Hôm nay,  

Chửi tục

14/06/202221:21:00(Xem: 3139)

Tạp ghi

chui-nhau

Nhân một người bạn viết thư cho tôi than vãn là anh ta muốn “chửi tục” khi nghe một người bạn khác ba hoa, khoác lác thái quá trong lúc trà dư tửu hậu đêm qua. Tôi chỉ xin được góp ý với các bạn đôi ba lời về chửi, chứ không dính dáng gì tới cá nhân người khoác lác ấy cả.

 

Chửi thì xảy ra ở khắp mọi nơi. Nơi đâu có loài người thì nơi đó có chửi. Tôi đoán thế. Chửi phải được coi là một phần văn hóa của nhân loại. Sự đóng góp của mỗi dân tộc vào cái kho tàng chửi quí báu ấy, ít hay nhiều, tùy thuộc vào văn hóa riêng của từng nước. Con người càng văn minh thì sự suy nghĩ càng tinh vi, kéo theo nền văn hóa càng được nâng cao, do đó kho tàng chửi của nhân loại càng trở nên sống động và rực rỡ, muôn mầu muôn vẻ, lấp lánh như sao trời.

 

Kho tàng chửi của dân ta thì phong phú lắm, phong phú ngang ngửa với kho tàng cười và cũng ngang ngửa với kho tàng của những lời yêu thương được gửi đến cho nhau.

 

Chửi là để diễn tả hay truyền đạt đến cho một người hay một nhóm người hay cho chính mình sự hỉ, nộ, ái, ố lên đến cao độ. Sự truyền đạt ấy được gửi đi một cách nhất thời hay lâu dài tùy theo tình huống và đối tượng được/bị nghe chửi. Trong đó cách diễn tảcường độ chửi giữ một vai trò rất quan trọng, quan trọng như một diễn viên sân khấu vậy. Nó còn đòi hỏi người chửi phải biết  linh động, thông minh, đầy óc sáng tạo để thích ứng với sự biến đổi của vai trò, hầu đối tượng nghe chửi phải đạt tới cái cảm xúc tận cùng mà người chửi mong muốn.

 

Chửi có loại chửi thanh và loại chửi tục. Có trường hợp câu chửi có vẻ thanh tao mà ý tục, tức chửi văn hoa, ngược lại, không hề có chuyện chửi tục mà lại có ý nghĩa thanh tao bao giờ. Chửi cũng còn tùy thuộc từng vùng. Có vùng nghe chửi, đến mấy ngày sau mới biết mình bị chửi. Có vùng thì huỵch toẹt hơn, vừa mở mồm chửi là người nghe chửi hiểu được liền.

 

Ngày xưa các cụ có câu “miếng trầu mở đầu câu chuyện”, nhưng bây giờ ở một vài nơi trên đất nước ta, áp dụng cho một số người, người ta mở đầu câu chuyện phải bằng tiếng chửi mặn mà, cũng chát như cau, cay như lá trầu không và nồng như vôi vậy. Họ không chửi thì không nói được nên lời. Ta cứ bắt họ không được chửi trong câu nói, dù là câu nói rất bình thường, họ sẽ trở nên câm ngay, có cố gắng lắm thì cũng chỉ thành người nói ngọng hay nói lắp. Thế mới biết chửi nó quan trọng trong đời sống như thế nàọ. Không thể thiếu được.

 

Các bạn muốn nghe và học chửi thì tôi đề nghị tốt nhất là nên về miền Bắc nước ta thụ huấn vài khóa miễn phí, được tổ chức ngay trên đường phố, trong chợ hay trong những cửa tiệm. Giảng viên thì thuộc đủ mọi thành phần, giới tính và đủ mọi lứa tuổi. Tại sao tôi lại nói miền Bắc vì đó là cái nôi của chửi, có từ thuở lập quốc. Chửi   được thăng tiến song song với văn hóa dân tộc và bành trướng ảnh hưởng xuống tận cùng phía Nam theo bước chân Nam tiến của tiền nhân. Đã học thì phải học cái chính thống, không bị pha trộn bởi những văn hóa chửi khác như của Chiêm Thành hay Chân Lạp. Các bạn đồng ý với tôi chứ?

Anh bạn của tôi chỉ khoanh vùng trong vấn đề chửi tục không thôi, nên tôi chỉ xin có vài hàng ngắn gọn trong phạm vi này. Trong “chửi tục” thì đa phần lại liên quan đến “sex”, do đó những tiếng chửi tục tôi không tiện liệt kê ra đây vì nó tục hay quá tục và cũng vì nó quá nhiều. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài cảm nghĩ nho nhỏ mà thôi chứ không bàn luận về nó.

 

Ta cứ nghe các cụ chửi nhau, ta thấy họ cứ như đang hăng say chia sẻ hay dạy dỗ cho nhau về sex vậy. Các cụ đem ra từ những chi tiết nho nhỏ đến những điều to lớn hãi hùng. Chửi bằng mồm chưa đủ, các cụ còn diễn tả cả bằng tay chân lẫn thân thể nữa. Sợ đối phương chậm hiểu, các cụ chỉ chỗ này vỗ chỗ kia, vén chỗ thấp lại tốc chỗ cao, ưỡn sang bên phải, hẩy sang bên trái nhịp nhàng như múa. Có lúc các cụ hăng say, đỏ mặt tía tai, nhẩy nhót, gào thét như trong cơn mê sảng. Mê sảng như chính các cụ đang thực hiện hay như muốn chứng minh những điều đang được đem ra để chửi. Quả thật nếu các cụ không diễn tả bằng động tác thì đối phương làm sao hiểu thấu được cái ý nghĩa sâu xa và hình ảnh sống động của những câu chửi bóng bẩy như “cứ nhấp nha nhấp nhổm như gái ngồi phải cọc”.

 

Nhưng không phải người chửi lúc nào cũng hăng say như thế đâu. Có khi chửi cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ như người tâm sự đấy. Những cuộc chửi như thế này đỡ tốn sức nên thời gian chửi cứ kéo dài ra cho đến vô tận. Người chửi vẫn có thể ngồi nói chuyện thanh tao với người ngồi bên tay phải mà vẫn chửi tục với bà ngồi bên tay trái. Không ai thấy thắc mắc và lạ lùng về những điều trái ngược ấy. Thanh tục được thể hiện một cách đề huề trong cùng một lúc, như một diễn viên có khả năng diễn xuất để cùng một lúc làm cho hai người ngồi nghe, một khóc một cười. Cụ có thể nghỉ ngơi, đi chơi đâu một lúc hay làm việc gì, chút nữa trở về cụ lại rỉ rả chửi tiếp, không vội vàng hấp tấp, chửi để mà chửi chẳng khác gì các vị Thiền sư đi thiền hành, đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới. Chửi không phải để chửi, ấy mới là chửi cao cấp vậy.

 

Các cụ dùng chửi để truyền bá sex một cách vô tội vạ và vung tí mẹt. Có cái hay là sự truyền giảng của các cụ về sex lại vô cùng hợp pháphợp luân lý trong một xã hội chịu ảnh hưởng sâu xa đạo lý Khổng Mạnh. Những sự truyền giảng ấy thật bình thường và tự nhiên đến độ chẳng ai còn coi đó là câu chửi tục nữa, dù cả ở nơi công cộng.

 

Ngẫm nghĩ lại thấy các cụ nhà mình văn minh hơn đám Tây phương này thật. Người Tây phương mới biết đem sex vào giảng dạy trong sách vở, trong hội thảo hay trong học đường dành cho những lớp học sinh đã đến tuổi hiểu biết. Thế mà họ đã tưởng là họ đang làm một cuộc cách mạng thế giới đấy. Họ có ngờ đâu, có một dân tộc xa xăm kia, đã biết giảng dạy về sex giữa nơi công cộng, trong làng ngoài ngõ cùng nghe, già cũng nghe mà trẻ con cũng nghe. Đó là những bài CHỬI TỤC.

 

Muốn được nghe chửi tục, ôi thật dễ làm sao. Ta chỉ cần ăn cắp con gà của bà hàng xóm. Bà ấy sẽ chửi tục cho nghe từ sáng đến chiều để tha hồ mà nghe, mà thưởng thức, mà học hỏi về những điều ta chưa từng được nghe, chưa từng được thấy và chưa từng được áp dụng bao giờ. Ôi quý báu làm sao! Và cũng để tiện việc đôi bề, nhất cử lưỡng tiện, ta có thể vừa ngồi ăn con gà ăn cắp vừa học. Học lý thuyết thôi đấy nhé, ta không thể vừa ăn gà mà lại vừa thực hành được, hóc chết. Chắc ai cũng biết câu “hóc xương gà, sa cành khế” chứ? Hóc gì thì hóc, đừng có hóc xương gà.

 

Này các bạn ơi! Bạn có giỏi thì sang vỗ nhẹ vào vai bà hàng xóm mách là “ông hàng xóm nhà bên cạnh” ăn cắp gà đấy. Bà ấy sẽ không những dạy dỗ người còn sống mà bà ấy còn dựng dậy luôn cả những người đã chết liên hệ đến gia phả nhà ông này mà đem ra dạy dỗ luôn. Bạn thấy tôi khôn không. Bạn phải trả tiền đấy nhé chứ không dạy “free” như bà hàng xóm đâu đấy.

 

Nói cho cùng, biết bao nhiêu điều chúng ta muốn chửi, nhưng nghĩ lại, những tiếng chửi kể cả tiếng chửi tục sao nó trong sáng quá và lung linh như những ánh sao trời, nên thôi. Phí! (Cười).

 

TÁI BÚT. Chắc các bạn thắc mắc tại sao tôi chỉ nói đến các cụ thôi. Thú thật với các bạn, các cụ đây không có nghĩa là già, là các vị cao niên, là nói đến tuổi tác đâu. Tôi gọi người chửi là các cụ vì lòng tôn vinh các vị chửi đó thôi. Đáng lẽ chữ các cụ ở đây phải được viết hoa như chữ “Người” nữa cơ đấy vì tôi sợ bị chửi, nhất là chửi tục.

 

Nguyễn Giụ Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ba chị em Tabi, Betsy và Holden tung tăng trong chợ Target, hôm nay chúng theo bố mẹ đi chọn mua đồ cho ngày khai trường vào ngày 24 tháng tám sắp tới. Chợ nào cũng “Back to School Sale” đua nhau giảm gía nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho học sinh. Ba chị em vui thích lắm...
Chị Thiên Kim sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa, đường Phạn Bội Châu, Huế (nay là đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường...
Sáng sớm, vừa mở di động vào messenger gặp ngay tin nhắn của Duyên. Sững người. Rồi cười. Sao thế nhỉ? Sao con bé lại hỏi câu ấy nhỉ? Đang định nhắn “Sao em biết?” thì giật mình, xóa chữ đi lùi, sửa lại...
Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy Hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền...
Tôi và Hùng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội, chúng tôi quyết định xa nhau. Khuôn mặt cương nghị tuấn tú của chàng với nụ cười ngạo nghễ luôn luôn ám ảnh tôi...
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Thơ của ba nhà thơ: Nguyễn-hoà-Trước, Trần Hạ Vi, Trần Yên Hòa...
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
Chị Hương đẹp lắm! Một vẻ đẹp đài các sang trọng của một Giai nhân xứ Huế. Dáng người dong dỏng cao, thanh thoát, nước da trắng hồng, mái tóc óng mượt buông lơi xõa sau bờ vai tròn. Đặc biệt chị có đôi mắt đẹp và yên bình như mặt nước hồ thu...
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.