Hôm nay,  

Tây Ban Cầm Việt Nam & Phùng Tuấn Vũ

02/01/200400:00:00(Xem: 1693)
wk_01022004_1
Sài Gòn, những năm cuối của thập niên 80s, khi trời vừa sập tối, trong một khu phố nhỏ quận Phú Nhuận, thoảng vang lên giai điệu của cây đàn guitar cổ điển. Tiếng đàn thật kiêu sa, điêu luyện, như tiếng hát Trương Chi, làm bồi hồi người nghe, gợi nhớ những gì rất xa xăm, tưởng chừng như không còn tồn tại trong đời sống nghiệt ngã thực tại. Gần hai mươi năm sau, cũng tiếng đàn đó, từ một nơi rất xa Sài Gòn, trong một hội quán nhỏ có tên Thuỳ Dương ở miền nam California, chàng Trương Chi năm nào lại xuất hiện, chững chạc và điêu luyện hơn, chinh phục được những Mỹ Nương khó tính bằng hai tiếng đồng hồ trình diễn thật tuyệt vời. Anh Trương Chi này có tên thật là Phùng Tuấn Vũ.
Hội quán Thùy Dương, nằm trên đường Westminster, giữa Beach và Hoover, chủ nhân là nhạc sĩ Hoàng Trọng Thụy cũng là xướng ngôn viên đài phát thanh Việt Nam California Radio, vẫn thường đem đến cho người Việt vùng Quận Cam những đêm nhạc chọn lọc. Trong một thời gian ngắn, tại Tiểu Sài Gòn, xuất hiện những quán cà phê có thêm chương trình âm nhạc vào weekend như hội quán Thùy Dương, quán LUP (của ca sĩ Lê Uyên). Những quán cà phê ca nhạc này đem lại một sinh hoạt tương đối mới cho dân ghiền cà phê và thèm nghe nhạc sống. Tuy nhiên, giá vé cho những buổi tối trình diễn tại những quán cà phê này đôi khi cũng không phải là rẻ so với vé đi vũ trường, vì vậy dân ghiền nhạc cũng tập trung ở Cà phê Factory và Starbuck trên đường Brookhurst, ở đó vào buổi tối những tay đàn guitar cổ điển cũng thường tụ tập để luyện đàn và trình diễn cho bạn bè thưởng thức.

Thường thì dân Việt Nam, giống dân Mễ Tây Cơ, về nam giới, hình như ai cũng biết đàn hát sơ sơ, nhưng đụng đến guitar cổ điển thì phải là người có đam mê, và đam mê đó phải rất lớn để có thể học hỏi và luyện tập ngón đàn này. Trong lúc đời sống hiện đại ngày càng đi nhanh và đa đoan, việc trình diễn và thưởng thức nhạc thính phòng cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng, giới trình diễn và thưởng thức nhạc cổ điển ngày mỗi ít đi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một bộ môn nghệ thuật mất đi vì thiếu người thưởng thức, nhưng nó cần được nâng lên một cấp độ cao hơn cho một số khán giả cô đọng hơn. Sự xuất hiện trở lại của những tay guitar cổ điển trong vùng Tiểu Sài Gòn cho thấy, sau một thời gian cần thiết để kiếm sống và hội nhập ở xứ người, phong trào guitar cổ điển lại hồi sinh, đó cũng là một tín hiệu tốt cho đời sống tinh thần của người Việt hải ngoại. Hy vọng rồi đây các tay đàn sẽ tìm được một nơi chốn đàng hoàng để trình diễn, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã bước sang thế hệ thứ hai, việc xây dựng những nơi chốn phục vụ giá trị tinh thần là điều không thể thiếu.
Trở lại với Phùng Tuấn Vũ, người được mệnh danh là Đệ Nhất Tây Ban Cầm của Việt Nam, anh vừa đến Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình chưa đầy hai tháng. Tin Phùng Tuấn Vũ đến trình diễn tại Quận Cam làm nức lòng người hâm mộ. Phùng Tuấn Vũ, ngoài lối trình diễn kiệt xuất, anh còn có khả năng sáng tác, nhạc khúc Nostalgia được viết trước khi rời quê hương và hoàn thành ở xứ người có thể nói là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của buổi trình diễn. Phùng Tuấn Vũ đã mang âm sắc Việt Nam vào tác phẩm, nói cách khác là anh đã phổ âm hưởng Á Đông trên tiết tấu kỹ thuật phương Tây. Đây cũng là một đặc điểm độc đáo trong tác phẩm của giới nghệ sĩ may mắn được thừa hưởng hai nền văn hoá tại Hoa Kỳ. Chắc chắn Phùng Tuấn Vũ, sau khi ổn định với đời sống mới, sẽ tiếp tục theo đuổi con đường mà anh đã chọn, sẽ đem đến cho người mộ điệu thêm nhiều tài năng và sáng tạo của anh trong những buổi trình diễn trang trọng và quy mô hơn trong những năm tháng sắp tới.

Weekend thân chúc Phùng Tuấn Vũ và tất cả các tay guitar cổ điển Việt Nam một năm mới thật trọn vẹn và thành công.

(Bài và Hình Brian Đoàn)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.