Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 13)

04/05/200600:00:00(Xem: 2652)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

*

 

(Tiếp theo...)

 

Trong lòng tôi lúc đó, tôi thầm cảm ơn nhà văn Kim Dung vô cùng. Đúng ra thì không phải chỉ có lúc đó, mà ngay từ những giờ phút đầu tiên, khi tôi chúi mũi đọc truyện Cô Gái Đồ Long trong Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương, tôi đã bị nhà văn Kim Dung chinh phục hoàn toàn, từ thể xác đến tâm hồn. Và chỉ nguyên những trang truyện của Kim Dung lúc đó thôi, đã khiến tôi yêu thương vô cùng cuộc sống của Miền Nam Tự Do. Tôi thấy tất cả những khốn khổ của cuộc đời tôi, những nguy hiểm tôi đã trải qua trên con đường về với Tự Do, quả thật không hề uổng phí. Trong những năm tháng sau này được sống ở Miền Nam Tự Do, tuy ngắn ngủi có hơn 3 năm trời, nhưng tôi thấy mình chìm ngập trong hạnh phúc. Tôi nhớ ngày đó, tôi được Đại Uý Hiệu bên Đài VOA (bên Cư Xá Thành Tín, đường Hồng Thập Tự) làm giúp cho cái thẻ, được vô hồ bơi Lido ở Hạnh Thông Tây. Mỗi ngày hai lần, tôi vừa đạp xe đến hồ bơi, vừa say sưa đọc những bài thơ tình của Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư... Những bài thơ tình của những nhà thơ trên mảnh đất Miền <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />NamTự Do mới trác tuyệt, lóng lánh một cách cao quý làm sao... Nhiều lúc, đọc những vần thơ trác tuyệt đó, tôi thấy tôi sướng như muốn điên lên được, tôi muốn hét lên cho tất mọi người biết, tôi đang được hạnh phúc, đang được sống với những vần thơ tuyệt đẹp, được trải lòng mình dưới ánh sáng lung linh lóng lánh của thơ... Tôi nhớ ngày đó, yêu thơ của Nguyên Sa quá, tôi đã tìm đủ mọi cách hỏi thăm, tìm kiếm, và khi biết được ông tên thật là Trần Bích Lan, tôi đã lần đến Hội Nhà Văn VN, rình rập và rồi được thấy nhà thơ Nguyên Sa một lần. Khi thấy ông, tôi ngạc nhiên hoàn toàn. Ông khác hẳn những gì tôi đã thêu dệt trong trí tưởng tưởng của mình. Ông thi sĩ thần tượng của tôi trông mập mạp, giống như một ông ba Tàu. Gương mặt của ông béo tốt, hạnh phúc, không có chút đường nét khắc khổ phong trần nào của một thi sĩ.. Từ đó, tôi thầm nhủ với lòng, tôi sẽ mãi mãi chọn cho mình cuộc sống "bên kia dốc Cầu Mơ", giống như nhan đề một cuốn truyện của nhà văn tài hoa Duyên Anh. Tôi sẽ không cho phép sự tò mò chiến thắng lòng quyết tâm của tôi. Tôi hiểu rằng, trong đời sống, có những lúc, nhưng nơi, những chuyện, những người,... thà được sống mãi mãi trong tưởng tượng, để được hạnh phúc viên miễn, còn hơn vì tò mò, đi tìm đến một sự thật....

Khi viết những dòng chữ này, tôi không hề có ý nói nhà thơ Nguyên Sa là một người đàn ông xấu trai. Tôi chỉ muốn nói, hình ảnh của ông khác hẳn hình ảnh tôi đã thêu dệt, đã tưởng tượng. Và cũng chính vì mang trong mình tâm trạng của một gã thích "sống ở bên kia dốc cầu mơ" để hạnh phúc với những gì mình thêu dệt, nên sau này, khi có cơ hội được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ tôi ngưỡng mộ như Du Tử Lê, Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, tôi vẫn cố gắng né tránh, mặc dù trong lòng, lúc nào tôi cũng háo hức, mong đợi...

Hết nghĩ đến ông Kim Dung, tôi lại nghĩ đến thầy tôi, lúc nào cũng cấm không cho tôi đọc truyện, vì sợ tôi đọc truyện cấm thì nguy hiểm đến cả nhà, mà đọc truyện của "nhà nước" thì bị tuyên truyền, đầu độc, trở thành thằng nghịch tử chống lại cha mẹ, rồi sau này thành nạn nhân cộng sản, mãi mãi sống trong ân hận. Tôi biết, những lo ngại của thầy tôi không phải không có lý. Ngày xưa còn bé, tôi đã say sưa ngốn những cuốn truyện như Ruồi Trâu, Thép Đã Tôi Thế Đấy; tôi đã đọc thuộc lòng những bài thơ của Xuân Diệu, Tố Hữu; tôi đã từng giật giải thi đọc bài thơ dài cả trăm câu "30 năm đời ta có đảng" của Tố Hữu; tôi đã từng say sưa thao thao bất tuyệt như một con vẹt nói về cái hay, cái đẹp, cái trong sáng của thơ Tố Hữu... Sau này, khi đã thoát khỏi bờ mê bến lú, nhìn lại những ngày tháng đó, tôi luôn luôn thở dài, vừa ngao ngán, xấu hổ, vừa thương hại cho chính mình.

Trở lại buổi chiều hôm đó, tại trại cải tạo Kà Tum, sau điếu thuốc lào say bủn rủn chân tay, tôi khoan khoái chiêm ngưỡng những cặp mắt nôn nóng chờ đợi của những người bạn tù. Tôi hắng giọng một cách điệu nghệ, uống một ngụm nước trà, kéo dài giây phút hạnh phúc, khi thấy nhất cử nhất động của mình đều được mấy chục cặp mắt nhìn theo... Khi không thể để mọi người chờ đợi lâu được nữa, tôi cất tiếng:

- Trong Tứ Hộ Pháp Vương Minh Giáo, cả ba vị hộ pháp kia đều là đàn ông, đều là những tôn sư võ học, danh tiếng lẫy lừng suốt mấy chục năm, được cả hắc bạch hai đạo nghiêng mình kính nể. Đứng về vị thế trong võ lâm, các vị hộ pháp đều có thể ngang hàng với bất cứ chưởng môn nhân nào của các đại môn phái. Thậm chí, ngay cả chưởng môn nhân của phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, khi nghe đến tên tuổi của các vị hộ pháp, cũng phải giật mình kiêng nể mấy thành. Tuy nhiên, Tía Sam Long Vương Kim Hoa Bà Bà được đứng đầu Tứ Hộ Pháp Vương vì bà đã có công đả bại Hàn Thiên Diệp, cứu sống Giáo Chủ Minh Giáo, trong một trận thách đấu vô cùng hi hữu, nguy hiểm, mà Giáo Chủ Minh Giáo đã cầm chắc cái chết...

Sau đó, trong thời gian gần hai tiếng đồng hồ, tôi thong thả kể cho các bạn tù nghe, mối huyết hải thâm thù giữa Hàn Thiên Diệp với Giáo Chủ Minh Giáo như thế nào, cuộc thách đấu trả thù cho cha dưới hàn băng đầm của Hàn Thiên Diệp ra sao, chuyện Giáo Chủ Minh Giáo tuy võ công thần sầu qủy khốc, nhưng vì không biết bơi, và vì đã hứa với thân phụ của Hàn Thiên Diệp, không mời bất cứ cao thủ nào thay thế mình trong cuộc thách đấu, nên Giáo Chủ Minh Giáo đành tính chuyện nhận lời thua cuộc, ra làm sao... Giữa giây phút thập tử nhất sinh đó, Đại Ỷ Ty, tức Tía Sam Long Vương đã xuất hiện, giao đấu và đả bại Hàn Thiên Diệp, cứu sống Giáo Chủ, để rồi sau đó, tình yêu giữa Đại Ỷ Ty và Hàn Thiên Diệp, đã nảy nở ra làm sao...

Vì trong truyện chưởng của Kim Dung, các tình tiết luôn giăng mắc, chồng chéo, cuộc đời của các nhân vật luôn tiềm ẩn mối quan hệ nhân quả, nên bất cứ ai đã đọc, đã nghe, đều thích thú theo dõi, không tài nào dứt bỏ được. Nhờ đọc tất cả những pho truyện chưởng của Kim Dung, nên từ buổi chiều hôm đó trở đi, mỗi tối, tôi lần lượt kể từng đoạn truyện chưởng cho bạn tù nghe. Đánh đổi lại, các bạn tù đã dành cho tôi một sự ưu đãi đặc biệt. Ngoài chuyện quà cáp, thuốc lào, thuốc lá, trà bánh được cung phục riêng cho tôi vào mỗi tối khi kể chuyện, tôi còn được hưởng đặc ân khỏi phải lao động làm phần việc của mình. Vì yêu thích truyện chưởng Kim Dung, mấy người bạn tù trong đội thợ xẻ, thợ mộc đã xin với quản giáo cho tôi về đội mộc bằng được. Sau đó, tất cả mọi người trong đội mộc tình nguyện thay phiên nhau cưa mỗi người mỗi ngày một mạch gỗ, để tôi khỏi phải động chân động tay, làm phần việc của mình. Mỗi tối, đúng giờ, anh em bạn tù kéo đến lán tôi rầm rập, để lắng nghe tôi kể truyện chưởng trong khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Trong số những người say mê nghe truyện chưởng, có anh chàng Minh Tồ là một nhân vật đặc biệt, tôi muốn dành vài đoạn để nói về anh. Như trong số báo trước, tôi đã nói, anh có biệt danh là Minh Mã Tấu, vì sau lưng anh là hình chiếc mã tấu to như mã tấu thật, được xâm một cách rất nghệ thuật nên trông linh động vô cùng. Trên tấm ngực to như cánh phản của anh là một bàn thờ với đầy đủ lư hương, nhang khói, đèn cầy, trái cây,... và dòng chữ, tôi nhớ không rõ, nhưng đại khái: Mẹ ơi, con sẽ về! Trên hai cánh tay của anh là hai vết thẹo hình dung kỳ dị chạy dài từ khuỷu tay đến gần cổ tay. Sau này, trở thành bạn thân, anh có kể cho tôi biết, anh là người rất khoái xâm trổ. Vì vậy cả thân hình anh, chỗ nào cũng có hình dáng xâm trổ, không thứ này thì thứ khác. Khi chiêu hồi về với VNCH, anh có đi lính Delta Force cho Mỹ. Vì hận cộng sản, nên trên hai cánh tay, anh đã cho xâm trổ hàng chữ "Sát Cộng" cùng với hình con dao găm, với máu VC đang chảy ròng ròng. Tôi có hỏi anh làm sao xâm trổ được máu VC, thì anh cười hềnh hệch bảo, nó cũng giống máu mọi người, chỉ khác là cho thêm hình ngôi sao 5 cánh, và búa liềm là ai cũng hiểu, đó là máu Việt cộng.

Sau tháng 4 năm 1975, anh tìm đường trở về Hải Phòng, tính gặp lại cha mẹ và người thân, nói lời vĩnh biệt trước khi vượt biển vượt biên. Không may, anh bị cộng sản phục kích bắt sống. Đến khi vô tù, cộng sản phát hiện ra dòng chữ "Sát Cộng" trên hai cánh tay anh, chúng đã đánh hội đồng anh một trận khủng khiếp. Nhờ có võ nghệ gia truyền, nên anh gồng mình chịu đòn và thoát chết. Sau trận đòn, viên giám độc trại giam quẳng cho anh một hộp lưỡi lam và ra lệnh cho anh, trong thời gian đúng 24 giờ đồng hồ, anh phải nạo bỏ hai dòng chữ "Sát Cộng". Bằng không, chúng sẽ đem anh bắn bỏ. Ngay đêm hôm đó, một mình anh, ngồi đốt ngọn đèn dầu, hơ lưỡi lam để sát trùng, rồi chậm rãi và lạnh lùng, anh lạng từng miếng da có dòng chữ "Sát Cộng".

Hình ảnh một người tù thản nhiên không một tiếng rên la, không một tiếng xuýt xoa, lạnh lùng dùng lưỡi lam lạng từng miếng da, dưới ngọn đèn bập bùng, trong khi máu chảy chan hòa, đã khiến nhiều người, tù nhân lẫn quản giáo, vệ binh, nhìn anh bằng cặp mặt vừa kính phục, vừa kiêng nể, e dè.

Anh Minh Tồ là người không biết chữ. Đó là chuyện thật lạ lùng, nhưng là sự thật. Chính bản thân tôi đã từng ngồi viết thư hộ anh. Trước khi gặp tôi, anh Cẩn, cũng là hồi chánh viên, thường viết thư hộ anh. Tuy có biệt danh Minh Mã Tấu trong giới giang hồ, nhưng trong tù, anh em vẫn gọi anh là Minh Tồ, có lẽ phần anh to con, tính tình đôn hậu đến độ ngốc nghếch, phần anh không biết chữ. Nhưng điều đặc biệt hơn cả ở anh Minh Tồ là sức khỏe tuyệt luân, giống như Hạng Võ, và võ nghệ siêu quần của anh. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.