Hôm nay,  

Những Giờ Cuối Cùng Tại Bộ Tổng Tham Mưu Qlvnch

28/04/200200:00:00(Xem: 4334)
Tác giả Giao Chỉ, nguyên Đại Tá Quân Lực VNCH, hiện đang sửa soạn cho xuất bản tập bút ký đặc biệt của ông mang tên "Kính Thưa Niên Trưởng". gồm nhiều bài ông đã viết về chiến tranh Việt Nam. Nhân dịp 30 tháng Tư, Việt Báo trân trọng giới thiệu một trích đoạn từ sách kể trên. kể về những ngày giờ cuối cùng của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.

Buổi sáng 29 tháng 4 tại Tổng Tham Mưu.

Trải qua một đêm bị pháo kích, Tổng Tham Mưu thức giấc rất sớm. Tất cả anh em chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng mà suốt đời không quên được.

Từ phía Hóc Môn, một phi cơ vận tải võ trang (Hỏa Long) đơn độc đang tiến về Sài Gòn. Phòng không dưới đất bắn lên như mưa, chiếc vận tải cơ nặng nề chậm chạp xoay trở và tác xạ xuống các đơn vị địch. Cuộc chiến đấu rõ ràng là vô vọng. Có những lần chúng tôi tưởng chiếc phi cơ đã bỏ đi nhưng rồi lại nặng nề quay mũi lại. Hàng ngàn quân nhân các cấp của Bộ Tổng Tham Mưu đứng đó nín thở để coi cuộc chiến đấu tưởng như để thao dượt. Toàn thể binh chủng "Không Quân anh dũng muôn đời" trong khoảnh khắc chỉ còn lại đơn độc một vận tải cơ để đại diện tham chiến.

Rồi chuyện bắt buộc phải đến đã đến, con tàu Hỏa Long bị phòng không cắt đôi bốc cháy. Phi công nhảy dù ra nhưng chúng tôi thấy cánh dù không bọc. Đó là hình ảnh cuối cùng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa còn lại trên nước mắt long lanh của những người lính tại Bộ Tổng Tham Mưu.

Trước khi thưa chuyện với Tướng Kỳ, tôi xin viết lại đoạn trên để tặng Đại hội Không Quân 92 tại San Jose.

Thưa Thiếu Tướng, vào sáng 30 tháng 4-1975, khi niên trưởng bay trực thăng đến Tổng Tham Mưu, ông đã viết như sau:

"Dù tình thế tuyệt vọng tôi vẫn thử tìm đường qua Tổng Tham Mưu, hy vọng sẽ liên lạc được với vài đơn vị. Nhưng Bộ Tổng Tham Mưu lúc đó như sa mạc, Tổng Tham Mưu Trưởng, Đại Tướng Cao Văn Viên đã bỏ đi. Tướng Đồng Văn Khuyên đang quyền Tổng Tham Mưu Trưởng trên giấy tờ, nhưng ông Tướng Khuyên khốn khổ đó chỉ có một mình và không có ai giúp đỡ..."

Thưa Thiếu Tướng, vào những giờ phút chót đau thương của Bộ Tổng Tham Mưu, khi trực thăng của ông hạ xuống và bay đi, tôi đang đứng trước Trung Tâm Hành Quân. Khi niên trưởng đi rồi, tôi lên phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, bởi vì ông Tướng Khuyên "khốn khổ" đó là xếp của tôi. Ở đó còn có Trung Tá Nguyễn Tuệ, phụ tá chánh văn phòng và Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tấn, sĩ quan tùy viên.

Và trong lúc giao động nghiệt ngã nhất của lịch sử, tại cơ sở đầu não của quân đội, chúng tôi vẫn còn có thì giờ nói chuyện về tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Ông Kỳ của sáng ngày 29 tháng 4 là hiện thân của một người anh hùng mỏi mệt. Phi công và đoàn tùy viên cho biết đã bay cùng với ông gần như suốt đêm qua. Thiếu Tá Tấn tùy viên của Trung Tướng Khuyên đã phải lấy lương khô để tiếp tế cho anh em.

Thiếu Tướng Kỳ, trong buổi hội kiến lịch sử cuối cùng với Trung Tướng Đồng Văn Khuyên đã bàn tính đến việc đưa Bộ Tổng Tham Mưu về miền Tây. Ông Xếp của tôi, một người tôi rất kính trọng, Tướng Đồng Văn Khuyên cho rằng vào giờ phút đó không còn làm gì được hơn là chờ ở phép lạ của giải pháp Dương Văn Minh. Một phép lạ mà chính ông cũng như người bạn thân của ông, vị tướng cuối cùng của Hoa Kỳ ở Việt Nam là Homer Smith cũng không tin. Tướng Đồng Văn Khuyên, người Gò Công, rất liêm khiết, một sĩ quan quản trị lỗi lạc đã hoàn toàn bó tay trong 2 ngày cuối cùng của Bộ Tổng Tham Mưu.

Ông là người ở cương vị đã nhìn thấy quân đội VNCH tan từng mảnh như phản ứng của một dung dịch hóa học ở phòng thí nghiệm. Các tướng lãnh khác nếu còn tại ngũ cũng chỉ thấy từng phần, còn các tướng đã giải ngũ không theo sát tình hình diễn biến quân sự thì hoàn toàn không rõ như Trung Tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Hữu Có v.v...

Ngay cả Tướng Dương Văn Minh khi lên làm Tổng Thống cũng không nắm vững về cơ cấu quân đội và biến chuyển của chiến trường. Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng đã bị thời sự vượt qua một cách nhanh chóng.

Theo dõi sự đổ nát của toàn thể quân lực trong suốt tháng Tư thảm khốc, Tướng Khuyên chỉ còn biết để cho nước mắt chảy dài mỗi lần nghe tin từng thị trấn thất thủ. Một tuần trước ngày cuối cùng ông xin bên quân y mấy viên độc dược. Chuẩn Tướng Cục trưởng Cục Quân y Phạm Hà Thanh đã đích thân đem lên. Y sĩ, Chuẩn tướng Trần Đình Thọ, trưởng phòng 3 Tổng Tham Mưu cho ông Khuyên một cây súng lục nhỏ xíu chỉ đủ sức sát hại nếu ta để nòng súng vào thái dương.

Một phần vì Tướng Hoa Kỳ Smith kèm sát để đưa ông Khuyên đi bằng được vào chiều 29 tháng 4-1975 và cũng vì những lý do thường tình khác nên QLVNCH đã không có hình ảnh của một vị Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng tự sát tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi sẽ không bao giờ dám phê phán về những giọt nước mắt của Tướng Khuyên, viên độc dược của ông hay khẩu súng nhỏ. Tướng Khuyên chỉ còn bày tỏ được lòng can đảm cuối cùng khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tướng Cao Văn Viên đã đi rồi, ông vẫn còn đại diện toàn thể quân đội đến dự lễ bàn giao chức vụ Tổng Thống giữa cụ Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh.

Trong số những người hiện diện trong buổi lễ bàn giao của buổi chiều giông bão 28 tháng 4-1975 có thể ông là một trong số hiếm hoi biết trước Sài Gòn sẽ thất thủ trong vài ngày.

Trưa 29 tháng 4-1975, Tướng Smith vị tùy viên quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ yêu cầu Tướng Khuyên qua cơ quan DAO bên phi trường Tân Sơn Nhất. Trung Tá Nguyễn Tuệ, phụ tá chánh văn phòng và Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tấn, sĩ quan tùy viên đưa tướng Khuyên vào DAO lần sau cùng. Trung Tá Tuệ ngày hôm sau đi với tôi bằng tàu quân vận, bây giờ định cư ở Texas. Thiếu Tá Tấn ở lại đi cải tạo, sau đó vượt biên đến Hoa Kỳ năm 1989 hiện định cư tại San Jose.

Lúc 1 giờ chiều ngày 29 tháng 4-1975 tân Tổng Thống Dương Văn Minh bổ nhiệm Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng thay Tướng Đồng Văn Khuyên và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm phụ tá hành quân. Cùng một lượt, Tướng Vĩnh Lộc bổ nhiệm Tướng Lâm Văn Phát tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô thay Tướng Nguyễn Văn Minh đã ra đi. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục trưởng Cục Công binh lên làm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Trung Tướng Trần Văn Trung vẫn tại chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Tất cả các vị sĩ quan kể trên đều nghĩ rằng đang cố gắng trong một hoàn cảnh tuyệt vọng để giúp cho đất nước và quân đội. Tất cả - trừ một người - đó là Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh là Chuẩn Tướng QLVNCH đã giải ngũ sau 27 năm phục vụ và cư ngụ tại Cần Thơ. Bắt đầu từ lúc còn là Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4, Nguyễn Hữu Hạnh đã được binh vận Cộng Sản móc nối và chính thức cộng tác. Vốn là thuộc cấp thân cận của Tướng Dương Văn Minh, ông Hạnh đã lên Sài Gòn trình diện Big Minh vào đúng sáng ngày 29 tháng 4-1975 để được đặt vào một vị trí then chốt tại Bộ Tổng Tham Mưu.

Khi tôi mới ra trường năm 1954 thuyên chuyển về tiểu đoàn 30 Bộ Binh Biệt Lập thì Thiếu Tá Huỳnh Văn Dư làm Tiểu Đoàn Trưởng và sau đó bàn giao cho Đại Úy Nguyễn Hữu Hạnh. Tôi không thể nào đoán được rằng vị tiểu đoàn trưởng đầu đời quân ngũ của tôi sau này sẽ trở thành người của Cộng Sản rồi lên đảm trách phụ tá hành quân chiều 29 tháng 4-1975 tại Tổng Tham Mưu.

Kể từ giờ phút đó, Tướng Hạnh trực tiếp điều động các đơn vị thay mặt Trung Tướng Vĩnh Lộc. Trong vòng 12 giờ đồng hồ sau cùng của cuộc chiến, viên Chuẩn Tướng tái ngũ này đã đóng góp cho sự sụp đổ phòng tuyến cuối cùng tại Sài Gòn.

Nguyễn Hữu Hạnh điện thoại cho Trung Tướng Toàn tư lệnh quân đoàn III và gián tiếp cho phép rút bộ chỉ huy về Gò Vấp. Khi điện thoại cho Tướng Nam quân đoàn 4, ông Hạnh mô tả tình hình bi đát tại Sài Gòn. Tất cả các đơn vị xin rút lui đều được chấp thuận dễ dàng. Các đơn vị xin tấn công giành quyền chủ động đều bắt buộc phải án binh bất động để chờ lệnh. Trên thực tế ông Hạnh không hề báo cáo cho Trung Tướng Vĩnh Lộc các cú điện thoại như vậy.

Ngay từ buổi chiều Tướng Vĩnh Lộc lên máy loan báo về sự bổ nhiệm các chức vụ và đồng thời ra lệnh cho các đơn vị ở lại chiến đấu. Tướng Lộc đã lên án những người khác "bỏ chạy như chuột". Trong tinh thần trách nhiệm và nhiệt thành vào giờ phút cuối cùng, ông đã có những lời nhầm lẫn chết người. Tối 29 tháng 4-1975, trên toàn thể chiến trường Đông Dương suốt 30 năm chinh chiến, chỉ còn có vị tướng trẻ duy nhất chiến đấu. Đó là Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo mới đeo thêm một sao tại Xuân Lộc để trở thành Thiếu Tướng. Ông Đảo tưởng là mình đã may mắn tìm lại được Bộ Tổng Tham Mưu vẫn còn hữu hiệu nên đã xin được rút quân về bên này sông Đồng Nai để lập lại tuyến phòng thủ.

Ông điện thoại TTM gặp ngay tay Việt Cộng nằm vùng đeo lon Chuẩn Tướng bèn được chấp thuận dễ dàng.

Đến khi đơn vị phòng thủ tuyến Sài Gòn xin phá các cây cầu để chặn bước tiến của địch thì ông phụ tá hành quân Nguyễn Hữu Hạnh lập tức cho lệnh chờ, viện cớ là có thể cần giữ lại để phản công. Trong hoàn cảnh như vậy, tướng Lê Minh Đảo đã hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ giữ tuyến cuối cùng ở Sài Gòn cho đến ngày trình diện "học tập" và là vị tướng lãnh sau cùng ra khỏi nhà tù Cộng Sản.

Và cũng trong đêm 29 tháng 4-1975 đó, chiến dịch di tản bằng trực thăng của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục.

Vào lúc 5 giờ sáng 30 tháng 4-1975 viên Chuẩn Tướng nằm vùng bắt đầu một buổi thuyết trình toàn bộ các hình ảnh bi đát nhất cho Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Vĩnh Lộc và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, phụ tá quốc phòng của Đại Tướng Dương Văn Minh.

Nghe xong bài thuyết trình chiến sự giờ chót, Tướng Vĩnh Lộc biết ngay là tình hình hết thuốc chữa. Qua điện thoại, Tướng Vĩnh Lộc cho Đại Tướng Minh biết sẽ gửi Tướng Hạnh và Tướng Có lên báo cáo tình hình. Phần ông, ông xin phép vắng mặt.

Sau đó Tướng Vĩnh Lộc và Tướng Trần Văn Trung đã kịp lên chuyến tàu hải quân cuối cùng để ra đi. Trung Tướng Trần Văn Trung vị Tổng Cục Trưởng Tổng Cục CTCT đã ra đi bỏ lại cả những người con gái thân yêu của ông mãi sau này mới đoàn tụ.

Từ giờ phút đó Bộ Tổng Tham Mưu chính thức không có Tổng Tham Mưu Trưởng. Chuẩn Tướng Hạnh và Trung Tướng Có qua Phủ Thủ Tướng cùng với Tướng Dương Văn Minh để thảo luận về các tuyên cáo bỏ súng.

Sáng 30 tháng 4-1975 khi nghe bản tuyên bố buông súng tan hàng, Trung Tá Nguyễn Văn Chúc, thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Tổng Cục Tiếp Vận lấy súng về nhà bắn con, bắn vợ và sau cùng tự sát.

Và cũng cho đến 30 tháng 4 các tướng Big Minh, Nguyễn Hữu Có, Vĩnh Lộc đều không ai biết là Nguyễn Hữu Hạnh nằm vùng. Sau này ông Trung tướng Có đi cải tạo và Nguyễn Hữu Hạnh trở thành đại biểu quốc hội của Hà Nội.

Giao Chỉ
(Viết năm 1992, trích bút ký "Kính thưa niên trưởng" sẽ xuất bản.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.