Hôm nay,  

Chuyện Cộng Đồng - Tuần Iv

05/05/200300:00:00(Xem: 4500)
Thắc Mắc Về Ông Con Gouriotis & Lê Phú Cường

Hữu Nguyên

(Tiếp theo số trước...)

Anh Lê Phú Cường phải đồng ý, nhìn vào lịch sử văn hóa nghệ thuật của mỗi dân tộc, ta thấy, dù muốn dù không, văn hóa nghệ thuật của một dân tộc luôn luôn là tấm gương phản chiếu trung thực cuộc sống của dân tộc đó. Trong giai đoạn đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm hay bị độc tài đô hộ, những người làm văn hóa nghệ thuật không thể né tránh, ngoảnh lưng lại cuộc chiến đấu chống xâm lăng, giành tự do dân chủ của dân tộc mình.
Nếu lịch sử Việt Nam ngay từ thuở hồng hoang dựng nước cách đây mấy ngàn năm, đã có "cậu bé làng Gióng" mới lên 3 tuổi đã biết cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt, đánh tan giặc Ân; có Bà Trưng Bà Triệu, tuy là phận nữ nhi nhưng đã cưỡi voi đánh tan quân Tô Định, giải phóng 65 thành trì, lập quốc xưng vương đóng đô ở Mê Linh; có tuyên ngôn độc lập Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư của Lý Thường Kiệt; có tiếng trống đồng đuổi giặc trên sông Bạch Đằng cùng với lời Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo; có Bài Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi; Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; và ngày nay có không biết bao nhiêu tấm gương khảng khái, can đảm hy sinh, đấu tranh cho dân cho dân cho nước như Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Độ, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh... thì hiện tại, tôi tin tưởng, không một người Việt yêu tự do nào, dù ở trong nước hay hải ngoại, là Linh mục hay Hòa thượng, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, làm nghệ thuật văn hóa hay làm chính trị... có thể mượn cớ "phi chính trị" để trốn tránh trách nhiệm trong cuộc đấu tranh chống cộng sản, giành tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh trách nhiệm dấn thân làm chính trị theo nghĩa "chính đạo, giành tự do, dân chủ, cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân", văn nghệ sĩ còn có bổn phận tôn trọng sự thực, duy trì lẽ phải, đạo lý. Một người văn nghệ sĩ khi say mê nghệ thuật, có thể không màng danh vọng, tiền bạc, không tranh quyền đoạt lợi... thậm chí có thể lơ là trách nhiệm của một công dân, bổn phận của một người cha, một người mẹ... Nhưng điều đó không có nghĩa, người nghệ sĩ có thể tảng lờ trước mọi tội ác, hoặc nhắm mắt bịt tai tôn xưng kẻ thù, bắt tay với giặc. Trong giai đoạn đất nước thanh bình, nhân dân hạnh phúc, người nghệ sĩ có thể để tâm hồn, cảm hứng chạy theo bóng mây bay, ướp trong ánh trăng vàng, hoặc say sưa khi ngắm hoa nở, khi chờ trăng lên. Nhưng khi đất nước bị ngoại xâm, hay bị cai trị bởi chế độ độc tài, tàn nhẫn, đến nỗi ai ai cũng muốn vượt biên, thì người nghệ sĩ chân chính đâu có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những tang thương của đất nước, của người thân, để yên tâm ngắm trăng thưởng hoa.
Trong hoàn cảnh của cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại, cộng với những tang thương do CSVN gây ra trên quê hương suốt nửa thế kỷ qua, cùng bản chất độc tài tàn nhẫn bất biến của CSVN đã được chứng minh trong quá khứ 50 năm qua và ngay cả trong hiện tại, chắc chắn người nghệ sĩ VN chân chính, dù ở trong nước hay hải ngoại, cũng đều phải có bổn phận góp phần vinh danh tự do dân chủ nhân quyền, và phơi bầy những sự thật về tội ác của CS trước công luận.
Trong nước, sống trong sự cùm kẹp của CS, chắc chắn người nghệ sĩ hay trí thức, muốn nói lên tiếng nói trung thực của mình là điều rất khó. Đúng như Thượng Tọa Tuệ Sĩ đã nói, “Tại Việt Nam ngày nay, những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy”. Trong hoàn cảnh nguy hiểm và khó khăn như vậy, Thầy Tuệ Sĩ vẫn can đảm viết, và Thầy vẫn tin tưởng: “Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược”.
Trong khi đó, sống ở hải ngoại, trong đó có Úc, chúng ta được hưởng tất cả những quyền tự do dân chủ, và những quyền đó được luật pháp bảo vệ. Vậy thử hỏi, tại sao những người mệnh danh là trí thức của người Việt hải ngoại cũng vẫn im lặng, khoanh tay, trước những tai ương của đất nước, trước những tội ác của CS" Sống ở hải ngoại, ai cũng có thể nói điều mình muốn nói, và không có ngòi bút nào bị bẻ gẫy, như vậy thì tại sao những người trí thức khoa bảng trong cộng đồng người Việt hải ngoại lại im lặng" Phải chăng qúy vị im lặng không phải vì ngòi bút bị bẻ gẫy mà vì qúy vị không muốn nói" Hay nói đúng hơn, quyền lợi, bổng lộc đã làm cho tâm hồn của qúy vị bị khô cằn"


Một nghịch lý lớn lao nữa tôi xin được mạnh dạn đề cập ở đây là, trong cộng đồng chúng ta có rất nhiều vị trí thức, trước đây ở Việt Nam từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền, quân đội, hoặc được chính phủ cho xuất ngoại du học, thành tài. Đáng lẽ những vị đó phải là tấm gương sáng trong công cuộc đấu tranh chống cộng để những người như tôi, hoặc những người trẻ như Lê Phú Cường noi theo. Trái lại, những vị đó tối ngày chỉ nghĩ đến những mưu mô đánh phá cộng đồng, gây mâu thuẫn, phân hóa giữa các tổ chức, các hội đoàn, đoàn thể.
Cả một quốc gia bị mất, cả một dân tộc bị tang thương dưới sự đô hộ của CS, suốt cả nửa thế kỷ, trong khi qúy vị mệnh danh là trí thức, với tuổi đời ít ra cũng ngoài 50, nhiều cũng phải trên 70, phải chịu không biết bao nhiêu đắng cay, nguy hiểm, phải chứng kiến không biết bao nhiêu bi kịch của quê hương, họ hàng, bằng hữu, thân nhân, và thậm chí của chính mình, vậy mà cho đến bây giờ, khi chẳng còn sống trên dương thế bao lâu nữa, qúy vị vẫn thờ ơ, lạnh nhạt trước tội ác của CS. Đã vậy, có vị lại tìm mọi cách phá phách, giật dây người này, lôi kéo người nọ, tạo bè, kết phái để làm suy yếu tiềm lực chống cộng của cộng đồng. Như vậy quả thực tôi không thể nào hiểu nổi.
Dĩ nhiên, nếu một người sinh ra và lớn lên bên cạnh những vị trí thức bạc nhược như vậy, hay những nhà trí thức tự cho mình là khôn ngoan như thế, chắc chắn những người trẻ tuổi như anh Lê Phú Cường khó có thể có một lập trường chống cộng sáng suốt và một lý tưởng cao thượng để theo đuổi.
Theo dõi báo Sàigòn Times phê phán anh Lê Phú Cường, bà Bội Trân, hay ông Hai Bầu, nhiều vị thức giả đã đóng góp ý kiến rất hợp lý. Những vị đó cho rằng, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nếu anh Lê Phú Cường được sinh ra và lớn lên bên cạnh những người như Cha Lý, như Thầy Tuệ Sĩ, thì chắc chắn anh sẽ trở thành những người đấu tranh cho tự do dân chủ, sẽ sẵn sàng trở thành những người tù lương tâm, sẽ giống như Cha Lý, mặc một chiếc áo trắng, ngồi trước tòa án của CS, mà vẫn nhắm mắt, thản nhiên duy trì ý chí, đức tin của mình.
Và nếu trong công việc làm văn hóa nghệ thuật của anh, nếu anh được song thân của anh khuyên bảo tận tình, được qúy vị trong ban chấp hành cộng đồng theo dõi, giúp đỡ, và nếu cần có thái độ cương quyết trước những sơ sót ban đầu của anh, thì chắc chắn, anh không bao giờ lại đi quá xa như anh đã đi.
Anh Lê Phú Cường là một người Việt tỵ nạn CS, lại là nhân viên nghệ thuật đa văn hóa cho CĐNVTD/NSW. Như vậy, bên cạnh trách nhiệm của một người Việt tỵ nạn CS, anh LPC còn có bổn phận làm cho bản sắc của CĐNVTD được thể hiện qua văn hóa và nghệ thuật. Dĩ nhiên, bản sắc của CĐNVTD thì rất đa dạng, nhưng then chốt nhất và có ý nghĩa nhất vẫn là lòng yêu tự do và tinh thần đấu tranh chống áp bức, độc tài. Đây là bản sắc cao qúy đáng để mọi người Việt tự hào vì, nhờ nó mà CĐNV hải ngoại được thành lập, nhờ nó mà quyền tỵ nạn được vinh danh trong Hiến Chương LHQ, và cũng nhờ nó mà chính phủ Úc chấp nhận cho 200 ngàn người Việt định cư.
Tuy nhiên, nhìn vào những việc làm của anh Lê Phú Cường trong thời gian qua, ta thấy mặc dù là người làm công ăn lương full time của CĐ với sự tài trợ của chính phủ, anh đã không những không làm tròn bổn phận của mình. Thay vì chú tâm vào việc phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ VN thể hiện bản sắc cốt lõi của CĐNVTD là lòng yêu tự do, và tinh thần kiên cường đấu tranh chống áp bức độc tài CS, anh Lê Phú Cường lại chú ý đến những đường nét văn hóa có tính hoa văn như hòn đá, cây cảnh, gánh hàng rong... Bên cạnh đó, anh LPC còn có những việc làm khiến nhiều người nghi ngờ lập trường chính trị của anh, như móc nối, tạo điều kiện cho Bội Trân, cán bộ giảng dậy văn hóa cộng sản, thâm nhập vô các cơ quan ngôn luận của cộng đồng.

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.