Hôm nay,  

Tìm lại chút hương xưa

24/03/202209:07:00(Xem: 2021)

Tùy bút

huongxua
Chẳng ngửi được mùi gì cả! (Ảnh vui minh họa)


 

Một buổi sáng Chủ Nhật, thức giấc, tôi tự pha cho mình ly cà phê phin thật đặc theo thói quen, thêm 1 chút sữa, rồi ngồi vào bàn thưởng thức ly cà phê đầu ngày trong khi mắt lướt qua email trên máy điện toán để bàn. Hớp một ngụm đầu tiên, trán hơi nhăn lại một chút, tôi nhìn chăm chăm vào tách cà phê như tìm kiếm một cái gì đó. Quái lạ, cà phê bữa nay sao nhạt nhẽo, chẳng có mùi vị gì. Có lẽ do tôi không nén chặt phin như mọi khi nên nước cà phê chảy quá nhanh không chiết xuất được hết tinh túy bột cà phê.

 

Sau đó, tôi bước ra vườn sau, đón những tia nắng mặt trời ấm áp buổi sáng, nhìn những cây cam, bưởi, và chanh đang nở rộ những nụ hoa trắng tinh khiết xen lẫn nhiều nụ còn chưa kịp nở. Vài con ong đang mải mê hút mật trong khi mấy con khác lượn lờ từ nụ hoa này qua nụ hoa khác. Tôi rất thích mùi hoa cam, hoa bưởi, hoa chanh vì hương thơm của chúng rất nhẹ nhàng, không ngào ngạt mà thoang thoảng trong nắng sớm mai. Mỗi đầu Xuân, trong những ngày hoa đang nở, tôi luôn ra vườn sau để tận hưởng không khí trong lành và hương hoa nhẹ nhàng tỏa lan trrong không gian.

 

Tôi hít một hơi thật sâu cho tư tưởng mình đi theo luồng khí đượm mùi hoa cam chậm rãi len lỏi tràn vào đầy buồng phổi. Lạ quá, tôi cũng chẳng ngửi được một chút gì của hương hoa cam và hình như không khí cũng không còn trong lành như xưa. Tôi tự nhủ chắc năm nay thời tiết thay đổi, nóng lạnh bất thường nên hoa không thơm, không khí không còn tinh khiết nữa. Tôi đến gần những nụ hoa đang nở rộ, kề mũi vào hít thật sâu. Cũng chẳng cảm nhận được mùi hoa cam. Tôi thử đi thử lại mấy cây chanh và cây bưởi, kết quả đều như nhau, không có một chút hương thơm.

Chán quá, tôi tiếp tục làm cỏ vườn và đi thơ thẩn ngắm mấy bụi hồng và bón thêm phân cho giây bầu mới ngấp nghé leo lên giàn, thì có tiếng bà xã kêu vô ăn phở. Tôi rửa tay, ngồi vào bàn để tận hưởng tô phở ngon lành, ngào ngạt hương thơm mà vợ tôi đã cất công hầm xương từ tối hôm qua, rồi nêm nếm, cho thêm đủ loại gia vị vào trong nồi phở. Vừa đặt tô phở nóng hổi xuống bàn ăn, khói còn bốc lên nghi ngút, vợ tôi hỏi:

 

– Phở hôm nay em nấu đặc biệt lắm, anh có nghe mùi thơm không?

 

Tôi lưỡng lự, nhưng không muốn nói dối:

 

– Anh không ngửi thấy mùi gì hết.

 

Tôi vẫn tiếp tục ăn và tận hưởng món phở ruột mà vợ tôi luôn tự hào vì ai ăn cũng phải khen. Vợ tôi tiếp tục hỏi:

 

– Phở có mặn lắm không anh?

 

Tôi lại do dự và chợt ý thức rằng hôm nay sao mình ăn mà chẳng biết mặn hay nhạt, cũng chẳng ngửi được mùi gừng nướng và mùi hồi như mọi khi. Tôi cố tình đưa muỗng nước lèo lên miệng, mắt lim dim, nếm và chắp chắp trên đầu lưỡi ra vẻ tập trung ghê gớm, cố gắng nếm coi hôm nay phở ra sao. Lạ quá, nước phở bữa nay không mặn mà cũng chẳng nhạt. Tôi lúng búng trong miệng:

 

– Anh không chắc lắm.

 

Bả nguýt tôi một cái dài bằng từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, vẻ không vui, rồi bỏ đi. Tôi ngồi thừ ra, cố ăn cho hết tô phở, vừa ăn vừa thắc mắc sao hôm nay mồm miệng mình lạt lẽo hay sao đó, ăn phở mà không thấy ngon như mọi khi. Hay mình bị cảm? Ngẫm nghĩ mãi chợt cục “ngu” vỡ ra, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: Ô Mai Gót. Ô-Mai-Kron! Oh my God. Omicron! Không lẽ mình bị hậu chấn Covid. Hôm Tết Tây, cả nhà tôi bị Omicron, ai nấy chỉ ho nhẹ và người hầm hập nóng, uống vài viên thuốc cảm, thuốc ho, nghỉ ngơi rồi hết. Không lẽ tôi bị chứng mất khướu giác và vị giác vì con cúm nước lạ. Nó từ từ và lặng lẽ chiếm đất dành dân theo kiểu Việt cộng ngày xưa mà tôi không hay biết cho đến hôm nay.

 

Nóng lòng và muốn chắc ăn, tôi toan chạy vào phòng tắm để thử liền, nhưng nhìn tô phở trên bàn, dù không còn biết ngon lành là gì nữa, tôi vẫn phải thanh toán cho hết sạch, nếu bỏ mứa, mai mốt đừng hòng có mà ăn. Tôi kiên nhẫn, tận tình, và xì xụp húp cạn tô phở cho đến giọt nước lèo cuối cùng. Xúc miệng và đánh răng cho thật sạch cho hơi thở thơm tho, tôi lấy chai nước hoa Versace ra, xịt lên mu bàn tay, kề mũi, hít một hơi thật sâu mà chẳng chẳng thấy thơm chút nào. Tôi xịt thẳng vào mũi, cũng vẫn trơ như núi, chẳng mùi mẽ gì. Chưa bằng lòng, tôi ra bếp, mở hộp mắm tôm, cũng kề mũi thật gần, cũng hít một hơi dài và sâu, đưa khí đến tận đơn điền, giữ lại trong phổi hương vị đậm đà khó quên của quê hương, rồi từ từ thở ra bằng miệng theo đúng bài bản của con nhà võ. Thông thường mở hộp mắm tôm là tôi nhăn mũi, hôm nay thì không ăn thua gì. Hai mùi mạnh và nặng nhất trong nhà mà tôi có thể tìm được vẫn không làm mặt tôi đổi sắc, vẫn “miễn nhiễm” với chúng thì đúng là tôi bị Omicron đánh cho một chưởng nặng ngàn cân trúng ngay yếu huyệt làm tê liệt “công phu” ngửi và nếm tôi đã sẵn có từ lúc mới chào đời.

 

Trên trái đất này, từ thuở hồng hoang, khi Thượng Đế tạo dựng nên con người với 5 giác quan đầy đủ để có thể tự kiếm sống bằng nghề săn bắn và hái lượm. Tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, lưỡi nếm, và cảm giác của da thịt mới có thể sống còn giữa thiên nhiên hoang dã. Ngày nay dù khoa học tiến bộ vượt bực, con người đã bay vào không gian, nhưng họ vẫn luôn cần ngũ quan tối quan trọng này để tận hưởng cuộc sống và làm việc. Thiếu nó, quả địa cầu không có ánh sáng và bóng tối, toàn bộ con người sẽ bị xóa sổ.

 

Năm giác quan này giúp con người biết và cảm nhận được sự việc đang xảy ra chung quanh mình. Bộ óc là bộ chỉ huy, khi nhận và phân tích được tín hiệu từ 5 cơ quan này, hai bên nói chuyện với nhau, bộ óc bèn truyền lệnh xuống nói “thơm” thì ta ngửi được mùi thơm, nói “đau” thì ta cảm nhận được đau đớn, nói lệnh gì thì cơ thể ta nhận được cảm giác đó.

 

Tôi thoáng nghĩ, nếu như cho tôi có sự lựa chọn, thà cho tôi mất thính giác thì đỡ hơn. Hiện tại tôi hay bị ù tai, âm thanh như ve kêu với âm vực cao trong tai khiến tôi gần như không nghe thấy gì khác. Năm ngoái, khi đi công tác ở Iraq, bọn khủng bố bắn vào trại lính nơi tôi làm việc, 4 trái pháo nổ cách chỗ tôi làm việc khoảng 60 feet, trúng vào hangar nơi chứa máy bay. Tai ù đi và hơi choáng váng, nhưng chúng tôi vẫn phải chạy vào bunker để trú ẩn. Hiện giờ tiếng kêu re re vẫn thỉnh thoảng vang rền trong hai tai, khiến tôi không còn nghe rõ như trước. Dầu sao bị điếc cũng có cái lợi, khi không muốn nghe vợ cằn nhằn thì chứng bệnh ù tai lại là là môn “võ công” thượng thừa nhất không do luyện tập mà có. Bất chiến tự nhiên thành.

 

Mắt thì lão hóa theo thời gian với tuổi tác nhưng chúng ta còn có nền y khoa hiện đại giúp đỡ như Lasik, mổ cườm mắt, hoặc đeo kính giúp con người vẫn có thể nhìn thấy. Bản thân tôi đã đi Lasik và hiện nay không cần đeo kính khi lái xe, chỉ đôi khi nhìn vật gì quá nhỏ, thì cần đến kính lão coi cho rõ.

 

Thế mà giờ đây, tôi mất đi khứu giác và vị giác, nghĩa là tôi chẳng ngửi được mùi hương của hoa, của ly cà phê, của người đẹp sức nước hoa Baccarat đắt tiền bước ngang qua; tôi cũng chẳng nếm được thức ăn ngon, mất đi cái sung sướng thưởng thức món sơn hào hải vị trong nhà hàng. Tôi choáng váng như vừa mất đi một khả năng quý báu trong cuộc đời, vì trong việc ăn uống, hai giác quan này thường đi đôi với và bổ túc cho nhau. Khi bạn nhai đồ ăn, mùi vị thức ăn đi vào đằng sau mũi, vị giác sẽ báo cho não của bạn món ăn đó ngọt, mặn, đắng hay chua. Nếu bạn thử ăn mà bịt mũi lại, thức ăn sẽ không ngon lành gì vì đã mất mùi và vị của nó.

 

Muốn thưởng thức một ly rượu vang ngon như một người sành điệu, mũi phải ngửi được mùi hương thơm của rượu, lưỡi phải nếm được cái vị tinh túy của trái nho được nghiền nát, cho lên men và được chưng cất đến một tầm mức chuyên nghiệp của người làm rượu nho. Tôi hoang mang mất mấy ngày nhưng vẫn không cho vợ tôi biết. Tôi lên trang mạng webmd.com tìm hiểu về căn bệnh này, biết nó được chia ra làm 3 loại mất mùi, có thể bị tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguyên nhân do có thể do bị nhiễm trùng đường hô hấp, bị tai nạn, hay bị cảm lạnh, dị ứng và tuổi tác gây ra làm thần kinh không còn nhận được tín hiệu từ các giác quan. Mới mấy năm nay, căn bệnh thế kỷ Covid-19 là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh mất mùi vị này. Căn bệnh được chia ra 3 loại như sau:

 

1. Anosmia: Total loss of smell: Hoàn toàn không ngửi được bất cứ mùi gì.

2. Dysosmia: Distorted sense of smell: Ngửi được nhưng biến thành mùi khác.

3. Hyposmia: Reduced ability to smell: Mất một phần khả năng ngửi mùi như xưa.

 

Nếu đi bác sĩ chuyên khoa thì có hy vọng được chữa khỏi và cũng tùy theo thể tạng của mỗi người và tùy theo nếu người đó bị nặng hay nhẹ. Nếu nặng thì vĩnh viễn không mong gì mùi vị sẽ trở lại. Thông thường bác sĩ sẽ chụp hình CT-Scan, MRI, X-Ray hay tiến hành soi mũi bằng một ống nhỏ có gắn camera (Nasal Endoscopy) đưa sâu vào trong mũi quan sát coi có bị cục bướu nào làm tắc đường hô hấp hay không. Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một cuộc thử nghiệm gọi là “Smell Test”. Sau đó, họ mới đề ra phương pháp tập luyện (therapy) phải theo để kích thích lại các dây thần kinh liên hệ đến 2 giác quan này. Nếu có bảo hiểm sức khỏe tốt thì vẫn phải trả cỡ 20% tổng số tiền, còn bảo hiểm rẻ tiền hay không có, sau khi khám xong, bạn sẽ mang thêm bệnh “viêm màng túi” vào thân, vì nó quá đắt.

 

Thông thường người bệnh mất mùi sẽ từ từ được phục hồi, có người chỉ mất vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng. Có người mất vĩnh viễn vì cơ thể mỗi người khác nhau và tùy theo bị bệnh nặng hay nhẹ. Khổ một điều là con Cúm Omicron này là cháu 3 đời của con Covid gốc nước lạ, nó biết xài Tịch Tà Kiếm Pháp giáng liên tiếp lên đầu nạn nhân mà võ công của bạn thuộc loại cắc ké, tép riu thì kể như tàn một đời trai.

 

Phần chữa trị thì họ không nói nhiều vì đây là nghề kiếm tiền của bác sĩ, nhưng tôi tìm kiếm ra những liệu pháp để tự chữa tại nhà như dùng máy Sinus Inhaler loại cầm tay để xông hơi vào mũi, giống như người Việt mình xông hơi, cộng với uống thêm thuốc bổ sung như vitamins đặc biệt ít được biết trên thị trường. Tôi còn uống nước chanh và nước bưởi không pha nước lạnh, không thêm đường, chua đến rùng cả mình, chua đến toát mồ hôi hột, mong kích thích lại vị giác của mình. Thấy có thuyên giảm chút ít, rất ít, nhưng chưa lấy lại được hết mùi vị ngày xưa.

Con Omicron này tuy yếu nhưng di hại không phải là nhỏ: Ngoài việc mất hai giác quan nếm và ngửi, trí nhớ tôi cũng giảm đáng kể. Ví dụ như tôi hay có thói quen mở máy tính ra và làm hai việc cùng một lúc, nhưng bây giờ tôi không thể nào tập trung được như trước. Một hôm tôi ra bank ngồi nói chuyện với cô nhân viên, tôi muốn hỏi về việc có thể chuyển tiền quốc tế bằng cái App Zelle hay không. Tôi ngồi lặng đi hơn 1 phút mà không thể nhớ ra tên cái tên Zelle của phương pháp này mà tôi vẫn dùng hàng ngày trong nước, tôi phải xin lỗi, chuyển qua đề tài khác, đến cuối buổi nói chuyện mới có thể nhớ ra tên của nó là Zelle. Nhìn lại những hình ảnh cũ, kỷ niệm cũ, bây giờ tôi không còn nhớ ngày tháng và tên người nữa, dù cố tập trung cỡ nào cũng vô ích. Có khi đến hôm sau, thì nhớ lại được.

 

Hy vọng mãnh liệt được trở lại bình thường như ngày trước, từ một người lười biếng thể dục, tôi vừa đi vừa chạy và vừa tập thở sâu, mỗi ngày tôi đi, chạy trung bình là 5 dặm. Tôi tập 7 ngày một tuần, siêng năng cần mẫn mà vẫn chưa thấy có gì khả quan. Tôi tin Covid hại phổi là chính nên tôi tập thở cho lá phổi có khả năng đàn hồi và bơm oxygen mạnh mẽ đi nuôi các cơ quan khác. Tôi cảm nhận được mình khỏe hơn trước nhưng mùi và vị vẫn chưa trở lại.

 

Cứ nghĩ vợ chồng sống với nhau đã mấy mươi năm, lia thia quen chậu, vợ chồng đã quen hơi của nhau. Khi nàng xức nước hoa đi “giữa đám đông xa lạ”, tôi dù nhắm mắt vẫn có thể ngửi được vợ mình từ xa; từ nay chắc hết rồi cảnh âu yếm hôn lên mái tóc huyền của vợ vì mùi hương tóc mây quyến rũ của ngày xưa đâu còn nữa. Ngược lại, nếu nạn nhân là phụ nữ, chẳng còn được ngửi lại mùi mồ hôi của chồng mình, thì hương vị của tình yêu chỉ còn là con số không, thật tẻ nhạt và buồn đến chết được.

 

Một hôm, tôi với lấy bình sữa trong tủ lạnh ra đổ vào chén cereal mà không để ý ngày hết hạn, ai ngờ sữa thiu, tôi bị Tào Tháo ruợt chạy vắt giò lên cổ, may là không bị ngộ độc thực phẩm. Bình thường nếu sữa thiu, tôi có thể ngửi được mùi chua, hôm đó mũi bị “điếc” nên sữa không có mùi. Bà xã kho cá thơm phức, tôi cũng không ngửi được mùi gì. Nói dại, nếu đang nằm ngủ mà nhà cháy mà tôi không ngửi được mùi gỗ cháy, thì lửa nóng đến đít mới nhảy thì thật là chết người.

Cuối cùng tôi cũng nói cho vợ tôi hay chứng bệnh của mình, nhưng theo thói quen, trong mỗi bữa ăn, bả hay hỏi tôi có thích món này món kia không. Tôi đau khổ trả lời anh có biết ngon là gì đâu mà nói. Tôi uống ly nước cam cũng chẳng còn biết mùi vị của trái cam, nhìn nước màu vàng và chai đựng thì biết mình đang uống nước cam. Nếu bị bịt mắt và đưa cho ly nước cam uống, hỏi nước gì, tôi cũng xin thua. Tôi ăn ớt không còn biết cay như trước cho đến khi độ cay quá mức chịu đựng, tôi ho sặc sụa, mặt đỏ ké, môi tê rần mới hay tại mình ăn nhiều ớt cay mà mình không nếm được.

 

Đi ăn nhà hàng đối với tôi bây giờ không còn là một niềm vui thú nữa. Món ăn ngon cỡ nào cũng trở thành vô vị với tôi. Tôi ăn Mì Quảng, Hủ Tíu, hay Bún Riêu đều như nhau, cũng giống như ăn một món ăn có nước lèo trộn với mì, không hơn không kém. Nem công, chả phượng, râu rồng nếu có dâng lên tận miệng, tôi cũng chằng thiết tha. Giờ tôi mới thấm thía triết lý cuộc đời là khi mình không khỏe mạnh thì mọi thú vui, hưởng thụ cũng bằng không. Đấng quân vương không ngửi được mùi thức ăn còn thua anh lính hầu vì anh ta còn biết thưởng thức món mắm chưng đơn sơ, rẻ tiền mà đậm đà vợ nấu; ông tỷ phú, tiền bạc dư dả, nhà cửa sang trọng, cần gì có nấy, nhưng không ngửi và nếm được món cao lương mỹ vị thì cuộc đời còn gì đáng sống? 

 

Đến nay tôi đã mất mùi vị đã 3 tháng rồi mà vẫn chưa nếm được thức ăn hay ngửi được mùi như một người bình thường. Ngày trước, lúc chưa đánh mất hai giác quan này, tôi chẳng nghĩ ngợi hay biết ơn nó chút nào cho đến khi mất rồi, mới thấm thía và nhận ra rằng, chất lượng cuộc sống của tôi giảm xuống còn phân nửa. Giờ tôi ăn để sống chứ không còn ăn để thưởng thức; tôi không còn thấy sảng khoái khi hít đầy buồng phổi làn không khí trong lành pha chút hương hoa của buổi sớm mai, không còn biết tận hưởng cảm giác lâng lâng vui thích khi ngắm một bông hoa thơm muôn sắc màu. Tôi nhận ra hoa có sắc nhưng không có hương thì không còn là đóa hoa đẹp mà tôi từng say mê nhìn ngắm ngày trước.

 

Nếu được yêu cầu một lời khuyên, tôi chỉ khuyên bạn nên đánh dấu, dán nhãn chữ to, ghi ngày hết hạn bên ngoài những hộp thực phẩm, những chai thuốc tẩy rửa có hóa chất, nhất là mấy chai thuốc trừ sâu rầy kẻo… uống nhầm vì không ngửi được mùi hôi. Nên gắn hệ thống báo khói, Smoke Alarm hoặc báo lửa, Fire Detector trong nhà và trong phòng ngủ cho chắc ăn. Không nên ăn thức ăn dư từ ngày hôm trước. Một điều tối quan trọng nữa, bạn nên tắm rửa và thay quần áo thường xuyên hơn vì bạn không ngửi được mùi hôi của mình, nhưng người kế bên thì biết và ngửi được đấy. Nếu cần, nên chịu khó xài nước hoa nhiều hơn trước đề phòng bà hàng xóm nằm chung giường khỏi bị khó chịu, kẻo bị mời ra sofa nằm thì đời còn chán hơn nhiều.

 

Tôi mơ một sớm mai thức giấc, bước vào phòng vệ sinh, đóng cửa lại, ngồi xuống, nhẹ nhàng “trút bầu tâm sự”, bỗng hai lỗ mũi mở ra, ngửi lại được “mùi khó chịu” của chính mình thì ngày ấy sẽ là đáng ghi nhớ nhất trên đời. Tôi sẽ không ngần ngại, hét toáng lên 3 lần “Eureka”, (tôi đã tìm thấy), tiếng kêu của nhà bác học Archimedes khi ông khám phá ra định đề lực nâng của nước. Bạn thân mến ơi, nếu hôm nay bạn còn thấy, nghe, ngửi, nếm, và cảm giác được, xin bạn hãy trân trọng và cám ơn Thượng Đế, cám ơn người, cám ơn đời, cám ơn Mẹ Thiên Nhiên về tất cả những gì hiện hữu chung quanh mà chúng ta vẫn còn đang cảm nhận được, tận hưởng được qua 5 giác quan, kẻo khi chúng ta mất rồi, giống như tôi, lúc đó tiếc nuối cũng chẳng làm gì được. Trong niềm hy vọng mãnh liệt mỗi ngày, tôi vẫn đang miệt mài đi tìm lại chút hương xưa.  

 

– Nguyễn Văn Tới

(3/ 2022)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.