên cánh cửa.

 

Khi có khách đến nhà chúng tôi, họ có thể nhìn thấy hàng chữ như là một câu thần chú làm nguyện ước cho một tương lai sáng lạng: SIERRA.

 

-- Constance Delange
(TháiLan dịch)

Phụ chú:

 

Hồ Titicaca là hồ cao nhất thế giới có thể đi thuyền được, ở độ cao 3,812 m (12,507 feet) trên mực nước biển. Tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes trên biên giới của Peru và Bolivia. Cư dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng săn bắt nghề đánh bắt cá và hái lượm. Những ngôi nhà được làm bằng cây lau sậy nổi trên mặt nước của bộ lạc Unos.

 

Tác giả đã viếng hồ Titicaca và cảm tác đoạn văn trên.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chị Hương đẹp lắm! Một vẻ đẹp đài các sang trọng của một Giai nhân xứ Huế. Dáng người dong dỏng cao, thanh thoát, nước da trắng hồng, mái tóc óng mượt buông lơi xõa sau bờ vai tròn. Đặc biệt chị có đôi mắt đẹp và yên bình như mặt nước hồ thu...
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày.
Trại Sikiew, đêm văn nghệ mừng Năm Mới diễn ra trên Bãi Đá năm ấy có vài giọng ca gây bất ngờ. Đầu tiên phải kể đến Vân Đại Bàng với bài hát Đường Xưa Lối Cũ hay thần sầu, bà con vỗ tay rần rần...
Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu...
Tôi dần dà để ý đến một cặp vợ chồng Á Châu. Không hiểu tại sao, tôi đoan chắc họ là vợ chồng, chứ không thể là tình nhân, hay hàng xóm. Họ đến mua hàng hầu như mỗi ngày ở siêu thị tôi đang làm việc...
Hai bài thơ của Trần Hạ Vi...
Cuối đời Đông Hán nước Tàu, tại quận Cự Lộc có nhà cự phú họ Trương sinh được ba anh em là Trương Giốc, Trương Bảo, Trương Lương. Khi ông bà Trương mất thì Bảo và Lương hãy còn nhỏ, Trương Giốc thay quyền cha mẹ nuôi dạy hai em...
Tuy Hòa, nơi tôi ở cách nay gần bẩy chục năm, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Chắc bạn đọc nghĩ là tôi đang ở Hà Nội, hay Sài Gòn. Không. Chúng tôi đang du lịch châu Âu. Chuyến nghỉ hè năm nay, cùng với đôi bạn từ Quận Cam, tưởng đã không thành vì Delta Airlines huỷ chuyến bay vào giờ chót, sau khi đã có thẻ lên tầu. Lên mạng tìm vé khác và bên Turkish Airlines còn chỗ để đưa chúng tôi đến Barcelona, Tây Ban Nha là thành phố đầu tiên của chuyến du lịch...
Buổi sáng bến xe Tây Ninh đông đúc và ồn ào. Tiếng rao hàng của đám bán hàng rong vang lên inh ỏi, từ bán bánh mì, bán nước trà đá, nước ngọt bỏ bao, đến bọn người bán sách báo dạo, cứ gặp ai cũng chìa hàng đến trước mặt, giọng mời gọi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.