Hôm nay,  

Góc Nhạc Cổ Điền

21/07/200600:00:00(Xem: 1988)

 

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về

classical@vietbao.com

Foto: vivald by LeoneGhezzi1723.jpg

Schumann: "Chương đầu là một trong những khúc nhạc trữ tình nhất anh đã sáng tác, một tiếng thở than trao cho em"

Viva Vivaldi

- Quốc Văn

"ai mua trăng tôi bán trăng cho”

Chiều nay trời nắng ráo. Đột nhiên mạn đông mây đen ùn ùn dâng lên một đống, người ta nghe thấy cả tiếng sấm đì đùng từ những đám mây kia. Những tưởng rồng đang cuốn nước, nhưng tịnh không một giọt mưa, phía tây vẫn nắng chan chát, và thời tiết thực oi ả. Kể tiết trời như thế cũng kì lạ.

Những hôm nóng bức như thế, không còn muốn làm gì, cũng không thiết nghe nhạc nhung gì. Nhạc thì không buồn nghe nhưng người viết lại nghĩ lan man tới thứ nhạc liên quan đến thời tiết, như bản 4 Mùa của Vivaldi chẳng hạn. Vậy xin ghi lại dưới đây đôi dòng "cảm tưởng" về bản nhạc bất hủ này.

 

Thứ nhứt, tác phẩm này mới được khai quật lại gần đây, đâu vào thập niên 50 thế kỉ trước, và nó nhanh chóng được phổ biến thật rộng rãi. Dạo nhạc cổ điển còn thịnh hành và còn được ưa chuộng (dạo nào vậy cà!), có lúc người viết thấy bầy bán vài tá ấn bản khác nhau của bản này tại một cửa tiệm. Thật rối rắm, muốn mua cũng không biết đường nào mò. Người viết có biết một nhơn sự sở hữu hơn 12 ấn bản của bản 4 Mùa, mà đương sự như không có vẻ sẽ ngưng lại ở hàng tá đó.

 Câu hỏi tự nhiên được đặt ra nên mua an-bom nào, nói cách khác an-bom nào là hay nhứt" Đây là một câu hỏi rất nguy hiểm vì câu trả lời nào cũng có người sẽ không hài lòng. Suy cho cùng thì hay dở tùy thuộc rất nhiều vào "khẩu vị" người nghe. Đằng khác thì đa số các tay vĩ cầm của các hãng dĩa nhựa đều là hảo thủ số một, nên già tui thiển nghĩ bạn có bợ an-bom nào thì cũng cũng không đến nỗi thất vọng lắm đâu.

Thôi thì xin nói qua về một vài album già tui được biết:

Niguel Kennedy (hãng EMI): an-bom này được nói đến nhiều, có ý kiến cho là rất… ấn tượng. Nhưng cũng rất nhiều chỉ trích nặng nề về ấn bản này. Những người phê phán cho đây là bản 4 Mùa của Kennedy chứ không còn là của Vivaldi, Kennedy màu mè như bề ngoài của anh ta… Nhận xét này không sai, cộng thêm giá bán "full price", nên có tò mò muốn mua bạn cũng phải đắn đo thì hơn.

Gil Shaham (hãng DG): một cao thủ, thi triển tuyệt kỹ với giàn Orpheus sừng sỏ. Màn quyết đấu thần sầu, một vào cuối hè (track 6) và một vào đầu đông (track 10), làm đám tóc gáy còn thưa thớt của già tui dựng đứng cả lên.

Thứ đến, trong 4 Mùa có nhiều giai điệu tuyệt hay. Hay đến nỗi nếu lỡ nghe, nó dính luôn vào đầu, cả ngày không dứt ra được. Làm công việc gì cũng thấy giai điệu đó lởn vởn trong óc, vo ve bên tai, hoặc bật thành tiếng huýt gió. Đến độ ấy thì già tui vốn tính đằm thắm cũng phát cáu. Cáu thì cáu nó cũng không tha cho. Sau này già đầu tui mới nghĩ được cách trị cái hội chứng e-cô này, xin mách cùng bạn đọc.

Trong trường hợp này bạn nên lấy bản Hàn Mặc Tử do cô Thanh Tuyền trình bày ra mà nghe:

"ai mua trăng tôi bán trăng cho, trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ"

Nghe dồn vài tua, bảo đảm cô Thanh Tuyền sẽ đá ông Vivaldi văng đi mất hút.

Khốn nỗi, sau khi tiễn được Vivaldi, bây giờ đến cô Thanh Tuyền ngự trị bạn với một chế độ còn khắc nghiệt hơn xưa. Trong tình cảnh tuyệt vọng này, bạn thử đổi qua bản Biển Mặn do Duy Khánh trình bày coi xem sao:

"nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai"

May ra Duy Khánh sẽ mời được cô Thanh Tuyền đi chỗ khác chơi. Chỉ còn nỗi kinh sợ rằng bây giờ ngộ nhỡ ông Duy Khánh ổng…

Thật là một vòng lẩn quẩn. Và lẩm cẩm hết sức.

Xin trở lại với 4 Mùa. Người ta thường nói rằng nhạc không lời có khả năng diễn tả được nhiều thứ như tả mưa rơi, bão tố, tả cảnh chiến tranh… Thực sự đó là thứ nhạc vào thời khá xưa. Từ đầu thế kỷ 20 ít có nhạc sĩ nào còn làm như thế. Họ như ngại cái gì, họ tránh lối mô tả trực tiếp. Ông Debussy viết bản La Mer (Biển) mà tuyệt không thấy đâu là nghêu sò ốc hến. Gần đây, Morton Feldman viết Rothko Chapel gồm 5 phần, cũng không có dính dáng gì tới Rothko: không thấy đền thờ, không thấy bảng đen (ông Rothko thích vẽ bảng đen). Trong bản Rothko Chapel chỉ thấy hư vô. Khốn thay! Ai mà mô tả được hư vô.

Kẻ viết cho đây là hội chứng khác, hội chứng roi vọt. Có lẽ vào thời sơ học yếu lược với những đầu đề luận văn thày cô giáo dữ đòn ra, hôm thì tả con mèo, hôm khác tả mẹ chồng, tả con bull dog, tả bố vợ…Lớn lên, nếu phải việc mô tả, nhiều người đâm rùng mình chăng.

Vivaldi không thế. Ông thày ngon lành hơn nhiều. Không hội chứng vớ vẩn gì cả, ông đường hoàng tả, trước khi tả, ông còn làm thơ. Mỗi mùa ông làm vài câu thơ theo thể hứng*, rồi ý nhạc tuôn ra ào ào: nào là chó sủa gâu gâu (track 2), nào giấc ngủ bị ruồi muỗi bu (track 5), bão tố đùng đùng (track 6), nào say sưa chè chén (track 7), xóm vắng êm đềm (track 8). mưa rơi tí tách (track 11)… Nói thẳng, không quanh co, không trừu tượng ấn tượng, không siêu thực dã thú hậu hiện đại tân hình thức gì ráo. Và ông viết ra những giai điệu tuyệt vời.

Cũng cách viết như Vivaldi, ngày xưa ông Beethoven tả mưa bão trong Symphony số 6, Schubert viết về cá trout, Rimsky-Korsakov tả con ong, Respighi lấy cảm hứng từ con gà và bồ câu… Thật an bình, giản dị và hạnh phúc. Cái thứ hạnh phúc chỉ có được vào một thời thanh bình. Và chỉ có ở những tâm hồn trong sáng, lành mạnh như trẻ thơ.

Như Vivaldi. Viva Vivaldi.

*Mùa xuân Vivaldi viết:

Xuân về lòng những vui mừng

Con oanh học nói trên cành líu lo.

Và kia dòng suối quanh co,

Gió xuân hiu hắt thơm tho nắng vàng.

Bản dịch nghe giống vè. Kỳ thực bản gốc cũng rất chán. Vì không ai nhận chủ quyền thơ được phổ, nên người ta cho rằng chính Vivaldi sáng tác. Không hề gì, Vivaldi không là nhà thơ, ông là nhạc sĩ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.